Cuối tháng 4 năm 1975, Sàigòn trong cơn hốt hoảng. Tổng Thống Thiệu từ chức, giao quyền cho Phó Tổng Thống Trần Văn Hương. Cụ Hương, dưới nhiều áp lực, phải nhường quyền lại cho Ðại Tướng Dương Văn Minh, với hy vọng có một giải pháp ôn hòa trước sự tiến quân ồ ạt của Cộng quân. Nhưng hy vọng mỗi lúc mỗi mỏng manh. Sàigòn khi nào bị tràn ngập? Ngưng chiến được chăng? Chánh Phủ lui xuống Vùng IV để dễ cầm cự? Và lui binh cách nào...? Các câu hỏi cứ đan quấn vào nhau, mỗi lúc mỗi thêm rắc rối. Giữa lúc khó khăn ấy, Phó Ðô Ðốc Chung Tấn Cang, sau nhiều năm biệt phái đảm nhiệm các trách vụ ngoài Hải Quân, đã trở lại Hải Quân, quân chủng mà ông đã xuất thân với đầy ưu tư gắn bó. Nhưng chẳng được bao lâu, thời cuộc tính bằng ngày, và quanh Sàigòn Cộng quân đã có mặt. Thủy trình huyết mạch, hơi thở của Sàigòn trong bao lâu là con sông Lòng Tàu và Soai Rạp phải được giữ vững. Và đó còn là con đường cuối cùng của đoàn tàu của Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa rời Sàigòn, đem theo hầu như tất cả chiến hạm khiển dụng với hơn 27.000 quân nhân và đồng bào. Ra đi đúng lúc, không sớm , trước khi quá muộn. Ra đi nghiêm túc và an toàn. Ðó là cuộc lui binh đẹp đẽ, đầy kỷ luật Sau 25 năm, dù có ác ý đến đâu, chưa ai có thể chỉ trích được, nếu không nói là đây những lời khen ngợi người điều động toàn thể hạm đội, từ lúc manh nha kế hoạch, cho đến khi trao các chiến hạm lại cho Hải Quân Hoa Kỳ, là Phó Ðô Ðốc Chung Tấn Cang. Sau gần 25 năm im tiếng, lần đầu tiên ông đã dành cho người viết một cuộc mạn đàm gần cả một ngày. Ông đã về hưu, mắt yếu, không đọc được nhiều, nhưng trí nhớ còn tốt. Bên ly rượu chát như một thời phong lưu đầy quyền uy của một vị Ðô Ðốc Hải Quân. Ông chậm rãi kể về cuộc lui binh ấy và cả về cuộc đời ông.
Ðược hỏi, ai là người có công nhất trong kế hoạch này, ông cười và đáp, "Tất cả mọi người như anh biết, sức mạnh của Hải Quân là sức mạnh tập thể. Trên con tàu không phải một mình ông Hạm Trưởng làm được mọi việc, mà là sự hợp lực hài hòa, khéo léo của tất cả mọi người. Tàu tách bến mà anh thủy thủ làm giây không buông giây đúng lúc thì con tàu làm sao ra được. Chuyến đi nói trên là công lao của tất cả anh em Hải Quân thuộc mọi cấp bậc. Và cũng là truyền thống tột đẹp của Hải Quân mình." Một cách cụ thể, ai là người thảo kế hoạch, lo thi hành kế hoạch, ông đáp "Khi đất nước đã đến lúc phải tính chuyện đi hay ở, người giúp tôi soạn thảo kế hoạch là ông Chí (Phó Ðề Ðốc Nguyễn Hữu Chí), Tư Lệnh Hành Quân Biển, ông Sơn (Nguyễn Xuân Sơn, Ðại Tá Tư Lệnh Hạm Ðội) ông Kiểm (Ðại Tá Ðỗ Kiểm, Ðại Tá Tham Mưu Phó Hành Quân) ông Luân (Ðại Tá Chi Huy Trưởng Tiếp Vận) và ông Khuê (Ðại Tá Phạm Mạnh Khuê, Tham Mưu Phó Hành Quân Biển). Ðó là lúc sửa soạn." Ông ngừng một chút và tiếp "Ðâu như hôm 26/4/75, tôi có họp Bộ Tham Mưu lại, nói rõ ý định là phải ra khỏi Sàigòn. Mà đi là cùng đi tất cả. Ra khỏi Sài-gòn, giữ lấy toàn thể lực lượng rồi sẽ tính sau. Bây giờ các tàu bè phải lấy đầy dầu nước, tiếp liệu càng nhiều càng tốt....Ông Luân có hỏi, thế phiếu phát thế nào. Tôi cười, đến giờ này mà còn phiếu gì nữa. Ai mang được bao nhiêu cứ ra sức mà mang."
Sự ra đi cuả đoàn tầu có tính cách chiến lược, vậy trước khi có quyết định này, Ðô Ðốc có được chỉ thị cuả Tổng Thống hay chính phủ không? Ðô Ðốc Cang đáp:" Giưã lúc mà tình hình quân sự và chính trị rối loạn như thế, ông Dương Văn Minh không có một quyết định gì. Tôi có gặp ông, hỏi, ông chỉ đáp:" Tuỳ các anh..." Vì thế tôi đã chỉ thị bằng miệng cho Ðại Tá Sơn, Tư Lệnh Hạm Ðội để sẵng sàng đem Hạm Ðội ra biển. Và một cách cụ thể, tôi đã đặc biệt nhắc ông Sơn phải dành 2 chiếc Dương Vận Hạm với tất cả các phương tiện truyền tin và tiếp liệu, một chiếc dành cho chính phủ khi phải rời Sài Gòn bằng đường thuỷ, chiếc kia dành cho Bộ Tư Lệnh Hải Quân. Với loại chiến hạm này có bãi đáp cho hai trực thăng."
Nhưng rồi Tổng Thống Minh không xử dụng. Ðô Ðốc Cang đáp:" Trước khi đoàn tầu ra đi, tôi có cho Ðô Ðốc Diệp Quang Thuỷ,Tham Mưu Trưởng lên gặp ông Minh. Ông vẫn không có quyết định nào khác, chỉ nói:" Thôi các anh đi đi.."
Như thế Tổng Thống Minh muốn rời Sài Gòn bằng đường thuỷ rất dễ dàng. Ðô Ðốc Cang tiếp:" Ðúng thế, đó là một quyết định can đảm và đầy trách nhiệm. Ðúng hay sai lại là vấn đề khác.
Còn ở ngoài biển, ai là người đắc lực nhất? Ðô Ðốc Cang lại cười và nói: "Nhiều người kể công mình lắm. Sai cả. Người giúp tôi nhiều nhất, đắc lực nhất, ngày đêm lo cho đoàn tàu là ông Hùng (Phó Ðề Ðốc Ðinh Mạnh Hùng). Nếu phải nói lời cám ơn, hay tưởng thưởng thì chỉ có ông Hùng." Ông lại cười và tiếp: "Mới đây có người nói là ông Richard Armitage lo cho đoàn tàu. Sai. Ông ta chi là một vị sĩ quan liên lạc, giữa Hải Quân Mỹ và đoàn tàu của Hải Quân Việt Nam không hơn không kém. Khi đoàn tàu vào hải phận Phi Luật Tân, Chánh phủ Phi không cho vào, vì đoàn tàu còn treo cơ Việt Nam Cộng Hòa. Chính tôi đã đề nghị, trảlại tàu chiến của Mỹ cho Mỹ, theo tinh thần tài liệu viện trợ MAP (Military Aid Program), vì tàu của Mỹ giao cho Việt Nam Cộng Hòa sử dụng, khi không sử dụng nữa thì phải trao lại cho Mỹ, và đoàn tàu vào Subic, là căn cứ của Mỹ, chứ có vào đất Phi đâu". Vẫn cười , ông tiếp "Ông Armitage yêu cầu đoàn tàu đi thẳng đến Guam. Tôi bảo, không được. Gần 30 ngàn người trên tàu, bao nhiêu vấn đề. Mà dù có đi Guam cũng phải vào Subic để tiêp tế đã chứ... Thế là đoàn tàu vào Subic, căn cứ của Mỹ, mình giao tàu lại cho Mỹ. Trước đó mình đã tổ chức làm lễ hạ quốc kỳ Việt NamCH rất long trọng và cảm động"
Khi đoàn tàu rời khỏi Sàigòn, đã ở ngoài biển, mà Tổng Thống Dương Văn Minh không đầu hàng thì sao !" Ông đáp: "Thì ít nhất ta vẫn giữ được toàn lực lượng của Hải Quân mình. Khi ấy, nếu thời cuộc thuận tiện ta lại quay trở lại, vào Cần Thơ chẳn hạn. Ở đó vấn đề tiếp liệu còn đầy đủ. Dầu nhớt và đạn dược còn nhiều. Nhưng Sàigòn, hôm đó ấy là ngày 29/4/1975, đoàn tàu phải ra cái đã. Ra trước khi tụi nó tiến sát vào bờ sông Soai Rạp, Lòng Tàu. Và như chúng ta thấy, hôm sau 30/4/1975, khi chúng ta ở ngoài khơi an toàn rồi, ông Minh tuyên bố đầu hàng. Lúc ấy có một số tàu rời Saigòn, một số bi bắn. Chiếc tàu nào có ông nhà báo Chu Tử, bị đại bác của xe tăng Việt Cộng bắn đó.... Chậm mấy tiếng là hỏng hết."
Còn Phó Ðề Ðốc Hoàng Cơ Minh? Ðô Ðốc Cang lại cười và nói: "Ông Minh lo về liên lạc, nên các chiến hạm chỉ nghe thấy tiếng ông ấy. Nhưng trên thực tế, từ lúc tàu ra đi, cho đến khi giao tàu cho Mỹ, trên đường đi chúng ta đều tiếp cứu các ghe xuồng của đồng bào vượt biển hệ thống chỉ huy do tôi điều khiển vẫn rất nghiêm chỉnh. Tuy đất nước đã lọt vào tay Cộng Sản, nhưng đoàn tàu vẫn còn trương cờ Việt Nam Cộng Hòa, và phải nói là trên tất cả các chiến hạm, kỷ luật vẫn được duy trì, không hề có sự rối loạn nào. Ðó là công lao của tất cả mọi người, thuộc mọi cấp bậc. Tôi hãnh diện về tinh thần ấy, và cám ơn tất cả anh em."
Ðược hỏi lý do thành lập Lực Lượng Ðặc Nhiệm 99, ông cười rồi thong thả đáp:" Từ xưa đến nay, trong nghệ thuật chiến tranh, tiến đã khó, lùi lại càng bội phần khó hơn. Trong lúc lui, lực lượng hậu vệ là quan trọng nhất. Lát nưã đây, anh tiếp xúc với Ðại Tá Dõng, Tư Lệnh Lực Lượng này để nắm vững mục đích về việc thành lập LLÐN 99, nhất là sự hữu hiệu cuả nó trong việc bảo vệ Sài gòn, nhất là thuỷ lộ huyết mạch Lòng Tào và Soài Rạp."
Trở lại với vấn đề bảo vệ bờ biển Việt Nam, chuyện xâm nhập,được nhắc lại về con tàu của Việt Công vào Vũng Rô ngày 19/2/1965, trong tài liệu của Việt Cộng, đây là thứ 23 con tàu này đã xâm nhập vào ờ biển miền Nam. Ðiều quan trọng là, ngoài việc tàu họ xâm nhập, họ còn có đơn vị bến bốc dỡ hàng, và di chuyển đi ngay, có nghĩa là họ nắm được dân, Ðô Ðốc Cang, cười và hỏi lại: " Anh đi tàu, các anh khám xét các ghe thuyền trên biển, các anh khám xét giấy tờ của họ, các anh có biết giấy đó thật hay giả, người cấp là ai..." Ông nhấp một hớp rượu vang nhỏ, rồi tiếp: "Ðó là vấn đề. Lẽ ra tại các đơn vị quanh bờ biển, bờ sông, phải do Hải Quân cai quản... Ðó là vấn đề, và ai họ giao cho mình. Tế nhị lắm. Cái khó là ở đó.
Rộng hơn nưã, được hỏi tại sao Miền Nam mất về tay Cộng Sản? Ông đáp: "Trước hết, ta không nắm được tiếp vận. Mỹ họ nắm, khi họ buông là ta nguy. Hơn nữa ta không có chiến lược lâu dài các chánh phủ thay nhau như cơm bưã, nhất sau vụ Ðệ I Cộng Hòa bị lật đổ. Cuộc chiến của chúng ta lại chỉ là tự vệ. Cộng Sản nó tấn công đơn vị mình. mình giữ được kể là đã thắng, thì cái thua đã có từ căn bản". Rồi ông lại hỏi ngược lại người viết; " Chúng ta như anh với tôi, đều yêu nước cả. Ta đâu có ưa gì thằng Tây. Tại sao ta lại chiến đấu bên cạnh Tây đánh Việt Minh." Người viết ngồi im, ông tiếp: "Tầu hay Tây đều là người ngoài, lâu hay mau, như thứ bệnh ngoài da, từ từ ta sẽ tìm cách trừ đi được. Còn cái anh Cộng Sản, lại là thứ Cộng Sản Việt Nam, đó là một thứ bệnh từ trong máu, phải lo chữa trước. Bệnh Cộng Sản nó thấm vào máu, nguy hiểm lắm. Ðó là cái lý mà ta ở bên cạnh Tây đánh Cộng Sản" Vẫn ly rượu nho trên tay, ông tiếp: "Tôi sinh năm 1926 tại Gia Ðịnh. Lúc mới lớn, tôi rất ghét Tây. Tôi đã định ra bưng theo kháng chiến rồi đó chứ. Nhìn thằng Tây nghinh ngang trên đất nước mình, tôi bực lắm. Giữa lúc ấy tôi có hai ông cậu, là hai vị linh mục, đi theo kháng chiến bị Tây bắt, nhốt ở bót Catinat. Sau được thả ra, gặp tôi, tôi tỏ ý muốn ra bưng, hai ông cậu tôi giận lắm, mắng rằng, mày có ngu không. Ra đó ai tin mày, mày bị lợi dụng rồi mất xác thôi...Rồi thời cuộc đưa đẩy, tôi đã là sĩ quan hàng hải, lúc thành lập Hải Quân, tôi vào Hải Quân. Bản thân tôi, tôi không ưa nếp sống Quân Ðội. Nhưng bà cụ thân sinh tôi lại khác, cụ nói, đã là quân nhân con không được hèn. Chết thì chết, không bao giờ hàng cả. Con chết ở đâu má đến đó lấy xác con về. Không bao giờ hèn nhát hàng giặc." Vẫn cười, ông tiếp: "Nếu tôi còn làm Tư Lệnh Biệt Khu Thủ Ðô, có lẽ tôi sẽ ở lại chống tụi nó cho tới chết...." Người viết bàng hoàng như vừa nghe qua câu chuyện cũ trong Cổ Học Tinh Hoa. Ðợi cho sự bàng hoàng lắng lại, một câu hỏi khác được nêu lên là "Với tư cách là một vị sĩ quan cấp Ðô Ðốc, trong những ngày đầu tại Mỹ, Ðô Ðốc có gặp những khó khăn, những phiền lụy gì không?" Ông dơ tay như cản câu tôi nói và trả lời ngay: "Bảo rằng cực ư. Lúc ở bên nhà đi hành quân nguy hiểm, đói khát, thiếu thốn bao nhiêu. Giờ đi làm, cũng chỉ vừa sức, và đầy đủ phương tiên an toàn, vừa sẵn có thuốc men khi đau yếu, có gì là khổ. Bảo là nhục ư. Nếu ở lại bên nhà, dưới sự hành hạ của Việt Cộng, cái nào nhục hơn..."
Nói về những vui, buồn trong đời quân ngũ, ông chậm rãi: "Cái vui và cái buồn đi đôi với nhau. Lúc mới ra trường, ông Chơn (Ðô Ðốc Trần Văn Chơn) đổi xuống chiếc LCM, tôi đổi xuống 2 chiếc LCVP, và nằm chung với anh em đoàn viên. 5 cái giường vải tháo ra. Lau sàn gỗ cho sạch, thầy trò nằm chung bên nhau. Anh em vui buồn có nhau. Khi đeo tới lon Thiếu Tá rồi, xa lính. Công việc lúc này chỉ còn có cái bàn và cái ghế, mất vui." Ông lại nhấp một hớp rượu nhỏ và tiếp: "Năm 58, ở Trà Vinh, lúc thành lập Gian Ðoàn 23 Xung Phong, sinh hoạt với anh em đoàn viên, tôi còn nhớ anh Lạc, Hạ sĩ cơ khí. Anh Lạc có một cô bồ bán dừa tươi ở bên kia sông. Mỗi buổi trưa anh ta lội qua bên kia sông tán cô bồ, khi về lại mang cho tôi một tái dừa tươi. Dễ thương lắm. Rồi đi hành quân tại Sa Ðéc, anh ta chết. Bị mìn." Nói tới đó nét mặt ông đổi khác, chìm lắng, bâng khuâng.
Suốt bưã, ông hầu như chẳng ăn bao nhiêu chỉ nhấm nhấp ly rượu chát. Giọng nói ông như mỗi lúc mỗi thêm hưng phấn và thấp thoáng sự bồi hồi. Ông nói: " Lính tráng lương lậu đâu có bao nhiêu mà mỗi lần vi phạm kỷ luật bị trừ lương, ghi điểm rồi làm sao lên lon. Do đó, thấy tôi chỉ nhốt mà không ghi vào quân bạ. Ðứa nào nặng lắm, tôi đưa ra hỏi:" Thay vì 8 ngày tù, giờ mầy chịu tám hèo được không? Lính tráng như hiểu được lòng tôi, nên bị đánh mà vẫn vui." Hớp một hớp rượu nữa, định nói thì phu nhân cuả ông, tóc đã bạc, vẻ mặt thật phúc hậu, nhắc:" Ông ăn đi chớ." Rồi bà quay sang nói với chúng tôi: "Hôm nay ông ấy vui lắm đấy. Ít khi ông nói nhiều thế." Ðô Ðốc Cang lại tiếp: "Lúc ấy, nhằm năm đầu thành lập Hải Quân ấy mà, quanh tôi nhiều anh em đoàn viên là người Bắc. Vui lắm. Có lần đi hành quân tại Ðồng Tháp Mười, tàu vừa nhô ra khỏi đầu con kinh, anh đoàn viên gốc Bắc Kỳ kêu lên:" Úi chà..." Tôi hỏi gì thế chú. Anh ta chỉ ra cánh đồng trước mặt và nói:" Mênh mông như bể..."
Cuộc mạn đàm tới đây coi như tạm đủ. Ðã 4 giờ 30 chiều. Chúng tôi gồm anh Trần Chấn Hải, Tổng Hội Trưởng Hải Quân và anh Thân, một cựu đoàn viên thâm niên Hải Quân, định cáo từ ra về. Ông nghiêm mặt và nói: "Từ sáng đến giờ, tôi trả lời cuộc phỏng vấn cuả....các ông nhà báo. Bây giờ là lệnh. Các anh hãy ở lại ăn bữa cơm nữa, rồi muốn hỏi thêm cái gì cứ hỏi? Các vị phu nhân của Ðô Ðốc Cang và Ðại Tá Dõng cũng hùa theo "Ðây là đất núi, có ai thèm ở lại chơi đâu...", nên chúng tôi đành phải ngồi lại, ăn một bữa cơm chiều nữa. Trong khi chờ cơm, cuộc mạn đàm mỗi lúc mỗi thêm vui, đầy thân mật. Ðại Tá Dõng chủ nhà nhướng mắt nhắc tôi. "Hỏi đại đi, hỏi gì cứ hỏi...". Ðô Ðốc Cang, vẫn xoay xoay ly rượu vang trước mặt, liên tục kể thêm về những phiền lụy, những hiểu lầm giữa anh em Hải Quân với nhau, ông cười luôn miệng và nói "Tôi đã ngoài 70 rồi. Tụi trẻ cũng đã học hành xong, công việc êm ả. Tôi đã làm xong việc đời. Tôi chỉ còn chờ hai việc: Vào nhà thương và theo về với Chúa". Chúng tôi ngồi nghe bỗng thấy quanh quất đâu đây như một lời từ giã. Ðô Ðốc Cang tiếp: "Nghĩ lại chuyện đời thật như mặt trời chiều. Tôi không giận ai. Tôi còn mừng là đã có những quyết định đúng lúc, tránh những điều đáng tiếc..." Ông tiếp tục nói, nhưng lại dặn: "Thôi, viết lại các phần trên thôi nhé. Phần vừa nói, để đến khi tôi về với Chúa, lúc ấy các anh có muốn viết thì viết."
Cơm tôi xong, trời đã tốùi. Khí núi đã có phần hơi se lạnh. Ông bà Ðô Ðốc Cang và ông bà Ðại Tá Dõng đều ra ngoài cửa bắt tay từ giã chúng tôi. Ông Dõng nói: "Ðất núi, mấy khi có khách vui như hôm nay." Xe chuyển bánh. Qua kính xe, tôi thấy Ðô Ðốc Cang đội cái nón đi biển do anh Hải tặng. Khuôn mặt ông chìm vào bóng tối, chỉ thấy cái huy hiệu trên nón sáng loáng hiện rõ cái neo nằm giữa hai hàng lá lúa vàng tươi.