Ký Sự:

ĐẢO GUAM, 27 NĂM SAU

Tuyên Úy NGUYỄN


Viên phi công loan báo cho hành khách chuẩn bị để hạ cánh, đồng thời cho biết những ai ngồi ở ghế cạnh cửa sổ bên cánh phải, phía Nguyễn đang ngồi, đã có thể nhìn thấy căn cứ Không Quân Anderson ở phía Bắc của đảo Guam. Trên phi đạo, một chiếc phi cơ vận tải quân sự C-17 vừa hạ cánh và đang từ từ tiến về bãi đậu. Cách đây đúng 27 năm, Nguyễn đã từng đặt chân lên phi trường này. Cảm giác nôn nao không thể ngăn chặn với muôn vàn kỷ niệm và những ý nghĩ ngổn ngang như cùng dậy lên trong thâm tâm anh.

Đúng đêm 30 tháng Tư, 1975, Nguyễn và trên 200 đồng bào di tản đã được đưa từ (đảo) Grande Island thuộc căn cứ Hải Quân Mỹ Subic Bay ở Phi Luật Tân đến căn cứ Không Quân Mỹ Clark để đi đảo Guam. Nhưng khi qua đến phi trường, mọi người lại được thông báo rằng trại tị nạn ở Guam đã đầy, họ sẽ phải đi đảo Wake, xa hơn Guam khoảng ba tiếng đường bay.

Bay qua Guam độ một tiếng đồng hồ, thình lình viên phi công loan báo rằng phi cơ đang gặp trục trặc kỹ thuật, phải quay lại Guam. Mọi người đều lộ nét lo âu, nhưng rồi máy bay cũng an toàn đáp xuống phi đạo của phi trường quân sự Anderson. Đoàn người được đưa vào một nhà chứa máy bay (hangar) khá lớn để ngồi chờ, trong khi các chuyên viên sửa chữa chiếc vận tải C-141 của Không Quân Hoa Kỳ. Hôm ấy là sáng mùng 1 tháng Năm. Hơn hai tiếng đồng hồ sau, máy bay được sửa xong, đoàn người lại tiếp tục chuyến bay đến đảo Wake. Chỉ vài tiếng dừng chân ngắn ngủi nhưng cũng đủ gây ấn tượng sâu đậm trong lòng khiến Nguyễn đã tâm niệm rằng phải trở lại hải đảo này khi có cơ hội. Cơ hội đó đã không đến với anh cho đến 27 năm sau.

Trung Tá Tuyên Úy Trưởng, David Girardin, của Bộ Tư Lệnh lực lượng Hải Quân trong vùng quần đảo Marianas (U.S. Naval Forces Marianas), đặt bản doanh trong căn cứ Hải Quân ở bán đảo Orote Point, và trung sĩ nhất trưởng ban phụ tá phòng tuyên úy, Mannix Babanto, đã thân mật ra phi trường đón Nguyễn. Anh chợt nảy ra ý nghĩ ngộ nghĩnh: “Tên anh chàng này cũng dễ nhớ đây, Bà-Bán-Tô.” HoÏ đã giúp Nguyễn nhận xe thuê và đưa anh đi một vòng quanh căn cứ trước khi về nơi tạm trú. Anh hơi ngạc nhiên vì họ không để anh nghỉ ở lưu xá dành cho các sĩ quan độc thân (Bachelor Officers’ Quarters) như thường lệ, nhưng là một khu ở ngoài căn cứ. Phòng của anh đầy đủ tiện nghi như một suite của các khách sạn sang trọng.

Sáng hôm sau, ở văn phòng các tuyên úy, Nguyễn đem việc này nói với vị tuyên úy Công Giáo, Thiếu Tá Kent McCord, ông nói ngay: “Úi chào, Nimitz Hill, họ đã đưa cha về lưu xá của các sĩ quan cao cấp đấy.” Anh thầm nghĩ, “thảo nào.” Nguyễn được tuyên úy trưởng Girardin dành riêng cho một văn phòng với đầy đủ điện thoại và máy điện toán, rất tiện lợi cho việc đọc và viết điện thư hàng ngày. Được biết từ trước, một nhân viên dân sự, đã từng làm thư ký cho văn phòng tuyên úy đến 26 năm, bà Bennie Limtiaco, đã trao cho Nguyễn hai tập albums đầy hình ảnh của dân tị nạn ở Orote Point từ cuối tháng Tư năm 1975. Anh không có giờ xem ngay, nhưng biết chắc những hình ảnh này sẽ gợi lại trong anh những ngày chợt ly hương từ bao năm cũ.

Cũng như Puerto Rico và Phi Luật Tân, đảo Guam, nguyên là thuộc địa của Tây Ban Nha, đã nhượng lại cho Hoa Kỳ từ năm 1898. Cái tên “đảo Guam” đã bắt đầu đi vào tâm tư của người dân Việt từ khoảng những năm 1967-68. Lúc ấy, cuộc chiến Quốc-Cộng đang đến hồi khốc liệt và người Mỹ đã bắt đầu sử dụng các siêu pháo đài bay B-52 để dội bom trải thảm (carpet bombing) trên chiến trường Việt Nam. Mỗi chiếc phi cơ này có thể chở được đến 30 ngàn cân (pounds) bom. Tính trung bình mỗi qủa bom nặng 250 cân (khoảng 120 ký lô), vị chi là 120 quả. Mỗi phi vụ thường có ba chiếc B-52, họ bay thành hàng ngang và dội bom cùng một lúc, 360 qủa bom thi nhau nổ, tạo cơn địa chấn trên một dải đất ngang chừng 500 thước và dài khoảng một cây số rưỡi. Thường thì rất ít sinh vật có thể sống sót trong tầm “tấm thảm” đó. Nếu không chết vì mảnh bom cũng chết vì bị nội thương do sức ép khủng khiếp trong không khí.

Từ đầu Đệ Nhị Thế Chiến, người Nhật đã chiếm hải đảo Guam, nhưng đến năm 1944 thì bị quân Mỹ phản công tái chiếm. Ngày 6 tháng 8 năm 1945, chiếc pháo đài bay B-29, mang tên riêng Enola Gay, đã cất cánh từ đảo Tinian thuộc quần đảo Marianas để thả qủa bom nguyên tử đầu tiên xuống thành phố Hiroshima của Nhật, tạo những hệ lụy còn vương vấn mãi đến ngày nay. Giữa tháng 7, chiếc tuần dương hạm Indianapolis, CA-35, do đại tá Charles B. McVay làm hạm trưởng đã được lệnh tối mật, chở chất uranium và các thành phần khác của quả bom nguyên tử đầu tiên đó đến đảo Tinian. Kế đến, tàu được lệnh ghé qua Guam, trước khi trực chỉ vịnh Leyte thuộc Phi Luật Tân. Nhưng không may, trên chặng chót của chuyến công tác định mệnh này, chiếc Indianapolis đã bị một tàu ngầm của Nhật phóng thủy lôi đánh chìm. Vì là một công tác tối mật, nên Hải Quân Mỹ đã không biết tin chẳng lành của chiếc Indianapolis cho đến năm ngày sau. Khoảng 900 trên tổng số gần 1200 thủy thủ, kể cả thuyền trưởng McVay, đã sống sót khi tàu chìm. Nhưng sau năm ngày, hai phần ba những thủy thủ đó đã chết vì các vết thương, đói khát, và nhất là làm mồi cho cá mập. Chỉ còn 316 người được cứu.

Vị thuyền trưởng của tuần dương hạm Indianapolis, đại tá Mcvay, đã bị bộ Hải Quân Mỹ đưa ra tòa án quân sự, đặc dù có sự phản đối của đô đốc Nimitz, tư lệnh các lực lượng Hải Quân ở Thái Bình Dương. Đại tá McVay bị kết án bất tuân lệnh chiến thuật: Phải cho tàu chạy ngoằn ngoèo (zig-zag) trong vùng có tàu ngầm của địch. Nhưng ngay cả điều này được thực hiện, tàu vẫn bị đánh đắm, theo như lời khai của chính vị thuyền trưởng chiếc tàu ngầm Nhật (I-58) đã đánh chìm chiếc Indianapolis, trung tá Mochitsura Hashimoto. Sau đó, ông Mcvay được ân xá, hoàn lại cấp bậc cũ, ít lâu nữa lại được thăng cấp Phó Đề Đốc (một sao), rồi về hưu vào năm 1949. Nhưng có lẽ vì bị ám ảnh triền miên trước cái chết đau thương của bao nhiêu chiến hữu, nên cuối cùng phó đề đốc Mcvay đã tự sát vào năm 1968. Cho đến nay, các chiến hữu của ông vẫn đang cố gắng vận động để ông chính thức được trắng án trước tòa quân sự. Trong khi đó, thuyền trưởng Hashimoto của chiếc tàu ngầm I-58, lúc đầu đã không biết rằng chính ông đã đánh chìm chiến hạm Mỹ chở qủa bom nguyên tử tàn sát quê hương Hiroshima của ông. Cả gia đình ông, không ai sống sót! Về cuối đời, ông trở thành một nhà sư thần đạo (Shinto) và đã tạ thế năm 2001, hưởng thọ 91 tuổi.

Tuyên úy trưởng Girardin gặp riêng Nguyễn để nhắc rằng Guam là đơn vị mà anh sẽ phải trình diện khi có lệnh tổng động viên. “Cha cùng cấp bậc với tôi, có nghĩa là cha sẽ phải trách nhiệm chức tuyên úy trưởng của bộ tư lệnh. Vì vậy trong những ngày sắp tới, cha sẽ cùng làm việc với tôi như một tuyên úy trưởng thứ hai vậy. Chiều nay, chúng mình sang trình diện đề đốc tư lệnh, nhá.”

Sáng hôm sau, Nguyễn cùng tuyên úy Girardin đi dự buổi họp thường lệ với đề đốc tư lệnh và ban tham mưu của ông. Bước vào phòng họp khá rộng, anh đã ngạc nhiên đến sững sờ trước bức hình lớn như một màn ảnh chiếu phim, trong đó có hình trung tướng Nguyễn Văn Thiệu, thiếu tướng Nguyễn Cao Kỳ, đại sứ Bùi Diễm và phái đoàn của Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia Việt Nam, cả thảy chín người, đang ngồi họp với tổng thống Lyndon B. Johnson và phái đoàn cũng chín người của ông, trong đó có đại tướng Westmoreland và các ông McNamara, Cabot Lodge, Dean Rusk, Bunker... Tuyên úy Girardin bảo Nguyễn, “Cha nhìn kỹ cái bàn trong hình với cái bàn này (trong phòng họp) xem có giống nhau không?” Thì ra đó chính là cái bàn hình bầu dục mà hai phái đoàn Việt-Mỹ đã họp trong những ngày 20-21 tháng 3, 1967 ở Guam. Sau cuộc họp “thượng đỉnh” này, miền Nam Việt Nam có tuyển cử và hai ông Thiệu-Kỳ đã trở thành tổng thống và phó tổng thống của nước Việt Nam Cộng Hòa.

Nguyễn ngồi vào bàn họp với tâm trạng thật ngổn ngang. Họ còn quyết định thêm những gì nữa? Chắc chắn những quyết định đó đã ảnh hưởng đến số mệnh của biết bao sinh linh Việt tộc. Anh đặt tay xoa nhẹ trên mặt bàn mà lòng trĩu nặng những ưu tư.

Thăm viếng các phòng tuyên úy của những đơn vị trực thuộc bộ tư lệnh là việc kế tiếp của Nguyễn. Tiểu đoàn Công Binh (Construction Battalion hay Sea Bees) CB-40 vừa mới từ California ra đáo nhậm công tác trong vòng 6 tháng. Tuyên úy đại úy Haagen đã đưa Nguyễn đi thăm các thành phần của tiểu đoàn, một số trung đội đã được trải ra khắp địa bàn hoạt động ở miền Tây Thái Bình Dương, ngay cả sự hỗ trợ cho cuộc tập trận giữa quân Mỹ và đồng minh, mang tên Golden Cobra, đang diễn ra ở Thái Lan. Cách ban chỉ huy khá xa, một toán công binh đang đổ bê tông làm mái nhà cho vài căn lều nghỉ mát trên bãi biển. Ở Guam, tất cả các cơ sở phải được xây cất vững chắc để có thể chịu đựng được những cơn bão lớn mà sức gió có khi lên đến 350 cây số một giờ. Thình lình tuyên úy Haagen nói nhỏ vào tai Nguyễn: “Sir có thấy cô bé đang đổ hồ trên mái nhà đó không? Cũng là một Miss Nguyễn đấy!” Thật ngạc nhiên, vì trong ngành rất vất vả này mà cũng có một thiếu nữ người Việt tham gia, anh đã cho gọi cô ta xuống để hỏi thăm vài câu. Được biết cô T. Nguyễn đã lớn lên ở Houston, Texas, năm nay 21 tuổi, nhưng trông nhỏ bé như cô gái 16. Cô mới gia nhập Hải Quân hơn một năm. Qua quân trường căn bản ở Great Lake, Illinois, rồi trường huấn luyện chuyên môn thì cô được gửi về tiểu đoàn 40. Vừa trình diện không bao lâu đã đến lượt tiểu đoàn phải ra công tác ở Guam. Hỏi tai sao cô lại gia nhập cái ngành cực khổ này, cô chỉ cúi đầu chúm chím cười. Hỏi cô có dự tính gì trong thời gian công tác ngoài này không? Cô đáp rằng ở đây gần Việt Nam quá, chỉ hơn 4 giờ bay nữa, cô muốn được một lần về thăm quê cha, đất mẹ. Nguyễn đã chúc cô ta sớm được toại nguyện.

Guam là hậu cứ lớn của toàn lực lượng Hải Quân Mỹ ở Tây Thái Bình Dương nên các chiến hạm thường xuyên thay nhau vào bến ở đây. Nguyễn đã lần lượt xuống thăm tuần dương hạm USS Lake Champlain (CG-57), USS Frank Cable (AS-40) là loại “tàu mẹ” (Tender Ship) của các tiềm thủy đĩnh, chở tất cả những thứ cần thiết cho tàu ngầm, ngay cả việc sửa chữa cấp tốc, nếu cần. Tiểu hạm đội (Battle Group) của hàng không mẫu hạm USS Kitty Hawk, CV-63, có hậu cứ ở Yokosuka, Nhật, cũng ghé bến trong những ngày này. Cả hải đảo như bừng lên vì trên 6000 thủy thủ đã chia nhau “xuống phố.” Các nhà thương mại đã ước tính trung bình mỗi thủy thủ sẽ chi khoảng 1,000 đô cho năm ngày ghé bến. Chỉ năm ngày, hải đảo đã thu vào khoảng 6 triệu đô-la, ai mà không “thương” lính thủy?

Nguyễn lái xe thật chậm, lách tránh những ổ gà, trên một phi đạo cũ đã bị bỏ hoang lâu năm, dài khoảng hai cây số. Hai bên phi đạo này và một phi đạo chéo góc nữa của phi trường chiến thuật Orote Point, đã có hàng hàng lớp lớp những lều bạt lớn được dựng lên vội vã trong những ngày cuối tháng Tư, 1975, cho dân tị nạn người Việt Nam vào tạm trú. Từ một không ảnh, người ta có thể đếm được đến trên 600 lều bạt và mỗi lều có thể kê đến 50 giường gấp (cots) hay nệm giường cho cùng một số người ở tạm. Như vậy, tổng số người tị nạn ở trại Orote Point lúc nào cũng phải trên 25 ngàn và có ít nhất 100 ngàn người đã “đi qua” trại này trong những tháng kế tiếp sau ngày bi thảm 30 tháng Tư.

Những tấm hình trắng đen, chen lẫn vài tấm ảnh màu, do ban tuyên úy của căn cứ Hải Quân chụp như cùng nhảy múa trước mắt Nguyễn. Những khuôn mặt hốc hát, thất thần vì vừa trải qua cơn đổi đời không thể tưởng tượng được. Vả lại, không âu lo sao được khi con đang lạc cha, vợ đang tìm kiếm chồng, anh em không biết có tìm được nhau không. Những bảng thông tin tạm, dán đầy các mẩu giấy viết vội vài hàng với hi vọng mong manh rằng người thân của mình sẽ đọc thấy. Chính Nguyễn cũng đã làm việc này. Những tấm hình đã nói lên phần nào nỗi nhiêu khê của đời sống dân Việt trong các trại tạm trú ở cái thuở đầu đời tị nạn. Cuộc sống này đã được hai anh em nhà đạo diễn Tim và Tony Bùi làm sống lại khá đầy đủ trong phim Rồng Xanh (Green Dragon) mới được trình chiếu.

Nguyễn dừng xe tại một ngã tư, nơi hai phi đạo cắt chéo góc với nhau, “Khu này, hẳn là “thị tứ” nhất trại.” Nguyễn nghĩ, vì ở đây có nhiều lều nhất, dày đặc khắp bốn góc của ngã tư. Một vài tấm hình chụp lúc Đức Giám Mục Flores của Guam vào thăm trại đã ghi nhận sự hiện diện của vài nhân vật quen thuộc như Msgr. MTL ở New Orleans, các linh mục MKH, NQB ở Orange County và San Diego v.v... Một nhà sư mặc áo nâu cũng chụp hình chung với các tuyên úy Mỹ trước lều Phật Giáo...

Nay, tất cả đã đi vào quá khứ nhạt nhòa. Cây rừng đã mọc phủ kín hoàn toàn những phần đất của trại tị nạn năm xưa, chỉ còn lại hai phi đạo hoang tàn, loang lổ những ổ gà. Và còn chăng nữa chỉ là những kỷ niệm trong lòng người vẫn tha hương, vẫn hoài bão, vẫn mong chờ...

Mấy hôm sau, Nguyễn lại lái xe đi thăm căn cứ Không Quân Anderson. Qua bãi biển Asan, nơi cũng đã có một trại tị nạn nhỏ, xe còn phải đi gần nửa tiếng nữa mới tới cổng căn cứ. Mặc dù toàn trại và phi trường đang trong tình trạng báo động “đỏ” (Threat Condition: Alpha), người lính gác vẫn nhanh chóng vẫy tay cho Nguyễn lái xe vào, sau khi đã xem thẻ quân nhân của anh và kính cẩn nghiêm chào.

Một chiếc siêu pháo đài bay B-52 cũ đặt giữa bùng binh để trưng bày. Đã bao lần chiếc máy bay này vần vũ trên bầu trời Việt Nam? Bao nhiêu tấn bom đã từ nó trút xuống mảnh đất nghèo trơ sỏi đá đó?

Vị tuyên úy Công Giáo, đại úy McDowell, đã thân mật đón Nguyễn và đưa anh đi một vòng quanh căn cứ. Anderson cũng từng là trại chuyển tiếp cho đồng bào tị nạn trước khi họ được đưa vào lục địa Hoa Kỳ.

Hangar dành để chứa B-52 năm xưa đã được xây cất lại, vẫn bề thế, rộng lớn như vậy. Sáng mùng một tháng năm, 1975, Nguyễn ngồi trong hangar đó, một thanh niên đã không còn nhà, đã ly biệt gia đình và không còn có thể trở lại quê hương. Trong cái túi xách nhỏ, chỉ thêm một bộ quần áo, vài quyển sách, và thực sự không có một xu dính túi. Tương lai mờ mịt như quê hương đã xa cách nghìn trùng. Tâm trạng của anh lúc ấy quả đúng như lời cụ Nguyễn Du diễn tả: “Cũng liều nhắm mắt đưa chân, để xem con tạo xoay vần đến đâu.” (Kiều). Nỗi trống không, hụt hẫng như lúc phi cơ vừa cất cánh là đã nhìn thấy vách đá thật sâu bên dưới.

Cũng như hàng trăm ngàn người khác, Nguyễn đã bắt đầu lại cuộc đời trên miền đất mới với những bước đi thật nhỏ bé, thật khiêm nhường. Hoa Kỳ quả là miền đất với nhiều cơ hội, chỉ cần có ý chí và một chút may mắn là người ta đã có thể thành công. Nhưng cần nhất là phải có một tấm lòng. Tình nhân ái không thể thiếu trong mọi cảnh vực của cuộc đời, có như thế những thành công kia mới mong tồn tại lâu dài được.

Nguyễn hỏi tuyên úy McDowell: “Có đường xuống đến bờ biển không?” “Có, để tôi đưa cha xuống bãi biển.” Phải đứng tận mé nước nhìn lên mới thấy cái thăm thẳm, cheo leo của vách núi. Phi đạo nằm ngay trên đỉnh vách, thảo nào Nguyễn đã cảm thấy rờn rợn khi bay qua chốn này.

Nguyễn phải thức dậy từ nửa đêm để chuẩn bị cho chuyến bay sớm, trở lại đất liền. Gần tám tiếng mới tới Hawaii và thêm năm tiếng nữa mới vào đến California. Từ trên đỉnh đồi của cư xá Nimitz Hill, anh lái xe theo con đường quanh co để xuống bãi biển Asan dọc theo lối ra phi trường. Vầng trăng hạ tuần vằng vặc dãi chiếu trên những đồi nương thiếu ánh đèn đường.

Nguyễn chợt nhớ tới danh sách những sĩ quan người Việt sẽ ra hội đồng thăng cấp năm nay. Chỉ trong ngành Hải Quân và ở hai cấp khá cao là thiếu tá và trung tá đã có đến trên hai chục người. Riêng trong cục Quân Y, 11 bác sĩ và nha sĩ đang ra hội đồng thiếu tá. Nhưng đấy là những sĩ quan hành chánh (Staff Officers), hiếm khi được lên đến hàng đề đốc (tướng) và không được chỉ huy chiến hạm hay phi đoàn. Anh đã tò mò xem qua danh sách các sĩ quan tác chiến (Line Officers) ở hai cấp nói trên. Ngạc nhiên đến thích thú, anh đếm được 13 sĩ quan trong các ngành tác chiến đang ra hội đồng thăng cấp. Ai sẽ là người đầu tiên lên chức đề đốc? Lên hàng tướng lãnh? Chỉ trong vòng 10 năm nữa người ta sẽ có câu trả lời. “Tiềm năng dân Việt ở hải ngoại quả thật khôn lường.” Nguyễn nghĩ. Anh mỉm cười, một niềm tự hào sảng khoái chợt dậy trong anh. Ý tưởng sẽ về hưu khi tròn hai mươi năm tuổi lính nhẹ nhàng đến với anh như một sự tự nhiên của vũ trụ tuần hoàn.

Chỉ thiếu một điều, một ước mơ, một đòi hỏi, được nhìn thấy Việt Nam trở thành một quốc gia thật sự tự do, dân chủ và phú cường.

Ánh trăng suông vẫn theo Nguyễn đến tận bên ngoài khung cửa sổ phi cơ. Anh bỗng nhớ đến hai câu Đường thi: “Cử đầu vọng minh nguyệt, đê đầu tư cố hương.” (Ngửng đầu nhìn trăng sáng, cúi đầu nhớ quê hương.)


Tuyên Úy NGUYỄN

























































Free Web Hosting