Cơ Xưởng Hạm Vĩnh Long - HQ 802

Những Ngày Cuối Trên Biển Ðông

Vũ Quốc Công


Cơ Xưởng Hạm Vĩnh Long, HQ-802, nguyên là một chiến hạm thuộc Hải Quân Hoa Kỳ. Ðồ bản mẫu (designed blue prints) và kiến trúc sơ thủy (initial construction) cho thấy chiến hạm nguyên là một Dương Vận Hạm (Landing Ship Tank, viết tắt là LST), dài 327 bộ (feet) với trọng tải 4300 tấn, và được hạ thủy 24 tháng 11, năm 1944.

Vì nhu cầu chiến trường, Dương Vận Hạm LST mới tinh khôi này được cải biến thành một cơ-xưởng hạm. Sườn tàu (frame) và các sân (decks) được làm cho cứng cáp thêm (reinforced) bằng những trụ chống (posts), đà ngang (beams) cỡ lớn hơn; các vách ngăn được thay thế bằng những tấm thép dày hơn. Nói tóm lại, sườn tàu được nâng lên cấp "A" ( A-frame) để đủ sức tiếp nhận những kiến trúc nặng như cần trục và các máy thủ công (machine tools). Cửa đổ bộ (ramp) phía trước bị cắt bỏ và mũi tàu được hàn kín lại. Sân chiến xa (tank deck) và khu tạm trú dành cho một tiểu đoàn Thủy Quân Lục Chiến quá giang ra chiến trường được sửa thành một kho chứa cơ phận và một cơ xưởng với đầy đủ các máy tiện, bào, khoan, cán, uốn, xưởng hàn, xưởng điện tử, xưởng mộc. Sân chính được trang bị một cần trục cỡ 200 tấn, hai cần trục cỡ 75 tấn để nâng các chiến đĩnh lên khỏi mặt nước khi sửa chữa; sân chính còn có thêm một phòng máy điện, và kế bên là một phòng khác được trang bị máy cất nước biển ra nước ngọt. Trong lượng thép thêm vào do sự biến cải đã nhận chìm con tàu xuống sâu thêm; nói khác đi, bài thủy lượng (displacement) và độ chìm (draft) của nó sâu thêm hơn 4 bộ (feet) nữa nếu so với bài thủy lượng và độ chìm của các dương vận hạm cùng loại.

Sự canh cải này nâng trong tải của chiến hạm lên khoảng 6000 tấn. Ðể đẩy khối lượng đó di chuyển với vận tốc bình thường của một dương-vận hạm, số mã lực nhất thiết phải được gia tăng; do dó, hai máy chánh nguyên thủy cũng được thay thế bằng hai máy khác với số mã lực tăng thêm 50 phần trăm so với số mã lực cũ.

Sự gia tăng trọng tải lên 50 phần trăm, sự gia tăng bài thủy lượng và tầm sâu cũng đưa đến một vấn đề phức nhiễu khác là đặc tính vận chuyển của chiến hạm thay đổi hoàn toàn: đáp ứng máy chánh và tay lái trở nên chậm hơn 5 lần so với các LST-L khác; quán tính (inertia), nghĩa là đà tiến còn dư sau khi máy chánh đã ngừng, mạnh hơn, lâu hơn và dài hơn; bán kính quay cũng hai lần lớn hơn. Những đáp ứng vận chuyển kỳ khôi này là một mối ưu tư cho các vị hạm trưởng, kể cả những vị đã có kinh nghiệm đầy mình, đặc biệt là khi phải vận chuyển trong sông hoặc những nơi nước cạn và chật hẹp. Vì thế các cơ xưởng hạm loại này đã được tặng cho hỗn danh là những con Trâu Nước (hippo), rất mạnh mẽ nhưng cũng rất chậm chạp, ù-lì, bướng bỉnh, và khó lái.

Công tác biến cải hoàn tất, chiến hạm được hạ thủy lần thứ hai với danh xưng mới là USS ARL-23 (ARL: Auxiliary Repair Ship, Landing), rồi được thuyên bổ vào Hạm Ðội Thái Bình Dương để tham dự các trận chiến thủy bộ (amphibious assaults) lừng danh tại Saipan, Okinawa, Nhật Bản, và China Sea (yểm trợ Quốc Quân Trung Hoa). Năm 1946 Cơ Xưởng Hạm USS ARL-23 trở về San Diego, California, được giải giới, bọc sáp và đưa lên ụ nổi (mothball) của Hạm Ðội Trừ Bị Thái Bình Dương.

Năm 1950, USS ARL-23 được tái vũ trang để tham dự chiến trường Triều Tiên trong trận phản công lưỡng thế (amphibious counter-offensive) nổi tiếng Inchon, Bắc Triều Tiên, trong đó lực lượng thủy bộ dưới quyền chỉ huy của Thống Tướng Mac Arthur đã chặn đứng làn sóng biển người của Hồng Quân Trung Cộng và bắt làm tù binh trên 100 ngàn cộng quân Trung Hoa và Bắc Hàn. Sau chiến tranh Triều Tiên USS ARL-23 một lần nữa được trả về Hạm Ðội Trừ Bị, nằm trên ụ nổi chờ đươc hạ thủy lần thứ tư vào ngày 20 tháng 2, 1968, để tham chiến tại Việt Nam. USS ARL-23 nhập vùng đồng bằng sông Cửu Long ngày 10 tháng 7, 1968, trong Lực Lượng Hải Quân Hoa Kỳ Nước Ðục (US Brown Water Navy, tức là Lực Lượng Hải Quân Hoa Kỳ Sông Ngòi).

Kể từ ngày đó cho đến cuối năm 1971, Cơ Xưởng Hạm USS ARL-23 đã phối hợp hành quân với các Lực Lượng Hải Quân Việt Nam Sông Ngòi trong 20 cuộc Hành Quân Trần Hưng Ðạo (từ HQ/ THÐ-1 đến HQ/THÐ-20).

Trong chương trình Việt hóa chiến tranh, Cơ Xưởng Hạm USS ARL-23 đưọc chuyển giao cho Hải Quân Việt Nam ngày 30 tháng 11, 1971. Cũng trong ngày đó chiến hạm được mang danh xưng mới là Cơ Xưởng Hạm Vĩnh Long với số hiệu HQ-802 và tiếp tục hoạt động tại Vùng 4 Sông Ngòi (V4SN) với nhiệm vụ yểm trợ sửa chữa khẩn cấp ngay tại vùng hành quân cho các chiến đĩnh của các lực lượng tác chiến Hải Quân trong sông như Lực Lượng Thủy Bộ 211, Lực Lượng Ðặc Nhiệm Tuần Thám 212 (LLDN-212), và Lực Lượng Ðặc Nhiệm Trung Ương 214. Cũng nên ghi chú rằng Hải Quân Việt Nam còn có Lực Lượng Ðặc Nhiệm 213, nhưng địa bàn hoạt động của đơn vị này là Vùng 3 Sông Ngòi thuộc Quân Khu III; mỗi lực lượng đặc nhiệm Hải Quân là một đại đơn vị trừ bị diện địa độc lập, tương đương với một Lữ đoàn TQLC, Dù, hoặc Bộ Binh. Về mặt hành quân các Lực Lượng Ðặc Nhiệm trực thuộc Bộ Tư Lệnh Hải Quân Hành Quân Sông và thường phối hợp hành quân với các Lữ đoàn TQLC, các Trung đoàn Bộ binh thuộc Sư đoàn 7, 9, 21, trong các chiến dịch thủy bộ tại các vùng đầm lầy Ðồng Tháp, U minh thượng, U minh hạ.

Dù đã ký Hiệp Ðịnh Paris trong đó có các điều ước quan trọng như cả hai bên phải đóng quân tại chỗ, phải đình chỉ mọi hoạt động quân sự thù nghịch. Nhưng phía cộng sản vẫn thường xuyên vi phạm các điều khoản này qua các hoạt động lấn đất và đặc công.

Vì lo ngại nỗ lực đặc công thủy của họ sẽ nhắm vào việc dùng mìn đánh chìm một hai chiến hạm nghỉ bến tại Quân Cảng Sài gòn để gây xao động trong dư luận quốc tế và quốc nội, ngõ hầu gây bối rối cho VNCH về mặt tâm-lý-chiến và ngoại giao, Bộ Tư lệnh Hải Quân đã đi đến quyết định dùng Vũng Tàu làm điểm tập trung cho các chiến hạm mãn hành quân về nghỉ bến thay vì về quân cảng Sàigòn.

Cũng trong quyết định này, công tác sửa chữa thường xuyên cho các chiến hạm tại Vũng Tàu được trao phó cho Cơ Xưởng Hạm Vĩnh Long, HQ-802. Do đó, kể từ cuối tháng 7, 1973, HQ-802 đã rời vùng châu thổ Sông Cửu Long để ra Vũng Tàu nhận nhiệm vụ mới: Sửa chữa cấp tiểu và trung cho các chiến hạm nghỉ bến, kèm theo với một nhiệm vụ phụ khác cho Hạm Trưởng, nhiệm vụ Sĩ Quan Chỉ Huy Chiến Thuật (OTC, Officer of Tactical Command) khu tập trung chiến hạm Vũng Tàu... Ngày 9/ 2/ 75, 11:00 giờ sáng, HQ-802 nhận lệnh:

"Khẩn khởi hành đi Vùng 4 Zuyên Hải Stop Trình ziện Bộ Chỉ Huy Chiến Zịch tại An Thới (Phú Quốc) Stop Báo cáo nhận hành Stop Zứt Stop"

Ðọc xong bản điện văn, tôi họp ban tham mưu chiến hạm để minh báo lệnh khởi hành cho các sĩ quan, đồng thời đưa ra các chỉ thị liên quan đến việc chuẩn bị chiến hạm để sẵn sàng ra khơi. Trong phiên họp, sĩ quan Trưởng khối sửa chữa báo cáo hiện đang thực hiện 8 phiếu công tác: Ðang tháo gỡ phần cơ máy điện của HQ-X. Máy chánh HQ-Y chưa xong, đang chờ Sàigon gởi 4 con heo dầu... Dự trù hoàn tất trong 10 ngày... Nếu mình phải khởi hành hôm nay, thì đành phải bỏ dở những công tác này. Như vậy thì cũng chẳng khác nào một quân y viện bỏ rơi các thương binh vì lý do phải khẩn di chuyển đi nơi khác...

Hai mươi phút sau, tôi tạm ngưng phiên họp để báo cáo các trở ngại về Bộ Tư Lệnh Hạm Ðội, đồng thời đề nghị Hải Quân Công Xưởng hoặc Ban Sửa Chữa Lưu Ðộng Hạm Ðội gởi chuyên viên và cơ phận ra Vũng Tàu để tiếp tục những công tác HQ-802 bỏ ngang vì phải khởi hành khẩn cấp...

Báo cáo này đã đưa đến một xô xát nhỏ giữa Hạm Ðội và Bộ Tư Lệnh Hải Quân Hành Quân Biển về các vấn đề như thiếu phối hợp giũa đôi bên, như sự thiếu am tường phải có của các sĩ quan tham mưu thuôc Bộ Tư Lệnh về đặc tính, khả năng, và nhiệm vụ hiện tại của các chiến hạm, khiến đưa đến tệ trạng thường xuyên ban hành mệnh lệnh theo cung cách cả vú lấp miệng em, tắc trách, chẳng màng đến thực tại là các đơn vị trực thuộc hành quân có khả năng thi hành nghiêm chỉnh và hữu hiệu mệnh lệnh hay không. Sau lần xô xát đó, độ khẩn của lệnh khởi hành được giảm xuống (theo tôi được biết sự đụng độ này cộng thêm với vài sư kiện khác xảy ra liền sau đó sẽ gây phiền nhiễu cho Vị Tư Lệnh Hạm Ðội vào những ngày cuối binh nghiệp của ông, trước ngày mất Miền Nam). Và HQ-802 rời Vũng Tàu trưa (1205 giờ Zulu) ngày mồng 8 Tết Ất Mão, 1975, đi Phú Quốc nhận trách vụ hành quân mới, khởi đầu cho chuyến hải hành sau cùng của nó trong vùng Biển Ðông.

Hai ngày sau HQ-802 bỏ neo trong Vịnh An Thới, Phú Quốc, để đón HQ Ðại tá P. P. Ph. và ban tham mưu chiến dịch, trong đó có một thành phần dân sự gồm các chuyên viên thuộc các Bộ Kinh Tế, Tài Chánh, Tổng Nha Thuế Vụ, v.v. Ngay sau đó một phiên họp hành quân được triệu tập trên HQ-802 với sự hiện diện đầy đủ của qúy Chỉ huy trưởng các đơn vị tham dự chiến dịch: Hải Ðội 4 Zuyên Phòng, các Ðội 44, 45, 46, 47 Hải Thuyền, và Tiền Zoanh Yểm Trợ An Thới. Qua phiên họp này tôi mới được biết phạm vi và mục tiêu của chiến dịch: Ngăn chặn làn sóng buôn lậu từ Mã và Thái đang tràn vào vùng Hà Tiên - Rạch Giá qua eo biển nằm giữa đất Miên và Bắc Ðảo Phú Quốc.

Trong chiến dịch này HQ-802 được trao cho hai nhiệm vụ: (1) Là trung tâm hành quân của chiến dịch và, (2) Là tiền doanh dã chiến để yểm trợ sửa chữa, tiếp tế nhiên liệu và nước ngọt cho các chiến hạm và chiến đĩnh tham dự chiến dịch. Nhiệm vụ thứ (2) có tính cách thường lệ. Nhưng nhiệm vụ thứ (1) phức tạp hơn!

HQ-802 nhổ neo ngay sau phiên họp và hải hành đến Point Mũi Nai, Hà Tiên. Trên đường đi tôi nêu thắc mắc liên quan đến nhiệm vụ (1) với Chỉ Huy Trưởng Chiến dịch.

- Commandant, vụ này sérieux (nghiêm trọng) thật sao?
- Rất sérieux. Tin tức tình báo cho biết tụi nó (Cộng sản) định hạ mình bằng kinh tế. Con đường Tháilan-Sihanoukville-HàTiên là đường nhập lậu chính. Từ đây sản phẩm sẽ được tung ra khắp Miền Nam. Kinh tế Miền Nam sẽ bị lũng đoạn, và kết qủa là...
- Tôi nghĩ khác hơn. Bọn Khmer Rouge đã làm chủ hầu hết đất Miên, kể cả Sihanoukville. Bọn nó sẽ dùng cảng này làm trạm đổ vũ khí từ Miền Bắc, Trung Quốc, và Nga vào đây, rồi chuyển về khu Tam Giác Sắt, Khu D, v.v. để trang bị hai hoặc ba sư doàn mới, đã hoặc đang được tân lập bằng mấy chục ngàn tù binh mà mình đã trao lại cho bọn nó tại Tây Ninh năm ngoái. Hồi tôi còn ở Lực Lượng Ðặc Nhiệm 212, bọn sông ngòi chúng tôi đã phát hiện sự kiện đó.
- Bọn nó chuyển vũ khí và lãnh đạo bằng các đường giây nội địa. Ðiều đó đã được xác định. Lực lượng trên bộ sẽ phải lo vụ này. Chặn bọn nó tại đây và dọc theo miền duyên hải là việc của "cù lần biển" bọn mình.
- Quý ngài dân sự đều mũ cao áo thụng cả. Tôi chưa biết phải lo chỗ ăn, chỗ ngủ thế nào cho họ cho phải phép. Hạm phó của tôi chưa tân đáo, tôi có thể đẩy hai vị vào đó. Hai vị khác sẽ được dồn vào một phòng cuối hiện đang còn trống. Còn lại hai vị nữa và đoàn tùy tùng của Commandant, tôi chưa biết tính làm sao đây!
- Ông dồn tất cả lên CIC (Trung Tâm Kiểm Báo, tức Phòng hành quân). Tôi thấy phòng đó rất rộng. Họ vừa ăn, ngủ vừa làm việc tại chỗ cũng tiện.
- Commandant sẽ tạm trú trong phòng tôi. Về ẩm thực, chiến hạm sẽ tính qúy ông dân sự và các sĩ quan theo giá biểu bàn ăn sĩ quan. Hạ sĩ quan và đoàn viên theo giá biểu như Hạ sĩ quan và đoàn viên cơ hữu của HQ-802. Tối nay Sĩ quan ẩm thực của tôi sẽ làm công tác thu-chi. Xin Commandant thông báo cho họ biết về quy chế này.
- Ðồng ý.
- Commandant có muốn để HQ-802 làm sổ lương chung cho tất cả các quân nhân trục thuộc ban tham mưu chiến dịch không?
- Tôi đã lo xong vụ này với Trung Tâm Hành Chánh Hải Quân.
- Tôi đề nghị xin Vùng 4 Zuyên Hải tăng phái một bác-sĩ. -
Tôi đã thảo luận việc này với Tư Lệnh Hải Quân Vùng 4 Zuyên Hải...

Trong 3 ngày đầu, chiến dịch đạt được nhiều thành quả khả quan. Hàng ngàn tấn hàng lậu bị chặn băt và tịch thu. Mặt hàng gồm đường xà xía, vải vóc, thuốc men, thuốc lá, bột ngọt, v.v... và cũng thu được một số vũ khí. Từ ngày thứ tư trở đi số hàng lậu bị chặn bắt giảm dần. Vì động ổ, bọn kinh tài và bè lũ đã ngưng hẳn mọi koạt động trên biển. Tuy nhiên, không phải vì thế mà các các đơn vị tham dự chiến dịch trở nên khinh địch; ngược lại tất cả vẫn tiếp tục hoạt động ráo riết.

Từ cuối tháng hai trở đi, tình hình trên đất liền mỗi ngày thêm tồi tệ. Theo dõi các đài BBC và VOA, chúng tôi được biết Miên Cộng đã chiếm gần trọn xứ Chùa Tháp, và đang vây chặt Nam Vang. Ở Cao nguyên, Bình Long và Phước Long đã anh dũng tử thủ, nhưng rồi bị tràn ngập. Vào tuần lễ thứ hai và thứ ba của tháng 3, Ban Mê Thuột và Pleiku mất. Quân đoàn II tan hàng trên Ðường số 7. Những diễn biến bi đát tại chiến trường Cao nguyên đè nặng xuống tâm tư chúng tôi. Chúng tôi phẫn nộ và không ngừng chê trách giới chức lãnh đạo tại Sài gòn. Chúng tôi suy đoán rằng Hoa kỳ đã quyết định bỏ rơi Ðông Dương, nên đã thóa mạ họ không tiếc lời.

Ngày 21 tháng 3, 1975, khoảng 2:15 chiều, một chiến hạm Miên tiến tới gần HQ-802. Ðó là một Trợ Chiến Hạm (Landing Ship Support Large, viết tắt là LSSL), tương tự như hai chiếc Nỏ Thần (HQ-225) và Linh Kiếm (HQ-226 -- một trong những cựu Hạm Trưởng của HQ-226 là Phó Ðề Ðốc Hoàng Cơ Minh) của Hải Quân Việt Nam. Vì không biết ý đồ của họ, tôi cho gọi nhiệm sở tác chiến. Chiến hạm Miên hạ quốc kỳ của họ xuống lưng chừng trụ cờ, như một dấu hiệu hoà hoãn, đồng thời liên lạc với HQ-802 bằng quang hiệu. Họ gởi cho chúng tôi một bản văn ngắn bằng Pháp văn, đại ý gởi lời chào thân hữu và đề nghị cho Hạm trưởng của họ lên thăm viếng xã giao HQ-802. Chúng tôi chuyển cho họ một bản văn tương tự kèm theo với lời mời Hạm trưởng của họ lên tham quan Cơ Xưởng Hạm Vĩnh Long.

Hạm trưởng Miên được tiếp đón với nghi thức đơn giản. Ông ta là một sĩ quan còn rất trẻ, gốc Việt, tốt nghiệp Học Viện Hải Quân Pháp tại Brest khóa 1972. Trong cuộc đàm đạo, ông nói Khmer Rouge đã hoàn toàn làm chủ đất Miên, và ông đang lo cho số phận của mình và của thủy thủ đoàn. Ông nhờ tôi tìm dùm ông một giải pháp. Tôi hoàn toàn bị hụt hẫng, nên đành lắc đầu từ khước. Niềm ưu tư lộ rõ nét mệt mỏi trên khuôn mặt trẻ măng. Lúc đó tôi thực lòng cảm thương người đồng nghiệp mới chập chững vào nghề. Tôi ngỏ ý mời ông ở lại dùng cơm chiều. Ông nhận lời mau mắn.

Bữa cơm hôm đó khá thịnh soạn với tôm, cá bống mú, cá thu tươi, và có cả rượu chát, do Ông Quận Hà Tiên tặng tuần trước -- đây là một phá lệ vì quân kỷ cấm uống rượu khi chiến hạm đang công tác. Bữa ăn mang nặng truyền thống Hải Quân: Trước khi thực khách động đũa, Sĩ Quan ...m Thực, Hải Quân Thiếu Úy Nguyễn Hoành, giới thiệu thực đơn với nội dung duyên dáng và trào lộng khiến toàn thể phòng ăn sĩ quan vui nhộn hẳn lên. Ðầu bếp và nhân viên tiếp vụ cũng được trịnh trọng giới thiệu...

Bữa ăn chiều được kết thúc bằng cà-phê. Trước khi cáo từ vị Hạm Trưởng Miên xin phép tôi để hiện thực một truyền thống của Hải Quân Pháp: Tặng pourboire (tipping) cho nhân viên tiếp vụ sau những bữa ăn thịnh soạn. Hạ sĩ hỏa đầu vụ được gọi trình diện. Hạm Trưởng Miên trao tặng anh và các bạn một dây chuyền vàng nhỏ kèm với một tượng Phật nhỏ bằng ngà. Nghi thức này thực sự kết thúc bữa ăn chiều.

Tôi tiễn người sĩ quan nước bạn tại hạm kiều. Lúc đó có lẽ không nén đưọc xúc động, ông xiết chặt tay tôi, nước mắt lưng tròng, và nói như bị lạc giọng, "Mes repects mon Capitaine. Au revoir. Priez pour moi." Tôi đáp lại ngắn gọn, "Au revoir Monsieur."

Lính gác hạm kiều trổi lên những hồi còi tiễn khách. Tôi vẫy tay từ biệt người bạn trẻ lần chót, rồi chậm rãi tiến về Phòng hành quân. Lúc đó tôi không ngờ rằng chỉ hơn một tháng sau, tôi cũng sẽ phải trải qua những dằn vặt bi đát như vị Hạm trưởng Miên này... Khoảng 6 giờ chiều ngày 22 tháng 3, 1975, chúng tôi nhận được một lệnh hỏa tốc:

"Khẩn trả BCH chiến zịch về An Thới stop Khởi hành đi Vùng 1 Zuyên Hải stop Trên đường đi báo cáo vị trí mỗi đầu giờ stop Zứt stop."

Tôi đến gặp Chỉ huy trưởng chiến dịch và trao cho ông tờ công điện vừa nhân. Với dáng trầm tư, ông vừa trả lại tôi bản điện văn vừa phát biểu:

- Quân khu II tan hàng; bây giờ chắc là sẽ đến lượt Quân khu I. Chuyến đi này của ông chắc là chuyến tàu vét. Chúc ông gặp may mắn.
- Xin cám ơn Commandant. Ông và toàn Bộ chỉ huy Chiến dịch sẽ về An Thới (Bộ Tư Lệnh Vùng 4 Zuyên Hải) bằng Tuần Duyên đĩnh WBP. Ðã có sẵn một chiếc đang cặp bên hữu hạm của tôi. Rất may là chúng tôi đã hoàn tất hết các phiếu sửa chữa, và cũng vừa mới được tiếp tế thêm thực tphẩm ươi chiều hôm qua. Nhiên liệu và dầu nhớt còn đủ để làm một chuyến hải hành vòng quanh quả địa cầu.
- Containment và Domino đã lỗi thời hay sao? Détente sẽ đưa đến trật tự mới chăng? Thật nhức đầu...Chẳng thể nào hiểu được.
- Commandant có nghĩ rằng sẽ có một nước Việt nam thứ ba, từ sông Bến Hải đến một đường biên giới nào đó thụt sâu xuống phía nam của Việt Nam Công Hòa hiện tại?
- Tôi chưa nghĩ kịp đến cái thế "tam quốc" đó. Giả như đó là trường hợp sẽ xảy ra, thì ai sẽ là tác giả của "Tân Tam Nam Quốc Chí" đây? Thế tam quốc Ngụy-Ngô-Thục rắc rối là thế, nhưng cái tam-quốc mà ông vừa đề cập sẽ còn rắc rối hơn nhiều, không chừng nó sẽ dẫn đến chiến tranh hạch nhân...
- Tôi chỉ đưa ra cái viễn tượng vừa thoắt hiện ra trong đầu. Nhưng cứ nhìn vào những diễn biến vừa xảy ra ở Cao Nguyên, tôi nghĩ... thật nhức đầu. Vả lại, tôi mới đọc xong một cuốn sách bàn về chủ thuyết Nixon (Nixonism) và mấy bài của Kissinger, trong đó détente là chủ diểm. Détente (hòa hoãn, xả, làm bớt căng thẳng) được đặt nền trên thực tại "xét lại và chống xét lại" giữa bạng (con trai) duật (con cò), Nga và Trung Cộng. Thế cân bằng quyền lực trên trái đất này sẽ không còn là lưỡng cực nữa, nhưng sẽ là tam cực.
- Ý ông muốn nói chủ thuyết Nixon dang được hiện thực trên giải đất nhược tiểu này?
- Vâng. Tôi cũng thấy André Maurois viết trong một cuốn sách nào đó, tôi không nhớ tựa đề, rằng: Giải đất Việt này mới chỉ được thống nhất thực sự hơn 150 năm. Trước đó nó là 3 entités (thực thể tồn sinh) khác nhau; ở mạn bắc là đất của dân Lạc Việt, ở giữa lằ đất của dân Chàm, và ở phía nam là cứ sở của giống Khờ-me.
- Ðó chỉ là cổ sử. Bây giờ là thời đại của vệ tinh nhân tạo...
- Maurois và Kissinger là những sử gia, và hầu hết các sử gia đều tin rằng có "những bài học lịch sử," và có thể dùng những bài học này vào việc hoạch định chính sách quốc gia cũng như quốc tế...

Nhân viên tiếp vụ mang đến hai ly cà-phê. Tôi nhìn anh và nói:

- Cám ơn anh. Anh truyền lệnh của tôi cho nhân viên trực hạm kiều: (1) Ðánh thức nhân viên chiến hạm, (2) Thông báo bằng hệ thống nội thông cho nhân viên Bộ Chỉ Huy Chiến dịch chuẩn bị rời tàu, sang chiến đĩnh WPB đang cặp bên hữu hạm, và (3) mời Sĩ quan hải hành, Trung úy Ba, lên gặp tôi trên phòng hành quân.
- Hạm Trưởng, mình đi đâu mà khẩn cấp dữ vậy?
- Ðà Nẵng.
- Vùng 1 cũng thua rồi sao, Hạm trưởng?

Tôi không thể trả lời thỏa đáng câu hỏi của người thuộc cấp trẻ, nên đành đánh trống lảng bằng một nụ cười méo xệch...

HQ-802 nhổ neo hồi 8:00 giờ tối ngày 22 tháng 3, 1975, rời Bắc đảo Phú Quốc, trực chỉ Vùng 1 Zuyên Hải. Mấy ngày trước biển rất lý tưởng, rất êm. Nhưng từ trưa ngày hôm nay gió Tây Nam bắt đầu thổi, và biển vùng lên khá mạnh khi chúng tôi khởi hành. Những lượn sóng ngang làm con tàu chao đảo dữ dội, hết ngả bên này, lại nghiêng bên kia. Ngồi trên chiếc ghế nệm bọc da trên đài-chỉ-huy, nhìn sâu vào đêm đen mịt mùng, tôi bay vào những khoảnh khắc suy tư vô tích sự: những lượn sóng ngang cao sáu bảy bộ này sẽ làm khổ chúng tôi trên đoạn đường từ Hòn Poulo Dama (Hòn Nam Du, phía nam Rạch Giá) cho đến Hòn Poulo Obi (Hòn Khoai, gần Mủi Cà Mâu)... Nhưng chúng sẽ đẩy chúng tôi lướt nhanh hơn trên đoạn đường Hòn Khoai-Vũng Tàu... Từ Vũng Tàu đến Ðà Nẵng biển sẽ êm ru. Ðà Nẵng ư? Ðà Nẵng còn xa quá... Nhưng Ðà Nẵng cũng rất gần, gần như những lần chúng tôi ngồi ăn bún bò Huế trên đường Ðộc Lập... Quả thật tôi vừa trải qua những cơn mê đứt đoạn, một thứ bệnh tâm thần rất nhẹ thường thấy nơi những người thủy thủ đã bập bềnh trên biển nhiều năm.

- Thưa Hạm Trưởng, Sàigòn yêu cầu mình báo cáo vị trí.
- Thưa Hạm trưởng, tôi vừa báo cáo hồi 2000Z. Bây giờ mới có 2030Z. Ðúng 2100Z mới phải báo cáo nữa.
- Ông báo cáo bằng tọa độ hải đồ phải không?
- Dạ.
- Hãy báo cáo cho họ bằng khoảng cách và phương giác. Bây giờ có khá nhiều sĩ quan cải tuyển tại Trung Tâm Hành Quân Bộ Tư Lệnh Hải Quân. Họ không biết gì về N (North) với E (East) đâu.
- Dạ. Mình vẫn giữ nhóm ngày giờ Zulu, Hạm trưởng?
- Ðúng. Nhưng tìm cách cho nhóm ngày giờ theo kiểu "sáng, trưa, chiều, tối" vào trong bản văn. Thí dụ, Vị trí HQ-802 lúc 8:00 giờ chiều ngày X tháng Y năm Z.
- Dạ.

Con tàu vẫn lầm lũi tiến. Thỉnh thoảng nó húc thật mạnh vào một lượn sóng lớn, làm khối nước vỡ tan thành bụi, và bụi nước ào tới, phủ trùm lên đài chỉ huy, khiến cho lớp phên kính chắn gió phía trước nhạt nhoè... Ðúng như dư đoán của tôi, hải trình Vũng Tàu-Ðà Nẵng rất êm ả. Nhờ đó chúng tôi đi nhanh hơn; tuy vậy, Bộ Tư Lệnh Hải Quân Hành Quân Biển thỉnh thoảng lại gởi đến một điện văn dục chúng tôi tăng tốc độ. Ðể khỏi phải bận tâm về những thứ mệnh lệnh ngẩn ngơ loại này, tôi buộc phải gởi cho họ một công điện cũng thuộc loại đần dộn không kém:

- Trân trọng báo cáo Stop Hiện đang hải hành với hai máy tiến full (tối đa) Stop Zứt Stop.

Trong thực hành, máy tiến full (tối đa) chỉ được xử dụng trong những trường hợp nguy hiểm hoặc khẩn cấp như để tránh đụng tàu, tránh thủy lôi, hoặc vận chuyển để vào đội hình trong các chiến thế, và chỉ được dùng trong một thời hạn ngắn chừng nửa tiếng đồng hồ. Vượt qua giới hạn này, máy chánh và những bộ phận liên hệ của chiến hạm có thể gặp trở ngại kỹ thuật hoặc hư hỏng.

Hơn ba ngày sau HQ-802 tới lãnh hải Quân khu I. Ngay khi vượt qua đường ranh giới phân cách Vùng 1 và Vùng 2 Zuyên Hải vào khoảng 6:00 giờ chiều ngày 26 tháng 3 năm 1975, Cơ Xưởng Hạm Vĩnh Long gởi công điện báo cáo nhập vùng hành quân.

Trong khi con Trâu Nước của tôi vẫn lầm lũi chẻ nước tiến lên phía Bắc, tôi linh cảm như có một chuyện bất trắc nào đó đã hoặc đang xảy ra... Ðài kiểm báo 104 (Sa Huỳnh) không thấy lên tiếng như thường lệ mỗi khi nó phát hiện hồi ba (echo) lớn của một chiến hạm xuất hiện trên màn ảnh radar của nó. Ở phía tây, trong đất liền, vùng ánh sáng bao phủ lên thị trấn Quảng Ngãi mỗi đêm cũng biến đâu mất hút...

Toàn giải đắt liền chìm trong sương đêm dày đặc. Mỏm đá Sa-kỳ hiện ra mờ nhạt trên màn ẳnh radar của HQ-802, ở hướng tây-bắc. Mủi Sa-Kỳ. Chính tại mỏm đá này, 8 năm về trước (1967) Tuần Duyên Hạm Hòn Trọc, HQ-618, của tôi đã bắn chìm một tàu Bắc Việt, sau khi săn đuổi nó hơn hai tuần lễ trên một vùng biển trải rộng từ đường giới tuyến ra đến Hoàng Sa và tràn xuống đến đường ranh giữa Vùng 1 Zuyên Hải và Vùng 2 Zuyên Hải, đoạt hơn 5000 vũ khí đủ loại còn mới nguyên si, còn bọc trong giấy dầu nhúng sáp.

Cũng chính tại nơi đây, hồi tháng 8, 1974, Hộ Tống Hạm Ðống Ða, HQ-07, của tôi đã dùng trọng pháo bẻ gẫy gọng kìm phía Ðông của Bắc Quân khi họ âm mưu dứt điểm Quảng Ngãi để mở rộng khoảng "đứt khúc" trong dẫy Trường Sơn, nằm ở phía Tây Quảng Ngãi, cho chủ lực của họ từ Lào, từ đường mòn Hồ Chí Minh dễ tràn xuống xâm nhập khu bình nguyên phía nam Quân Khu 1... Sa-Kỳ...

- Thưa Hạm trưởng, có công điện khẩn chiến dịch.

Tôi đón lấy tờ giấy màu trắng dục và đọc:

"Hạm trưởng HQ-802 được chỉ định chỉ huy Phân Ðội Hải Quân Nam Stop Gồm HQ-802, HQ505, HQ-404, Liên Ðoàn Ðặc Nhiệm Chu Lai Stop Nhiệm vụ Stop Vào Chu Lai đón Sư Ðoàn 2 ra Ðảo Lý Sơn (Cù lao Ré) Stop Báo cáo nhận hành Stop zứt Stop."

Nội dung bản văn thật rõ ràng, nhưng chính sư minh bạch của nó gây bối rối cho tôi rất nhiều. Tôi phải làm gì đây? Những bài học, những đoạn phim tài liệu, những sa bàn, những nguyên tắc thiết kế và thực hiện các cuộc hành quân thủy bộ (đột kích -- amphibious raids, tấn công -- amphibious assauts, và lui binh -- amphibious retreats) cấp tiểu đoàn, trung đoàn, sư đoàn, mà tôi đã được học qua tại "Trường Tham Mưu Thủy Bộ Hoa-Kỳ" (Naval Amphibious School) dồn dập bay về trong tâm trí tôi một cách hỗn loạn.

Tôi cố moi trí nhớ để có thể rút ra từ mớ kiến thức rối bời đó một vài điều khả dĩ giúp tôi tìm ra một phương cách để hoàn tất trách nhiệm vừa nhận được. Tôi nhớ ra rằng dù thuộc cấp đẳng nào (tiểu đoàn, trung đoàn, hay sư doàn), và loại nào (đột kích, tấn công, hay lui binh), mỗi cuộc hành quân thủy bộ đều phải có một số yếu tố căn bản:

(1). Sự phối hợp chặt chẽ (close co-operation) giữa hai thành phần thủy (Hải Quân) và bộ (TQLC/ Bộ Binh) trong mọi giai đoạn: (a) thiết kế, (b) tập trung ở lên tàu, (d) di chuyển đến điểm đầu cầu (landing beach), (e) đổ quân, và (f) tấn công. Trong giai đoạn thiết kế, kế hoạch lui binh (withdrawal plan) cũng phải được soạn thảo như là một lệnh hành quân dự bị, sẵn sàng để đem ra thi hành khi hữu sự. Việc soạn thảo kế hoạch lui binh rất tế vi vì nó liên quan đến những vấn đề phức tạp thuộc hai lãnh vực luân lý và tâm lý. (a) Khi lui binh, thành phần cản hậu là thành phần được "coi như" dê tế thần (scapegoat) để lực lượng thủy bộ được bảo toàn càng nhiều càng tốt, cũng như để chuộc lại những sai lầm chiến thuật và chiến lược của các tầng thứ lãnh đạo ở trên. Vấn đề này quả thật là một vấn đề lương tâm (phải chấp nhận bao nhiêu tổn thất nhân mạng, chiến cụ và quân dụng?). (b) Bị đánh bật ra khỏi một đầu cầu sẽ gây nên những chấn động tâm lý tai hại khó lường không những trong nội bộ quân đội mà còn cả trong phạm vi quốc gia và quốc tế. Chấn động tâm lý sẽ có ảnh hưởng lớn đến chính lược quốc gia và chiến lược quân sự; nghĩa là, nó rất có thể đưa đến hậu quả là sự bại trận toàn triệt. Vì thế mà Tổng Tư Lệnh Quân Ðội Ðồng Minh Eisenhower (thế chiến thứ II) đã phải viết sẵn một thư "tạ tội" để sẵn sàng công bố nếu cuộc đổ bộ Normandy do ông chỉ huy thất bại. Ðiều đó cho ta thấy tầm mức chấn động tâm lý của một cuộc lui binh rất lớn lao.

(2). Sự nhất trí chỉ huy (command harmony). Mọi động ứng từ giai đoạn (a) đến (e) do Hải quân chỉ huy; trách nhiệm từ giai đoạn (f) và kế tiếp do TQLC/Bộ binh lãnh nhận.

(3). Sự vượt trội về không trợ và yểm trợ hải pháo (Air and Naval gunfire support superiority) cho lực lượng đổ bộ là điều kiện cần cho sự chiến thắng của cuộc hành quân.

(4). Số lượng tiểu đĩnh trừ bị phải bằng 1/3 số lượng cần thiết để đổ quân (Quantity of reserved assault crafts + 1/3), sẵn sàng thay thế những tiểu đĩnh bị hư hao bất thường hoạc bị tổn thất trong các đợt chuyển quân vào đầu cầu.

Dĩ nhiên những gì chộn lộn trong tâm trí tôi lúc đó chỉ là những ước định trường ốc, lý thuyết. Nhưng điều quan trọng là tôi vừa nhận đựơc lệnh phải thi hành một công tác vượt quá khả năng của tôi, là phải thực hiện một cuôc hành quân lui binh cấp sư đoàn với vỏn vẹn 3 chiến hạm cỡ trung trong số đó có con tàu nặng nề và chậm chạp của tôi, và khoảng chừng 20 chiến thuyền bằng gỗ! Và đó là điểm làm tôi lo âu và bối rối.

Ðể có thể thi hành được một phần tối thiểu nhiệm vụ này, chắc chắn tôi cần phải nắm vững trong tay một số điều kiện tiên quyết. (1) Một đặc lệnh truyền tin để có thể phối hợp điều quân chung với Bộ Tư Lệnh Sư Ðoàn 2. (2) Tình hình tổng quát về địa điểm tập trung quân trước khi các đơn vị bộ binh lên tàu, nhất là một phóng đồ trận liệt chỉ rõ vị trí của địch (phỏng định), của thành phần cản hậu (delaying detachments) để yểm trợ hải pháo cho họ khi cần, nhất là để trù hoạch một số tiểu đĩnh (landing crafts) làm phương tiện di chuyển họ ra tàu lớn khi đại thành phần của Sư đoàn 2 đã được rút đi. (3) Một hoặc hai chiếm hạm có hải pháo lớn trong thành phần "Phân đội Hải Quân Nam" để dáp ứng nhu cầu yểm trợ hải pháo. (4) Một số Hải vận đĩnh LCU và Quân vận đĩnh LCM để chuyên chở chiến cụ và đưa binh sĩ từ bãi tập trung ra tàu lớn. Nhưng lệnh hành quân vừa nhận không cho tôi gì hết, ngay cả một thời gian tối thiểu -- ít ra là một ngày (?) -- để nhận rõ tình hình, để phối hợp với các vị hạm trưởng khác, với Chỉ huy trưởng Liên Ðoàn Ðặc Nhiệm Chu Lai, và với thẩm quyền Sư Ðoàn 2, ngõ hầu chúng tôi có thể cùng chung sức soạn thảo ra một kế hoạch nào đó để thực hiện một cuộc lui binh chớp nhoáng và an toàn.

Phản ứng đầu tiên của tôi sau khi đọc lệnh là tổ chức cấp thời một bộ tham mưu hành quân cho riêng HQ-802. Tôi cho mời tất cả sĩ quan ngành chỉ huy và sĩ quan trưởng khối tiếp vận lên họp tại đài chỉ huy chiến hạm. Bộ tham mưu hành quân gồm có (1) ban hải-hành, (2) ban hành- quân, (3) ban tác-chiến-đổ-bộ, (4) ban tiếp-vận. Tôi gặp phải nhiều trở ngại khi tổ chức bộ tham mưu hành quân vì hạm phó của tôi chưa tân đáo, sĩ quan đệ tam (đang tạm thời kiêm nhiệm chức vụ Quyền Hạm phó) vắng mặt từ chiều ngày 9/2/75. Các sĩ quan hiện diện tại chiến hạm phần đông là sĩ quan cấp thiếu úy, còn rất ít kinh nghiệm hành quân và hải hành. Vì vậy, tôi phải có mặt toàn thời tại Phòng-Hành-Quân hoặc đài-chỉ-huy chiến hạm.

Sau phiên họp, tôi chỉ thị cho ban hải hành khảo sát các điều kiện thủy đạo và lập bảng liệt kê mực nước thủy triều tại bến Chu Lai từ ngày 25/3/75 đến ngày 30/4/75 (một điềm báo trước chăng?). Khi đã có được những dữ kiện về thủy đạo, tôi viết công điện gởi về Bộ Tư Lệnh Hải Quân Vùng 1 Zuyên Hải, là giới chức chỉ huy toàn thể lực lượng Hải Quân hiện có mặt tại Quân Khu 1:

Trân trọng thỉnh cầu Stop Khẩn cứu xét nhu cầu hành quân của Phân Ðội Hải Quân Nam Stop (1) Ðặc lệnh truyền tin với đầy đủ danh hiệu và tần số của BTL/SÐ2 (Bộ Tư Lệnh Sư Ðoàn 2) Stop (2) Xin tăng phái ít nhất một chiến hạm có hải pháo lớn cho Phân Ðội Nam Stop (3) Thủy đạo qúa cạn và chật hẹp Stop Với quán tính lớn và độ chìm rất sâu Stop HQ-802 có thể mắc cạn khi vào Chu Lai Stop Vì lý do đó Stop Xin tăng phái Hải vận đĩnh LCU và LCM Quân vận đĩnh LCM để di chuyển binh sĩ và chiến cụ từ bãi tập trung ra chiến hạm Stop Zứt Stop.

Chừng nửa giờ sau HQ-802 nhận được hai công điện. Công điện thứ nhất là một đặc lệnh truyền tin. Công điện thứ hai cho biết (1) 6 Hải vận đĩnh LCU Quân Vận đang trên đường từ Qui Nhơn ra tăng phái, (2) bác khước nhu cầu xin tăng phái chiến hạm có hải pháo lớn.

Trên đường tiến về Chu Lai, HQ-802 phát hiện nhiều hồi âm (echo) trên màn ảnh radar, phía bắc Ðức Phổ, và từ máy PRC-25 đã được chỉnh theo tần số bộ binh, tôi biết đó là toán Hải vận đĩnh LCU tăng phái, từ Qui Nhơn ra. Tôi liên lạc với họ, rồí đổi hướng đi chếch vào bờ để yểm trợ và hướng dẫn họ trên đường đi.

Khoảng 1:00 sáng ngày 27/ 3/ 1975, HQ-802 đã bắt được liên lạc với Bộ Tư Lệnh Sư đoàn 2, HQ-505, HQ-404. Vào lúc đó Chuẩn Tướng Tư Lệnh Sư Ðoàn 2 đang bay trên trực thăng, rất gần HQ-802. Tôi báo cáo lên ông nhiệm vụ của lực lượng Hải Quân hiện có mặt trong vùng, kể cả 6 Hải vận đĩnh LCU, do Quân Vận Qui Nhơn tăng phái, đang theo sau tôi. Ông cho tôi biết sơ qua về tình hình tổng quát trên bờ tại Chu Lai. Qua cuộc hội thoại do, tôi nhận ra niềm ưu tư của ông là Sư đoàn 2 có lẽ sẽ mất hết chiến cụ và quân dụng kể cả pháo binh cơ hữu. Ông hỏi:

- Hải quân có cách nào để chuyển chiến cụ và quân dụng lên tàu không?
- Thưa, lòng biển ở đây rất lài, mực nước quá cạn. Chúng tôi không thể vào sát được. Muốn chuyển quân dụng lên tàu phải có cầu nổi (pontoon causeway) bắc dài ra đến mực nước sâu để các tàu chuyển vận lớn có thể vào cặp hoặc hạ cửa đổ bộ. Phần vụ này phải có do Công Binh đảm nhiệm. Trong tình trạng hiện tại, Hải Quân không thể đáp ứng được nhu cầu của Ðại Bàng. Vả lại, tại đây chúng tôi chỉ có ba chiến hạm, và cũng chỉ mới nhận được lệnh cách đây mấy tiếng đồng hồ.
- Hồi khuya Hạm trưởng chiếc tàu kia (HQ-505) đã vào ủi bãi, nhưng... hỏng. Tàu đậu tuốt luốt tận ngoài xa, nên không làm sao cho quân dụng và binh sĩ lên được.
- Thưa Ðại Bàng, lệnh ra thình lình quá, Không có thì giờ để phối hợp, thiết kế và chuẩn bị. Tôi chỉ mới nhận được lệnh hồi 8:00 giờ tối hôm qua (26/3/75).
- Vậy chắc là chỉ di chuyển đươc binh sĩ, và sẽ mất hết chiến cụ và quân dụng...

Tôi nghe rõ tiếng thở dài của ông phát ra từ ống liên hợp... Chiếc trực thăng đổi hướng bay về hướng Ðà Nẵng. Chuyển sang máy truyền tin khác, tôi liên lạc với HQ-505.

- Ðây HQ-802. Tôi và HQ-404 sắp tới điểm hẹn. Yêu cầu cho biết tình hình ở trong đó.
- Trình thẩm quyền, tình hình trên bến khẩn trương và rất bất ổn; binh lính, dân, xe cộ, và chiến cụ chật ních trên bãi tập trung. Khi HQ-505 ủi bãi, lính và dân chen lấn nhau lên tàu. Thiết giáp cũng xông bừa vào đám đông trước cửa đổ bộ (ramp), cán chết nhiều người. Lựu đạn nổ tại cửa ramp cửa đổ bộ). Chết và bị thương khá bộn. Hạm trưởng tôi phải rút ra khỏi bãi và vô cặp cầu...
- Trong đó còn đủ chỗ cho tôi và HQ-404 không?
- Trình thẩm quyền, sau lái tôi có chỗ cho HQ-404 vô cặp. Thẩm quyền có thể ủi bãi, nhưng rất nguy hiểm.
- HQ-802 không có cửa đổ bộ. Thông báo với thẩm quyền anh: Trong tình thế này, không nhận các loại chiến cụ. Chỉ nhận binh sĩ và gia đình, vũ khí cá nhân và cộng đồng nhẹ. Thúc họ lên tàu càng nhanh càng tốt. Tôi vừa trình bày ý kiến đó với Ðại bàng của Sư Ðoàn 2. Anh có liên lạc được với Liên Ðoàn Ðặc Nhiệm Chu Lai không?
- Liên Ðoàn Ðặc Nhiệm Chu Lai đã rút toàn bộ về Cù Lao Ré và Ðà Nẵng từ chiều ngày hôm qua (26/3/75). Dưới nước chỉ còn 2 Tuần duyên Ðĩnh WPB và 4 Duyên tốc dĩnh PCF đang tuần tiễu ở thượng giòng.
- Anh chỉ thị cho một con cá nhỏ đó ra gặp tôi.
- Nhận rõ, thẩm quyền.

Lúc tôi ngưng liên lạc với HQ-505, kim dạ quang trên mặt đồng hồ của tôi chỉ 4:40 sáng (ngày 27/3/ 75). Tôi liên lạc với HQ-404.

- HQ-404 hiện anh ở đâu?
- Tôi đang ở ngay sau anh.
- Anh có nghe tôi và HQ-505 vừa rồi không?
- Tôi nghe. Có vẻ gay go quá.
- Tôi đã lập bản liệt kê mực nước. Lúc này nước đang ròng. Không đủ nước cho tôi vô. Anh có thể lết vô được.
- Trời mù mịt quá. Không thấy phao nào cả. Nếu thấy được chiếc phao đầu, tôi có thể mò mẫm vô được.
- Radar của tôi khá. Tôi đã định được vị trí của chiếc phao đó. Ðèn của tất cả các phao đều đã hư hết. Tôi dẫn anh tới đó rồi bắn hỏa châu soi đường cho anh vô. Gọi nhiệm sở tác chiến đi. Báo cho tôi biết khi đã sẵn sàng.
- Ðã sẵn sàng.
- Khi đến cách phao đó khoảng 1000 yards. Tôi sẽ bắn hỏa châu bên tả hạm. Anh lách sang trái, vượt qua tôi mà vô. Rồi tôi sẽ lình bình ở ngoài và tiếp tục soi đường cho anh. Sẽ có một bày Hải vận đĩnh LCU từ Qui Nhơn ra tăng phái đi theo anh.
- Hiểu rõ.
- Tôi đổi cấp 340 (hướng đi của chiến hạm).
- Tôi theo anh.

Sương đêm mịt mùng. Hai chiến hạm cùng tiến vào thủy đạo Chu Lai. Hai mươi phút sau, HQ-802 ngừng lại và phóng đợt hỏa châu đầu tiên. HQ-404 lướt lên, tiến tới chiếc phao hình lăng trụ. Ðợt hỏa châu thứ hai được phóng về phía chiếc phao. Radar của HQ-802 cho thấy HQ-404 đổi hướng và đã vào đúng thủy đạo...

Ðợt hỏa châu thứ 3 được phóng lên. Cùng lúc đó một loạt 4 hỏa tiễn địch từ trong bờ bay đến HQ-802. Các hỏa tiễn lao xuống mặt nước, nổ tung cách chiến hạm khoảng 500 thước. Pháo thủ địch điều chỉnh khá chính xác. Chỗ hỏa tiễn nổ chính là điểm HQ-802 lình bình để phóng chùm hoả châu thứ hai. Lúc đạn nổ, chiến hạm đã di chuyển đi chỗ khác.

Không chậm trễ, tôi xoay tàu vào hướng 090, và rời khỏi vị trí hiện tại bằng cả hai máy tiến tối đa. Con Trâu Nước của tôi hôm nay đáp ứng các lệnh vận chuyển mau lẹ hơn, có lẽ nhờ sức đẩy của giòng thủy triều đang ròng từ trong cửa sông chảy ra.

Một đợt và lại một đợt hoả tiễn nữa lao tới và nổ trên mặt biển, nhưng HQ-802 đã ra khỏi mục tiêu xạ kích của địch. Tôi gọi HQ-404:

- Tôi bình an. Anh thế nào?
- Tôi không sao. Chúng ùng uỳnh vài loạt ở phía sau.
- Anh đi rất đúng đường. Giữ nguyên cấp đó cho đến khi nhìn thấy cái đầu khuỷu tay ở phía 8 giờ thì đổi hướng.
- Tôi đang mò mẫm, nhưng sẽ trót lọt.
- HQ-404, đây HQ-505. Anh vô cặp phía sau tôi. Mũi hạ giòng.
- HQ-404 nhận rõ. Zứt.

Khoảng 7:00 giờ sáng (27/3/75) một Tuần duyên đĩnh WPB từ Chu Lai ra, đến cặp HQ-802. Thuyền trưởng lên trình diện tôi trên đài chỉ huy.

- Ông thuộc đơn vị nào?
- Thưa thẩm quyền, tôi thuộc Hải Ðội 1 Zuyên Phòng tăng phái cho Liên Ðoàn Ðặc Nhiệm Chu Lai.
- Ông là sĩ quan thâm niên nhất của toán Hải Ðội 1 Zuyên Phòng tăng phái phải không?
- Dạ, phải.
- Tại đây hiện ông có bao nhiêu chiến đĩnh ?
- Thưa thẩm quyền, chúng tôi có 2 Tuần duyên đĩnh WPB và 4 Duyên tốc đĩnh PCF.
- Khi được lệnh về Ðà Nẵng Chỉ huy trưởng Liên Ðoàn Ðặc Nhiệm Chu Lai có chỉ thị gì cho ông không?
- Thưa, Chỉ huy trưởng Liên Ðoàn Ðặc Nhiệm Chu Lai chỉ ra lệnh cho chúng tôi tiếp tục tuần tiễu bảo vệ an ninh mặt sông.
- Liên Ðoàn Ðặc Nhiệm Chu Lai trực thuộc quyền chỉ huy hành quân của tôi. Từ giờ này ông nhận lệnh trực tiếp của HQ-802. Ông ghi nhớ những lệnh này:
(1) Chỉ thị cho tất cả các chiến đĩnh, hiện đang chở binh sĩ và gia đình, chuyển họ lên HQ-802. (2) Ðúng 11:30 giờ sáng nay, toán tăng phái của ông sẽ thi hành công tác hộ tống HQ-505 và HQ-404 khi hai chiến hạm và toán Hải vận đĩnh LCU rời cầu. Ðội hình tác chiến như sau: Hai duyên tốc đĩnh PCF dẫn trước các chiến hạm, giữ vị thế xen kẽ. Thành phần còn lại theo sau hai chiến hạm, cũng giữ vị thế xen kẽ (một bên phía bờ tả, một bên hữu). (3) Nếu đich tấn công từ hai bên bờ, chiến đĩnh chạy bên tả bắn trả vào bờ bên tả, chiến đĩnh chạy bên hữu bắn trả vào bờ bên hữu, nhưng vẫn tiếp tục giữ đội hình và tiếp tục ra khơi. (4) Khi đã ra tới khu an toàn, tuần tiễu dọc theo bờ biển, giữ khoảng cách 5 hoặc 6 hải lý đối với bờ biển. (5) Nhận tiếp tế nhiên liệu và nước ngọt từ HQ-802 khi cần.
- Ông có thắc mắc gì không?
- Thưa thẩm quyền, chừng nào chúng tôi phải chuyển binh sĩ và gia đình họ lên HQ-802.
- Ngay từ giờ này. Ông chỉ thị cho 2 Duyên tốc đĩnh PCF chở binh sĩ ra HQ-802 ngay bây giờ. Ba chiến đĩnh kia vẫn tiếp tục tuần tiễu. Khi ông và 2 Duyên tốc đĩnh PCF đã chuyển hết binh sĩ lên HQ-802, cả ba vào lại Chu Lai tuần tiễu để cho 3 chiến đĩnh kia chở binh sĩ ra tàu tôi. Tôi sẽ trả họ về cho ông khi họ đã chuyển xong binh sĩ lên HQ-802.
- Thưa thẩm quyền, có một số xà-lan của Phi Luật Tân và ghe dân chở đầy lính và dân, nhưng không phải là lính của Sư đoàn 2. Họ chạy từ Quảng Tín, Quảng Ngãi về.
- Ông bảo họ chuyển tất cả lính và dân ra HQ-802. Tôi sẽ nhận hết. Ông gọi vào trong đó cho các thuyền trưởng của ông, bảo họ chuyển lệnh này cho các xà-lan và các ghe.
- Tôi nhận rõ, thẩm quyền.

Tôi viết lại lệnh này dưới hình thức công điện, ký tên, đóng dấu, rồi trao cho Thuyền trưởng Tuần duyên đĩnh sau khi đã chỉ thị cho ông ta ký nhận vào sổ trực hành quân... HQ-802 khởi sự tiếp nhận binh sĩ và dân lên tàu. Ðồng thời, tôi cũng liên lạc với các chiến hạm và trưởng toán Hải vận đĩnh LCU tăng phái để nắm vững tình hình trong bến Chu Lai. Khoảng 10:00 giờ sáng (27/ 3/ 75) HQ-404 lên tiếng.

- Không có cảnh xô bồ và bi thảm như đêm qua. Binh sĩ và gia đình họ lên tàu trong vòng trật tư. Binh sĩ Sư đoàn 2 đã lên các chiến hạm và Hải vận đĩnh LCU Quân Vận gần hết. Trên bãi hiện chỉ còn các loại xe và chiến cụ nặng. Các Hải vận đĩnh LCU Quân Vận tiếp nhận được một số chiến cụ.
- Mực nước thủy triều sẽ cao nhất vào lúc 1142Z (11:42 giờ sáng). Khi đã đón hết binh sĩ, các bạn rời cầu ngay. Sẽ có các Tuần duyên đĩnh WPB và Duyên tốc đĩnh PCF dẫn đường và hộ tống.
- Trình thẩm quyền, Quân Vận Qui Nhơn tăng phái chúng tôi xin tiếp tế dầu.
- Các bạn theo các chiến hạm khi họ tách bến. Ðến cặp HQ-802, tôi sẽ tiếp tế dầu cho các bạn.
- Nhận rõ, Thẩm quyền.
- Hải đội 1 Zuyên Phòng tăng phái, đây HQ-802. Ðúng 1100Z, các bạn vào đội hình yểm trợ.
- Nhận rõ, Thẩm quyền.

Một chiếc trực thăng vần vụ trên HQ-802. Từ trên đó Tướng Tư Lệnh Sư đoàn 2 gọi xuống.

- Hải Quân đã đón xong lính của tôi chưa?
- Trình Ðại bàng, binh sĩ đã lên tàu gần hết. Hải vận đĩnh LCU do Quân Vận tăng phái chở thêm được một số ít chiến cụ. Không rõ loại và số lượng. Chúng tôi dự trù đi Lý Sơn khoảng 12:00 giờ.
- Tôi ra ngoài đó trước, chờ các anh. Liệu có vô được chuyến nữa không?
- Trình Ðại bàng, nếu tình trạng an toàn cho phép. Như tôi được biết, thành phần cản hậu của Sư Ðoàn 2 chưa ra bến tàu. Nhưng chúng tôi vẫn khởi hành như đã định vì con nước đang thích hợp. Tôi sẽ xin Bộ Tư Lệnh Hải Quân Vùng 1 Zuyên Hải tăng phái thêm 8 Quân vận đĩnh LCM đến đón thành phần cản hậu trong khi các chiến hạm và tàu Quân Vận đổ binh sĩ của Ðại bàng lên Lý Sơn.
- Ông xin gấp đi. Nhu cầu ngoài Thuận An lớn lắm. Họ đang dồn mọi nỗ lực cho ngoài đó.
- Xin Ðại bàng giữ tàu Quân Vận lại để chuyển binh sĩ từ tàu lớn vô bờ. Ngoài đó biển rất cạn và có nhiều đá ngầm, các chiến hạm không vô được.
- Chấp thuận.

Chiếc trực thăng lao về hướng Ðông Nam. Tôi gởi công điện về Ðà Nẵng để báo cáo diễn biến cưộc hành quân lui binh tại Chu Lai.

Trân trọng báo cáo Stop Thứ nhất Stop Ðã hoàn tất công tác đón binh sĩ Sư Ðoàn 2 Stop Ngoại trừ thành phần cản hậu chưa ra bến kịp Stop Bỏ lại chiến cụ và quân dụng vì lý do thủy đạo và tình trạng hỗn loạn tại địa điểm tập trung Stop Tư Lệnh Sư Ðoàn 2 đã chấp thuận quyết dịnh này trên nguyên tắc Stop Các chiến hạm và Hải vận đĩnh LCU do Quân Vận Qui Nhơn tăng phái sẽ rời Chu Lai đi Lý Sơn hồi 11:30 giờ ngày 27/ 3/ 75 Stop Thành phần Hải Ðội 1 Zuyên Phòng tăng phái cũng được rút ra biển Stop Tuần tiễu dọc theo bờ biển Chu Lai Stop Thứ hai Stop Ðề nghị Stop Khẩn tăng phái 8 Quân vận đĩnh LCM đến Chu Lai đón thành phần cản hậu của Sư Ðoàn 2 Stop Thành phần Hải Ðội 1 Zuyên Phòng tăng phái sẽ yểm trợ các Quân vận đĩnh LCM vào Chu Lai Stop Trường hợp đề nghị trên được chấp thuận Stop Thỉnh cầu thông báo cho HQ-802 giờ khởi hành của toán Quân vận đĩnh LCM Stop Zứt. Stop.

Mười một giờ mười lăm sáng (11:15 giờ) ngày 27/3/75, trưởng toán Hải Ðội 1 Zuyên Phòng báo cáo.

- Trình thẩm quyền, Hải Ðội 1 Zuyên Phòng tăng phái đã vào vị trí.
- HQ-802 nhận rõ.
- Trình thẩm quyền, Quân Vận Qui Nhơn tăng phái rời bến.
- Các bạn đi theo các chiến đĩnh hộ tống nếu không sẽ mắc cạn.
- Nhận rõ thẩm quyền.
- Hải Ðội 1 Zuyên Phòng tăng phái, đây HQ-802. Các bạn giảm tốc độ, giữ đúng thủy đạo, dẫn đường cho Quân Vận và các chiến hạm.
- Nhận rõ, Thẩm quyền.
- HQ-802, đây HQ-505, rời cầu.
- HQ-802, đây HQ-404, chuẩn bị rời cầu.

Trong khi các chiến hạm và các Hải vận đĩnh LCU còn đang trên đường đường ra biển, ban tác-chiến-đổ-bộ của HQ-802 thực hiện công tác tách rời binh sĩ Sư Ðoàn 2 và gia đình họ thành một nhóm, các binh sĩ không thất lạc đơn vị và dân thành nhóm thứ hai. Nhóm thứ nhất sẽ được chuyển xuống các Hải vận đĩnh LCU khi họ cặp HQ-802 để nhận tiếp tế nhiên liệu.

Cũng trong khoảng thời gian đó địch pháo kích nhiều đợt vào bãi tập trung và cầu tầu Chu Lai. Nhưng đoàn tàu đã ra khá xa, nên không bị tổn thất nào.

Ra khỏi đường thủy đạo (channel), HQ-505 và HQ-404 trực chỉ đảo Lý Sơn. Toán Hải vận đĩnh LCU tăng phái cặp vào HQ-802 để được tiếp tế nhiên liệu và đón số binh sĩ Sư Ðoàn 2 đang có mặt trên HQ-802. Nhận tiếp tế và binh sĩ xong, các hải vận đĩnh LCU trực chỉ đảo Lý Sơn với vận tốc tối đa. HQ-802 nặng nề đi sau chót.

Ðến Lý Sơn, các Hải vận đĩnh LCU đổ quân rất nhanh, rồi ra cặp HQ-505 đón binh sĩ vào bờ với sự trợ giúp của Duyên Ðoàn 16. Trên đường ra Lý Sơn, tôi báo cáo lên Tư Lệnh Sư Ðoàn 2 và Bộ Tư Lệnh Hải Quân Vùng 1 Zuyên Hải về việc địch đang pháo kích vào bãi tập trung và cầu tàu Chu Lai. Trong công điện gởi Bộ Tư Lệnh Hải Quân Vùng 1 Zuyên Hải tôi xin hủy bỏ việc tăng phái các Quân vận đĩnh LCM vào Chu Lai, nhưng được Bộ Tư Lệnh Hải Quân Vùng 1 Zuyên Hải cho biết toán Quân vận định LCM đã lên đường trước đó 2 giờ, và hiện không liên lạc được với toán này...

Việc đổ quân lên bờ đang diễn tiến tốt đẹp, thì một biến cố hệ trọng xẩy ra vào khoảng 4:20 giờ, chiều ngày 27/3/75 trên HQ-404. Binh sĩ Sư đoàn 2 trên HQ-404 (khoảng hai tiểu đoàn) dùng vũ khí làm áp lực với Hạm trưởng, buộc ông phải đưa họ về Ðà Nẵng. Tôi báo cáo tình trạng khẩn trương đó lên Bộ Tư Lệnh Hải Quân Vùng 1 Zuyên Hải và Tư Lệnh Sư đoàn 2. Nhưng thẩm quyền Sư đoàn 2 cũng không thuyết phục được số quân nhân nổi loạn. Một lần nữa tôi báo cáo tình trạng nguy hiểm này về Bộ Tư Lệnh Hải Quân Vùng 1 Zuyên Hải. Vào khoảng 4:50 giờ chiều (27/ 3/ 75) HQ-802 nhận công điện:

Thứ nhất Stop Phân Ðội Hải Quân Nam giải thể kể từ 1700Z 27/ 3/75 Stop Thứ hai Stop Các chiến hạm và Liên Ðoàn Ðặc Nhiệm Chu Lai nhận lệnh trực tiếp từ Bộ Tư Lệnh Hải Quân Vùng 1 Zuyên Hải Stop HQ-802 bàn giao tất cả các LCU (hải vận đĩnh) tăng phái dưới quyền điều động của Tư Lệnh Sư Ðoàn 2 Stop Trực chỉ về Bộ Tư Lệnh Hải Quân Vùng 1 Zuyên Hải chờ lệnh Stop HQ-404 về Ðà Nẵng đổ binh sĩ Sư Ðoàn 2 và thường dân lên bãi Trịnh Minh Thế Stop HQ-505 về Ðà Nẵng trả thương binh cho Quân-y Quân Ðoàn 1 tại bãi Trinh Minh Thế Stop Báo cáo nhận hành Stop

Ðọc xong công điện trên, tôi có cảm giác như thân thể tôi không có trọng lực, nhẹ như bông gòn. Gánh nặng đặt trên vai tôi từ chiều tối ngày hôm trước được trút bỏ. Tôi vui mừng chuyển tiếp công điện trên cho HQ-505 và HQ-404, và chuyển lệnh cuối cùng của tôi cho trưởng toán Hải Ðội 1 Zuyên Phòng tăng phái trong khi vận chuyển chiến hạm hướng về Ðà Nẵng.

- Hải Ðội 1 Zuyên Phòng tăng phái, đây HQ-802. Từ giờ này bạn nhận lệnh trực tiếp từ Bộ Tư Lệnh Hải Quân Vùng 1 Zuyên Hải. Bạn khẩn vào tần số của Bộ Tư Lệnh Hải Quân Vùng 1 Zuyên Hải để báo cáo và nhận lệnh mới.
- Nhận rõ, thẩm quyền. Chúng tôi cần nhiên liệu. Xin thẩm quyền tiếp tế.
- Trên đường về Ðà Nẵng tôi sẽ ngừng tại vị trí sáng nay. Bạn đón tôi để nhận tiếp tế.
- Nhận rõ, Thẩm quyền.
- Zứt.

Tôi gọi Bộ Tư Lệnh Sư Ðoàn 2 tại Lý Sơn, HQ-505 và HQ-404.

- Trình Ðại bàng, theo lệnh mới của Bộ Tư Lệnh Hải Quân Vùng 1 Zuyên Hải, HQ-802, HQ-505 và HQ-404 chấm dứt nhiệm vụ với Ðại bàng để nhận nhiệm vụ mới. Xin đặt các tàu Quân Vận dưới quyền xử dụng của Ðại bàng.
- Tôi đã được thông báo về lệnh này.
- Kính chào Ðại bàng.
- HQ-505, HQ-404, đây HQ-802.
- HQ-505 nghe.
- HQ-404 nghe.
- Tự do vận chuyển.
- HQ-505 đã lên đường.
- HQ-404 đã khởi hành.
- Zứt.

Khoảng 9:00 giờ tối (27/3/75), tôi gặp lại toán chiến đĩnh tăng phái của Hải Ðội 1 Zuyên Phòng, 8 hải lý ngoài cửa Chu Lai. Tôi ngừng lại, thả neo để tiếp tế nhiên liệu cho họ. Sĩ quan trưởng toán báo cáo với tôi:

"... Khi 8 quân vận đĩnh LCM tới nơi, vào khoảng 7:45 giờ chiều (27/ 3/75), chúng tôi được lệnh yểm trợ cho họ vào Chu Lai đón hai tiểu đoàn của Sư đoàn 2 còn sót lại khi sáng. Nhưng vào không nổi. Tụi nó đã phục sẵn ngay eo đất cả hai bên bờ. Khi chúng tôi vừa trờ tới, tụi nó bắn xối xả vào chúng tôi. Một Quân vận đĩnh LCM trúng đạn, bốc cháy. Vì thế tôi ra lệnh rút, lình bình chờ lệnh Bộ Tư Lệnh Hải Quân Vùng 1 Zuyên Hải. Sau đó họ chỉ thị cho chúng tôi rút về Ðà Nẵng..."

Tiếp tế nhiên liệu cho toán chiến đĩnh xong, HQ-802 khởi hành đi Ðà Nẵng. Biển từ Chu Lai về Ðà Nẵng tương đối dễ đi, khá sâu, không có đá ngầm, nên tôi trao quyền chỉ huy cho sĩ quan đương phiên sau khi đã trao cho ông bản tiêu lệnh hải hành và tiêu lệnh hành quân. Tôi xuống phòng riêng. Nhà bếp mang lên cho tôi môt ly sữa đá. Tôi uống một hơi cạn ly.

- Hạm trưởng dùng cơm? Hơn một ngày rồi hạm trưởng chưa ăn gì hết trơn.
- Tôi mệt quá, chắc ăn không vô. Pha sẵn cho tôi một ly sữa nữa để uống khi tỉnh giấc.
- Anh L. đã pha đầy một bình thủy.
- Hạm trưởng, hồi nãy, ban tác-chiến-đổ-bộ bắt được hai thằng Việt cộng. Quản nội trưởng tình cờ đến sau lưng chúng và nghe hai đứa nó nói tiếng Bắc giọng rất kỳ khôi, nên sanh nghi. Ông gọi Hạ sĩ Q. đến giúp ổng tiếp phát cháo cho lính quá giang. Khi Q. tới bên, ổng ra hiệu cho Q., rồi hai người cùng ra chiêu thái cực đạo một lượt, hạ cả hai thằng. Khám trong người và bao vải của chúng thấy có nhiều bê-ta. Lính bộ binh liền nhào tới đấm đá chúng túi bụi, rồi hè nhau khiêng cả hai liệng xưống biển. Trung úy trưởng ban tác-chiến-đổ-bộ cản không kịp.
- Anh mời Trung úy B và ông Quản nội trrưởng lên gặp tôi.

Ngay lúc đó Trung úy B., Thiếu úy H., Chuẩu uý T. và Quản nội trưởng cùng bước vào. Tôi mời cả bốn ông cùng ngồi vào bàn với tôi.

- Ông Quản và ban tác-chiến hành động rất khá. Chuyện đã qua rồi thì cho nó qua luôn. Nhưng tôi phải nhắc các ông điều này: Dù trong hoàn cảnh nào, mình vẫn phải thi hành quy ước Genève về vấn đề tù binh. Hơn thế nữa, nhân đạo cũng không bao giờ cho phép mình giết người. Nên nhớ, hai anh đó cũng có cha-mẹ, vợ-con, anh-chị-em như mình. Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân. Mình không muốn người khác xử tệ với mình, thì mình cũng đừng xử tệ với người ta.
- Thưa Hạm trưởng, anh-em bộ binh đông qúa, chúng tôi không cản nổi họ.
- Tôi hiểu tình thế đó. Thôi mình bỏ qua chuyện này.
- Cám ơn Hạm trưởng.
Bài học rút từ kinh nghiệm vừa qua là vấn đề an ninh của chiến hạm phải được chú trọng nhiều hơn. Vì thế, tôi sẽ chỉ thị cho Thiếu tá K. biệt phái 30 đoàn viên cho ban tác-chiến- đổ-bộ...
- Thưa Hạm trưởng, vấn đề nuôi ăn lính Bộ Binh và dân...
- Các ông cứ việc xuất gạo nuôi lính và dân quá giang. Tôi không trách cứ các ông về quyết định của các ông chiều nay. Việc các ông dã làm hoàn toàn đúng. Ðáng lẽ tôi đã phải nghĩ đến việc nuôi ăn binh sĩ và dân qúa giang. Nhưng các ông đã nghĩ đến chuyện này hộ tôi. Tôi cám ơn các ông. Các ông đã tránh cho tôi khỏi phải đối phó với tình trạng căng thẳng như đã xảy ra trên HQ-404 chiều hôm qua. Sự việc đó đã xảy đến, có lẽ, môt phần vì lính và vợ con họ đói, nên họ đã trở nên phẫn chí, mất hết sáng suốt, khiến đưa đến hành động điên rồ.
- Thưa Hạm trưởng, cũng may là trước Tết, Hạm đội khi không lại chuyển ra gởi mình giữ dùm hơn 3000 bao gạo loại 100 kílô.
- Hạm Ðội gửi số gạo đó cho mình giữ để cấp phát cho các chiến hạm phân tán tại Vũng Tàu. Vì vậy, Hạm Ðội đã la Trời khi mấy ông lớn đầu rỗng ở Bộ Tư Lệnh Hải Quân Khối Hành Quân và Hành Quân Biển ra lệnh cho HQ-802 khởi hành khẩn cấp đi Phú Quốc hồi tháng trước để tham dự vào một công tác trời-ơi-đất-hỡi -- ngăn chặn vài chục chiếc ghe buôn lậu -- một công tác mà Tiền Doanh Yểm Trợ An Thới dư sức làm. HQ-802 đến thì Tiền Doanh Yểm Trợ An Thới ngồi chơi xơi nước. Thật là phí phạm! Nhất là khi tình hình quân sự đang trở nên một ngày một khẩn trương hơn. Mãy ông ấy làm như vậy không phải là vì khùng đâu, nhưng là để lấy điểm đặng lên Tướng, lên Ðề Ðốc. Chính các ông đã thấy đó: Cả một bày nhân viên cao cấp các Bộ trong Chính phủ lên nằm trên HQ-802...
- Chừng nào vụ này mới xong, Hạm trưởng?
- Tôi cũng mù tịt. Tôi nghĩ mình sẽ mất luôn Quân Khu I. Vấn đề là thượng cấp của mình -- Từ Tổng Tư Lệnh trở xuống cấp Tổng Tham Mưu, đến cấp Quân khu, cấp Sư đoàn -- không dự trù trước một kế hoạch triệt thoái nào hết. Lửa bốc ngùn ngụt ở khắp nơi rồi mới tìm xô, xách nước chữa lửa.
- Hành quân lui binh thủy bộ đâu có dễ ợt như kiểu anh ủi chỗ này để bốc lính, anh đến chỗ kia để lấy chiến cụ. Ðiều kiện thời tiết, địa thế đáy biển, và thủy triều tại những nơi các chiến hạm ủi vào để đón quân và di chuyển chiến cụ chẳng hề được quan tâm. Các phương tiện thiết yếu để trợ giúp cho bất cứ cuộc triệt binh thủy bộ nào như cầu nổi (pontoon cauways), và các chiến đĩnh loại hải vận (LCU), quân vận (LCM), v.v., cũng chẳng hề được dự trù...
- Quân lệnh lại bất nhất. Lúc thế này, lúc thế khác. Khuya ra lệnh tử thủ, sáng ra lệnh triệt thoái, trưa lại ban lệnh tử thủ. Quân lệnh lăng nhăng như thế làm cho tướng biên khu điên đầu, đại quân rối loạn.
- Cuộc triệt binh này đang thất bại thê thảm. Có lẽ sẽ còn tệ hơn vụ đường số 7 của Quân Ðoàn II . Theo dõi trên hệ thống truyền tin, tôi biết cuộc lui binh ở Vùng Bắc, ở Thuận An, thất bại hoàn toàn. Hải Quân chỉ mới đón được một phần nhỏ Thủy Quân Lục Chiến (TQLC) thuộc Lữ Ðoàn 258. Sư Ðoàn 1 tan rã, Sư Ðoàn 3 chỉ chạy được 1 trung đoàn về Hội An. Hải Quân bị thiệt hại nhẹ. Mãy ông Không Quân đui, khi không vác bom ra dội lên các chiến hạm. HQ-13 bị loại ra khỏi vòng chiến, hơn 20 lính mình chết, chưa kể số bị thương. Ðó chính là hậu quả của sụ thiếu thiết kế, trù hoạch và phối hợp giữa 3 quân chủng Hải-Lục-Không Quân Một. Tổng Tư Lệnh ngồi trong Dinh Ðộc Lập: Thủ. Rút. Thủ. Các tướng biên khu thi hành không kịp trỏ tay, chẳng có được một ngày để trù hoạch...
- Một số Hải vận đĩnh LCU bị bắn cháy khi vô bờ đón quân vì Bộ Binh rối loạn, không có thời giờ tổ chức thành phần cản hậu, nên địch tiến sát tới bãi tập trung quân, tấn công. Khu tập trung quân vì thế trở nên hỗn loạn, đẫm máu. Quân ta quay ra đánh giết nhau vì tranh lấn lên tàu. Ðó là hậu quả của lệnh liếc tùy hứng, bất nhất, bất trí của Tổng Tư Lệnh.
- Qúy vị Ðô Ðốc của mình đâu, sao không thấy lên tiếng, Hạm trưởng? Thủy bộ là việc của Hải quân mình chớ.
- Trong cuộc chiến này, Hải Quân chưa bao giờ được dành cho một chỗ đứng thích hợp. Hải Quân bị buộc đứng ở vị trí thứ yếu, nên không ai cho dự vào những quyết định lớn...
- Tôi thấy kỳ cục quá chừng. Tụi nó chưa thấy đâu mà mình đã lo cuốn gói chạy dài. Xô lấn, dẫm đạp lên nhau mà chạy.
- Chắc Mỹ nó bỏ mình, Hạm trưởng.
- Chắc vậy. Tiền lương của mình, súng đạn của mình là do Mỹ cấp. Tháng trước Quốc Hội Mỹ bỏ phiếu cắt giảm viện trợ đến tận xương. Không lương, không chiến cụ, mình không thể cầm cự lâu dài được.
- Mấy ông tướng của mình cũng không mấy khá. Mãy ổng giỏi kèn cựa nhau hơn là giỏi điều binh.
- Cứ để nguyên cho ông già Diệm mà lại khá hơn, Hạm trưởng.
- Tôi cũng nghĩ như vậy. Gia đình ông Diệm hơi quan liêu, độc đoán, nhưng tất nhiên là khá hơn mấy ông tướng của mình nhiều về đạo đức, kiến thức và kinh nghiệm chính trị. Nhưng những ông Mỹ xấu xí (The ugly Americans), vì một nhu cầu chiến lược toàn cầu nào đó (geopolitical goals) đã quyết định loại ông Diệm thì mình đành phải vuốt bụng cam chịu. Ðó là nỗi nhục nhược tiểu, hậu qủa của chính sách bế-quan-tỏa-cảng của Vua Tự Ðức và triều đình Huế hồi hậu bán Thế kỷ 19.
- Tôi chẳng trách Trời, mà cũng chẳng trách đất, Hạm trưởng. Nhưng tôi trách mấy ông thày chùa ở Huế. Các ổng tu chưa thành quả phúc. Quả tu của mấy ổng còn chua loè, nên mọi chuyện mới lộn tùng phèo như vầy. Quốc sư Vạn Hạnh thì được, nhưng Quốc sư Trí Quang thì hư bột hư đường ráo trọi. Tôi nghe nói Sư Trí Quang là nhân viên nhị trùng của CIA và cộng sản (?)...
- Tôi không rõ điều đó.
- Thôi mình để Hạm trưởng nghỉ. Xin phép Hạm trưởng.
- Các ông cũng nghỉ đi. Những ngày tới mình sẽ còn mệt đừ.

Tôi tựa đầu vào lưng ghế bành và thiếp dần đi, rồi trôi vào một giấc ngủ chập chờn đầy mộng mị. Trong cơn mê tôi thấy sân chính phía mũi của HQ-802 nổ tung, chiếc cần trục to lớn đổ nghiêng. Lính tráng và dân chúng nằm chết la liệt. Tiếng kêu khóc thê lương, rền rỉ khiến tôi choàng tỉnh trong cơn choáng váng, mồ hôi rịn ra đày trán.

Tôi ngồi rất lâu trong tư thế lúc ngủ và suy nghĩ miên man. Giấc mơ dữ chăc hẳn là phản ảnh của niềm ưu tư do câu chuyện về vụ hai đặc công cộng sản bị bắt trên tàu hồi sẩm tối... Chuông điện thoại réo gọi dục dã.

- Thưa Hạm trưởng, thẩm quyền Vùng 1 Zuyên Hải cần gặp Hạm trưởng gấp trên máy.
- Trả lời cho họ biết là tôi lên ngay.

Tôi lao ra hành lang dẫn lên đài chỉ huy, đụng mạnh vào người thủy thủ L., khiến ly sữa trong tay anh rơi xuống nền tàu, vỡ toang. Bất kể sự việc vừa xảy ra, tôi tiếp tục hối hả chạy. Khi tôi lên đến đài chỉ huy, sĩ quan đương phiên trao ống liên hợp cho tôi. Tôi gọi Bộ Tư Lện Hải Quân Vùng 1 Zuyên Hải.

- Bộ Tư Lệnh Hải Quân Vùng 1 Zuyên Hải, đây HQ-802.
- Charlie đó hả?
- Tôi đây, thẩm quyền.
- Sư Ðoàn 2 tụng các ông nhiều lắm. Bravo Zulu. Ở phía Bắc tệ quá. Bung hết.
- Tôi đã biết -- nghe lén trên vô tuyến.
- Có việc mới cho ông đây: HQ-802 sẽ được dùng làm Command Post (trung tâm hành quân) di động của Bộ Tư Tệnh Quân Ðoàn I . Ông cho chuẩn bị Trung Tâm Hành Quân, xem xét lại hệ thống máy truyền tin, kể cả télétype (máy viễn ấn tự có thể nhận các điện văn mà không cần nhân viên vô tuyến). Chuẩn bị bãi đáp trực thăng. Cắt đặt một détachement (phân đội) để thường trực canh gác và giữ an ninh bãi đáp. Ông có gì thắc mắc không?
- Tất cả đều sẵn sàng. Trung Tâm Hành Quân mới được thiết lập tháng trước khi HQ-802 công tác ở Phú Quốc. Nhưng HQ-802 là Cơ-xưởng-hạm, không phải là Dương-vận-hạm, nên không có cửa đổ bộ, không có hầm chiến xa, không có bãi đáp trực thăng. Sân chính thiết trí nhiều cần trục cỡ lớn, loại 200 tấn; ngoài ra, ở phía sau còn phòng máy điện và máy cất nước ngọt. Vì thế, không còn chỗ nào cho trực thăng đáp xuống cả.
- Sao mấy ông lớn Hạm Ðội nói HQ-802 có bãi đáp lớn?
- Thẩm quyền số 1 hiện tại của tôi là xếp lớn Hạm Ðội đầu tiên biết rành rẽ về tất cả các chiến hạm, từ máy móc đến các đặc tính vận chuyển của từng tàu một. Chắc chắn là ổng không nói tầm xàm như vậy. Hẳn thẩm quyền đã tiếp xúc với một ông mỏ trắng (blanc bec, tay mơ) nào đó...
- Ðể tôi xét lại vụ này. Tạm zứt.
- Tạm zứt, thẩm quyền.

Tôi vừa trao ống liên hợp cho vô tuyến viên, thì ở một nơi nào đó đã vọng lại một giọng nói khá quen thuộc.

- HQ-802, Ðây Bộ Tư Lệnh Hạm Ðội Tiền Phương.
- HQ-802 nghe, thẩm quyền.
- Anh sang tần số di chuyển của tôi.
- Nhận rõ, thẩm quyền. Tôi qua ngay...
- Bộ Tư Lệnh Hạm Ðội Tiền Phương, đây HQ-802.
- HQ-802, đây Bộ Tư Lệnh Hạm Ðội Tiền Phương. Ông để tôi can thiệp vụ vừa rồi. Mấy ông của mình trên đó tầm bậy hết trơn. Tổng Quản Trị bổ nhiệm nhì nhằng hết sức... Ở mạn Nam của các ông khá lắm.
- Cám ơn thẩm quyền. HQ-802 hiện có nhiều lính và dân quá giang. Bị bỏ đói họ sẽ nổi loạn như đã xảy ra trên HQ-404 chiều hôm qua. Vì vậy, tôi đã quyết định mở kho gạo do Hạm Ðội gởi để lấy lương thực nuôi thành phần quá giang.
- Tôi đồng ý. Trong hoàn cảnh khẩn trương này, các ông được toàn quyền biến báo. Ðắn đo quá, thủ kỹ quá, như mấy ông trên ở đây sẽ hỏng hết việc, sẽ thất bại. Tướng ở chiến trường đâu cần vương lệnh. Cứ việc tiền-trảm-hậu-tấu, chém-trước-trình-sau. Ðó là nguyên tắc hành động. Cháy nhà ra mặt chuột. Lăn vào vụ này tôi mới rõ những lời đồn (về mấy ổng) chỉ là những lời bịa đặt của mấy tay bợ đỡ nhằm kiếm chức tước. Nản lắm ! Ðể tôi can thiệp về vụ vừa rồi của HQ-802.
- Zứt.
- Zứt, thẩm quyền.

Tôi ngồi chống hai khuỷu tay vào đai sắt đài chỉ huy, nhìn vào khoảng không mờ đục. Nước biển xao động, loang loáng ánh lân tinh. Tâm tình tôi sải cánh bay về một miền xa xôi, về Sàigòn. Cảnh nhớ nhung phủ lấy những người thân thương, mơn trớn đứa con trai mới sinh chưa đầy ba tháng. Tôi nhắm mắt, thầm nghĩ: Chiến tranh mang lại những mất mát ngay cả cho những đứa trẻ.

Cuộc chiến dai dẳng này đã tước đoạt của tôi nhiều thứ. Liệu nó có sẽ tước đoạt luôn tuổi ngọc của các con tôi không? Ðứa con gái 2 tuổi của tôi đã ấm ức nói lên phần thiệt thòi của nó vào sáng ngày mồng 4 Tết Ất Mão khi tôi rời nhà để đi Vũng tàu: "Bố đừng đa..a..y (đi). Con không cho Bố đay (đi) đâ..â..â..âu." Nhưng tôi phải đi. Cuộc chiến buộc tôi phải đi. Và tôi đã ra đi với tâm hồn rời rã, mang theo những mảnh vụn buồn bã của con gái tôi.

Sáu giờ ba mươi (6:30 giờ) sáng ngày 28 tháng 3, 1975, HQ-802 vượt qua mũi Sơn Chà. Tôi đổi đường và dẫn tàu vào Vịnh Hàn. Trên mặt radar hiện ra chi chít những hồi ba (echo) lớn. Ðiều dó báo cho biết có rất nhiều chiến hạm đang neo hoặc lình bình (hải hành tại chỗ, thả trôi) trong đó. Chiến hạm nào cũng ở trong tình trạng darken-ship (tắt hết đèn).

Vì không biết rõ hiện trạng trong vịnh, hơn nữa, trời chưa sáng và mưa phùn giăng tỏa, tôi phải lái HQ-802 ra khơi, bên ngoài vịnh. Tôi báo cáo vị trí lên Bộ Tư Lệnh Vùng 1 Zuyên Hải. Thẩm quyền ở đó chỉ thị cho tôi neo tàu, chờ lệnh.

Khoảng 8:10 giờ sáng (28/ 3/ 75), khi tôi đang sao chép lại tất cả những gì đã ghi nhận vào sổ hành quân từ ngày nhận lệnh khởi hành đi Phú Quốc cho đến lúc này, bỗng có một người nào đó lên tiếng hỏi khiến tôi giật mình.

- Làm gì mà ghi chép kỹ lưỡng thế?

Tôi quay lại nhìn và nhận ra Trung tá LTP. Tôi rời ghế Hạm trưởng, chào và bắt tay ông. Ðã từ lâu lắm tôi không có dịp gặp ông -- có lê từ hồi tháng 11, 1966. Khi đó ông đang theo học tại Naval Post Graduate School ơ Monterey, California, và tôi đến Mỹ lãnh Hộ Tống Hạm Ngọc Hồi, HQ-12. Trong dịp đó ông LTP xuống thăm chúng tôi tại Hải Quân Công Xưởng San Diego.

- Ðời thường đổi trắng thay đen. Thời buổi này mà không ghi chép kỹ lưỡng, thì rất có thể sẽ cầm tinh bị gậy, xách bị ra tòa quân sự lãnh án lao-công-chiến-trường thế cho thượng cấp. Nhưng tại sao ông lại ở đây? Ông không biết đây đang là chỗ dầu sôi lửa bỏng hay sao?
- Ở Hạm Ðội ra cùng với xếp lớn.
- Ông ở Hạm Ðội mà tôi không hay sao? Tôi rời Quân Khu 4 vì đụng nặng. Ðang bơ vơ thì xếp lớn gọi, bảo xuống lấy HQ-07. Vừa chủ toạ lễ bàn giao xong là xếp đuổi đi Trường Sa. Từ đó tôi đành phải làm con ngựa biển, sải đường Vũng Tàu-Trường Sa-Ðà Nẵng-Cam Ranh-Vũng Tàu miết. Về Vũng Tàu nghỉ được dăm ngày thì "Ðường Trường Sa xếp nhớn không cho về nhà". Mỗi lần muốn về thăm nhà, lại phải trực tiếp xin phép xếp lớn. Xếp lớn lại rất keo kiệt về vấn đề phép tắc. Vì thế không mấy khi ghé Hạm Ðội, nên không biết Ất-Giáp gì ở trên đó cả. Tháng 10 năm ngoái (10/74) xếp bảo bỏ con Ngựa Biển HQ-07 để lấy con Trâu Nước HQ-802 này, thay thế ông PC. Thế là tôi được đi nghỉ mát dài hạn tại Cấp (Vũng Tàu). Còn ông giữ chức gì ở Hạm Ðội?
- Hải Ðội II.
- A! Thế ông là "xếp nhỏ" của tôi. Rất tiếc, đến bây giờ tôi mới được biết. Xin mời ông xuống phòng tôi nghỉ ngơi.

Chúng tôi đang xuống cầu thang thì bị Bộ Tư Lệnh Hải QuânV ùng 1 Zuyên Hải gọi ngược lên đài chỉ huy.

- HQ-802, đây Bộ Tư Lệnh Hải Quân Vùng 1 Zuyên Hải. Có công tác mới đây.
- HQ-802 sẵn sàng.
- HQ-802 vào mũi Isabelle đón Lữ Ðoàn 258 TQLC. Càng nhanh càng tốt.
- Tôi chỉ có hai tiểu đĩnh (LCVP, Landing Craft Vehicle, Personnel), nên không thể thực hiện nhanh chóng việc đón binh sĩ lên tàu. Nếu chậm trễ, có thể sẽ bị địch phát hiện và tấn công bằng pháo. Thỉnh cầu tăng phái mười tiểu đĩnh (landing crafts) và yểm trợ hải pháo.
- TQLC đã có ghe chài đầy đủ cả rồi. Sẽ có hải pháo. Hộ Tống Hạm HQ-230 và 2 Tuần Duyên Hạm PGM sẽ yểm trợ anh.
- HQ-802 nhận rõ.
- Zứt.

Tôi cho rằng sau khi đã phải trải qua những thử thách cam go trong hai tuần lễ, binh sĩ TQLC có thể đã và đang có những ẩn ức, những dồn nén tâm-sinh-lý nguy hiểm. Vì vậy, để tránh những điều bất hạnh có thể xảy đến, tôi ra lệnh cho ban tác chiến dồn hết lính và dân quá giang ra sau lái; phụ nữ và trẻ em được đưa xuống khu cơ xưởng sau khi các mạch điện dẫn vào các máy trang bị trong đó đã được tháo gỡ. Công tác này tiêu phí khá nhiều thời giờ quý báu và cần thiết cho cuộc rút binh khẩn cấp. Nhưng tôi không có lựa chọn nào khác.

Mười hai giờ (12:00 giờ trưa, 28/3/75) HQ-802 tiến vào Mủi Isabelle. Khi tới nơi, tôi lái tàu vào sát ghềnh đá như đã được yêu cầu. Từ các bãi lài, binh sĩ hối hả ra tàu bằng ghe máy trưng dụng của dân và trèo lên tàu bằng lưới đổ bộ đã được ban tác-chiến-đổ-bộ của chiến hạm treo dọc hai bên lườn tàu. Trong khi binh sĩ lên tàu, ban tiếp-vận chiến hạm khiêng tới cho họ những xô cơm đày ứ và nước lã. Binh sĩ TQLC tập họp trong vòng trật tự trên sân chính, đằng trước mũi tàu, theo từng đơn vị... Tôi lên máy truyền thông (intercom) chào mừng họ và yêu cầu họ tiết kiệm lương thực kể cả lương khô vì cuộc hành quân có thể còn kéo dài nhiều ngày. Tôi cũng mời vị sĩ quan thâm niên nhất lên đài chỉ huy để bàn tính những vấn đề thiết yếu cho việc hợp tác giữ Hải Quân và TQLC khi họ quá giang trên tàu. Tôi vui mừng và phấn chấn vô cùng vì sĩ quan đó lại chính là một người bạn khá thân của tôi nhưng đã cách biệt lâu ngày. Nhờ đó việc điều hành cuộc đón binh sĩ lên tàu khả quan hơn. Cuộc đón quân lên tàu hoàn tất hồi 6:45 giờ chiều (28/3/75) khi đơn vị chót lên tàu. Tôi hối hả rời mũi Isabelle cùng với Hộ Tống Hạm HQ-230 và hai Tuần duyên hạm PGM, bằng vận tốc tối đa. Khi đã ra giữa Vịnh Hàn (7:30 giờ chiều, 28/ 3/ 75) tôi liên lạc với Bộ Tư Lệnh Vùng 1 Zuyên Hải.

- Bộ Tư Lệnh Hải Quân Vùng 1 Zuyên Hải, đây HQ-802. Trân trọng báo cáo: Ðã hoàn tất công tác đón Lữ Ðoàn 258 TQLC. Xin hoàn trả Hộ Tống Hạm HQ-230 và 2 Tuần Duyên Hạm PGM về phương vị cũ.
- HQ-802, Bộ Tư Lệnh Hải Quân Vùng 1 Zuyên Hải nhận rõ. Chờ lệnh.

Hai mươi phút sau Bộ Tư Lệnh Hải Quân Vùng 1 Zuyên Hải gởi đến cho tôi thêm một mệnh lệnh mới, thứ mệnh lệnh mà chỉ có các ngài sĩ quan tham mưu đã ngự quá lâu trong các phòng lạnh của các Bộ Tư Lệnh mới đủ khả năng nghiên cứu ra, thứ mệnh lệnh chổng chơ ban hành lấy được, chẳng thèm đếm xỉa gì đến khả năng của các đơn vị tác chiến...

- HQ-802 vào lình bình trong Vịnh Hàn để nhận thêm binh sĩ và dân từ trong bờ chuyển ra.
- Thỉnh cầu tái xét lệnh vừa rồi. HQ-802 đã chật ních: Một Lữ Ðoàn trừ TQLC (thiếu một vài đơn vị cơ hữu), hơn 1000 binh sĩ thất lạc đơn vị không có cấp chỉ huy, và gần 2000 dân thuộc đủ mọi thành phần. Tình trạng hỗn loạn có thể xảy ra như tại bãi Thuận An nếu số tạp binh (thất lạc đơn vị hoặc tự bỏ ngũ) quá đông. Hơn nữa HQ-802 đã phát hiện và bắt giữ hai đặc công địch với nhiều bánh chất nổ khi đón nhận thành phần tạp binh lên tàu tại Chu Lai...
- HQ-802 di chuyển ra khơi, lình bình, chờ lệnh.
- HQ-802 nhận rõ, thẩm quyền.

Ðây là mệnh lệnh cuối cùng tôi nhận được từ Bộ Tư Lệnh Hải Quân Vùng 1 Zuyên Hải vì khoảng 10:20 giờ (đêm 28/3/75) Ðịch pháo nhiều đợt hỏa tiễn vào Bộ Tư Lệnh Hải Quân Vùng 1 Zuyên Hải, làm tê liệt hệ thống truyền tin. Lúc đó tôi chỉ thấy hai trực thăng bay lên. Một chiếc bay về phía Ðà Nẵng, và chiếc kia bay về hướng đỉnh núi Sơn Chà. Tôi dẫn HQ-802 ra khơi và không ngừng gọi Bộ Tư Lệnh Hải Quân Vùng 1 Zuyên Hải, nhưng Bộ Tư Lệnh Hải Quân Vùng 1 Zuyên Hải vẫn tuyệt vô âm tín. Trong khi đó từng hạm đội ghe thuyền và chiến đĩnh từ phía trong vịnh tỏa ra dày đặc mặt biển.

Khoảng 12:00 khuya, tôi gặp đoàn chiến đĩnh của Hải Ðội 1 Zuyên Phòng ở ngoài khơi Mũi Sơn Chà. Tôi liên lạc với Chỉ huy trưởng Hải Ðội. Ông cho tôi biết Bộ Tư Lệnh Hải Quân Vùng 1 Zuyên Hải bị trúng nhiều hỏa tiễn. Dân và quân chết thê thảm, la liệt. Trung Tâm Hành Quân và khu truyền tin bị trúng đạn rất nặng. Tôi hỏi ông về phương vị của Tư lệnh Hải Quân Vùng 1 Zuyên Hải. Ông trả lời không biết. Ông nói, khi còn ở trong bến ông đã cố liên lạc với Trung Tâm Hành Quân để xin chỉ thị, nhưng vô hiệu. Vì thế, ông đẵ quyết định "tự do vận chuyển", dẫn toàn bộ Hải Ðội của ông ra khơi. Ông cũng cho tôi biết Chỉ huy trưởng Liên Ðoàn Ðặc Nhiệm Chu Lai có cùng quyết định như ông; nghĩa là, các ghe thuyền của Liên Ðoàn cũng đã "tự do vận chuyển" ra khơi. Khi tôi đang đàm thoại với Chỉ huy trưởng Hải Ðội 1 Zuyên Phòng, một chiến đĩnh khác cũng nhập vào hệ thống truyền tin.

- Trình thẩm quyền, thẩm quyền số 1 cần gặp thẩm quyền.

Lời mào đầu đó đưa đến cho tôi một tia hy vọng, rằng đây có lẽ là Tư Lệnh Hải Quân Vùng 1 Zuyên Hải. Nhưng đó là một hy vọng hụt. Tiếng nói đến từ chiến đĩnh đó không phải là giọng nói Miền Nam của Phó Ðề Ðốc Hồ Văn Kỳ Thoại, mà là một giọng Huế đặc sệt. Giọng nói đó rất quen thuộc với tôi. Ðó là giọng nói của cựu Tư Lệnh Lực Lượng Ðặc Nhiệm 214, Hải Quân Ðại tá Vương Hữu Thiều.

- Nghe "toa" nói chuyện với T., "moa" nhận ra liền. Toa bỏ ông già P. rồi hả? -
Dạ. Tôi rời Lực Lượng Ðặc Nhiện 212 tháng hai năm ngoái. Ông M. rủ tôi đi Trường Sa với ổng. Xin mời Commandant lên tàu tôi.
- Trên đó còn chỗ không?
- Commandant dùng phòng của tôi.
- Ðâu được ! Magister Post Deum (Hạm trưởng chỉ ngồi dưới có Thượng Ðế thôi). Toa không nhớ hồi đó (1960) moa dạy các toa như rứa sao.
- Thưa thày, học trò vẫn còn nhớ. Nhưng xin mời thày lên tàu, rồi tính mấy chuyện đó sau.

Tôi xuống sân chính chiến hạm đón Ðại Tá Thiều lên HQ-802, rồi mời ông lên phòng của tôi, nhưng ông từ chối. Ông nhất quyết ở lại trong phòng Hạm phó còn bỏ trống... Tôi long trọng trình lên ông:

- Commandant là Sĩ Quan Thâm Niên Hiện Diện.
- Toa cứ thi hành nhiệm vụ như thường lệ. Moa ngán nhận lệnh và ra lệnh lắm rồi.
- Cám ơn Commandant.
- Moa rất cảm kích khi thấy, đến giờ này, các toa vẫn còn biết-anh-biết-em...

Tôi lên đài chỉ huy. Vì hệ thống chỉ huy hành quân của Hải Quân tại Ðà Nẵng bị bế tắc, tôi phải thảo công điện gởi về Bộ Tư Lệnh Hải Quân Hành Quân Biển để báo cáo sơ qua về tình hình tại Ðà Nẵng, dựa vào những tin tức do Chỉ huy trưởng Hải Ðội 1 Zuyên Phòng cung cấp.

Trân trọng báo cáo Stop Bộ Tư Lệnh Hải Quân Vùng 1 Zuyên Hải trúng pháo nặng Stop Trung Tâm Hành Quân và Trung Tâm Truyền Tin đều bị trúng đạn Stop Ðã hoàn toàn mất liên lạc truyền tin với Bộ Tư Lệnh Hải Quân Vùng 1 Zuyên Hải Stop Hệ thống chỉ huy hành quân của Hải quân tại Vùng 1 Zuyên Hải bị gián đoạn Stop Tất cả các đơn vị đang trong tình trạng tự do vận chuyển Stop Tất cả các đơn vị Hải Quân Vùng 1 Zuyên Hải đã "tự do vận chuyển" rời Ðà Nẵng Stop Ðang trên đường xuôi Nam Stop Vị trí hiện tại Stop Ðông Nam bán đảo Sơn Chà Stop Các chiến hạm Hải Ðội 1 tuần tiễu 15 hải lý ngoài khơi Vịnh Hàn Stop Các chiến hạm Hải Ðội 2 tiếp tục đón TQLC tại bãi Non Nước Stop Không rõ phương vị các chiến hạm Hải Ðội 3 Stop HQ-802 đã hoàn tất công tác đón Lữ Ðoàn 258 TQLC Stop Không xác định được phương vị của Tư Lệnh TQLC Stop Giới chức này có mặt tại Bộ Tư Lệnh Hải Quân Vùng 1 Zuyên Hải khi địch pháo kích Stop HQ-802 chật ních binh sĩ và dân quá Stop Trân trọng đề nghị Stop Chuyển qua tần số của Bộ Tư Lệnh Hạm Ðội Tiền Phương Stop HQ-802 chờ lệnh Stop Zứt Stop

Sau khi gởi xong bức công điện bằng phương tiện viễn ấn tự. Vì hệ thống truyền tin hành quân của Quân Ðoàn I và của Hải Quân đã trở nên nhiễu loạn và bị địch xâm nhập. HQ-802 phải chuyển qua hệ thống truyền tin của Bộ Tư Lệnh Hạm Ðội Tiền Phương để báo cáo sơ lược các diễn biến như trên. Khi nhận được báo cáo của tôi, Bộ Tư Lệnh Hạm Ðội Tiền Phương chỉ thị cho HQ-802 trực chỉ về vùng tập trung chiến hạm tại Cù Lao Chàm.

Khi vừa qua khỏi Bán Ðảo Sơn Chà, một nhân viên Phòng Hành Quân lên đài chỉ huy báo cáo:

- Thưa Hạm trưởng, Thẩm Quyền Quân Ðoàn I và Không Quân kêu cứu trên tần số giải tỏa.
- Chỉnh máy vào tần số giải tỏa dùm tôi.

Ngay khi máy truyền tin vừa được điều chỉnh vào tần số giải, loa khuếch đại tức thời phát ra những lời kêu cứu cấp thiết như những tín hiệu S.O.S (Save Our Souls).

- Hải Quân, đây Không Quân... Hải Quân ơi, cứu Không Quân với...
- Không Quân, đây Hải Quân. Yêu cầu bạn chờ tôi...
- Hải Quân, đây thẩm quyền Quân Ðoàn... Hải Quân, đây thẩm quyền Quân Ðoàn... Khẩn tiếp cứu Thẩm quyền Quân Ðoàn.
- Thẩm Quyền Quân Ðoàn, đây Hải Quân. Thỉnh cầu thẩm quyền chờ...

Tôi ra lệnh cho nhân viên tắt máy và trở về hệ thống truyền tin của Bộ Tư Lệnh Hạm Ðội Tiền Phương để báo cáo và thỉnh ý về việc có nên hay không nên mạo hiểm vào cứu hai nhóm tự xưng là Không Quân và thẩm quyền Quân Ðoàn. Thẩm quyền Hạm Ðội cho tôi được toàn quyền quyết định và gợi ý, rằng HQ-802 nên dùng phương pháp kiểm chứng trong đặc lệnh truyền tin. Tôi ngồi lặng thinh và suy nghĩ. Kiểm chứng ư? Tài liệu truyền tin chắc chắn là đã lọt vào tay địch. Mọi kiểm chứng sẽ đều vô hiệu... Sau cùng tôi đã quyết định... Tôi cho mời Sĩ Quan Trưởng ban tác-chiến-đổ-bộ lên đài chỉ huy.

- Thưa Hạm trưởng.
- Ông hãy nghe kỹ những đối thoại trong máy truyền tin.

Tôi cho máy truyền tin vào tần số giải tỏa. Ðiệp khúc yêu cầu tiếp cứu lại ngân lên rền rỉ.

- Không Quân, đây Hải Quân. Bạn sẵn sàng đối chứng với tôi đây. Bạn hãy cho biết cấp bậc và hai chữ đầu tên của Không Ðoàn Trưởng Không Ðoàn 63.
- Delta Tango Papa Hotel (Ðại Tá Phước)
- Không Quân, đây Hải Quân. Bạn đốt lên một đuốc lửa cho tôi biết chỗ đứng của bạn...
- Thẩm Quyền Quân Ðoàn, đây Hải Quân. Chỗ đứng của thẩm quyền có đèn xanh đỏ đang chớp tắt gần sát mặt nước...
- Hải Quân, đây thẩm quyền Quân Ðoàn. Trăm phần trăm. Trăm phần trăm...
- Thẩm quyền di chuyển thẳng xuống bãi cát bên dưới và chờ cá nhỏ đến đón thẩm quyền. Xin tạm zứt.
- Không Quân, đây Hải Quân. Ðã nhìn thấy bạn. Bạn tắt đuốc ngay. Di chuyển khoảng 500 thước về phía Bắc, bạn sẽ thấy đèn chớp tắt của chiếc trực thăng đậu trên sườn núi. Khi gặp trực thăng, di chuyển thẳng xuống bãi cát ngay bên dưới. Bạn sẽ gặp thẩm quyền Quân Ðoàn tại đó. Dấu hiệu nhận bạn với cá nhỏ là ánh đèn bin quẹt đi quẹt lại năm lần, và lập lại tín hiệu đó nhiều lần. Bạn liên lạc với thẩm quyền Quân Ðoàn để báo là bạn sẽ đến điểm đứng của thẩm quyền đặng tránh ngộ nhận.
- Không Quân nhận rõ. Tôi khởi hành ngay.
- Sẽ gặp lại bạn trong vòng 1 giờ.
- Hải Quân, Không Quân. Ðây thẩm quyền Quân Ðoàn. Nhận rõ trăm phần trăm.
- Thẩm quyền Quân Ðoàn. Ðây Hải Quân. Xin tạm zứt.

Tôi quay lại bàn thêm chi tiết của công tác tiếp cứu quân bạn với Sĩ Quan Trưởng ban tác-chiến-đổ-bộ.

- Ông nắm vững tình hình chưa?
- Tôi đã hiểu rõ tình hình, Hạm trưởng.
- Ông Cho hạ 2 LCVP (tiểu đĩnh). Trang bị cho mỗi LCVP 5 nhân viên: 1 cơ khí, 1 vận chuyển, 2 trọng pháo, 1 Hạ sĩ quan. Vũ khí cá nhân, 1 máy truyền tin chỉnh theo tần số giải toả, 20 phao cấp cứu cho mỗi LCVP. Ông chỉ huy toàn thể.
- Nhận rõ, Hạm trưởng.
- Ông nhìn kỹ vào hải đồ này: Ðây là bãi đón quân bạn. Sẽ có khoảng từ 20 đến 30 người. Từ cấp tướng trở xuống. Hai LCVP chạy theo tôi đến điểm này rồi tôi ngừng lại. Ông tiếp tục dẫn 2 LCVP chạy thẳng vào bờ theo hàng dọc, cách nhau khoảng 50 thước. Trong bờ sẽ ra hiệu bằng đèn bin quẹt qua lại 5 lần rồi ngừng. Nhịp hiệu đó sẽ lập lại hoài cho đến khi hai bên gặp nhau. Gần đến bờ phải cho nhân viên vào nhiệm sở tác chiến cẩn thận. Khi rời khỏi bãi, phải rút ra từng con cá một để yểm trợ cho nhau. Ðừng vào sát quá vì sẽ rất khó lùi ra khi có thêm người leo lên LCVP.
- Nhận rõ, Hạm Trưởng.

Trong khi chúng tôi thực hiện công tác tiếp cứu, một Tuần Duyên Ðĩnh WPB (có thể là một Tuần Duyên Hạm PGM, tôi không nhớ rõ chi tiết này) đến xin cặp HQ-802. Thuyền trưởng/ Hạm trưởng báo cáo với tôi một tin mới.

- Trình thẩm quyền, tôi nghe thấy Ðề Ðốc Tư Lệnh Hải Quân Vùng 1 Zuyên Hải gọi Hải Quân đến đón ông. Tôi sợ ông đã bị VC bắt giữ và âm mưu gài bẫy cho tôi vào cứu đặng cướp tàu, rồi dùng tàu rượt theo tấn công bất thình lình đoàn tàu của Hải Quân mình. Tôi thấy các chiến hạm, chiếc nào cũng chật cứng lính với dân, không còn khả năng tác chiến. Vì vậy, tôi không lên tiếng đáp lại.
- Tại sao ông có tần số của Ðề Ðốc Thoại?
- Hệ thống truyền tin bị xâm nhập, các đơn vị chuyển qua các tần số khác, nên tôi không liên lạc được với ai cả. Vô tuyến của tôi lần dò bậy bạ và tình cờ bắt được tần số của ổng.
- Ông thi hành cho tôi công tác sau đây: Sau khi địch pháo kích, Ðề Ðốc Thoại có lẽ không ra kịp trực thăng. Trong lúc hối hả phi công đã bỏ ông lại. Sau đó có lẽ ông phải men theo bờ biển phía sau Bộ Tư Lệnh để đi lần ra ngoài này. Bây giờ ông ráng men theo bờ biển từ đây vào đến bãi Tiên Sa. Thỉnh thoảng chớp đèn quang hiệu một cái để ông nhận ra quang hiệu mình không. Ông sẽ hiểu là ta đang kiếm ổng. Ổng sẽ liên lạc và cho biết chỗ đứng. Khi đã biết được chỗ đứng của ổng, ông ráng vào sát để ổng bơi ra. Từ đây vào đến Tiên Sa đáy biển khá sâu, ông có thể vào sát bờ đến 50 yards. Làm xong công tác tại đây, tôi sẽ tiếp tay với ông. Ráng lên!

Chiếc Tuần Duyên Ðĩnh tách ra và tiến vào trong Vịnh Hàn. Khi nó đã khuất sau Mũi Sơn Chà, tôi chợt nhận ra là tôi đã phạm một lỗi lầm lớn: Tôi đã quên không cho vị Thuyền trưởng Tuần Duyên Ðĩnh tần số tôi đang xử dụng... Trong khi ra chỉ thị cho ông, tôi đã hỏi ông về tần số của Ðề Ðốc Thoại, nhưng ông nói ông không nhớ và hứa sê chuyển tần số đó cho HQ-802 khi về lại chiến đĩnh... Vì vậy tôi đã mất liên lạc với chiếc Tuần Duyên Ðĩnh từ đó. Tôi chỉ thị cho Vô tuyến của tôi rà mò tần số của Ðề Ðốc Thoại nhưng không kết quả.

Công tác tiếp cứu hai toán Quân Ðoàn và Không Quân hoàn tất vào khoảng 3:00 giờ sáng ngày 29/3/1975. Số Quân nhân được tiếp cứu là 21, trong đó có Thiếu Tướng Nguyễn Duy Hinh, Tư Lệnh Sư Ðoàn 3 Bộ Binh.

Tôi dẫn HQ-802 ngược trở lại Vịnh Hàn. Khoảng 4:00 giờ, một Tuần Duyên Ðĩnh đi ngược chiều, vượt qua HQ-802 chớp đèn quang hiệu, rồi lướt ra khơi. Tôi nghĩ Thuyền trưởng đã đón được Tư Lệnh Hải Quân Vùng I Duyên Hải, nên đổi hướng HQ-802 ra biển và rượt theo...

Trời sáng rõ dần. Bình minh hừng lên ở hướng Ðông. Ánh sáng ban mai rực hồng, tỏa xuống mặt biển loang loáng, biểu hiệu của một ngày nắng gắt. HQ-802 lầm lũi trườn đi giữa trăm, ngàn ghe thuyền và chiến đĩnh chuyên chở khẳm người. Nỗi xúc động rần rật truyền lan kháp cơ thể tôi, rồi biến thành một niềm nuối tiếc bâng khuâng. Tôi khởi đầu hải nghiệp trong Hải Quân Việt Nam ngày 10 tháng 1, 1963, tại Vịnh Hàn, trên Trợ Chiến Hạm Nỏ Thần, HQ-225. Chiếc Nỏ Thần bây giờ đã ngủ yên trong giòng nước đục sông Năm Căn. Hôm nay, ngày 29 tháng 3, 1975, hải nghiệp của tôi cũng kết thúc tại Vịnh Hàn, trên Cơ Xưởng Hạm Vĩnh Long, HQ-802. Số phận của HQ-802 rồi sẽ ra sao?

Linh hồn những chiến hạm tôi yêu mến lần lượt lướt bay trong tâm trí tôi. Tuần Duyên Hạm Hòn Trọc, HQ-618, xông xáo nhận chìm tàu địch tại Mũi Sa Kỳ. Giang Pháo Hạm Tầm Sét, HQ-328, dù đã mang thương tích đẫm máu vẫn xông lên uy dũng nơi hải-lý 84, giòng Tiền Giang. Hộ tống Hạm Vân Ðồn, HQ-06, con cá nược rêm mình mệt mỏi, còn ráng sức ngược xuôi trên giòng Cửu Long cho đến khi qụy ngã. Con Ngựa Biển HQ-07, Hộ Tống Hạm Ðống Ða, đo đường vạn dặm Biển Ðông để bảo vệ Trường Sa. Và Con Trâu Nước HQ-802 này, trong mấy ngày qua đã phải bấm bụng dự vào cuộc tháo chạy nhục nhã...

Cù Lao Chàm. Chào mi. Mình hẳn không còn duyên tái ngộ... Tôi gặp lại Hải Ðội 1 Zuyên Phòng ngoài khơi phía Tây-Nam Cù Lao Chàm, đội hình lệch lạc. Tôi rà tần số với ý định mời Chỉ huy trưởng Hải Ðội, HQ Tr/Tá T., và Chỉ Huy Trưởng Liên Ðoàn Ðặc Nhiệm Chu Lai, HQ Tr/Tá V., lên HQ-802. Nhưng tôi bỏ ý định đó vì biết rằng cả hai ông sẽ từ chối. Các ông còn trách nhiệm với thuộc cấp của mình. Tôi tự trách mình sao đã xuẩn ngốc đến độ để tình đồng khóa lên trên tinh thần trách nhiệm và danh dự...

Tám giờ (8:00 giờ) sáng ngày 29/3/75 một Duyên tốc đĩnh ra hiệu xin cặp vào HQ-802. Trực giác cho tôi biết đó chính là chiếc chiến đĩnh tối hôm qua, và Ðề Ðốc Thọai đang có mặt trên đó. Tôi ngừng tàu lại và xuống sân chính để đón ông lên Cơ Xưởng Hạm Vĩnh Long.

Ngoài Ðề Ðốc Thoại và bộ tham mưu của ông, trong số những vị vừa nhập hạm còn có Thiếu Tướng Bùi Thế Lân và một số sĩ quan khác. Tôi mời Ðề Ðốc Thoại, Thiếu Tướng Lân vào phòng ăn sĩ quan và trình bày sơ lược tình thế từ đêm qua đến lúc này cho hai ông.

Tôi cũng gọi nhân viên tiếp vụ lo bữa ăn cho hai ông. Sau đó Ðề Ðốc Thoại và bộ tham mưu của ông xử dụng Phòng Hành Quân của HQ-802 để lập lại hệ thống chỉ huy với các đơn vị trực thuộc kể cả các chiến hạm hiện có mặt trong vùng. Tôi chào ông và lên đài chỉ huy.

Lên tới đài chỉ huy, tôi liên lạc với Tư Lệnh Hạm Ðội và báo cáo: Ðề Ðốc Thoại cùng Tư Lệnh TQLC vừa lên HQ-802 và ông Thoại đang liên lạc với Bộ Tư Lệnh Hành Quân Hành Quân Biển. HQ-802 tiếp tục hành trình về Nam.

Nửa khuya 29/3/75 (khoảng 11:00), HQ-802 nhận được lệnh chuyển Phó Ðề Ðốc Thoại sang HQ-3 tại Qui Nhơn. Tôi trình ngay lệnh này lên Ðề Ðốc Thoại để ông tùy nghi...

Sáng hôm sau (30/3/75, khoảng 7:50 giờ) HQ-802 ngừng lại ngoài khơi Qui Nhơn để Phó Ðề Ðốc Thoại và Thiếu Tướng Nguyễn Duy Hinh sang HQ-3. Tôi tiễn hai ông tại hạm kiều với nghi thức đơn giản.

Tôi đứng tại hạm kiều chờ cho chiếc tiểu đĩnh chở qúy vị tướng-lãnh đi khá xa rồi mới trở về đài chỉ huy. Lúc đó Thiếu Tướng Lân cùng một số sĩ quan TQLC và Bộ Binh đang có mặt tại đài chỉ huy. Tôi chào ông. Ông bảo cận vệ của ông rót mời tôi một ly cà phê sữa nóng.

- Thiếu Tướng Hinh nói ông có nhiều kinh nghiệm.
- Túng thế thì phải biến báo thôi, thưa Thiếu Tướng.
- Ông Trung úy trên tàu nhỏ cũng nói ông đã bày vẽ chi tiết để chiếc tàu nhỏ đi tìm ông Thoại. Không có các ông, chắc ông Thoại và anh em chúng tôi có lẽ còn bị kẹt trên bờ núi Sơn Chà.
- Vâng. Ông Trung úy đó đến vấn kế khi chúng tôi đang chuẩn bị đón Thiếu Tướng Hinh và các ông Không Quân. Không còn cách nào khác, nên tôi phải động viên tinh thần ông ta...

Như có linh tính xui khiến, tôi bỏ ngang câu chuyện đang nói và quay mặt về phía sau lưng. Tôi nhìn thấy Trung sĩ y-tá của HQ-802 đang đứng đó, ngập ngừng như có chuyện gì đó muốn nói.

- Có chuyện gì không, ông H.?
- Thưa Hạm Trưởng, có một bà mới sanh con trên tàu.

Câu nói đó làm tất cả mọi người có mặt phá lên cười. Mỗi người bàn góp vào một câu về biến cố bất ngờ đó, khiến đài chỉ huy HQ-802 sinh động hẳn lên.

- Ông mời Sĩ Quan Văn Phòng lên đây.
- Dạ. Có tôi, Hạm trưởng.
- Văn phòng làm giấy khai sanh cho đứa trẻ. Ông biết thủ tục rồi chứ gì? Mẫu giấy khai sinh như các giấy khai sinh ông đã thường thấy. Niêm hiệu là Việt Nam Cộng Hòa, Bộ Nội Vụ, Cơ Xưởng Hạm Vĩnh Long. Ủy Viên Hộ Tịch là tôi. Ðóng dấu của chiến hạm. Làm sẵn phiếu gởi để chuyển các chứng từ cho Tòa Hành Chánh Quận Nhứt, Ðô Thành Sàigòn. Nhưng trước khi gởi, phải liên lạc với Phòng 1, Bộ Tư Lệnh Hải Quân để biết rõ thêm các thủ tục hành chánh...
- Hải quân các ông phải trách nhiệm cả những thứ lỉnh kỉnh đó nữa cơ à?
- Vâng. Theo công pháp, mỗi chiến hạm là một phần lãnh thổ quốc gia. Hạm trưởng là đại diện chính phủ có nhiều quyền, kể cả quyền tài phán. Trong trường hợp sanh đẻ này, hạm trưởng đóng vai trò Chủ Tịch Hội Ðồng Xã kiêm Ủy Viên Hộ Tịch...
- Thưa Hạm trưởng, Hạm trưởng đặt tên cho cháu.
- Ông phải hỏi bà mẹ nó chớ...

Tất cả lại phá lên cười và những lời bàn góp lại sôi nổi. Dường như tất cả đã tạm quên những biến cố bi thảm của những ngày vừa qua... Máy truyền tin cũng lên tiếng.

- HQ-802, Ðây Bộ Tư Lệnh Hải Quân Hành Quân Biển. Khẩn khởi hành về Cam Ranh. Trả binh sĩ, dân di tản, và TQLC lên bờ. Sau khi quân và dân đã lên bờ hết, trở lại Qui Nhơn nhận lệnh của Tư Lệnh Hải Quân Vùng 2 Zuyên Hải. Báo cáo vị trí mỗi đầu giờ về Bộ Tư Lệnh Hải Quân Hành Quân Biển và Bộ Tư Lệnh Hải Quân Vùng 2 Zuyên Hải.
- HQ-802 nhận hành.

Câu chuyện về đứa trẻ mới sanh trên chiến hạm được quên đi mau chóng vì HQ-802 lại phải hối hả thi hành một công tác hành quân khẩn mới.

Tôi cho định điểm khởi hành và dẫn HQ-802 vào hải đạo, chếch hướng về phía Nam Ðảo Poulo Gambir (Cù Lao Xanh). Vì cẩn trọng tôi không dùng hải đạo gần bờ, quen thuộc. Sau vụ tan hàng trên đường số 7, tôi ngại rằng đoạn đường Quốc lộ 1 từ Tuy Hòa đến Ðèo Rù Rì đã nằm trong tay địch; nghĩa là địch đã đặt pháo lớn trên các sườn núi sát bờ biển để tấn công các chiến hạm qua lại trên biển nếu các chiến hạm dùng các hải đạo gần bờ.

HQ-802 hiện chở quá nhiều binh sĩ và dân trên tàu; do đó khả năng tác chiến đã bị giảm thiểu, không thể tự vệ hoặc phản công hữu hiệu. Nếu bị trọng pháo địch tấn công, mức tổn thất sẽ lớn không thể lường được...

Vì phải dùng hải đạo xa bờ, hải trình Qui Nhơn-Cam Ranh trở nên dài hơn, nên mãi đến 2:00 giờ sáng ngày 30/3/75, HQ-802 mới về tới Vịnh Cam Ranh. Sương mù dày đặc khiến cho việc hải hành trong vịnh trở nên khó khăn. Các đèn trên cầu tàu của Trung Tâm Huấn Luyện Cam Ranh cũng không còn bóng nào sáng để có thể dùng làm chuẩn giúp hạm trưởng dẫn chiến hạm vào cặp cầu. Binh sĩ và dân di tản ngập tràn trên sân chính cũng là một ưu tư cho hạm trưởng vì việc chạy dây và trái độn cũng thật khó khăn. Trên cầu tàu cũng không có người bắt và kéo hộ giây mồi.

Những trở ngại đó làm cho một việc dễ dàng như đưa tàu vào cầu trở nên một gánh nặng. Phải dò dẫm hơn nửa giờ tôi mới làm xong vận chuyển cặp cầu. Sương mù lạnh buốt, nhưng chiếc áo tôi đang mặc trên người ướt đẫm mồ hôi.

Thiếu Tướng Lân và TQLC rời tàu đầu tiên, tiếp đến là binh sĩ lạc đơn vị và dân tị nạn. Có nhiều người trì trệ để ở lại tàu vì tưởng HQ-802 sẽ về Sàigòn sáng ngày mai. Tôi phải cho thủy thủ đoàn phao tin là HQ-802 phải trở lại Ðà Nẵng để đón thêm lính và dân. Nghe tin chiến hạm sẽ trở lại Ðà Nẵng những binh sĩ và dân di tản ù-lì mới chịu rời tàu. Thế ra Ðà Nẵng đã biến thành một ngục a-tỳ khủng khiếp đến nỗi người ta phải rụng rời, hoảng vía khi nghe đến tên Ðà Nẵng...

Sân tàu, sau khi binh sĩ và dân quá giang đã xuống hết, ngập ngụa những rác rưởi, nhớp nhúa như bãi rác nằm bên hông chợ Cầu Ông Lãnh Sàigòn. Thủy thủ đoàn phải mất hơn một tiếng đồng hồ mới xịt rửa xong.

Tám giờ sáng (8:00 giờ) ngày 30/3/75, Cơ Xưởng Hạm Vĩnh Long, HQ-802, tách bến, rời vịnh Cam Ranh, mang theo một dư vị đắng chát, hậu quả tồi tệ của những quyết định bất trí của vị nguyên soái bất tài.

Khi đang hải hành băng ngang Hòn Dung, dân chài địa phương gọi là Hòn Yến vì đó là nơi rất đông chim yến tụ về làm tổ, HQ-802 nhận được phản lệnh của Bộ Tư Lệnh Hải Quân Hành Quân Biển, hủy bỏ lệnh đi Qui Nhơn để trở lại Cam Ranh đón Sư Ðoàn TQLC về Vũng Tàu. Thêm một lần nữa tôi cảm thấy chán ngán về sư bất nhất, thiển cận, của thượng cấp, nhất là trong tình thế khẩn trương, dầu sôi, lửa bỏng hiện tại. Một phút, một giờ, đều có thể quyết định sự thành-bại của cuộc chiến, sự mất-còn của Miền Nam. Viễn tượng bại trận làm tôi phẫn khích...

HQ-802 về đến Cam Ranh hồi 2:00 giờ chiều (30/ 3/75) và được lệnh cặp cầu Bộ Tư Lệnh Vùng 2 Zuyên Hải. Gió Ðông-Nam. Cầu tàu được đặt trong một hồ nước hẹp mang hình dáng một chiếc phễu, hai bên là núi đá. Hai dãy núi đá ép dần lại với nhau, tạo thành một lối thoát ra biển gọi là Cửa Nhỏ để đối lại với đường dẫn vào vịnh rộng lớn hơn nằm ở phía Nam, được gọi là Cửa Lớn.

Vào mùa này, gió Ðông Nam lọt vào chiếc phễu và trườn đi rất mạnh, thổi thẳng góc vào cầu tầu. Ðể cặp cầu hạm trưởng có hai chọn lựa: Cặp trên gió hoặc cặp dưới gió. Cặp trên gió dễ dàng hơn, nhưng sẽ rất vất vả khi rời cầu, nhất là khi có hàng sư đoàn binh sĩ ngổn ngang trên sân chính. Cặp dưới gió khó khăn hơn và cũng rất mệt khi tách bến vì dễ bị gió đẩy vào ghềnh đá. Tôi cân nhắc những yếu tố đó khá lâu trước khi chọn vào cầu tàu, trên gió.

Binh sĩ bắt đầu nhập hạm lúc 3:00 giờ chiều. Sau khi đơn vị chót TQLC lên tàu, hàng ngàn thân nhân và bạn hữu của các quân nhân Hải Quân sỏ tại cũng ồ ạt kéo xuống cầu tàu, tạo nên cảnh tranh lấn hỗn loạn để dành nhau lên tàu.

Ðến lúc này, chứng kiến cảnh tượng đó, tôi mới thực sư thâm cảm được niềm lo âu và nỗi khổ tâm của các thuyền trưởng Quân vận đĩnh LCU tại bãi Thuận An, của Hạm trưởng HQ-402 và HQ-403 tại bãi Tiên Sa, Ðà Nẵng, của Hạm trưởng HQ-505 và HQ-404 tại bãi và cầu tàu Chu Lai. Tôi cũng nhận ra rằng chính những đám đông hỗn loạn này là những nguyên do đưa đến sự tan hàng bi thảm trên đường số 7, tại bãi Thuận An, tại Ðà Nẵng và Chu Lai.

Họ là những sợi giây vô hình đã trói chặt tay binh sĩ đến không còn khả năng chiến đấu. Nhưng không ai có thể trách cứ được những biển người thống khổ đó vì họ cũng ham muốn sự sống, họ cũng yêu chuộng nền Cộng Hòa và đời sống tự-do như bất cứ người nào. Ðáng dè bửu là những người hữu trách tài hèn, không đủ trí-mưu để tiên liệu, để nhận ra những nguyên do đó ngõ hầu tìm ra phương cách trị liệu trước. Càng đáng kết tội hơn là nhóm đồ tể phản quốc, vào thời điểm đó, đang nắm quyền chính tại Miền Bắc...

Sáu giờ (6:00 giờ) chiều (30/3/75), cầu tàu trở lại trạng thái bình thường. Trên cầu chỉ còn loáng thoáng một số nhỏ quân nhân Hải Quân. Con tàu nặng hơn, chìm sâu hơn do sức nặng của mấy ngàn người quá giang, và gió Ðông-Nam cũng tăng thêm tốc độ, làm cho vận chuyển rời cầu tàu khó khăn gấp bội.

Những quy tắc vận chuyển bình thường không giúp tôi đưa được tàu ra khỏi bến. Mực nước không đủ sâu cho máy và tay lái đáp ứng hữu hiệu. Gió mạnh tiếp tục ép sát HQ-802 vào thành tàu. Ðầu óc tôi căng thẳng. Tôi đành phải quyền biến, đành phải dùng đến những biện pháp vận chuyển ngoài sách vở...

Tôi ra lệnh cho các sân tháo và kéo hết các dây cột về tàu, ra lệnh cho phòng lái kìm chặt góc lái vào số không, ra lệnh cho hầm máy vào số lùi nhẹ rồi tăng dần đến lùi hết tốc độ. Mặt nước sau lái tàu dẫy đạp dữ dội. Thân tàu rung chuyển và bắt đầu đáp ứng theo lệnh. Tàu nhích dần ra, và lái tàu từ từ lên gió. Tôi ra lệnh giảm bớt tốc độ máy dần dần và cho tay lái hết góc độ về hướng gió để mũi tàu chuyển sang bên trái. Khi mũi tàu vừa ra khỏi trụ cầu cuối cùng, tôi cho gọi cả hai tiểu đĩnh LCVP tới, áp vào mũi tàu và đẩy hết tốc lực.

HQ-802 tiếp tục lùi sang kè đá phía đối diện. Tôi khẩn cấp cho gài hai máy vào số tiến, để máy tả ở tốc độ 2 và tăng máy hữu lên tốc độ tối đa. Hai tiểu đĩnh LCVP tiếp tục đẩy. Mũi tàu nhích dần lên gió... Tôi cho máy tả ngừng, máy hữu xuống tốc độ 3, và giữ nguyên tình trạng đó cho đến khi HQ-802 nằm song song với hai vách núi.

Sau đó tôi cho trả tay lái về số không, và chuyển cả hai máy vào tốc độ 2 và lái HQ-802 ra giữa vịnh lớn để trục hai tiểu đĩnh LCVP lên tàu. Sự căng thẳng tột độ khi vận chuyển làm tôi mệt nhoài. Tôi rời ghế Hạm trưởng, chập choạng đi tới bàn hải đồ và gục xuống. Tôi nghe mơ hồ như có ai đó lên tiếng.

- Gọi Bác sĩ...

Và tiếng gọi ngọt ngào, nhõng nhẽo của con gái tôi.

- Bố... Bô..ố!

Tôi tỉnh dậy sau mũi thuốc. Ông Bác sĩ khuyên tôi nên xuống phòng nghỉ ngơi. Tôi ngỏ lời cám ơn ông nhưng từ chối vì còn phải dẫn lộ HQ-802 ra khỏi Vịnh Cam Ranh. Tôi trở lại ghế Hạm Trưởng. Nhân viên tiếp vụ mang lên cho tôi một ly sữa ấm. Tôi uống hết ly sữa và hồi phục dần dần.

Tám giờ tối (8:00 giờ) ngày 30/3/75, HQ-802 ra khỏi Vịnh Cam Ranh để không bao giờ trở lại nữa. Giã từ Cam Ranh.

Ðể tăng sự an toàn cho mấy ngàn người trên tàu, tôi chọn hải trình xa tắp ngoài khơi để dẫn HQ-802 về Vũng Tàu, về bến cũ, nơi mà chúng tôi đã chia tay hơn 40 ngày trước đây. Mười hai giờ khuya (12:00 giờ), điểm giao thời giữa hai ngày 30/3/75 và 31/3/75. Tôi đến bàn hải đồ, kiểm soát vị trí chiến hạm và viết công điện báo cáo vị trí cho Bộ Tư Lệnh Hải Quân Hành Quân Biển, Bộ Tư Lệnh Hải Quân Vùng 2 và Vùng 3 Zuyên Hải.

Một cơn gió lạnh thổi tạt qua đài chỉ huy làm tôi run lẩy bẩy. Tôi cảm thấy trời đất quay đảo và tôi qụy xuống. Một nhân viên đương phiên nhào tới đỡ lấy tôi và một người nào đó ra lệnh vội vã.

- Ðưa ổng xuống phòng ngay.

Anh em dìu tôi rời đài chỉ huy.. Một người thoa dầu xanh lên hai bên thái dương và vòng quanh cổ tôi... Họ đặt tôi lên giường. Ông Bác sĩ trẻ chích cho tôi thêm một mũi thuốc khỏe và một mũi thuốc an thần (?). Tôi ngủ thiếp đi.

Vào một thời điểm nào đó trong đêm, sĩ quan đương phiên lay tôi dậy. Tôi chống tay ngồi dậy không muốn nổi vì tác dụng của mũi thuốc an thần, nhưng vẫn ráng nâng người tôi lên bằng cả hai tay chống xuống mặt giường.

- Thưa Hạm trưởng, có một Ðại tá Hải Quân lên đài chỉ huy, ra lệnh cho tôi đổi lộ trình. Tôi thưa lại là tôi không được phép làm sái với tiêu lệnh hành quân và tiêu lệnh hải hành của Hạm trưởng. Ông ra lệnh cho tôi mời Hạm Trưởng lên đài chỉ huy.
- Có phải là ông Ðại Tá lên tàu mình ở Mủi Sơn Chà không?
- Không phải, Thưa Hạm Trưởng.
- Ông này gầy ốm, nhỏ con.
- Ông giữ nguyên hải trình tôi đã vẽ và thi hành đúng các tiêu lệnh của tôi. Trình với ổng: Ðại Tá Vương Hữu Thiều đang là Sĩ Quan Thâm Niên Hiện Diện trên HQ-802...

Nói chưa đứt ý tôi lại ngã sập xuống mặt giường và chìm dần vào giấc ngủ mệt nhọc...

Vì bận rộn với công việc, nhất là vì những xúc động tâm lý gây nên bởi cuộc rút quân thất bại tại Ðà Nẵng và những diễn biến quân sự bất lợi kế tiếp, tôi quên bẵng hẳn câu chuyện lạm quyền (sĩ quan thâm niên hiện diện) nhỏ nhoi này. Nhưng hơn một tuần lễ sau, Tư Lệnh Hạm Ðội cho tôi biết ông Hải Quân Ðại Tá gầy ốm, nhỏ con đó là ai.

- Me-sừ TBP, Tham Mưu Phó Nhân Viên, đề nghị cất chức "toa".
- Thưa Commandant, vì lý do gì?
- Xừ-lủy buộc "toa" là biếng nhác, ngủ tỉnh bơ khi chiến hạm hải hành trong vùng nguy hiểm, và coi thường Sĩ Quan Thâm Niên Hiện Diện.
- Hoàn toàn láo khoét! Tôi không hề biết ông ta lên tàu tôi hồi nào và tại đâu. Tôi cũng không hề gặp ông ta lần nào trên tàu tôi. Trên suốt hải trình từ Ðà Nẵng về đến Vũng Tàu, Ðề Ðốc Thoại và Ðại Tá Vương Hữu Thiều kế tiếp nhau trong chúc vụ Sĩ Quan Thâm Niên Hiện Diện trên HQ-802.
- "Moa" đã cự xừ-lủy dữ dội rồi.
- Tôi có mặt 24/24 tại dài chỉ huy suốt hơn một tuần lễ, vừa đích thân chỉ huy hành quân vừa điều khiển hải hành. Trên chặng chót Cam Ranh-Vũng Tàu, tôi ngã qụy hai lần trên đài chỉ huy. Bác sĩ TQLC (?) ra lệnh cho anh em đưa tôi xuống phòng và điều trị cho tôi. Ông ta cũng chích cho tôi một mũi thuốc an thần để tôi dỗ giấc ngủ...
- "Moa" đã cho xừ-lủy biết những cực nhọc, những hy sinh đáng phục của các Hạm trưởng và thủy thủ đoàn các chiến hạm Hạm Ðội tại Ðà Nẵng... "Toa" yên tâm."Moa" lúc nào cũng đứng bên cạnh các "toa".
- Sao lại có thứ tiểu nhân ti tiện như xừ-lủy trong hàng ngũ sĩ quan Hải Quân. Xừ-lủy đã ở trong Hải Quân lâu năm, tất phải biết rằng một Hạm Trưởng bị hạ tầng, sẽ phải mang nỗi nhục đó suốt đời chớ! Tôi sẽ ăn thua đủ với xừ-lủy.
- ...

HQ-802 về tới Vũng Tàu hồi 4:20 chiều ngày 31/3/75, và, theo lệnh của Tư Lệnh Hải Quân Vùng 3 Zuyên Hải, chiến hạm vào cặp cầu Alaska để trả Sư Ðoàn TQLC và dân tị nạn lên bờ.

Tám giờ sáng (8:00 giờ) ngày 01/4/75, Cơ Xưởng Hạm Vĩnh Long, HQ-802, rời cầu Alaska, ra neo tại bãi trước Vũng Tàu, chấm dứt chuyến viễn du, đầu tiên và cũng là cuối cùng, suốt chiều dài bờ biển Việt Nam Cộng Hòa, một chuyến đi để làm chứng nhân bất đắc dĩ và đau khổ của những cuộc hành quân triệt thoái thủy bộ hỗn loạn, đầy bi thảm, hiệu báo ngày sụp đổ gần kề của Việt Nam Tự Do.

Nhiệm vụ của Cơ Xưởng Hạm Vĩnh Long, HQ-802, trong cuộc chiến 1960-1975 sắp mãn, và bây giờ nó nằm tại đây, chờ chuyến hải hành chót trên Biển Ðông.


Vũ Quốc Công





















































































Free Web Hosting