Ký:

Lê Minh Ðảo, một người lính còn muốn làm lính VNCH ở cả kiếp sau

Nguyễn Tuyển


Tôi gặp lại ông 24 năm sau khi cuộc chiến chấm dứt, sau nhiều chuyện biển dâụ Ðúng hơn, tôi gặp lại ông sau 24 năm và một tuần lễ. Ngày 21 tháng 4 năm 1975, sáng sớm hôm đó ông ngồi ôm ca cà phê bên bờ rừng cao su ở Long Khánh, tôi sà tới hỏi thăm tình hình chiến trường.

Cả ngày hôm trước, tôi bám theo đơn vị trinh sát tỉnh Long Khánh đánh cận chiến lựu đạn với địch tại trung tâm thị xã. Trinh sát tỉnh Long Khánh là một đơn vị giỏi, dũng cảm, kiên nhẫn diệt từng chốt địch và họ đã làm chủ được tình hình.

Tôi đã nhảy vào Long Khánh từ mấy ngày trước trong nhiệm vụ phóng viên của Ðài Phát Thanh Sài Gòn.

Tướng Lê minh Ðảo ngồi đăm chiêu cùng với ca cà phệ Tôi không nhớ rõ những điều gì đã hỏi ông, nhưng tôi nhớ rằng ông rất bình tĩnh, lúc ra lệnh cho các đơn vị dưới quyền ứng phó với hoàn cảnh trước mặt, lúc quay lại trả lời một vài câu hỏi của tôị Ông hiểu những gì còn lại trong tay ông cũng như hoàn cảnh chung quanh và tôi không thấy ông nóng giận hay thoáng nét sợ hãi. Ông là tư lệnh mặt trận Long Khánh chận đường tiến về phía Nam của đại quân Bắc Việt với đủ cả tăng lẫn pháo. Trong tay ông, sư đoàn 18 tuy không hoàn toàn nguyên vẹn nhưng đủ lực và đủ tinh thần, một số đơn vị địa phương quân, nghĩa quân diện địa của tiểu khu Long Khánh, một số tiểu đoàn Biệt Ðộng Quân.

Ông lập phòng tuyến chận địch từ cao nguyên đi xuống cũng như từ miền Trung đổ vào.

Khoảng 10 giờ sáng, một đoàn trực thăng Chinook đổ Lữ Ðoàn Dù vào tăng phái cho mặt trận để cự địch. Sau 4 ngày đêm lê lết ở chiến trường, tôi nhảy lên Chinook ra Long Bình tìm cách về Ðài thông báo tình hình. Những gì tôi ghi nhận được ở chiến trường không hữu ích cho một bản tin có tính cách thông tin tuyên truyền nên tôi đã không viết gì cả. Tuy nhiên, buổi chiều, người trung úy sĩ quan báo chí Dù (lâu ngày tôi quên mất tên) gọi điện thoại viễn liên về Ðài rủ tôi vào "làm ăn" vì Dù đang bao vây một tiểu đoàn địch và kêu gọi họ đầu hàng. Anh bạn muốn tôi làm phóng sự để nâng cao tinh thần mọi người. Buổi tối hôm đó, tướng Ðảo nhận được lệnh bỏ mặt trận rút quân. Ðoàn người tất tả băng rừng theo con tỉnh lộ chạy về Phước Tuy rồi vòng về Long Bình vì con đường Long Khánh-Biên Hòa đã bị chặn.

Ðó là lần sau cùng tôi gặp thiếu tướng Lê minh Ðảo ở mặt trận.

Gặp ông lại ở Quận Cam ngày 28-4-99 trong chuyến ông đi thăm chiến hữu cũ, ông kể rằng ông đem được đại đơn vị về đến căn cứ Long Bình. Ba trung đoàn 43,48 và 52 tuy có sứt mẻ sau nhiều ngày trận mạc nhưng tất cả đều cố gắng chu toàn nhiệm vụ và không có đơn vị nào bỏ chạy cho đến khi nghe lệnh đầu hàng thông báo qua làn sóng truyền thanh buổi sáng ngày 30-4-75.

Khi về tới Long Bình, ông chia quân ra giữ các địa điểm trọng yếu kéo tới Trảng Bom bênh cạnh các đơn vị khác không thuộc trách nhiệm chỉ huy của ông.

Buổi chiều ngày 29-4-75, ông mất liên lạc với Bộ Tư Lệnh Quân Ðoàn 3. Cựu thiếu tướng Ðảo kể rằng buổi chiều ngày này bi lắm. Ông họp tất cả Bộ Chỉ Huy Sư Ðoàn trong hầm hành quân đặt tại Long Bình. Theo kế hoạch, trung đoàn 43 giữ Trảng Bom, trung đoàn 52 giữ Tam Hiệp/Tân Mai, trung đoàn 48 cùng BCH Sư Ðoàn ở lại Long Bình trong đêm.

Khoảng 8 giờ tối, ông nhận được điện thoại của TT Vĩnh Lộc (thay thế DDT Cao văn Viên trong chức vụ Tham Mưu Trưởng) khen "Sư đoàn của anh được lắm, Tổng Tham Mưu không còn ai, quân anh ra saọ.." Tướng Ðảo trình báo tình hình thì nhận được lịnh "Ðưa sư đoàn 18 trấn bên này sông Ðồng Nai (mé Sài Gòn), ráng giữ 3 ngày sẽ có giải pháp". (Lúc này Dương văn Minh đã lên làm Tổng Thống).

Ông Ðảo nói ông có yêu cầu ông Vĩnh Lộc cho yểm trợ không quân để ông thêm khả năng chống cự lại các cuộc tấn công của địch nhưng điều này đã không được thực hiện.

Theo lời cựu thiếu tướng Ðảo, ông cho đặt pháo binh ở Nghĩa Trang Quân Ðội để yểm trợ cho cả Biên Hòa và Long Bình trong khi đơn vị tiếp vận được chuyển về Biệt Khu Thủ Ðô vì ông đã nghĩ tới chuyện phải rút về miền Tâỵ Ông nói ta còn nguyên Quân Ðoàn 4 với các sư đoàn 7,9,21 cùng các đơn vị diện địa nghĩa quân, địa phương quân đánh giặc rất hay, không kể các lực lượng Hòa Hảo nếu võ trang cho họ để đánh du kích, người Cộng sản chưa chắc đã nuốt ngay được toàn thể miền Nam. Theo ông, QDD 4 có dự trữ đạn dược ít ra cầm cự được vài tháng để chờ đợi vận động quốc tế yểm trợ chứ chưa đến nỗi phải đầu hàng một cách nhục nhã như vậy.

Buổi sáng ngày 30-4-75, khoảng 8 giờ sáng, trên đường chuyển quân, ông đã không thể cho giật sập cầu Biên Hòa cản bớt sức tiến quân và xe tăng của địch vì ông không không có chất nổ và cũng không biết có đơn vị nào trách nhiệm trong việc giật cầu. Ðúng ra đây là một việc phải làm trên rất nhiều đoạn đường trong kế hoạch trì hoãn chiến.

Trên đường chuyển quân về đến Cầu Sơn, sáng ngày 30-4, ông được thuộc cấp theo dõi tin tức trên đài phát thanh nói có lệnh đầu hàng từ ông tân Tham Mưu Trưởng, chuẩn tướng Nguyễn hữu Hạnh, yêu cầu các đơn vị buông súng.

Cựu thiếu tướng Ðảo nói rằng ông có cảm giác như thấy trời sập. Ông gọi các đơn vị trưởng không còn thấy ai lên máy. Họ cũng đang có cảm giác tương tự như ông, không ai còn thiết cầm máy lên trả lời. Nhiều người lính Sư Ðoàn 18 đã đập cho gãy súng rồi vất đị Một số người nhắm vào xe tăng địch bắn và bị bắn trả lại thiệt mạng.

Tướng Ðảo còn chừng một trung đội đi theo ông. Ông khuyên mọi người ai về nhà nấy rồi tính. Ông về đến nhà má ông vào buổi chiều bên Gia Ðịnh. Sáng hôm sau, mùng 1 tháng 5, ông mặc thường phục đi miền Tây thì được biết các tướng Nguyễn khoa Nam, Lê văn Hưng đã tự sát, ông len lỏi ở một số tỉnh cho đến ngày 9 tháng 5 mới quay về Sài Gòn trình diện theo lệnh của chúng bắt đi tù cải tạo.

Ông nói rằng có hai điều dằn vặt ông trong tù là tại sao ta thua và sao ông lại ở lại đánh cho đến ngày chót làm gì vì chẳng làm được gì cả.

Ông nói, theo ông, chúng ta thua vì Mỹ cố tình bỏ rơi miền Nam Việt Nam vì Hoa Kỳ không thể ôm cùng một lúc hai mặt trận. Một ở Việt Nam và một ở Trung Ðông. Họ cần giữ Trung Ðông vì khu vực này gắn liền tới huyết mạch nhiên liệu dầu hỏa của họ cũng như các khu vực khác của thế giới. Chúng ta thua vì không đủ tiếp liệu để đương cự cuộc xâm lăng từ phương Bắc. Ðạn dược thiếu, nhiên liệu thiếu. Vì nhất định muốn bỏ rơi miền Nam Việt Nam, Hoa Kỳ đã ép VNCH ký vào một bản hiệp định để yên cho quân CSBV ở lại miền Nam mà không có một điều kiện nào đả động đến. Ðây là dấu hiệu báo trước cho chuyện chẳng lành.

Trong cuộc họp mặt với khoảng gần 100 cựu quân nhân các cấp của Sư Ðoàn 18 tại quận Cam buổi tối ngày 29-4-99 cùng với một ít quân nhân thuộc các binh chủng khác, vị cựu thiếu tướng Tư Lệnh sư đoàn này đã nói một câu làm cho tất cả mọi người hiện diện xúc động bùi ngùi :"Kiếp sau, tôi vẫn muốn được làm một người lính VNCH."

Cựu thiếu tướng Lê minh Ðảo năm nay 66 tuổi trông còn tương đối mạnh khỏe. Ông tốt nghiệp trường Võ Bị Quốc Gia Ðà Lạt khóa 10, lên tướng năm 39 tuổi khi đang có những trận đánh long trời lở đất ở An Lộc mùa hè 1972.






















































































Free Web Hosting