Tướng Lê Nguyên Vỹ

Thanh Sơn



Tướng Lê Nguyên Vỹ về đảm nhiệm chức vụ Tư Lệnh Sư Ðoàn 5 Bộ Binh, khi ông còn mang cấp bực Ðại Tá, vào khoảng tháng 6 năm 73, trong lúc vết thương ở chân của ông chưa lành hẳn, bước đi còn khập khễng và chống gậy vì bị tai nạn trực thăng khi ông là Tư Lệnh Phó Sư Ðoàn 21 BB. Ông là một vị chỉ huy gan dạ nổi tiếng nhất của Sư Ðoàn 5 BB lúc ông còn là Trung Ðoàn Trưởng: "Nhất Vỹ, nhì Gia" (Trung Tá Gia hình như họ Hà, Hà Văn Gia, vì đã lâu ngày tôi không nhớ rõ). Ðây là câu nói tôi được nghe nhiều lần nơi sĩ quan và binh sĩ khi rời quân trường về trình diện Sư Ðoàn vào tháng 1-68. Rất nhiều đồng bào và anh em chiến sĩ thuộc các đơn vị bạn quanh vùng Lái Thiêu, Bình Dương cho đến các tỉnh biên giới Bình Long, Phước Long đều biết đến tên ông. Có lẽ một phần vì tinh thần chiến đấu kiên trì và dũng cảm, một phần vì tánh tình nóng nảy như lửa đốt của ông.

Tinh thần kiên trì và dứt khoát chiến đấu chống cộng của ông đã biểu lộ qua câu chuyện của một sĩ quan tham mưu Sư Ðoàn kể cho tôi nghe "Ông Vỹ có một cô em gái đi theo VC, viết thư khuyên ông nên quay về với "Bác và Ðảng" và ông đã trao bức thư này cho An Ninh Quân Ðội VNCH để nghiên cứu".

Sự chiến đấu dũng cảm của ông gần như mọi người thuộc Sư Ðoàn đều biết vào mùa hè đỏ lửa năm 72 ở An Lộc. VC lùa 3 Sư Ðoàn (Công Trường số 5, 7 và 9, Trung Ðoàn Thiết Giáp T54 và các đơn vị trọng pháo 130 ly để bao vây và tấn công thành phố An Lộc, tỉnh Bình Long. Ðại Tá Lê Nguyên Vỹ, Tư Lệnh Phó Sư Ðoàn cùng với Tướng Lê Văn Hưng, Tư Lệnh Sư Ðoàn đã tích cực điều động các đơn vị phòng thủ đẩy lui nhiều đợt tấn công ác liệt kéo dài ròng rã gần 3 tháng trời. Ở vào cao điểm khốc liệt nhất, khi VC quyết định sử dụng toàn bộ lực lượng để dứt điểm chiến trường, chúng tung nhiều đợt pháo kích, sử dụng lực lượng xung kích chủ yếu, thiết giáp T54 và bộ binh kết hợp tiến thẳng vào trung tâm chỉ huy của Tướng Lê Văn Hưng. Vì bị thiệt hại nặng nề do đạn pháo, các đơn vị phòng thủ VNCH phải co cụm lại từng tụ điểm để chống trả. Khi thấy chiến xa và bộ binh địch xuất hiện từ xa, tất cả các loại súng cối của ta bắn ra xối xả, khiến bộ binh VC phải giật lùi lại phía sau, chỉ còn thiết giáp VC vẫn một hàng dọc, theo đường phố tiến vào nơi phòng thủ của Tướng Hưng. Vì lần đầu tiên người lính VNCH nhìn thấy chiến xa địch và phần vì không tin tưởng vào vũ khí chống chiến xa M72, hầu hết đều kinh hoàng và tìm nơi ẩn nấp. Ngay cả đến những người lính phòng thủ trước cửa hầm của Tướng Hưng cũng vậy, khi nhìn thấy chiến xa đã tới gần, tất cả đều nhảy ào xuống hầm. Ðại Tá Lê Nguyên Vỹ đã nhanh nhẹn chụp lấy một khẩu M72 của người lính đứng bên cạnh, ông bước lên miệng hầm. Trong khi ấy, Tướng Lê Văn Hưng đã cầm sẵn một trái lựu đạn nơi tay với ý định nếu VC tràn vào, ông tung ra, tất cả cùng chết. Chiếc chiến xa đi đầu đã đến gần, nhưng vì chúng chưa định ra được chiếc hầm nào là hầm của Tướng Hưng đang thủ, chúng quay ngang, quay dọc để tìm kiếm. Thừa lúc ấy, Ðại Tá Vỹ đã bắn ngay một quả đạn M72 vào hông xe làm chiếc xe bốc cháy. Binh sĩ lên tinh thần reo hò, và họ lần theo từng căn nhà, từng bờ tường để bắn những chiếc còn lại. Kết quả là gần 50 chiếc chiến xa địch bị bắn cháy ngay trên trận địa.

Tướng Lê Nguyên Vỹ được thăng cấp khoảng cuối năm 1974 (tôi không nhớ rõ). Ông đã phải đương đầu với một hoàn cảnh vô cùng khó khăn: vừa phải lo đối phó với áp lực của quân địch, và vừa lo chấn chỉnh nhân sự, củng cố đơn vị v.v...Ông làm việc không kể giờ giấc, ngày đêm, hết ở Bộ Tư Lệnh căn cứ tại Lai Khê, lại chạy tới các căn cứ của Trung Ðoàn, Tiểu Ðoàn để kiểm tra, đốc thúc đào hào, tu bổ hệ thống phòng thủ, đắp chướng ngại vật để cản chiến xa. Ông cũng lưu tâm đặc biệt việc rèn luyện tân binh, thường xuyên mở lớp huấn luyện và ôn tập cho các cán bộ và binh sĩ.

Ðặc biệt về công tác bài trừ tệ nạn tham nhũng, ông làm rất hăng say. Sau khi Tướng Trần Quốc Lịch bị điều tra và bắt giam ở quân lao, một số các cấp chỉ huy khác đã bị trừng phạt: Thiếu Tá Hồ Ngọc S., TÐT/TÐ3/9, Ðại Úy H., ÐÐT/ÐÐ5 Trinh Sát bị giáng cấp xuống trung sĩ và một số nữa tôi không còn nhớ rõ. Việc bài trừ tham nhũng, không ai nghi ngờ thiện chí của Tướng Vỹ, ông rất nhiệt tình. Ông chỉ có một tật xấu mà tôi ghi nhận được là tính nóng nảy. Một câu chuyện tôi nghe được khi ông làm việc tại trung tâm hành quân, phòng 3 BTL/SÐ. Hôm ấy, một binh sĩ bị quân cảnh bắt về trình diện ông về tội đánh lộn và cướp giật ngoài chợ Lai Khê. Câu chuyện tôi nghe được khi ông đang đứng nói với một sĩ quan khác trươc cửa văn phòng: "Tôi chửi mắng cho một trận, mặt hắn cứ trơ trơ ra, không tỏ vẻ ăn năn hối hận gì. Thình lình tôi quay cây gậy đập tới tấp, cu cậu không biết đường mà đỡ, bị một trận nên thân!". Những việc như vậy, ông thường làm, nhưng lại chưa nghe ai nói ông cạo đầu nhốt chuồng cọp binh sĩ.

Trong một buổi lễ khai giảng khóa huấn luyện tân binh, đứng trước cả ngàn người vừa tân binh lẫn cán bộ và lính cơ hữu của trung tâm huấn luyện ở Lái Thiêu, ông công kích kịch liệt trong gần một tiếng đồng hồ về tệ nạn tham nhũng. Ông nói rất nhiều, nhưng chỉ có một câu tôi nhớ hoài, không bao giờ quên: "Chúng nó đã móc ngầm với nhau rất chặt chẽ, mình phải gỡ ra từ từ mới được".

Trong một phiên họp ở BTL/SÐ, ông gọi những người được gởi gấm nhiều năm, hết đời Tư Lệnh này tới đời Tư Lệnh khác, sống lưu cựu tại trung tâm huấn luyện Sư Ðoàn là những con heo. Ông nói: "Chúng nó ăn no béo mập như những con heo". Ông muốn "bứng" đám người này đi mà cũng không làm được, Có lẽ vì họ có những cái "gốc" lớn mà rễ của nó đã mọc tới Sài Gòn. Sức lực của ông cũng có hạn, đôi vai ông cũng nhỏ bé như vai mọi người, không lớn rộng như vai Từ Hải! Tuy nhiên tôi ghi nhận, trong thời gian ông làm Tư Lệnh, tệ nạn tham nhũng, nếu không muốn nói đã bị chận đứng thì cũng phải giảm đi rất nhiều; không còn cảnh ăn chơi phè phỡn trong khi người khác cặm cụi làm việc.

Nhìn chung, từ ngày Tướng Vỹ về Sư Ðoàn, ông đã cải tổ, xây dựng được nhiều vấn đề. Ông đã mang lại niềm tin tưởng cho mọi người .

Việt Cộng càng ngày càng di chuyển người, vũ khí, lương thực về gần Sài Gòn hơn. Áp lực quân sự ngày càng gia tăng. Việc tiếp tế bằng phi cơ cho An Lộc và Chơn Thành quá tốn kém mà chỉ để bảo vệ những đống gạch vụn tại thành phố An Lộc và những vùng đất hoang vu, không người ở. Dân cư tại các làng mạc, đồn điền đều đã di tản để tránh bom đạn hồi năm 1972, một số chạy ngược lên Lộc Ninh, số còn lại chạy về Sài Gòn. Vào khoảng cuối năm 1974, các lực lượng phòng thủ An Lộc và Chơn Thành được lệnh triệt thoái. Một việc làm Tướng Vỹ buồn lòng không ít khi một Tiểu Ðoàn của Trung Ðoàn 8 ở Chơn Thành rút lui, ông chỉ thị phải ưu tiên chở hỏa tiễn Tow về trên chuyến phi cơ đầu tiên để ông tái phối trí nơi khác (Tow là một loại hỏa tiễn chống chiến xa rất hiệu nghiệm và rất đắt tiền). Ông đích thân ra sân bay đón chờ. Khi chuyến bay đầu tiên hạ cánh, hàng bốc xuống hết, ông không thấy hỏa tiễn Tow đâu cả, mà chỉ toàn là hàng câu lạc bộ như bia, nước ngọt, cà phê, sữa, v.v...Thế rồi ông nổi cơn thịnh nộ, rồi đích thân lái xe jeep ủi sập hết đống hàng này.

Tình hình quân sự ngày càng nghiêm trọng, tỉnh lỵ Phước Long bị VC tràn ngập vào ngày 3/1/75, nhưng QLVNCH không có nỗ lực nào để tái chiếm. Những người chỉ huy quân sự nói chung và của SÐ5BB nói riêng đã bắt đầu lo ngại, nhưng tất cả đều đồng ý rằng, trong chiến tranh, hôm nay mất ngày mai chiếm lại là việc thông thường, không có gì lo âu quá đáng.

Khi Ban Mê Thuột thất thủ, quân đội VNCH rút khỏi Cao Nguyên, miền Trung và khi tuyến phòng thủ miền Ðông (Phan Rang, Long Khánh) bị bể, những lực lượng còn lại của QLVNCH đang lui dần về phía cầu xa lộ Biên Hòa, tôi được lệnh chuẩn bị kế hoạch, trang bị nhẹ, dự trù trong trường hợp Sài Gòn thất thủ, sẽ lui dần về Vùng 4 để tiếp tục chiến đấu. Tôi không biết lệnh này xuất phát từ đâu!

Lúc này những đoàn quân VC ở phía Bắc Sài Gòn đã ép sát với phòng tuyến của SÐ5BB. Ở phiá quận lỵ Phú Giáo, vào ngày 23 và 27/4/75, phi cơ phản lực, cứ 2 chiếc luân phiên nhau thả bom vào những vị trí tập trung của quân địch để ngăn cản sức tiến quân của chúng. Ðường bay nhào lộn kéo tới tận không phận quận Lái Thiêu. Cán bộ huấn luyện viên và các khóa sinh đều đưa mắt liếc nhìn, không ai nói với ai một lời, tất cả đã hiểu việc gì đang xảy ra.

Trung tâm huấn luyện Sư Ðoàn chỉ chấm dứt các hoạt động huấn luyện bãi tập vào ngày 28/4/75 và được lệnh cấm trại 100% để lo phòng thủ. Tình hình ở Sài Gòn lúc đó quá lộn xộn và các đơn vị du kích cùng quân địa phương VC đã xuất hiện ở nhiều nơi quanh vùng Lái Thiêu, Bình Dương. Khoảng 10 giờ đêm ngày 29/4/75, tôi đã nhìn thấy bộ binh và chiến xa của VC đang di chuyển trên xa lộ Ðại Hàn (Sài Gòn - Bình Dương). Bộ binh đi hai hàng dọc, kẹp sát lề đường, xen kẽ ở giữa là chiến xa T54. Chúng chẳng thèm ngụy trang lá cây gì cả và đang di chuyển về hướng Sài Gòn. Thình lình tiếng súng cối 81 ly của TTHL/SÐ từ phía sau lưng bắn ra để cản bước tiến của chúng. Ðạn nổ bốc khói mịt mù xa lộ. Chỉ trong giây lát, chiến xa và bộ binh VC đã giàn hàng ngang tiến thẳng về phía TTHL. Những khẩu phòng không trên pháo tháp của chiến xa địch đang nhả đạn, bỗng dưng khựng lại. Chúng quay ngược ra xa lộ rồi tiếp tục di chuyển về hướng Sài Gòn. Chúng đi rất vội vã, hối hả. Rõ ràng chúng đang được lệnh tránh giao chiến dọc đường, bảo toàn lực lượng tối đa, tiến nhanh về Sài Gòn càng sớm càng tốt. Sài Gòn vào giờ này đang hỗn loạn, miếng mồi thơm ngon, béo bở đang đợi chờ, chúng không thể chậm trễ được!

Khoảng 8 giờ sáng, tôi không còn nhìn thấy một lực lượng nào của VC di chuyển nữa. Tôi vẫn đứng ở phía ngoài phòng tuyến suy nghĩ miên man...Chúng đã lợi dụng đêm tối, len lỏi, vượt nhanh ngang qua hông những điểm phòng thủ chính yếu của SÐ5BB, của tiểu khu Bình Dương. Chúng đã bỏ toàn bộ lực lượng của SÐ5BB về phía sau lưng rồi!

Bỗng tôi chợt nhớ tới câu chuyện hơn một năm về trước, khoảng tháng 12 năm 73. Hôm ấy, như thường lệ, tới phiên trực, tôi đem bản đồ vào phòng riêng của Tướng Vỹ vào buổi tối để ông duyệt xét lại tình hình tổng quát mà có các chỉ thị cần thiết cho các kế hoạch hành quân hôm sau. Thông thường, ông chỉ lướt qua 15 phút, vì sĩ quan tùy viên đã báo cáo tình hình hàng giờ, rồi ông nói chuyệnh linh tinh với chúng tôi. Ông người tầm thước, khoảng 165cm, hơi mập, nước da đen sạm vì nắng, giọng nói hơi ồm ồm. Hình như ông đang bị cảm mất tiếng nên giọng nói hơi khó nghe. Tuy nhiên, tôi vẫn còn nghe rõ từng tiếng...Ông đang tỏ vẻ vui mừng về việc xúc tiến phòng thủ trong những tháng qua đạt kết quả tốt đẹp. Bỗng ông tâm sự: "Tôi nghi ngờ chúng nó không đánh mình ở ngoài này mà tìm cách len lỏi đi thẳng về Sài Gòn..." Ðiều nghi ngờ của ông hôm nay đã trở thành sự thật.

Trước tình thế này, Tướng Vỹ sẽ quyền biến ra sao? Tôi chờ đợi, nhưng tôi chợt nghĩ, tình hình sáng hôm nay đang diễn ra trên một quy mô lớn trên toàn quốc, đã vượt ra ngoài vùng trách nhiệm và quyền hạn của một vị Tư Lệnh Sư Ðoàn. Ông vẫn phải chờ lệnh, vì ông là một quân nhân có kỷ luật.

Khoảng 9 giờ sáng, TTHL vẫn còn liên lạc tốt với BTL/SÐ. Lệnh từ TT/HQ/SÐ vẫn truyền đi: "Tất cả sẵn sàng tại chỗ, chờ lệnh". Tướng Vỹ đang chờ lệnh gì? Lệnh đánh tập kích phía sau lưng địch hay lệnh rút lui về Vùng 4? Ông chờ lệnh ai? Vào giờ này, Tổng Thống Tư Lệnh Quân Ðội, Thủ Tướng Chánh Phủ, Tổng TMT/QÐ, TMTL/LQ, Tư Lệnh Quân Ðoàn, đã chạy trốn hết rồi! Các tân Tổng Thống thì hoặc vì quá già nua, hom hem ốm yếu, hoặc vì còn đang bàng hoàng ngơ ngác trước kẻ thù, ai đủ tư cách và uy tín để ra lệnh cho ông?

Khoảng 10 giờ sáng ngày 30-4-75, TTHL hoàn toàn mất liên lạc với BTL/SÐ (có lẽ giờ này, Tướng Vỹ đã tự sát và BTL đang rối loạn). Chỉ huy trưởng TT/HL vô cùng bối rối. Ông ra lệnh vắn tắt: "Di chuyển về hướng Sài Gòn". Dẫn đầu hàng quân là các khóa sinh lớp huấn luyện thái cực đạo. Ðoàn quân ra khỏi doanh trại chưa được 1/3, tôi đã nghe tiếng súng nổ ròn rã ngoài chợ Lái Thiêu (Chi Khu Lái Thiêu đã rút lui từ nửa đêm và VC đã chế ngự khu này). Trung Úy Bích, Trưởng Ban 2 TT đã bị trọng thương và lực lượng đi đầu bị thiệt hại nặng. Ðoàn quân phải lùi vào trong doanh trại để tìm hướng đi khác. Một vài anh em mở radio để nghe tin tức. Thình lình nghe được bản tin của ông Dương Văn Minh trên đài phát thanh. Lúc ấy giọng ông Dương Văn Minh nghe rất thểu não, tiếng mạnh, tiếng yếu tựa hồ như một người sắp hết hơi. Tôi không nhớ hết nguyên bản văn; nhưng có vài đoạn chính yếu, tôi còn nhớ rõ từng tiếng. Ðại ý bản văn nói, để tránh một cuộc đổ máu vô ích, ông kêu gọi binh lính VC ngừng tấn công và quân đội VNCH ở nguyên vị trí của mình vì ông đã: "Tôi tin tưởng sâu xa vào chính sách hòa giải, hòa hợp dân tộc của chánh phủ cách mạng lâm thời cộng hòa miền Nam VN" (nguyên văn) và ông tiếp: "Chúng tôi ở đây (tức Dinh Ðộc Lập) đang chờ những người anh em ở phía bên kia đến để làm lễ bàn giao..." Bản tin được lập lại nhiều lần liên tục.

Sau khi nghe xong bản tin này, mọi người đều xôn xao nhốn nháo. Anh em khóa sinh lo sợ, trong khi làm lễ bàn giao VC nổi hứng đòi bàn giao luôn "cái chỗ đội nón", thế là hơn 1500 khóa sinh đủ các lớp huấn luyện, đã hè nhau đẩy sập cả cổng chính lẫn cổng phụ, vứt súng đạn, lột bỏ quần áo, chạy ra đường như một đàn ong vỡ tổ, trước sự ngơ ngác, bàng hoàng của cán bộ quân trường.

Tại căn cứ phòng thủ của Trung Ðoàn và Tiểu Ðoàn, sau khi nghe xong bản tin trên đài phát thanh của Dương Văn Minh, anh em binh sĩ đã tự động vứt bỏ súng đạn để chạy về nhà. Tại Bộ Tư Lệnh Sư Ðoàn ở Lai Khê, cái mệnh lệnh mà Tướng Vỹ trông đợi từ nhiều ngày qua để ông thi hành hôm nay đã đến. Mệnh lệnh không đến bằng hệ thống truyền tin quân đội, mà đến qua làn sóng điện của Ðài phát thanh Sài Gòn: lệnh bàn giao! Từ ngữ nghe thật hiền lành và êm ái. Nhưng, tự cổ chí kim, các kẻ chiến bại, sau khi bị tước đoạt hết khí giới, thông thường thì chỉ có chết hoặc bị bắt cầm tù, chưa thấy ai làm lễ bàn giao bao giờ. Tại sao hôm nay, ông tân Tổng Thống miễn cưỡng lại dùng loại từ ngữ mập mờ này?

VC vẫn bao vây căn cứ ở Lai Khê, đặt chốt ngăn chặn ở hai cổng phía Nam và phía Bắc. Chúng bắc loa chĩa vào bên trong căn cứ, phát thanh lời kêu gọi của Dương Văn Minh và kêu gọi Tướng Vỹ ra hàng. Ông chỉ đáp lại: "Yêu cầu các anh đối xử nhân đạo với thuộc cấp của tôi".

Lúc đó, Tướng Vỹ triệu tập một phiên họp bất thường, thật ngắn ngủi, để giải thích cho mọi người rõ lịnh bàn giao và lịnh bắt buông súng đầu hàng. Ông nói: "Lệnh bắt chúng ta buông súng bàn giao cho địch, nói thẳng ra là lịnh bắt chúng ta buông súng đầu hàng..." Ông phải nói thẳng vì sợ có người hiểu quanh co, mập mờ. Rồi ông tuyên bố: "Vì tôi là một Tướng Chỉ Huy mặt trận, tôi không thể thi hành được lịnh này. Tôi nghĩ thân làm Tướng là phần nào đã hưởng vinh dự và ân huệ của quốc gia hơn các anh em nên tôi phải chọn lấy con đường đi riêng cho tôi". Ðoạn ông bình tĩnh bước ra sân nghiêm trang đứng dưới cột cờ của Bộ Tư Lệnh, tự sát bằng chính khẩu súng chỉ huy của mình.

Tôi không được chứng kiến cảnh Tướng Vỹ tự sát và những diễn biến ở Lai Khê, chỉ viết theo lời tường thuật của anh bạn lúc tôi làm việc tại TTHQ. Tình cờ tôi gặp lại anh ít lâu sau đó. Trung Úy Khang, người sĩ quan trẻ tuổi, có rất nhiều nghị lực và rất giỏi môn võ Không Thủ Ðạo. Anh được tuyển chọn là sĩ quan tùy viên kiêm cận vệ của Tướng Vỹ.

Con đường Tướng Vỹ chọn lựa ngày hôm nay đã có Hoàng Diệu, Nguyễn Tri Phương, Nguyễn Lãm và nhiều vị anh hùng khác lựa chọn ngày trước. Ông đã xin nối gót. Ông không đi đơn độc một mình, vì vào giờ này, khắp nơi trên đất nước, đồng đội của ông, nhiều người cũng đang đi trên con đường như Phạm Văn Phú, Trần Văn Hai, Lê Văn Hưng, Nguyễn Khoa Nam, Hồ Ngọc Cẩn, v.v...

Ðược biết ngày nay, đồng bào và chiến sĩ trong nước đã suy tôn ông là Anh Hùng Dân Tộc. Và trong hàng ngũ của những người đang đấu tranh lật đổ bạo quyền ở trong nước, có đơn vị đã mang tên ông: Chiến Ðoàn Lê Nguyên Vỹ.


Thanh Sơn

(Trích dặc san KBC)




















































































Free Web Hosting