Hồi Ký:

Những Kỷ Niệm Gia Ðình Với Tướng Nguyễn Khoa Nam

Nguyễn Thái Dương


Rời quê hương đã 25 năm mà hình ảnh cậu tôi thỉnh thoảng vẩn hiện về trong giấc ngủ chập chờn. Những ký ức về cậu tôi như là một bức tranh chấm phá. Cậu như là một thế giới riêng đối với tất cả mọi người.

Còn nhớ lúc tôi khoảng 6,7 tuổi, gia đình ông ngoại chúng tôi ở bến đò Chợ Dinh. Nhà trên dành cho ông ngoại còn tất cả ở những căn nhà dưới. Gần đó là chùa Bà La của dòng họ Nguyễn Khoa. Là cháu ngoại đầu tiên, được ông ngoại cưng nhất. Thỉnh thoảng ông bảo mẹ tôi đưa lên nhà trên để ông cho ăn vài món dành cho ông. Cạnh nhà là một cây mộc lan rất lớn, đến mùa cả trăm cánh hoa nở ra thơm ngát cả vườn. Sau nhà là một vườn cam quít rồi đến một thửa đất rộng trồng bắp, sắn, rau cải tùy mùa. Cạnh sông là một nhà chòi cao mà trong những trưa hè nóng nực, mấy cậu cháu chúng tôi thường leo lên ngủ trưa để hưởng gió mát từ sông thổi vào.

Một kỷ niệm vui mà tôi không bao giờ quên được là vào một dịp Tết, tất cả chúng tôi ăn mặc quần áo chỉnh tề lên chúc Tết ông ngoại để được lì xì. Sau đó cậu dẩn tôi, cậu Phước, cậu Lộc và dì Diệu Yến ra vườn để xem cậu đốt pháo mừng xuân. Cậu Lộc và dì Diệu Yến tuy vai vế lớn hơn nhưng cũng xấp xỉ tuổi tôi. Ra sau vườn đã thấy mấy cây pháo để trên một cái lon khá lớn. Chúng tôi xúm xung quanh để xem cậu đốt. Pháo vừa nổ là cả một mùi hôi thối bốc lên, quần áo chúng tôi lấm đầy đồ dơ. Thì ra cậu đã để cái lon trên một đống phân. Báo hại chúng tôi phải tấm rửa thay quần áo khác để đón xuân. Bị ông ngoại la, cậu cười khoái chí. Cậu thường xưng cậu và em với ông ngoại tôi.

Vào khoảng năm 51, chúng tôi dọn lên nhà số 64 đường Gia Hội, sau này đổi tên là đường Chi Lăng, ngay lối đi vào đường Trung Bộ. Cậu lúc này đã đi làm việc trong thành nội. Cậu giống như một ông công tử đất Thần Kinh, luôn luôn mặc đồ bộ màu trắng và đặt cơm từ nhà hàng Morin. Cũng giống như ông ngoại, thỉnh thoảng cậu gọi tôi vào cho thưởng thức vài món ăn Tây. Trong vòng gia đình, ngoài cậu còn có anh Hiệp và anh Cẩm. Anh Hiệp là con bác Kinh, người anh kết nghỉa với ông già tôi. Anh Cẩm là chồng chị Yến, con của cậu Sỉ. Anh Hiệp đi Thiết Giáp, anh Cẩm chọn Pháo Binh. Sau này, cả ba đều trở thành những tướng lảnh của QLVNCH.

Mãn khóa 3 Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Ðức, cậu tình nguyện gia nhập binh chủng Nhảy Dù. Vài người trong gia đình nói rằng đúng ra cậu là một nghệ sỉ hơn là quân nhân. Cậu có khiếu về hội họa, vẻ truyền thần và phong cảnh rất xuất sắc. Cậu cũng có khiếu về âm nhạc và giỏi về ngoại ngử, cả Anh và Pháp. Nghe nói cậu có yêu một người đẹp nhưng về sau người này đi Pháp lấy chồng bác sỉ, từ đó cậu không lập gia đình với ai cả. Trong tranh vẻ của cậu có phảng phất hình bóng của cô này. Có lẻ đây cũng là một vài huyền thoại trong cuộc đời của cậu.

Trong khoảng thời gian cuối 1953 cho đến ngày chia đôi đất nước, cậu chỉ huy một đơn vị nhảy dù tham dự các cuộc hành quân ở Bắc Việt và trở về Nam sau hiệp định Genẽve.

Năm 62, sau khi tốt nghiệp trường Sỉ Quan Hải Quân Nha Trang, lên thăm cậu tại Sài Gòn, cậu nói: "Ðúng ra ngành Bác Sỉ thích hợp với mi hơn, để cậu nói với ông Quyền xem ông có thể giúp mi đi học Quân Y được không?" Cậu thường dùng chử "mi" của người Huế khi gọi tôi. Cậu là bạn học của HQ Ðại Tá Hồ Tấn Quyền lúc đó là Tư Lệnh Hải Quân. Tôi cũng chẳng để ý đến chuyện này cho lắm. Sau đó Ðại Tá Quyền là người đầu tiên bị đàn em sát hại trong cuộc đảo chánh Tổng Thống Ngô Ðình Diệm vào cuối năm 63.

Cậu ở trong cấp bậc Ðại Úy khá lâu. Vài người nói rằng là Sĩ Quan Nhảy Dù mà cậu rất ít nói, cũng không ăn nhậu với bạn đồng ngũ nên đôi khi bị hiểu lầm từ cấp chỉ huy cũng như bạn bè.

Ðến năm 66, hai cậu cháu có cơ hội gặp nhau ở Ðà Nẵng lúc cậu chỉ huy Tiểu Ðoàn 5 Nhảy Dù đang hành quân tại Quảng Ngãi.

Sau trận chiến thắng lẫy lừng của Lử Ðoàn 3 Nhảy Dù tại đồi Ngọc Văn, Kontum mà các anh em nhảy dù nói đùa là đồi Ngóc Văng, cậu được Tổng Thống Thiệu cho lựa chọn một trong 3 chức vụ: Tư Lệnh Sư Ðoàn 1 Bộ Binh, Tư Lệnh Cảnh Sát Quốc Gia hay Tư Lệnh Sư Ðoàn 7 Bộ Binh. Cậu nói rằng Sư Ðoàn 1 của Thiếu Tướng Trưởng quá xuất sắc, không thể làm hơn đưọc, vả lại ở Huế nhiều bà con quá còn ngành Cảnh Sát thì không thích hợp với mình. Với Sư Ðoàn 7 mình có nhiều cơ hội hơn. Cậu đảm nhiệm chức vụ Tư Lệnh Sư Ðoàn 7 Bộ Binh kể từ 1969.

Hai vợ chồng tôi có xuống thăm cậu ở Ðồng Tâm vào đầu năm 70, cậu bảo ra ngoài dinh Tư Lệnh tại Mỷ Tho mà ở. Ông Thượng Sĩ quản gia mừng rỡ khi có khách: "Ông Tướng ít khi tiếp bà con, thỉnh thoảng mới ra Mỹ Tho một lần".

Cuối năm 1971, tôi được thuyên chuyển về chỉ huy Liên Ðoàn Ðặc Nhiệm Hải Quân trong nhiệm vụ yểm trợ cho hai Trung Ðoàn 11, 12 Bộ Binh hoạt động trong khu vực Mỹ Tho và Kiến Hoà sau hơn một năm chỉ huy Liên Ðoàn 3 Thủy Bộ yểm trợ cho Trung Ðoàn 32 thuộc Sư Ðoàn 21 Bộ Binh trong chiến dịch U Minh. Cậu do dự khá lâu vì không muốn tôi ở gần cậu. Thỉnh thoảng, cậu gọi tôi qua phòng hành quân Sư Ðoàn vào buổi tối. Hai cậu cháu có dịp nói chuyện gia đình cũng như những lời chỉ bảo. Cậu thuờng dặn dò: "Mi còn trẻ, ở đơn vị chiến đấu nhiều, tương lai tốt, đừng để dính vào những chuyện rắc rối".

Một câu nói mà tôi vẩn còn nhớ mãi đến ngày hôm nay. Khi nói chuyện về tham nhũng, cậu trầm ngâm nói: "Trong hoàn cảnh chiến tranh của đất nước, mình không tham nhũng không có nghĩa là đàn em mình không tham nhũng, nhưng họ chỉ làm ăn vừa đủ sống. Nếu mình tham nhũng thì họ phải ăn gấp ba: một cho họ, một cho mình, một cho xếp mình. Bổn phận của cấp chỉ huy là phải giữ mình trong sạch". Tôi nhớ lại thời gian còn hành quân ở Cà Mâu, trong một lần mời Phó Ðề Ðốc Hoàng Cơ Minh và Ðại Tá Thiều dùng cơm ở Bộ Chỉ Huy Liên Ðoàn, hai ông thầy tranh luận về vấn đề tham nhủng. Phó Ðề Ðốc Minh cho rằng miền Nam không thắng được Cộng Sản là vì tham nhủng. Ông chỉ cần độ mười ngàn người trong sạch cùng lý tưởng là có thể đánh bức được Cộng Sản. Ðại tá Thiều cưòi trả lời nhẹ nhàng: "Bạn nói đúng trên lý thuyết. Trong thời chiến tranh, chỉ sống nhờ ngoại viện, một người lính hay cảnh sát lưong chỉ đủ sống mươi ngày. Nếu không kiếm chác thêm để nuôi vợ con thì họ đói hết chẳng còn ai để đánh Cộng Sản". Tôi chỉ biết ngồi cười không góp ý kiến. Cả hai ông thầy đều đúng trong một vài khía cạnh nào đó.

Thỉnh thoảng nhận được trợ cấp từ Phủ Tổng Thống, cậu chia hết cho các Trung Ðoàn. Trong những lần hành quân phối hợp, vài vị Trung Ðoàn Trưởng nói đùa rằng tiền ông Tưóng cho ít quá, không biết thế nào chia cho đàn em.

Cậu ở trong một trailer đơn giản do Quân Lực Mỹ để lại và hầu như ăn chay trường. Hàng tháng cậu đều gởi tiền về cho mẹ tôi. Thỉnh thoảng bà già vợ xuống Ðồng Tâm thăm chúng tôi, bà thường nấu đồ chay mời cậu. Cậu thường nói: "Mình ăn chay để đở chết lính".

Cũng trong thời gian này, có dự tính giới thiệu một người bà con của bà Tổng Thống cho cậu. Tôi hỏi cậu chuyện này. Cậu cười: "Làm bà con với Tổng Thống thì khó làm việc lắm".

Có vài điều mà khi còn ở Việt Nam, tôi không muốn chia xẻ với cấp chỉ huy. Mỗi lần có đoàn công voa Cửa Tiểu - Nam Vang là có lệnh điều động từ phòng hành quân Sư Ðoàn qua Kiến Hòa phối hợp với Trung Ðoàn 12, bỏ trống sông Tiền Giang cho dến khi đoàn công voa đi qua khỏi khu vực hoạt động của Sư Ðoàn. Cậu chỉ nói thoáng qua về những hoạt động tình báo chiến lược có từ thời Tổng Thống Ngô Ðình Diệm với sự phối hợp của Trung Hoa Quốc Dân Ðảng ở Ðài Loan. Những hoạt động này đòi hỏi ngân sách riêng không thể phổ biến đưọc.

Ðây là khoảng thời gian thoả mái nhất trong đời binh nghiệp. Sự liên hệ với cậu đã giúp tôi vượt qua rất nhiều khó khăn, giữ được sự trong sạch của mình mà không đụng chạm đến chuyện người khác. Tuy nhiên, đến cuối năm 72, một sỉ quan đàn em có gốc gác ở Mỷ Tho gặp tôi ngỏ ý hoán chuyển về Liên Ðoàn Ðặc Nhiệm tại Bến Lức. Thấy mình ở chức vụ cũng khá lâu, tôi nói cho cậu biết ý định của mình. Cậu chỉ mỉm cưòi không nói năng gì hết. Tôi về Hạm Ðội thay vì Liên Ðoàn Ðặc Nhiệm tại Bến Lức do trục trặc kỷ thuật tại Bộ Tư Lệnh Hải Quân. Rời Mỷ Tho được mấy tháng là xảy ra vụ còi hụ Long An mà báo chí thời đó có cơ hội tấn công chính quyền về vấn đề tham nhũng và buôn lậu. Vài anh em trong Hải Quân nói đùa rằng tôi đẻ bọc điều, vụ gì cũng tai qua nạn khỏi nhưng họ không biết rằng những chịu đựng mà tôi phải vượt qua vì đưòng binh nghiệp của mình. Vài lần nói chuyện phiếm với anh em: "Trong thời tao loạn, khôn cũng chết, dại cũng chết, biết nhiều khi cũng ngất ngư".

Về Hạm Ðội được gần một năm thì lại được biệt phái ra Ðà Nẵng cùng với HQ Ðại Tá Hà Văn Ngạc vì tình hình sôi động tại Hoàng Sa. Sau khi Hoàng Sa bị Trung Cộng cưỡng chiếm, tôi được chuyển qua làm Chỉ Huy Trưởng Hải Ðội I Duyên Phòng. Có vài nguồn tin nói rằng Hải Ðội sẽ là đơn vị đầu tiên đưọc trang bị các PTF nhưng sau đó mọi chuyện im luôn. Cậu vẫn tiếp tục dặn dò: "Mi ráng cẩn thận, Ðà Nẳng không khác gì Vũng Tàu, Mỷ Tho đâu". Vụ buôn lậu Mỹ Khê xảy ra sau đó, lại một lần lao đao.

Cuối năm 74, được tin cậu đuợc bổ nhiệm giữ chức Tư Lệnh Quân Ðoàn IV kiêm Vùng 4 Chiến Thuật trong khi ở Vùng 1 những biến chuyển dồn dập báo hiệu ngày tàn của cuộc chiến càng ngày càng đến gần. Tôi qua năn nỉ riêng Ðại Tá Thiều cho sửa tất cả các chiến đĩnh của Hải Ðội.

Ðà Nẵng hỗn loạn trong trong những ngày cuối tháng 3 và sau cơn mưa pháo vào Tiên Sa đêm 29, Quân Ðoàn I cũng như Vùng I Duyên Hải xem như tan hàng. Trong những ngày cuối cùng ở Vũng Tàu sau khi di tản từ Ðà Nẵng và Cam Ranh, với tâm lý hoang mang và chán nản đến cùng cực, tôi cố gắng liên lạc lần cuối với cậu xem cậu có đồng ý để tôi về Cần Thơ không. Cậu chỉ cho một Sỉ Quan nhắn tôi cứ ở Vũng Tàu. Có lẻ cậu đã nhìn đưọc ngày tàn của cuộc chiến và những điều bất hạnh sẽ dáng lên đầu quân dân miền Nam.

Qua Hoa Kỳ đang ở trại tỵ nạn thì những ngưòi qua sau cho biết cậu đã tự sát để khỏi đầu hàng địch quân. Cậu cũng như vài Tướng Lảnh khác của miền Nam đã chọn cái chết để giữ tròn khí tiết của người tướng không còn giử được thành. Dù rằng với một Quân Ðoàn IV đang còn nguyên vẹn, cậu đã không ra lệnh tử chiến để cứu sanh mạng của hàng trăm ngàn quân dân vô tội.

Trong thời gian về Việt Nam làm việc cho một dự án tài trợ ngắn hạn, tôi thường lên chùa Già Lam ở Gò Vấp thắp vài nén hương trước bàn thờ thân phụ tôi và cậu. Nhìn nét mặt nghiêm trang của cậu trong bộ quân phục Nhảy Dù, những kỷ niệm gia đình lại hiện về trong tâm tưởng. Cậu vẫn sống mải trong lòng quê hương và dân tộc.


Nguyễn Thái Dương
30/4/2000





















































































Free Web Hosting