Màn Cuối Đời Chiến Binh:

TRẬN PHAN RANG (Tháng 4 năm 1975)

Thiếu Tá Nhảy Dù Trương Dưỡng


Màn cuối Đời Chiến Binh
Cảnh đồ thán sanh linh
Quân dân gườm tay súng
Thề giữ nước hết mình!

Bắt đầu tháng 3/75 trở đi, chiến cuộc ở Miền Nam VN trở nên rất khốc liệt! Cộng quân dốc toàn lực lượng để chiếm đoạt Miền Nam. Các tỉnh phía Bắc và phía Tây Cao Nguyên đã lần lượt mất vào tay CSBV.

Thực sự cuộc chiến Việt Nam từ sau hiệp định Genève 1954 không phải là cuộc chiến giữa Nam và Bắc thuần túy của dân tộc VN. Đây chính là bãi chiến trường giữa hai thế lực Tư Bản và Cộng Sản. Quân Lực VNCH đã được Mỹ trang bị và huấn luyện có thể nói là một quân đội có tầm vóc quốc tế. Rồi chính Mỹ đã “Xóa sổ” QLVNCH trong năm 1975! Chứ không phải CSBV! Đây là thân phận của một dân tộc nhược tiểu nghèo nàn, đành phải cam chịu sự tủi hờn, buông súng một cách nhục nhã!!! Một trò chơi của thế giới Tư Bản!

Sự thành công, sự thất bại của cuộc chiến đấu giữa hai miền Nam, Bắc, những người VN, phe theo Cộng Sản, phe theo Tư Bản chắc đã hiểu cuộc chiến hơn thua như thế nào? Và thế giới chắc cũng đã hiểu lý do tại sao? Phe thắng và phe bại cho đến nay đều ngỡ ngàng nỗi lòng Dân Tộc! Tuy nhiên đến nay một số người trong phe thắng cũng như phe bại vẫn còn trong tăm tối! Chưa chịu hiểu triết lý sinh tồn của loài người trong vũ trụ.

Giờ nầy sau hàng chục năm từ mốc 1975, một số người vẫn còn chưa nhìn lại con đường dân tộc, vẫn còn sân si, u mê, và chia rẽ (chia rẽ dân tộc là chiến lược lâu nay của Trung Cộng để cai trị VN một cách tinh vi). Dân tộc VN chưa đi đến một tương lai sáng tỏ do vì không đi theo đạo lý của Tổ Tiên cũng như các tôn giáo khác để áp dụng cho đời. Nước Mỹ tiến đến siêu cường vì họ đã dựa trên các nguyên tắc giáo lý xây dựng và quản trị trong Kinh Thánh. Chính Tổng thống Hoa Kỳ khi nhậm chức đã đặt tay thề trước Kinh Thánh.

Dựa vào lý lẽ trên, cuộc chiến cuối cùng của tháng Tư năm 75 đến hồi kết thúc, với vô số cán binh Cộng sản sinh Bắc tử Nam khi xâm chiếm miền Nam, đã nói lên một ý nghĩa bất chấp mọi thủ đoạn, mọi sinh mạng để đoạt nên thế lực và thỏa mãn tham vọng của đám cầm quyền Hà Nội!!! Chính bọn Trung ương đảng Hà Nội đã bắt chước chính sách chia rẽ nên tung người và tiền bạc ra hải ngoại để các phe phái cắn xé lẫn nhau, còn Bộ Chính trị đảng Cộng sản ở trong nước thì ngồi cười một cách hả hê! Ngư ông đắc lợi!

Trong thời điểm dầu sôi lửa bỏng đó, Thiếu tá Nguyễn văn Thành, Tiểu đoàn trưởng TĐ11ND, nhận lệnh hành quân vùng Phan Rang.

Huế đã mất trong tay CSBV vào 24/3/75. Sau khi bàn giao cho TQLC đèo Hải Vân, TĐ11ND trở về Sàigòn để nhận nhiệm vụ mới. Đà Nẳng cũng bị Cộng quân thôn tính. Miền Nam hồi đó như con mồi trước miệng con trăn khổng lồ là Trung cộng và Liên sô, bị nuốt dần dần vào bao tử chúng. Chính đảng Cộng sản VN đã trói buộc quê hương VN để đút vào miệng con trăn Trung cộng, Liên sô nầy!

Dân chúng miền Trung cơ hàn vẫn ngàn đời khổ lụy. Họ giờ đây đang chịu một sự tang tóc, chia ly, và hãi hùng chết chóc!... Thật là xót xa khi sự hy sinh của các chiến sĩ lúc bấy giờ trở thành vô nghĩa. Vì họ chiến đấu dưới một cuộc trao đổi có tính toán về kinh tế giữa Mỹ và quan thầy Trung cộng mà đã mang nhiều lợi lộc cho họ. Duy chỉ dân tộc Việt Nam phải gánh chịu đau thương, khốn khổ, tù đày, lưu vong,...!

Ngày 20/3/1975, Lữ đoàn 2 Nhảy dù được lệnh cấp tốc rời khỏi vùng Bắc đèo Hải Vân (lúc đó BCH/LĐ2ND đóng tại đèo Phước Tường), bàn giao vùng nầy cho Thủy quân Lục chiến. Toàn bộ Lữ đoàn phải có mặt tại phi trường Đà Nẳng trước 5 giờ sáng ngày 21/3/1975 để được không vận vô Sàigòn.

Về hậu cứ Lữ đoàn tại căn cứ Nguyễn Huệ ở Biên Hòa, và được lệnh Tổng Tham Mưu ứng trực 100% quân số (thời gian nầy vừa nghỉ dưỡng quân, vừa tái trang bị, và vừa để ứng chiến từ 21/3/1975 đến 7/4/1975).

Ngày 7/4/1975, Lữ đoàn 2 Nhảy dù gồm: TĐ3ND, TĐ7ND, và TĐ11ND, cùng Đại đội 2 Trinh sát,...đang ứng trực thì được lệnh khẩn cấp phải lên đường ra Phan Rang nội trong ngày bằng phi cơ C130 và C119.

Là Quê hương của Tổng thống Nguyễn văn Thiệu, Phan Rang lúc đó được xem như tuyến đầu phía Bắc của miền Nam. T/T Thiệu, trăm mối nghìn lo, lòng phiền não, vấn vương đủ điều! Phan Rang là quê cha đất tổ của ông, và cũng là tuyến đầu lúc nầy, không thể bỏ rơi; ông cũng không muốn để mình bị bơ vơ, bất ổn tại Sàigòn khi vắng bóng chiến sĩ Dù. Lực lượng Dù là điểm tựa vững chắc. Trong giai đoạn chiến tranh, sự phòng vệ Tổng Thống Phủ và Thủ Đô Sàigòn, chẳng bao giờ thiếu bóng những người lính Nhảy Dù. Nơi nào Nhảy Dù đến là đem lại sinh khí và niềm tin tới đó; Vì Phan Rang là nơi chôn nhau cắt rún của Tổng Thống, nên ông đành phải bóp bụng đưa ra một lữ đoàn Dù đến để trấn an dân chúng.

Từ trên phi cơ nhìn xuống thấy làn nước mênh mông biển cả chìm đắm trong đêm tối với những con tàu đang chạy loạn từ miền Trung vào; người chiến sĩ Nhảy Dù lúc ấy lòng quặn đau trăm chiều, thương cho người dân thống khổ, lo cho gia đình không biết có yên ổn không? Nhất là những chiến sĩ có gia đình ở vùng di tản, không biết giờ nầy thân nhân họ có rút được vào Nam chưa? Trăm mối nghìn lo, nhưng họ cũng đành dứt bỏ một bên để thi hành nhiệm vụ cao quí là bảo vệ dân và giữ gìn từng tất đất cho quê hương, cho tự do. Một điều hãnh diện của toàn thể lực lượng Nhảy Dù trong những giây phút sắp tàn của cuộc chiến. Họ vẫn không từ bỏ đơn vị, đã chiến đấu tới phút cuối cùng. Còn sống còn chiến đấu để bảo vệ từng giọt máu, từng hơi thở của nhân dân miền Nam!

Khoảng 2 giờ khuya ngày 8/4/75 thì hoàn tất việc chuyển vận. Tới Phan Rang chiều ngày 7/4/75 trên chiếc phi cơ đầu tiên, đại tá Nguyễn thu Lương, Lữ đoàn trưởng LĐ2ND, đến ngay Bộ Tư lệnh Tiền phương Quân đoàn 3 (do Trung tướng Nguyễn vĩnh Nghi làm Tư Lệnh) để gặp Tướng Lưỡng, Tư Lệnh SĐND; và nhận được lệnh như sau :

a). Thay thế LĐ3ND để bảo vệ phi trường Phan Rang; sẵn sàng yểm trợ cho các đơn vị Lữ đoàn 3 Nhảy dù đang chạm địch mạnh trong rừng tại khu vực Khánh Dương và Đèo Cả (thuộc tỉnh Khánh Hòa) gồm TĐ2ND và TĐ6ND; bốc họ bằng trực thăng đưa đến phi trường Phan Rang, rồi không tải về Sàigòn dưỡng quân và tái bổ sung.

b). Đặt thuộc quyền sử dụng của Quân đoàn 3 để tăng cường lực lượng và tìm kiếm các quân nhân LĐ3ND thất lạc trong rừng Khánh Dương.

c). TĐ5ND vẫn ở lại tăng cường cho Lữ đoàn 2 phòng thủ phi trường Phan Rang trong 5 ngày rồi cũng được không tải về hậu cứ ở Biên Hòa.

d). Trung tá Trần đăng Khôi, K16ĐL, Lữ đoàn phó LĐ3ND, phải ở lại để tiếp tục tìm kiếm và đón các binh sĩ còn lưu lạc trong rừng để đưa họ về Hậu Cứ.

Theo thuyết trình của các sĩ quan tham mưu Phòng 2 và Phòng 3 Quân đoàn III thì tình hình đang nguy ngập tại tỉnh lỵ Phan Rang và các vùng phụ cận. Địch đang ở tại xã Ba Tháp và Ba Râu ngay trên quốc lộ I, cách ranh tỉnh có 3 cây số.

Dân chúng ào ạt tản cư về hướng tỉnh Phan Thiết, phố xá và chợ búa vắng tanh. Các công chức tỉnh đa số đã di tản; ngay cả đại tá Tỉnh trưởng cũng rút về Phan Thiết. Sau đó ông trở lại để cùng các công chức điều hành công việc chánh quyền tỉnh; đồng thời tập họp thu gọn lại các lực lượng Nghĩa Quân, Địa Phương Quân.

Các lực lượng địa phương ở giáo xứ Hồ Diêm gần bờ biển (phía Đông xã Ba Tháp) vẫn giữ trị an và bảo vệ được xứ đạo dù áp lực địch rất nặng.

Đại tá Lương là một sĩ quan Nhảy dù kỳ cựu, anh tốt nghiệp khóa 4 Thủ Đức (cùng khóa với tướng Ngô quang Trưởng, tướng Lê quang Lưỡng), Anh làm trung đội trưởng, đại đội trưởng ở Tiểu đoàn 3; rồi tiểu đoàn phó, tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 1 Nhảy dù. Anh đã lập nhiều chiến công hiển hách và đã tham dự trên 8 saut nhảy dù trận.

Ở Hạ Lào mặc dù làm Tham Mưu Phó kiêm Trưởng Phòng Hành quân SĐND, nhưng anh thường xuyên bay thị sát mặt trận, nơi mà các phi công đều ớn khi phải bay vào vùng; vì phòng không địch đầy dẫy khắp nơi, có lần máy bay anh bị bắn phải đáp khẩn cấp xuống đồi 31 và phải ở lại với BCH Lữ đoàn 3 Nhảy dù của Đại tá Thọ mấy ngày, cùng với Chuẩn Tướng Hồ trung Hậu, Tư lệnh phó SĐND.

Chính anh đã bốc được Trung tá Phạm hy Mai, LĐP/LĐ3ND, và Trung tá Phát, TĐT/TĐ3ND, khi đồi 31 bị thất thủ; sau khi đồi 30 bỏ ngõ, anh đã vào bốc trung tá Thạch và nhóm thất lạc 7 người của Hạ sĩ Hứa thuộc TĐ2ND tại 5 cây số phía Tây Nam căn cứ hỏa lực 30, trong trường hợp thật gay cấn và nguy hiểm như sau:

Năm 1971, khi đang bay thị sát cuộc di tản của TĐ2ND, hiệu thính viên của Trung tá Lương (lúc đó còn là Trung tá) bắt được tín hiệu cầu cứu:

- Em là Hạ Sĩ Hứa thuộc TĐ2ND, tụi em còn 6 người với em là 7; tụi em đang ở lưng chừng đồi, em còn súng, hai quả khói, và gương soi; xin đơn vị nào của SĐND nhận được lời cầu cứu nầy đến ngay cứu chúng em!!!

Tiếng kêu cứ lập đi lập lại nhiều lần!

Trung tá Nguyễn Thu Lương suy nghĩ mình làm Tham Mưu Phó Hành Quân SĐND, nếu liều mạng đáp xuống rủi ro trúng vào gian kế địch thì có đáng không? Nhưng anh đã từng nhiều năm chỉ huy đơn vị tác chiến, hằng ngày sát cánh với binh sĩ nên rất thương thuộc cấp. Do đó anh quyết định bàn với Trung tá Peachy, chỉ huy phi cơ C&C, bay vào vùng để tìm cách bốc những người nầy về. Khi bay gần căn cứ 30, anh nghe được tiếng của Hứa; Trung tá Lương nói viên cố vấn phi hành đoàn Mỹ bảo phi công thử bay vòng trở lại coi có phải cầu cứu thật hay địch bắt buộc tù binh dụ máy bay xuống?

Trung tá Lương nói với Hứa:

- Anh nhìn về đồi 30 coi mặt trời hiện đang ở bên trái hay bên phải ?

- Dạ bên trái.

Sau khi định hướng, Trung tá Lương tự nói thầm: “Như vậy họ đang ở hướng Tây Nam của đồi 30”.

- Các anh khoan thả khói, chưa nhận vị trí mà hết khói thì không xuống được.

- Em còn một trái khói màu xanh và một trái màu tím!

- Tôi sẽ bay thấp và thẳng khi nào thấy máy bay đúng hướng thì chiếu gương ngay.

Trực thăng bay qua lại mấy lần, và Hứa bên dưới điều chỉnh:

- Không! Bên trái em.

Trở lại vòng thứ nhì thì nghe Hứa nói:

- Không! Bên phải em.

Lần thứ 3 thì nghe tiếng la mừng rỡ của Hứa:

- Dạ đúng! Đúng! Đang bay thẳng vào mặt tụi em!

Hứa chiếu gương và nói :

- Em đang ở dưới bụng máy bay!

Trung tá Lương nhìn dưới sườn đồi thấy 5, 6 người mình trần tay cầm áo đang phất qua phất lại, anh bảo:

- Thả trái khói xanh!

Hứa làm theo, phi công trực thăng thấy khói, bay là là sát ngọn cây để nhìn kỹ coi có gì khả nghi không? Rồi Trung tá Lương bảo sẵn sàng chờ trực thăng tới gần thì thả khói tím và phải phóng nhanh lên khi máy bay đáp xuống. Sau khi bốc lên, anh lấy bi đông nước cho họ uống giải khát; Trung tá Peachy vừa đưa bao thuốc thơm vừa đưa ngón tay cái lên ngụ ý khen ngợi toán binh sĩ Dù biết cách thoát hiểm mưu sinh! Còn 7 chiến sĩ TĐ2ND thì mừng rỡ và gật đầu cám ơn mọi người trên máy bay đã không sợ nguy hiểm dám liều lĩnh đáp xuống vùng sôi động để cứu 7 người!

Lúc vừa đến Phan Rang, Đại tá Lương đã xin Trung tướng Nguyễn vĩnh Nghi, Tư lệnh Tiền phương Quân đoàn III (đang đóng trong trung tâm hành quân của Sư đoàn 6 Không Quân) cấp cho trực thăng để bay quan sát 1 vòng trước khi trình bày kế hoạch. Sau khi bay quan sát về, anh xin cung cấp phương tiện chở quân bung ra giải tỏa áp lực địch để bảo vệ an ninh cho tỉnh lỵ.

Sáng ngày 8/4/1975, các đơn vị Dù được điều động như sau:

- TĐ5ND tiếp tục bảo vệ phi trường, đồng thời làm thành phần trừ bị.
- Đại đội 2 Trinh sát tiến ra phía Tây phi trường chiếm lại đồn do Đại Hàn thiết lập trước đây (theo tin ghi nhận hiện có 1 trung đội địch đang chiếm giữ đồn nầy).
- TĐ3ND có nhiệm vụ giải tỏa vùng xã Ba Tháp và sẽ giao tiếp với TĐ11ND tại xã Ba Râu.
- TĐ11ND đổ bộ bằng trực thăng xuống phía Bắc xã Ba Râu vào chiếm lại quận Du Long và các cao điểm 2 bên QL I.
- TĐ7ND bung ra chiếm các cao điểm chiến thuật phía Bắc Phi Trường.
- TĐ1 Pháo binh Nhảy dù yểm trợ trực tiếp và ưu tiên hỏa lực cho TĐ3ND.

Trưa ngày hôm sau (9/4/75), các Tiểu đoàn đã hoàn thành nhiệm vụ một cách xuất sắc; Đại đội 2 Trinh sát của Trung úy Sang (thay thế Đại úy Trương văn Út bị đau chân) cũng đã chiếm lại đồn Đại Hàn. Địch bị đuổi chạy về rừng dừa Cao Lâm ở phía Bắc.

TĐ3ND của Thiếu tá TĐT Lã quí Trang và Thiếu tá TĐP Trương văn Vân tịch thu được nhiều súng đủ loại và chỉ bị tổn thất nhẹ.

TĐ11ND tái chiếm nhanh chóng các cao điểm 2 bên quốc lộ I và quận lỵ Du Long. Đặc biệt bắt sống được đoàn xe Molotova gồm 7 chiếc chất đầy tiếp phẩm của địch, sở dĩ đoàn xe tiếp tế địch cứ chạy phom phom trên quốc lộ I tiến vào tỉnh lỵ Phan Rang, vì chỉ huy của họ cho biết đã chiếm được Phan Rang rồi (theo lời tù binh kể lại, họ thuộc đoàn Hậu cần 75).

TĐ11ND nhận lãnh nhiệm vụ phòng thủ phía Bắc ở ngoài vòng đai phi trường Phan Rang. Lúc ấy đêm tối đen như mực, tình hình địch với ta như hình ma và người kề cận. Các chiến sĩ TĐ11ND, sau một ngày không tải với khí trời oi bức, đã di chuyển thận trọng tiến vào những điểm bố trí quân như đã ấn định và yên vị nơi tuyến phòng thủ.

Người chiến sĩ Dù luôn luôn chấp nhận mọi tình huống. Đằng trước xa xa trong màn sương long lanh bởi những bóng đèn của thành phố Cam Ranh, của những chiếc tàu ngang dọc trên biển cả. Tiếng sóng vỗ, tiếng gió rít, gợi cho những chàng sĩ quan Dù trẻ tuổi như Thiếu tá TĐT Thành, Thiếu tá TĐP Giới, cùng các sĩ quan đại đội trưởng Mỹ, Loan, Phi, Long (biệt hiệu là “Khủng Long”),...và BS tiểu đoàn Tiến, đang trấn thủ tiền đồn; họ nhớ lại những đêm vui chơi ở các vũ trường Sàigòn, dưới ánh đèn màu.

Hôm nay đủ loại ánh sáng mờ ảo hòa lẫn những tia sáng của các vì sao, những chiến sĩ Dù như Hạ sĩ Toàn, Binh nhất Duy đang thổn thức cho thân phận quê hương, cho sứ mệnh hiện tại, và tương lai ngày mai sẽ ra sao? Họ sẽ tới chỗ nóng bỏng nào để đối trận, đương đầu với quân chánh qui CSBV ?

Phan Rang với những ngọn núi gai góc, một vùng lý tưởng cho việc chăn nuôi dê trừu. Đồng bằng hòa hợp với núi rừng và biển cả, đã tạo ra một bức tranh thiên nhiên tuyệt vời, một vùng đất trù phú về trồng trọt và chăn nuôi.

Nhân dân và binh sĩ địa phương đã đồn đại nhiều tin trong lúc chiến trận đang hồi quyết liệt: trên đỉnh núi sừng sững tại quê hương Tổng thống Nguyễn văn Thiệu, tượng đá hình người cầm kiếm biểu tượng đất Phan Rang đã phát sinh ra một vị lãnh tụ Quốc Gia. Hôm nay bức tượng đá thiên nhiên đó đã bất ngờ gãy đổ. Dân chúng cho rằng đây là điềm bất thường báo trước vận nước suy vong!

Bình minh rực rỡ như chào đón các chàng trai trẻ khoác áo hoa Dù vừa mới đến Phan Rang tối qua. Từng đoàn người di tản từ hướng Nha Trang, Cam Ranh,... lũ lượt bồng bế và gồng gánh một cách cực nhọc trên quốc lộ I, xuôi Nam.

TĐ11ND được lệnh đổ bộ bằng trực thăng vận lên ngọn đồi sừng sững mang tên “Núi Chúa” cạnh quốc lộ I; phía Tây nối tiếp với phi trường Phan Rang là những ngọn núi cao ngất mọc đầy những rừng cây gai.

Núi Chúa tiếp giáp rừng Dừa chạy quanh vịnh Cam Ranh, cảnh trí thiên nhiên thật trữ tình, đã có lần Đại đội trưởng Nguyễn văn Thành, Trần duy Phước,... khi dẫn binh sĩ TĐ9ND ra thụ huấn tại Trung tâm Huấn luyện Lam Sơn, Dục Mỹ, đã đến đây tắm biển cùng những em gái hậu phương duyên dáng và đầy quyến rũ!

Bộ chỉ huy TĐ11ND đóng trên ngọn đồi cao của dãy Núi Chúa; cánh quân của TĐP Giới gồm 2 đại đội trấn giữ tuyến đầu bảo vệ quận Du Long. Trên đỉnh núi cao có thể nhìn rõ những địa hình địa vật, các vị trí đóng quân của các đại đội.

Mỗi ngày, đoàn dân di tản càng tăng và họ cung cấp tin tức từ Nha Trang, Cam Ranh cho các đơn vị Nhảy Dù. Cộng quân không dám tiến mạnh trên QLI; họ vẫn dè dặt, cho thám sát quân trà trộn vào dân chúng để dò la tình hình tại Phan Rang. Nội tuyến địch đã nằm khắp mọi ngành của chế độ miền Nam. Trong phủ Tổng thống, trong Bộ Tổng tham Mưu,... các tin tức đều bị địch nắm vững. Chúng biết Nhảy Dù chỉ trấn thủ Phan Rang trong thời hạn 10 ngày, để tái lập phòng tuyến và bàn giao cho lực lượng địa phương.

Vì vậy quân CSBV không dại gì đụng độ với lực lượng Nhảy Dù để phải gánh chịu tổn thất do tài điều khiển phi pháo của sĩ quan và sự xung phong dữ tợn đầy kinh nghiệm chiến đấu của các chiến sĩ Dù. Họ đặt bộ chỉ huy tại Cam Ranh và ẩn quân bất động trong rừng dừa sát tuyến phòng thủ Nhảy Dù. Cộng quân nói với dân di tản chờ khi lực lượng Nhảy Dù rút về Sàigòn, sẽ vào tiếp thu Phan Rang.

Hà Nội đã biết được các kế hoạch phòng thủ, chuyển quân của Bộ Tham Mưu miền Nam; ngoài ra họ cũng biết Mỹ đã chạy làng bắt tay với Trung Cộng, chỉ viện trợ nhỏ giọt cho miền Nam, trong khi các đàn anh Liên Sô và Trung Cộng tranh nhau ảnh hưởng nên ban bố nhiều chi viện quân sự.

Do đó với sự dư thừa về chiến xa, đại pháo, và đạn dược, thì sự tiến quân của CSBV không có gì trở ngại so với sự thiếu hụt đạn dược, vũ khí, và trang cụ hành quân như truyền tin, xăng nhớt, và quân lương của QLVNCH. Như nước vỡ bờ, cứ thế mà tràn ngập! Vận nước đã đến hồi suy mạt, hết đỡ nổi, chỉ có trời cứu thôi!

Đêm đêm, bên dãy núi phía Tây, Các chiến sĩ Dù nhìn thấy những ánh đèn pin lập lòe của đoàn quân Cộng Sản Bắc Việt (CSBV) đang di chuyển tiến sát bao vây phi trường. Thiếu tá Thành đã gọi pháo binh bắn suốt đêm nhưng vẫn không ngăn chận nổi (hồi còn quân đội Đồng Minh, các lực lượng an ninh rải đều, phương tiện phòng thủ và quan sát của Hoa Kỳ tối tân cho nên phi trường an toàn dù ở vị trí thấp gần kề đồi núi). Vị trí phi trường Phan Rang nằm sát chân núi, là điểm phòng thủ rất bất lợi.

Đúng như lời của dân tị nạn đã nói: Cộng quân sẽ vào Phan Rang khi quân Dù rút về Sàigòn. Chúng đã dùng xe Molotova dò thám đi trên QLI một cách hiên ngang, nhưng chốt chặn của TĐ11ND đã bắn M72 cháy 2 chiếc và tịch thu 7 chiếc xe vận tải chất đầy quân trang quân dụng còn ngụy trang lá cây, cùng bắt sống nhiều tù binh.

Các ngày kế tiếp, BTL Tiền phương Quân đoàn III được tăng cường thêm SĐ2BB(-) gồm Trung đoàn 4 và Trung đoàn 5 cùng một số thiết vận xa. Tỉnh Phan Rang giờ cũng tạm ổn về quản lý hành chánh. Dân bắt đầu trở về và chợ đã họp buôn bán. Phố xá cũng rộn rịp và tấp nập tuy không bằng hồi trước nhưng không vắng tanh như thành phố chết lúc xưa!

Đại tá Liêm, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 4 được chỉ định thay Đại tá Trần văn Tự, Tỉnh Trưởng cũ.

TĐ5ND giao khu vực trách nhiệm lại cho SĐ2BB và lên phi cơ về dưỡng quân ở Hậu cứ tại Biên Hòa.

Lữ đoàn 2 Nhảy dù cũng đã hướng dẫn và dùng trực thăng bốc được toàn bộ 3 đại đội của TĐ6ND do Thiếu tá TĐP Trần tấn Hòa chỉ huy; cùng 2 đại đội thuộc TĐ2ND của Thiếu tá TĐT Trần công Hạnh, về phi trường Phan Rang. Sau đó họ được phi cơ vận tải chở về hậu cứ.

Còn một số bị thất lạc trong đó có Thiếu tá Thành “Đen”, Tiểu đoàn trưởng TĐ6ND, những binh sĩ nầy đã lần lượt đi bằng đường bộ, đường biển trở về; một số còn lại bị bắt làm tù binh.

Lữ đoàn 2 Nhảy dù được lệnh bàn giao khu vực trách nhiệm cho SĐ2BB để tiến lên chiếm rừng dừa Cam Lâm và Cam Ranh.

Ngày 12/4/1975, Đại tá Lữ đoàn trưởng LĐ2ND lên phi cơ về Sàigòn và nhận được lệnh: Toàn bộ LĐ2ND sẽ bàn giao khu vực trách nhiệm cho Liên đoàn 33 BĐQ của Đại tá Biết và trở về hậu cứ ngay để nhận nhiệm vụ mới.

Ngày 13/4/75, Liên đoàn Biệt động quân ra thay LĐ2ND; Đại tá Lương cho rút quân theo thứ tự TĐ7ND, BCH nặng LĐ2ND, cố hoàn tất trong ngày 14/4/75. Pháo binh Dù sẽ tiếp tục ở lại thêm vài ngày để tiếp tục yểm trợ cho BĐQ. Chiều ngày hôm đó, toàn bộ TĐ7ND + BCH/LĐ2ND (phần nặng gồm xe cộ và vật liệu) sẽ được bốc về.

Cùng trong ngày, sau khi bàn giao khu vực quận Du Long cho Biệt động quân, BCH/TĐ11ND đang trên đường rút về phi trường thì Cộng quân bắt đầu khai hỏa pháo kích vào BĐQ vừa nhận vị trí, vì chúng nhận được tin TĐ7ND đã rút về Sàigòn hôm qua. Do đó Lữ đoàn trưởng và BCH nhẹ Lữ đoàn 2 Nhảy dù được lệnh ở lại và về đợt chót.

Mờ sáng ngày 14/4/75, không quân cho biết có nhiều địch ngụy trang lá cây đang chạy lúp xúp phía ngoài phi trường gần cổng số 2. Tình hình đã thay đổi, TĐ11ND và TĐ3ND phải ở lại chống trả áp lực địch. BCH/TĐ11ND cùng với 2 đại đội được lệnh rút về phòng thủ phi trường Phan Rang; cánh quân của TĐP Giới vẫn án ngữ tại quận Du Long, sẽ rút về sau.

Tướng Nguyễn vĩnh Nghi (nguyên Chỉ huy phó trường Võ Bị Đà Lạt vào năm 1962, rồi Chuẩn tướng Tư lệnh Sư đoàn 21 BB, cựu Thiếu tướng Tư lệnh Quân đoàn IV) truyền lệnh cho lực lượng Dù ra tiêu diệt địch ở ngoài phi trường.

Đại tá Lương nói:

- Trình Trung tướng, Lữ đoàn 2 ND đã hết nhiệm vụ và đang chờ đợi phi cơ chở về Sàigòn nhận nhiệm vụ mới. Hiện giờ có SĐ2BB và BĐQ và nhiệm vụ giữ phi trường là của SĐ2BB mà?...

Tướng Nghi quyết định:

- Nhảy Dù đi đánh.

Đại tá Lương đành nhận lệnh và xin tăng phái 4 chiếc Thiết vận xa hiện đang đậu ở phi trường, nhưng chỉ được tăng phái 2 chiếc thôi! Thành “Râu” được lệnh dẫn 2 đại đội của TĐ11ND lúc đó đang chờ phi cơ ở phi trường tiến ra đánh với sự yểm trợ của 2 Thiết vận xa.

Vì vùng đất phía ngoài Cổng Số 2 khá trống trải, nên thiết vận xa và trực thăng võ trang đã yểm trợ rất hữu hiệu. TĐT Thành điều chỉnh pháo binh bắn dọn đường vào các điểm nghi ngờ; vừa tới ngoài rào phi trường thì địch quân bắn xối xả.

Một chiếc M113 bị B40 bắn cháy, 2 đại đội Dù xung phong tấn công ào ạt, trực thăng yểm trợ cất cánh trong phi trường đã bắn vào cánh quân đang vây 2 đại đội Dù. Các phi tuần A37 oanh tạc vào các vị trí súng cối của chúng tại chân núi sát phi trường, Cộng quân cũng dùng các khói màu để lừa phi cơ yểm trợ.

Các chiến sĩ Dù dùng lựu đạn và lưỡi lê đánh cận chiến, với sức chiến đấu quá dũng cảm của TĐ11NDD, địch tổn thất rất nhiều, khiến địch hoảng sợ chạy rút vào rừng để lại hơn trăm xác chết và tịch thu được 80 súng đủ loại trong đó có 2 súng cối 82 ly và 75 ly không giật. Bên ta có 6 chiến sĩ bị thương và tử thương, 1 Thiết vận xa M113 bị bắn cháy.

Khi nghe báo cáo, BTL Quân đoàn đã tuyên dương các quân nhân tham dự trận chiến và sẽ tổ chức lễ gắn huy chương cho họ. Cũng trong ngày 14/4/1975, Đại tá Lương lái xe Jeep chở Tướng Nguyễn vĩnh Nghi và tướng Tư lệnh SĐ6KQ Phạm ngọc Sang đi đường bộ từ tỉnh lỵ Phan Rang trên quốc lộ I lên tới tận xã Ba Râu. Tướng Nghi còn nói chuyện với Nghĩa quân tại xã nầy.

Chiều ngày 14/4 thì có mật điện cho biết Trung tướng Trần văn Đôn, Tổng trưởng Quốc phòng và Tướng Nguyễn văn Toàn, Tư lệnh Quân đoàn III, sẽ ra thị sát mặt trận. Tướng Nghi bảo Đại tá Lương ở lại để thuyết trình và hướng dẫn phái đoàn thăm tỉnh lỵ.

Trưa ngày 15/4/75, Phái đoàn ra đến Phan Rang, sau khi nghe thuyết trình về tình hình mặt trận, ông hướng dẫn phái đoàn đi thăm tòa hành chánh tỉnh.

Lúc về lại trung tâm hành quân ở trong phi trường, Tướng Nghi, Tư lệnh Tiền phương, thuyết trình kế hoạch hành quân, Trung tướng Đôn nói: “Phải trở lại Nha Trang, vì dàn xếp về chính trị có vẻ sắp xong... Vĩ tuyến 13 từ Đèo Cả sẽ là ranh giới; Lữ đoàn 2 Nhảy dù sẽ ra Nha Trang trước”(giờ nầy mà còn tin những tên chuyên môn lừa dối gian trá CSBV, có lẽ các vị lãnh đạo đang bị dồn vào thế chẳng đặng đừng, họ giống như người sắp chết đuối và thấy “Cọng rơm” mà cũng nắm đại để làm phao!)

Đ/T Lương trả lời:

- Thưa Tổng Trưởng, với tình hình địch tăng cường càng ngày càng mạnh (lúc đó phi trường Phan Rang đã bị pháo kích thường xuyên bằng súng cối 120 ly), một mình Lữ đoàn tôi sẽ không chống đỡ nổi! Nếu có cả toàn bộ SĐND thì hy vọng làm được...Hơn nữa 1 tiểu đoàn và bộ chỉ huy nặng Lữ đoàn đã về hậu cứ từ 2 hôm trước. Ở đây tôi chỉ còn 2 tiểu đoàn hiện đang đóng rải rác từ Ba Râu xuống tới núi Cà Đú để chờ phi cơ chở về hậu cứ nghỉ dưỡng quân và bổ sung quân số.

Trung tướng Tổng trưởng cho biết khi về tới Sàigòn sẽ can thiệp Bộ TTM để đưa ra lại tiểu đoàn đã về trước. Còn kế hoạch cho Lữ đoàn 2 ra Nha Trang chưa nói lúc nầy được.

Khoảng 15 giờ chiều phái đoàn trở về Sàigòn, ngay sau đó cường độ pháo kích mỗi ngày một nhiều hơn.

Tin tức cung cấp quá sai lệch, quân chính qui Bắc Việt né tránh Nhảy Dù phòng thủ dọc quốc lộ I. Cộng quân đi trong rừng núi lén tiến sát vào phi trường, địch để bọn đặc công đi dò dẫm dọn đường cho lực lượng chánh qui. Sư đoàn F10 và Trung đoàn pháo 689 là nỗ lực chính tấn công phi trường Phan Rang.

Trên đỉnh đồi cao, Thiếu tá Thành quan sát về hướng 2 đại đội của TĐP Giới, thấy họ đang bị xe tăng và bộ binh CSBV vây hãm tấn công, đồng thời anh cũng nhận được lệnh rút TĐ11(-) và M113 vào phi trường.

Thành vừa báo cáo tình hình 2 đại đội của Giới, vừa đánh chọc thủng vòng vây rút vào phi trường theo thế chân vẹt. Vào đến bộ chỉ huy Tiền phương Quân đoàn, anh cho biết đã quan sát thấy nhiều xe tăng dàn hàng ngang chạy đầy đồng, xe Molotova địch nối đuôi trên QLI, đang tiến vào Phan Rang.

Suốt đêm đó TĐT nguyễn văn Thành nghe tiếng phi pháo, đạn đại bác xe tăng, và tiếng thở lo âu mệt mỏi của binh sĩ truyền tin theo cánh của TĐP Giới. Điều nầy chứng tỏ địch đã tới sát họ và có lẽ đang đánh cận chiến với 2 đại đội của Giới ở tại núi Cà Đú. Thành biết ý nên chỉ truyền gọn một câu:

- Cố gắng rút vào vị trí nào để tránh bị tấn công của thiết giáp địch! Sẽ theo dõi bước đi của anh; có gì cần yểm trợ báo cáo; tránh đàm thoại vô tuyến trong tình hình nầy, và nhớ bẻ qua tần số giải tỏa!

Qua kinh nghiệm, trong hoàn cảnh thập tử nhứt sanh nầy, mà cấp chỉ huy cứ lải nhải bên tai những câu hỏi vô nghĩa, sẽ làm bận bịu cho đơn vị đang chạm địch.

Tình hình tại phi trường vẫn chưa có hoạt động tấn công của địch. Cộng quân đang dùng chiến thuật bao vây chia cắt. Đêm nay theo sự quan sát tình hình của 2 đại đội TĐP Giới, thì có lẽ Cộng quân đang bắt đầu tiến mạnh tấn công vào thành phố Phan Rang từ mọi hướng: Cam Ranh, Nha Trang đổ vào; Đà Lạt, Khánh Dương đánh xuống khóa bít đường rút lui!

Nếu không có cuộc chạm súng ở ngoài vòng đai phi trường giữa TĐ11ND(-) + M113 thì có lẽ phi trường Phan Rang mất trước đó một ngày.

Hỏa lực yểm trợ trực tiếp cho chiến trường Phan Rang lúc bấy giờ từ phi trường Phan Thiết. Các phi tuần A37 đã cất cánh từ Phan Thiết oanh tạc vào các rặng núi sát cạnh phi trường, do đó hàng ngũ địch có phần nào rối loạn. Cộng quân hiểu rằng nếu tấn công ngay không có lợi; dù sao hệ thống phòng thủ kiên cố ở phi trường và lực lượng bên trong còn khá mạnh. Chúng cố tình bao vây Phan Rang càng sớm càng tốt; rồi thiết trí các hỏa lực phòng không để khống chế các phi cơ yểm trợ.

Suốt đêm 15/4 rạng sáng 16/4, địch bắt đầu điều động về Phan Rang rất nhiều; cả đêm các điểm đóng quân của chiến sĩ Dù ở ngoài phi trường báo cáo liên tục chạm địch. Trong phi trường còn 4 chiếc TVX M113 thì xăng nhớt không đủ để chạy xa, pháo binh yểm trợ gần hết đạn. Quân cụ thiếu hụt, các chiến sĩ Dù chiến đấu như mãnh hổ mà móng vuốt đã bị bẻ gãy! Thiếu đạn dược, không hỏa lực yểm trợ. BTL tiền phương Quân Đoàn suốt đêm gọi về xin tiếp tế và tăng viện...nhưng không được một đáp ứng nào!!!

Cố cầm cự suốt đêm đến sáng 16/4 thì không quân báo cáo kho bom ở phi trường bị địch chiếm. Cổng số 1 báo xe tăng địch đã chận ở ngoài; rồi cổng 2 cũng có địch,...

Đại tá Lương hỏi Tướng Nghi (lúc đó có Tướng Sang đứng cạnh): “Vậy lực lượng phòng thủ đâu rồi?”. Gọi Tướng Nhựt, Tư lệnh SĐ2BB, thì ông cho biết vẫn đang chiến đấu chống địch.

Lúc đó có chiếc C47 được trang bị máy móc để làm Bộ Chỉ Huy trên không. Tướng Nghi bảo Tướng Sang cùng sĩ quan tham mưu lên bay trên trời để tiếp vận chỉ huy. Tướng Sang trả lời: “ Trung Tướng 3 sao ở dưới đất, tại sao tôi có 1 sao lại lên trời? Tôi phải ở dưới cùng chịu chung nguy hiểm với Trung Tướng”. Khẳng khái thay lời nói của một vị tướng trong lúc tình hình thập phần bất ổn; hơn nữa Tướng Sang là Không quân chứ không phải Bộ binh!!! Đáng phục thay!

Đại tá Lương vội cho lệnh Đại đội Trinh sát 2 của Trung úy Sáng đang bảo vệ BCH đi chiếm lại kho bom.

Sáng sớm, qua một đêm mất ngủ vì tình hình địch đã tràn ngập thành phố Phan Rang, Thiếu tá Thành nhận lệnh dẫn TĐ11ND (-) tiến về cổng phía sau phi trường để làm bàn đạp hộ tống toàn bộ lực lượng BCH/Tiền phương QĐIII và BCH/LĐ2ND rút về Phan Thiết.

Bấy giờ, trong phi trường địch đã vào tràn ngập, chúng chạy khơi khơi, mình ngụy trang đầy lá cây. Trung tá Trần văn Sơn, Lữ đoàn phó LĐ2ND, đã điều động các binh sĩ đại đội công vụ cố ngăn chận không cho địch tiến vào bộ chỉ huy hành quân; nhưng anh đã hy sinh vì bị trúng nguyên một băng đạn vào bụng!!!

Trung tá Sơn, Khóa 11 Thủ Đức, là sĩ quan gan dạ đã lập nhiều chiến công ngay từ ngày còn ở Tiểu Đoàn 3 Nhảy Dù, đặc biệt trong trận tái chiếm cổ thành Quảng Trị, anh đã chỉ huy TĐ3ND đánh tan địch tại cầu Trường Phước và đã bị thương hư một mắt.

Riêng Tiểu đoàn 1 Pháo binh Dù của Trung tá Trí cũng bị thiệt mất 2 sĩ quan dũng cảm là Thiếu tá Tựu, anh và Đại úy Khiêm (PĐT/PĐA) đã bị trúng đạn pháo địch. Khiêm bị thương nơi bụng, được chuyển lên máy bay C119 chờ di tản nhưng phi trường bị pháo dữ quá máy bay không cất cánh được. Rồi máy bay bị cháy, phi trường bị tràn ngập, tội nghiệp Khiêm bị chết cháy trên máy bay cùng với một số thương binh khác.

Tựu bị nguyên một quả pháo, theo lời Trung tá Trí kể lại:

- Nó cầm bản đồ chạy đến tao, tao chỉ cho nó hướng rút. Nó vừa quay lưng thì nghe “ầm”, đạn nổ ngay chỗ nó đứng! Tao thấy tấm bản đồ bay tung lên, tao chỉ còn kịp chạy vì lúc đó tụi nó tràn vào rồi ...!!!

LĐ2ND chỉ còn Đại đội Công binh lo mở đường và cắt hàng rào để đưa 2 Tướng Nghi và Sang cùng bộ tham mưu ra khỏi phi trường và nhắm núi Cà Đú đi tới để nhập vào với 3 đại đội của TĐ11ND tại cổng sau phi trường.

Lực lượng tấn công của Sư đoàn F10 và Trung đoàn Pháo 689 bắt đầu pháo dữ dội vào phi trường rồi chúng cho bộ binh xung phong tràn ngập. Các loại phi cơ ở phi trường Phan Rang dưới sự yểm trợ cầm chân của các khu trục từ phi trường Phan Thiết, đã cất cánh để di tản bay rợp trời giống như đám chuồn chuồn trong một ngày nắng tốt sau cơn mưa bão.

Lúc đó Tướng Lê quang Lưỡng, Tư lệnh SĐND, đang bay trên trời; thấy tình hình quá sôi động, vậy mà ông cũng đòi đáp xuống để trấn an binh sĩ. Tướng Lưỡng là một vị tướng gan dạ và trầm tỉnh, đã từng sống chết với các chiến sĩ Dù trong cuộc chiến VN. Ở Hạ Lào, ông đã bị bắn rơi trực thăng trong lúc chỉ huy lực lượng Dù rút về biên giới. Giống như Tướng Ngô quang Trưởng, Ông là một vị tướng ít nói, chỉ biết hành động. Tánh tình hiền hòa, từ tốn.

Hiện ông đang sống hưu trí ở California. Sau khi về hưu vài năm, vì lúc xưa đi hành quân lâu ngày, thường xuyên uống nước không được tinh khiết khi ở trong rừng sâu, nước động.

Năm 1997 vừa qua, ông bị bệnh viêm gan loại C rất nặng, bác sĩ nói phải đợi thay gan; nhưng ông đã tự đi chữa bệnh bằng thuốc Bắc. Khoảng 2 tháng sau, khi tái khám, bác sĩ nói đã khỏi bệnh, không cần phải thay gan nữa! Vừa qua cơn bạo bệnh, ông đã đến Florida, đêm nào cũng bảo tác giả ngồi nói chuyện tới gần 1 giờ khuya. Ông phân tích tỉ mỉ tình hình chiến thuật và chiến lược các trận mà ông đã trực tiếp tham dự; nhất là trận An Lộc, chính Lữ đoàn 1 của ông là lực lượng chủ yếu. Ông bảo cố gắng nghe để ghi chép cho dân chúng và thế hệ trẻ biết về sự chiến đấu kiên cường của QLVNCH.

Thiếu tá TĐT Nguyễn văn Thành nghe Lê Lợi gọi Đại tá Lương không được (có lẽ máy móc trục trặc) anh bóc máy lên nói với ông:

- Trình Lê Lợi, còn gì để đáp xuống, phi trường đã bị tràn ngập!

Tướng Lưỡng từ trên phi cơ gọi xuống:

- Anh bảo ông Lương cố gắng cầm cự, tôi sẽ về Sàigòn tăng cường quân ra (nhưng đã quá trễ rồi! Đâu còn phương tiện chuyển vận và trang cụ như thuở nào của một Binh Chủng hào hùng nầy!).

Một chặp sau, ông liên lạc được Đại tá Lương, và vị Lữ đoàn trưởng khuyến cáo ông đừng xuống, vì phi trường đã bị địch tràn vào, quân ta đang chống trả.

BCH trong phi trường đang phá hàng rào gần cổng số 1 đi ra, tại đây TĐ11ND chờ đón. Một thân xẻ làm ba, tâm trí của TĐT Thành như nổ tung vì chiến trận tới hồi khốc liệt! Một phần phải lo bảo vệ BCH của Tướng Nghi, Tướng Sang, và LĐ2ND; một phần lo cho cánh quân TĐP Giới giờ nầy không biết ra sao?

Sự liên lạc lúc được lúc không! Địch đã tràn ngập Phan Rang và khóa hết mọi đường rút lui! Chỉ có các đơn vị Dù là vẫn giữ vững đội hình, sẵn sàng chiến đấu trong bất cứ tình huống nào; còn các đơn vị khác thì phân tán khắp nơi!

TĐT Thành bây giờ chỉ huy lực lượng bảo vệ rút lui, anh cho lệnh Đại úy “Khủng” Long dẫn Đại Đội 114 đi đầu mở đường, và đoạn hậu là Đại đội 113 của Trung úy Phạm đức Loan. Đại đội Công binh của Đại úy Đô và đại đội Trinh sát 2 ND, cầm chân không cho địch đuổi theo BTL/QĐ và BCH nhẹ LĐ2ND cùng bộ tham mưu; anh em Nghĩa quân, Không quân, Địa phương quân, và dân chúng đi theo khoảng 800 người.

Tiếng trẻ con ở phía sau la khóc vang trời !!! Vì không quen đi bộ và chịu đựng như các binh sĩ, nên cứ đi khoảng 20 phút lại phải nghỉ xả hơi 15 phút! Tuy nhiên nhờ sự hối thúc, đoàn người di tản đã tiến được hơn 3 cây số về hướng Nam tới một khu vườn cây rậm rạp và um tùm toàn trồng mía và xoài.

Đoàn quân dân di chuyển như đàn vịt chạy trốn cơn giông bão, chẳng còn một đội hình nào để có thể kiểm soát nổi! May nhờ các chiến sĩ Dù còn giữ kỷ luật, vẫn đội hình tác chiến rút lui đoạn hậu hay mở đường đều theo thế chân vẹt. Nhờ vậy địch quân nhiều lần bị toán trinh sát của Trung úy Sáng để lại ngầm phục kích tiêu diệt những tên mon men theo sau.

Tướng Nghi với ba sao vẫn còn chói sáng trên chiếc mũ sắt theo sát Đại đội 114 của Đại úy Long. Đến làng Mỹ Đức cạnh Quốc lộ chạy về Đà Lạt, khinh binh Dù thấy xe tăng địch đậu đầy trên đường nhựa. Đoàn quân vội bố trí tại các vườn mía và lập phòng tuyến sẵn sàng chống cự dọc theo giao thông hào (đường dẫn nước vào ruộng mía).

TĐT Thành “Râu” liên lạc được trực thăng đang đi tìm Tướng Sang, Tư lệnh Sư đoàn 6 Không quân, anh và vị chỉ huy trực thăng bàn kế mang trực thăng và khu trục cơ A-37 yểm trợ để bốc Tướng Nghi, Tướng Sang, và lực lượng Nhảy Dù tại vườn mía.

Bãi đáp cần phải làm rất rộng trong vườn mía, vì theo kinh nghiệm, các đơn vị Dù thường bốc trực thăng rất hiệu quả mặc dù bị vây giữa lòng địch (ở Campuchia và Hạ Lào đã làm nhiều lần). Một sống, một chết, hỏa lực kẹp sát bãi bốc; những phi công gan dạ với những gunship bắn vào địch, cùng các chiến sĩ Dù dày dạn chiến trường, coi sống chết nhẹ tựa lông hồng.

Thành Râu vào trình bày kế hoạch bốc trực thăng với tướng Nghi, nhưng ông từ chối. Tại đây Đại tá Lương cũng đã bắt được liên lạc với phi cơ quan sát của SĐND đưa tới; sĩ quan Dù trên phi cơ yêu cầu ông kiếm bãi đáp để 25 trực thăng sẽ xuống bốc đi. Đ/T Lương trình Tướng Nghi đưa BTL/QĐ và Sư đoàn 6 Không quân cùng các sĩ quan tham mưu ra bãi trống phía bên trái để trực thăng bốc đầu; còn các anh em chiến đấu Dù sẽ đi bộ về hướng núi Cà Đú để gặp các đại đội Dù (lúc đó khoảng 5 giờ chiều, cần phải tách khỏi dân chúng, chứ nếu như thế nầy gặp địch làm sao chiến đấu?)

Tướng Nghi quyết định: “Lệnh cho đoàn trực thăng trở về túc trực, sáng mai sẽ tính; giờ chúng ta tiếp tục đi về Cà Ná làm phòng tuyến chận địch tại đó”.

Giây phút thập tử nhứt sanh nầy mà còn nghĩ đến làm tuyến án ngữ mới, Tướng Nguyễn vĩnh Nghi quả là một vị tướng anh dũng, can đảm, và có quyết tâm chống quân CSBV tới cùng.

Đại tá Lương thở dài : “Dạ !”

Nhưng lấy quân ở đâu để làm phòng tuyến? Quân Đoàn sẽ tăng viện ư ? Ông đành cho lệnh tất cả bố trí, chờ đêm tối sẽ băng đường vượt qua sông Dinh để đi về hướng Nam (vì lúc đó xe địch chạy trên đường lộ qua lại khá nhiều, trong đó có cả xe tăng nữa!).

Tại đây, Thành gặp một số bạn cùng trường Đà Lạt (trong đó có Thiếu tá Trương Khương, K19ĐL, Sĩ quan chỉ huy phòng thủ phi trường), họ ngồi quây quần dưới giao thông hào trong vườn mía khe khẽ chuyện trò với nhau. Họ hỏi thăm nhau về sinh hoạt của những người bạn cùng khóa, tình Võ Bị là như vậy đó, họ lúc nào cũng lo lắng cho nhau.

Vì chịu đựng nhiều ngày vất vả, Thành hứa hẹn:

- Về Sàigòn kỳ nầy tôi mời các anh đi nhậu một chầu thịnh soạn để bù lại những thiếu thốn, đói khổ mấy ngày qua!

Giờ nầy mà còn nghĩ tới ăn nhậu! Lính Nhảy dù quả thật vô tư; họ luôn luôn để tâm trí cởi mở, vì đánh giặc mà tinh thần cứ căng thẳng và xúc động thì có thể dễ làm nản lòng chiến đấu!

Cánh quân của Thiếu tá TĐP Giới không còn liên lạc. Buổi sáng trước khi đi, Thành bảo Giới rút về bãi biển Cà Đú chờ lệnh. Kế hoạch là như vậy, giờ phải mang trọng trách bảo vệ đoàn di tản gần một ngàn người, nếu chỉ một mình Song Kiếm Trấn Ải (TĐ11ND) thì việc rút lui rất dễ dàng, dù địch có cả trung đoàn cũng chưa chắc ngăn cản được.

Cộng quân mặc dầu đã bao vây Phan Rang, xe tăng bộ đội chỉ cách lực lượng Dù một mảnh vườn, nhưng họ không dám tấn công ban ngày. Địch cho các trẻ nhỏ và người già giả bộ ra vườn làm mía thám thính; Thành ra lệnh bắt giữ lại những người nầy, không cho về cung cấp tin tức.

Nhưng lính im lặng được chứ dân chúng và trẻ con thì khó kiểm soát; họ cứ đi lại kiếm thực phẩm lung tung. Rồi địch cũng phát hiện nên đã điều quân vây kín. Chờ lúc trời tối hẳn, hai đại đội bắt đầu xung phong đột phá vòng vây; một trận cận chiến diễn ra khốc liệt.

Các chiến sĩ Dù đã nhận lệnh chỉ biết bắn và xung phong tiến qua xác địch để trực chỉ về Phan Thiết. Trung úy Loan dẫn Tr/đội 1 đi đầu, binh sĩ nhào lên pháo tháp xe tăng dùng lựu đạn tiêu diệt các xạ thủ bên trong; Trung đội 2 và 3 dàn ngang bắn M72, MX202 tiêu diệt 3 chiếc kế bên.

Địch hốt hoảng bắn loạn xà ngầu, phòng không toàn bắn ria trên ngọn cây. Nhưng bất ngờ một loạt đạn AK47 bắn trúng ngực Loan, khiến người anh bị tung ngược ra phía sau, Thành nhảy lên kéo Loan về đường thông thủy và anh chỉ nghe được tiếng thì thào trối trăn lần chót của người đại đội trưởng dũng cảm đã theo anh lập nhiều chiến công cho TĐ11ND:

- Vĩnh Biệt đích thân!

Thở ra vài hơi, Loan nói trong nghẹn ngào:

- Nhắn lại vợ con là em thương nhớ họ vô cùng!

Rồi thì thào nói câu chót:

- Vĩnh biệt!

Hai mắt Loan mở trừng trừng như tức tưởi, như không cam lòng! Văng vẳng phảng phất đâu đây bài ca “Truy Hồn Tử Sĩ”:

Lúc bấy giờ trên cánh đồng chiêm Bắc Việt
... Phút chốc liệt vị đã ra người thiên cổ!
Sự nghiệp đang công đeo đuổi
Thôi cũng đành gián đoạn giữa đường!
... Chí tuy còn mong tiến bước
Nhưng sức không kham nổi đoạn đường!!!

Thành nghẹn ngào vuốt mặt người bạn chiến đấu đã theo anh suốt mấy năm chinh chiến đầy gian nan, khổ cực, và nguy hiểm nầy. Trước khi chết anh mới thốt ra lời tự đáy lòng là nhớ vợ con! Thật ra người chiến sĩ Dù nào cũng nặng gánh gia đình, nhưng họ đã nén nỗi riêng tư vào thâm tâm, để một lòng phụng sự Tổ Quốc, Quê Hương. Phạm đức Loan tốt nghiệp khóa 26 Đà Lạt, sau 4 năm ở huấn nhục, anh đã đem hết tài học hỏi ở quân trường ra thi thố tại các trận tái chiếm Quảng Trị, đèo Hải Vân, và Thường Đức. Loan bị thương nhiều lần và được rất nhiều huy chương tưởng lục, anh rất can trường và tốt bụng, mọi người chung quanh đều quí mến.

Tội nghiệp chị Loan giờ nầy ở nhà nghe đài Phát Thanh để theo dõi tình hình; hằng ngày chị chỉ biết cầu Trời khấn Phật cho chồng được bình an. Bây giơ thì chị sẽ vĩnh viễn không còn gặp được Loan nữa!!! Thật tội nghiệp thay cho những người chinh phụ!

Vì đất nước lâm vào cảnh chiến tranh, hầu hết các phụ nữ đều lấy chồng lính. Dù hậu phương hay tiền tuyến đều có muôn ngàn nguy hiểm. Trong lòng chinh phụ lúc nào cũng lo cho sự an nguy của chồng, lo cho chính mình, và lo cho tương lai con cái. Cuộc sống vợ chồng với nhau rất là khiêm nhường, họ sống với nhau bằng:

Những “24 giờ phép!”
Những “7 ngày đợi mong!”

Hoặc có người:

“Cưới nhau xong là đi!”

Tuổi thanh xuân của các chiến sĩ hầu như cống hiến toàn phần cho tổ quốc, và tuổi thanh xuân của chinh phụ đã cống hiến toàn phần cho chinh phu:

Lòng thiếp tựa bóng trăng theo dõi
Dạ chàng xa ngoài cõi thiên san.

Chinh phụ lúc nào cũng:

Sầu lên ngọn ãi, oán ra cửa phòng!

Hoặc là:

Ngàn dâu xanh ngát một màu
Tình chàng ý thiếp ai sầu hơn ai?

Thế nhưng để cho các chiến sĩ an tâm chiến đấu, an tâm phục vụ, làm tròn bổn phận và trách nhiệm, chinh phụ còn phải đảm trách việc nhà:

Ngọt bùi thiếp đã hiếu nam
Dạy con đèn sách thiếp làm phụ thân

Khi nhắc đến phụ nữ, có lẽ chúng ta không thể không ghi nhận và ca ngợi đức tính cao quí của người đàn bà Việt Nam. Không phải chỉ ở những thế kỷ xa xưa trước đây, mà ngay cả thời Cận đại, cũng như thời Hiện đại bây giờ; chúng ta cũng tìm thấy những bóng hình người đàn bà cao quí trong xã hội. Một trong những đức tính đáng khen ngợi là sự kiên trì và sự thủy chung của một người vợ Việt Nam.

Chẳng hạn như một người vợ lính, thường ngày ở nhà phải lo toan việc gia đình, nuôi con ăn học, và thậm chí đôi khi còn phải lo cho gia đình của chồng nữa. Khi chồng bị đi tù gọi là cải tạo, thì người vợ lại phải lo tiếp tế thăm nuôi; và vẫn phải lo toan cuộc sống khó khăn hằng ngày trong gia đình dưới chế độ hà khắc Cộng sản.

Khi chồng trở về thì người vợ phải lo tìm đường vượt biên, và nhiều khi không đủ tiền, người vợ lại phải hy sinh ở lại, để cho người chồng dẫn theo một vài con đi trước. Đó là những đức tính rất cao quí, rất đáng ca ngợi, và rất hiếm thấy ở tất cả những người đàn bà ngoại quốc nào trên thế giới.

Nỗi đau khổ cùng cực nhất của người chinh phụ là khi trở thành quả phụ:

Thăm chồng mà chẳng gặp chồng
Bao nhiêu hy vọng theo giòng mây tan!

Hoặc:

Ngày mai đi lượm xác chồng
Say đi để muốn mình không là mình..!

Người đàn bà Việt Nam không phải như Phạm Duy đã nói:

Em ngại ngùng dạo phố mùa Xuân
Bên người yêu tật nguyền chai đá

Họ đã khắc khoải trong vai trò chinh phụ thì càng trọn vẹn trong vai trò “Tù phụ”. Sau ngày Quốc Hận 30/4/75, tất cả gia đình chiến sĩ, gia đình công chức miền Nam đều bị Cộng Sản bao vây chặt chẽ:

Tứ phía quân thù lưới bủa vây
Áo cơm pha với lệ vơi đầy
Nửa khuya thức giấc lo rồi sợ!
... Tù ở bên ngoài đâu khác trong

Hoặc khi đi thăm nuôi chồng:

Bên cầu em đứng, đợi, chờ, trông
Đông quá mà sao thiếu bóng chồng
Anh hỡi! Anh ơi! Ngày hai buổi
Đi về anh có nhọc nhằn không?

Lúc thăm nuôi chồng:

...Gặp nhau trong cảnh đoạn trường
Tuy trong gang tấc xa đường quan san ...

Thành thương người đàn em nầy trước khi từ giả cỏi đời mà còn thốt lên câu: “Vĩnh Biệt!” Sau khi để người đàn em trung can nghĩa đảm yên vị, Thành tức giận nhào lên điều động toàn bộ binh sĩ tiểu đoàn còn lại, quyết tâm tận diệt để rửa hận.

Nhưng trong khi hăng hái xung phong, một mảnh đạn B40 hay lựu đạn gì đó đã sớt qua mặt và tay làm máu chảy ra ướt mờ cả mắt. Thành lúc ấy chỉ nghe được những tiếng rên la của chiến sĩ cùng thương binh ở chung quanh, anh không còn phân biệt được địch và bạn, địch ta lẫn lộn!

Khi đệ tử đưa anh về sau băng bó, Thành bảo sĩ quan Ban 3 và các đệ tử cùng binh sĩ thuộc cấp rút đi; cứ để anh và các chiến sĩ bị thương ở lại đoạn hậu. Nếu lôi thôi thì bị liên lụy chung cả đám, nhưng đệ tử đã kéo anh đi như một khúc gỗ:

- Ông thầy không thể ở lại, tụi em dìu ông thầy đi. Còn sống còn bảo vệ cho nhau!

Những lời lẽ chân tình trong lúc nguy cấp làm Thành cảm động đến rơi lệ, không ngờ các chiến sĩ Dù của anh ngoài sự dũng cảm mà còn tinh thần nghĩa khí rất đáng khâm phục. Giờ đây lưu vong trên xứ lạ quê người mà lúc nào Thành cũng tưởng nhớ đến các binh sĩ thuộc cấp trong cuộc chiến VN.

Đạn phòng không xe tăng địch lúc nầy không bắn sát đất mà chỉ bắn lên trời một cách hốt hoảng, tiếng đạn bay xé gió, cắt đứt những trái dừa rơi lụp bụp; lá cây bị bắn đứt bay tung tóe rơi dính đầy người đoàn quân dân di tản.

Thành báo với Đại tá Lữ đoàn trưởng rằng anh đã bị thương, nhờ ông dìu dắt đoàn quân, anh không còn khả năng chỉ huy. Các chiến sĩ Dù là những người từng trải, trong giây phút nầy họ có thể lợi dụng đêm tối, từng tổ một phân tán rút về hướng Phan Thiết.

Chờ đêm khuya, Đại tá Nguyễn thu Lương cho toán khinh binh Nhảy Dù mở đường. Theo lời Long kể, trong khi mọi người còn nằm núp đạn, Đại tá Lương vẫn hiên ngang đứng lên rút súng Colt hô xung phong, Long thầm cảm phục vị chỉ huy gan dạ của mình. Đoàn quân đi được hơn 500 thước thì thấy xác địch ngổn ngang dọc 2 bên đường cũ như các khu vườn của dân. Cộng quân chẳng canh gác gì cả, có lẽ quá mệt mỏi do nhiều ngày di chuyển từ xa và phải chiến đấu triền miên.

Bất ngờ gặp 2 chiến xa có đại bác phòng không 37 ly; lúc đó có một tên đang ngồi hút thuốc lá ...Thấy tiếng động, hắn bấm đèn Pin và hỏi:

- Ai đó ?

Toàn thể chiến sĩ Dù khai hỏa và hô xung phong tràn qua, dẫm cả bọn bộ đội đang nằm ngủ; rồi chạy băng qua đường tiến về vùng rậm rập hướng về sông Dinh.

Trong khi rút chạy mọi người nghe rõ tiếng địch la ó lung tung, những khẩu phòng không bắn ria bậy loạn xạ, làm lá cây, lá dừa rụng rơi tơi tả.

Theo kinh nghiệm nếu đạn bắn xẹt vào đất tức là chúng đang bắn vào mình; còn nếu tiếng đạn nổ rẹt rẹt trên đầu thì cứ việc tiến. Thấy lá cây và trái dừa rụng đầy, các chiến sĩ Dù co mình chạy băng qua đường nhựa, tới khu lò đường gần bờ sông Dinh. Tạm thời dừng lại để cho khinh binh đi thám sát con sông trước mặt (có một số tổn thiệt vì bị địch bắn vói theo).

Đại tá Lương dẫn đoàn người (đủ mọi thành phần) qua sông được hơn 200 người thì coi lại không thấy Tướng Nghi, Tướng Sang, và viên Cố vấn Mỹ (anh nầy mặc thường phục và nói tiếng Việt rất khá).

Anh và toán binh sĩ Nhảy Dù phải trở lại chỗ cũ, đến gốc cây xoài lớn cách đường thông thủy khoảng 50 thước, thấy hai vị Tướng và người Mỹ cùng sĩ quan tham mưu còn đang kẹt lại tại đó. Viên cố vấn đề nghị nên đi ngay để chậm trễ sẽ nguy hiểm.

Lúc nãy các chiến sĩ Dù đi một cách dè dặt vì địch còn nằm ngủ trên đường, bây giờ muốn dẫn toàn bộ đám đông qua thì cần phải cho đại đội Dù dàn quân bắn áp đảo để địch không kịp ngẩn đầu bắn vào đoàn người di tản. Sau khi tới bờ sông, nhờ nước ròng (sâu nhất chỉ tới bụng) nên có thể lội qua bên kia bờ được (mỗi lần băng qua đường phải chia từng toán nhỏ tại nhiều chỗ tuy nhiên vẫn có một số bị tổn thất vì lạc đạn).

Đoàn người di tản gấp rút qua sông vì sợ địch phản kích, mặc dù Cộng quân lúc đó đang mê ngủ, lại bị tấn công ào ạt dữ dội bởi các chiến sĩ Dù nên phải chém vè chạy bán mạng (và cũng không dám bắn ngang vì sợ bắn nhầm với nhau).

Mấy vị Tướng và cố vấn Mỹ(có lẽ là người của cơ quan DAO vì lúc nầy không còn cô” vấn) vẫn không chạy theo sát toán quân Dù. Theo lời Y sĩ TĐ11ND là BS Lê Quang Tiến: Sau khi một số quân Dù mở đường máu vượt qua đường thì địch giàn các chiến xa theo đường và đồng thời mở đèn pha chiếu vào khe núi sáng như ban ngày!

Rồi địch tiến tới khe suối và người bị bắt đầu tiên là Tướng Sang, tiếp đến là Trung tướng Nghi, anh cố vấn Mỹ, kế bên là anh cận vệ tướng Nghi. Thấy anh nầy lớn con mà xưng là Thượng sĩ, tên bộ đội đập bán súng và hỏi:

- Hai người nầy là tướng vậy mầy chức gì ?

Anh Thượng Sĩ cận vệ bị một báng súng vì trả lời đúng cấp bậc! Sau đó chúng bắt luôn BS Tiến, Đại úy Đô, và những người kẹt dưới khe suối.

Từ ngày ra trường năm 1964, đến giờ nầy Thành Râu mới nếm mùi ca bài “Giả từ vũ khí!”. Lúc di tản, anh được một tổ nhỏ trong đó có y tá theo bảo vệ và chăm sóc vết thương, đi tới sáng thì dừng lại nghỉ ngơi trong một bụi rậm. Thầy trò chỉ còn nhìn nhau cười cho số phận người chiến sĩ Dù mới nếm mùi thất bại đầu tiên trong tình hình đất nước đang tới hồi đen tối!

Toán theo Đại tá Lương vượt qua sông Dinh tới nghỉ tại một ngôi chùa có nhiều cây kiểng rất đẹp; lúc đó là 1 giờ khuya ngày 17/4/1975. Trong số hơn 200 người qua sông, không có những sĩ quan tham mưu của Quân đoàn III, Sư đoàn 6 Không quân, Sư đoàn 2 Bộ binh, và Biệt Động Quân.

Nghỉ ngơi khoảng nửa giờ thì Đại tá Lương cho lệnh Thiếu úy Bé dẫn 10 binh sĩ Dù lội trở lại tìm cách hướng dẫn 2 vị Tướng và cố vấn Mỹ qua sông. Phần còn lại sẽ bố trí và chờ đợi tại ngôi chùa nầy.

Nhận lệnh, mặc dù mệt mỏi suốt đêm, 10 chiến sĩ Nhảy Dù cũng thi hành lệnh nghiêm chỉnh. Đó là kỷ luật trong binh chủng, nhờ vậy Nhảy Dù gây được nhiều niềm tin cho đồng bào miền Nam hằng chục năm nay. Thiếu úy Bé là một sĩ quan dũng cảm, anh đã lập nhiều chiến công trong các trận Thường Đức và đèo Hải Vân, Bé dẫn trung đội (chỉ còn 10 người) lội sông trở lại vị trí khu vườn mía để tìm 2 vị Tướng.

Nhưng! Như đã nói trên, sau 2 lần bị bất ngờ và bị tổn thất, địch đã đề cao cảnh giác. Nên khi toán quân Dù vừa qua sông tiến tới gần lò đường thì địch khai hỏa dữ dội. Bé điều động anh em bắn trả mãnh liệt, một chiến sĩ đã hy sinh ngay loạt đạn đầu, Bé bị thương nơi bắp đùi, anh biết trung đội đang lọt vào vòng vây, với chiến xa và phòng không địch bắn tới tấp, Bé bảo Trung sĩ Tuy dẫn anh em rút lui về bên kia sông. Anh không thể chạy được nếu dây dưa thì chết cả đám, TS Tuy còn chần chừ, nhưng Bé bảo đây là lệnh.

Rồi Bé ở lại mở chốt lựu đạn ném vào quân địch, bắn tới hết đạn, thì địch quân tràn tới; anh định mở chốt an toàn trái lựu đạn chót để chết chung với địch! Nhưng Tuy đã dẫn binh sĩ đi được một đoạn, rồi không đành nên bảo binh sĩ quay lại, vừa lúc thấy Bé định tự sát, nên anh nhào tới chụp tay và cố đỡ Bé chạy về bờ sông.

Họ đi được chừng 100 thước, thì bị địch theo kịp. Tuy và các chiến sĩ Dù bắn trả tới tấp chận đường tiến quân của địch. Thấy tình hình không thể cầm cự lâu, Tuy vừa bị một viên đạn xuyên qua đùi, anh cùng Thiếu úy Bé bảo binh sĩ anh em để đạn dược lại và lui về báo cáo, rồi mỗi người thủ 2 khẩu M72 và AR16, cùng nhiều lựu đạn do anh em để lại.

Hễ mỗi lần địch nhào lên thì Bé và Tuy kẻ bắn AR16 người thụt M72, khiến địch tổn thất nặng nề. Khi thấy 2 người bắn hết đạn, địch quân tràn lên và bị lựu đạn ném ra. Cộng quân tức giận vội bắn hàng loạt B40 bứng bay mô đất che 2 chiến sĩ Dù dũng cảm; TS Tuy ném hết các quả lựu đạn, rồi cố kéo Bé về bờ sông, nhưng không kịp nữa; địch tràn tới nhanh và chĩa súng bắn vào hai người như để trả hận!!! Nguyên thân hình Tuy và Bé bị bắn tung lên, chết không kịp trối!

Đại tá Lương nghe tiếng nổ, tiên đoán đó là điềm chẳng lành; quả nhiên khoảng 20 phút sau, toán quân lội trở lại, 10 người chỉ còn 7! Thiếu úy Bé và Trung sĩ Tuy cùng 1 binh sĩ đã hy sinh, anh Hạ sĩ phụ tá bị thương ở cánh tay trái, và một binh sĩ bị thương ở đùi.

Suy nghĩ một lúc, vô kế khả thi; Đại tá Lương đành dẫn hơn 200 quân nhân đủ loại binh chủng; lấy phương giác băng đồng về hướng sông Quao. Đoàn quân đi khoảng 2 giờ rưởi thì tới nơi. Sông nầy rất hẹp và đầy bèo Nhật Bản...Hai khinh binh đi đầu lội thử, thấy chỗ sâu nhất cũng chỉ tới ngực. Toàn bộ qua được bên kia bờ, mọi người đều quá mỏi mệt, chia từng toán nhỏ nằm trong các lùm bụi rậm rạp nghỉ ngơi.

Một binh sĩ Dù trải cho Đại tá Lương chiếc Poncho để nằm nghỉ; sau khi phân chia canh gác, mọi người thiếp đi trong giấc ngủ mê man.

Khoảng 6 giờ sáng, trời còn mờ sương, anh lính truyền tin đánh thức Đ/T Lương dậy và trao ống liên hợp cho anh nghe...Từ trên không, một chiếc L19 của Quân đoàn III đang bay lượn vòng vòng phía bờ biển và gọi máy liên tục. Anh trả lời và xưng danh hiệu; vị sĩ quan trên máy xưng là Đại úy Tango (nghĩa chữ T đứng đầu tên), và đồng thời yêu cầu chuyển sang tần số giải tỏa ...

Sau khi xác định mật hiệu, Tango đã biết chính anh là LĐT/LĐ2ND và vị trí điểm đứng. Anh ta hỏi có bao nhiêu người.. Đ/T Lương nói khoảng 250 người (chỉ phỏng đoán). Đại úy Tango cho biết có 22 trực thăng chở quân, và mỗi chiếc chở được tới 14 người. Vì tất cả chỉ còn súng và ít đạn với mấy vật dụng sơ sài như Poncho, ba lô đựng ít lương khô, nên có thể chở được 14 người.

Phụ tá Đ/tá Lương lúc đó là 1 Th/tá Địa Phương Quân... Sở dĩ như vậy là khi còn bố trí ở đường thông thủy để chờ đêm tối vượt vòng vây địch; Đ/T Lương đã cho lệnh các đơn vị Dù, đang bố trí phân tán ở bên ngoài, tự tìm cách dẫn quân về Cà Ná chờ lệnh ... Vì Tướng Nghi muốn lập một chiến tuyến chận địch tại Cà Ná như đã nói trên.

Đại úy “T” cho biết phải sẳn sàng trước 7 giờ sáng ngày 17/4/75. Rồi chiếc phi cơ quan sát rời vùng; đoàn quân di tản được phân phối, xếp mỗi toán 14 người theo thứ tự hàng dọc để trực thăng dễ bốc. Chiếc cuối cùng sẽ bốc quân gần sát bờ sông Quao (trong đó có Đ/T Lương và 2 nhân viên truyền tin, tất cả 14 người nầy đều là quân Dù).

Khoảng 40 phút sau, phi cơ quan sát trở lại, Đại úy “T” hỏi Đại tá Lương cho biết vị trí của Tướng Nghi và Tướng Sang đang ở đâu? Đ/T Lương trả lời: “Đã thất lạc từ đêm hôm qua, tại khu rừng mía, để về đến nơi tôi sẽ trình bày chi tiết”...

Mười lăm phút sau, từ trên phi cơ Đại úy “T” truyền xuống cho biết lệnh của tướng Tư Lệnh Quân Đoàn III (Nguyễn Văn Toàn): “207 (danh hiệu truyền tin của Đ/T Lương) phải trở lại kiếm hai ông Three Stars Nectar và One Star Sierra; nếu không thi hành khi về sẽ ra toà án quân sự và sẽ không còn 3 bông mai bạc nữa đâu!!!”

Lúc đó Thiếu tá Đông và tất cả các quân nhân sĩ quan, HSQ, và binh sĩ đứng gần đều nói: “Đại tá cứ về, việc làm suốt ngày và đêm hôm qua chúng tôi đều biết, nếu có phải ra tòa án, chúng tôi sẽ cùng ra làm chứng ... Chúng ta đã làm hết sức, mà không đạt được thì đành chịu thôi!”

Thực tế anh đâu có bỏ chạy một mình, đã đưa 2 vị ấy ra khỏi phi trường; rồi đi bộ suốt ngày mới tới Cà Ná. Và chính Tướng Nghi cũng đã từ chối không cho trực thăng xuống bốc BTL Tiền phương và SĐ6KQ lúc 17 giờ chiều ngày 16/4/75.

Suy nghĩ một lúc, Đ/T Lương gọi máy nói với Đại úy Tango ở trên phi cơ L19 là: “Tôi và một số quân nhân Dù sẽ trở lại vùng chạm địch hôm qua để dò la và tìm 2 vị Tướng. Tôi yêu cầu cho trực thăng bốc tất cả hơn 200 người hiện đang đứng với tôi về QĐ3 để họ trình bày với Trung tướng Tư lệnh” ...Sau đó anh dặn dò và nói lại nhờ Thiếu tá Đông và 1 Thiếu úy về gặp Trung Tướng trình bày lại mọi sự.

Đại tá Lương chọn 16 chiến sĩ Dù chia làm 2 toán do Trung sĩ Hùng và HSI Toàn làm trưởng toán, cùng với 2 máy truyền tin để chờ đêm tối trở lại.

Khoảng 1 giờ sau, trực thăng xuống bốc trên 200 quân nhân đủ mọi binh chủng bay đi... Sau nầy nghe nói hình như trực thăng đưa họ ra đảo Tứ Quí hay Phan Thiết chứ không về đáp lại Biên Hòa. Vì vậy có lẽ Tướng Toàn không gặp được họ để nghe trình bày !

Tối 17/4/75, 17 người trở lại chỗ chạm súng tại khu vườn mía, vườn xoài, và đường thông thủy (lại phải vượt sông Quao, sông Dinh!). Ban đêm phải đi ngoài đồng trống theo phương giác. Không dám đi gần đường và làng mạc, vì chó sủa sẽ bị lộ. Khoảng hơn 1 giờ khuya, toán nầy về tới chỗ cũ, cảnh vật rất lặng lẽ và yên tĩnh. Những cành cây và trái dừa đã bị súng phòng không 37 ly bắn rơi rụng đêm qua nay vẫn còn nguyên; mùi khói súng còn nồng nực...

Đ/T Lương kiếm vài ngôi nhà gần đó, cho anh em bố trí nghe ngóng; nhìn trong nhà dưới ánh đèn dầu mờ, thấy toàn những ông bà già và trẻ nhỏ .. Anh gõ cữa vào để hỏi thăm; vẻ mặt họ rất sợ sệt. Đại tá Lươmg hỏi một ông lão:

- Chúng tôi là anh em quân nhân Dù về đây tìm người quen... Vậy bác cho biết hồi đêm đánh nhau ở đây; rồi các quân nhân Cộng Hòa đi về đâu?

Ông lão trả lời với giọng run run:

- Trời ơi! mấy cậu sao còn ở đây? Họ đông lắm, đi mau đi, đừng ở đây nguy hiểm lắm.

Đ/T Lương hỏi thêm:

- Vậy hồi đêm đánh nhau ở đây có nhiều người chết và bị thương không?.

- Chết, nghe nói mấy chục người, và lúc gần sáng, họ (tức VC) tràn vào đường khe suối bắt được một số lính.

- Bác có nghe nói bắt được sĩ quan nào cấp Tướng không?

- Không nghe.

- Vậy còn dân chúng và gia đình binh sĩ ra sao ?

- Họ đi ra chợ Phan Rang, theo đường lộ, đông lắm.

Đ/T Lương tiếp tục hỏi thêm vài điều nữa rồi cám ơn và chào từ giả.

Sau đó, họ vượt sông Dinh trở lại, và kỳ nầy nhắm hướng núi để đi cho an toàn. Mọi người còn trên mình khoảng 3 ngày lương khô (gạo xấy, cá, và thịt hộp).

Suốt 2 ngày 18/4 và 19/4, 17 người đi theo vùng đồi cát, khát nước vô cùng vì nắng quá gay gắt. Mỗi người bẻ trộm vài cây mía để giải khát...Nhưng càng ăn lại càng khát thêm... Chiều ngày 19/4, họ vượt đường xe lửa, đổ xuống vùng đồng bằng; hướng về biển để kiếm ghe xuồng, xuôi về Cà Ná. Đi được khoảng 1 cây số thì 2 khinh binh dẫn đầu ra hiệu có địch phía trước. Tất cả kiếm nơi bố trí để chuẩn bị chống trả.

Bò lên quan sát, trung sĩ Hùng trở lại cho biết: hình như không phải địch, thấy họ mặc áo màu xanh bộ binh và có vẻ cũng đang ẩn nấp. Trung sĩ Hùng dẫn 5 binh sĩ bò lại chỗ bụi rậm gần đó hô bảo đầu hàng... Họ liền giơ tay và đứng dậy ra khỏi chỗ núp.

Thì ra là 7 chiến sĩ Địa phương quân, họ vẫn còn nguyên súng đạn. Gặp quân Dù họ mừng như gặp được cứu tinh, và đoàn quân có thêm 7 trợ thủ nữa! Như vậy tổng cộng là 24 người tất cả. Để 7 binh sĩ Địa phương quân đi đoạn hậu, mọi người nhắm hướng Đông tìm đường ra biển. Suốt ngày 19/4, họ đi êm ả; tuy nhiên tối đến nhìn về phía quốc lộ I thấy đèn xe của địch đang chạy về hướng Cà Ná. Đ/T Lương định ra đến biển rồi chắc phải xuôi ngược về Phan Thiết, chứ không thể lên Cà Ná được nữa vì địch đang di chuyển về hướng nầy.

Đêm 19/4, tất cả dừng quân và nghỉ ngơi lấy sức, để sáng mai có thể đi một mạch tới quốc lộ I và băng về hướng biển.

Sáu giờ sáng ngày 20/4, mọi người bắt đầu di chuyển sau khi ăn cơm sấy và thịt hộp lót dạ.

Khoảng 9 giờ thì toán quân chỉ còn cách QLI độ 2 cây số, họ di chuyển 2 hàng dọc; đi theo các bờ ruộng mía cao quá đầu người. Khi còn cách QLI khoảng 500 thước, nhìn qua khoảng trống thấy từng đoàn xe địch chở đầy quân; trên nóc xe và 2 bên vẫn còn cắm cây lá ngụy trang.

Mọi người đành bố trí trong ruộng mía, chờ trời tối sẽ băng qua đường, lúc đó toán đầu của Trung Sĩ Hùng chỉ cách đường 300 thước; không thể chạy nhanh qua đường được, vì bên kia là khoảng trống khá xa. Nếu họ liều băng qua có thể sẽ bị du kích địa phương phát giác; vì trên đường thỉnh thoảng thấy vài tên du kích đeo súng trên vai và chạy xe đạp qua lại.

Bất ngờ vào 10 giờ rưởi sáng, có khoảng 1 đại đội (chắc là lực lượng du kích địa phương) đi bộ dọc theo hai bên đường.

Bỗng có một tên trong bọn hô to :

- Ê! Thấy tụi bây nấp trong ruộng mía rồi, ra hàng thì sống.

Sự thực ruộng mía rậm và cao, mà mọi người thì nằm theo các đường rãnh sâu giữa 2 luống mía; như vậy làm sao tên đó có thể thấy được; hơn nữa toán đầu còn cách QLI tới 300 thước. Nó chỉ hù dọa để nếu ai nhát gan sẽ bỏ chạy hoặc ra hàng.

Đột nhiên có 2 lính Địa phương quân nằm ở phía sau toán quân Dù khoảng hơn 100 thước, đứng dậy chạy về phía núi; vừa chạy vừa bắn ngược lại hướng địch. Thế là địch bắn xối xả về phía ruộng mía. Thấy tình trạng bất lợi, tất cả bò lui về phía sau và giữ im không bắn trả.

Có lẽ địch nghĩ trong ruộng mía chỉ có vài người nên bắn hoảng để cầm chân mà bỏ chạy. Cộng quân dàn đội hình hàng ngang tiến vào ruộng mía để lục soát. Địch tới càng lúc càng gần, 50 thước, 30 thước, 20 thước, 10 thước,... toán quân di tản bắt buộc phải nổ súng tự vệ, mấy tên đi đầu bị trúng đạn ngã liền. Cộng quân vội dừng lại lấy đội hình rồi đồng loạt khai hỏa bằng đủ loại súng vào quân ta.

Súng cối, B40, thượng liên, và đại liên bắn ào ào; nhờ các bờ luống mía cao, nên tránh được đạn thẳng, nhưng những loại B40 và súng cối bắn vào; khiến hai chiến sĩ Dù bị thương. Trung Sĩ Hùng vừa lao mình lên phóng một lượt 2 trái lựu đạn, thì anh bị nguyên một tràng AK47 trúng ngực; tuy bị thương nặng nhưng Hùng vẫn còn tõ lòng khí khái khiến Đại tá Lương lúc nào cũng nhớ đến cử chỉ hào hùng của anh: Hùng vừa đưa súng vừa nói:

- Ông thầy chạy đi tôi sẽ chận chúng nó lại và chết chung với tụi nó bằng trái lựu đạn nầy!

Đại tá Lương còn bịn rịn chần chừ, nước mắt tuôn trào vì thương cho người chiến sĩ Dù trung can nghĩa dũng! Hùng lấy tay khoát bảo chạy mau. Súng địch bắn dữ dội, thêm 2 chiến sĩ Dù bị tử thương! Hai người đệ tử đứng gần thấy địch sắp tới, vội kéo Đại tá Lương chạy về hướng núi.

Rồi ruộng mía bị cháy vì đã đến thời kỳ sắp chặt, đốn về làm đường, nên lá mía đã khô nhiều; gặp các loại đạn lửa, B40, và B41 nên phát cháy dữ dội. Đại tá Lương và 2 chiến sĩ Dù bị nóng quá vội chạy ngược về phía đồi núi; trong 5 chiến sĩ Địa phương quân có 2 bị tử thương, 3 người còn lại bị bắt tại chỗ (trong đó có 1 anh bị thương bả vai)!

Có lẽ qua lời khai của mấy người bị bắt, nên sau đó ít phút, nghe tiếng loa gọi của địch :

- Chúng tôi biết có anh đại tá và ít lính Dù trong khu vực nầy, nếu ra hàng thì sống, được về với gia đình, còn chống lại sẽ chết.

Trong 2 người truyền tin có 1 anh bị tử thương, và chiếc máy còn lại cũng hư luôn, chỉ nghe được nhưng không phát được. Vì nghe có đại tá Dù, địch tăng cường quân thêm từ các đoàn xe phía sau; quân số đông đến cả tiểu đoàn, và bao vây toàn khu vực vườn mía mà quân Dù đang ẩn nấp.

Bây giờ chỉ còn lại 10 người, họ chia ra làm 3 tổ, trấn giữ 3 hướng với tiêu lệnh bắn rất ít để tiết kiệm đạn; mong cầm cự chờ đêm tối sẽ tìm cách thoát thân. Lúc đó, trong máy truyền tin Đại tá Lương nghe tiếng gọi danh hiệu của anh, nhưng trả lời thì phi cơ quan sát không nhận được!

Sau nầy đi tù về, gặp lại một số sĩ quan tham mưu của BTL/SĐND; họ cho biết là Sư đoàn Nhảy dù đã cho phi cơ quan sát tìm kiếm họ mấy ngày liền tại các vùng núi và dọc theo bờ biển từ Cà Ná tới núi Đá Đen sát Phan Rang ... Nếu lúc đó máy không hư, Đại tá Lương sẽ gọi xin phi cơ và hướng dẫn oanh tạc; thấy phi cơ địch sẽ phân tán ẩn nấp; như vậy dễ dàng vượt thoát, chắc sẽ không bị bắt như trường hợp mà anh sẽ kể sau đây :

Khoảng 2 giờ chiều, địch bắn súng cối rất nhiều, trong đó có cả lựu đạn cay! Vì không có mặt nạ chống hơi cay, nên mọi người liều mạng vừa bắn trả vừa chạy nhanh về hướng núi. Mỗi toán chạy một ngã... Chạy hết ruộng mía thì đến vùng ruộng rẫy trồng toàn dưa. Lúc đó Đại tá Lương bị tai ù, mắt cay thốn rất khó chịu; anh vừa chạy vừa dụi mắt, đến một vũng nước (có lẽ dùng để tưới cây); tổ của ông còn lại 3 người, họ vội úp mặt vào nước vừa uống vừa rửa ... rồi mệt quá nằm ngủ mê thiếp lúc nào không hay. Khi tỉnh dậy, thấy 3 tên bộ đội VC đang cầm AK47 chĩa vào 3 người. Một tên hỏi:

- Các anh có thấy thằng đại tá Dù chạy hướng nào không ?

Đ/T Lương (nhẫn nhục phụ trọng) chỉ phía trái nói:

- Chạy về hướng kia!

Tên vừa rồi, có lẽ là tổ trưởng trong 3 đứa, lại hỏi:

- Vậy anh là ai ?

Lúc gần tới vũng nước có mấy bụi cây rậm rạp, nên 3 người đều cởi dây đạn và súng dấu trong bụi cây; định uống nước rửa mặt xong sẽ ngồi nấp trong bụi đợi mờ tối mới đi tiếp. Vì từ đó vào núi rất xa, mà ruộng rẫy và bãi trống từ đó kéo dài tới núi. Vì vậy địch thấy họ chỉ có người không; chẳng có súng và nón sắt chỉ có chiếc địa bàn còn đeo trên cổ Đ/T Lương.

Tên trưởng toán hỏi anh:

- Anh làm gì trong quân Ngụy ?

- Tôi làm Trung sĩ phát lương, đang trên đường về nhà thì thấy các anh bắn nhau ghê quá; lại bị gió thổi hơi cay đầy mặt, nên cố chạy đến đây để kiếm nước rửa mặt.

- Anh nói láo! Trên cổ áo anh có 3 cục và có gạch sói lòi qua (lúc đó cấp bậc ở cổ áo ông may bằng vải ngụy trang màu đen). Như vậy là thượng sĩ chứ đâu phải trung sĩ.

- Anh đã biết tôi đâu dám dấu, đúng tôi là thượng sĩ.

Vừa nói Đại tá Lương vừa cổi áo và dìm trong vũng nước bùn, chỉ còn mặc chiếc áo thung màu quân đội; với quần trận và giày saut. Hai chiến sĩ Dù chỉ ngồi im không nói gì, để mặc Đại tá Lương đối đáp. Mấy tên bộ đội Cộng sản thấy ông đeo đồng hồ và nhẫn cưới, chúng bảo tháo ra và tự động bỏ túi; đồng thời còn khám túi quần sau của anh và lấy hết 3000$ (ba ngàn đồng).

Hai binh sĩ Dù kia, một người có chiếc đồng hồ cũng bị lột mất! Xong nó nói:

- Tha cho 3 anh đi về với vợ con, nhưng mỗi người phải đi một hướng không được đi chung, nếu đi chung tôi sẽ bắn.

Hắn chỉ hai anh kia đi chéo về phía làng; mỗi người phải cách nhau mấy trăm thước; còn Đ/T Lương đi về phía đường rầy xe lửa ...Mệt mỏi, anh đi thất thểu mới được khoảng 500 thước thì gặp 2 tên bộ đội CS khác cầm súng từ xa vừa chạy tới vừa hô đứng lại. Anh quay nhìn lại 3 tên lúc nãy mong họ xác nhận là mới thả, nhưng họ lẻn nhanh về phía ruộng mía... Hai tên mới tới chĩa súng vào người bắt anh đi... Lúc đó trong túi quần trận ở ngang đùi còn 13.000$ (mười ba ngàn đồng).

Đại tá Lương nói:

- Hai anh để tôi đi về với gia đình tôi sẽ tặng 2 anh mười ngàn đồng .

- Có mua được đồng hồ con hải cẩu số 5 không? Hoặc đồng hồ không người lái, 12 trụ đèn,...

Đại Tá Lương nghe chẳng hiểu gì hết nhưng cứ gật đầu nói bừa:

- Với số tiền nầy mua được hơn 2 cái đồng hồ như các anh nói! (Sau nầy khi ở trong tù, anh mới biết: hải cẩu 5 là Seiko 5; không người lái là tự động; còn 12 trụ đèn là các con số đồng hồ dạ quang về đêm xem được!....).

Hai đứa nhìn nhau, rồi một tên nói:

- Tôi đưa anh đến xóm nhà đàng kia, đến đó rồi anh tự đi lấy... chứ ở đây thả ngay anh, các đồng chí khác sẽ thấy ... không được đâu!

Họ bảo đưa tiền, anh đưa mỗi người 5 ngàn, còn lại 3 ngàn dằn túi. Rồi anh đi trước về hướng xóm làng, hai tên bộ đội đi theo sau. Tới bờ làng gặp một bà lão đang chặt củi và một thanh niên đang cuốc đất. Lúc đó Đại tá Lương khát khô cả cổ nên nói với bộ đội để ông xin nước uống. Bà lão nhìn ông, rồi đưa dao cho cậu thanh niên và nói:

- Con chặt trái dừa cho chú lính uống đỡ khát.

Đ/T Lương nói cám ơn, vừa đưa trái dừa lên miệng thì gặp 1 toán quân khoảng 20 chục người đang đi tới; anh vội nói:

- Ta đi thôi!

Bất ngờ tên chỉ huy hỏi 2 tên bộ đội:

- Bắt được tên “Ngụy” Dù à ?

Ngay lúc đó có anh lính Địa Phương Quân bị bắt lúc trước đang được dẫn đi xem các xác chết coi có Đại tá không ?

Anh ta bỗng chỉ và nói:

- Bắt được ông Đại tá Dù rồi đó.

Hắn vừa nói vừa chỉ về phía Đ/T Lương! Thế là chúng xúm lại trói chặt 2 tay anh và giải về Bộ Chỉ Huy Tiểu đoàn; bà lão thấy cảnh như vậy thuong xót cho nguòi chiến binh Dù vô cùng! Hai mắt đỏ ngầu, bà nói khẽ với cậu con trai:

- Tôi nghiệp mấy anh lính Cộng Hòa quá, họ suốt ngày vào sanh ra tử để bảo vệ dân lành, ngày nay lại lâm vào cảnh đường cùng như vầy! Thật tội nghiệp hết sức!

Sau đó họ đưa Đại tá Lương về bộ chỉ huy Sư đoàn 968, và anh trở thành tù binh của địch đúng 17 giờ ngày 20/4/75 !!!

Về các chi tiết cai tù Cộng sản đối xử và hành hạ Đại tá Lương ra sao từ lúc bị bắt đến ngày được đưa về điểm tập trung để đi tù cải tạo thì khá dài...nên không viết ra đây được. Chỉ biết là sau gần mười năm sống dưới gông cùm Cộng sản, Đại tá Lương đã được con lãnh qua Canada hằng ngày vui đùa với các cháu... mục đích bài nầy là kể lại trận đánh Phan Rang.

Riêng phần Thành Râu cùng toán đệ tử lần mò đi về hướng biển, anh có liên lạc được với Trung tá Lê văn Mễ, Trưởng phòng 3, và Đại tá Trương vĩnh Phước, Tư lệnh phó SĐND, họ bảo anh ráng tìm cách tới bờ biển để trực thăng bốc.

Ngày thứ 3, Thành mò ra tới bãi biển thuộc vùng Cà Đú, chuẩn bị làm thủ tục để các trực thăng bay ngoài biển nhận diện. Lúc đang ngồi chờ đợi máy bay thì thấy một toán bộ đội đi tới; địch phát hiện trong nhà chòi có bóng người; vội nằm xuống bờ ruộng chĩa súng về hướng toán quân Dù. Thành thấy chống cự cũng vô ích, vì những người đi theo toàn thương binh và đạn dược đã cạn hết. Nên đành thúc thủ để Cộng quân bắt dẫn đi tới bộ chỉ huy của họ.

Đầu não bộ chỉ huy quân chính qui Bắc Việt khi nghe nói Thành là Tiểu đoàn trưởng Nhảy dù thì họ rất vui mừng:

- Cả mấy ngày nay, tao tìm mầy giờ mới bắt được. Thằng ngoan cố! Giờ còn để râu nữa, trói lại.

Một vài tên khác có vẻ cũng thuộc thành phần chỉ huy nhưng hiểu biết, đã can gián:

- Không được chúng ta phải áp dụng đúng qui chế tù binh Quốc tế.

Lúc đó trong đầu Thành nghĩ: “Kệ chúng mầy, muốn bắn tao bây giờ cũng không sợ, không thắc mắc. Luật giang hồ mà; mạnh được yếu thua, tao bây giờ như cá nằm trong thớt, tụi bây muốn làm gì thì làm”. Tâm trạng Thành lúc đó thư thái một cách lạ lùng!

Địch chuyển anh dần lên đến trại tập trung tù binh. Trong lúc nầy, đối mặt với địch, Thành đã chứng kiến nhiều điều; địch cũng biết nể nang binh chủng Nhảy Dù ở tinh thần kỷ luật. Địch cũng có kẻ hiểu biết và cũng có đứa ác ôn. Có mấy tên đặc công cứ đòi xé xác anh như con mực khô để nhậu.

Vào trại tập trung, một tên sĩ quan CSBV mang Thành ra khai thác tù binh, lúc ấy vào ngày 19/4/75, và Sàigòn vẫn chưa mất. Tên sĩ quan hỏi anh đã thua bao nhiêu trận. Thành trả lời:

- Chỉ mới thua trận nầy lần đầu và cũng là lần cuối!

- Nhảy Dù đánh chiến thuật nào ?

- Đánh các anh không khó. Nhảy Dù bảo vệ mạng sống binh sĩ tối đa. Phi cơ, pháo binh đủ loại dập nát mục tiêu tan tành, rồi tà tà lên đếm xác.

- Anh theo tôi vào Sàigòn giải phóng.

- Tôi chỉ trung thành một phía.

Thành muốn trả lời ngang bướng để anh ta nổi nóng tặng cho một viên K54. Không ngờ hắn lại nở nụ cười nhiều ý nghĩa? Lợi dụng nụ cười đó, Thành nói:

- Anh cho tôi ra ăn tô cháo (ba ngày nay vừa bị thương vừa không ăn gì nên Thành cảm thấy đói vô cùng!).

Anh ta cho một cận vệ đi theo ra đầu đường ở trong thành phố Phan Rang mua cháo. Thành gọi mua một tô, các bà thương lính VNCH nên mút cho 1 tô kiểu “Xe lửa” để ủy lạo lần cuối cho anh lính Cộng Hòa! Bà bán cháo mếu máo nói :

- Cháu dại khai chi cấp bậc lớn để họ bắt ở tù lâu? Tội nghiệp cháu quá!!!

Trở lại trại tù binh, Thành lấy tiền ra phân chia cho các chiến sĩ xung quanh, để họ mua thức ăn và thuốc lá. Thành nghĩ thế nào cuộc đời anh cũng bị giam hãm kéo dài tới chết trong rừng sâu, nước độc, giữ tiền là vật ngoại thân làm gì!

Chuyển lên trại cải huấn Phan Rang, đang đi trong hàng tù binh, Thành chợt nghe:

- Thành Thái (danh hiệu truyền tin của anh).

Quay về hướng tiếng gọi, Thành giật mình, vì người gọi là Đại tá Nguyễn thu Lương, Lữ đoàn trưởng LĐ2ND, đang mặc bộ bà ba đen ngồi hàng đầu. Hai người cùng nhau trau đổi nụ cười thông cảm của đời chỉ huy, nhưng đã quá nuộn! Thành cùng ở tù chung trại với Đại tá Lương, Đại úy Đô (ĐĐT Đại đội 2 Công binh). Thành hiện đang ở Sacramento, California; Còn Đô thì hiện sống ở Miami, Florida.

Để kết luận theo nhận xét thì Phan Rang thất thủ do những nguyên nhân sau đây :

1). Về lực lượng địch khi đánh Phan Rang cỡ cấp Quân Đoàn với sự hỗ trợ của các lực lượng địa phương. Lực lượng ta chỉ có 2 Trung đoàn 4 và 5 của SĐ2BB. Liên đoàn 31 Biệt Động Quân, 3 tiểu đoàn Địa Phương Quân Khoảng 1 chi đoàn TVX M113.

2). Lữ đoàn 2 Nhảy Dù đã bàn giao trách nhiệm cho Liên Đoàn 31 BĐQ từ ngày 13/4/75 (trong đó 1 Tiểu đoàn Dù đã về hậu cứ Biên Hòa)

3). Quân số địch đông và được trang bị đầy đủ các loại chiến xa, đại pháo, và hỏa tiễn.

4). Quân số bên ta; các đơn vị Bộ Binh, Biệt Động Quân, và Địa Phương Quân chỉ còn ít so với bản cấp số. Chiến xa không có, chỉ có khoảng 12 chiếc TVX M113. Pháo Binh chỉ có 1 tiểu đoàn (-) gồm 12 khẩu 105 ly và 2 khẩu 155 ly; đặt tại phi trường. Trang bị binh sĩ không đầy đủ, thiếu cả nhiên liệu cho Thiết vận xa, và đạn dược đủ loại.

5). Về không yểm, ta có SĐ6KQ với phi đoàn A37 và một số khu trục AD6 (cánh quạt) hoạt động không hữu hiệu lắm, vì khả năng phòng không của địch khá mạnh. Hơn nữa kho bom lại bị chiếm! Có một Không đoàn 72 trực thăng, nhưng chỉ sử dụng được 2/3.

6). Khi sát nhập 2 tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận vào thì tầm kiểm soát và yểm trợ của Quân Đoàn III bị hạn chế (vượt quá tầm kiểm soát). Bộ TTM chẳng thấy vị nào ra Phan Rang vào những lúc cần thiết, phó mặc Quân Đoàn tự giải quyết lấy mọi việc; từ yểm trợ đến điều quân.

7). Sư đoàn 2 Bộ binh mới rút từ Chu Lai vào Bình Tuy; quân số phức tạp và thiếu hụt trầm trọng. Chẳng hạn như trung đoàn 5, vừa cơ hữu và địa phương quân, nghĩa quân tăng cường, mà chưa đến 400! Máy móc truyền tin thiếu hụt (cả Trung đoàn chỉ có 7 máy PRC25). Tinh thần binh sĩ rất dao động và hoang mang!

8). Liên đoàn BĐQ thì sau những ngày tháng chiến đấu gay go và quyết liệt với địch tại vùng Chơn Thành. Binh sĩ chưa được về hậu cứ để chỉnh bị quân số và trang bị quân dụng, mà lại cấp tốc điều động ra Phan Rang để thay thế LĐ2ND.

Do đó quân số của 2 tiểu đoàn chỉ đủ để trám vào chỗ của một tiểu đoàn Dù. Phương tiện lại thiếu thốn; mấy đại đội trưởng BĐQ đều than phiền như vậy! Rõ ràng là đem con bỏ chợ, chẳng ai ngó ngàng đến! Chỉ biết điều động đi mà không chịu xem xét thực trạng quân tình ?

9). Nếu phi trường Phan Rang cứ để 1 tiểu đoàn Dù hoặc 2 tiểu đoàn BĐQ trấn giữ thì không dễ bị địch xâm nhập được và chiếm mất kho bom cùng các điểm trọng yếu quá nhanh!

Quân sĩ chúng ta không hèn nhát, họ rất can đảm và chịu đựng; chúng ta có những sĩ quan cấp úy rất tài ba dũng cảm.

Họ biết điều quân đánh địch như chúng ta đã thấy qua biến cố Tết Mậu Thân 1968 và mùa hè đỏ lửa 1972. Lúc đó địch đã vào đầy các thành phố; và khởi đầu quân Mỹ đâu có tham chiến, họ án binh bất động ... Vậy mà quân ta vẫn đẩy lui được địch, gây cho chúng tổn thất nặng nề; nhưng tại sao năm 1975 lại bị mất đất và rã ngũ nhanh như vậy?

Nếu không có cuộc rút bỏ Pleiku, Kontum một cách hỗn độn; rút Huế, Đà Nẳng,...bỏ lại phần lớn các thân nhân và gia đình quân nhân các cấp, để cho mọi người mất hết tin tưởng, tinh thần hoang mang mất tinh thần chiến đấu,...thì làm sao địch có được ngày 30/4/1975? Làm sao chúng ta lại mất nước rã ngũ ?

Xin nghiêng mình thán phục các vị Tướng Lãnh đã hy sinh cho đất nước và quê hương; các vị sĩ quan, hạ sĩ quan, và binh sĩ đã hy sinh hoặc bị tàn phế cho màu cờ Tổ Quốc; và nhất là các vị đã tuẫn tiết trong ngày mất nước. Không có những người kiên cường uy dũng ấy, đất nước đã lọt vào tay địch từ lâu và chúng ta cũng không chắc gì sống được tới ngày nay .

Riêng đối với tướng Phạm ngọc Sang (SĐ6KQ) thì rất đáng khâm phục, ông quả thật xứng đáng là cấp chỉ huy, từ tư cách đến hành động, lúc lâm nguy mà vẫn khẳng khái ... Khi nghe Tướng Nghi bảo ông lên phi cơ bay trên không làm đài chỉ huy lưu động và liên lạc ... Tướng Sang trả lời: “Trung tướng 3 sao ở dưới đất chịu nguy hiểm, tại sao tôi mới 1 sao lại lên trời? Trung tướng đi bộ đến đâu, tôi xin đi theo đến đó”...

Một vị tướng Không Quân có biết bao nhiêu phi cơ và trực thăng dưới tay mà không bỏ chạy lúc nguy cấp, đáng kính phục thay và là gương sáng trong QLVNCH.

Ngay như trung tá Bút, không đoàn trưởng không đoàn trực thăng, có trong tay mấy phi đoàn mà nhất định đi bộ với vị Tướng chỉ huy trực tiếp của mình mà không trốn chạy bằng máy bay. Và cũng có nhiều tướng, tá có hành động dũng cảm như Tướng Sang, Trung tá Bút mà chúng ta không được biết tới; như trong hồi ký của một số anh em trong gia đình quân đội kể lại là họ đã từng chứng kiến tận mắt và nghe tận tai những hành vi hào hùng, khí khái, mã thượng của một số sĩ quan cao cấp trong quân đội chúng ta.

Họ đã chứng tỏ lòng kiên cường trong những ngày sắp mất nước, cũng như ngày 30/4/75 khi CSBV và tay sai đã tràn vào thủ đô nước Việt Nam Cộng Hòa!!!...

Rất cảm động và kính phục thay!!!


Trích trong: “Đời Chiến Binh” (tái bản lần thứ 3)
của Thiếu tá Nhảy Dù Trương Dưỡng

Hãy tìm đọc sách cùng tác giả: Hồi Ký “Một Cánh Hoa Dù” (tái bản nhiều lần trong 1 năm)

Hỏi mua: (561) 734-4016
Email:galactus@flite.net
























































Free Web Hosting