Cộng sản Bắc Việt xâm lăng

Bài viết của: Trung tá Trần Văn Hiển



(Phóng Ðồ do Trần Ðỗ Cẩm vẽ - Austin Texas 8/99)


Tổng thống Richard Nixon trong bài diễn văn được truyền hình toàn quốc ngày 25 tháng 1 năm 1972 đã đề nghị một kế hoạch hòa bình 8 điểm nhằm chấm dứt chiến tranh Việt Nam. Trong đó, Hoa Kỳ đồng ý rút quân đội Hoa Kỳ và Ðồng Minh khỏi Việt Nam trong thời hạn 6 tháng sau khi một hòa ước được ký kết. Không đầy một tuần lễ sau, ngày 31/1/72, Hà Nội đưa ra một kế hoạch hòa bình khác gồm 9 điểm. Hà Nội nhấn mạnh đòi quân đội Hoa Kỳ và quân đội ngoại quốc triệt thoái ngay khỏi Ðông Dương và ngưng mọi hình thức viện trợ cho chính phủ Việt Nam Cộng Hòa. Về phía Việt Nam Cộng Hòa, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu vừa tái đắc cử vào tháng 8/71, mạnh mẽ phản đối kế hoạch hòa bình của Hoa Kỳ, vì trong đó Tổng thống Nixon đã bỏ điều kiện đòi Cộng Sản Bắc Việt rút quân đội khỏi Nam Việt Nam cùng một lúc với quân đội Hoa Kỳ.

Nhằm tạo áp lực đưa Hà Nội đến bàn hội đàm nghiêm chỉnh, chính phủ Hoa Kỳ một mặt đẩy mạnh kế hoạch vận động ngoại giao quốc tế, mặt khác tăng cường các cuộc oanh tạc trên lãnh thổ Bắc Việt và đường mòn Hồ Chí Minh. Chuyến công du đầu tiên của Tổng thống Nixon qua Trung Cộng ngày 17/2/72 để mật đàm với Chu Ân Lai và Mao Trạch Ðông. Chuyến đi của Ngoại trưởng Henry Kissinger qua Nga gặp Brezhnev và Kosygin trong tháng 4/72 và những cuộc oanh tạc nặng nề của Không quân và Hải quân Hoa Kỳ xuất phát từ Ðà Nẵng, Thái Lan và Hạm đội 7 đã đưa đến kết quả: Hà Nội chấp thuận mở lại những cuộc hòa đàm giữa Ngoại trưởng Kissinger và Lê Ðức Thọ vào đầu tháng 5/72 tại Paris.

Ðể hậu thuẩn cho cuộc thương thuyết, Hà Nội áp dụng chiến thuật cố hữu "vừa đánh vừa đàm". Cuối tháng 3/72, Cộng sản Bắc Việt và Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam mở cuộc tấn công đại quy mô, lấy tên là "Cuộc tấn công Nguyễn Huệ" (người Hoa Kỳ gọi là "Easter Offensive" vì nhằm đúng vào dịp cuối tuần lễ Phục Sinh). Cuộc tấn công đã diễn trên 3 mặt trận chính:

* Mặt trận thứ nhất khởi diễn vào ngày 3O/3/72 tại vùng I Chiến thuật: Có 6 Sư đoàn Cộng sản Bắc Việt 3O4, 3O8, 312, 324, 325, mặt trận B-5 (4 Trung đoàn) cùng với 2 Trung đoàn biệt lập, vượt sông Bến Hải tấn công Sư đoàn 3 Bộ binh và 2 Lữ đoàn Thủy Quân Lục Chiến tăng phái đang trấn thủ địa đầu giới tuyến.

* Mặt trận thứ nhì vào ngày 5/4/72: 3 Sư đoàn Cộng sản Bắc Việt 5, 7, 9 từ biên giới Cam Bốt xâm nhập Vùng 3 Chiến thuật, tấn công tỉnh Bình Long, chiếm Lộc Ninh và An Lộc cách Sài Gòn 96 cây số.

* Mặt trận thứ ba tại Vùng 2 Chiến thuật khai diễn ngày 6/4/72 nổ lực chính với 3 Sư đoàn: Sư đoàn 2 của mặt trận B3, Sư đoàn 32O, Sư đoàn Sao Vàng và nhiều Tiểu đoàn biệt lập tấn công Kontum, Dakto, Tân Cảnh, đèo Mang Yang và nhắm cắt đứt quốc lộ 1 nơi giáp ranh 2 tỉnh Quảng Ngãi và Bình Ðịnh. Với chủ đích tách rời vùng I khỏi lãnh thổ miền Nam để Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam có đất, có dân và có thế đứng thương thuyết.

A. Tương quan lực lượng

Lực lượng Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa tại vùng I Chiến thuật phía Bắc đèo Hải Vân gồm có: Sư đoàn 1 Bộ binh trách nhiện lãnh thổ tỉnh Thừa Thiên và thị xã Huế, Sư đoàn 3 Bộ binh, Lữ đoàn 1 KỮ binh với Thiết đoàn 2O chiến xa M-48, Lữ đoàn 147 và 258 Thủy Quân Lục Chiến và lực lượng Ðịa Phương quân Nghĩa quân. Trách nhiệm tỉnh Quảng Trị và thị xã Ðông Hà rộng trên 3OO dặm vuông. Hai Lữ đoàn Thủy Quân Lục Chiến được đặt dưới quyền điều động hành quân của Bộ Tư lệnh Sư đoàn 3, một đại đơn vị tân lập, vừa hoàn tất chương trình huấn luyện đơn vị trước đó 6 tháng, chưa có kinh nghiệm nhiều về hành quân từ cấp Trung đoàn trở lên và phối hợp hỏa lực hành quân liên quân binh chủng. Các đơn vị tại giới tuyến được phối trí như sau: Trung đoàn 57/Sư đoàn 3 Bộ binh tại các căn cứ A1, A2, A3 và C1 (Gio Linh). Trung đoàn 2/Sư đoàn 3 Bộ binh tại A4 (Cồn Thiện), Fuller, C2 và C3. Trung đoàn 56/Sư đoàn 3 Bộ binh tại Cam Lộ, Khe Gió và Carrol (Tân Lâm). Lữ đoàn 147 Thủy Quân Lục Chiến tại 4 cứ điểm: núi Bá Hô, Sarge, Holcomb và Mai Lộc. Lữ đoàn 258 Thủy Quân Lục Chiến trừ bị tại những cứ điểm Pedro (Phượng Hoàng), Anne, Jane, Barbara và Nancy. Lực lượng Ðịa Phương quân Nghĩa quân phụ trách các đồn bót và cầu cống, dưới quyền điều động chiến thuật của Tiểu khu Quảng Trị. Ba Liên đoàn 1, 4 và 5 Biệt Ðộng quân được tăng cường sau khi nhiều vị trí của Sư đoàn 3 Bộ binh và Thủy Quân Lục Chiến tại Ðông Hà và Quảng Trị thất thủ.

Ðể chuẩn bị cho cuộc đại tấn công này, Cộng sản Bắc Việt đã được viện trợ từ Nga sô và Trung cộng một số lượng vũ khí tối tân khổng lồ chỉ riêng trong hai năm 70 và 71 các loại chiến đấu cơ MIG 19 và 21, hỏa tiễn địa không SA-2, chiến xa T-54, T-55 và chiến xa lội nước PT-76, đại bác 13O và 152 ly, hỏa tiễn 122 ly, súng cối 16O ly, đại liên phòng không 23 và 57 ly, hỏa tiễn tầm nhiệt SA-7 chống phi cơ, hỏa tiễn AT-3 chống chiến xa và nhiều vũ khí cá nhân hiện đại khác đã được vận chuyển qua Bắc Việt. Tướng Võ Nguyên Giáp đã tung chủ lực 14 Sư đoàn chính quy Cộng Sản Bắc Việt, 26 Trung đoàn biệt lập và các đơn vị trợ chiến khác vào chiến dịch này. Tại vùng I Chiến thuật, Cộng sản Bắc Việt tấn công bằng 3 Sư đoàn 3O4, 3O8, 324, Mặt trận B5 (4 Trung đoàn), 1 Trung đoàn hỏa tiễn, 4 Trung đoàn Pháo binh, 3 Trung đoàn Chiến xa và 2 Trung đoàn biệt lập địa phương. Trong tháng 4 và 5/72, hai Sư đoàn 32O và 325 từ Bắc Việt xuống và Sư đoàn 312 từ Lào về tăng cường tấn công Cam Lộ, La Vang, Hải Lăng và thành phố Quảng Trị. Tương quan lực lượng giữa ta và địch là 1 chống 4.

B. Diễn tiến cuộc tấn công

Ngày 3O/3/72, lúc 11 giờ sáng tại tuyến phòng thủ phía Tây, 2 cứ điểm Sarge và núi Bá Hô của Tiểu đoàn 4 Thủy Quân Lục Chiến phát hiện Cộng sản Bắc Việt điều động quân ào ạt. Pháo binh bạn được yêu cầu bắn tiêu diệt và ngăn chận. Cùng một lúc, Tiểu đoàn 8 Thủy Quân Lục Chiến tại cứ điểm Holcomb bị pháo kích và tấn công. Ðúng 12 giờ trưa, chủ lực Cộng sản Bắc Việt trên 45,OOO quân đã kể trên được pháo 13O ly, hỏa tiễn 122 ly, hỏa tiễn địa không SA-2 yểm trợ, đã đồng loạt vượt qua vùng phi quân sự Bến Hải và từ hướng Tây Bắc Quảng Trị mở 3 mũi dùi tấn công phòng tuyến của Sư đoàn 3 Bộ binh và Lữ đoàn 147 Thủy Quân Lục Chiến.

Trước đó, từ 8 giờ sáng, Chuẩn tướng Vũ Văn Giai, Tư lệnh Sư đoàn 3 Bộ binh cho lệnh hoán đổi khu vực hoạt động của 2 Trung đoàn 2 và 56 Bộ binh trùng vào ngày giờ Cộng sản Bắc Việt điều quân mở cuộc tấn công mặc dù ông đã được Phòng 2 Quân đoàn 1 và cố vấn Hoa Kỳ báo động trước là sẽ có cuộc tấn công lớn của Cộng sản Bắc Việt. Trong cuốn "Easter Offensive" của Gerry H. Turley, một Trung tá Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ hồi hưu đã cho biết thêm một chi tiết: "Theo chương trình, vào trưa ngày 30/3, Tướng Giai và vị cố vấn Mỹ sẽ bay về Sài Gòn nghỉ lễ Phục Sinh cuối tuần, mặc dù việc hoán đổi vị trí của 2 Trung đoàn đến 6 giờ chiều mới hoàn tất..."

Khi Cộng sản Bắc Việt mở màn cuộc tấn công và pháo kích, 60% lực lượng của 2 Trung đoàn 2 và 56 Bộ binh đang trên đường di chuyển hoán đổi, đã không kịp phản ứng, tuyến phòng thủ nhiều nơi bị bỏ ngỏ. Hỏa lực Pháo binh Cộng sản Bắc Việt đã gây tổn thất và kinh hoàng cho dân chúng thuộc 3 quận lỵ giới tuyến, khiến trên 50,000 đồng bào bỏ nhà cửa, chợ búa, ruộng vườn, đổ dồn ra quốc lộ 1 và 9 để chạy giặc về hướng thành phố Quảng Trị phía Nam. Chiến xa T-54 và chiến xa lội nước PT-76 vượt sông Bến Hải bắn phá, gây kinh hoàng và bất ngờ cho binh sĩ trú phòng tuyến đầu. Trong 24 giờ đầu của cuộc tấn công, trên 5,000 đạn pháo binh, hỏa tiễn và súng cối đủ loại của địch được bắn vào 12 căn cứ hỏa lực và phòng thủ chính của quân bạn. Hai căn cứ hỏa lực lớn của Sư đoàn 3 Bộ binh và Thủy Quân Lục Chiến tại Carrol và Mai Lộc bị pháo nặng nề và liên tục nên không thể yểm trợ được cho quân bạn và phản pháo. Thời tiết trong mấy ngày đầu cuộc chiến rất bất lợi cho các đơn vị Việt Nam Cộng Hòa. Trần mây thấp và mưa gió, phi cơ chiến thuật, quan sát và trực thăng tiếp tế tản thương Việt Nam và Hoa Kỳ đã không hoạt động được. Tính đến 6 giờ chiều ngày 30/3, hai vị trí của Tiểu đoàn 4 Thủy Quân Lục Chiến tại 2 cứ điểm Núi Bá Hô và Sarge bị pháo kích trên 600 quả đại bác và hỏa tiễn đủ loại, 70% công sự phòng thủ bị phá hủy, nhiều binh sĩ tử thương và bị thương. Mười giờ bốn lăm đêm 31/3 địch tràn ngập căn cứ Sarge, 4 giờ sáng ngày 1/4 Bộ Chỉ huy Lữ đoàn mất liên lạc với Tiểu đoàn 4 Thủy Quân Lục Chiến tại núi Bá Hô. Ðây là 2 vị trí Thủy Quân Lục Chiến đầu tiên mất về tay Cộng sản Bắc Việt trong 48 giờ đầu của cuộc chiến.

Trong ngày 3O/3, Bộ Tư lệnh Quân đoàn 1 điều động Tiểu đoàn 7 Thủy Quân Lục Chiến từ Ðà Nẵng ra tăng cường mặt trận Quảng Trị (căn cứ Mai Lộc) cho Lữ đoàn 147. Ðồng thời Tiểu đoàn 3 Thủy Quân Lục Chiến thuộc Lữ đoàn 258 phòng thủ cứ điểm Nancy phía Bắc sông Mỹ Chánh được điều động lên Ðông Hà và giữ an ninh quốc lộ 9 từ Ðông Hà đến Cam Lộ. Ngày 31/3, bộ Chỉ huy Lữ đoàn 258 Thủy Quân Lục Chiến được điều động lên căn cứ Ái Tử, nơi đặt bản doanh của Bộ Tư lệnh Sư đoàn 3 Bộ binh, liền bị pháo kích trên 8OO trái pháo 13O ly và hỏa tiễn 122 ly. Tiểu đoàn 6 Thủy Quân Lục Chiến từ căn cứ Barbara lên tăng cường và phòng thủ căn cứ Ái Tử. Trong đêm, Tướng Giai cùng với một số sĩ quan tham mưu Sư đoàn triệt thoái về Cổ thành Quảng Trị, không còn liên lạc trực tiếp với các đơn vị cơ hữu và tăng phái. Việc phối hợp điều quân và yểm trợ hỏa lực phi pháo tạm thời do Bộ Chỉ huy Lữ đoàn 258 Thủy Quân Lục Chiến và toán cố vấn Hoa Kỳ do Trung tá Gerry H. Turley, cố vấn phó Sư đoàn Thủy Quân Lục Chiến bị kẹt tại đây khi ông vừa từ Sài Gòn ra thăm các cố vấn Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ và các đơn vị Thủy Quân Lục Chiến Việt Nam.

Qua ngày 1/4 chiến trường càng trở nên sôi động. Dưới áp lực nặng nề của quân Cộng sản Bắc Việt, 1O giờ 45 sáng, căn cứ Cồn Thiện (A4) triệt thoái, 14 giờ 5O chiều các căn cứ Fuller (Trung đoàn 2 Bộ binh), Khe Gió (Trung đoàn 56 Bộ binh) và Holcomb (Thủy Quân Lục Chiến) rút bỏ. Dân chúng chạy giặc, xe cộ và binh sĩ bỏ ngũ mang theo gia đình, gây cản trở việc điều quân và lưu thông trên quốc lộ 9 và 1. Tiền sát pháo binh Cộng sản trà trộn vào đám đông để điều chỉnh pháo vào các vị trí Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Ðịch xử dụng những máy truyền tin thu được của những đơn vị thất trận để quấy phá hệ thống liên lạc của ta và cho những lệnh giả làm xáo trộn việc điều quân, gây hỗn loạn thêm cho binh sĩ.

Ngày 2/4, Bộ Tư lệnh Sư đoàn 3 dồn nổ lực để gom quân và thiết lập hệ thống phòng thủ mới dọc theo tuyến Cửa Việt, Ðông Hà, Cam Lộ, Carrol, Mai Lộc và Phượng Hoàng. Hai căn cứ hỏa lực Carrol và Mai Lộc tiếp tục bị pháo kích nặng nề. Chiến xa Bắc Việt trực tiếp tham chiến vào lúc 9 giờ sáng, một lực lượng chiến xa T-54 khoảng 2O chiếc từ hướng Bắc tiến về Ðông Hà theo quốc lộ 1. Một trục chiến xa lội nước PT-76 khác ở hướng Ðông tiến dọc theo bờ biển về hướng Cửa Việt. Tình hình căng thẳng, Tiểu đoàn 3 Thủy Quân Lục Chiến được lệnh tử thủ Ðông Hà "bằng mọi giá". Toán chống chiến xa trang bị đại bác 1O6 ly của Tiểu đoàn 6 Thủy Quân Lục Chiến từ Ái Tử được điều động lên tăng cường tại Ðông Hà. Lần đầu tiên trong cuộc chiến Việt Nam, lực lượng Bộ binh Cộng sản Bắc Việt với chiến xa T-54 và PT-76 yêm trợ trực diện với Thủy Quân Lục Chiến có đại bác 1O6 ly và M-72 chống chiến xa. Hải pháo của Hạm đội 7 yểm trợ bắn vào 2 đoàn chiến xa. Kết quả, một số chiến xa bị trúng đạn, gây nhiều tiếng nổ phụ và 4 cột khói cùng đám cháy lớn. Thời tiết tương đối tốt, phi cơ A1 và A37 của Không quân Việt Nam bay lên oanh tạc chính xác vào 2 đoàn chiến xa địch, phá hủy 11 chiếc, 1 chiếc A1 bị hỏa tiễn địa không SA-2 bắn rơi, phi công nhảy dù ra được nhưng lại rơi về phía Bắc cầu Ðông Hà, trước những cặp mắt nhìn vô vọng của quân bạn. Ðể đề phòng chiến xa Bắc Việt vượt qua cầu Ðông Hà, toán Công binh Chiến đấu Thủy Quân Lục Chiến dưới hỏa lực che chở của Bộ binh đã can đảm đặt trên 5OO cân Anh thuốc nổ dưới chân cầu Ðông Hà và cầu xe lửa gần đó. Ðúng 16 giờ 3O chiều cùng ngày, 2 chiếc cầu này đã được giật sập, ngăn cản mưu toan tiến xuống phía Nam của Cộng sản Bắc Việt.

Một biến cố xảy ra trong ngày 2/4 gây chấn động không ít đến tinh thần chiến đấu của các chiến sĩ vùng hỏa tuyến: Căn cứ hỏa lực Carrol cách vùng phi quân sự 13 cây số, sau 3 ngày liên tiếp bị pháo và đã bị mất về tay địch sau khi cố vấn Mỹ được trực thăng bốc đi. Ðúng 14 giờ 3O chiều, cờ trắng được dựng lên tại căn cứ Carrol, Trung tá Phạm Văn Ðịnh, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 56 Bộ binh đã liên lạc với địch xin hàng, cùng với gần 15OO binh sĩ và 22 khẩu pháo, trong đó có 4 khẩu đại bác 175 ly, 1O khẩu 1O5 ly của Pháo đội Thủy Quân Lục Chiến, phần còn lại là Pháo đội 155 ly và 1O5 ly của Sư đoàn 3 Bộ binh. Ngày hôm sau, qua làn sóng điện của đài phát thanh Hà Nội và Mặt trận Giải phóng miền Nam, người ta nghe được tiếng nói của Trung tá Ðĩnh kêu gọi chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa đầu hàng.

Về phía Thủy Quân Lục Chiến, Tiểu đoàn 4 bị tổn thất nặng trong đêm 3O/3 khi triệt thoái khỏi 2 căn cứ Bá Hô và Sarge. Ðến 18 giờ chiều ngày 2/4 thì liên lạc lại được với Bộ Chỉ huy Lữ đoàn 147 và về tập trung tại căn cứ Mai Lộc cùng với Thiếu tá Walter Boomer, cố vấn trưởng Tiểu đoàn (sau này ông là Trung tướng Tư lệnh chỉ huy 2 Sư đoàn Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ trong trận chiến vùng Vịnh đầu năm 91). Sau khi căn cứ Carrol đầu hàng, căn cứ Mai Lộc, nơi đặt Bộ chỉ huy của Lữ đoàn 147 đã trở thành tuyến đầu, liên tục bị pháo kích và tấn công. Ðược lệnh tái phối trí, Pháo đội 1O5 ly sau khi bắn hết đạn đã được phá hủy bằng chất nổ, 1O giờ tối Bộ chỉ huy Lữ đoàn 147 và Tiểu đoàn 4 bỏ Mai Lộc triệt thoái về Ðông Hà. Sáng ngày hôm sau Lữ đoàn 147 được lệnh di chuyển về tuyến sau tái tổ chức. Sau 4 ngày tấn công của Cộng sản Bắc Việt, lực lượng Việt Nam Cộng Hòa tại giới tuyến đã mất 53 khẩu trọng pháo đủ loại, trên 7,000 binh sĩ tử thương, bị thương, bị bắt và thất lạc đơn vị. Hầu hết các căn cứ phòng thủ bị mất, ngoại trừ các vị trí của Lữ đoàn 258 TQLC với các Tiểu đoàn 1, 3, 6 tại Phượng Hoàng, Ái Tử và Ðông Hà.

Về phía Hoa Kỳ, hỏa lực của Không quân Chiến lược (B-52) và Chiến thuật đã tăng cường cấp thời oanh tạc các vị trí tập trung quân Cộng sản tại giới tuyến và tại Bắc Việt. Ngày 3/5, hai hàng không mẫu hạm Kitty Hawk và Coral Sea tiến vào hải phận Việt Nam hợp lực với hai hàng không mẫu hạm Hancock và Constellation hiện có trong vùng, tăng số phi cơ oanh tạc của Hải quân lên 275 chiếc và 25O chiếc khác của Không quân từ Ðà Nẵng và Thái Lan, tạo nên một hỏa lực không trợ hùng hậu chưa từng thấy kể từ sau cuộc oanh tạc Bắc Việt năm 1968.

Thời gian từ ngày 3 đến 8/4, một mặt các đơn vị Bộ binh bạn tái phối trí chung quanh căn cứ Ái Tử và thị xã Quảng Trị, mặt khác Tiểu đoàn 3 Thủy Quân Lục Chiến vẫn án ngữ tuyến phòng thủ phía Bắc, đẩy lui nhiều cuộc tấn công của Bắc Việt, bắn cháy 3 chiến xa PT-76 khi chúng mưu toan vượt qua sông Cửa Việt và Ðông Hà. Ngày 3/4 Bộ Tổng Tham Mưu không vận Bộ Tư lệnh Sư đoàn Thủy Quân Lục Chiến, Bộ Chỉ huy Biệt Ðộng quân và Lữ đoàn 369 Thủy Quân Lục Chiến từ Sài Gòn ra tăng cường Quân đoàn 1. Bộ Tư lệnh Sư đoàn Thủy Quân Lục Chiến đặt trong Thành nội Huế. Lữ đoàn 369 trừ bị và phòng thủ tại các căn cứ Nancy, Jane, Evan và phòng tuyến Mỹ Chánh, ranh giới giữa hai tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên. Mặc dù toàn bộ lực lượng của Sư đoàn Thủy Quân Lục Chiến đã có mặt tại giới tuyến, nhưng 2 trong 3 Lữ đoàn vẫn đặt dưới quyền điều động trực tiếp của Bộ Tư lệnh Sư đoàn 3 Bộ binh, một sai lầm quan trọng về chiến thuật khi xử dụng toàn bộ một Sư đoàn Tổng trừ bị của Bộ Tư lệnh Quân đoàn I, để 2 tháng sau khi Tướng Ngô Quang Trưởng thay thế Tướng Hoàng Xuân Lãm mới được điều chỉnh lại. Do đó, đã có nhiều trường hợp các đơn vị Thủy Quân Lục Chiến và Biệt Ðộng quân chỉ thi hành lệnh của Bộ Tư lệnh Sư đoàn 3 Bộ binh sau khi đã được chấp thuận từ cấp chỉ huy đơn vị gốc.

Các Sư đoàn Cộng sản Bắc Việt vẫn tiếp tục hướng các mũi tấn công vào thị xã Quảng Trị. Vì cầu Ðông Hà đã bị giật sập, Bộ binh và chiến xa Bắc Việt đã qua sông bằng cầu Cam Lộ phía Tây. Từ đó, một cánh quân tiến chiếm Ðông Hà, Cửa Việt và theo quốc lộ 1 tiến về hướng Nam. Một cánh quân khác tiến về hướng Nam theo tỉnh lộ 558 và 557 qua những cứ điểm vừa chiếm được như Carrol, Mai Lộc, Holcomb để tấn công căn cứ Phượng Hoàng và thị xã Quảng Trị từ hướng Tây.

Sáng ngày 9/4, hai Tiểu đoàn Bắc Việt phối hợp với chiến xa T-54 tấn công Tiểu đoàn 6 Thủy Quân Lục Chiến tại căn cứ Phượng Hoàng (Pedro). Nhờ Pháo binh Thủy Quân Lục Chiến từ căn cứ Ái Tử yểm trợ hữu hiệu, quân bạn đã chặn đứng nhiều đợt xung phong. Trận xa chiến tuyệt vời trên đồi Phượng Hoàng giữa đoàn Cọp Biển có hỏa tiễn chống chiến xa M-72 với quân Cộng sản Bắc Việt tháp tùng chiến xa tại địa điểm 1O cây số Tây Nam Quảng Trị thọc mũi dùi tấn công vào thị xã này. Lữ đoàn 258 Thủy Quân Lục Chiến điều động 2 Ðại đội của Tiểu đoàn 1 Thủy Quân Lục Chiến từ Ái Tử cùng với Thiết đoàn 2O chiến xa M-48 và thiết vận xa M-113 tăng cường cho Tiểu đoàn 6 Thủy Quân Lục Chiến. Cuộc phản công phối hợp diễn ra ác liệt và phần thắng lợi nghiêng hẵn về phía liên quân Pháo binh, Thiết Giáp, Không quân và Thủy Quân Lục Chiến. Phi cơ Skyraider Việt Nam lên yểm trợ kịp thời bắn cháy nhiều chiến xa. Các binh sĩ Thủy Quân Lục Chiến lên tinh thần, tiến gần dùng hỏa tiễn M-72 và đại bác không giật 1O6 ly bắn cháy nhiều chiến xa T-54. Sau hơn 2 giờ tử chiến, 13 trong số 16 chiếc T-54 bị bắn cháy tại chỗ, 3 chiếc còn lại bỏ chạy về hướng thung lũng Ba Lòng bị Pháo binh ta bắn chận đầu. Quá hoảng sợ, xạ thủ và người điều khiển chiến xa bỏ chạy thoát thân, để lại 2 chiếc t-54 còn nguyên tại chỗ, được Thủy Quân Lục Chiến lái về căn cứ Ái Tử (sau đó được đưa về Sài Gòn triển lãm cho dân chúng xem cùng với các chiến lợi phẩm khác). Ðịch để lại trận địa 157 xác chết với toàn bộ vũ khí.

Hai ngày 1O và 11/4, quân Cộng sản Bắc Việt mở thêm nhiều đợt tấn công vào căn cứ Phượng Hoàng nhưng bị Pháo binh và lực lượng phòng thủ đẩy lui, để lại 211 xác chết và nhiều vũ khí. Tài liệu tịch thu được cho biết 2 Trung đoàn của Sư đoàn 3O4 Cộng sản Bắc Việt có nhiệm vụ đánh chiếm căn cứ Phượng Hoàng và Ái Tử. Qua trận chiến phía Tây Bắc giới tuyến này chứng tỏ vũ khí của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa (Thủy Quân Lục Chiến) có dư khả năng chống trả lại những vũ khí và chiến xa Nga sô và Trung cộng trang bị cho quân Bắc Việt. Kinh nghiệm xương máu của các chiến sĩ Cọp Biển Tiểu đoàn 6 Thủy Quân Lục Chiến, lần đầu tiên dùng hỏa tiễn M-72 hạ chiến xa địch đã được Bộ Tổng Tham Mưu Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa phổ biến đến toàn quân đang chiến đấu trên các mặt trận. Kể từ đó, chiến xa Bắc Việt không còn là một yếu tố mới meủ lợi hại trên trận địa và chiến thuật tấn công theo thế chân vạc Pháo - Bộ - Xa.

Ngày 23/4 Lữ đoàn 147 Thủy Quân Lục Chiến với 2 Tiểu đoàn 4 và 8 và Tiểu đoàn 2 Pháo binh Thủy Quân Lục Chiến sau một thời gian nghỉ dưỡng quân đã thay thế vùng trách nhiệm của Lữ đoàn 258 phía Tây căn cứ Ái Tử và tiếp nhận thêm Tiểu đoàn 1 Thủy Quân Lục Chiến đang phòng thủ tại căn cứ Phượng Hoàng. Lữ đoàn 258 và 2 Tiểu đoàn 3 và 7 về Huế tái bổ xung. Trong thời gian này, Trung đoàn 57 Bộ binh, Lữ đoàn 1 KỮ binh, 2 Liên đoàn 4 và 5 Biệt Ðộng quân phòng thủ tuyến Ðông Hà phía Bắc và mặt Ðông căn cứ Ái Tử đến bờ Bắc sông Thạch Hãn. Liên đoàn 1 Biệt Ðộng quân phòng thủ thị xã Quảng Trị, lập phòng tuyến tại bờ Nam sông Thạch Hãn.

Ðêm 26/4, sau nhiều đợt pháo kích, Sư đoàn 3O4 Cộng sản Bắc Việt cùng với chiến xa đã mở nhiều mũi dùi tấn công Lữ đoàn 147 Thủy Quân Lục Chiến. Hai Tiểu đoàn 1 và 8 Thủy Quân Lục Chiến đẩy lui nhiều đợt tấn công, bắn cháy 12 chiến xa T-54. Ngày hôm sau, tuyến phòng thủ của Thủy Quân Lục Chiến phải thu hẹp lại, chỉ còn cách Ái Tủ từ 2 đến 3 cây số. Ðêm 27, pháo binh Cộng sản bắn trúng kho đạn Ái Tử phá hủy phần lớn đạn dược dự trữ. Ngày 28, địch đè nặng áp lực lên lực lượng Biệt Ðộng quân tại Ðông Hà khiến đơn vị này phải lui quân về Ái Tử phòng thủ mặt Ðông tiếp giáp với Tiểu đoàn 8 Thủy Quân Lục Chiến, trong khi đó, Trung đoàn 57 Bộ binh đã triệt thoái về Quảng Trị. Ðêm 29 địch liên tiếp pháo kích và tấn công vào phòng tuyến của Thủy Quân Lục Chiến và Trung đoàn 2 Bộ binh ở phía Tây và Tây Nam căn cứ Ái Tử. Sáng hôm sau, các chiến xa M-48 tăng phái cho Biệt Ðộng quân được điều động qua mặt trận phía Tây của Thủy Quân Lục Chiến. Vì thiếu phối hợp, lực lượng Biệt Ðộng quân nghĩ rằng đơn vị Thiết giáp rút lui nên cũng đã triệt thoái về Quảng Trị. Chỉ còn lại Lữ đoàn 147 Thủy Quân Lục Chiến phòng thủ căn cứ Ái Tử, hai mặt Bắc và Ðông bị bỏ trống. Trưa ngày 3O/4 Lữ đoàn 147 Thủy Quân Lục Chiến được lệnh rút khỏi Ái Tử về phòng thủ thị xã Quảng Trị. Kế hoạch triệt thoái được bảo mật và thi hành tốt đẹp, nhưng cũng vì thiếu phối hợp, toán Công binh Sư đoàn 3 Bộ binh đã đặt chất nổ làm sập cầu Quảng Trị trên quốc lộ 1 và cầy xe lửa bắc ngang sông Thạch Hãn trước khi đoàn xe của Tiểu đoàn 2 Pháo binh Thủy Quân Lục Chiến với 12 khẩu pháo 1O5 đi qua. Ðoàn xe và súng kẹt lại ở bờ Bắc đã được phá hủy tại chỗ. Ba Tiểu đoàn 1, 4 và 8 Thủy Quân Lục Chiến vượt sông Thạch Hãn an toàn, chiếm giữ các vị trí phòng thủ trong thị xã Quảng Trị.

Sáng ngày 1/5 Bộ Tư lệnh Sư đoàn 3 Bộ binh thông báo cho các đơn vị trú phòng nguồn tin: "5 giờ chiều địch sẽ pháo trên 1O,OOO đạn pháo binh và hỏa tiễn vào thị xã Quảng Trị" và cho lệnh các đơn vị lui quân khỏi thành phố để tránh pháo. Từ lệnh lui quân tránh pháo đã đưa đến cảnh rút lui hỗn loạn, kéo theo hàng vạn đồng bào tản cư về Huế theo quốc lộ số 1. Vào giữa trưa, Bộ Tham mưu Sư đoàn 3 Bộ binh và 3 cố vấn Hoa Kỳ (16 cố vấn Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ vẫn ở lại với các đơn vị Thủy Quân Lục Chiến Việt Nam) đã được 3 trực thăng CH-54 bốc đi từ Cổ thành Quảng Trị để lại phía sau các đơn vị thuộc quyền "tùy nghi ứng biến", đánh dấu một ngày đầy bi thảm cho các đơn vị và đồng bào đang kẹt tại thị xã Quảng Trị.

Quốc lộ 1, quãng đường từ gần quận Hải Lăng, cách Quảng Trị hơn 1O cây số phía Nam, bị mất an ninh nhiều ngày trước. Ðoàn quân triệt thoái không đội hình, quân xa các loại và đồng bào chạy loạn bị địch phục kích tấn công, gây thiệt hại thảm khốc. Hàng trăm chiến xa, xe vận tải quân sự, xe hàng, xe tư nhân đủ loại bị bắn cháy, đậu ngỗn ngang trên quốc lộ và 2 bên đường. Quân nhân và đồng bào lớn bé già treủ chết thảm, nằm chồng chất lên nhau trên đường, dưới ruộng. Một phóng viên ngoại quốc chứng kiến thảm cảnh, khi thuật lại đã đặt tên cho quãng đường này là "Ðại lộ kinh hoàng".

Vào lúc 14 giờ 3O chiều, Lữ đoàn 147 Thủy Quân Lục Chiến với 4 Tiểu đoàn và gần 3O chiến xa, thiết vận xa còn lại của Lữ đoàn Kỵ binh, khởi sự triệt thoái khỏi Quảng Trị về Huế theo quốc lộ 1. Thêm nhiều quân nhân thất lạc đơn vị và đồng bào đi theo đoàn quân này, gây trở ngại không ít khi điều quân và giao tranh với địch. Lực lượng Thủy Quân Lục Chiến đã đụng độ suốt đêm với một Trung đoàn Cộng sản Bắc Việt tại Hải Lăng, nhiều quân nhân và đồng bào tháp tùng đã tử thương trong trận giao tranh này. Nhờ hỏa lực mạnh mẽ của Thiết giáp, địch đã rút lui vào buổi trưa hôm sau. Lữ đoàn 147 Thủy Quân Lục Chiến, chiến xa và đoàn người chạy giặc đã đến Mỹ Chánh, nơi Lữ đoàn 369 Thủy Quân Lục Chiến án ngữ. Ðến chiều tối địch pháo nặng nề vào tuyến phòng thủ Mỹ Chánh. Sáng sớm ngày 3/5 quân Bắc Việt với chiến xa yểm trợ tấn công cầu Ðập Ðá trên sông Mỹ Chánh do Tiểu đoàn 9 Thủy Quân Lục Chiến án ngữ. Kết quả 17 chiến xa bị bắn cháy, trên 5OO xác địch để lại trận địa. Quân Bắc Việt đã tiến gần phòng tuyến phía Bắc Mỹ Chánh và ngăn chận tất cả các ngã đường dân chúng di tản về hướng Nam.

C. Ðoạn kết

*Hai Lữ đoàn 147 và 258 Thủy Quân Lục Chiến đã bị tổn thất nặng nề trong giai đoạn I, nhất là tại mặt trận phía Tây, nhưng các đơn vị vẫn giữ được đội hình và tổ chức. Nhờ đó, đã tạo được thời gian trì hoãn và truy cản cần thiết để Bộ Tổng Tham Mưu tại Sài Gòn và Bộ Tư lệnh Quân đoàn I tại Ðà Nẵng tái phối trí lực lượng và phản công sau này. Riêng Lữ đoàn 369 Thủy Quân Lục Chiến đã làm tròn nhiệm vụ phòng thủ tuyến Mỹ Chánh, nhờ đó các đơn vị bạn, những quân nhân thất lạc đơn vị và đồng bào chạy giặc đến được vùng an toàn. Ðồng thời đã ngăn chận được âm mưu và nổ lực tiến chiếm thị xã Huế. Phòng tuyến Mỹ Chánh sau ngày 2/5 đã trở thành tuyến đầu của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa sau cuộc xâm lăng phi pháp của Cộng sản Bắc Việt vào cuối tháng 3/72. Và cũng từ phòng tuyến này, những đoàn quân dũng mãnh của Quân lực Việt Nam Cộng Hòa đã xuất phát để tái chiến vùng đất đã mất: Thị xã và Cổ thành Quảng Trị.

* Trong lúc tình hình khẩn trương, sau khi nhận định Tướng Lãm và bộ Tham mưu Quân đoàn I không còn khả năng và uy tín để chỉ huy những đại đơn vị thuộc quyền và tình hình quân sự vùng 4 Chiến thuật tương đối yên tĩnh nên ngày 1/5 Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu bổ nhiệm Trung tướng Ngô Quang Trưởng, Tư lệnh Quân đoàn 4 thay thế Tướng Lãm trong chức vụ Tư lệnh Quân đoàn I. Tướng Trưởng từng là Tư lệnh Sư đoàn 1 Bộ binh dưới quyền Tướng Lãm, linh cảm được sự thay thế này đã tuyển chọn trước một số sĩ quan thâm niên và kinh nghiệm cả chiến thuật và tham mưu để theo ông ra Vùng I. Ngày 4/5 Ðại tá Bùi Thế Lân, Tư lệnh phó được Tổng thống Thiệu bổ nhiệm lên chức vụ Tư lệnh Sư đoàn Thủy Quân Lục Chiến thay thế Trung tướng Lê Nguyên Khang về Bộ Tổng Tham Mưu giữ chức vụ Phụ tá Hành quân cho Tổng Tham Mưu trưởng. Kể từ ngày Thủy Quân Lục Chiến được tổ chức thành Sư đoàn vào đầu năm 7O, lần đầu tiên Bộ Tư lệnh Sư đoàn Thủy Quân Lục Chiến trực tiếp chỉ huy và điều động toàn bộ lực lượng trực thuộc trong một vùng trách nhiệm chiến thuật được giao phó.

* Ngày 4/5 trong khi Tổng thống Thiệu thăm viếng vùng hỏa tuyến, tờ "Pacific Stars and Stripes" của quân đội Hoa Kỳ vùng Thái Bình Dương đăng lá thư của Tướng Vũ Văn Giai bằng Anh ngữ, trong đó ông viết: "... Tôi chấp nhận hoàn toàn trách nhiệm trước lịch sử và pháp luật về cuộc triệt thoái này. Thị xã Quảng Trị đã hoang tàn đổ nát. Lương thực, đạn dược và nhiên liệu dự trữ đã cạn. Các đơn vị tác chiến đã quá mệt mỏi. Tôi thấy không còn lý do nào chính đáng để ở lại bảo vệ những hoang tàn đổ nát ấy. Tôi ra lệnh cho các đơn vị dưới quyền triệt thoái trong trật tự để tái cũng cố lực lượng, thiết lập phòng tuyến và mặt trận mới để tấn công lại đối phương nếu chúng vẫn còn duy trì cuộc chiến tranh đầy sai trái này..." * Ngày 5/2 Tổng thống Thiệu bổ nhiệm Chuẩn tướng Nguyễn Duy Hinh thay thế Tướng Giai trong chức vụ Tư lệnh Sư đoàn 3 Bộ binh vào lúc đơn vị chỉ còn lại chưa đầy 1/4 quân số (2700 người), trong khi đó, hơn 1000 quân nhân được dùng để tái thành lập Trung đoàn 56 Bộ binh. Sư đoàn 3 Bộ binh được lệnh tạm ngưng các cuộc hành quân đến cuối năm 72 để dồn nổ lực vào việc tái tổ chức và huấn luyện đơn vị.


Trung tá Trần Văn Hiển





















































































Free Web Hosting