Hồi Ký:

TRƯỜNG LỤC QUÂN TRẦN QUỐC TUẤN

Phạm Văn Liễu


.

Trường Lục Quân Trần Quốc Tuấn là trường võ bị của Việt Nam Quốc Dân Đảng. Trường chính thức khai giảng ngày 1-1-1946 tại Chapa thuộc tỉnh lào Kay. Chapa trước kia là một vùng trung tâm nghỉ mát vùng núi của người Pháp cũng giống như Đà Lạt ở cao nguyên miền Nam Việt Nam. Trong thời Đệ Nhị Thế Chiến, Chapa trở thành nơi tập trung của một số Pháp kiều có tư tưởng chống đối chế độ Vichy.

Cơ sở nhà trường đặt tại mộ căn cứ dưỡng quân của sĩ quan Pháp, nằm trên một dãy đồi cao. Từ đây có thể thấy rặng núi Fan Si Pan trùng điệp và biên giới Trung Hoa.

Khi chúng tôi tới trường, hai khóa A và B, được gọi là “Bộ Đội A” và “Bộ Đội B” đã nhập học được hơn hai tháng. Chúng tôi thuộc khóa C hay “Bộ Đội C”.

Ban Giám Đốc và ban Giảbg Huấn Trường Lục Quân Trần Quốc Tuấn gồm các sĩ quan người Nhật, bỏ ngũ trước và sau ngày quân đội Nhật đầu hàng Đồng Minh, đến giúp để đào tạo các sĩ quan tương lai của quân đội Quốc Dân Việt Nam. Đứng đầu là một vị Đại Tá (tôi không nhớ tên Nhật), nhưng ông lấy tên Việt là Trần Anh Hùng, thường được gọi là Cao Hùng. Kế đến là ông Trần Thanh Dân, hay “Cao Dân”, nguyên là một Trung tá làm Phó Giám Đốc.

Các vị giáo quan người Nhật đều lấy tên Việt Nam và chọn họ Trần. Người Nhật cho là trong lịch sử Việt Nam, binh nghiệp đời nhà Trần lẫy lừng nhất qua 3 lần đánh đuổi quân Mông Cổ ra khỏi đất nước. Tất cả đều hãnh diện khi chọn họ Trần.

Mỗi Bộ Đội do một ông Bộ Đội Trưởng trông coi. Mỗi Bộ Đội lại được chia thành bốn lớp, mỗi lớp gồm 25 ghóa sinh, do một vị giáo quan phụ trách. Bộ Đội Trưởng Bộ Đội A là ông Trần Trung Dũng, hay Cao Dũng, nguyên là Thiếu tá quâb đội Nhật. Bộ Đội Trưởng Bộ Đội B là ông Trần Anh Quốc hay Cao Quốc, cựu Thiếu T1 quân đội Nhật. Bộ Đội C của chúng tôi Bộ Đội Trưởng là ông Trần Trung Thần hay Cao Thần, cựu Thiếu tá quân đội Nhật. Giáo quan phụ trách lớp C-2 chúng tôi là ông Trần Trọng Năng hay Cao Năng, một cựu Trung Úy Nhật. Những tiếng “Cao” nọ, “Cao” kia, đặt trước tên qúi vị giáo quan là do sinh viên đặt ra. Vì Tây Phương hay mỉa mai người Nhật là “lùn” nên khóa sinh đặt cho các giáo quan họ “Cao” để tỏ lòng kính mến và cũng vì tính ưa vui đùa, bỡn cợt của người Việt.

Sĩ số toàn trường khoảng 300. Hầu hết khóa sinh là sinh viên, học sinh và thanh niên Hà Nội và các tỉnh miền Bắc. Ngoài ra, còn có các anh ở miền Trung và miền Nam được gửi đến theo học. Khóa sinh khi tới trường được cấp phát quân trang, quân dụng tạm đủ dùng trong thời gian huấn luyện. Về vũ khí, mỗi người được cấp phát hai khẩu súng trường, một súng thật với lưỡi lê và 200 viên đạn và một khẩu súng gỗ dài để tập đâm lưỡi lê hàng ngày. Chúng tôi còn được cấp phát một thahn kiếm gỗ để tập kiếm đạo.

Chương trình huấn luyện của Trường Lục Quân Trần Quốc Tuấn chia làm 3 giai đoạn: 3 tháng đầu khóa sinh phải học tập và sống y như một người lính; 3 tháng sau được huấn luyện để trở thành môt hạ sĩ quan; và 6 tháng cuối cùng để trở thành môt Kiến tập Sĩ Quan (như Chuẩn Úy).

Cuối mỗi giai đoạn, khóa sinh phải qua một kỳ thi lý thuyết và thực hành. Bài học giảng bằng tiếng Nhật, được các anh trong Ban Phiên Dịch dịch lại cho khóa sinh.

Trước khi đi ngủ, mỗi lớp phải xếp hàng ngoài sân, tập hát những bài hát của trường. Tiếng hô rất quan trọng trong quân đội Nhật, sĩ quan trước hàng quân phải hô thật cao giọng, gây sự chú trọng của quân sĩ, chúng tôi mỗi tối mỗi tập hô.

Cuối cùng là phải đọc và trả lờ i”bốn điều tu tỉnh”

Hai điều đầu tiên mà tôi vẫn còn nhớ là: “Hôm nay tôi có quên lễ nghĩa không"? “Hôm nay tôi có làm mất lòng dũng khí của tôi không?” Anh khóa sinh trực nhật ra hô và chúng tôi trong hàng nhắc lại và trả lời”không”cho mỗi câu.

Sau đó, khóa sinh được phép vào buồng ngủ.

Khóa sinh đóng khố đi ngủ cho nhẹ nhàng, thoải mái. Mỗi phòng ngủ, khóa sinh thay phiên nhau thức 1 tiếng đồng hồ trông cho các bạn ngủ, ai tung chăn ra, phải đến đắp lại cho bạn., cần thiết là phải đắp bụng cho thiệt ấm. Thỉnh thoảng có đêm giáo quan hay bộ dội trưởng, có khi, cả chu phiên sĩ quan, đi tuần thăm các phòng ngủ. Thấy khóa sinh nào thao thức không ngủ được, các ông ấy ngồi xuống bên cạnh, hỏi han, an ủi, khuyến khích và khuyên nhủ nên cố gắng ngủ để lấy sức mai còn phải tập. Trường hợp chu phiên sĩ quan đi tuần ban đêm, khóa sinh chu phiên hạ sĩ quan phải đi theo, để rõ tình trạng trường, đây là trách nhiệm của các khóa sinh lớp lớn, bộ đội A.

Trong ba tháng đầu, chương trình học tập chú trọng vào”súng và kiếm”, tập đánh lưỡi lê bằng súng gỗ có bịt bông ở đầu, mặc giáp mây và mặt nạ che mặt, đeo găng tay che tới quá cổ tay. Chúng tôi rất sợ những buổi tập này.

Đánh lưỡi lê chỉ dùng khi giao chiến hai bên đã sáp lá cà, lưỡi lê được gắn vào đầu súng trường, tìm cách đâm nhau. Người Nhật rất chú trọng vào phương pháp và kỹ thuật đánh lưỡi lê, nhất là đối với hàng binh sĩ.

Các khóa sinh lần lượt ra đánh với nhau, miệng thì hô lớn ‘ sát”, nhưng khi đánh thì nới tay sợ bạn đau. Giáo quan và huấn luyện viên đứng giám sát, thấy vậy, bèn đeo giáp, mang mặt nạ và găng tay vào, hô lớn bằng tiếng Việt”Thế này thì không được”. Các ông ấy mỗi người thay một khóa sinh và đánh với khóa sinh như có tính cách chỉ dẫn. Dù có mang giáp trước ngực, nhưng mỗi lần bị các ông ấy đâm trúng cũng đau ê ẩm, nhiều khi té bật ngửa xuống đất.

Bất cứ lúc nào đi tập có súng, dù chỉ là súng gỗ, thời gian nghỉ, học trò đứng trong hàng theo thế nghỉ, súng dựa vào tay, giáo quan hay bộ đội trưởng cầm kiếm đi chung quanh, nói chuyện vui vẻ, giảng về bài tập, bỗng một ông tới phía sau lưng học trò đang ở thế nghỉ, đánh vào khẩu súng cầm lơi, súng từ trong tay anh khóa sinh rơi xuống đất. Thế là, giáo quan tới đứng trước mặt khóa sinh bị rơi súng, anh này nhặt vội khẩu súng và bồng súng chào. Giáo quan nghiêm nét mặt hỏi:”Súng là cái gì?”Anh khóa sinh trả lời lớn tiếng:”Trình ông, súng là tinh thần số một của quân nhân.”Giáo quan hỏi lại:”

:”Tinh thần mà để rơi à? Xin lỗi ông súng đi.”Anh khóa sinh vừ bồng súng chào, mồm thì nói lớn:”Xin lỗi ông súng, xin lỗi ông súng”cho đến khi nào giáo quan cho phép thôi mới được ngưng.

Sáng nào đến giờ tập kiếm đạo, chúng tôi đem theo thanh kiếm gỗ đi tập, Thời gian nghỉ, học trò cầm kiếm theo tư thế nghỉ. Giáo quan cầm thanh kiếm thật của chính ông ta, đi đi lại lại nói chuyện, giảng bài, bỗng đột nhiên, đánh vào thanh kiếm gỗ của một học trò, thanh kiếm vì được cầm lơi trong lúc nghỉ, rơi xuống đất. Anh học trò bị đụng rơi kiếm vội cúi xuống nhặt vội thanh kiếm lên, bắt kiếm chào. Giáo quan đã đến đứng trước mặt, lớn giọng hỏi:”Kiếm là cái gì?”Anh khóa sinh đáp:”Trình ông, kiếm là tinh thần số 2 của quân nhân.”Giáo quan hỏi lại:”Tinh thần mà để rơi à?, xin lỗi ông kiếm đi.” Anh khóa sinh vẫn trong tư thế kiếm chào, mồm nói lớn”xin lỗi ông kiếm, xin lỗi ông kiếm.”cho đến khi nào giáo quan cho phép thôi mới ngưng.

Để cho khóa sinh làm quen và chịu đựng thời tiết mưa nắng, sương gió, thỉnh thoảng, tuần lễ một hai lần, buổi trưa, trời đang nắng chang chang, vừa ăn cơm trưa xong, chúng tôi cũng vừa vào phòng nằm ngủ trưa, giáo quan cầm kiếm chạy vào phòng, hô lớn:”Giậy đi, giậy đi”, chúng tôi thức giậy, đứng xếp hàng tại đầu giường. Giáo quan ra lệnh ra sân tập hợp, sau đó bắt chúng tôi chạy đều bước lên một ngọn đồi trọc sau trường, giang tay đứng hàng ngang, và nằm xuống cỏ, ông hô lớn:”ngủ đi, ngủ đi”, dưới ánh nắng mặt trời chói chang.

Có những đêm, không cứ trời mưa hay tạnh, chúng tôi đang ngủ trong phòng, giáo quan cầm kiếm chạy vào phòng hô lớn:”Giậy đi, giậy đi, tập hợp”. Khóa sinh vùng thức giậy, ra sân tập hợp. Giáo quan ra lệnh chạy đều bước lên ngọn đồi trọc sau trường, giang tay đứng hàng ngang, nảm xuống cỏ. Ông hô lớn:”ngủ đi, ngủ đi”có khi cả dưới mưa tầm tã. Giáo quan cũng làm các động tác y như khóa sinh. Như vậy khoàng hai tiếng đồng hồ, chúng tôi được lệnh đứng giậy, xếp hàng ngay ngắn, vừa đi vừa hát vang núi rừng trong đêm khuya, về phòng ngủ lại, lấy sức sáng mai đi tập.

Buổi sáng có một tiếng đồng hồ tập thể dục, khóa sinh thường tập môn”sumo”sau đứng hàng một thành vòng tròn, anh đằng sau đấm lưng cho anh đằng trước.

Tuần lễ một lần, cả bộ đội, xếp hàng chạy đều bước, vừa chạy vừa hô vừa hát, lên một khu rừng, đã thấy những cành cây được nhà bếp cưa sẵn và xếp đống. Tập thở, tập bài thể dục đã thuộc sẵn, gọi là”thể dục vô tuyến điện”, thường thì có loa gắn bốn phía, khóa sinh chu phiên hạ sĩ quan đứng trên bục có gắn máy phóng thanh, hô to khẩu hiệu bài tập thể dục. Khóa sinh đã thuộc lòng bài tập, nên tự động làm các động tác, hai lần cho mỗi động tác, có cả thẩy tám động tác cho bài tập. Sau đó khóa sinh được lệnh mỗi người vác một cành cây lên vai, chạy đều bước về lại trường, khi qua nhà bếp, ngừng lại xếp những cành cây thành những đống củi cho nhà bếp.

Đi học ngoài bãi, khóa sinh phải đem theo một chiếc bảng gỗ, dài khoảng 4 gang tay, rộng khoảng 3 gang tay, được đục hai lỗ chéo nhau ở hai góc bảng, buộc bằng một sợi giây choàng vào cổ, đeo bên cạnh sườn mặt, một túi da đựng sách vở, giấy bút. Khi giáo quan hay huấn luyện viên giảng bài, chúng tôi được lệnh giàn hàng ngang, ngồi xếp chân vòng tròn, để tấm bảng gỗ trên hai chân làm bàn viết, ghi chép những gì các ông ấy giảng và được các khóa sinh thông thạo tiếng Nhật trong ban thông dịch của trường, thông dịch lại cho khóa sinh. Thế ngồi phải ngồi thẳng lưng, khóa sinh nào ngồi lưng còng xuống sẽ bị các huấn luyện viên lấy đốc kiếm thúc vào lưng.

Các bài học về chiến thuật được tập trong các khu rừng chung quanh trường, khóa sinh được lệnh đem theo súng đạn thật, phòng khi có biến, giáo quan và huấn luyện viên mang kiếm như thường lệ.

Trong giai đoạn 1 khóa sinh được làm quen với khẩu súng trường đã được nhà trường cấp cho mình và tập bắn mỗi tuần một lần tại sân bắn đằng sau trường.

Giai đoạn 2, khóa sinh được thực tập với lựu đạn, súng tiểu liên, trung liên và đại liên, phần nhiều là đại liên có ống giảm nhiệt bằng nước.

Chúng tôi cũng được học về các súng bắn vòng, (mortier 50, 60 và 81 ly), nhưng vì khan hiếm đạn nên chỉ được học lý thuyết. Trường cũng có một khẩu sơn pháo 75 ly, nhưng khóa sinh chỉ được coi cách thức bắn do các hạ sĩ quan Nhật trình diễn, sau này Bộ đội B có một khóa sinh thuộc cách xử dụng được chỉ định làm xạ thủ với 2 khóa sinh do anh chỉ dẫn.

Trường cũng có một số ngựa dùng để tập cho khóa sinh, bộ đội B có một khóa sinh tên là Long, gia đình anh có nuôi ngựa đua nên anh có ít kinh nghiệm về chăm sóc ngựa. Anh tình nguyện chăm sóc trại ngựa cùng hai người bạn. Một anh tên Ngô Công Thăng, trước anh đã công tác tại chiến khu Di Linh trong Thanh Hóa, gia đình anh có đồn điền Dịa ngay cạnh chiến khu, có nuôi mấy con ngựa, nên anh rất quen cưỡi ngựa và chăm sóc, tắm rửa cho ngựa. Các bạn gọi đùa anh là Cao Thăng, vì anh rất giống người Nhật và thông thạo tiếng Nhật.

Có một bữa, chẳng hiểu anh Long làm thế nào trong trại ngựa, bị một con ngựa đá hậu té bật ngửa ra dằng sau, kêu la oai oái và phải đưa đến bệnh xá nhà trường cứu chữa. Từ đó anh được anh em gọi đùa là Long sến (sến có nghĩa là yếu như sên).

Thứ bẩy và chủ nhật khóa sinh được nghỉ, được phép ra ngoài phố. Khóa sinh muốn xuống phố phâi binh phục tề chỉnh, đem theo bình nước đầy, một khăn mặt trắng gấp gọn vắt cạnh sườn bên mặt. Khi đi ngang qua đồn canh phải vào trình diện, ghi tên và lớp vào cuốn sổ xuất trại, qua một cuộc khám xét của Chu phiên hạ sĩ quan, có khi là Chu phiên sĩ quan. Bình nước không đem theo hay nước không đầy cũng không được ra, khăn mặt trắng có vết dơ, hoặc quên mang theo, phải trở lại phòng lấy, rồi ra trình diện lại. Ra ngoài phố, chỉ được mua sắm các vật dụng, các trái cây, đặc biệt là chuối, đem về trường. Khóa sinh tuyệt đối không được la cà vào các tiệm ăn, tửu quán, nếu bị các đội tuần kiểm bắt gập sẽ bị giữ lại và dẫn về trường chịu phạt.

Nhân dân tỉnh Yên báy rất quý mến khóa sinh trường Lục quân Trần quốc Tuấn. Các cửa hàng đều giảm giá bán xuống một nửa khi thấy chúng tôi vào mua hàng. Các cửa hàng bán bánh trái đều bán một và biếu một cho chúng tôi.

Tối thứ bẩy, sau khi cơm chiều xong, khóa sinh đem tất cả thức ăn, quà bánh đã mua, bầy ra hàng hiên trước phòng ngủ, làm bữa vui chung, đặc biệt không rượu, chỉ có nước trà đường của nhà bếp. Giáo quan cũng góp phần của mình và tham dự tiệc vui mỗi tuần như vậy.

Thường ông Cao Năng, nguyên là một trung úy hải quân, ra nói vài lời khuyến khích khóa sinh cả lớp, ông ngâm thơ Nhật, hát và múa kiếm. Ông còn cho biết ông là giòng dõi một giòng họ Samurai của Nhật, ông có ý muốn thấy các khóa sinh của lớp sẽ trở thành các hiệp sĩ đối với dân tộc và đất nước Việt Nam hoặc sẽ trở thành các danh tướng trong quân đội Việt Nam anh hùng, như Đức Trần quốc Tuấn mà trường đã được vinh hạnh lấy tên ngài đặt cho trường.

Chúng tôi ngồi nghe vừa cảm động và vừa thấy được hun đúc ý chí, quyết tâm vượt qua mọi thiếu thốn, gian khổ và cực nhọc trong thời gian học tập. Khóa sinh trong những buổi vui như vậy cũng trình diễn các bài hát, vừa hát vừa vỗ tay, đóng kịch, và hòa mình vào cuộc vui.

Gần đến giờ đi ngủ, khóa sinh dọn dẹp sạch sẽ nơi tiệc vui, tập hát, tập hô và đọc bốn điều tu tỉnh như thường lệ, rồi vào phòng ngủ.

Hết một giai đoạn, có một kỳ thi, thực tập về tác chiến, về chỉ huy, về bài học lý thuyết, binh pháp. Bài thi được văn phòng ông Cao Dân, phó hiệu trưởng soạn và đưa ra. Vì trường nghèo nên không có lớp học với đầy đủ bàn ghế, bảng đen như hiện nay, nếu trời nắng khóa sinh được dẫn ra khu đồi sau trường, giàn hàng ngang cách nhau hai thước, ngồi xuống xếp chân vòng tròn, hạ tấm bảng gỗ làm bàn viết, nếu trời mưa buổi thi được tổ chức tại các hành lang của các dẫy nhà, cũng với thủ tục như trên.

Giáo quan đọc đầu bài thi, thông dịch viên dịch lại, xong khóa sinh cắm cúi làm bài của mình, cấm ngặt không được nói chuyện, không được lấy tài liệu sách vở ra coi, nếu bắt được sẽ bị phạt rất nặng. Có một điều là các bài làm của khóa sinh sẽ được chính ban giám đốc nhà trường chấm, theo đúng từng chữ, các dấu chấm, dấu phẩy từ các sách vở đã được ban tu thư dịch ra từ tiếng Nhật. Vì vậy các khóa sinh phải tôn trọng các dấu chấm, dấu phảy, các chữ thì, chữ mà trong bài làm., nếu không khi được trả lại bài sẽ thấy toàn nét sổ trên bài và ít nét khuyên.

Trong phòng tôi có 8 người, hai anh em anh Đặng quốc Cơ, Đặng quốc Cương, anh Trung được chúng tôi gọi là lão tướng Hoàng Trung, anh Từ, anh Hoàng Cường, anh Bình gọi là Bình mũi đỏ vì mũi anh lúc nào cũng đỏ, anh Trần Nam Trung, dược gọi là Trung ớt, ví anh chủ trương lên tới đây là phải ăn nhiều ớt để tránh bị sốt rét ngã nước, và tôi, Trần Sơn Nam.

Anh Cơ lấy bí danh là Thản, khi còn học ở Hà nội, anh đã là một huynh trưởng hướng đạo, tính tình rất hiền lành, trầm tĩnh và hay lo xa. Trong ba lô của anh lúc nào cũng đầy đủ các thứ thuốc chống sốt rét, chống đi lỵ, tiêu chảy, mấy ống thuốc”dagenan”, hồi đó được coi như thuốc quý trừ bá bệnh. Anh được các anh em rất quý mến vì tính hay giúp người.

Anh Đặng quốc Cương khác người anh, vóc dáng cao lớn, khỏe mạnh, sốc vác và nhanh nhẹn. Anh với tôi rất thân vì tính nết giống nhau. Cứ đêm tối, anh và tôi, hai thằng nghịch nhất lớp, rủ nhau lẻn ra khu rừng mít phía sau trường, trèo lên hái mít đem về trường, mang vào dấu trong phòng ngủ, ươm khi nào mít chín thơm lừng, đem ra cho cả phòng cùng ăn. Có một buổi, vì mùi mít chín thơm lừng, giáo quan vào phòng xét, thấy mấy trái mít còn được dấu. Giáo quan tập hợp cả phòng lại và hỏi mít của ai. Anh Cương và tôi đứng ra nhận và chịu phạt.

Thời gian đầu ở Yên Báy, tôi bị bệnh sốt rét ngã nước rất nặng, tóc rụng gần hết, không mọc lên được, tôi được đem ra nằm tại Quân Y Viện ngoài thị xã. Tại đây, tôi được chị Đặng mộng Khương, chị ruột cùa hai anh Đặng quốc Cơ và Cương săn sóc. Chị Khương rất tận tâm với trách vụ nữ điều dưỡng cho tất cả thương bệnh binh nằm tại viện.

Anh em rất quý mến và kính trọng chị. Tôi dần dần khỏi bệnh và đi lại được. Một bận được chích mấy ống Quinobleu, để diệt trừ bệnh sốt rét, tôi đi tiểu thấy nước tiểu mầu xanh, sợ quá chạy vào hỏi chị Khương, tại sao nước tiểu lại mầu xanh, chị cười và giảng giải cho tôi rõ, hễ chích quinobleu thì đi tiểu ra nước tiểu mầu xanh, Sơn Nam không nên sợ, bệnh sẽ hết và tuần sau có thể trở lại trường được rồi. Tôi ngượng quá, nhưng cám ơn chị ríu rít và đúng qua tuần lễ sau, tôi trở lại trường, tiếp tục học tập.

Thanh niên Hànội nô nức rủ nhau gia nhập Quốc Dân Đảng và lên học tại trường Lục Quân Trần Quốc Tuấn Yên Bái, nhất là từ ngày Quốc Gia Thanh Niên Đoàn được thành lập, tập hợp được 200 thanh niên. Tất cả được gửi lên huấn luyện tại trường Quân Chính Việt Trì. Tổng Bộ Việt Minh rất lo ngại. Hồ Chí Minh cho thành lập gấp ở Tông, Sơn Tây, một trường võ bị, cũng lấy tên là Lục Quân Trần Quốc Tuấn, mục đích là để tranh thủ thanh niên Hànội.

Ngày 22 tháng 5 năm 1946, trường Lục Quân Trần quốc Tuấn của Việt Minh ở Sơn Tây được khai giảng dưới sự chủ tọa của Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp.

Trong thời gian tại Chapa, trường đóng trong một căn trại nghỉ mát, của sĩ quan quân đội Pháp được xây cất trên một giẫy đồi, trông sang giẫy núi Fan Si Pan cao ngất, hùng vĩ. Đêm đứng gác, gió lạnh của núi rừng thổi về ào ào, sương mù bao phủ toàn cảnh vật.

Chapa đường phố không sung túc, sầm uất, nhộn nhịp như Yên Báy, tuy nhiên thức ăn ở đây sẵn và rẻ hơn Yên Báy. Dân chúng gồm một ít người kinh, còn toàn là dân tộc thiểu số, với các sắc dân, như Yao, Mán, Ú Lí, Lô Lô người Mèo thường ở trên núi cao,. Chapa được dân chúng trồng nhiểu đào, susu, khoai tây, nuôi heo, trâu, ít thấy bò.

Mùa đào, hoa đào nở rộ cả rừng, cả rừng, trông quá đẹp và vui mắt. Đến khi có trái, khóa sinh đi tập tha hồ ăn, vì chủ nhân ra mời và không bán.

Nhà bếp ra chợ mua thực phẩm hàng ngày, gánh từng gánh susu về nấu với thịt trâu, ăn sướng miệng vì có nhiều chất”chân lý”. Chúng tôi gọi thịt là”chân lý”, chẳng bù với thời gian ở Yên Báy, bữa cơm mò mãi cũng chẳng thấy miếng”chân lý”trong nồi canh. Tại Chapa thỉnh thoảng nhà bếp lại còn ưu ái khóa sinh, thỉnh thoảng nấu một chảo bự súp khoai tây với”chân lý”trâu. Bữa ăn lại thường có cả tráng miệng. mỗi khóa sinh được một trái đào chín cây, ngọt lịm, tươi mát.

Khi chúng tôi tới trường, các anh bộ đội A và B cho chúng tôi biết là hai tháng trước đây, có các anh Bùi Diễm, Bùi tường Huân, Trần Kim Phượng, Phạm trọng Nhân, Nguyễn Tất Ứng cũng học ở đây và thuộc Bộ đội A. Sau các anh ấy rời trường về lại Hànội, lý do là Trung Ương gọi về nhận công tác quan trọng.

Khi các anh em Quốc Gia Thanh Niên Đoàn rút từ Việt Trì lên Yên Báy, sát nhập vào trường Lục Quân Trần Quốc Tuấn, bộ đội C chúng tôi được đổi thành C 1 và QGTNĐ được gọi là C 2. Sĩ số nhà trường lúc đó tăng lên tới 500 khóa sinh.

Sau khi Vũ hồng Khanh sát hại hết giáo quan Nhật, trường tự động ngưng hoạt động. Các khóa sinh bộ đội A, phần thì tìm cách trở về Hanội, phần thì vượt biên giới qua Trung Hoa. Các khóa sinh bộ dội B cũng bỏ trường về Hanội hoặc theo chân đoàn quân QDĐ chạy lên các vùng sát biên giới Trung Hoa, Bát Xát, Trịnh Tường, Ý Tí, Yao San, Thập Nhi Lau, như khóa sinh hai bộ đội C chúng tôi.

Chúng tôi được tin các anh em chạy xuôi xuống Yên Báy, Phú Thọ phần lớn bị Việt Minh bắt, đem đến Lục Yên Châu tàn sát hết. Lục Yên Châu phía Bắc Phú Thọ, giáp ranh Yên Báy là nơi Việt Minh thủ tiêu man rợ rất nhiều anh em trường Quân Chính và trường Lục Quân Trần Quốc Tuấn Yên Báy. Có nhiều anh em LQ/TQT và QGTNĐ chạy thoát được về Hànội, kể lại là, tại Lục Yên Châu, bọn Việt Minh Cộng Sản bắt những cán bộ Quốc Dân Đảng bị chúng bắt, mỗi người phải đào một cái hố, đứng xuống hố, chúng xúc đất đổ vào hố ngập đến ngang vai người tủ, như chôn sống. Sáng sớm mai. năm sáu đứa bọn chúng cầm mỗi đứa một cái lưỡi hái, đi quào vào cổ nạn nhân, đầu đứt ra lìa khỏi cổ, bọn đao phủ độc ác khoái trí cười với nhau và lấp đất, đầu chúng đóng cọc treo lên.

Lớp chúng tôi có anh Hán bị bắt tại Yên Báy với nhiều anh em khác, tối đến Việt Minh đem tất cả ra bờ sông Hồng giết và thả trôi sông. Anh Hán may mắn xếp cuối hàng, đêm tối bọn đao phủ Việt Minh giết nhiều quá, mệt mỏi, chém anh Hán vào bả vai, một tên đi sau đạp anh xuống sông.

Anh chờ cho bọn chúng đi khỏi, cố gắng bò lên bờ, nằm nghỉ và rồi chẳng hiểu sao anh về được Hanội. Sau này, anh gia nhập Bảo Chính Đoàn của Bắc Việt.

Các tỉnh trên miền thượng du Bắc Việt, phần nhiều thiếu muối cho dân chúng. Muối thường là muối cục, trắng tinh, như mới đào ở mỏ ra, không bao giờ có muối biển như ở dưới vùng xuôi. Muối rất hiếm, quý và mắc tiền. Các sắc dân sơn cước họ rất quý muối, họ thường lấy bột nứa trong cây nứa ăn pha làm muối.

Ruộng ở đây có từng bậc, từng bậc, được thổ dân trồng toàn lúa nếp. Họ nấu cơm trong các ống tre vùi vào bếp lửa, khi nào ống tre cháy đều các cạnh, họ lấy ra, bổ ống tre, cơm chín như xôi, ăn ngon đáo để. người kinh thường gọi là “xôi lam”.

Người sắc tộc rất thật thà, chất phác, họ sống với nhau thành từng bản, trong các nhà sàn, dưới nuôi súc vật như ngựa, trâu, heo, gà.

Phiên chợ, họ đem các thổ sản ra chợ bán, thồ trên lưng ngựa như thuốc lào (hoàng dến), mía, thịt trâu, rau cải xanh. Người vợ tay dắt ngựa, miệng hát líu lo, người chồng đeo thanh dao quắm và cầm khẩu súng hỏa mai đi bên cạnh. Các giống dân sắc tộc ăn mặc tùy theo họ thuộc sắc tộc nào, người Mán, người Yao, đàn bà ăn mặc sặc sỡ, cổ và chân đeo những vòng bạc nhiều khi che kín cả cổ, quần áo nhuộm mầu chàm, thắt lưng nhiều màu, nhưng chân thường đi chân không, không mang giầy, hoặc mang hài sảo, một thứ giầy khâu bằng vải, lấy rơm bện lại, đặt ở giữa hai miếng vải dầy, khâu chập lại làm đế giầy.


Phạm Văn Liễu

























































Free Web Hosting