Nhận Ðịnh:

ASIA VIDEO 21 "Những Tình Khúc Mùa Chinh Chiến" :

Hình Ảnh Trung Thực Của Người Lính QLVNCH


Trần Ðỗ Cẩm


Vào thời gian gần đây, nhân mùa Lễ Tạ Ơn, Lễ Giáng Sinh và Năm Mới Dương Lịch, khá nhiều cuốn video mới xuất hiện trên thị trường nhằm đáp ứng nhu cầu thưởng thức âm nhạc của người Việt tại hải ngoại trong dịp rảnh rỗi xum họp hay nghỉ lễ tết cuối nãm. Giới tiêu thụ nhận thấy ngoài những sản phẩm do các Trung Tâm quen thuộc như Asia, Thúy Nga, Làng Văn, Hollywood Night, Vân Sơn v.v... của người Việt hải ngoại hực hiện, còn có một số sản phẩm "nhập cảng" từ Việt Nam do các tài tử, ca sĩ bên nhà trình diễn.

Trong số các sản phẩm mới tung ra thị trường, cuốn video ASIA 21 mang chủ đề "Những Tình Khúc Thời Chinh Chiến" nói về thân phận của người lính QLVNCH trong cuộc chiến hiện đang được khá nhiều người chú ý. Chúng tôi không đề cập nhiều tới việc khen, chê vì thiết nghĩ vấn đề nhận thức nghệ thuật tùy thuộc phần lớn vào sở thích cũng như hoàn cảnh riêng của mỗi người thưởng ngoạn. Nhưng đứng trên quan điểm của một khán thính giả ưa thích âm nhạc và cũng là một cựu quân nhân QLVNCH, tác giả chỉ muốn nêu lên một vài cảm nghĩ cá nhân sau khi xem cuốn video Asia 21 này.

Có lẽ một trong những lý do khiến cuốn video "Những Tình Khúc Thời Chinh Chiến" được đặc biệt chú ý vì trong đó gồm những bài hát và hình ảnh diễn tả trung thực tinh thần chiến đấu anh dũng và những hy sinh gian khổ của các chiến sĩ QLVNCH. Nhắc đến vấn đề này, chúng ta còn nhớ cách đây không lâu, một số người đã ồn ào tẩy chay, phản đối một cuốn video khác vì cho rằng đã bôi nhọ sứ mạng cao đẹp "vì dân diệt Cộng" của QLVNCH. Nếu trước đây đã phản đối những xuyên tạc thì bây giờ tán đồng sự trung thực cũng chỉ là một phản ứng thông thường. "Hữu xạ tự nhiên hương", chẳng cần phải thổi phồng hay đánh bóng, chỉ nói lên sự thật về những chiến công hiển hách và hy sinh cao qúi của các chiến sĩ QLVNCH cũng quá đủ để được mọi người thương yêu và ngưỡng mộ. Cuốn video "Những Tình Khúc Thời Chinh Chiến" đã được thực hiện theo chiều hướng trung thực đó.

Tổng Quát

Cuốn video Asia 21 "Những Tình Khúc Thời Chinh Chiến" gồm 22 nhạc phẩm nói về quê hương cùng thân phận người lính QLVNCH trong cuộc chiến. Hầu hết những ca sĩ thượng thặng của Asia đã góp phần thực hiện cuốn băng này. Tuy phần lớn những bài hát đều được sáng tác từ trước năm 1975 tại Việt Nam, nhưng Asia đã khéo léo xen lẫn những ca sĩ đã nổi tiếng từ lâu với lớp trẻ đang lên khiến hai giới thưởng ngoạn cũ, mới đều hài lòng. Một đặc điểm khác rất đáng tán thưởng là tuy đa số những bài hát đều khá phổ thông vì đã xuất hiện từ lâu, nhưng Asia vừa phổ thêm phần hòa âm rất công phu nên thính giả có cảm tưởng như nghe những bản nhạc tuy "quen thuộc" nhưng cũng rất mới lạ nên không bị nhàm chán. Hơn nữa, ngoài những tiết mục trình diễn sống động của các ca sĩ, còn thêm phần hình ảnh ngoại cảnh rất ăn khớp, phản ảnh đứng đắn quá khứ oai hùng của một tập thể kiêu dũng khiến cuốn video càng thêm giá trị.

Ngoại cảnh

Người ta thường nói "một tấm hình có giá trị bằng ngàn lời nói", câu này lại càng đúng trong trường hợp một cuốn băng video. Khác với băng cassette (audio), tuy lời ca, tiếng nhạc làm người nghe chú ý nhưng không lưu lại nhiều ấn tượng sâu sắc và in hằn vào đầu óc như những hình ảnh trong một cuốn video. Ngoại cảnh, vì vậy, không chỉ để dùng làm nổi bật chủ đề, mà chính là chủ đề. Nhiều cuốn video trước đây được khán thính giả tán thưởng hay bị phản đối cũng vì phần ngoại cảnh.

Ðã gần 30 năm sống trong khung cảnh thanh bình nơi hải ngoại, bận rộn với đời sống hàng ngày, đa số chúng ta - nhất là những người lính QLVNCH năm nào - tưởng đã quên được những dấu vết của chiến tranh, nhưng thật ra tất cả chỉ chìm sâu trong tâm tưởng, luôn luôn tìm dịp trỗi dậy. Nói tới chiến tranh là nhắc tới quê hương điêu linh khốn khổ, những bất hạnh nhục nhằn của cha mẹ già, vợ trẻ, con thơv.v... và nhất là thân phận đau thương của người lính chiến.

Cuốn video Asia 21 "Những Tình Khúc Thời Chinh Chiến" đột ngột đưa khán thính giả trở về với chiến tranh Việt Nam bằng cảnh những trái bom napalm nổ bùng trên màn ảnh, những bà mẹ hớt hải bồng con thơ chạy giặc, những cánh hoa dù rộ nở và bom đạn đan kín bầu trời. Và người lính chiến trở về, không chỉ bằng những tình khúc yêu đương lãng mạn mà còn bằng những giọt nước mằt khổ đau. Nhưng dù hân hoan với niềm vui chiến thắng hay bi thương trong chết chóc đọa đầy, hình ảnh người lính chiến QLVNCH đã được biểu lộ rất hào hùng trung thực với buồn vui lẫn lộn. Chỉ riêng phần ngoại cảnh cũng đủ đánh giá cuốn video Asia 21 "Những Tình Khúc Thời Chinh Chiến" có giá trị thưởng ngoạn cao.

Người Ðiều Khiển Chương Trình (MC)

MC là người tạo cảm tưởng đầu tiên đối với khán thính giả và xuất hiện nhiều nhất nên giữ vai trò vô cùng quan trọng, được coi như linh hồn của một chương trình ca nhạc. Nhiều khán thính giải thích MC "đi cặp" để phần giới thiệu đỡ bị nhàm chán, lắm kẻ lại không thích nhìn cảnh một đôi nam nữ vấn đáp, khoe tài "thuyết minh" kẻ tung người hứng và dạy đời trên sân khấu ... Việc tán đồng hay phản đối tùy theo sở thích mỗi người.

Sau nhiều lần thử nghiệm với những "công thức" khác nhau, dường như Việt Dũng đã được tín nhiệm như người MC 'sô lô" hàng đầu của Asia. Ðiều này không phải là một sự tình cờ mà là kết quả của những cố gắng và cải tiến nghề nghiệp không ngừng của Việt Dũng. Càng ngày anh càng tiến bộ hơn khi xướng ngôn cũng như tự nhiên hơn trong cung cách trình diễn trước ống kính. Lần này Việt Dũng đã tỏ ra khá vững vàng và chững chạc trong phần giới thiệu. Lời văn cũng bóng bảy và nhiều sáo ngữ hơn khiến nhiều người ưa và lắm kẻ không thích! Về nhân dáng, một số người rành về thẩm mỹ nhận xét dường như Việt Dũng ăn nói thêm duyên dáng, hấp dẫn vì chiếc mũi thon và cặp môi mọng hơn ...

Có Những Người Anh ...

Trong một cuốn video với 22 màn trình diễn rất sống động của những ca sĩ chọn lọc, thật rất khó lựa chọn một nhạc phẩm xứng đáng nhất làm tiêu biểu cho chủ đề. Vả lại, tùy theo tâm trạng và sở thích, mỗi người thưởng ngoạn cảm thấy "thích hợp" với một màn trình diễn hay ca sĩ khác nhau. Nhưng dựa theo ý kiến đa số, có lẽ màn trình diễn của nữ ca sĩ Ninh Cát Loan Châu qua nhạc phẩm "Có Những Người Anh" của nhạc sĩ Võ Ðức Hảo để mở đầu cuốn video được nhiều người tán thưởng nhất. Tiết mục này với phần hòa âm vui tươi, mới lạ, độc đáo của nhạc sĩ Trúc Hồ và nhất là phần trình diễn sống động rất tự nhiên của nữ ca sĩ Ninh Cát Loan Châu rất xứng đáng là cánh cửa mời thân ái nhất dẫn dắt khán thính giả vào khu vườn nghệ thuật để tiếp tục thường thức những màn trình diễn không kém phần độc đáo khác.

Trong nhạc phẩm này, ngoài phần trình diễn sống động, kỹ thuật dàn cảnh sân khấu và hình ảnh ngoại cảnh còn đáng chú ý hơn và rất ăn khớp cũng như diễn tả trung thực từng nốt nhạc, lời ca. Ðể mừng cô em gái hậu phương tươi mát xinh đẹp Ninh Cát Loan Châu, "Có Những Người Anh" tiền tuyến thuộc đủ mọi quân binh chủng đón chào trên sân khấu. Cô em gái dễ thương vừa dịu dàng thân mật ngỏ lời cám ơn, vừa nhẹ nhàng trìu mến vuốt nhẹ từng cánh tay rắn chắc của các anh chiến sĩ đen xạm vì nắng gió sa trường. Xen vào đó là phông cảnh oai hùng của những chiến sĩ thuộc đủ quân binh chủng diễn hành qua khán đài danh dự trong một ngày lễ lớn. Khán thính giả được thấy lại bước chân hùng dũng của những Thiên Thần Mũ Ðỏ, những Cọp Biển, những Cọp Rừng Mũ Nâu, những chiến sĩ, sinh viên sĩ quan Lục Quân, Không Quân, Hải Quân v.v... rầm rập bước đi theo nhịp trống quân hành. Xem tới đây, có lẽ khá nhiều khán thính sẽ bất ngờ khi thấy vài giọt lệ cảm động hay hờn tủi đọng trên khóe mắt từ lúc nào ...

Nhạc phẩm "Có Những Người Anh" do ca sĩ Ninh Cát Loan Châu trình diễn như một lời cám ơn chân thành của người hậu phương gửi đến những chiến sĩ QLVNCH dầy dạn phong sương ngoài tiền tuyến. Ðây là một Anh Dũng Bội Tinh, một bằng Tuyên Dương Công Trạng tinh thần cao qúi nhất, xứng đáng nhất dành cho các chiến sĩ QLVNCH. Cám ơn Asia và cám ơn Ninh Cát Loan Châu đã sắp xếp rất cảm động và trình diễn thật tuyệt vời. Ðối với nhạc sĩ Võ Ðức Hảo, không thấy nhiều tác phẩm của ông xuất hiện; nhưng dù bây giờ ông ở đâu, với chỉ một tác phẩm "Có Những Người Anh" có lẽ cũng đã quá đủ để tên tuổi gắn liền với các chiến sĩ QLVNCH.

Nhưng cuốn video Asia 21 không phải chỉ có Ninh Cát Loan Châu tuyệt vời qua nhạc phẩm "Có Những Người Anh" mà các nhạc phẩm và ca sĩ khác cũng xuất sắc không kém. Giới thưởng ngoạn nhạc tại Việt Nam trước năm 75 được dịp nghe lại nhiều giọng ca quen thuộc "dư âm ngày cũ" nổi tiếng như Thanh Thúy, Thanh Tuyền, Hoàng Oanh, Thanh Lan, Elvis Phương, Duy Quang v.v... Những người yêu thích các ca sĩ trẻ mới thành danh tại hải ngoại cũng có nhiều dịp chiêm ngưỡng thần tượng của mình.

Dư Âm Ngày Cũ

Những ai ái mộ giọng ca của nữ ca sĩ Khánh Hà, và cả những người không thường nghe cô hát cũng sẽ hài lòng khi nghe "Người Tình Không Chân Dung" của nhạc sĩ Hoàng Trọng. Nhạc phẩm này tuy đã xuất hiệt từ khoảng thập niên 70 trích từ cuốn phim cùng tên, nhưng lần này Khánh Hà đã trình diễn với niềm xúc cảm cao độ. Cái nón sắt bên bờ lau sậy ... con ễnh ương .. mây trới hiền hòa ... qua giọng ca điêu luyện của cô đã ru hồn khán thính giả chập chờn lạc vào một thế giới ma quái cô đơn của chiến tranh và tang tóc. Cuộc đời không tương lai còn lại của một chinh phụ cũng đen tối như chiếc áo dài và thê lương như tiếng hát độc đáo của Khánh Hà.

Ðôi song ca Duy Quang và Thanh Lan với giọng ca điêu luyện hàng đầu đã làm khán thính giả xúc động không ít trong nhạc phẩm "Người Ở Lại Charlie" của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh. Bài hát kể lại trường hợp hy sinh anh dũng của Ðại Tá Nguyễn Ðình Bảo, Tiểu Ðoàn Trưởng Tiểu Ðoàn 11 Nhảy Dù trong trận đánh tại đồi Charlie gần Tân Cảnh vào mùa hè năm 1972. Một tiểu đoàn kịch chiến với một sư đoàn, các thiên thần Mũ Ðỏ đã bắn đến viên đạn cuối cùng trước khi vị trí bị địch tràn ngập ... Duy Quang vẫn vững chắc như thường lệ. Ðặc biệt, ngoài giọng hát tuyệt vời, Thanh Lan đã trình diễn xuất thần qua từng cử chỉ và nét mặt. Có lẽ không ít khán thính giả đã cùng khóc theo những giọt lệ lăn dài trên gò má Thanh Lan vào cuối bài hát. Trước đây, nhiều người đã phản đối khi Thanh Lan vừa đặt chân tới Hoa Kỳ, nhưng qua bài hát "Người Ở Lại Charlie", chắc hẳn những tì vết cũ nếu có đều đã được tẩy sạch để Thanh Lan bình thản trở về trong lòng người Việt Quốc Gia như "một loài chim qúi".

Nam ca sĩ Elvis Phương khiến khán thính giả - nhất là những người sinh trưởng nơi miền Trung khô cằn sỏi đá - bồi hồi không ít qua nhạc phẩm "Quê Nghèo" của nhạc sĩ Phạm Duy. Tiếng hát điêu luyện hàng đầu Khánh Ly có thể được xếp vào hàng "vượt thời gian" trong nhạc phẩm "Hát Cho Một Người Nằm Xuống" của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Nghe nói hai ca sĩ "tiếng xưa" này đã hoặc sẽ về Việt Nam ca hát cùng với những văn công Việt Cộng. Nếu đây là sự thật, dù với lý do gì đi nữa, có thẻ cảm tình và sự ủng hộ của những khán thính giả gốc "lính" dành cho họ sẽ bị giảm sút không ít.

Một nữ ca sĩ vang bóng khác, cô Thánh Thúy với giọng ca trầm buồn thê thiết cố hữu đã trình bày rất xuất sắc nhạc phẩm "Tấm Thẻ Bài" của nhạc sĩ Huyền Anh. Có thể nói, ít người có thể hát độc đáo hơn. Nữ ca sĩ Hoàng Oanh xinh xắn tươi trẻ không khác ngày nào đã trình diễn rất độc đáo và cảm động trong nhạc phẩm "Ngày Trở Về" của nhạc sĩ Phạm Duy. Những khán thính giả thích song ca sẽ rất vừa ý với Thanh Tuyền - Chế Linh với nhạc phẩm "Chuyến Ði Về Sáng" của nhạc sĩ Mạnh Phát.

Sĩ Phú, một cựu sĩ quan không quân, khi còn ở Việt Nam tuy chưa hẳn là một ca sĩ nhà nghề nhưng cũng vẫn được nhiều người biết đến qua những bản nhạc tiền chiến với làn hơi trầm ấm. Anh hát bản "Tuyết Trắng" của nhạc sĩ Anh Chuơng thật không còn gì hạp hơn. Bộ đồ bay "áo liền quần" và chiếc "khăn quàng màu tím" nổi tiếng vẫn còn đó. Giọng ca của anh tuy vẫn còn rất truyền cảm nhưng đã ít nhiều nhuốm mầu thời gian ...

Các Ca Sĩ Ðang Lên

Một nam ca sĩ tuy mới xuất hiệt trong băng video chưa được bao lâu nhưng đã được nhiều khán thính giả ái mộ vì giọng ca khá đặc biệt, đó là Bảo Tuấn. Trước đây anh đã được chú ý trong vai "ngưới lính trẻ về thăm kinh đô" khi trình bày nhạc phẩm "Sài Gòn Thứ Bảy" của nhạc sĩ Anh Bằng. Bảo Tuấn có giọng hát mạnh, phát âm rõ ràng và vóc dáng khá ăn ảnh. Lần này, anh trình bày nhạc phẩm "Nó Và Tôi" của nhạc sĩ Song Ngọc với giọng ca ngày càng điêu luyện. Dường như anh thích hợp với các nhạc phẩm diễn tả nỗi cô đơn của người lính chiến. Bảo Tuấn là một giọng hát có rất nhiều triển vọng. Tuy nhiên về phần trình diễn trên sân khấu, dường như anh còn hơi "nhát đèn" nên những điệu bộ, cử chỉ còn thiếu tự nhiên và chưa diễn tả hết được những tình tiết thay đổi trong nhạc phẩm trình diễn. Hy vọng sau nhiều lần lên sân khấu, Bảo Tuấn sẽ quen dần và trình diễn sống động hơn.

Nữ ca sĩ Lâm Thúy Vân rất điêu luyện trong nhạc phẩm "Những Người Không Chết" của Phạm Thế Mỹ. Giọng hát của cô càng ngày càng vững chắc nên có thêm nhiều người mến mộ.

Ðặc biệt, có lẽ cuốn băng Asia 21 sẽ làm cho các chiến sĩ cũng như những người yêu Không Quân rất ưa thích vì có tới 3 bài hát về quân chủng tung mây lướt gió. Ðó là các nhạc phẩm "Tuyết Trắng" của nhạc sĩ Anh Chương do Sĩ Phú trình bày, "Hát Cho Một Người Nằm Xuống" qua giọng ca Khánh Ly và "Huyền Sử Ca, Một Người Mang Tên Quốc" của nhạc sĩ Phạm Duy do ca sĩ Mạnh Ðình trình diễn. Mạnh Ðình tuy khá xuất sắc nhưng vẫn chưa làm khán thính giả quên được "Chuyện Giàn Thiên Lý".

Về phần Hải Quân, có bài hát "Thủy Thủ Và Biển Cả" của nhạc sĩ Y Vũ do ca sĩ trẻ Lê Tâm trình diễn. Ðây là một bản nhạc với thể điệu vui tươi sống động nên có lẽ khán thính giả chú ý nhiều tới phần hoạt cảnh trình diễn hơn là giọng hát của ca sĩ. Lê Tâm còn rất trẻ và đầy triển vọng, nếu biết tiếp tục trau dồi kỹ thuật trình diễn, có thể thành công và được khán thính giả ái mộ không kém tiếng hát của vua "Twist" Hùng Cường.

Trong cuốn video Asia 21 còn có một nhạc phẩm mới mang tựa đề "Còn Có Bao Giờ Em Nhớ Ta" do nhạc sĩ Anh Bằng phổ nhạc bài thơ rất nổi tiếng "Ðôi Mắt Người Sơn Tây" của Quang Dũng. Bài thơ này trước đây đã được phổ nhạc và đã trở thành quen thuộc qua giọng ngâm cao vút mở đầu của nữ ca sĩ Thái Thanh "Thương nhớ ơ hờ thương nhớ ai, sông xa từng lớp lớp sông dài ...". Lần này, cũng bài thơ ấy, nhưng nhạc sĩ Anh Bằng đã khéo léo và điêu luyện theo sát lời thơ hơn nhưng giòng nhạc vẫn trôi chảy nhẹ nhàng không bị gượng ép. Ông đã thành công lớn cũng như trong nhạc phẩm "Chuyện Giàn Thiên Lý" trước đây. Phần trình diễn của ca sĩ Gia Huy rất đáng được tán thưởng, tuy nhiên anh có thể tập luyện thêm để diễn tả hết điệu hay của giòng nhạc, nét đẹp của lời thơ.

Nữ ca sĩ Diệp Thanh Thanh trong nhạc phẩm "Trăng Tàn Trên Hè Phố" của nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ, đã thành công trên mức trung bình và đạt nhiều tiến bộ so với bài "Chuyện Hoa Ti gôn" trong cuốn video Asia 20, một nhạc phẩm đã được Như Quỳnh hát trong CD cũng của Asia. Nhìn vóc dáng, giọng hát cũng như cung cách trình diễn, dường như Asia có ý định đào tạo Diệp Thanh Thanh để thay thế cho sự vắng mặt của Như Quỳnh. Nhận xét theo chiều hướng đó, có lẽ cô hơi khó thành công vì "bản sao" không bao giờ giống hệt được như bản chính. Thiết tưởng, sở trường, sở đoản, nhân dáng, tài năng v.v... của mỗi người đều khác nên không nhất thiết phải chọn đường đi giống nhau. Nếu Diệp Thanh Thanh được hướng dẫn chu đáo để có đủ tự tin và kiên nhẫn tìm ra phương cách riêng thích hợp cho chính mình, với giọng hát ngọt ngào đó, với khuôn mặt dễ thương đó, với nhân dáng trẻ trung đó, cô có rất nhiều triển vọng tự tạo được hào quang không thua kém người khác.

Phần trình diễn của Shayla qua nhạc phẩm "Người Yêu Lý Tưởng" và Trish Thùy Trang với bài hát "Tình Lính" của nhạc sĩ Y Vân chắc làm cho "giới trẻ" hài lòng. Với giọng hát thật dễ thương và khuôn mặt xinh xắn, càng ngày hai bông hoa mới nở này càng có thêm nhiều người ái mộ. Hai cô ca sĩ rất trẻ này chuyên hát các bản nhạc trẻ ngoại quốc, nhưng lần này hát nhạc Việt Nam không mấy quen thuộc nhưng phát âm rất rõ ràng, điêu luyện không có gì trở ngại thật là điều đáng khen ngợi.

Nữ ca sĩ Yến Phương làm ấm lòng người lính chiến qua nhạc phẩm trẻ trung quen thuộc "Bức Tâm Thư" của nhạc sĩ Lam Phương. Ngoại cảnh tiền đồn với những người em gái xinh đẹp trìu mến trao "bức tâm thư" hoặc ân cần tặng "cam quít đã lên mùa" cho những người lính trẻ trong một khung cảnh thân mật đã gợi lại tình cảm chân thành của người hậu phương dành cho kẻ gian khổ nơi tiền tuyến. Yến Phương là một nữ ca sĩ khả ái với giọng ca đầy triển vọng. Trong ngoại cảnh "tiền đồn", nếu cô diễn xuất tự nhiên hơn để phù hợp với tình cảm vui tươi rộn ràng của nàng thôn nữ đang "chờ anh bước về vui duyên lành", chắc sẽ thêm nhiều khán giả ái mộ.

Các ca sĩ khác như Lâm Nhật Tiến, Thanh Trúc làm tròn bổn phận của mình. Giọng hát và cung cách trình diễn của ca sĩ Duy Linh đã tiến bộ nhiều trong nhạc phẩm "Lối Về Ðất Mẹ" của Duy Khánh khiến khán thính giả mường tượng tới người ca sĩ hàng đầu này. Với đà tăng tiến này, anh có nhiều hy vọng trở thành một trong những ca sĩ thành công nhất.

Cám Ơn Anh

Cuốn băng video Asia 21 "Những Tình Khúc Thời Chinh Chiến" được kết thúc bằng nhạc phẩm đầy ý nghĩa "Cám Ơn Anh, nhạc của Trúc Hồ, lời của Trầm Tử Thiêng do toàn ban hợp ca. Tuy gọi là hợp ca nhưng mỗi ca sĩ hát một đoạn của bản nhạc và cứ như vậy thay phiên cho tới khi chấm dứt. Có thể nói đây là lời cám ơn chung chân thành nhất được gửi tới các chiến sĩ QLVNCH. Nếu trong phần mở đầu, Ninh Cát Loan Châu đã duyên dáng ân cần giới thiệu cùng khán thính giả người lính thuộc đủ quân binh chủng, thì trong phần cuối này, lời "Cám Ơn Anh" giản dị nhưng cảm động do toàn ban dành cho "Những Người Anh" oai dũng đó cũng đã rất cân xứng để chấm dứt chương trình.

Nói tóm lại, trong cuốn video Asia 21 "Những Tình Khúc Thời Chinh Chiến" tất cả các bài hát, ngoại cảnh và ca sĩ trình diễn đều đã được tuyển chọn kỹ càng để giới thiệu trung thực và chân thành cám ơn những chiến sĩ anh dũng QLVNCH. Ngoài giá trị giải trí, cuốn video này đã đứng đắn ghi lại những hình ảnh của người lính chiến luôn luôn đặt "Tổ Quốc, Danh Dự, Trách Nhiệm" lên hàng đầu. Ðây là một cuốn cuốn video xứng đáng để thưởng thức hay dùng làm quà tặng trong dịp đầu năm.
































































































































Qúi Vị là độc giả thứ:

đã viếng thăm Nguyệt San Ðoàn Kết - Thành Thật Cám Ơn.

Free Web Hosting