Bút Khảo:

CỔ TỤC TRUNG HOA VỀ ĐÁM CƯỚI

Lê Văn Lân


Từ dĩa bánh xôi nước vuông tròn mặn ngọt
qua tô mì bạc đầu chung thủy
đến chén Giao bôi đôi môi cùng nhắp!

Vừa rồi, trong chương trình " Món ngon quê mẹ" ngày 1 tháng 8, năm 2000 trên Đài Tiếng nói Việt Nam Hải ngoại, tôi quả tình đã bị cực kỳ quyến rũ bởi giọng nói duyên dáng dịu ngọt của nữ xướng ngôn viên Bảo Ngọc . Thêm nữa tôi lại bị thu hút với sự trình bày thâm thúy ý nghĩa của bà Bảo Kim về sự tích bánh xôi nước mà chúng ta vẫn thường ăn.

Bánh xôi nước - theo bà Bảo Kim, một chuyên gia nữ công gia chánh - nguyên thủy là theo một tục lệ của người Hoa, được làm ra trong dịp lễ nghinh hôn lúc đón cô dâu mới về nhà chồng. Những viên bột của bánh trôi có hình thù thay đổi, viên tròn viên vuông, viên to viên nhỏ và trong ruột lại chứa nhân có vị ngọt mặn lẫn lộn. Những viên bột này được thả trong nước đường trôi bập bềnh hấp dẫn. Ý nghĩa được gói ghém là khuyên người con gái lúc xuất giá phải thuộc nằm lòng cái đạo sống phải "vuông tròn" chung thủy như cái lý "trường tồn "của vũ trụ âm dương trời tròn đất vuông và nhất là thấm nhuần cái đức " nhẫn nhục " chịu khôn chịu khó, chia xẻ niềm hoan lạc ngọt ngào cũng như niềm đau khổ đắng cay của chồng trong vai trò người vợ.

Bánh xôi nước là gọi theo tiếng miền Nam, còn ngoài Bắc lại quen gọi nó là "bánh trôi".

Thật là một điều vô cùng thú vị về văn hóa Á Đông mà lần đầu tôi mới được nghe. Tuy nhiên, trước đây, về bánh trôi nước, tôi lại được cha tôi cho nghe một sự tích hoàn toàn khác liên quan đến nhân vật Khuất Nguyên của Trung Hoa. Khuất Nguyên - người thời Chiến quốc, làm quan Tam lư đại phu thờ vua Hoài vương nước Sở. Khi vua này đem binh đánh Tần, Khuất Nguyên ngậm gươm và treo mình can gián nhưng không được, quả nhiên vua này thua trận và chết ở đất Tần. Vua Sở Tương vương lên nối ngôi nghe lời dèm pha đầy Khuất Nguyên ra Giang Nam. Thất chí, ông đâm đầu xuống sông Mịch la chết vào ngày mồng 5 tháng 5 năm 290 trước TC. ( Sông Mịch la là một nhánh sông đổ vào hồ Động đình về phía đông nam. Tết Đoan Ngọ cử hành mỗi năm là do sự tích này. Khuất Nguyên không những là người trung quân yêu nước mà còn là một văn gia có tư tưởng cao quí thường tự ví mình như là một người tình say mê lý tưởng vì vua vì nước nhưng bị tình phụ đắng cay. Với thể thơ Sở từ mới lạ gồm những câu dài 7 - 8 chữ, ông đã mở ra một kỷ nguyên mới cho văn chương Trung quốc qua các tập Ly-Tao, Cửu Chương, Thiên văn - tiền thân của thơ thất ngôn. Danh từ " ly tao" được đời sau hiểu với nghĩa đam mê và đồng hóa với nghệ thuật nhân cách hóa là Nàng Thơ như những câu thơ sau của Thế Lữ trong bài Cây đàn muôn điệu:

Tôi chỉ là một khách tình si
Ham vẻ Đẹp có muôn hình, muôn thể
Mượn lấy bút nàng Ly Tao tôi vẽ
Và mượn cây đàn ngàn phím tôi ca ...

Cái chết đẹp của Khuất Nguyên được người Trung Hoa sùng bái chiêm ngưỡng nên làm nẩy sinh ra sự tích về hai thứ bánh: thứ nhất là chiếc bánh tro và thứ hai là bánh trôi nước mà người ta hay ăn vào ngày Tết Đoan Ngọ mồng 5 tháng 5 ra hàng năm.

Vào ngày này, để kỷ niệm cái chết này người Tàu thường tổ chức Hội đua thuyền (boat festival) hàm ý diễn lại cuộc vớt xác của Khuất Nguyên và làm những thứ bánh bằng nếp gói bằng lá tre hay lá dong rồi thả xuống sông để cúng linh hồn Khuất Nguyên. [Bánh này tên Hán tự là Chung tử nhưng ta quen gọi là " bánh tro mồng năm" vì làm nếp ngâm tro, khi chín có màu vàng hay đỏ trong như hổ phách ăn với đường hay mật.] Bánh này sở dĩ phải gói bằng lá tre hay lá dong nhám nhám cốt để ngăn không cho những loài thủy quái ăn mất đi, hơn nữa bánh lại gói bằng chỉ ngũ sắc mà tà ma rất sợ. Bánh tro Mồng năm thường là không có nhân, lúc ăn chấm đường hay mật, nhưng theo các sách thực phổ của Trung hoa thì lại có nhân hoặc bằng táo hoặc mứt.

Theo Lê Quí Đôn trong Vân Đài loại ngữ, dựa theo sách Bản thảo, bánh tro mồng 5 tháng 5 được gói bằng lá cây sầu đông hay sầu đâu hay cây xoan gọi theo tiếng ngoài Bắc . Cây sầu đông có tên Hán tự là Khổ luyện, mà loài giao long dưới nước rất sợ cây này. Về điểm này, trên thực tế ta thường chỉ thấy bánh tro gói bằng lá tre hay dong, mà không thấy gói bằng lá sâu đông, hoặc giả thứ lá này không sẵn bằng lá tre hay lá dong hay là lá này có vị đắng nghét và độc sao đó chăng? Tuy nhiên một điều mà tôi cũng thắc mắc cần nêu lên là vào sáng ngày mồng 5 tháng 5, người ta trước đây có tục " giết sâu bọ" mà cây sầu đông (Khổ luyện) - Melia azedarach L. - chứa trong lá, vỏ cây và rễ những chất giết sán lãi (anthelmintic) như paraisine, margosine nên điều học giả Lê Quí Đôn nói là có căn cứ y học , đáng tin ( tra cứu theo các sách Medicinal Plants of China của Duke và Ayensu; Medicinal Plants of Vietnam, Cambodia an Laos của Nguyễn văn Dương) .

Còn về sự tích bánh trôi thì cũng liên quan đến Khuất Nguyên. Tôi còn nhớ cha tôi nói cũng là làm ra để kỷ niệm đề cao tinh thần tiết tháo trung quân ái quốc của nhân vật Chiến quốc này. Bánh làm bằng bột nếp trắng tinh nhào thành những viên tròn trong ruột chứa nhân là một cục đường tán đỏ, rồi thả trôi trên nước đường thắng. Bánh này đã được miêu tả bóng bảy qua thơ Hồ Xuân Hương như sau:

Thân em vừa trắng lại vừa tròn,
Bảy nổi ba chìm với nước non,
Lớn nhỏ mặc dù tay kẻ nặn
Mà em vẫn giữ tấm lòng son.

Chữ " lớn nhỏ" trong câu 3 được giáo sư Nguyễn Ngọc Bích hiệu đính là " rắn nát", theo tôi có lẽ khá đúng với hoàn cảnh của Khuất Nguyên trong tinh thần ẩn dụ. Nhìn tổng quát toàn bài thì chúng ta thấy:

* Câu 1 nói lên cái bản chất tinh khiết trắng), chung thủy ( tròn) của tấm lòng cao thượng của Khuất Nguyên;
* Câu 2 mô tả số phận gian nam khi " chìm" khi " nổi " của ông,
* Câu 3 nếu nói về sự đối đãi cư xử của đời dành cho ông thì phải nói " rắn nát mặc dù tay kẻ nặn" còn " lớn nhỏ" thì tuy là có thể sát khi nói về sự lăn bột vo viên không đều tay , nhưng " rắn nát" vẫn đúng nếu nói đến sự nhào bột cho nhiều hay ít nước nên viên bánh lúc nhão mềm, lúc khô rắn.
* Câu 4 kết luận là dù hình thức nào xảy ra thì viên bánh trôi cũng vẫn có cục nhân đường màu đỏ ngọt sắc như " tấm lòng son của Khuất Nguyên.

Về hình thức, bánh trôi làm bằng những viên bột tròn "nhân đường như trên thì ngoài Bắc xưa nay vẫn ăn. Điều này được xác định bởi cuốn Việt Nam Tự điển của Hội Khai trí Tiến đức năm 1931. Còn bánh xôi nước làm theo kiểu bà Bảo Kim có hình thù vuông tròn lẫn lộn và trong có nhân ngọt mặn thì tôi quả tình không rõ ở địa phương nào hay làm ở Trung hoa hay Việt Nam. Nhưng tôi thấy cách thức giống loại " bánh chay " ngoài Bắc, làm bằng bột nếp có nhân đậu thả vào nước đường, một bát chỉ chứa duy nhất một viên bánh lớn mà thôi thường nắm tròn và dẹt lõm giữa, chứ không là nhiều viên tròn như bánh trôi. Có thể nào " bánh chay" ngoài Bắc có nhân đậu xanh vị mặn lại được gọi bằng danh từ " bánh xôi nước " trong Nam chăng? Dù sao chăng nữa, hình ảnh chiếc " bánh xôi" vuông tròn, mặn ngọt cũng là một ẩn dụ hàm chứa một ý nghĩa lý thú về đạo sống chung thủy vợ chồng mà ta cần ghi nhận trong kho tàng văn hóa. Riêng tôi thì chương trình " Món ngon quê mẹ" do Bảo Ngọc điều khiển trên Đài Tiếng Nói Việt Nam Hải Ngoại - tưởng đâu chỉ là một chương trình đơn thuần về gia chánh của phụ nữ, nhưng là một tiết mục vô cùng hấp dẫn, vì ai mà không nhung nhớ day dứt miếng ăn đầu đời do mẹ đút ăn và miếng ăn tuy ta cho vào miệng nhai, nhưng lòng ta lại suy nghĩ bao nhiêu điều thâm thúy (Ăn có nhai, nói có nghĩ mà, phải không? Không biết những văn hóa Chà và Ma ní, Ấn độ, Trung đông, Da đen, Da đỏ ... thế nào thì tôi không rõ vì không đọc được ngôn ngữ của họ, chứ trong văn hóa Âu Tây da trắng thì tôi thấy tinh thần biểu tượng (symbolism) để tạo ra những điều ẩn dụ tuy có nhưng không mấy gì sâu sắc phổ quát len lỏi trong mọi phương diện sinh hoạt như văn hóa Á đông da vàng, với Trung Hoa làm khởi điểm. Điều này được minh xác bởi công trình sưu tập nghiên cứu của hai người Tây phương sau:

- C.A.S. Williams , tác giả cuốn Outlines of Chinese Symbolism and Art motives (Dover 1976)
- Wolfram Eberhard, tác giả cuốn A Dictionary of Chinese Symbols (1983)

Chẳng nói đâu xa, trong lãnh vực ăn uống bánh trái, ở Âu Châu hay Hoa kỳ cầm miếng bánh mì mà ăn, đầu óc người dân chỉ biết nhai cho ngon miệng rồi nuốt xuống bụng cho no. Còn ở quê mẹ Việt nam thì :

Ai ơi, bưng bát cơm đầy,
Dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần!

Ngành ẩm thực Âu Mỹ làm sao có được những điều ẩn dụ biểu trưng tương đương với sự tích Bánh Chưng Bánh Dày như con người Lạc Việt nhỉ!

Nói về kho tàng biểu tượng ẩn dụ thì nước Trung Hoa xứng đáng là cái nôi phát sinh tiêu biểu phong phú nhất thế giới. Việt Nam ta chịu ảnh hưởng Trung Hoa đương nhiên cũng theo đà đó mà phát triển dồi dào theo tinh thần của dân tộc ta.

Trong đêm tân hôn, sau khi khách khứa ra về cả, trước khi nhập phòng, tân lang và tân nương có tục ăn một tô mì gọi là " Mì Trường thọ", nghĩa là cũng thứ mì thường nhưng sợi mì rất nhỏ, màu trắng trắng thật dài, hàm ý chúc hai vợ chồng mới cùng nhau sống lâu đến thuở bạc đầu. Mì trường thọ ( Longevity noodles) cũng thường được ăn trong dịp lễ sinh nhật, nên ở tiệm chạp phô Tầu có bày bán. Loại mì này tiếng Tàu gọi là "Lo Mien " vàchữ Hán viết là " lạp miến". " Lạp " tức là kéo ra, kỹ thuật kéo mì sợi phải cực kỳ điêu luyện vì chỉ một cục bột mì mà người ta trong thời gian vài phút đồng hồ có thể kéo ra hàng nghìn sợi mì nhỏ thật dài - dài gần hai sải tay nếu do một tay thiện nghệ làm như ta thường thấy kéo kẹo kéo vậy. Lo Mien nguyên gốc ở tỉnh Sơn Đông đưa lên Bắc Kinh vào nhà Minh đầu thế kỷ 15, nhà vua thích lắm nên ban cho ngự danh là " râu rồng" ( long tu miến). Muốn đạt đến mức thượng thừa làm long tu miến công phu phải bỏ ra ít nhất là 16 năm. ( theo The Chinese Kitchen của Deh-Ta Hsiung 1999 )

Cũng trong đêm tân hôn, trước khi hai vợ chồng mới cùng nhau làm lễ hợp cẩn nhắp chén Giao bôi thì người Trung hoa còn bày ra một trò chơi đùa dỡn họ bằng cách đem cho họ ăn trong hôn phòng một món ăn đặc biệt gọi là " bánh tử tôn". Món này làm bằng bột mì gói thịt heo bằm, gồm cảthẩy 32 miếng hình bán nguyệt và 4 miếng hình tròn, trong số này có vài miếng lại được buộc thành cặp bằng chỉ đỏ. Món này hình thức giống như tô hoành thánh với nước lèo. Điều ngộ nghĩnh là món này nấu không được chín lửa hoàn toàn nên đương nhiên có vài miếng thịt chưa chín, còn đỏ nên cô dâu chú rể cắn ra phải kêu là: Bánh còn sống! bánh còn sống!" Tuy họ nói nho nhỏ nhưng bên ngoài một số người nhà ép tai vào vách mà nghe lén họ và la lớn lên: " Sống ! Sống! Sống" Thế là cả nhà cùng la rộ lên trong tiếng cười thích thú với nhiều tiếng " Sống". Đây là một trò chơi chữ : Sống có nghĩa là chưa chín nhưng tiếng Hán vẫn là " Sanh" nghĩa là Sanh sôi nảy nở! Tại sao bánh Tử tôn lại gồm 4 bánh tròn và 32 bánh bán nguyệt? Ý nghĩa hàm chứa là tân lang với tân nương vốn là con số 2. Số 2 này lũy thừa một lần thành 4, rồi nhân 2 thành 8, nhân 2 thành 16, 16 nhân 2 thành 32. Đó là hình ảnh tử tử tôn tôn vậy.

Còn tục uống ruợu Giao bôi tức là chồng uống chén của vợ, vợ uống chén của chồng. Thông lệ là dọn ra hai nậm (bình nhỏ) đựng rượu nhỏ mà quai của nậm này buộc sợi chỉ hồng dính với quai của nậm kia. Còn cặp chén uống của 2 người cũng được buộc chân dính với nhau bằng một sợi chỉ đỏ, do đó lúc uống phải giữ ý tứ nhường nhau nếu không thì giật chiếc chén của người kia rớt đất bể thì xui lắm. Nhân đây, cũng nên nhắc đến phong tục giao bôi cũng được thay đổi là uống trước mặt mọi người trong tiệc cưới, cô dâu chú rể móc cánh tay nhau lại và tay cầm chén rượu của mình mà cùng uống một lượt...

Có người lại kiêng cữ không dùng chữ " ly" mà dùng chữ "chung" để chỉ chén rượu trong tiệc cưới. Trở về với chương trình" Món ngon Quê Mẹ" do Bảo Ngọc phụ trách trên Đài Tiếng Nói Việt Nam Hải Ngoại, tôi thấy thật là vô cùng bổ ích và bồi dưỡng về văn hóa một cách phong phú cho tinh thần của thính giả Việt Nam trong cảnh ly hương. Bài viết của tôi chỉ là một đóng góp nhỏ cho chương trình của đài, và ước mong nhận được ý kiến chỉ giáo của hải ngoại chư vị.


Tammy DeWitt Lê

























































Free Web Hosting