Phiếm Luận:

CON CHÓ HÁT ĐỨNG CƯỜI NGỒI

Trần Đỗ Cẩm, Austin, Texas 12/2005



Nếu muốn trích đăng, vui lòng liên lạc Email: camtran11@yahoo.com - Cám ơn.



Thời gian thấm thoát, năm Gà sắp qua nhường chỗ cho cậu Chó trở lại dương trần. Theo đúng thuần phong mỹ tục của dân Việt, số mệnh hên xui của loài người trong năm tùy thuộc vào đặc tính con Giáp năm đó. Ðiển hình trong năm Gà nặng truyền thống bươi móc vừa qua, thiên hạ đua nhau "bới bèo thành bọ", cá nhân này chõ mỏ vào đời tư của lãnh tụ kia; phe nhóm ni đá "Văng Bút" tổ chức nớ khiến các hội đoàn bị chia năm xẻ bẩy, tan tác run rẩy như mắc cúm gà. Nếu tin rằng phàm trần chịu ảnh hưởng của con Giáp ngự trị, vậy trong năm Chó sắp tới, tương lai, đời sống cùng vận mạng may rủi của chúng ta sẽ ra sao? Ðể dễ dàng thấu triệt mối liên quan mật thiết giữa người và vua hạ giới năm nay, chúng ta sẽ lần lượt tìm hiểu nguồn gốc, đặc điểm, cũng như địa vị trong văn chương và lịch sử của loài vật thân thiết này.

Trước khi vào chuyện, thành thực cầu chúc qúi vị năm mới khang an thịnh vượng, vạn sự như ý. Cũng xin trân trọng minh xác đây chỉ là bài phiếm luận với mục đích mua vui nhân dịp đầu xuân. Tránh xa nơi "hàm chó vó ngựa, cựa gà, ngà voi" lúc nào cũng là phương châm của tác giả, do đó, mong qúi vị vui lòng lượng thứ những sơ sót hay va chạm ngoài ý muốn.

NGUỒN GỐC LOÀI CHÓ

Theo sách vở khoa học, loài chó bắt nguồn từ giống Miacis chân có 5 móng, trông giống như chồn, cáo sống vào thời Eocene cách đây khoảng 40 triệu năm. Miacis có thể leo cây, được coi là thủy tổ của các loài chó sói, chồn, mèo. Tới thời Oligocene cách đây chừng 20 triệu năm, Miacis tiến hóa thành giống Cynodictis có móng thứ 5 rút lên cao gọi là móng treo tương tự như chó ngày nay. Sau đó Cynodictis lại đổi dạng thành giống Tomarctus được coi là tiền thân của chó sói xuất hiện trong thời Miocene cách đây khoảng 15 triệu năm. Tomarctus là loài chó rừng tai ngắn, nhưng đuôi rất dài để giữ thăng bằng khi cần chạy nhanh đuổi bắt những con vật khác. Tới thời Pleistocene cách đây chừng 1 triệu năm, giống Tomarctus tiến hóa thành loài Sói Xám tên khoa học là Canis Lupus xuất hiện tại vùng Trung Á, lan truyền qua khu vực Bắc Mỹ, rồi được gia súc hóa trở thành chó nhà ngày nay.

Chó được xếp vào loại ăn thịt Carnivora, giòng Canidae, chủng loại Canis, do đó loài chó còn được gọi chung là Canine hay K-9 tương tự như Feline là giống mèo. Nói chung, chó cùng giòng giống với loài sói và chó rừng khác như Coyotes, Hyenas. Chó rừng hay chó hoang được gia súc hóa cách đây nhiều ngàn năm, trước những gia súc khác như bò, ngựa, dê v.v… vì nhu cầu thực phẩm, săn bắt cũng như bầu bạn với loài người.

Trong nhiều hang động cổ, còn những bức tranh vẽ chó cùng đi săn với người tiền sử cách đây khoảng 6,500 năm trước Tây Lịch. Tại Bắc Mỹ, Anh Quốc cũng như Tiệp Khắc, các nhà khảo cổ cũng tìm thấy xương chó lẫn với xương người trong những hang động cổ xưa hàng 7, 8 ngàn năm. Bộ xương chó xưa nhất, khoảng 10 ngàn năm trước Tây Lịch được tìm thấy tại Ðan Mạch có liên hệ tới người thời Ðá Cũ. Trong các Kim Tự Tháp hay lăng tẩm Ai Cập cũng thấy những xác chó loại Saluki ướp cùng với xác người. Như vậy, chó được gia súc hóa cùng chung sống với loài người hầu như đồng thời trên toàn thế giới. Cho tới khi lịch sử được viết bằng văn tự, nhiều loại chó được mô tả trong sử sách cũng như qua các hình khắc trên đá hay trên đồ gốm tại vùng Ai Cập, Syria, Hy Lạp cũng như Trung Hoa vào đời Hán. Do đó ta thấy việc gây giống từ chó hoang thành nhiều loại chó nhà khác nhau đã được thực hiện ít nhất từ thời Ðá Mới cách đây nhiều ngàn năm.

Khoa học giải thích bắt nguồn từ loài chó rừng, chó nhà theo thời gian tiến hóa thành nhiều chủng loại, màu sắc, đặc tính, hình dáng to nhỏ khác nhau. Charles Darwin được coi là người đầu tiên đặt nền tảng cho thuyết tiến hóa khi xuất bản cuốn sách “Nguồn Gốc Muôn Loài” (The Origin of Species) vào năm 1859. Ông cho rằng thế giới sinh học tiến hóa tiệm tiến từ một hay số ít loài đơn giản lên nhiều loài phức tạp hơn. Darwin bắt đầu bàn về thuyết tiến hoá dựa vào những quan sát thực nghiệm trong sự thuần hoá (domestication) thú rừng thành gia súc. Thí dụ như trường hợp chó nhà. Theo ông, sở dĩ có loài chó nhà vì con người gia hóa chó hoang; sau khi thú hoang trở thành gia súc, con người tiếp tục cấy giống (breeding) theo nhu cầu hay sở thích riêng của mỗi cá nhân để từ một loài thú hoang nguyên thủy, có được nhiều giống chó nhà như hiện nay (tỉ dụ như chó săn, chó Nhật, chó xù, chó cụt đuôi, chó mực, v.v.). Quá trình tiệm tiến này bắt đầu từ một thay đổi nhỏ trong đặc tính của mỗi loài thú (tỉ dụ như lông từ màu xám thành đen), gọi là biến dị, rồi do con người chọn giống, cố kết đặc tính đó lâu ngày nên có loài chó mực. Trong quá trình thuần hóa và cấy giống, thiên nhiên tạo ra những biến dị, còn con người là yếu tố chính, chọn và pha trộn những biến dị của con thú mà họ thích. Do ý thích của mỗi người, thực phẩm, nhiệt độ, môi trường, v.v. khác nhau, nên bắt đầu từ một loài chó hoang, nhiều người khác nhau đã gây giống được nhiều giống chó nhà hiện nay.

HÌNH DẠNG CỦA CHÓ

Chó có nhiều giống rất khác biệt nên vóc dáng to nhỏ, cao thấp không giống nhau tùy theo từng loại. Đại cương hình dạng chó tùy thuộc vào 3 bộ phận chính, đó là đầu, thân và chân.

Ðầu chó gồm hai loại chính: sọ nhỏ mặt dài và sọ rộng mặt ngắn. Xương hàm của chó mặt dài như German Shepherd có thể dài tới 8 inches, trong khi mũi của chó mặt ngắn như Pekingnese chỉ cách mắt chừng 1 inch. Chó có 42 răng, bên ngoài là 6 cặp răng cửa và 2 cặp nanh nhọn và dùng để cắn xé con mồi. Dọc theo mũi chó là những thần kinh khứu giác nên chó rất thính mũi và hay đánh hơi đất, không khí hoặc cây cỏ lân cận để tìm biết và nhận định môi trường chung quanh. Lưỡi chó tương đối mỏng dùng để đưa thực phẩm vào cuống họng, liếm lông cho sạch và tỏa mồ hôi để điều hòa thân nhiệt, do đó chó hay thè lưỡi khi bị nóng. Có người cho rằng chó không bao giờ đổ mồ hôi là hoạt động cần thiết để điều hòa thân nhiệt, nhưng thật ra, chó tiết mồ hôi qua lưỡi, dưới bàn chân chỗ không có lông và một số ít qua da. Tai chó nguyên thủy vểnh nhưng một số loại chó sau này tai rũ vì có nhiều da mềm. Tai chó rất thính, nghe được cả những siêu âm tần số cao tai người không nghe được, vì vậy có thể điều khiển chó bằng những còi siêu âm đặc biệt không gây tiếng động. Mắt chó ngoài mí trên và mí dưới, còn có mí giữa nằm giấu trong khóe mắt có thể quét qua tròng mắt như cái quạt nước để rửa sạch mắt. Ðầu chó nối với mình chó bằng cổ dài hay ngắn tùy theo 7 xương cổ. Tiếng chó sủa cao thấp hay to nhỏ tùy thuộc vào chiều dài của thanh quản trong cổ.

Thân chó chứa đựng những bộ phận quan trọng như tim, gan, phổi, ruột v.v… chó có 13 cặp xương sườn tạo thành lồng ngực để che chở tim và phổi cần thiết cho việc chạy nhảy nên ngực to hay nhỏ là chỉ dấu cho sức mạnh hay trường lực của chó như ta thấy loại chó săn phải chạy nhiều nên có bụng thon, ngực nở. Từ đầu tới đuôi chó có cả thảy 27 xương, nhưng xương đuôi nhiều hay ít tùy thuộc vào đuôi dài hay cụt. Thân chó có lông mọc từ những lỗ nhỏ trong da bao phủ, do đó có thể dựng đứng tùy theo trạng thái của da, tương tự như người. Ngoài ra, chó còn có ria như ria cọp nhưng ít khi xử dụng để cảm giác.

Chân chó dùng để chạy nhảy, gãi và đôi khi để đào bới. Chân trước nối với thân mình bằng xương bả vai dài và hẹp. Chân sau nối với thân bằng xương hông và xương chậu tương tự như người. Chân chó có 5 ngón trong số này có một ngón cao hay ngón treo khó dùng để làm việc gì. Mặt dưới của mỗi ngón chân là lớp da đệm như bàn chân để dễ di chuyển và để toát mồ hôi.

CÁC LOẠI CHÓ

Vì có khả năng săn bắt thiên phú rất cần thiết để sinh tồn nơi rừng núi nên chó đã được loài người tin dùng từ lâu ngay khi còn trú ngụ ngoài hoang dã hay trong hang động. Chó cần thích hợp với nhiều môi trường sinh sống cũng như hoạt động khác biệt nên nẩy sinh nhiều loại như chó săn, chó giữ nhà, chó chăn trừu và ngay cả chó kéo xe ở những miền băng tuyết. Chó săn với đặc tính ngực nở, chân dài và có tài đánh hơi là loại đầu tiên được loài người dùng tới. Loại chó săn này có thể ngửi thấy con mồi từ xa, đuổi rất nhanh để phụ giúp thợ săn bắt mồi. Loại chó săn gọi chung là Hounds, gồm các giống thông dụng như Afghan, Saluki và nhất là loại Greyhound như ta thường thấy hình vẽ trên những chiếc xe đò Greyhound. Chó săn còn có loại chuyên đánh hơi gọi là "Scent Hounds" như Otterhound, Elkhound, Basset Hound và Dachshund có mũi lớn thường được dùng để phát hiện và liên tục theo dấu con mồi. Chó săn cũng được gây giống rất nhiều tại Anh Quốc và Âu Châu gồm loại Terrier như Fox Terrier, Welsh Terrier để săn bắt các loại thú nhỏ như chốn, cáo, thỏ v.v... Ðây là các loại chó nhỏ nhưng mũi rất thính, lanh lẹ và bền bỉ. Khi súng săn được xử dụng, các loại chó mũi thính, miệng mềm như Pointers và Retrievers được dùng để xua chim chóc bay lên, rồi sau đó chui vào lùm bụi để tìm lượm những con mồi bị bắn hạ.

Thoạt tiên, chó hầu như chỉ được dùng trong việc săn bắt, nhưng đời sống loài người ngày càng phức tạp nên chó cũng biến thể thành nhiều loại với nhiệm vụ mới như giữ nhà, bảo vệ người, gia súc. Sau này, còn có loại chó kéo xe, chó dẫn đường, chó cứu người lâm nạn, chó trận và đặc biệt là các loại chó nhỏ để bầu bạn với người. Như vậy, chúng ta thấy vì phải đảm nhiệm nhiều nhiệm vụ khác nhau nên ngày nay có rất nhiều loại chó với hình dạng, khả năng cũng như tính tình khác biệt. Cho tới nay, chó được chia thành hàng trăm loại. Đặc san năm 2002 của Hội Chó Kennel Group Âu Châu xác nhận tới 196 loại và Hội Chó Hoa Kỳ công nhận 150 giống thuộc các loại thông dụng như chó săn, chó làm việc, chó trận, chó chăn chiên v.v…

Ngoài chó săn còn có chó thể thao chuyên giúp người săn bắt chim muông rất thuần tính và gần gũi với người như Retriever, Spaniel, Setter v.v… Loại chó làm việc như Saint Bernard, Great Dane, Doberman, Husky, Pinscher … được xử dụng trong nhiệm vụ canh giữ đất đai nhà cửa, kéo xe, cứu người, đánh hơi ma túy v.v… có đặc tính lớn con thông minh, dễ dạy nhưng cần được huấn luyện và chăm sóc đặc biệt, đôi khi có thể trở thành nguy hiểm đối với người thường. Loại chó bắt chồn Terrier như Fox , Bull, Norfolk, Irish v.v… thường nhỏ con nhưng không ưa các loài vật khác ngay cả với đồng loại, có đặc tính hiếu chiến và sở trường săn đuổi những con vật nhỏ như chồn cáo, thỏ. Loại chó đồ chơi (toy) thường nhỏ con, rất được dân cư ngụ nơi thành thị ưa chuộng như Pug, Poodle, Chin, Maltese, Chihuahua, Pekingese v.v… Loại chó chăn gia súc như Collier, Sheepdog, Shepherd, Corgi v.v… rất thông minh, dễ dạy, thân cận với người và nhất là có khả năng chăn dắt các loài vật khác; chẳng hạn như loài chó Corgi tuy nhỏ con chỉ cao chừng 1 foot, nhưng có thể chăn dắt và hướng dẫn cả đàn bò bằng cách cắn vào cổ chân bò. Do đó nếu muốn nuôi chó, chúng ta cần xác định muốn dùng chó vào việc gì để chọn lựa giống có đặc tính thích hợp. Ða số cư dân thành phố thường chọn loại "toy" vì giống nhỏ, dễ dạy và rất thân thiện với chủ. Loại chó Chihuahua nặng khoảng 5 lbs được nhiều người ưa chuộng vì dễ nuôi và thích đùa nghịch như trẻ con. Chihuahua “teacup” nhỏ hơn, chỉ chừng 3 lbs có thể bỏ trong ly cà phê, nhưng hơi yếu, cần chăm sóc cẩn thận.

Ðặc biệt ở Việt Nam có giống chó Phú Quốc tương đối nhỏ con, chỉ nặng chừng 15 ký nhưng rất nổi tiếng về tài săn bắt và trung thành. Ðây là loại chó lông ngắn đầu nhỏ, mình thon, ngực nở, chân khỏe. Chó Phú Quốc săn các loại thú hoang rất giỏi kể cả các thú lớn như nai hay hung dữ nguy hiểm như heo rừng, rắn độc, nhưng lại rất thân thiện, quấn quít bên chủ. Nhiều người cho rằng chó Phú Quốc rất qúi vì trung thành với chủ nhưng dữ dằn đối với kẻ lạ, giữ nhà tốt và nhất là lanh lợi can đảm không sợ và thường thắng các đối thủ to lớn hơn.

MỘT SỐ ĐẶC ĐIỂM CỦA CHÓ

Tuy được xếp vào loài “ăn thịt” nhưng thật ra, chó không chỉ ăn toàn thịt mà còn ăn các thứ khác như rau cỏ, củ hột … chó Việt Nam lại thích cơm. Vì là giống chuyên săn mồi cần chạy nhanh, nhảy xa nên chân chó tương đối nhỏ với chân trước nhẹ nhàng uyển chuyển trong khi chân sau mạnh dạn, cứng cáp. Thân nhiệt của chó chừng 100 độ F và nhịp tim đập vào khoảng 70 đến 130 lần mỗi phút với chó nhỏ có nhịp tim cao hơn. Chó thở chừng 20 lần mỗi phút, chân trước và sau đều có 4 móng và có 78 nhiễm sắc thể. Chó mang thai khoảng hai tháng và sống lâu từ 8 đến 15 năm; nhưng chó 1 tuổi tương đương với người 15 tuổi, chó 15 tuổi tương đương với người 76 tuổi. Mũi chó rất thính có thể đánh mùi nhạy hơn cả triệu lần so với mũi người vì có nhiều thần kinh nằm dọc theo sống mũi tương đương với một diện tích lớn bằng chiếc khăn tay so với mũi người chỉ nhỏ bằng con tem. Người chỉ có khoảng 5 triệu thần kinh khứu giác, nhưng chó Dachshund có tới 125 triệu, Fox Terrier 150 triệu và chó chuyên môn ngửi Alsation có tới 220 triệu do đó có thể đánh hơi được cả vật chôn sâu dưới đất gần nửa thước. Mũi chó còn có tác dụng giảm nhiệt như một máy điều hòa không khí để giữ cho thân nhiệt được bình thường khi trời nóng. Vì vậy, khi chạy nhiều hay trời nóng, chó thường thè lưỡi há miệng thở hổn hển, không hẳn vì mệt nhưng để thải nhiệt từ cổ họng là chỗ nóng nhất của thân mình. Với đặc tính tự điều hòa thân nhiệt này, chó có thể chạy đuổi theo con mồi rất lâu mà không bị mệt xỉu vì quá nóng như con mồi.

Chó có thể nghe tiếng động xa khoảng 250 yards tức là 10 lần so với tai người; ngoài ra, tai chó với nhiều loại như vểnh, cụp, xệ với hình dáng to nhỏ khác nhau, có thể di chuyển hướng về nơi phát ra tiếng động. Tuy mắt chó không phân biệt được màu sắc, chỉ nhìn thấy một vật qua sự di chuyển, độ sáng và hình dáng, nhưng lại có khả năng nhìn trong bóng tối tinh hơn mắt người vì đàng sau thủy tinh thể có chất phản chiếu ánh sáng như gương, đo đó chúng ta thường thấy mắt chó như sáng lên trong đêm tối. Hàm chó rất mạnh, có thể tạo áp lực khoảng 200 lbs/sqin; loại chuyên môn cắn như Bulldog có thể tạo áp lực lên tới 450 lbs/sqin. Chó hay nhai vớ hay quần áo vì nhớ mùi chủ. Lông chó thoạt đầu đều dài và xám để che chở thân mình nơi hoang dã, sau khi được gia súc hóa và pha giống, hiện nay trở thành nhiều màu sắc và dài ngắn khác nhau. Đuôi chó khác biệt tùy theo chủng loại cũng như tai chó.

Chó tuy ăn tạp, nhưng có một số thực phẩm có thể gây nguy hiểm. Thí dụ như chó rất ưa mùi vị của chocolate, nhưng nếu ăn nhiều chó sẽ bị ngộ độc vì chất theobromine có nhiều trong loại bánh kẹo này. Một thỏi chocolat có thể làm chó nhỏ bị đứng tim, tiêu chảy. Nho, hành, rượu cũng dễ làm chó bị đau bệnh. Ngoài các chứng bệnh vì thức ăn, chó còn có thể bị lây bệnh dại khi bị các con vật khác như mèo, chồn, dơi cắn. Bệnh chó dại rất nguy hiểm vì có thể lan truyền cho người. Để phòng ngừa bệnh dại, nhiều quốc gia trên thế giới như Anh, Ái Nhĩ Lan, Úc v.v… đều có điều luật kiểm dịch rất nghiêm ngặt , trong đó chó mèo nhập cảng phải được cô lập trong một thời gian khá lâu để kiểm dịch, trong khi các quốc gia khác bắt buộc chó phải được chích ngừa. Chó còn bị bệnh sán lãi có thể lậy truyền qua nước miếng hay phân. Chí rận cũng là bệnh chó thường mắc phải.

Về kỷ lục, con chó lớn nhất trên thế giới được ghi nhận thuộc giống Old English Mastiff tên Zobra cân nặng 343 lbs, dài 8 ft 3 in vào năm 1989. Chó cao nhất tên Shamgret Danzas cao 42 inches tức là trên một thước, nặng 238 lbs. Nhỏ nhất là chó Yorkie thuộc vùng Blacburn bên Anh, khi 2 tuổi chỉ cao gần 4 inches, nặng 4 ounces giống như con chuột nhỏ. Chó già nhất sống được 19 năm 5 tháng bên Úc. Tại Hoa Kỳ, trung bình 1 trong 3 gia đình nuôi chó và mỗi năm có 5 triệu chó con ra đời.

Chó ngay từ khi xuất hiện trên mặt địa cầu đã là giống chung sống từng đoàn để dễ săn mồi và bảo vệ lẫn nhau. Vì vậy, những toán tầu ngầm của Đức trong Thế Chiến 2 được gọi là “Wolf Pack”. Mỗi bầy chó hoang đều có một con lớn dẫn đầu, do đó khi nuôi trong nhà, chó cũng coi mọi người trong gia đình đều thuộc cùng bầy nên thường chỉ nghe theo và quấn quít với người nào gần gũi nhất coi như chủ bầy. Điều này rất quan trọng nếu chúng ta muốn huấn luyện chó cho thuần thục. Chó biểu lộ tình cảm bằng tiếng sủa hay những cử động của thân mình. Khi vui, tai chó vểnh lên và vẫy đuôi liên tục. Lúc muốn chơi giỡn, chó cúi mọp mình thấp xuống, hai chân trước bò sát đất trong khi hai chân sau đứng cao, đuôi vẫy. Khi giận dữ, đầu chó cúi thấp, tai co ngược về phía sau sát đầu, mắt thu nhỏ lại, nhe răng, miệng gầm gừ, đuối thẳng trong tư thế vồ mồi. Chó tỏ ý thần phục bằng cách nằm ngửa để được gãi bụng.

CÁC CON CHÓ NỔI TIẾNG

Qua giòng thời gian, có rất nhiều chó đã chứng tỏ lòng trung thành và tận tụy phục vụ con người qua nhiều hoàn cảnh khác nhau. Sau đây là một số chó tiêu biểu.

Chó Bobby tại Greyfriers bên Anh thường theo chủ tới tiệm ăn đúng 1 giờ trưa khi có tiếng súng nổ báo giờ ngọ. Khi chủ ăn, Bobby nằm dưới chân. Năm 1858, vì chủ chết nên Bobby bị bỏ hoang ngoài đường. nhưng chỉ ba ngày sau, khi tiếng súng báo giờ nổ như mọi ngày, Bobby lại tới tiệm ăn cũ như khi chủ còn sống, sau đó về ngủ trên mộ chủ. Từ đó, ngày nào Bobby cũng tới tiệm ăn đúng giờ rồi lại quay về mộ chủ. Nhiều người tính đưa Bobby về nơi trú ngụ ấm áp hơn nhưng Bobby không chịu nhất định ở bên mộ chủ ròng rã 14 năm cho tới khi chết vào năm 1872. Lòng trung thành của Bobby khiến dân chúng ngưỡng mộ; họ chôn Bobby gần mộ chủ trên đó có tượng của Bobby.

Chó Cai Jack là biểu tượng của Lữ Ðoàn Bộ Binh Dublin bên Anh. Jack bị thương nhưng vẫn nằm canh xác chết của chủ là một lính Ðức trong thế chiến thứ nhất. Sau đó Jack được lính Anh mang về nuôi, cùng chia xẻ đới sống khổ cực và nguy hiểm trong giao thông hào nên sinh lòng cảm mến những chủ mới. Jack rất can đảm và lập nhiều chiến công nên được tuyên dương công trạng và thưởng Anh Dũng Bội Tinh.

Trong kỹ nghệ điện ảnh, “Lassie Come Home” là phim được Hollywood sản xuất từ năm 1943. Con chó thủ vai Lassie tên là Pal đã diễn xuất thật xuất sắc khiến khán giả nhất là các em nhỏ rất ái mộ. Đại cương phim kể chuyện một con chó trung thành phải vượt qua hàng trăm dặm đường gian khổ để tìm chủ là đôi thiếu niên nam nữ do Elizabeth Taylor và Roddy McDowel thủ diễn. Pal trở thành một tài tử bốn chân nổi tiếng và là minh tinh chó đầu tiên trong loạt phim và truyền thanh Lassie kéo dài tới 50 năm!

Rin-Tin-Tin là chó loại German Shepherd do Trung Sĩ Lee Duncan nhặt được trong trại Huấn Luyện chó của Ðức vào cuối thế chiến 2. Mẹ của Rin-Tin-Tin có 5 con nhưng Trung Sĩ Duncan chỉ bắt 2 con đưa về Mỹ. Chẳng may, chị em Nanette bị chết sớm nên chỉ còn lại Rin-Tin-Tin. Vào năm 1922, Rin-Tin-Tin khởi đầu sự nghiệp điện ảnh qua phim "The Man From Hell's Rover" do hãng Warner Bros. sản xuất và được nổi tiếng ngay tức khắc. Vào thời cực thịnh, Rin-Tin-Tin sống như một ngôi sao điện ảnh cổ đeo vòng kim cương, có xe hơi, tài xế riêng và ban nhạc riêng để giải trí! Rin-Tin-Tin được giới một điệu thương mến gọi là cục cưng Rinty, đóng cả thảy 24 phim khiến đạo diễn Darryl F. Zanuck cùng hãng Waner Bros. hốt bạc. Như các tài tử khác, đám cưới của Rin-Tin-Tin được báo chí loan tin rầm rộ. Hai vợ chồng chó cùng đóng vài ba phim và sản xuất ra Rin-Tin-Tin Junior cũng trở thành tài tử điện ảnh. Rin-Tin-Tin chết năm 1932 khi được 14 tuổi.

Ngoài các giống chó “đại chúng”, còn có loại chó vương giả giống nhỏ trước đây chỉ có những ông hoàng bà chúa hay giới qúi tộc nuôi. Chó Bichon Frise nguồn gốc từ đảo Canary được triều đình Pháp rất ưa chuộng. Chó nhỏ Brussels Griffon được Hoàng Gia Bỉ, đặc biệt là Bà Hoàng Astrid yêu thích. Loại chó Pekingese bắt nguồn từ thới nhà Hán khoảng 200 trước Tây Lịch, còn được gọi là chó Sư Tử dành riêng cho vua chúa Trung Hoa, kẻ nào trộm chó sẽ bị tử hình. Khi chủ chết, chó Pekingese thường bị chôn sống trong mộ để bảo vệ chủ trong cõi âm giống như chó Saluki của Ai Cập! Chó Pu bắt nguồn từ Á Châu được thương gia đưa sang Âu Châu, rất thịnh hành trong thời nữ hoàng Victorias bên Anh cũng như giới qúi tộc Âu Châu. Hoàng Hậu Marie Antoinette và bà Hoàng Josephine của Pháp đều nuôi loại chó này. Chó Maltese có từ thời cổ Ai Cập do giới thương nhân Phoenician đưa qua đảo Malta và vùng Ðịa Trung Hải. Loại chó nhỏ này rất được các bà hoàng ưa thích và được coi là loại chó cưng của các mệnh phụ. Nữ Hoàng Anh Elizabeth là chủ một chó Maltese. Chó Toy Spaniel rất thịnh hành trong các triều đình Âu Châu và được đưa qua Anh vào thế kỷ 16. Thời điểm cực thịnh của loại chó này là dưới triều vua Charles 11 và được phong là hiệp sĩ (cavalier). Bà Hoàng Mary rất thích loại chó này. Khi bà bị hành hình tại lâu dài Fothering vào năm 1587, con chó Toy Spaniel của bà lẩn trốn dưới gấu váy, đao phủ thủ chỉ phát hiện sau khi bà đã chết. Papillon là chó nhỏ xưa nhất tại lục địa Âu Châu bắt nguồn từ Ý. Các mệnh phụ Marie Antoinette và Madame de Pompadour là chủ chó loại này. Các nhà danh họa như Rubens và Rambrand cũng thường vẽ chó Papillon. Chó Lhasa Apso của Tây Tạng, một loại chó xưa nhất khởi đầu từ khoảng 800 năm trước Tây Lịch được coi như lai giống giữa loại Terrier và Spaniel Tây Tạng. Ðây là loại chó thiêng khi xưa được coi như sư tử nhỏ rất ít khi được đưa ra bên ngoài, chỉ được nuôi trong các tu viện để bảo vệ Phật và chùa chiền. Chó Shih-Tsu được coi như lai giống giữa loại Pekingese và Lhasa-Apso chỉ nuôi trong vòng Tử Cấm Thành bên Trung Hoa, mãi tới năm 1930 mới được đưa qua nước Anh.

CHÓ TRONG KHOA HỌC

Chó không những chỉ giúp việc săn bắn hay bầu bạn với người, mà còn được xử dụng thay người trong các cuộc thí nghiệm khoa học. Nhiều chó được dùng thay phi hành gia để thử nghiệm quần áo, dụng cụ, máy thở và cả hệ thống truyền tin trên các phi thuyền không gian. Về phương diện này, các con chó Nga được coi là những chó phi hành tiên phong.

Chó Laika là sinh vật đầu tiên được phóng lên không gian trên vệ tinh Sputnik-2 vào ngày 3 tháng 11 năm 1957 tại Trung Tâm Không Gian Baikonur bên Nga, tức là chỉ 30 ngày sau khi vệ tinh đầu tiên Sputnik-1 được thử nghiệm thành công. Chó cái Laika tiếng Nga có nghĩa là "sủa" thuộc giống chó Tây Bá Lợi Á được gắn vào máy thở chạy bằng bình điện trên vệ tinh nhưng không có ống thực phẩm. Khi bình hết điện, Laika bị chết vì Sputnik-2 không được chế tạo để trở về trái đất. Laika bị hy sinh nhưng được toàn thế giới ngưỡng mộ vì đã mở đường cho các phi hành gia lên không gian sau này. Sau Laika, hai chó Bars và Lisichka được huấn luyện để bay trên phi thuyền có thể trở về trái đất, nhưng không may, cả hai bị chết khi phi thuyền thử nghiệm phát nổ trên giàn phóng vào ngày 28 tháng 7, 1960. Mãi tới ngày 19 tháng 8, 1960, chó Strelka và Belka là hai sinh vật đầu tiên lên không gian và trở về trái đất an toàn sau khi bay một ngày trên phi thuyền Sputnik-5. Bạn đồng hành của Strelka và Belka trên phi thuyền còn có 40 chuột nhắt, 2 chuột cống và một số cây cỏ. Sau khi trở vế trái đất, chó Strelka còn sinh được 6 chó nhỏ, trong số này một con được gửi biếu Tổng Thống Kennedy của Hoa Kỳ. Tổng cộng, Nga Sô phóng 13 con chó vào không gian để thí nghiệm, trong số này có 5 con bị chết khi bay hay vì tai nạn.

Trong lãnh vực sinh vật học, ông Pavlov đã thực hiện khá nhiều thí nghiệm về “tiết tâm linh” (nhễu nước miếng) liên quan tới chó. Ivan Pavlov là người Nga đã thử nghiệm bằng cách đánh vài tiếng chuông mỗi khi cho chó ăn. Chó thấy đồ ăn liền chảy nước miếng để hỗ trợ việc tiêu hóa. Lâu dần chó quen với tiếng chuông cùng đi đôi với đồ ăn nên sau đó Pavlov chỉ đánh chuông nhưng không có đồ ăn, chó vẫn tiết ra nước miếng. Vì những phát kiến thực tiễn “phản xạ có điều kiện” liên quan tới tiêu hóa này, Pavlov được giải thưởng Nobel Y Học vào năm 1904. Các khảo cứu của Pavlov được dùng làm nền tảng cho thuyết “thói quen tâm lý” do John Watson phát triển sau này.

Qua lãnh vực thiên văn, trên trời có chòm sao Thiên Cẩu tên khoa học là Canis Major nghĩa là chó lớn gồm 7 ngôi sao hợp lại, trong đó có sao Sirius còn được gọi là Canis Major Alpha sáng nhất trên bầu trời. Sirius bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp có nghĩa là “nóng hổi”. Chòm sao Orion tiếng Việt gọi là sao Thần Nông hay Sao Cầy trông giống một nông phu, nhưng người Tây Phương lại mường tượng như một thợ săn cầm cung. Thợ săn cần chó đi theo nên cạnh chòm Orion có 2 chòm sao nhỏ là Canis Major và Canis Minor là chó lớn và chó nhỏ ngồi dưới chân chủ sẵn sàng chờ lệnh chủ để săn bắt sao Thỏ Lepus ngay trước mặt. Muốn tìm Thiên Cẩu, trước hết kiếm chòm sao Orion nằm ở cao độ tương đương với vĩ độ của điểm đứng vào sáng mùa thu hay tối mùa đông. Kéo dài từ 3 ngôi sao hợp thành giây lưng của Orion về phía trái, chúng ta sẽ nhận ra sao Sirius rất sáng nằm trên vai của Thiên Cẩu. Việc xác định chòm Orion và sao Sirius rất quan trọng đối với người đi biển thời xưa khi kỹ thuật hải hành còn thô sơ vì từ đó có thể nhận ra sao Bắc Đẩu gần cực Bắc của trục địa cầu. Với sao Bắc Đẩu, các nhà hàng hải không những có thể phỏng định được hướng đi mà còn tính được vĩ độ của con tầu do mối tương quan với cao độ của sao Bắc Đẩu qua công thức lượng giác cầu.

Thành ngữ “Dog Days of Summer” bắt đầu từ ngày 3 tháng 7 đến 11 tháng 8 mỗi năm là một truyền thuyết khá lý thú được dùng để chỉ những ngày nóng nhất trong năm, bắt nguồn từ thời cổ La Mã và Hy Lạp. Người thời cổ cho rằng khi sao Sirius nằm thẳng hàng với mặt trời và địa cầu, nhiệt độ dưới trái đất sẽ gia tăng do độ nóng của mặt trời và sao Sirius cộng lại. Thật sự, các nhà thiên văn học xác định rằng nhiệt độ của trái đất chỉ do mặt trời chi phối.

CHÓ VỊ THUỐC

Đối với người đông phương, thịt chó không những là món thực phẩm thông dụng, mà còn là phương thuốc hiệu nghiệm chữa được nhiều thứ bệnh. Nhiều người cho rằng dân Á Châu ưa thịt chó vì phần lớn cho rằng đây là một loại thuốc.

Dân Trung Hoa gọi thịt cầy là "hương nhục" là có lý do chính đáng: vì khi thịt được sao tẩm các vị thuốc Bắc ăn sẽ làm mát gan, bổ thận, giữ ấm chống lạnh cho cơ thể. Còn trong dân gian ở ta cũng từng có kinh nghiệm dùng cật chó mực chữa chứng nghiến răng, đái dầm. Thịt dê vị ngọt, tính ấm, ích khí bổ hư, khai vị kiên lực, sinh cơ tráng dương, từ xưa tới nay vẫn được coi là loại thực phẩm bổ dương rất tốt. Thịt chó cũng vị ngọt, tính ấm, bổ trung ích khí, ấm thận trợ dương, tăng cường khả năng giữ ấm, chống lạnh. Trong "Bản thảo cương mục" nói rằng: Thịt chó có tác dụng "yên ngũ tạng, ấm lưng cật, bổ huyết mạch, ích thận bổ vị, tráng khí lực, bổ ngũ lao thất thương (bồi bổ ngũ tạng bị tổn thương), là một loại thức ăn tuyệt hảo về mùa đông. Tuy nhiên, sau khi ăn thịt dê hoặc thịt chó, chớ nên uống trà ngay, nếu không sẽ bất lợi cho sức khỏe. Bởi vì, trong thịt dê và thịt chó có chứa nhiều protein, còn trong lá chè có nhiều axít tannic. Nếu sau khi ăn thịt dê hoặc thịt chó mà uống ngay trà thì axít tannnic trong lá chè kết hợp với protein trong thịt dê, thịt chó tạo thành một chất có tên tannalbin có tác dụng cầm giữ, làm cho nhu động ruột yếu đi, lượng nước trong phân cũng giảm hơn, khiến cho việc đi ngoài không được thông, thậm chí sinh ra táo bón. Như vậy, các chất độc và chất gây ra ung thư sẽ nằm lâu trong ruột, cơ thể phải hấp thụ, gây nguy hại cho sức khỏe. Chính vì vậy, sau khi ăn thịt dê hoặc thịt chó, chớ nên uống trà ngay.

Nhiều người truyền tụng rằng ăn thịt cầy bổ dương, nhưng cần có riềng để át mùi mỡ chó, làm dễ tiêu, giảm đầy bụng. Vì thế nên mới có câu:

“Con gà cục tác lá chanh
Con lợn ủn ỉn mua hành cho tôi
Con chó khóc đứng khóc ngồi
Mẹ ơi đi chợ mua tôi đồng riềng”

Thịt chó nấu với phấn hoa, sâm và nấm là thức ăn tăng lực. Món thịt cầy 250g, đậu đen 50g, nêm muối, đường, bột ngũ vị hương vừa ăn, nấu chín hoặc thịt cầy ướp đại hồi, tiểu hồi, vỏ quế, trần bì, thảo quả, gừng tươi, muối, nêm vừa ăn, nấu chín được xem là món ăn “Ôn thận, trợ dương, ôn trung, kiện tỳ”.

Sự phổ thông của các món ăn chế biến từ thịt chó tại Đại Hàn một phần cũng do lòng tin cho rằng đây là một một món ăn bổ dưỡng. Quan niệm về vị trí độc tôn của người đàn ông trong xã hội Đại Hàn cũng góp phần làm cho thịt chó trở thành món ăn đặc biệt trong ẩm thực của người Hàn. Phần lớn những người thưởng thức thịt chó là đàn ông vì tương truyền, món ăn này có tác dụng đặc biệt đối với việc tăng cường sinh lực cho người đàn ông trong chuyện chăn gối. Trong đơn thuốc điều trị, nhiều bác sĩ Đại Hàn đã kê toa thịt chó cho bữa ăn hàng ngày để phục hồi sức khỏe cho các bệnh nhân sau khi giải phẫu hoặc tăng cường sinh lực cho các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo. Theo quan niệm của người Đại Hàn, thịt chó còn có tác dụng giải nhiệt mùa hè và giúp cơ thể tăng sức đề kháng với các loại bệnh dịch.

Theo một trong những cuốn sách mà Hải Thượng Lãn Ông, ông tổ của y học phương Đông để lại, thịt chó được coi là một vị quý có tác dụng tốt đổi với lục phủ ngũ tạng, thúc đẩy tuần hoàn máu, tǎng cường khả năng sinh lý ở nam giới ... và nhìn chung là là bồi bổ rất tốt cho cơ thể.

Chó có khả năng tình dục mạnh nên theo quan niệm “ăn gì bổ nấy”, cật và ngọc hành chó được dùng làm thuốc bổ thận, tráng dương, trị nhược dương, di tinh, lưng mỏi, gối mềm. Danh tiếng nhất trong họ nhà cẩu là hải cẩu (chó biển) có đời sống đa thê, một con đực sống với vài chục con cái, tuy vui chơi nhưng vẫn không quên... nhiệm vụ nên thuốc tam tinh hải cẩu bổ thận hoàn còn truyền lại tới này nay. Ở Việt Nam dạo trước, nhà thuốc Võ Văn Vân chuyên sản xuất loại thuốc tam tinh này.

Trong các loại thuốc nam dùng để cầm máu trị thương, có một loại thực vật khá thông dụng là cây cẩu tích thân có nhiều lông như lông chó, còn gọi là cây lông cu li, kim mao cẩu tích, cẩu tồn mao, cây lông khỉ, (tên khoa học là cybotium barometz). Loại cây này có nhiều ở vùng đồi núi cao như Bạch Mã (Thừa Thiên), Đà Lạt... Người ta vặt lông cẩu tích, rồi tẩm cồn 90 độ rồi phơi khô. Khi bị vết thương máu ra nhiều thì lấy đắp vào vết thương rồi băng ép lại, máu sẽ cầm rất nhanh. Cây cẩu tích sẽ ra lông trở lại nếu ta phun rượu trắng vào gốc rồi mang để vào nơi thoáng mát.

Khi nói đến chó thuốc thang và bệnh tật, nhiều người liên tưởng ngay tới bệnh chó dại do loài vật truyền sang người. Ở người, bệnh dại bắt đầu bằng những dấu hiệu không rỏ rệt. Bệnh nhân cảm thấy uể oải khó chịu trong người, hơi sốt nóng, đôi khi bị nhức đầu, và mất cảm giác đói bụng. Dần dần thì triệu chứng rối loạn thần kinh xuất hiện ra, như mất ngủ, tinh thần trở nên căng thẳng, sợ tiếng động, sợ ánh sáng, hay bị kích thích và sinh ảo giác. Kế đến là bị co giật hoặc bị tê liệt, nước miếng nước bọt tiết ra rất nhiều và nuốt rất khó khăn. Bệnh nhân tỏ vẻ rất sợ nước (hydrophobia). Bệnh nhân lên cơn điên dại, lúc tỉnh, lúc mê, kế đến là tê liệt bắt đầu ở 2 chân (paralysie ascendante) sau đó thì liệt cả 2 tay, cuối cùng là liệt hô hấp và chết. Một khi triệu chứng đã xuất hiện ra thì không thể chữa trị kịp nữa.

Việc chích ngừa sau khi bị thú cắn, chủ yếu nhầm 2 mục đích chính. Trước hết là cấp ngay cho bệnh nhân một lượng kháng thể chống bệnh dại. Đây là phương pháp miễn dịch thụ động (passive immunization). Ngày xưa người ta dùng huyết thanh (serum antirabique) của ngựa đã được chủng ngừa dại từ trước, cần phải chích một khối lượng rất lớn và nhiều mũi. Phương pháp nầy rất đau đớn, và có thể gây ra những phản ứng bất lợi nên bây giờ không còn được xử dụng nửa. Để thay thay thế, hiện nay hầu hết các quốc gia tân tiến trên thế giới đều dùng chất immune globulins (Ig) còn gọi là gamma globulins trích từ huyết tương (plasma) người gọi là Human Rabies Immune Globulins (HRIG) để chích cho bệnh nhân bị chó cắn.

Mục tiêu thứ hai của việc chích ngừa là giúp cho cơ thể nạn nhân có thể tự tạo ra kháng thể để chống lại virus bệnh dại. Người ta gọi đây là phương pháp miễn dịch tích cực (active immunization), bằng cách ta chích thẳng cho bệnh nhân 1 loại vaccin làm từ virus bệnh dại đã được làm vô hiệu hóa (inactivate) nên không thể gây ra bệnh được, nhưng lại có khả năng tạo ra được sự miễn dịch đối với bệnh dại. Thông thường bịnh nhân sẽ được chích 5 mũi trong vòng 28 ngày liên tục. Liền sau khi bị chó cắn, càng sớm càng tốt, gọi là ngày 0, chích chất HRIG và thêm 1 liều vaccin ngay lập tức, kế đến là chích 1 liều vaccin khác ở các ngày thứ 3, ngày 7, ngày 14 và ngày 28 . Thuốc được chích vào cánh tay và không đau đớn. Chữa trị đúng lúc, kết quả 100%. Đối với phụ nữ đang mang thai, nếu bị chó dại cắn vẫn cần phải đuợc chủng ngừa như thường. Nhà bác học Louis Pasteur là người tìm ra loại thuốc chủng ngừa bệnh chó dại đầu tiên vào năm 1885. Ngày nay, có nhiều viện Pasteur trên toàn thế giới, ngay cả tại Việt Nam.

CHÓ TRONG VĂN CHƯƠNG VÀ LỊCH SỬ

Chó là loài vật rất gần gũi với người, do đó được mệnh danh là "bạn thân nhất của người" (man's best friend). Ðặc điểm của chó là trung thành với chủ, bất kể giàu nghèo như tục ngữ ta có câu “con không chê cha mẹ khó, chó chẳng chê chủ nghèo”. Điển hình khi khai quật di tích thành phố Pompeii bên Ý bị chôn vùi vì núi lửa Vesuvis vào năm 79, các khảo cổ gia còn tìm thấy xác chó nằm vắt qua xác trẻ con, như cố gắng che chở cho chủ khi có tai nạn. Mấy con Kẩu Kầy hay các anh chị xướng ca vô loại qụy lụy bọn bất lương để kiếm chút xương thừa cơm cặn, phản bội bạn bè đồng đội đã cưu mang chúng kể ra không bằng chó về mặt trung thành này.

Khi nghiên cứu tường tận về nguồn gốc, đời sống cũng như đặc tính của loài chó, chúng ta thấy chó được phát triển song song với sự tiến bộ của loài người. Do đó, ngoài những tranh vẽ trong hang động cổ hay trên đồ gốm, chó cũng được ghi lại rất nhiều trong thần thoại và văn chương nhân loại từ Âu sang Á. Điều đáng ghi là người thời cổ thường dùng hình ảnh chó để chỉ sự liên quan đến cái chết và âm giới. Một số người Việt chúng ta tin rằng dưới âm phủ có con chó ngao dữ dằn canh cửa không để các vong hồn trốn về dương gian mà phải đi qua cầu Nại Hà và ăn cháo lú Mụ Bà để quên hết tiền kiếp trước khi đầu thai. Do đó trong truyện Lục Súc Tranh Công, con muông tức là chó kể công như sau:

“Khi sống thì giữ gìn của đời,
Khi thác xuống giữ cầu âm giái,
Người có phước, muông đưa ra khỏi,
Ai vô nhân, qua chẳng đặng đâu!”

Ngay từ thời thượng cổ, người Ai Cập đã thờ phụng thần Anubis đầu chó mình người, tay cầm roi là thần cai trị âm giới Necropolis là nghĩa trang tương tự như Diêm Vương. Anubis là con của thần Ra và Nephthys còn đảm nhiệm việc hướng dẫn các linh hồn trong bóng tối của địa phủ và cân tim của người chết để so sánh thiện ác cũng như trông coi, bảo tồn những xác ướp để có thể tái sinh sau này. Anubis còn biết được số mạng sống chết của con người nên được coi là thần giữ sổ tử như Nam Tào. Do đó, trong các ngôi cổ mộ hay Kim Tự Tháp, chúng ta thấy nhiều hình tượng của Anubis.

Tại Hy Lạp, văn hào Homer tác giả của thiên hùng ca “Odyssey” vào thế kỷ 9 trước Tây Lịch được coi là người đầu tiên viết về chó. Người La Mã dùng chó để canh giữ nhà cửa và dinh thự và nhà nào nuôi chó phải để bảng “Cave Canem” có nghĩa là coi chừng chó; ngoài ra họ còn là giống dân đầu tiên xử dụng chó trong chiến trận.

Dân cổ Hy Lạp còn tin rằng người chó ba đầu, đuôi rắn Cerberus là thần canh cửa âm ty dưới quyền chỉ huy của thần Hades. Cha của Cerberus là Typhon, còn mẹ là Echidna một quái vật đầu người mình rắn. Ban đầu, nhiều hình vẽ Cerberus có tới trăm đầu, nhưng sau này chỉ còn 3 đầu. Cerberus có nhiệm vụ canh giữ người sống không được đột nhập địa phủ và người chết không được trốn ra nên phải có nhiều đầu để canh chừng mọi nơi và nuốt những kẻ xuất nhập bất hợp pháp. Tuy nhiên, đã có 2 nhân vật lọt được vào địa phủ là Orpheus và Heracles (Herculus). Orpheus là một thi sĩ và nhạc sĩ tài hoa đã dùng những cung đàn du dương để ru ngủ Cerberus, còn Heracles trong kỳ công thứ 11 dùng sức với sự đồng ý của Hades đã bắt cóc Cerberus đưa về triển lãm tại Mycenae khiến Cerberus rất tức giận. Cerberus còn có một người anh em tên Orthrus mình người 2 đầu chó.

Vào thời nhà Hán bên Trung Hoa khoảng thế kỷ 3 trước Tây Lịch, có nhiều hình trên đồ gốm và tranh vẽ chó được chôn chung với chủ. Chó nhỏ cũng rất được phổ thông tại Trung Hoa thời trước, thường được cho vào tay áo thụng để sưởi ấm.

Trong lịch sử, có rất nhiều chuyện liên quan đến chó. Người Anh tin rằng chó là bạn đồng hành trung thành và đáng tin cậy, theo và bảo vệ chủ cho tới chết như lịch sử kể lại chó Cabal rất trung thành của Vua Athur thời trung cổ. Ngoài ra, nhiều người còn tin tưởng rằng chó có giác quan hay linh tính đặc biệt biết trước được tai nạn sẽ xảy đến cho chủ. Thí dụ như công tước Carnivon, người khám phá mộ vua Tutankhamen tức King Tut trong kim tự tháp Ai Cập đã vướng lời nguyền vì xâm phạm ngôi cổ mộ nên bị bạo bệnh rồi chết, con chó của ông cũng chết chỉ vài giờ sau đó. Nhiều người thân cận cũng kể lại mấy giờ trước khi tổng thống Abraham Lincoln bị ám sát, con chó của ông tru rất thê thảm và chạy cuống cuồng quanh tòa Bạch Ốc.

Người thời trung cổ cũng tin rằng chó tru là điềm bất lành. Chó tru khi có trẻ ra đời được coi là điềm không may cho đứa bé. Cho tru bên ngoài nhà là điềm người trong nhà sẽ bị tai họa. Người Ái Nhĩ Lan tin rằng khi chó tự dưng đào vườn nhà nào, báo hiệu nhà đó sẽ có người chết. Một số dân quê Hoa Kỳ tin rằng khi chó ngủ thẳng đuôi là điềm sẽ có tai họa sẽ tới từ hướng đuôi chỉ. Tuy vậy, không phải chó chỉ đưa tới những điềm bất tường mà còn mang tới điềm lành. Thí dụ như chó lạ theo về nhà thì hên như câu "Mèo tới nhà thì khó, chó tới nhà thì sang"; thấy chó khoang chạy cắt ngang đường đi là điềm làm ăn khấm khá.

Vì tiếng tru thảm thiết của chó trong đêm vắng thường gây kinh hoàng nên chó cũng được nhắc nhiều trong truyện kinh dị với tin tưởng rằng tiếng tru của chó là báo hiệu của Thần Chết đang thi hành nhiệm vụ, tương tự như huyền thoại nữ thần Diana của Hy Lạp cưỡi xe chó bay trên trời để lượm hồn người chết. Nổi tiếng nhất là tác phẩm "Con chó của dòng họ Baskervilles" của Sir Athur Conan Doyle trong đó thám tử Sherlock Holmes và Bác Sĩ Watson điều tra về cái chết thần bí của công tước Sir Charles Baskerville trong tòa lâu đài của giòng họ Baskervilles ở Dartmoor vì dân chúng đồn đại rằng giòng họ Baskervilles sẽ lần lượt bị tiêu diệt bắng con chó đầu đen khổng lồ. Nhưng Sherlock Holmes điều tra thật ra đây chỉ và một vụ sát nhân được che dấu khéo léo vì người trong gia đình tranh chấp gia tài.

Chúng ta đã biết chuyện Tarzan được bày khỉ nuôi nên biết leo trèo như khỉ và trở thành chúa sơn lâm; nhưng còn chuyện cậu bé Mowgli được chó sói nuôi cũng nổi tiếng không kém vì đây là nền tảng cho phong trào Sói Con trong Hướng Đạo. “Truyện Rừng Xanh” (The Jungle Book) của Rudyard Kipling, thuật lại cậu bé Mowgli bị một con hổ gian ác tên là Shere Khan bắt, may thay cậu được báo đen Bagheera cứu bằng cách đổi con bò lấy cậu bé. Bagheera mang cậu bé về gửi cho một gia đình sói trong bầy Seeonee do sói già cô độc Akela dẫn dắt. Nhưng hổ Shere Khan vẫn không chịu bỏ, cấu kết với bầy khỉ vô trật tự Bandar-Log tìm mọi cách hãm hại Mowgli. Nhưng mọi âm mưu của hổ Shere Khan và bầy khỉ Bandar-Log đều bị bẻ gãy. Khi chung sống cùng bầy sói, Mowgli được gấu Baloo dạy luật rừng xanh, báo Bagheera chỉ cách đi săn, chim Chil dạy ca hát, trăn Kaa dạy múa, còn voi già Hathi chuyên kể chuyện cổ tích cho bầy sói nghe.

Dần dà Mowgli lớn lên, bầy sói bàn với nhau là đã tới lúc Mowgli cần một cuộc sống ấm êm với anh em cùng giống. Bầy quyết định trả Mowgli về với loài người. Mowgli từ giã bầy sói thương yêu, trở về làng xưa và hứa sẽ trở lại thăm bầy cùng hang sói, nơi mà cậu được nuôi nấng từ thuở mới lọt lòng.

Người Mỹ thường dùng thành ngữ "the hair of the dog" để chỉ phương cách hoặc phương thuốc trị say rượu, thí dụ như "Use this hair of the dog to cure hangover"; thành ngữ này bắt nguồi từ niềm tin rằng khi bị chó dại cắn thì phải chữa bằng cách lấy lông chó dại đắp vào vết thương. Nhiều ông Hoàng bà Chúa triều đình Pháp khoảng thế kỷ 18 rất thích nuôi chó loại Poodle với lông tóc cắt tỉa cẩn thận. Bên Ðức nhà tu hành nào không giữ được giới luật khi chết trên bia một khắc hình chó Poodle.

Trong Anh ngữ cũng có rất nhiều thành ngữ liên quan đến chó như “The barking of a dog does not disturb the man on a camel” (mặc chó sủa, lạc đà cứ đi), “Beware of a silent dog and still water” (đề phòng chó không sủa và nơi nước lặng”, “A barking dog never bites” (chó sủa thì không cắn”) v.v…

Vào thế kỷ 17 bên Anh có ông Hoàng Rupert ra trận bách chiến bách thắng khiến mọi người đồn rằng ông có một phù thủy biến hình thành con chó lúc nào cũng bên cạnh. Khi con chó bị chết, ông Hoàng mới bị bại trận lần đầu tiên.

Đầu thế chiến thứ 2, quân đội Anh ra lệnh giết 200,000 quân khuyển đã được xử dụng rất hiệu quả trong các trận chiến trước vì họ tin rằng chiến tranh mới là chiến tranh của cơ giới và máy móc, vả lại cũng để tiết kiệm thực phẩm. Trong khi đó, Ðức Quốc Xã lại xử dụng rất nhiều chó loại Shepherd và Doberman trong nhiệm vụ phòng thủ cũng như tấn công. Do đó, người Anh phải chật vật kiếm chó để huấn luyện tại các trường quân khuyển ở Gloucester, Miến Ðiện và Ai Cập. Ðến năm 1942, quân đội Anh bắt đầu dùng "chó dù" cùng nhảy với lính và Lực Lượng Ðặc Biệt Anh nhảy dù thám sát và phát hiện những nơi nguy hiểm. Quân khuyển Rob đã nhảy dù 8 lần cùng lính Anh. Tới năm 1944, quân đội Anh có đến khoảng 7 ngàn quân khuyển được huấn luyện tinh thục trong nhiệm vụ tác chiến, do đó nhiều quân khuyển đã chiến đấu và chết rất anh dũng ngoài chiến trường. Trong khi nhiều quân khuyển được tuyên dương công trạng tại mặt trận thì nơi hậu tuyến, nhiều con chó cũng lập được công lớn trong việc tiếp cứu người bị nạn bom đạn chôn vùi như chó Fluff cố moi lỗ trong nhà bị sập chui ra ngoài kiếm người tới cứu gia đình chủ, chó Peggy cũng kiếm người tới cứu được hai mẹ con.

Vì vậy, tương tự như những lính trận được thưởng Anh Dũng Bội Tinh, quân khuyển và con vật hữu công cũng có phần thưởng riêng, gọi là huy chương Dickin còn được gọi là Dickin Victoria Cross do bà Mary Dickin chủ tịch hội súc vật Anh sáng lập năm 1943. Tính cho đến năm 2001, đã có 32 chim bồ câu, 3 ngựa, 1 mèo và 19 chó được tượng thưởng. Huy chương này được trao tặng những con vật đã tận tụy và can đảm trong khi thi hành nhiệm vụ. Huy chương Dickin làm bằng đồng, mặt in hàng chữ "FOR GALLATRY” và bên dưới có chữ "WE ALSO SERVE". Quân khuyển được huy chương Dickin đầu tiên là Bob trong khi tuần tiễu đã phát hiện địch quân đông hơn nên nằm yên không động đậy; những người lính đi theo cũng biết ý nằm im nên không bị phát giác, do đó tránh bị tiêu diệt. Chó Sheila được thưởng huy chương vào năm 1945 vì cứu được 4 phi hành đoàn Hoa Kỳ lâm nạn bị lạc lối trong bão tuyết. Ðặc biệt chó Judy sinh tại Thượng Hải năm 1936 đã được dùng làm biểu tượng của Hải Quân Hoàng Gia Anh tại Trung Hoa. Judy phục vụ trên nhiều chiến hạm, nhưng sau đó tầu trúng thủy lôi Nhật bị chìm. Judy cũng bị bắt làm tù binh cùng với các thủy thủ khác và chỉ được thả tự do vào năm 1950.

Gần đây nhất, trong vụ phá hoại tại World Trade Center vào ngày 11 tháng 9 năm 2001, khoảng 300 chó cảnh sát được đưa tới địa điểm bị nạn để tím kiếm nạn nhân bị chôn vùi. Chó Appollo của cảnh sát có mặt tại chỗ trong vòng 15 phút. Hai con chó tên Roselle và Salty đã hướng dẫn chủ của chúng là ông Michael Hingson và Omar Riversa cùng một phụ nữ khác từ lầu 71 qua nhiều tầng lầu đầy người và bụi khói tối đen xuống dưới đất an toàn. Do đó, cả ba chó Appollo, Roselle và Salty đều được thưởng huy chương Dickin.

Trong quân đội , danh từ “dog tag” hay thẻ bài được bắt nguồn từ thế chiến thứ nhất. Trước đó vào thời nội chiến Hoa Kỳ, quân đội ghi tên họ, quân số, đơn vị v.v… của quân nhân tử trận vào một mảnh giấy ghim vào tử thi để dễ báo cáo. Sau đó vì giấy thường bị rách và cũng khó truy tầm chi tiết về người đã chết nên lý lịch được khắc vào miếng gỗ mỏng dùi lỗ để quân lính đeo vào cổ. Tới năm 1913, quân đội bắt buộc quân nhân nào cũng phải đeo bảng lý lịch được in trên một đĩa mỏng bằng kim loại. Tới thời đệ nhị thế chiến, đĩa mỏng được làm nhỏ lại giống như bảng tên bằng kim loại không han rỉ đeo trên cổ chó, trong đó khắc họ tên, quân số và loại máu của người mang, do đó gọi là dog tag hay thẻ bài. Mỗi quân nhân được phát hai dog tag và hai sợi giây đeo cổ một dài một ngắn. Giây ngắn dùng để đeo cổ khi ra trận để thể bài không chạm nhau gây ra tiếng động, và cũng để cột vào chân tử sĩ. Các quân nhân Lực Lượng Đặc biệt đôi khi còn được cấp phát thẻ bài bằng kim khí màu đen hay bằng plastic để không phản chiếu ánh sáng hay gây tiếng động khi công tác.

Qua lãnh vực giải trí, các cuộc đấu chó còn được coi như một môn thể thao bắt nguồn từ thới cổ La Mã. Dưới thời vua Lucullus, đàn chó được lùa vào đấu trường để chiến đấu với các loại dã thú khác như voi và cọp ... Vào thế kỷ thứ 12 bên Anh, chó cũng được đưa ra đánh nhau đến chết với sư tử, voi và gấu tại Bear Garden nằm về phía nam bờ sông Thames. Ngoài ra, cón có nhiều cuộc thi đấu chó với chó. Loại chó mới Bull Terrier ra đời năm 1800 do sự phối hợp của giống Bulldog mạnh bạo cùng với giống Terrier hung dữ được dân đấu chó ưa chuộng nhất. Mãi cho tới năm 1835, vì bị Hội Bảo Vệ Súc Vật phản đối, quốc hội Anh mới bãi bỏ việc đấu chó. Chó Bull Terrier được đưa sang Hoa Kỳ vào năm 1817 khiến phong trào đấu chó trở nên rất phổ cập, mãi tới năm 1869, đấu chó mới bị cấm tại nhiều nơi, nhưng vẫn còn tại một số tiểu bang miền Nam. Hiện nay tại Hoa Kỳ, vẫn còn nhiều nơi tổ chức các cuộc thi đấu chó. Trước khi đấu, hai đối thủ được cân để biết chắc đồng lạng, đồng sức, sau đó phải tắm chó bằng xà bông để tẩy sạch các chất độc chủ chó có thể rắc vào lông để hại chó đối thủ. Chó cắn xé nhau cho tới khi một con bị ngã, sau đó được nghỉ một phút; nếu con chó ngã bỏ cuộc sẽ bị xử thua. Các cuộc đấu chó thường kéo dài rất lâu có khi tới 5, 6 tiếng đồng hồ. Ăn hay thua, chó thường bị chết vì những vết thương bên ngoài hay nội thương như đứng tim, dập phổi. Số tiền cá độ trong các cuộc đấu chó lên tới hàng trăm ngàn đô la.

Sau khi lược qua địa vị quan trọng của chó tại Tây Phương, nhìn qua Đông Phương chúng ta thấy ảnh hưởng và vị trí của loài vật này cũng sâu đậm không kém.

Bên Trung Hoa, cho tới thế kỷ 16, chỉ có hoàng thân quốc mới được nuôi chó nhỏ Pekingese. Có lần vua Trung Hoa sai một cô công chúa đem một cặp chó Pekingese đực cái sang Anh để tặng Nữ Hoàng Elizabeth. Trên đường đi bằng tầu thủy, chó cái sinh 5 chó con, cô công chúa đựng chó con trong một hộp nữ trang bằng ngà rất đẹp. Một số thủy thủ trên tầu ăn trộm hộp nữ trang tưởng lấy được nhiều châu báu nhưng thật ra chỉ có chó con.

Để khuyên ngăn những người có công nhưng ham danh lợi, người Trung Hoa có câu “thố tử cẩu phanh”. Câu này bắt nguồn từ tích Phạm Lãi sau khi phò Việt Vương Câu Tiễn trả thù đánh bại được Ngô Vương Phù Sai, đã khuyên bạn là quan đại phu Văn Chủng nên từ bỏ chức tước bổng lộc cáo quan qui ẩn thì mới tránh được họa vào thân. Trong thư gửi Văn Chủng, Phạm Lãi có câu “Cao điểu tận, lương cung tàng; giảo thố tử, tẩu cẩu phanh” nghĩa là chim trên cao đã bị bắn chết thì cây cung tốt sẽ bị bỏ xó, cũng như thỏ đã bị giết thì chó săn cũng sẽ chết. Quả nhiên sau này Văn Chủng bị hại vì Việt Vương nghe lời gièm pha ganh ghét. Câu này cũng tương tự như thành ngữ “đặng chim bẻ ná, đặng cá quên nơm” của người Việt.

Giữa Tể Tướng Vương An Thạch đời Tống Thần Tông bên Trung Hoa và thi sĩ nổi tiếng Tô Thức, tự là Đông Pha có một giai thoại lý thú về “chó vàng”. Học Sĩ Tô Đông Pha là một thi sĩ hay chữ nổi tiếng nhưng tính tình ngạo mạn. Một hôm, Đông Pha đọc thơ của Thừa Tướng Vương An Thạch, thấy có hai câu:

“Minh nguyệt sơn đầu khiếu
Hoàng khuyển ngọa hoa tâm”

Đông Pha chê là vô lý: trăng sáng sao lại hót ở đầu núi, còn chó vàng sao lại nằm trong lòng hoa được? Do nghĩ như vậy nên Đông Pha lấy bút tự ý sửa chữ khiếu ra chữ chiếu, chữ tâm thành chữ âm, thành ra:

“Minh nguyệt sơn đầu chiếu
Hoàng khuyển ngọa hoa âm”

Có nghĩa là:

“Trăng sáng soi đầu núi
Chó vàng nằm dưới hoa”

Ít lâu sau đó, Tô Đông Pha đổi tới một nơi ở miền nam. Ở đó, Đông Pha thấy một loài chim tên là Minh Nguyệt, và một loài sâu tên là Hoàng Khuyển khiến họ Tô nhớ lại hai câu thơ cũ của Vương An Thạch, có nghĩa là:

“Chim Minh nguyệt hót ở đầu núi
Sâu Hoàng khuyển nằm giữa đóa hoa”

Lúc ấy Đông Pha mới biết kiến thức của mình còn kém họ Vương nhiều.

Truyện kiếm hiệp Tàu “Anh Hùng Xạ Điêu” kể sự tích Hồng Thất Công là bang chủ cái bang tức là chúa ăn mày. Đã là ăn xin nên bang này kỵ nhất là chó, do đó, bảo vật trấn bang cũng như biểu tượng của bang chủ là “đả cẩu bổng” tức là cây gậy đánh chó và môn võ công gia truyền là “đả cẩu bổng pháp”. Rất tiếc môn võ độc đáo này đã bị thất truyền khi bang chủ Hoàng Dung đệ tử của Thất Công cùng chồng là Quách Tỉnh mất tích tại thành Tương Dương, nếu không chắc lũ “cẩu trệ” lông đỏ tại Việt Nam đã bị nhừ đòn.

Truyện Bao Công cũng nói tới ba giàn đao được dùng để chặt đầu các loại tội nhân khác nhau. Long Đầu Đao dùng để chặt đầu tội nhân hoàng thân quốc thích, Hổ Đầu Đao chém quan quyền, còn Cẩu Đầu Đao được dùng để chặt đầu đám ti tiện buôn dân bán nước, cúi đầu chịu làm nô lệ, dâng đất dâng biển cho ngoại bang để mưu cầu tư lợi.

Trong kinh Phật thời Chánh Đẳng Giác Kassapa (Ca Diếp) kể chuyện Đại Hắc là một con chó đen khổng lồ răn dọa chúng sinh để mọi người kinh hãi phải quay về Phật pháp. Đại Hắc nguyên là người đánh xe của Phật tên Matali hóa thân, có răng nanh lớn như quả chuối, hình thù gớm ghiếc dữ tợn. Phật giả thành một thợ săn, dẫn Đại Hắc vào kinh đô Diên phù đề tức là nước Ấn Độ; chó rống lên những tiếng kinh hoàng vang dội từ địa ngục đến trời xanh khiến ai nấy đều sợ hãi bỏ chạy vào cung vua, đóng cửa lại. Đại Hắc vẫn xông xáo đuổi theo khiến nhà vua phải thu hết can đảm, hé cửa ra hỏi:

- Này thợ săn, sao chó của nhà ngươi rống khiếp đảm như thế?

- Vì nó đói.

- Vậy để ta cho nó thức ăn.

Nhưng vua cho hết thực phẩm trong cung điện mà chó cũng chỉ ngoạm một miếng là hết rối lại gào thét nữa. Vua phải đem hết voi ngựa và thức ăn trong kinh thành ra, Đại Hắc cũng nuốt trửng luôn rồi rống lên nữa. Vua lo sợ nói:

- Đây không phải là chó, chắc là con qủi dữ từ đâu tới.

Lúc này Phật mới nói:

- Con chó này tuy dữ vậy, nhưng chỉ xé xác kẻ thù của tôi là những kẻ gian tà và ác đảng thôi.

Nói xong, Ngài trút bỏ hình dạng thợ săn dùng thần lực đứng trên không sáng ngời rời bảo mọi người:

- Này các ngươi, ta thấy trần gian sắp bị hủy diệt vì tội ác nên ta đến đây. Quả thật bây giờ người chết đọa vào các cõi khổ đầy rẫy vì dân chúng làm toàn tội ác, còn thiên đàng trống vắng. Các ngươi phải cố gằng tu hành.

Sau khi nghe Phật thuyết pháp và dưới sự đe dọa của Đại Hắc, từ đó dân chúng tu nhân tích đức làm việc thiện cũng như bố thí nên Phật pháp được trùng tu và tồn tại.

CHÓ TRONG VĂN CHƯƠNG VIỆT NAM

Trong kho tàng văn chương bình dân của Việt Nam ta, vì chó là loài vật thường sống chung đụng với dân quê nên có rất nhiều truyện cổ hay tục ngữ, ca dao liên quan tới con vật trung thành này.

Trước hết, thịt chó là một món ăn thông dụng ở Bắc Việt. Các tay ưa thịt chó, tuy đa số thuộc giới bình dân nhưng không hẳn là thiếu văn hóa. Ngược lại, có lẽ vì “rượu vào lời ra” nên văn chương mộc tồn cũng thăng hoa phát triển. Có lần vào ngày 30 Tết năm Dậu sắp sang năm Tuất, tại cửa hàng "cầy tơ bảy món" ở Ô Quan Chưởng, chủ quán ra một vế thách đối dán ở của:

“Thịt cầy bảy món lừng danh, béo bở nhờ công: vàng, vện, mực.”

Hôm sau, có mấy vế đối xuất hiện, nào là của ông cháo lòng tiết canh, của bà chả cá. Nhưng đặc biệt là câu của anh chơi gà chọi:

“Gà chọi ba lần đọat giải, tài năng cậy có: tía, kim, ô.”

Câu đối này quả là chỉnh, nhất là giữa lúc giao thừa hai năm Gà - Chó

Con chó mực trong truyện ngắn Cái Chết Của Con Mực của Nam Cao là một chú chó già, ghẻ lở, có nhiều tật xấu. Người ta đã định thịt nó nhiều lần nhưng chưa có dịp. Khi chủ cũ đi xa lâu ngày trở về, thấy con chó cũ ra mừng thì thương, nhưng nó ghẻ lở gớm ghiếc quá nên không dám ve vuốt như ngày còn nhỏ, thường chơi đùa với con mực. Sau đó, vì quyết định giết con chó già gớm ghiếc nên khi thấy con Mực ngủ bên bờ dậu, người chủ rón rén cầm cái gậy bước tới định đập chết con Mực nhưng bỗng nhiên cảm thấy ngạt thở, lòng quả quyết tiêu tan hết. Con Mực giật mình thức giấc chạy trốn trong vườn. Cả đêm đó, người chủ thấy toát mồ hôi và nhất định không giết con chó nữa.

Nhà văn Trần Đức Lai dưới thời đệ nhị cộng hòa cũng khá nổi tiếng với tác phẩm “Cậu Chó”.

Nhà văn Nguyễn Vỹ trước đây từng than “Nhà văn An Nam khổ như chó”. Chắc đây là chó ta, chứ chó Mỹ được cưng chiều, đưa đi mỹ viện, đi chơi, khám bác sĩ, quần áo, ăn uống đầy đủ còn sướng hơn người. Còn nếu chó là cục cưng của bà xã thì phải biết, “nhất vợ nhì trời ba chó, tư mới tới tôi!”

Truyện Thủy Hử hay 108 Anh Hùng Lương Sơn Bạc kể nhà sư Lỗ Trí Thâm nguyên là một quan võ giả dạng, chuyên uống rượu và ăn thịt chó, ca dao ta hay chế diễu mấy nhà sư hổ mang mượn áo nâu sồng làm ô uế cửa Phật như sau:

“Đi tu Phật bắt ăn chay
Thịt chó ăn được, thịt cầy thì không”

Tương tự, giới bình dân nước ta có chuyện vui “Ðậu phụ cắn nhau”:

Sư cụ xơi thịt cầy vụng ở trai phòng. Chú tiểu biết, hỏi:

- Bạch cụ, cụ xơi gì đấy ạ?

Sư cụ đáp:

- Chỉ có mấy miếng đậu phụ.

Lúc ấy có tiếng chó sủa ầm ĩ ngoài cổng. Sư cụ hỏi:

- Cái gì ngoài cổng thế?

Chú tiểu đáp:

- Bạch cụ. Ðậu phụ chùa cắn đậu phụ làng đấy ạ!

Truyện “Lục Súc Tranh Công”, một áng thơ khá phổ thông trong kho tàng văn học nước ta, Chó kể công với chủ như sau:

“Ngày sáu khắc, lỗ tai bằng trống,
Ðứa gian tham thấy bóng cũng kinh.
Lại đến ngày kỵ lạp tiên sinh,
Cũng ra sức săn chồn, đuổi sóc.

Ăn thì ăn cơm thừa, canh cặn,
Ăn thì ăn môn sượng, khoai sùng
Tới bữa ăn chẳng luận ít nhiều,
Có cũng rằng, không cũng chớ.”

Trong “Cung Oán Ngâm Khúc”, cụ Ôn Như Hầu đã dùng hình ảnh đám mây thay đổi thường xuyên trên trời để ngụ ý vạn vật đều là hư huyễn:

"Trẻ tạo hóa đành hanh quá ngán
Chết đuối người trên cạn mà chơi
Lò cừ nung nấu sự đời
Bức tranh vân cẩu vẽ người tang thương ".

Truyện Kiều của cụ Nguyễn Du có đoạn kể bọn Khuyển Ưng “Chim Chó” lập mưu bắt nàng Kiều về giao cho Hoạn Thư hành hạ như sau:

“Sửa sang buồm gió lèo mây,
Khuyển ưng lại chọn một bầy côn quang
. . . .
Khuyển ưng đã đắt mưu gian,
Vực nàng đưa xuống để an dưới thuyền.
Buồm cao lèo thẳng cánh buồm,
Đè chừng huyện Tích băng miền vượt sang.
Dỡ đò lên trước sảnh đường,
Khuyển ưng hai đứa nộp nàng dâng công. "

Cũng từ truyện Kiều nẩy ra giai thoại chó, kể chuyện một chàng mê cô đầu muốn cùng nàng xe tơ kết tóc. Xúc động vì lòng thành của khách và cũng cám cảnh cho thân phận “bèo trôi sóng vỗ, sống làm vợ khắp người ta” của mình, cô đầu bèn Kiều lẩy:

“Em như cục c… trôi sông,
Anh như con chó ngồi trông trên bờ”

Người xưa thường dùng tiếng “cẩu tặc” hay “dê chó” để chỉ phường hạ tiện như trong bài Hịch Tướng Sĩ của Hưng Đạo Vương có câu: “Huống chi, ta cùng các ngươi sinh ra phải thời loạn lạc, lớn lên gặp buổi gian nan. Lén nhìn sứ ngụy đi lại nghênh ngang ngoài đường, uốn tấc lưỡi cú diều mà lăng nhục triều đình; đem tấm thân dê chó mà khinh rẻ tổ phụ …”. Trong bài hịch nổi tiếng này, Hưng Đạo Vương cũng khuyên răn quân lính phải chuyên cần luyện tập, không được chểnh mảng ăn chơi vì “Tiền của dẫu lắm không mua được đầu giặc; chó săn tuy hay không đuổi được quân thù.”

Bài “Bình Ngô Đại Cáo của cụ Nguyễn Trãi làm sau khi Bình Định Vương Lê Lợi đại phá quân Thanh, dành nền độc lập tự chủ cho nước nhà, kể lại những chiến công như sau:

“Đánh một trận, sạch không kình ngạc
Đánh hai trận tan tác chim muông.”

Sách Gia Huấn Ca của cụ Nguyễn Trãi cũng dùng hình ảnh “chửi chó mắng mèo” để khuyên các bà nội trợ lúc nào cũng phải hòa nhã để giữ tiếng tốt cho chồng:

“Kìa những đứa mặt thường cau có,
Khách đến nhà chửi chó mắng mèo,
Cất lời nặng cỡ đá đeo,
Đã ra thét tớ lại vào mắng con”

Truyện cổ nước ta còn kể tích “mài dao dạy vợ, giết chó khuyên chồng” nội dung giáo huấn kẻ dữ thành người tốt.

“Treo đầu dê, bán thịt chó” là thành ngữ thông dụng để chỉ hạng lưu manh lừa lọc, phản trắc như trong bài “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc” của cụ Đồ Chiểu có câu:

“Một mối xa thư đồ sộ, há để ai chém rắn đuổi hưu;
Hai vầng nhật nguyệt chói lòa, đâu dung lũ treo dê bán chó”

Ông Cao Bá Quát, một văn tài được coi như lấy ba trong bốn bồ chữ của cả thiên hạ, khiến vua triều Nguyễn phải khen “văn như Siêu Quát vô Tiền Hán” khi bị đi đầy làm giáo thụ phủ Quốc Oai thuộc tỉnh Sơn Tây là nơi “khỉ ho cò gáy, chó ăn đá gà ăn muối” vào năm 1854, đã cám cảnh làm đôi câu đối:

“Nhà trống ba gian, một thầy, một cô, một chó cái
Học trò dăm đứa, nửa người, nửa ngợm, nửa đười ươi.”

Theo Việt Nam Sử Lược và Việt Sử Toàn Thư, vì bất mãn với triều đình nên ông theo Lê Duy Cự khởi nghĩa tại Mỹ Lương vào năm 1854, nhưng bị bắt và xử trảm. Khi bị giam trong ngục, ông Quát còn làm câu đối “Một chiếc cùm lim chân có Đế, ba vòng xích sắt, bước thì Vương” để ngầm tỏ mộng ”Đế Vương” không thành của mình.

Trạng Quỳnh nước ta là người nổi tiếng thông minh mẫn tiệp nhưng rất rắn mắt. Một hôm, nhà có giỗ, làm thịt lợn mời khách khứa đông lắm. Thấy Quỳnh hay nghịch, ai cũng chòng ghẹo chơi.

Đương lúc Quỳnh xem làm thịt lợn, có một ông Tú tên lá Cát thường tự phụ hay chữ chạy đến nhéo tai, bảo:

- Tao ra một câu đối, đối được tao tha cho. Rồi ông ra câu đối “Lợn cấn ăn cám tốn” ngụ ý chê Quỳnh là con heo ăn cám.

Quỳnh đối ngay:

- "Chó khôn chớ cắn càn."

Ông Tú giận đỏ mặt vì bị chửi xéo là “chó cắn càn”, lại ra một câu nữa, câu này có ý tự phụ mình là ông Tú:

- "Trời sinh ông Tú Cát."

Quỳnh lại đối:

- "Đất nứt con bọ hung."

Ông Tú phải lỡm, tịt mất. Mọt người cười ầm cả lên.

Cấn là quẻ cấn, Tốn là quẻ tốn cùng trong bát quái theo kinh Dịch. Đây lấy nghĩa lợn cấn (chửa) mà ăn tốn cám. Khôn là quẻ khôn, Càn là quẻ càn cũng trong bát quái, đây lấy nghĩa con chó khôn chớ cắn càn, cắn bậy. Cát còn có nghĩa là tốt; hung còn có nghĩa là xấu. Trạng Quỳnh ngụ ý ví ông Tú Cát như chó cắn càn và con bọ hung.

Tục ngữ ví phường hạ tiện, đầu trộm đuôi cướp như loại “Ăn chó cả lông, ăn hồng cả hột”, hoặc “Ăn cùng chó, ló xó cùng ma” hay “Đâm heo thuốc chó” ,“mèo đàng chó điếm”. Những người đã nghèo khó lại gặp vận không may thường than “Đen như mõm chó, đã khó chó cắn thêm” hay “Chó cắn áo rách”. Phương ngôn ta cũng khuyên “Đánh chó ngó chủ” tương tự như câu “Đả cẩu khán chủ diện”. Hai chàng rể lấy hai chị em trong một gia đình thường hay tranh dành, không được hòa thuận, vì vậy có câu “Anh em cột chèo như mèo với chó”. Kẻ tiểu nhân được thời đắc chí vênh vang lên mặt được coi như “Chó ngáp phải ruồi”, “Bọ chó múa bấc” hay “Chó nhảy bàn độc”. Vì “Chó giữ nhà, gà gáy sáng” nên cần cẩn thận khi chọn lựa, mua bán ngoài chợ, tỉ dụ như “Bán gà kiêng ngày gió bán chó kiêng ngày mưa”, “Chó già, gà non”, “Chó tháng ba, gà tháng bảy” , “Mua trâu xem vó, mua chó xem chân”, “Chó giống cha gà giống mẹ” hay:

“Chó khôn tứ túc huyền đề
Tai thì hơi cúp, tai thì hơi cong
Giống nào, mõm nhọn đít vồng
Ăn càn ăn bậy ấy không ra gì”

Huyền đề tức là móng treo.

Các bà mẹ hiền Việt Nam thường nựng con nhỏ là “chó con” hay con cún tức là chó nhỏ, có lẽ vì những đứa trẻ no sữa trông bụ bẫm dễ thương như chó con. Nhưng cũng chính những bậc “hiền thê” này khi nổi cơn tam bành, lại hăm he những con hồ ly tinh thích giựt chồng người rằng:

“Bớ con đ. chó mặt mâm
Mầy mà hỗn ẩu tao bằm nát thây”

Đối với loại gái lăng loàn thiếu chung thủy với chồng, thiên hạ hay chế diễu “Chó đâu chó sủa lỗ không, gái đâu tốt nết mà chồng lại ghen”.

Để răn dạy con cái, bậc cha mẹ thường nói “Dâu dữ mất họ chó dữ mất láng giềng”, “Chó treo mèo đậy”, “Chơi với gà, gà mổ mắt, chơi với chó, chó liếm mặt”, “Chó dại có mùa, người dại quanh năm”, “Lạc đường nắm đuôi chó, lạc ngõ nắm đuôi trâu”. Những kẻ ỷ thế làm càn, người ta thường nói “chó cậy gần nhà, gà cậy gần chuồng”, tương tự như những câu tiếng Anh “a cock is valiant on his own dunghill”, “every dog is valiant at his own door” hay “every dog is a lion at home”. Công việc đồng áng tùy thuộc nhiều vào thời tiết nên nông dân chiêm nghiệm nhận thấy khi chân trời màu vàng thì trời sẽ nổi gió, còn màu trắng đục sẽ mưa nên bảo nhau “ráng mỡ gà thì gió, ráng mỡ chó thì mưa”. Cũng qua kinh nghiệm, người ta nhận thấy “mèo đến nhà thì khó, chó đến nhà thì hên”, “chó liền da, gà liền xương”, “chó dại có mùa, ngưòi dại quanh năm”, “chó gầy hổ mặt người nuôi”, “Gái phải hơi trai như thài lài gặp cứt chó, trai quen hơi vợ như cò bợ gặp trời mưa”, “Trai ở nhà vợ như chó gầm chạn” v.v…

Những thầy bói thầy pháp nói mò chuyên gạt gẫm thiên hạ kiếm ăn thường bị chế diễu:

“Nhà này có quái trong nhà”
Có con chó mực cắn ra đằng mồm
Nhà bà có con chó đen
Người lạ nó cắn, người quen nó mừng”

CHÓ ẨM THỰC

Khi nói đến chó, nhất là trong ngày tư ngày tết mà không đề cập tới món thịt cầy, quả là một thiếu sót lớn, bởi vì món “cờ tây” đã là thực phẩm chính của loài người trong thời thượng cổ. Chúng ta đã biết thoạt tiên người tiền sử chưa biết cách canh tác, trồng trọt nên săn bắt dã thú với mục đích duy nhất để làm thực phẩm. Thú rừng nào bị đập hay bắn chết bị làm thịt ngay, số thặng dư nếu còn sống được đưa về hang động chung sống với người để dự trữ. Lâu dần, những loại thú nhà này sinh sôi nảy nở, thuần tính trở thành gia súc. Chó là loài thú hoang đã được loài người gia súc hóa đầu tiên vì nhiều nguyên do. Ngoài việc dùng làm thực phẩm trong lúc trời đông gió rét không săn được các dã thú khác, chó còn rất hữu dụng để săn bắt, giữ nhà, bầu bạn. Vì có sẵn trong nhà nên, thịt cầy đã trở thành món ăn thông dụng, được dân Á Đông như Trung Hoa, Đại Hàn, Việt Nam v.v ... chế biến thành nhiều “món ăn nghệ thuật”. Nhiều người ghiền “cờ tây” đến độ không có thì sinh bệnh hoạn, đau ốm! Người khác thề chết thề sống là thịt chó giắt răng ba ngày xỉa ra vẫn còn thơm!

Nghe nói dạo dân Việt tỵ nạn mới qua Hoa Kỳ, có anh “refugee” độc thân được nhà thờ Tin Lành Mỹ kia bảo lãnh ra khỏi trại, đưa tới ở một căn nhà trống. Sợ anh ta buồn, nhà thờ cho anh ta một con chó để làm bầu bạn. Mấy ngày sau người nhà thờ tới hỏi thăm, anh ta cho biết mọi chuyện đều tốt đẹp. Họ hỏi thêm “How’s the dog?” Anh ta trả lời “Good … very good!” Họ hỏi tiếp “How good?” Anh tỵ nạn trả lời tỉnh bơ “Eat … good!”. Còn có bà nọ di tản một mình, chồng bị kẹt lại nên nuôi con chó nhỏ Pekingnese để đỡ cô đơn, lúc nào cũng để bên cạnh. Thư nào viết cho chồng, bà cũng có câu “Em nhớ anh lắm, tưởng tượng như anh luôn luôn ở bên em”.

Khởi đầu, thịt cầy là một món thông dụng trên khắp miền thôn quê trung châu Bắc Việt, nhất là các tỉnh Ninh Bình, Thái Bình, Hưng Yên, Nam Định… không nhà nào mà không nuôi chó. Nghèo thì dăm ba con, giàu thì mươi mười lăm con. Nuôi chó vừa có tác dụng giữ nhà vừa để khi trong nhà có việc giỗ chạp, đình đám, lễ lạc, tuỳ theo số thực khách tham dự nhiều ít mà ngả cầy từ một đến hai con. Trong một xóm, mấy ông bợm nhậu thỉnh thoảng lại rủ nhau “đánh đụng” chia hai hoặc chia tư một con cầy. Làm thịt cầy cũng được chọn lựa kỹ càng, không những về tuổi tác mà còn cả về màu sắc lông, cho nên chó cũng được liệt kê thứ bậc: “nhất bạch, nhì vàng, tam khoan, tứ đốm”. Chó bạch được xếp loại thịt ngon, ít mỡ, nạc mềm. Loại chó này rất hiếm. Còn loại chó mực ít người dùng vì cho là hãm tài.

Chó nuôi từ một năm đến một năm rưỡi là ăn thịt được, còn như trên hai, ba năm thì thịt cứng và dai. Người kén ăn thường chọn chó vàng, nhất là chó đang độ “đi tơ”. Vì thế có câu: “Gà lọt dậu, chó xáo xác”. Gà thì lớn vừa luồn khe dậu, còn chó xáo xác có nghĩa là loại chó đang trong thời kỳ nẩy nở toàn diện, chạy đôn chạy đáo đi tìm nguồn…yêu đương.

Sau cuộc di cư vĩ đại vào miền Nam năm 1954, món cầy cũng được đồng bào Bắc du nhập. Nhất là từ ngày dép râu, nón cối xuất hiện tại miền Nam, cờ tây được bác và đảng “nâng cấp” thành đặc sản. Đảo qua vài vòng trong các thành phố lớn nhỏ, xuất hiện những quán mang tên “Hạ Cờ Tây”, “Mộc Tồn”, “Cây Còn”…Nhưng có quán thì tấp nập khách ăn, có quán lại vắng vẻ đìu hiu. Nguyên nhân chính là cách thức làm cầy mỗi nơi mỗi khác, gia vị không thích khẩu, cho nên không vừa ý người sành ăn. Tại Sài Gòn có các khu cầy nổi tiếng tại Ngã Ba Ông Tạ, nhà thờ Ba Chuông, Xóm Mới Gò Vấp. Ngoài Đà Nẵng, khu bãi biển Thanh Bình lúc nào cũng thơm lừng mùi chả chó. Sài Gòn còn có địa danh khá nổi tiếng với dân giang hồ, đó là Ngã Ba Chuồng Chó, nhưng nơi đây chỉ có chó đen đầu giống Ngã Ba Chú Iá.

Ngày nay, tương tự như các tiệm thịt chó ngập ngừng núp dưới chiêu bài văn minh hơn như Cờ Tây, Mộc Tồn diễn nôm là Cây Còn hay Con Cầy hay “Sống Trên Đời”, nhà văn Vũ Bằng trước đây đã phóng bút ca tụng hầu hết các món ăn ngoài Bắc trong sách ”Miếng Ngon Hà Nội”, nhưng đến món thịt cầy ông bỗng do dự, vì “Đã định không nói, nhưng không nói không chịu được. Ờ mà nếu ca tụng thịt cầy mà mang tiếng là thiếu văn minh thì mình cũng đành chịu cái tiếng thiếu văn minh vậy, chớ nói đến miếng ngon Hà Nội mà không nói đến thịt cầy, người ta quả là thấy thiếu thốn rất nhiều. Chỉ thiếu có một người, vũ trụ bao la hiu quạnh... Huống chi lại thiếu thịt cầy thì còn vui sống làm sao?” Nhưng chó Tây chó Mỹ tuy béo tốt đẹp mã nhưng các sư phụ “cờ tây” chê hôi, vừa lạt, lại tanh như Vũ quân nhận xét: “Cái giống chó ‘bẹc giê’, ‘pê ki noa’, cái giống chó ‘bát sê’ cũng như giống ‘phốc’, nói tóm lại tất cả các giống chó tây phương, cấm có ăn thịt được. Thịt cứ dai như chão rách, mà hôi quá ăn không ra cái ‘thớ’ gì. Chó ăn, phải chính cống là giống chó ta, không được lai căng một tí một li ông cụ”.

Thịt chó có mùi mỡ hơi gây nên phải cần nhiều gia vị đặc biệt như riềng, mẻ, mắm tôm lá mơ v.v…, mới có thể chế biến thành những món ăn ngon như các tay sành ăn đã đã dày công rút tỉa kinh nghiệm để ghi vào cẩm nang như:

“Thịt chó thì phải có riềng
Thịt lợn thì phải có riêng món hành
Thịt gà cần phải lá chanh
Tía tô cà chuối mới thành ba ba”

Lá mơ mùi hơi hôi nên người miền Nam gọi là lá thúi đ .., riềng vị rất hắc thường chỉ dùng trong các loại mắm, còn mẻ chỉ là cháo hay cơm để chua, còn món mắm tôm thì chắc … khỏi nói. Thế nhưng khi những hợp chất đậm mùi này được dùng với món “cờ tây”, chấm mắm tôm khi cho vào miệng nhai từ từ mới cảm nhận được cái mềm,cái thơm, cái ngon, cái đẹp, cái hay của một hòa tấu tuyệt vời, nếu chiêu thêm ngụm rượu tăm nữa để đua cay thì quả thực đã thấu triệt hết được triết lý “sống trên đời”! Thả nào các đấng con Trời gọi thịt cầy là “hương nhục” tức là “thịt thơm”. Các sếnh sáng này còn bầy ra món “cầy khô” lạ lùng treo lủng lẳng tại các tiệm thịt khô, trong đó họ ép nguyên con chó khô cùng với bột nặn tròn như cái mâm giống như bánh dầy nhân chó.

Riêng tại Việt Nam từ thuở ban đầu với ba món căn bản lòng, luộc, sáo măng nay nhạc khúc “sống trên đời” đã thăng hoa biến tấu thành bảy hay chín điệp khúc bất hủ là: hấp, nướng, chả chìa, rựa mận, cuốn lá lốt, sáo măng, cháy cạnh, dồi, chả đùm. Còn muốn “cao cấp” hơn nữa thì có thể chuyển thành liên khúc mười hai món vì có thêm cuốn mỡ chài, sáo măng móng, sáo măng đặc biệt. Nhưng món ngon nhất của thịt cầy được đa số ma men công nhận là dồi và rựa hay nhựa mận, nên các cụ Việt Nam xưa thường xuýt xoa ao ước “Sống được ăn dồi chó, chết được bó vàng tâm”; vàng tâm là loại gỗ qúi dùng làm áo quan chỉ có giới giàu có, quan quyền miền Bắc mới mua nổi, còn thường dân chết chỉ bó chiếu đem chôn. Hoặc ví von văn chương hơn:

“Sống trên đời ăn miếng dồi chó
Chết xuống âm phủ biết có hay không?”

Việt Nam ta có nhiều loại dồi khác nhau: dồi chó, dồi lợn, dồi rắn, dồi lươn..., mỗi loại lại có cách chế biến riêng tùy theo từng địa phương. Đại khái món dồi dùng thịt, huyết nhồi vào ống ruột hay da rồi cột hai đầu, tương tự như lạp xưởng hay món “sausage” tây phương, có sức hấp dẫn riêng làm say lòng thực khách. Nhưng những vị sành ăn đã từng ngao du “bảy cõi chín châu”, đã nếm bao của ngon vật lạ cũng như các loại dồi Tây, Ta, Tàu, Nhật v.v… chắc đều đồng ý dồi chó phải được sắp hạng “vua dồi”.

Món dồi chó tương tự như dồi heo, làm bằng ruột non,“lộn lèo” để rửa sạch sẽ bằng muối. Nhân dồi gồm những gia vị lá mơ, đậu xanh rang chín giã nát, mắm tôm, mẻ, riềng. Một miếng dồi chó "đúng chuẩn" phải hội được vị lá mơ, cái bùi bùi của đậu xanh, thoang thoảng mùi mẻ, riềng, mắm tôm, cái béo dịu dàng của mỡ chó. Nhưng để đậu xanh không bị bở mất hương vị, dồi phải được nướng hay chiên chớ không thể luộc như dồi heo.

Về món dồi chó bất hủ, Vũ quân luận như sau “Sao mà có những người có óc vĩ đại lại đi nghĩ ra được cách làm được cái thứ dồi ngon lạ ngon lùng đến thế, một tổ hợp tiết tấu đến như thế, hở Trời? Gắp một miếng chấm muối chanh, rồi đưa cay một hơi rượu, ta thấy tất cả tiết, sụn, lá thơm và đậu xanh ở trong miếng dồi nâng đỡ nhau, đoàn kết nhau thành một khối bất khả chia lìa, không những thấy ngon lành cho khẩu cái mà thôi, nhưng lại còn làm cho ta mát gan nở ruột vì cái đẹp tinh thần do sự nhất trí tạo thành. Ai cũng đã ăn dồi lợn, và ai cũng ăn dồi của người Tây mà ta thường gọi một cách nôm na là “sốt sích”. Bằng thế nào được dồi chó, phải không ông? Dồi chó làm khéo thì cái ruột phải ken kỹ cho mỏng như tờ giấy, đến lúc ăn vào nó cứ giòn tan, không mềm lừ những tiết như dồi lợn, mà cũng không bã như rơmi kiểu dồi tây; nhưng nó nhuyễn lừ đi, nhai kỹ lại hơi sừn sựt, bùi béo nhưng không ngấy, ngan ngát nhưng không nồng mùi tỏi.”

Món dồi đã bất hủ, đến món chả chó cũng hấp dẫn không kém đến nỗi cô thôn nữ đi chợ thèm quá, giả bộ nói mua về cho chồng, nhưng thật ra để ăn vụng:

“… Ăn rồi xách nón ra về
Thấy hàng chả chó lại lê chân vào
Chả này bà bán làm sao?
Ba đồng một gắp lẽ nào chẳng không
Dối rằng lại nghĩ đến chồng
Gần đến cánh đồng ngả nón ra ăn!”

Chả chó thịt cắt thành từng miếng bằng đốt ngón tay, vừa nạc vừa mỡ trộn với riềng già, mẻ, mắm tôm bóp cho đều, để vài tiếng đồng hồ cho ngấm. Xiên vào thành từng xiên. Rồi nướng. Than phải là than tàu, lúc nào cũng quạt liền tay cho đỏ, thịt xèo xèo cháy, mỡ nhỏ xuống than bốc khói thơm lên quyện vào thịt. Chả chó tương tự như bún chả nhưng thịt thơm hơn nhiều vì có nhiều gia vị, ngon đến nỗi không thể từ chối, xa mấy cũng phải bò tới:

“Rượu tăm thịt chó nướng vàng
Mời đi đánh chén cách làng cũng đi”

Nhựa hay rựa mận lại là một tuyệt chiêu khác! Cũng mắm tôm, gừng già, mẻ trộn với nhau. Thêm hành, muối vừa đủ. Cho thịt cầy vào bóp kỹ, để chừng một tiếng đồng hồ cho thấm rồi ninh. Trước khi ninh trộn thêm tiết chó vào. Ninh cho tới khi quánh lại “đưa bát rựa mận lên ngang mặt, nheo một con mắt lại mà không thấy nổi lên những rằn ri của bẩy sắc cầu vồng, thế là chưa biết nấu” như Vũ Bằng mô tả. Rựa mận sền sệt như nhựa cây, ăn với bún, bẻ thêm chút miếng bánh đa nướng thì tuyệt vời.

Ngoài ra còn các món thông dụng khác như thịt luộc xắt thành miếng mỏng cả thịt, mỡ và da chấm với muối tiêu chanh hay mắm tôm. Thịt chó luộc phải ăn với húng chó (húng giổi) phải là húng Láng cùng vài lát riềng. Thịt chó vốn nóng, húng vừa thơm vừa điều chỉnh vị thịt chó làm cho dịu lại. Có khi dùng cả củ sả, lá mơ tam thể cho thêm phần long trọng. Món xáo chó hay xáo ninh nấu bằng xương chó như nấu xúp, có thể cho thêm măng tươi hay khô, thường ăn với bún. Món này tuy rẻ tiền nhưng rất ngon và phổ thông như chúng ta thường nghe ca tụng “ngon như xáo chó”.

Tiệc cầy thì cứ phải rượu đế “cuốc lủi sủi tăm” để đưa cay thì mới đúng điệu. Ngoài ra, khi nói đến món ăn miền Bắc, ngoài cái công việc “nghi lễ và cách thức ăn uống” phải kể đến yếu tố hoàn cảnh, không gian lẫn thời gian. Thật vậy, không có gì bằng buổi trưa nóng hừng hực, được một mâm gỏi cá với những đĩa rau lá xếp gọn gàng thứ tự, bát giấm nóng thơm phức để giải nhiệt. Gói miếng cá mè sống trong lá sung, thêm chút rau thơm, chấm nước giấm vừa chua cay bùi ngọt pha sền sệt rồi đưa vào miệng, chiêu thêm ngụm rượu tăm thì thực là lên cõi tiên! Rồi những buổi mưa tầm tã, hưởng mùi ngai ngái của hơi đất ẩm nồng, mùi nụ mướp đơm hoa, cà vừa chớm nụ mà trước mặt mình ngổn ngang “11 món thịt cầy” thì còn gì ấm lòng hơn? “Nắng gỏi mưa cầy” là vậy đó.

Điểm sơ qua mấy món mộc tồn như trên, tuy mới “hàm thụ” mà đã “tiết tâm linh” như “cờ tây” khi nghe tiếng chuông Pavlov. Quả hiếm có con mồi nào dân nhậu vừa ăn vừa nâng niu trân trọng, lại kể lể "thắm thiết" đến thế.

Ngoài thịt cầy thật, còn có món cầy giả hay giả cầy hấp dẫn không kém. Có những cái giả, cái rởm bị người đời lên án nhưng món giả cầy hay nói cho đúng hơn là món "cầy rởm" thì chẳng chê vào đâu được. Món này được chế biến bằng thịt heo để làm vừa lòng những người không ăn được mộc tồn, nhất là phái nữ, nhưng vẫn muốn thưởng thức hương vị đặc trưng của cờ tây. Giả cầy tương đương như món nhựa mận nhưng làm bằng chân giò heo thui (đốt) cho vàng đều, xắt miếng chừng vài đốt ngón tay, ướp mẻ, riềng, mắm tôm, để ngập nước mà hầm. Giả cầy ăn với bún Phú Đô là món ăn ưa thích của người dân Bắc. Các bậc hiền thê muốn được chồng thích chồng mê như điếu đổ, hãy theo công thức gia truyền dưới đây nấu món giả cầy đúng khẩu vị quê hương “cây còn” để đãi gia đình, bè bạn trong dịp Tết. Bảo đảm sẽ thành công, chỉ xin nhớ dành phần cho tác giả một tô xe lửa!

Vật liệu giả cầy chính gồm một chân giò sau nây thịt, thêm vài ba chiếc móng giò. Hai thứ đốt lên cho vàng đều, sau đó thì cạo sạch rửa kỹ. Phần thịt thái miếng bằng bao diêm. Phần móng chẻ đôi, chặt thành khúc nhỏ. Xong xuôi ướp mẻ lọc, mắm tôm rây và riềng củ giã nhỏ. Nếu không có mẻ, dùng tạm sữa chua “yogurt” thay thế. Rưới tí nước màu cho thịt đỡ nhợt rồi ướp gia vị ít nhất một tiếng đồng hồ cho đủ ngấu. Vài giờ sau trút cả vào nồi, đổ ngập nước, đặt lên bếp. Lúc đầu lửa to, sau khi sôi rút bớt lửa. Nước giả cầy phải sền. Nấu xong, múc ra bát to ăn với bún, bên là đĩa lạc rang nóng giòn còn vỏ áo. Hương thơm chân giò nướng đã ninh kỹ trộn hoà với mùi thơm của riềng, của mẻ lúc đang bốc hơi xông lên điếc mũi. Nghệ thuật ở chỗ gốc là thịt heo mà cứ như đang thưởng thức cầy tơ!

SRC="../dkpict/c_hanoi.jpg" ALIGN=LEFT>Hiện nay tại Việt Nam, từ khi dịch cúm gia cầm tái phát, nhiều quán nhậu chuyên bán thịt gà, thịt vịt dẹp tiệm, lần lượt dựng lên bảng “cầy tơ bảy món” theo đúng phương châm “gia cầm xuống hố, thịt chó lên bàn”. Các nơi trước đây chỉ có một vài quán nhậu “cầy tơ” lèo tèo thì hiện nay các quán “chuyên chó” đã mọc lên như nấm sau mưa, được mệnh danh là phố … thịt chó. Để thay đổi khẩu vị nhiều chủ quán đã tự nghiên cứu chế biến ra nhiều món mới rất “bắt” như: cầy quay, nướng ngũ vị, hầm măng tre, hằm sả, hầm chanh muối, ướp muối sả chiên giòn... Đặc biệt nhiều quán cầy tơ lại có thêm món... cháo chó.

Và cũng chính vì thịt chó lên cơn "sốt", nhu cầu thiêu thụ gia tăng nên thời gian gần đây có những tay lái chó xuôi ngược khắp nơi kiếm chó bán cho đại lý. Mỗi ngày trung bình một đại lý mua vô 50-100 con, nhốt đầy lồng, để trong “khách sạn chó”, hôm sau đẩy đi không còn con nào! Không ít người đã lao vào nghề buôn chó trong mùa cúm gia cầm với hy vọng đổi đời. Phương tiện hành nghề chính của cánh lái chó là một chiếc xe máy, một cái lồng sắt, một cây bắt chó “chuyên dùng” được làm bằng ống sắt luồn giây thòng lọng dùng để siết cổ chó.

Tệ hại hơn nữa, nhiều nơi đã xuất hiện các nhóm “cẩu tặc” chuyên bắt trộm chó nhất là vào ban đêm. Bọn này thường chở nhau hai người trên xe gắn máy quăng thòng lọng vào cổ con chó kéo đi xềnh xệch mấy mét rồi hốt lên cho vào bao bố. "Kéo cẩu" là một nghề trộm lạ nhất, công khai mà khi xử lại khó đi... tù! Một tay "anh chị" trong làng bắt chó vỗ ngực tự hào "từ xe đạp cà tàng mà tớ lên Đờ-rim láng cóng cũng nhờ chuyển sang nghề "kéo cẩu" đấy! Phương tiện hành nghề có gì đâu: một sợi dây thắng xe đạp làm thòng lọng, một cái bao bố miệng to thắt rút. Thằng vững tay lái (lạng lách nhanh) chở thằng chắc tay chèo (có tài tung thòng lọng) ngày kiếm hai, ba con là đã có dư trăm nghìn! Nội ô thì bắt nóng buổi sáng tinh sương hốt ổ những con mới được sổng chuồng đi giải, ngoại ô thì đi nguội vào ban trưa khi chó lang thang kiếm ăn. Khó con nào bị thòng lọng siết cổ mà có thể kháng cự được, lạ kỳ là khi bỏ chúng vào bao bố dù gỡ thòng lọng ra rồi chúng vẫn im thin thít! Tối tân hơn nữa, còn có những bọn dùng điện để giật chết chó!

Thịt chó đã lên bàn, nhưng những con chó kia có khỏe mạnh hay không thì chính lái cũng không biết rõ vì khi mua chỉ xem bề ngoài chứ không thể khám như bác sĩ thú y. Người ăn càng không thể phát hiện chó bệnh khi các chủ quán ngụy trang khéo léo bằng màu vàng của sa tế và mùi ngũ vị hương. Ngay cả những con chó ghẻ lở loét cũng được chủ quán trang điểm bằng cách bôi mật vào da rồi dùng mỏ hàn gió đá “khè” vài cái là da đã vàng rệu hấp dẫn không thua gì cầy tơ! Có lẽ chính vì ăn phải thịt những con chó như vậy mà khối người đã bị sốt và tiêu chảy nhiều ngày liền sau một buổi tiệc cày tơ chấm mắm tôm uống kèm rượu đế!

Nhưng thịt cầy ngon đâu chưa thấy, mục kích cảnh giết chó thật rất thương tâm. Có ông hàng xóm làm thịt con chó nuôi trong nhà. Ông âu yếm gọi nó lại, nó vẫy đuôi nhưng chân còn ngại ngùng, hình như linh tính báo cho nó điều chẳng lành. Nhưng rồi nó cũng rón rén bước lại, thè lưỡi liếm chân ông. Ông bỗng bóp cổ con chó, cột chặt bằng sợi dây thép, xiết cổ cho tới lúc lưỡi nó thè ra. Nhìn kỹ vào mắt con chó trợn trắng tội nghiệp, thấy vẻ ngạc nhiên hơn là oán thù. Có lẽ nó ngạc nhiên vì sự đổi thay của người chủ mà nó vẫn phục tòng cho tới khi nhắm mắt! Còn người khác bắt chó cho vào bao bố cột lại rồi liệng xuống hồ trấn nước. Con chó tội nghiệp vùng vẫy thoát ra được, lội lên bờ không chạy đi mà lại gần dụi đầu vào chân chủ như muốn được che chở sau cơn hoạn nạn. Nhưng người chủ lại bắt con vật đáng thương cho vào bao bố, lần này cột miệng bao chắc hơn rồi liệng xuống nước! Nếu ai có dịp đi qua hàng bán thịt chó gần lăng Bác tại Hà Nội xã nghĩa, thế nào cũng được mục kích những đầu lâu chó nhe răng trắng nhởn như oán hờn đe dọa chế độ đã giết mình.

Tại Việt Nam hiện nay đang có phong trào “chè Thái, chó Hàn, tiền Mỹ”. Chè Thái là loại cocktail trộn sữa tươi với các loại mứt và trái cây tươi xắt nhỏ, ăn bằng tô. Nếu dân khoái ngọt rủ nhau đi ăn chè Thái thì dân nhậu cũng rủ rê nhau ăn thử món thịt chó Hàn Quốc. Thịt chó kiểu Hàn không nhiều, chỉ vài món qua loa như lẩu và món hấp, nhưng cũng đủ để tạo thành một phong trào. Món lẩu theo kiểu Hàn Quốc được người Hàn gọi là lẩu bổ dưỡng, gồm thịt chó nấu chung với củ hành tỏi ớt, mù tạt và các loại rau. Món hấp cũng tương tự như của Việt Nam, nhưng nước chấm gồm mù tạt, dầu mè, mè đen, giấm… Nhiều người ăn thử món lẩu nấu từ thịt chó Hàn Quốc xong phát biểu: rau quá nhiều nên không ngon mấy. Có lẽ, cái mùi mắm tôm, lá mơ, riềng, mẻ kèm với thịt chó đã không thể tách rời khỏi khẩu vị của người Việt. Còn tiền Mỹ thì “hết ý”, đến bác Hồ nằm trong lăng đánh hơi thấy cũng vội vàng nhỏm dậy!

Về mục “chó Hàn” tưởng cũng cần thêm ba điều bốn chuyện. Cũng như người Trung Quốc, Việt Nam và một số nước châu Á khác, người Hàn Quốc rất khoái món "mộc tồn". Qua thống kê, mỗi năm người Hàn Quốc làm thịt tới 1 triệu con và thịt chó là thức ăn được sử dụng nhiều thứ tư ở Hàn Quốc, sau thịt lợn, thịt bò và thịt gà. Khi được phỏng vấn, 92% đàn ông và 68% phụ nữ Hàn Quốc ở tuổi trưởng thành đã cho rằng thịt chó là một trong những món ăn ngon nhất đối với họ. Thế nhưng vì món mộc tồn này mà trong thời gian diễn ra thế vận hội 1988 ở Seoul, chính phủ Hàn Quốc đã yêu cầu các chủ nhà hàng bán thịt chó tạm thời đóng cửa hoặc di chuyển sang các khu phố xa trung tâm để tránh mắt người ngoại quốc. Với hàng trăm ngàn khách du lịch đến Hàn Quốc dự giải bóng tròn World Cup 2002, một lần nữa những tranh cãi xung quanh món mộc tồn lại trở nên hết sức sôi nổi, thậm chí có phần căng thẳng.

Tại Hàn Quốc có tới 6000 cửa hàng bán thịt chó. Bạn vào một nhà hàng, có thể gọi một đĩa thịt chó lớn nghi ngút khói và ngồi bên cạnh một bếp lò. Phía dưới tấm kính, cả thịt lẫn rau xanh và rau xà lách cùng sôi sùng sục. Các vị cay của gừng, kim chi, chua của dấm và bùi của dầu mè ngấm vào từng thớ thịt. Món thịt hầm này được dùng theo cách "sambap" của người Hàn Quốc, tức là dùng rau xà lách gói miếng thịt và chêm thêm các gia vị cần thiết. Ngoài ra, thịt chó thường được chế biến thành một món xúp có tên gọi là “boshintang” tương tự như xáo chó mà người dân nơi đây cho rằng rất bổ dưỡng cho sức khỏe. Món súp này hội tụ gần như tất cả các vị của các món súp truyền thống của Hàn Quốc, như món “doenjang” hay súp kim chi. Khác biệt duy nhất là trong món súp này có thịt chó.

Tại Hoa Kỳ, “chó nóng” hay Hotdog là một món ăn rất thông dụng đã được liệt vào hàng tứ khoái của dân Mỹ như trong câu “Baseball, Hotdog, Apple Pie, Chevrolet”. Vậy hotdog bắt nguồn từ đâu và tại sao món ăn phổ thông này mang tên “chó nóng”?

Tìm trong "gia phả", Hot Dog bắt nguồn từ một trong các món ăn của người Đức, được di-dân gốc Đức mang sang Mỹ. Theo tài-liệu, nguyên-thủy tại nước Đức, món Hot Dog có tên là Frankfuter, được sản-xuất tại thành-phố Frankfurt, bắt nguồn từ xúc xích là món ăn lâu đời, rất phổ thông của người Âu như đã được văn hào Hy Lạp Homer kể lại trong thiên hùng ca Odyssey từ thế kỷ 9 trước Tây Lịch. Đây là món thịt bằm, sang Mỹ được nắn thành hình trụ, kẹp vào bánh mì nhỏ để ăn, chắc khỏi cần nói rõ, chúng ta ai cũng biết.

Món Frankfurter được bày bán lần đầu tiên tại Hoa-Kỳ vào năm 1860. Vào thời gian đó, người Mỹ thường gọi món Frankfurters là "Dachshund sausages". Dachshund là tên của một loại chó nhỏ của Đức có thân hình dài và 4 chân cụt. Thế rồi sau đó Dachshund sausages được xem là một cái tên tốt hơn Frankfurters và trở nên thông-dụng đối với khách tiêu-thụ.

Dachshund sausages thoạt-tiên phổ-quát tại khu-vực New York, bày bán ở các nơi tập-họp đông người như các nơi tranh tài thể-thao, hội họp; đặc-biệt, được bán trong các sân bóng chày (baseball). Tại đây, các người bán giữ nó trong lò hấp để cho bánh hot dog được nóng lâu vì khách hàng thích ăn nóng. Họ mang cái thùng bánh hotdog đi lên đi xuống giữa các hàng băng người ngồi xem chơi bóng và rao: "Dachshund sausages đây, mua đi!".

Người mua loại sausages này bỏ vào trong ổ bánh mì nhỏ xẻ làm hai, một loại bánh mì để ăn với món Dachshund sausages. Thông thường, tại Mỹ, các loại hàng nếu có nhiều món hàng cùng dùng chung với nhau thì người ta đóng gói với số lượng mỗi loại ngang nhau, để khi dùng thì có một thứ nầy cùng một thứ kia. Riêng loại hot-dog và bánh mì kẹp hotdog, mỗi bịch (bag) thịt hot-dog có 10 cái trong khi bánh mì để kẹp hotdog mỗi bịch chỉ có 8 cái. Đố qúi vị hai cái hotdog dư kia dùng để làm gì?

Đến năm 1906, nhà vẽ hí-họa tên là Tad Dorgan của một tờ báo đến sân bóng chày, thấy những người rao bán Dachshund sausages bèn nãy ra một ý hài-hước. Ngày hôm sau, ông nầy vẽ ổ bánh mì xẻ làm hai và hình một con chó Duchshund nằm ngữa trong đó trên tờ báo ông ta làm việc - không phải là Duchshund sausages. Ông Dorgan không biết ghi chú thế nào để gọi Dachshund, ông bèn viết dưới bức hí-họa mấy chữ: Hãy mua "Hot Dog" của anh! Dòng chữ phía dưới bức hí-họa ấy về sau trở nên phổ-biến và người ta quên dần cái tên Duchshund sausages chính-thức mà chỉ còn biết "Hot Dog" và nó truyền đến ngày nay.

Cũng có tài liệu giải-thích chữ Hot Dog: chữ Hot do nó được giữ nóng để cho ngon hơn, chữ Dog do chữ Duchshund mà ra, chữ Duchshund khó đọc, khó nhớ hơn chữ Dog, cả hai đều diễn tả một con vật 4 chân.

Theo quan-niệm Đông-phương, hình ảnh con chó "không mấy đẹp" nhất là tại "Việt-Nam xã-nghĩa" sau ngày 30-4-1975 do nó ăn chất thải ra từ con người ra. Do vậy, việc người Việt nghe từ-ngữ Hot Dog dường như có một ý nghĩ khác, có lẽ do ảnh hưởng tâm-lý. Tại Âu Mỹ, hình ảnh con chó trong tâm-khảm con người khác hơn, được con người yêu quý hơn.

SỐ MẠNG TRONG NĂM CHÓ

Qua mục Tử Vi bói toán, đặc biệt đúng với các liệt nữ “sáng trăng em tưởng tối trời … đen như mõm chó chém cha sự đời”, Quỉ Cốc tiên sinh luận bàn tổng quát trọn đời về Tuổi Tuất (con Chó) như sau:

“Tuổi Tuất là con chó cò
Nằm khoanh trong lò, mặt mũi lọ lem”

Tuổi Chó trung thành, trung tín, trung trực, có một đức hạnh vững vàng trong cách sống và đáng được trông cậy trong những lúc khó khăn. Tuổi nầy rất kín miệng , nghe chuyện người không bao giờ để lộ và tinh ý nhận ra điều sai điều phải và giữ vững trách nhiệm, làm trọn bổn phận cho tới cùng.

Tuổi nầy có một triết lý để sống: sống phải đạo, giúp đỡ người cô thế, và chống lại bất công bằng mọi cách. Nhớ rằng tuổi Chó một khi quyết định chuyện chi là quan trọng, họ theo đuổi chuyện đó tới cùng nhưng vui buồn bất chợt không lường trước được, ví như một con chó phóng ra gặp bạn không biết chắc là nó sẽ liếm chân mừng hoặc cắn bứt giò bạn. Tuổi Chó cũng có lúc làm việc liều mạng khi cảm thấy lo âu bồn chồn vô cớ. Cần có thời gian gần gủi để tìm hiểu, tuổi nầy mới từ từ tin tưởng người đối diện được. Thiếu sự tin cậy nầy, tuổi Chó đâm ra xét đoán phiến diện, chỉ trích và thô lổ với người khác. Hơn thế nữa, tuổi nầy có chút đỉnh bất thường về phương diện tình ái, lúc thương lúc ghét khó lường, mà khi đã không thích ai rồi thì có thể ghét người ấy tận mạng.

Tuổi Chó làm thương mại giỏi, lượm đồ vụn vặt cũng làm nên tài sản bạc triệu như chơi. Nói về đường tình duyên thì ôi sao lận đận, tìm hoài cũng chẳng thấy ý trung nhân. Tuổi nầy có tánh độc tài về mặt tình cảm, thương yêu ai thì yêu cho bằng được và cũng bắt buộc người tình đáp lại tối đa ! Ðiều khuyên cho tuổi Chó là hãy dẹp bỏ những nổi lo âu vô lý và những đòi hỏi xa vời thiếu thực tế, chỉ làm cho người mình thương tránh né một cách đáng tiếc.

Tam Hạp: Tuổi Chó hạp với tuổi Dần (con Cọp) và tuổi Ngọ (con Ngựa).

Tứ Xung:Tuổi Chó khắc/kỵ tuổi Sửu (con Trâu) , tuổi Thìn (con Rồng) và tuổi Mùi (con Dê).

Bài phiếm luận đến đây đã khá dài, đủ để “cò bay thẳng cánh, chó chạy cong đuôi” nên mạn phép được tạm ngưng nơi đây, dành sức sang năm tới sẽ luận bàn về sư phụ heo nọc. Thành thật cầu chúc qúi độc giả năm mới phước lộc song toàn. Riêng đối với bọn Kẩu Kầy và đám xướng ca vô loại nỏ mồm nỏ mõm núp dưới chiêu bài hòa hợp hòa giải, tình tự quê hương để nịnh bợ luồn cúi đám chó đỏ xin chút xương thừa, hãy đọc bài thơ “Vịnh con chó chết trôi” để tự răn mình trước khi quá trễ. Bài thơ này của nhà chí sĩ Phan Văn Trị gửi những con chó săn Việt gian bán nước:

Vịnh con chó chết trôi

“Sống thời bắt thỏ, thỏ kêu rêu
Thác thả giòng sông xác nổi phều
Vằn vện xác còn phơi lẫn đẫn
Thúi tha danh hỡi nổi lêu bêu
Tới lui bận rộn bày tôm tép
Đưa đón lao xao lũ quạ diều
Một trận sóng dồi cùng gió dập
Tan tành xương thịt biết bao nhiêu.”

Chó chết hết chuyện!

Cung Chúc Tân Xuân.


TRẦN ĐỖ CẨM

























































Web Counter
Free Web Hosting