Hồi Ký:

ÐI BIỂN

Tuyên Úy Nguyễn


Chiếc máy bay dân sự được quân đội thuê bao (chartered), chở gần hai trăm quân nhân, đã cất cánh trong một buổi tối từ phi trường quốc tế Philadelphia trực chỉ hướng Ðông. Nguyễn ngạc nhiên vì tại sao họ không bay lên phía Ðông-Bắc rồi theo ven biển qua New Foundland, Iceland, Scotland, trước khi vào Tây Âu cho an toàn như những chuyến hàng không dân sự vượt Ðại Tây Dương? Chắc quân đội có đường bay riêng! Anh tự trả lời.

Lần này, Nguyễn được lệnh công tác ngắn hạn, nhưng rất đặc biệt, vì vùng đất anh đến sẽ là Trung Ðông, hay đúng hơn vùng vịnh Persia (Ba-Tư), nơi Mỹ cùng các nước đồng minh Tây Âu và Ả Rập đã từ chối sự cưỡng chiếm Kuwait của Iraq, đánh bại và đẩy nước này về vị trí nguyên thủy của họ, trong trận chiến "Vùng Vịnh" gần mười năm về trước. Ðây cũng là khu vực vẫn đang được bộ quốc phòng Mỹ liệt kê là vùng có chiến tranh (war zone.) Ý tưởng "đi vào vùng chiến tranh" chợt đến, khiến Nguyễn hơi chột dạ! Không biết khoảng đầu thập niên 60's; lúc cuộc chiến Quốc-Cộng mới khởi đầu, nhiều quân nhân Mỹ đã đến Việt Nam cũng trên những chuyến bay "đi vào nơi đang có chiến tranh" tương tự; mang tâm trạng ra sao. Riêng Nguyễn, một chút hoang mang, một chút lo sợ, nhưng đồng thời nỗi hào hứng (excitement) cũng lẫn lộn trong tâm trí anh!

Khoảng bốn tiếng đồng hồ sau khi cất cánh, viên phi công đã loan báo cho mọi người chuẩn bị để máy bay đáp. Nguyễn tự hỏi: "Ðáp? Ðáp xuống đâu? - đây là giữa biển!" Chỉ sau khi máy bay đã an toàn vào chỗ đậu và hành khách được xuống phòng tiếp tân ở phi trường, Nguyễn mới biết đó là một căn cứ Không Quân Mỹ nằm trên một hải đảo thuộc quần đảo Azores của nước Bồ Ðào Nha (Portugal.) Quần đảo này nằm ở vị trí khoảng 2/3 chiều ngang của Ðại Tây Dương, tính từ Mỹ, trên cùng một vĩ độ với Philadelphia và Lisbon, thủ đô của Bồ. "Vị trí chiến lược thật!" Nguyễn thầm nghĩ, chiều ngang Ðại Tây Dương đã như hẹp hơn cho những phi công của quân đội Hoa Kỳ vì họ biết rằng đã có quần đảo này cho họ "dừng chân" khi cần!

Ðoàn người tiếp tục lên máy bay trực chỉ hướng Ðông. Bay khoảng bốn tiếng nữa thì phi cơ lại đáp xuống một phi trường thứ hai, ngoại ô thành phố Catania, nằm về phía Ðông của đảo Sicily, thuộc Ý. Trước đây, Nguyễn đã có dịp ghé hải đảo quê hương của những "Bố đỡ đầu" (Godfathers), đầu xỏ những băng đảng (gangsters) này. Họ đã đến Mỹ, lập những "xã hội đen" (Mafia) và gây xáo trộn không ít vào các thập niên đầu thế kỷ 20. Truyện của họ đã được thêu dệt thêm để viết thành sách, đóng thành phim cho cả thế giới đọc và xem. Anh đã đến Palermo, thành phố lớn nhất về phía Tây-Bắc của Sicily ở một chuyến du hành khác không phải là công tác trong quân đội.

Nguyễn biết lần đáp kế tiếp sẽ là Bahrain, một quốc gia hải đảo, nằm rất gần bờ biển của nước Saudi Arabia trong vịnh Persia. Ðây cũng là nơi có bộ tư lệnh tiền phương của "Vùng Chiến Lược Miền Trung" (Commander-in-Chief Central Command -- CINC, đọc như chữ 'sink'-- Central.) Mỹ đã chia thế giới thành các vùng chiến lược (cũng như quân đội VNCH khi xưa được chia thành bốn vùng chiến thuật vậy.) Riêng Ðại Tây Dương đã được chia thành ba vùng: CINC Atlantic (North), CINC Central, và CINC Southern. Cả Thái Bình Dương chỉ là một vùng, CINCPAC, nhưng được chia thành hai vùng chiến thuật, Ðông và Tây Thái Bình Dương. Trung Ðông thuộc trách nhiệm của CINC Central mà vị Phó Ðô Ðốc (ba sao) tư lệnh hạm đội thứ Năm, gồm nhiều tiểu hạm đội (Battle Groups), đã đặt bản doanh ở Bahrain. Nguyễn sẽ công tác trên chiếc hàng không mẫu hạm (HKMH), USS Kennedy CV-67, đang hoạt động trong vịnh Persia.

Ðể tránh những quốc gia "không thân thiện" lắm đối với Mỹ như Lebanon và Syria, máy bay đã phải vòng xuống phía Nam, bay qua không phận Do thái, Jordan, và Saudi Arabia trước khi đến Bahrain. Trời đã vào đêm, các thị trấn và xa lộ ở Saudi Arabia rực sáng bởi hệ thống đèn màu vàng, từ trên cao trông rất đẹp mắt. Nhờ có dầu hỏa, người dân thành phố ở quốc gia này đã có nếp sống cao không thua gì những nước Tây Phương.

Nguyễn và đoàn người được đưa về nơi tạm trú qua đêm. Ðây là một khách sạn gần trung tâm thủ đô Manama, do quân đội Mỹ thuê dài hạn, có nhân viên giữ an ninh là các cảnh sát địa phương. Anh nhận ra ngay sự thiếu an toàn của khách sạn: Sát mặt đường, không hàng rào ngăn cản! "Ðáng ra người ta phải thận trọng hơn sau khi đã có những vụ nổ ở Saudi Arabia" Nguyễn nghĩ. Nhưng rồi anh lại mỉm cười với chính mình, vì chợt nhớ đến những tấm bảng anh rất ghét, khi phải đi qua các khu nhà của quân đội hay dân chính Mỹ năm xưa ở Sàigòn. Bảng đề "Cấm ngừng, cấm đậu, cấm đứng, cấm chụp hình." Nó có chút gì đe dọa, kiêu ngạo... Nhưng sáng mai, nếu anh thấy những tấm bảng tương tự quanh khách sạn này, thì chắc chắn anh sẽ nhìn chúng với ánh mắt nhiều thiện cảm hơn!

Những chuyến xe bus chỉ cách nhau 15 phút, chuyên đưa đón người từ khách sạn vào bộ chỉ huy. Nguyễn vào thăm vị tuyên úy trưởng mà anh đã quen khi ông làm việc trong vùng New Orleans. Anh đã nói lên sự quan tâm của mình về tình hình an ninh của khách sạn, ông cho biết cấp trên đã có dự liệu làm cho khu nhà được an toàn hơn. Khi ra về, Nguyễn thấy một hạ sĩ quan gốc Á Châu đi ngược chiều. Anh chưa kịp nhìn kỹ hơn thì anh ta đã lên tiếng trước: "Chào cha!" Ngạc nhiên, Nguyễn hỏi lại: "Làm sao anh biết tôi là linh mục người Việt?" "Dễ thôi cha," anh ta trả lời, "Này nhá, cha đeo Thánh Giá trên cổ áo thì là tuyên úy rồi; lại mang bảng tên Nguyễn thì nhất định phải là người Việt còn gì?" Nguyễn đáp lại: "Bữa nào cho anh gặp một tuyên úy Tin Lành người Việt, để anh hết đoán mò." (Các tuyên úy Kitô giáo trong Hải Quân đều đeo chung một huy hiệu là cây Thánh Gía.) Thế rồi cả hai người cùng phá lên cười và thấy thân mật hơn trong cuộc hội ngộ tình cờ nơi vùng đất xa xôi đó.

Buổi trưa, Nguyễn được chuyển ra HKMH Kennedy bằng chuyến "Greyhound" thường lệ (máy bay hai cánh quạt, C-2A, chuyên đưa đón nhân viên và quân nhu giữa tàu và bờ.) Trung tá tuyên úy trưởng đã lên "sàn bay" (flight deck) đón và đưa anh về lầu của các sĩ quan (officers' country). Khoảng lầu này lại được chia thành nhiều buồng lớn (compartments), mỗi buồng có đến 20 phòng (staterooms), mỗi phòng chứa hai người, có trang bị TV, tủ áo, bồn rửa mặt. Các nhà tắm và vệ sinh được cả buồng xử dụng chung. "Thoải mái chán," Nguyễn nghĩ, so với những chiến hạm khác, nhỏ hơn, mà anh đã có dịp đi. Tàu được thiết kế phức tạp như một ổ mối! Nếu không được hướng dẫn trước, người ta dễ dàng bị lạc và khó có thể tìm được lối ra. Trước tiên phải biết số từng lầu của mình (có 13 lầu, không kể đài chỉ huy với 7 lầu nữa), kế đến là số khoang được đánh số từ tước ra sau, và vị trí của mình thuộc phía phải hay trái của tàu. Quan trọng nhất là phải biết lầu nào có "highway" (hành lang bên trong, chạy suốt từ mũi đến cuối tàu - chỉ có hai lầu có hành lang này.) Vào highway trước, tìm "exit" của mình để ra là cách dễ nhất.

Chiếc HKMH Kennedy là một thành phố nổi với trên 5000 thủy thủ, được chia thành hai ngành rõ rệt: Không Quân (Air) và Mặt Biển (Surface). Có một sư đoàn không quân (Carrier Air Wing) với nhiều phi đội gồm khoảng 100 máy bay đủ loại, đa số là các chiến đấu cơ F 14 và F 18. Gần 2000 quân nhân đã thuộc thành phần này. Thành phần còn lại là các thủy thủ (đúng nghĩa nhất) lo chăm sóc tàu. Mỗi ngành lại được chia thành nhiều ban (departments), rồi các toán (divisions). Bốn tuyên úy và tám hạ sĩ quan phụ tá là một ban độc lập (nếu cần, các tuyên úy có thể đi thẳng tới hạm trưởng, không phải qua hệ thống quân giai), mỗi người có một văn phòng riêng trong một buồng đặc biệt, bên cạnh là nhà nguyện chứa được khoảng 75 người. Cùng buồng lại có thư viện với trên 10 máy điện toán có thiết bị mạng lưới toàn cầu, khá nhiều sách báo, phim ảnh, băng nhạc. Ban truyên úy phải trách nhiệm thêm thư viện này. Thủy thủ được xử dụng các máy điện toán khắp nơi trên tàu để học thêm hay gửi điện thư (email) hàng ngày về gia đình, không phải mong chờ có khi cả tháng mới được một lần thư như trước nữa.

Chiếc Kennedy cũng là soái hạm của Tiểu Hạm Ðội mang cùng tên, vì Phó Ðề Ðốc (một sao) chỉ huy trưởng đã đặt bộ chỉ huy ở đây. Cùng với HKMH còn có hai tàu ngầm loại tấn công (Attack Submarines), khoảng 6 chiến hạm khác gồm hộ tống hạm (Frigates), khu trục hạm (Destroyers), và tuần dương hạm (Cruisers) trong đó có chiếc Huế City CG-66, được đặt tên để ghi nhớ trận đánh lịch sử, tái chiếm thành nội Huế của các TQLC Mỹ và Việt Nam trong cuộc tổng tấn công của quân cộng sản đầu năm Mậu Thân, 1968. Với lực lượng này, cả tiểu hạm đội và các tàu tiếp liệu, như được bao bọc chặt chẽ bởi một mạng lưới phòng bị có đường kính bung rộng đến 600 hải lý (khoảng 1000 cây số.)

Trước khi vào đến vùng trách nhiệm, tiểu hạm đội đã phải đi qua eo biển Hormuz, sát với bờ biển của Iran, một nước được kể là thù nghịch với Mỹ kể từ vụ bắt cóc toàn bộ nhân viên của tòa đại sứ Mỹ làm con tin vào các năm 1979-80. Cộng thêm những vụ khác như Iran thả mìn, bắn phá các tàu chở dầu qua eo biển này; vụ tàu chiến Mỹ bắn lầm vào một chiếc máy bay hàng không dân sự Iran làm thiệt mạng mấy trăm người.v.v... Tất cả những sự kiện đó đã khiến các tiểu hạm đội Mỹ phải hết sức đề phòng khi đi qua eo biển Hormuz. Thậm chí, ngoài các phi cơ đang bay trên không, những phi công trong phiên trực đã phải ngồi chờ ngay trên phòng lái của máy bay mình. Nếu bị tấn công bằng hỏa tiễn, họ chỉ có mấy chục giây để đối phó và phản công.

Tiểu hạm đội Kennedy đang tham gia cuộc hành quân "Canh Phòng Miền Nam" (Southern Watch), không cho bất cứ máy quân sự nào của nước Iraq vượt qua vĩ tuyến 33 đến biên giới phía Nam của nước này. Từ vĩ tuyến 36 ngược lên phía Bắc Iraq là vùng trách nhiệm của các đơn vị Không Quân Mỹ và Ðồng Minh đang đặt căn cứ ở Thổ Nhĩ Kỳ (Turkey.) Nếu phi cơ quân sự Iraq vi phạm hai vùng không phận nêu trên, các chiến đấu cơ của Ðồng Minh có quyền bắn hạ. Các dàn đại bác hay hỏa tiễn phòng không ở dưới đất của Iraq cũng không được có hành động "gây hấn" nào. Chỉ cần họ mở máy radar để dò các phi cơ đang bay bên trên là đã có thể bị ném bom! Các phi công Mỹ trung bình đã phải xử dụng võ lực đến 25% trên tổng số các phi vụ của họ. Dĩ nhiên là nếu không cẩn thận, các phi cơ của Ðồng Minh cũng có thể bị bắn hạ bất cứ lúc nào!

Ðời sống trên chiến hạm luôn luôn như một cái máy: giờ làm việc, khi ăn, lúc nghỉ, phải nhịp nhàng, ăn khớp với nhau. Chỉ cần một sự kiện nhỏ xảy ra như một chảo nấu thức ăn bị hư là các thủy thủ đã phải xếp hàng dài hơn, chờ lâu hơn, và những công việc khác phải đình trệ hơn... Cứ tưởng tượng ban ẩm thực phải nấu trên 15 ngàn phần ăn mỗi ngày để mọi người có đủ ba bữa, hay phải cung cấp hơn 10 ngàn qủa trứng gà chỉ để cho một bữa ăn sáng!

Ðại đa số các thủy thủ trên tàu đang trong lứa tuổi 18 - 20, nhiều người lần đầu tiên xa gia đình. Thường thường cứ khoảng tuần lễ thứ ba sau khi tàu rời bến là bắt đầu có vấn đề. Thủy thủ nhớ gia đình, nhớ người yêu nhiều hơn, và bắt đầu xuống tinh thần. Họ xin gặp các tuyên úy để được an ủi, khuyên nhủ thường hơn, và vì vậy các tuyên úy đã phải thêm phần bận rộn. Ðôi khi ngay trong hàng ngũ hạ sĩ quan và sĩ quan cũng có người gặp khó khăn, thường là vì lý do gia đình.

Cấp trên cũng hiểu tinh thần và tâm lý binh sĩ nên trung bình cứ khoảng từ 3 đến 6 tuần lễ là tàu lại ghé một bến nào đó để thủy thủ có dịp xả hơi. Một người bạn của Nguyễn, tuyên úy N.B.A., vừa được vinh thăng Hải Quân Trung Tá, trong chuyến đi biển 6 tháng ở vùng Ðịa Trung Hải (Mediterranean Deployment, gọi tắt là MedDep) cách đây vài năm, cũng trên chiếc HKMH này, đã có dịp ghé hải cảng Nice ở Pháp. Ông lên thăm một người bạn và được mời cùng đi xem phần trình diễn của đoàn "Con Rối Nước" (Water Puppets) từ Hà Nội qua. Sau đó, ông đã mời cả đoàn, khoảng 40 người, lên thăm tàu vào ngày hôm sau. Họ đã kinh ngạc đến sững sờ trước chiếc chiến hạm quá vĩ đại (dài và rộng bằng ba sân đá banh nhập lại.) Càng ngạc nhiên hơn khi tuyên úy N.B.A. đưa họ đi xem những nơi quan trọng như phòng chỉ huy (Captain's bridge), phòng radar, phòng của sĩ quan điều khiển không lực (Air Boss)... Họ đã trầm trồ: "Sao anh dám đưa chúng em đến những chỗ này? Không sợ lộ bí mật à?" Hoặc là: "Trong thời chiến tranh, chúng em chả hiểu tại sao nước Mỹ ở xa thế mà cứ chốc chốc lại có cả đàn máy bay vào đánh bom! Thật, bây giờ chúng em mới biết!!" Tội nghiệp cho những con người đã phải sống trong một xã hội bị bưng bít đến tối đa.

Trong một bữa ăn có món thịt gà chiên, Nguyễn đã ngồi cạnh tuyên úy trưởng B.N. May. Ông này không lấy món phụ theo đúng kiểu Mỹ là khoai tây chiên, nhưng lại là cơm. Nguyễn tò mò, hỏi trêu: "Bộ ông khoái ăn cơm lắm hả?" Tuyên úy May không trả lời nhưng hỏi lại Nguyễn: "Năm '75 anh (you) ở trại tị nạn nào?" Anh đáp: "Fort Chaffee, Arkansas." Tuyên úy May nhìn vào khoảng không như đang hồi tưởng về một qúa khứ nào đó, rồi ông tâm sự: "Cha (Father) biết không, đầu tháng Năm, năm 1975, tôi đang là một trung úy phi công, lái trực thăng trong binh chủng Thủy Quân Lục Chiến ở Camp Pendleton, California. Khi trại tị nạn cho người Việt được thành lập ở đó, tôi đã được lệnh làm việc với ban điều hành trại, đặc trách các nhà ăn ở những khu 1, 2 và 3. Một hôm, các thông dịch viên đã đến nói với tôi: "Hôm nay, chúng tôi không được ăn cơm!" Tôi nói: "Nhưng các ông mới ăn cơm hôm qua rồi mà!?" Họ đáp: "Ðúng vậy, nhưng người Việt chúng tôi cần có cơm ngày ba bữa!" Tôi ngạc nhiên lắm, nhưng vẫn ra lệnh cho nhà thầu phải mua thêm thật nhiều gạo để nấu cơm mỗi ngày cho dân chúng. Thế rồi chính tôi cũng tập ăn cơm, lâu ngày thành quen, cho tới bây giờ."

Vài năm sau kinh nghiệm có một không hai đó, trung úy May đã xin giải ngũ và theo học đại chủng viện. Sau khi được phong chức mục sư, ông đã xin tái ngũ và trở thành tuyên úy trong ngành Hải Quân cho đến hiện tại. Nguyễn bắt tay tuyên úy May thật chặt và nói: "Cám ơn Tuyên Úy, ông đã là người ơn, là chứng nhân sống động của một trong những trang sử bi thảm nhất của dân tộc chúng tôi." Tuyên úy May cũng xiết chặt tay Nguyễn và nhìn anh với cái nhìn hết sức cảm thông. Hai người đã trở thành thân thiết kể từ hôm ấy.

Phòng tiếp khách của đại tá hạm trưởng (Navy Captain) cũng là nơi trưng bày những hình ảnh và di vật của cố tổng thống Kennedy mà tàu này đã lấy tên. Một buổi tối, Nguyễn đã vào ngồi một mình trong đó. Nhìn vào tấm ảnh phóng lớn của người quá cố, anh nói thầm trong đầu:

"John Fitzgerald Kennedy, ông đã là tổng thống một quốc gia hùng mạnh hàng đầu trên thế giới. Nhiệm kỳ của ông tuy ngắn ngủi nhưng hai lần ông đã gây hệ lụy không nhỏ đối với những quốc gia được kể là "thân hữu" của Hoa Kỳ. Lần đầu, ở Vịnh Con Heo (Bay of Pigs) ông đã phản bội những người bạn Cuba muốn đổ bộ trở về giải phóng quê hương của họ, đưa họ vào chỗ chết mà không hề tiếp cứu. Lần kế, quan trọng hơn, nghiệt ngã hơn nhiều, cuộc chiến tranh đã hủy hoại trọn một thế hệ và làm suy thoái cả dân tộc của họ! Khởi đi từ việc ông đồng ý cho lật đổ một chính phủ hợp hiến, hợp pháp lần đầu tiên được người dân Việt Nam bầu lên theo thể chế dân chủ, rập khuôn với chính phủ của ông. Ông đã tỏ ra ngạc nghiên và bất bình khi biết thuộc cấp của ông (đại sứ Hoa Kỳ ở Việt Nam) và những người làm đảo chánh đã toa rập để giết chết vị tổng thống và người em của ông ta. Nhưng tội qui về người đứng đầu, (The buck must stop on your desk!) Ông phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về hậu qủa đau thương đó. Thế rồi, người đời chưa kịp trách ông thì chính ông đã ngã gục trước viên đạn của kẻ sát nhân. Tôi còn nhớ, tối hôm ấy trên đường về nhà, tôi đã được nghe tin về cái chết của ông qua những máy thu thanh vang vọng từ nhà cửa ở dọc đường. Năm đó tôi chỉ vừa bước vào tuổi trung học, nhưng đã sớm nhận biết thế nào là tình nghĩa ở đời, nhất là "tình nghĩa" trên chính trường quốc tế! Thế nào là thân phận kẻ đang sống trong một quốc gia nhược tiểu. Ông đã xử "không đẹp" đối với một người đã được coi là bạn của ông! Nhưng hậu qủa giây chuyền của hành động đó mới đáng khủng khiếp, gần 60 ngàn quân nhân Hoa Kỳ và trên hai triệu người Việt Nam đã chết thảm vì chính sách sai lầm của ông và những người nắm quyền kế tiếp. Cho đến nay, một phần tư thế kỷ đã qua kể từ ngày im tiếng súng, nhưng Việt Nam vẫn chưa ngóc đầu lên nổi, vẫn bị kể là một trong những nước nghèo đói nhất trên thế giới! Ông đã là một giáo dân Công giáo, tôi là một linh mục; giả sử ông có cơ hội trở về xưng tội với tôi thì việc "đền tội" tôi trao cho ông sẽ là: "Dùng tất cả những ơn Chúa ban riêng để làm cho Việt Nam trở thành một quốc gia thực sự có tự do, dân chủ, độc lập, và phú cường." Có như thế mới mong đáp lại phần nào lỗi lầm quá to lớn của ông." Nguyễn bước ra khỏi phòng, lòng buồn vui lẫn lộn như vừa ban phép hòa giải cho một hối nhân đã bỏ xưng tội đến gần 40 năm trời!

Nguyên tắc thông thường của cái súng cao su mà trẻ con hay chơi, đã được Hải Quân Mỹ xử dụng để thêm sức, phóng các phi cơ đang rồ máy vọt tới, cho dễ cất cánh hơn. Có bốn dàn phóng (catapults, mà các thủy thủ gọi tắt là "cats") dùng sức ép bằng hơi; nhưng tối đa người ta chỉ có thể phóng ba phi cơ lên cùng một lúc, vì có hai dàn phóng chéo góc vào nhau. Mỗi phi vụ có từ 15 đến 20 phi cơ đủ loại. Họ bay khoảng một tiếng rưỡi, và trước khi họ trở về đến tàu thì một phi vụ khác lại được phóng lên. Cứ như thế, các phi cơ liên tục được xử dụng trong việc "Canh phòng miền Nam" nước Iraq. Ðể có giờ nghỉ ngơi, các phi công Hải Quân (Aviators) chỉ làm việc sáu ngày một tuần. Khi họ nghỉ thì các phi đội của Không Quân đang trấn đóng ở Saudi Arabia sẽ đảm trách thay. Ngược lại, họ cũng giúp bên Không Quân trong cùng một cách tương tự.

Sau cuộc Chiến Tranh Lạnh (Cold War) cả Mỹ và Nga đều cắt giảm binh bị (nhưng nhiều nước khác lại gia tăng như Trung Cộng, Aán Ðộ, Pakistan, Iran...) Mỹ đã giảm hơn một triệu quân và hằng trăm tàu chiến. Số HKMH đang từ 15, hiện chỉ còn lại 12 chiếc. (Không kể 12 HKMH loại nhỏ (Amphibious Assault Ships) - các LHAs và LHDs - chứa trực thăng và phản lực lên thẳng Harriers với 2000 TQLC sẵn sàng đổ bộ bất cứ nơi nào cần.) Tuy nhiên, khi cho những chiếc HKMH cũ về "hưu" (de-commissioned) thì họ lại đóng thêm những chiếc khác tối tân hơn như Stennis CVN-74, Truman CVN-75, và Reagan CVN-76. Chiếc mới nhất CVX-1, chưa có tên, là một "class" (kiểu) mới, chỉ cần 3000 thủy thủ, hiện lên rất nhỏ trên màn ảnh radar, và hỏa lực của nó sẽ mạnh gấp nhiều lần hơn những chiếc đang được xử dụng. Cùng chiều hướng đó, cả quân lực Hoa Kỳ đã ít hơn về số lượng, nhưng sức mạnh của họ thì vẫn gia tăng không ngừng.

Khuya nay đến phiên Nguyễn lên phòng lái và cũng là đài chỉ huy để đọc lời nguyện và chúc bình an cho cả tàu trước khi đi ngủ (thì giờ đi ngủ chỉ là trên nguyên tắc.) Anh đã lên sớm và ra ban công phía trước (weather deck) để có chút giờ tĩnh tâm. Bầu trời không trăng, dày đặc những vì sao, dải Ngân Hà như sáng hơn, tỏ hơn, trải dài như đến vô tận. Tàu đang đi về hướng gió, hướng Ðông, để chuẩn bị đón một phi vụ trở về. Nguyễn nghĩ thầm, chỉ cần bay về hướng này, năm tiếng đồng hồ nữa là đến quê hương. Anh mường tượng đến những thành phố có thể sẽ bay qua: Karachi, Calcutta, chếch xuống Rangoon, Bangkok, rồi Sàigòn, Huế, Hà Nội... Thật gần, nhưng cũng thật xa... Quê hương ngút ngàn đó, đã một lần anh hứa sẽ trở lại, nay vẫn dẫy đầy những bất công và đói khổ... Ðã qúa lâu... qúa xa... lòng người không khỏi mênh mang và trong một giây phút bi quan đã cảm thấy thấm thía nỗi xót xa đến u uất trong câu thơ của Ðăng Dung: "Nợ nước chưa xong đầu đã bạc"...

Trên tàu có một thiếu úy và 6 nam, nữ thủy thủ người Việt, nhưng hầu hết họ còn qúa trẻ để có thể cảm thấy được hậu qủa sâu đậm của cuộc chiến; hay hoài bão về một quê hương xa vời vợi bên kia bờ đại dương. Làm thế nào để các bậc cha, anh có thể hướng dẫn, chỉ bảo thế hệ mới này, với hi vọng rằng một ngày nào đó họ sẽ tự tìm về đất Mẹ, quê Cha? Nguyễn giật mình chợt nhớ ra rằng anh đã sống ở Mỹ đến phân nửa cuộc đời! Bao nhiêu thăng trầm, bao nhiêu kỷ niệm đã đến với anh trong suốt phần tư thế kỷ trên dải đất lớn bằng cả một lục địa mà anh đã nhận làm nơi dung thân. Miệt mài trong công tác đôi khi đã làm anh lãng quên những cẩn trọng phải có. Một lần anh đã vô tình đi vào vùng tình cảm thế nhân, nhưng chưa kịp đặt chân xuống thì đã vội thu về vì biết rằng con đường đó không phải là lối anh đang đi. Ðể rồi anh đã phải trả giá bằng cơn đau ngất người kéo dài đến thật lâu! Anh nhận thấy con người của anh thật nhỏ bé, thật mỏng dòn và yếu đuối. Chính anh mới là kẻ cần phải xin ơn tha thứ nhiều hơn cả!

Gần hai chục phản lực cơ trở lại tàu sau khi đã hoàn tất phi vụ. Ðáp đêm nhưng nhiều phi công vẫn móc đúng giây cáp thứ ba, chính xác và lý tưởng nhất! Các hỏa tiễn và bom đạn vẫn còn nguyên. Những vũ khí giết người đó đã không phải phóng ra nơi vùng đất phía Nam vĩ tuyến 33 ở Iraq trong phi vụ này. Ðêm nay đã không có máu đổ, không có tàn phá. Bốn thang máy, mỗi cái có thể đưa xuống "Hầm chứa" (Hangar Bay) một lượt hai chiếc phi cơ xếp cánh, đã nhanh chóng hoàn tất công việc. Tiếng động cơ ồn ào đã sớm tắt, trả lại sự yên tĩnh tương đối trên tàu. Cơn gío nhẹ - một phần nhờ vận tốc của tàu - đưa mùi biển thoảng hơi muối mặn, cái mùi đặc biệt đã dính liền với cuộc đời của những người lính vượt đại dương. Những gợn sóng nhỏ trên mặt nước không đủ làm chòng chành con tàu quá lớn đang lầm lũi lướt đi trong bóng đêm. Nguyễn nhớ đến bài hát về những người lính thủy Việt Nam năm nào: "Với biển cả, anh là thủy thủ... Với lòng nàng, anh là hoàng tử... Nhớ chuyện thần tiên xứ Ba Tư..." Xứ Ba Tư (Iran), cái xứ có truyện "Ngàn lẻ một đêm" ấy đang không xa trước mắt, nhưng với Nguyễn và hơn năm ngàn thủy thủ trên tàu, nó đã không còn thần tiên tí nào cả. Từ vùng đất "không thân thiện" đó luôn luôn vẫn có sự rình rập, vẫn đòi hỏi sự thận trọng và đề phòng tuyệt đối. Chỉ cần một sai lỗi nhỏ, chỉ cần hành động của một tên điên nào đó từ phía bên kia, là chiến tranh có thể sẽ xảy ra, là máu lại đổ, là nhà lại tan... Anh thấy nền hòa bình tạm bợ trong vùng cũng mong manh như thân phận con người. Nguyễn quyết định không dùng lời nguyện đã dọn sẵn, anh sẽ cầu nguyện tự phát từ đáy lòng mà chủ đề không gì khác hơn là HÒA BÌNH.


Tuyên úy Nguyễn





















































































Free Web Hosting