Tìm Hiểu:

RITA, BÃO TỪ ĐÂU TỚI?

Trần Đỗ Cẩm

Austin Texas 9/2005
Email: camtran11@yahoo.com


(Các cơ quan truyền thông muốn xử dụng, vui lòng liên lạc với tác giả qua Email: camtran11@yahoo.com - Cám ơn)

Trận bão Katrina thổi qua thành phố New Orleans thuộc tiểu bang Louisiana cách đây mấy tuần đã gây thiệt hại nặng cho vùng này. Số người chết cho tới nay dù chưa được kiểm kê đầy đủ, nhưng ước lượng có thể lên tới hàng ngàn, trong khi hàng chục ngàn nạn nhân khác vẫn còn phải tạm cư tại các trại tỵ nạn. Nhà cửa tại New Orleans bị nước lụt làm hư hại tới 80% khiến chính phủ ước đoán còn nhiều tháng nữa thành phố mới trở lại sinh hoạt bình thường. Ngoài những thiệt hại trực tiếp về vật chất, bão Katrina còn gây nhiều hệ quả gián tiếp bất lợi lâu dài hơn cho nền kinh tế, điển hình là nạn xăng dầu, hơi đốt lên giá khiến mọi người, mọi ngành dù không thuộc vùng bão lụt cũng bị ảnh hưởng lây.

Khi chúng tôi viết bài này, bão Rita đang đi sâu vào vịnh Mễ Tây Cơ, hướng thẳng vào bờ biển tiểu bang Texas, dự đoán sẽ chạm đất tại thành phố Galveston. Vì sức mạnh của bão Rita cũng tương đương với Katrina nên cư dân trong vùng đang trên đường di tản sâu hơn vào đất liền. Hy vọng rằng với kinh nghiệm rút tỉa từ bão Katrina, sự thiệt hại do bão Rita gây ra sẽ được giảm thiểu. Ai cũng nói "mùa bão" năm nay có thể được coi là kỷ lục có nhiều bão lớn.

Hàng năm tại Hoa Kỳ, khoảng thời gian từ đầu tháng 6 tới cuối tháng 10 được mệnh danh là "Mùa Bão" vì có nhiều trận cuồng phong dữ dội gọi là "Hurricane" hay "Bão" mang theo lũ lụt từ Ðại Tây Dương thổi vào de dọa vùng duyên hải phía đông Hoa Kỳ, vịnh Mễ Tây Cơ, Trung Mỹ và biển Caribbean. Danh tu "Hurricane " bắt nguồn từ chữ "Hurrican" là tên một ác thần tại miền Caribbean. Tại những vùng biển khác trên thế giới như Thái Bình Dương, những cơn cuồng phong tương tự được gọi là "Typhoon", trong khi tại Ấn Ðộ Dương lại mang tên "Cyclone". Nhưng dù là Hurricane, Typhoon hay Cyclone, tiếng Việt Nam đều gọi chung là bão vì khi chạm đất, những thiên tai này đều gây thiệt hại đáng kể về nhân mạng cũng như về tài chánh.

Vậy bão là gì? Từ đâu tới? Chiều hướng di chuyển ra sao và gây ra những ảnh hưởng gì trên đời sống con người? Ðó là những câu hỏi hy vọng sẽ tìm được lời giải đáp trong bài viết ngắn gọn này. Chúng ta cũng sẽ đi cùng các khí tượng gia để cùng theo dõi đường đi nước bước của một trận bão. Tưởng cũng cần xác định danh từ Bão trong bài viết dùng để chỉ Hurricane là những trận bão trong vùng Ðại Tây Dương, còn Storm được dịch là bão nhỏ.

I. Bão Là Gì?

Theo định nghĩa của Trung Tâm Bão Quốc Gia (National Hurricane Center), Hurricane là một cơn lốc nhiệt đới (Tropical cyclone) xảy ra tại vùng Ðại Tây Dương. "Lốc nhiệt đới" là một tên tổng quát dùng để gọi một vùng có áp lực thấp không khí hay áp xuất thấp (low pressure) phát sinh từ vùng nhiệt đới tức là khu vực gần đường xích đạo. Nếu coi địa cầu như một trái cam với các đầu múi là Bắc cực và Nam cực, khi cắt ngang trái cam ở chỗ phình ra rộng nhất, đường cắt này sẽ là xích đạo có vĩ độ là 0, còn Bắc cực có vĩ độ +90, Nam cực có vĩ độ -90.

Tùy theo cường độ của gió, những cơn lốc nhiệt đới được phân biệt bằng nhiều tên khác nhau. Nếu sức gió dưới 39 mile một giờ (17 mét một giây hay 62.5 kilomter/giờ hay 34 knots) thì gọi là "nhiễu loạn" (tropical depression); trên 30 mile/giờ gọi là bão nhỏ (Storm) lúc đó mới được đặt tên, tới khi gió mạnh trên 74 mile/giờ mới thành bão (Hurricane).

Một cơn bão thường có những đặc điểm như sau:

1. Phát sinh từ vùng nhiệt đới tức là vùng biển gần xích đạo.
2. Có gió lốc, nghĩa là gió thổi xoáy quanh một tâm điểm gọi là mắt bão. Tại vùng Bắc bán cầu tức là nửa trái đất nằm về hướng Bắc, phía trên của xích đạo, hướng gió xoáy ngược chiều kim đồng hồ hay từ hướng Tây sang Ðông; ngược lại tại vùng Nam bán cầu, gió xoáy theo chiều kim đồng hồ tức là từ Ðông sang Tây.
3. Là vùng áp xuất thấp. Mắt bão luôn luôn là nơi có áp xuất không khí thấp nhất.
4. Gió xoáy quanh mắt bão phải có tốc độ tối thiểu 74 mile/giờ.

II. Bão Từ Ðâu Tới

Bão nẩy sinh từ vùng biển có nước ấm với nhiệt độ tối thiểu 80 độ F hay 27 độ C, hợp với khí ẩm cùng những luồng gió ngược chiều đụng nhau tại miền xích đạo. Ða số các trận bão vùng Ðại Tây Dương phát sinh từ bờ biển Tây Phi Châu, khởi đầu chỉ là những cơn giông nhỏ, sau đó sức mạnh tăng dần khi di chuyển qua vùng biển ấm gần xích đạo. Lốc trở thành bão qua 3 giai đoạn:

1. Nhiễu loạn (Depression): Mây, mưa và gió cuốn với tốc độ dưới 38 mile/giờ.
2. Bão nhỏ (Storm): gió từ 39 đến 73 mile/giờ.
3. Bão (Hurricane): Gió trên 74 mile/giờ.

Một cơn giông trở thành bão có thể chỉ trong vòng mấy tiếng đồng hồ nhưng cũng có khi mất hàng tuần; tuy nhiên một cơn giông chỉ có thể phát triển thành bão nếu hội đủ 3 điều kiện chính:

- Hơi ấm và ẩm tại biển nhiệt đới bốc hơi và đông đặc liên tục. Hơi ấm từ mặt biển bốc lên cao, gặp không khí lạnh nên đọng lại thành những đám mây bão màu xám đen có nhiều ẩm độ và những giọt mưa. Hơi ấm khi đông đặc như vậy tỏa nhiệt làm nóng khiến không khí chung quanh bốc lên cao, do đó càng hút nhiều hơi ấm từ mặt biển lên. Chu kỳ bốc hơi, đông đặc liên tục này mỗi lúc một gia tăng khiến hơi ấm và ẩm bị hút lên không mỗi lúc một nhiều và mạnh hơn, gây ra những luồng lốc xoáy quanh một trung tâm gọi là mắt bão, tương tự chiếc xoáy như khi ta xả một bồn đầy nước.
- Lốc xoáy sinh ra do những luồng gió khác chiều gặp nhau. Lốc xoáy ở mặt biển đẩy hơi ẩm lên cao, gia tăng tốc độ bốc hơi sinh ra gió càng mạnh. Trong khi đó, nếu có gió trên độ cao hơn (chừng 30.000 ft), hơi nóng bốc lên sẽ bị thổi đi tạo thành khoảng trống khiến hơi từ mặt biển sẽ càng bốc lên nhiều và nhanh hơn tạo thành cơn bão. Nếu không có gió trên cao thổi bay đi, hơi nóng bốc lên sẽ bị chậm lại như bị một nắp vung che đậy khiến cơn bão yếu dần.
- Áp lực khác nhau giữa mặt biển và khí quyển trên cao độ (trên 30.000ft) cũng lấy bớt sức nóng của hơi bốc khiến chu kỳ bốc hơi càng mạnh, làm tăng sức của bão. Ngoài ra, mắt bão là vùng áp lực thấp lại hút không khí từ vùng áp lực cao lân cận khiến sức gió càng gia tăng, tương tự như nước lũ đổ vào chỗ trũng.

III. Thành Phần Của Bão

Trong một cơn bão đã thành hình, chúng ta có thể nhìn rõ 3 thành phần chính, đó là:
- Mắt Bão (Eye): Là vùng áp lực thấp, yên tịnh nằm ngay trung tâm của vòng xoáy.
- Mí Mắt Eye Wall): Nằm sát mắt bão với gió xoáy mạnh nhất.
- Vòng Mưa (Rain Bands): Là những giải mây phía ngoài xoay quanh mắt bão mang nhiều mưa. Ðây là hệ quả của chu kỳ bốc hơi và đông đặc trước kia đã tạo nên trận bão.

IV. Tầm Vóc Của Bão

Tùy theo những điều kiện tạo thành như hơi ẩm, chu kỳ bốc hơi, áp lực không khí, chiều gió v.v… bão có những cơn lớn nhỏ nhỏ khác nhau. Nhiều trân bão rất gọn nhỏ, chỉ có vài giải mây bao quanh, nhưng cũng có nhiều cơn bão bao phủ cả một vùng rộng lớn hàng mấy trăm, có khi cả mấy ngàn dậm. Như trận bão Floyd vào tháng 9 năm 1999 che phủ cả các đảo trong biển Caribbean và vùng Ðông Bắc Hoa Kỳ.

V. Báo Ðộng Bão

Vì các trận bão có thể gây nhiều thiệt hại nên chính quyền thường thông báo rộng rãi những "báo động" để dân chúng đề phòng. Hiện nay, có 4 loại báo động chính:

1. Ðề phòng bão nhỏ (Tropical storm watch): khi sức gió từ 39 đến 73 mile/giờ và bão sẽ tới trong vòng 36 giờ.
2. Báo động bão nhỏ (Tropical storm warning): bão mhỏ sẽ tới trong vòng 24 giờ.
3. Ðề phòng bão (Hurricane warning): sức gió mạnh hơn 74 mile/giờ và bão sẽ tới trong vòng 36 giờ.
4. Báo động bão: Bão sẽ tới trong vòng 24 giờ.

VI. Thiệt Hại Do Bão Gây Ra

Bão gồm nhiều thành phần nên có thể gây nhiều loại thiệt hại khác nhau.

1. Mưa: Trận bão nào cũng có nhiều đám mây đen chứa hơi ẩm theo chu kỳ bốc hơi khi bão thành hình, vì vậy gây nên những trân mưa rất lớn, chúng ta thường gọi là mưa bão. Những đám mưa này gây thành lụt lội, vỡ đê có thể tán phá nhiều vùng rộng lớn.
2. Gió: Gió mạnh làm đổ cây cối, nhà cửa.
3. Nước biển dâng: Vì gió thổi mạnh nên bão đẩy một lượng nước biển rất lớn về phía trước như một cơn sóng thần. Nếu gặp lúc thủy triều dâng, lượng sóng này càng cao khi ập vào bờ, như trong trận bão Katrina vừa qua, lượng sóng cao tới 20 feet tràn vùng gần bờ biển gây thiệt hại nặng cho nhà cửa, xe cộ.
4. Gió Lốc (Tornado): Ðây là nhưng cơn bão nhỏ, do gió của bão gây ra.

Sức tàn phá của bão tùy thuộc vào một số yếu tố như:

- Cấp hay cỡ bão: cấp bão càng cao, sức gió càng mạnh gây nhiều thiệt hại.
- Bão thổi thẳng vào bờ hay chỉ lướt qua sát bờ.
- Cánh phải hay cánh trái của trận bão thổi qua. Trong một cơn bão, cánh phải luôn luôn có sức gió biểu kiến mạnh hơn, vì là sức mạnh của gió cộng thêm vận tốc di chuyển của bão, còn bên trái yếu hơn vì sức gió trừ đi vận tốc di chuyển. Thí dụ bão cấp 4, sức gió 150 mile/giờ, vận tốc di chuyển 30 mile/giờ thì gió bên cánh phải mạnh tới 150 + 30 = 180 mile/giờ, còn cánh trái chỉ có 120 mile/giờ.

Ảnh hưởng của gió, mưa và lụt có thể gây thiệt hại nặng nề cho vùng duyên hải như chúng ta đã biết bão Katrina vùa qua đã tàn phá vùng New Orleans gần như thành bình địa, thiệt hại lên tới cả trăm tỷ đô la.

VII. Phân Loại Sức Mạnh Của Bão

Một trận bão đã thành hình thường được sắp hạng theo độ đo lường Saffir-Simpson với 5 cỡ hạng khác nhau tùy theo sức mạnh của gió:

1. Cấp 1: gió từ 74 đến 95 mile/giờ, gây ra sóng dâng cao 4 tới 5 feet so với mức bình thường, có thể gây lụt lội và nhà cửa thiệt hại nhẹ
2. Cấp 2: gió từ 96 đến 110 mile/giờ, sóng cao 6 đến 8 feet, có thể làm đổ cây cối, nhà cửa.
3. Cấp 3: gió từ 11 đến 130 mile/hour, sóng cao 9 đến 12 feet, nhà cửa cây cối bị hư hại, gây ngập lụt
4. Cấp 4: gió từ 131 đến 154 mile/giờ, sóng cao 13 đến 18 feet, nhà cửa hư hại, lụt lớn. Như vậy, các trận bão cấp 3 trở lên đều rất nguy hiểm vì ngoãi thiệt hại về vật chất, còn có thể làm chết người.

VIII. Theo Dõi Một Trận Bão

Bão là một thiên tai khủng khiếp nên để giảm thiểu thiệt hại, nhân loại từ cổ chí kim đã tìm mọi cách gián tiếp hay trực tiếp để đề phòng. Ngày xưa, khi khoa học chưa được phổ cập, mỗi khi có bão bùng mưa to gió lớn, người ta thường cho rằng trời trừng phạt hay Long Vương nổi giận. Họ đắp đê điều để ngăn chặn lũ lụt, nhưng sớm muộn gì đê cũng có khi bị vỡ, gây thảm cảnh chết người, ruộng đồng bị tàn phá như vùng ven sông Hoàng Hà, Dương Tử bên Tàu hay sông Hồng Hà miền Bắc Việt Nam. Ngay cả tới ngày nay, miền Trung Việt Nam vẫn còn cảnh bão lụt hàng năm khiến dân chúng khổ sở tan nhà mất cửa. Ngày nay, nhờ khoa học tiến bộ, tuy chưa tìm được cách trừ khử các trận bão, nhưng các khí tượng gia đã có nhiều phương tiện theo dõi sự phát triển, sức mạnh cũng như hướng đi của các trận bão để có thể đề phòng trước, giảm bớt thiệt hại.

Tựu chung, các trận bão thuộc Bắc bán cầu di chuyển theo chiều kim đồng hồ (từ Ðông sang Tây) trong khi gió xoáy ngược chiều kim đồng hồ, còn tại Nam bán cầu, mọi di chuyển đều ngược lại. Những di chuyển trái ngược này là tác dụng Coriolis gây ra do chiều quay của trái đất. Chúng ta có thể dùng những hình ảnh do vệ tinh và dữ kiện do phi cơ "Săn Bão" (Hurricane Hunters) bay ngay vào trong bão để thám sát, cung cấp chi tiết hầu tiên đoán cũng như theo dõi các trận bão. Các đài truyền hình thường chiếu hình ảnh của một trận bão với nhiều màu sắc cùng hướng đi và chiều gió rõ ràng, đây là thành quả của các phương tiện thăm dò tân tiến nêu trên.

Những vệ tinh thời tiết thường trực bay trên qũi đạo trái đất xũng dùng nhiều máy hình cực nhạy chụp những cơn lốc hoặc đám mây khi mới hình thành và theo dõi những cơn xoáy bất thường ngay từ lúc ban đầu. Ngoài ra, trên vệ tinh còn có những máy móc tối tân dùng hồng ngoại tuyến để đo lường nhiệt độ cũng như cao độ của mây. Nhưng tân tiến nhất là Doppler Radar để "chụp hình" những đám mây, sức gió, lượng mưa v.v… phân biệt bằng hình ảnh rõ ràng qua những màu sắc khác nhau, trong khi radar thường chỉ phát hiện và đo được khoảng cách của đối vật. Doppler nguyên là một hiện tượng quen thuộc trong lãnh vực âm thanh mà chúng ta cảm nhận hàng ngày nhưng ít ai để ý. Thí dụ như khi một chiếc xe lửa mở còi từ xa, chúng nghe thấy tiếng nhỏ, nhưng khi xe lửa tới gần tiếng còi càng lớn và lớn nhất khi ngay trước mặt ta, sau đó lại nhỏ dần khi xe lửa chạy xa, mặc dù cường độ của tiếng còi trước sau không hề thay đổi. Cũng cùng nguyên tắc này khi áp dụng vào lãnh vực điện tử, các Doppler Radar có thể phân biệt được số lượng mưa gió của từng khu vực trong một trận bão rồi chụp thành hình phân thành từng khu vực qua những màu sắc khác nhau như vùng màu đỏ là mưa nhiều, xanh mưa trung bình, trắng mưa nhẹ v.v… Chúng ta cũng thường thấy hình ảnh do Doppler Radar cung cấp được dùng trong phần phát hình về khí tượng và thời tiết.

Ngoài ra, còn có những phi cơ "săn bão" là thành phần của Phi Ðoàn 53 Thám Sát Thời Tiết thuộc căn cứ không quân Keesler, thành phố Biloxi, tiểu bang Mississippi. Các phi cơ vận tải C-130 được biến cải và trang bị nhiều dụng cụ thám sát thời tiết, trở thành loại WC-130 (Weather) có thể bay thẳng vào bên trong cơn bão để đo lường áp lực, vận tốc gió, độ mưa v.v… Toán phi cơ đặc biệt này có thể bay thám sát bão 5 lần một ngày trong phạm vi từ Ðại Tây Dương tới Hawaii. Những dữ kiện đo lường được chuyển thẳng về Trung tâm bão đặt tại Miami, Florida để phân tích, phỏng đoán và phân phối tới các cơ quan truyền thông để phổ biến cũng như ban hành những thông báo "theo dõi" hay "báo động" về bão.

Nhờ những phương tiện tối tân để theo dõi cũng như thông tin chính xác, nhanh chóng về một trận bão, chính quyền cũng như dân chúng có thời gian đề phòng cũng như xử dụng những biện pháp ngăn ngừa cần thiết.

IX. Ðặt Tên các Trận Bão

Ðể dễ dàng phân biệt và theo dõi, các trận bão đều có danh hiệu như tên người. Vấn đề tên tuổi này gợi lại nhiều truyền thống đáng nhớ, nhất là cho những người đi biển, và cũng gây nhiều tranh luận cùng ngộ nhận trong thời đại bình đẵng, bình quyền.

Thoạt tiên, vào thế kỷ thứ 19, trận bão xảy ra ngày nào thì dùng tên thánh của ngày ấy để đặt tên, Thí dụ ngày 13 tháng 9 năm 1876 có trận bão thì dùng tên thánh trong ngày là San Felipe. Nếu bão xảy ra cùng ngày tháng nói trên nhưng khác năm thì đặt tên là San Felipe 2 v.v… Có một thời gian ngắn, chỉ tên đàn ông được đặt tên bão. Sau đó, theo qui ước bất thành văn của giới hàng hải, các trận bão đều được dùng tên phụ nữ. Ðiều này theo thiển kiến, không hề có ý kỳ thị hay bất bình đẵng đối với phái đẹp. Thật ra, thủy thủ là những người cô đơn, xa gia đình, bến bờ lâu ngày nên hay dệt những giầc mộng, trong đó phụ nữ thường đóng vai chính, bằng cớ là các lãng tử giang hồ hay xâm hình phụ nữ trên người. Riêng việc dùng tên người đẹp để đặt tên các trận bão, đây chỉ là một truyền thống lãng mạn đáng yêu, phản ảnh mưa gió là nghiệp sống không thể thiếu của dân hải hồ, nhưng sóng to gió lớn thì lại là nỗi kinh hoàng cho người đi biển. Cũng như phụ nữ là điều không thể thiếu cho các thủy thủy, nhưng khi người đẹp nổi gận thì thế giới đều đảo điên trong giông bão. Tới cuối thập niên 1970, khi phong trào nam nữ bình quyền lên cao, để tránh mang tiếng kỳ thị trong việc chỉ dùng tên đàn bà để đặt cho thiên tai gây thiệt hại, bị mọi người chán ghét, nên giới khí tượng dùng tên cả hai phái nam nữ cho bình đẳng. Do đó mỗi năm, Sở Khí Tượng đưa ra một danh sách tên của các trận bão, bắt đầu từ mẫu tự A. Trận bão đầu tiên trong năm sẽ bắt đầu với tên nguời khởi đầu mẫu tự A, sau đó tới B, C v.v… Các trận bão trong vùng Thái Bình Dương nằm trong một danh sách khác. Thí dụ như trận bão đầu tiên trong năm 2001 gần Acapulco, Mễ Tây Cơ thuộc Thái Bình Dương mang tên Adolf, trong khi trận bão đầu tiên trong năm 2001 tại Ðại Tây Dương mang tên Allison. Tuy nhiên, trong trường hợp một trận bão lớn gây nhiều thiệt hại, tên trận bão có thể không được xử dụng trong vòng 10 năm để tránh ngộ nhận trong vấn đề tranh tụng, bảo hiểm v.v… Như vậy mỗi năm có một danh sách tên của 25 trận bão, bắt đầu từ A tới Z; nếu năm đó có hơn 25 trận bão, các tên mẫu tự Hy Lạp Alpha, Beta, Gamma v.v… se bắt đầu được dùng để đặt tên cho những trận bão kế tiếp.

Tới đây, vẫn còn nhiều chi tiết về bão chưa được đề cập tới, nhưng trong khuôn khổ hạn hẹp của bài viết cũng như trên phương diện tìm hiểu tổng quát, chúng ta đẵ biết khá tường tận về bão. Tuy khoa học đã tiến bộ nhiều, bão tố lại xưa như trái đất căn cứ vào truyện chiếc thuyền Noah được mô tả trong thánh kinh, nhưng thiên nhiên vẫn còn nhiều bí mật loài người chưa biết tới. Có lẽ đây cũng là điều thượng đế đã đặc ân ban thưởng cho loài người, bởi vì còn bí mật, còn che đậy thì còn hấp dẫn, còn thích thú, còn tìm hiểu, còn có lý do để sinh tồn tương tự như trường hợp mỹ nhân La Joconde trong bức họa của DeVinci vậy./.


Trần Đỗ Cẩm

























































Qúi Vị là độc giả thứ:

Web Counter

đã viếng thăm Nguyệt San Ðoàn Kết - Thành Thật Cám Ơn.

Free Web Hosting