Phóng Sự:

KATRINA, HAI LẦN TỴ NẠN

Trần Đỗ Cẩm

Austin Texas 9/2005
Email: camtran11@yahoo.com


Ngày Chủ Nhật trước Lễ Lao Ðộng, điện thoại trong sở gọi cho biết tôi cần đến Convention Center gấp. Vì làm việc tại Sở Ðiện Toán của thị xã Austin đã khá lâu nên tôi biết mỗi khi sở gọi vào dịp cuối tuần hay ngày nghỉ, thuờng vì hệ thống điện toán có gì trục trặc cần sửa chữa; nhưng vào những trường hợp đặc biệt này đã có nhân viên trực. Hôm nay không phải phiên trực mà sở cũng gọi, chắc có chuyện lớn, hoặc "fiber optic” bị cắt đứt khiến “network” bị gián đoạn, hay nhẹ ra cũng một vài “servers” ngưng hoạt động. Convention Center là nơi có những cuộc trưng bầy lớn của nhiều khách hàng nên hệ thống computer và network bắt buộc phải tốt 24/24, do đó khi có chuyện, mọi nhân viên liê nhệ đều phải làm việc bất kể giờ giấc.

Convention Center là một tòa nhà rất lớn nằm ngay trung tâm thành phố Austin. Khi lái xe tới gần, tôi đã thấy khá đông nhân viên công lực và đủ loại xe cộ cảnh sát, chữa lửa, cứu thương cũng như xe thường dân vây quanh. Tôi phải đậu xe tại một nơi khá xa và đi bộ tới văn phòng; tới nơi mới rõ có đến mấy ngàn nạn nhân bão Katrina cư ngụ tại vùng New Orleans thuộc tiểu bang Louisiana và Biloxi thuộc tiểu bang Mississippi đã được đưa về tạm trú tại đây từ tối hôm trước.

Kể từ khi trận bão Katrina thổi qua vùng New Orleans khiến thành phố bị lụt vì đê vỡ, báo chí và đài truyền hình thường trực loan những tin không mấy tốt đẹp. Nào là nhà cửa bị bão thổi sập, đường phố ngập nước, dầu nhớt lan tràn; ngoài ra còn nạn cướp bóc, đập phá các cửa tiệm v.v… khiến nhân viên công lực không thể kiểm soát được. Mới đây, thị trưởng thành phố New Orleans Ray Nagin tuyên bố rút toàn bộ lực lượng cảnh sát, lính chữa lửa cũng như nhân viên vệ sinh sức khỏe được gọi chung là lực lượng “an ninh công cộng”(public safety) về thủ đô Baton Rouge để an dưỡng vì họ đã bị khủng hoảng tinh thần trầm trọng khi phải liên tiếp đối phó với tình trạng hỗn loạn kinh hoàng trong mấy ngày qua. Ðã có 2 cảnh sát viên tự tử và đa số nhân viên công lực bị giao động tâm lý cao độ. Trong khi đó, toán Công Binh sửa chữa đoạn đê vỡ còn bị một nhóm người "bắn sẻ"; toán lính hộ tống bắn trả giết chết 4 tên gây rối và bắt sống 1 tên. Thành phố New Orleans gần như trong tình trạng thiết quân luật được giao cho Vệ Binh Quốc Gia cai quản. Trong tương lai, khi công tác cứu trợ nạn nhân sống sót đổi thành tìm kiếm người chết, chắc chắn niềm xúc động và khủng hoảng sẽ gia tăng. Hiện nay, tin chính thức mới xác nhận 59 người tử nạn, nhưng con số này có thể sẽ gia tăng lên tới một vài ngàn người trong những ngày sắp tới. Ngoài ra, tình trạng ngập lụt, thiếu điện, nước cộng với ô nhiễm vì rác rưởi, xác chết và dầu loang khiến thành phố thiếu vệ sinh không thể cư trú được nữa. Hiểm họa các bịnh truyền nhiễm như dịch hạch, dịch tả, kiết lỵ có nguy cơ bộc phát bất cứ lúc nào. Do đó, toàn thể cư dân New Orleans được lệnh phải di tản cho đến khi đê ngăn nước được vá xong, nước được bơm ra ngoài và thành phố trở lại bình thường, tức là một khoảng thời gian khá lâu, tính hàng tuần nếu không phải hàng tháng. Thiệt hại ước lượng có thể lên tới 200 tỷ đô la.

Ða số cư dân New Orleans di tản được đưa qua tiểu bang Texas lân cận. Các trung tâm tiếp cư lớn tại Houston, Dallas và San Antonio đã nhận khoảng 200 ngàn người. Riêng tại Austin, số nạn nhân tạm trú vào khoảng 4 ngàn người, trong đó có một số gia đình Việt Nam. Thị Trưởng Austin Will Wynn hứa sẽ cung cấp đầy đủ nơi ăn, chốn ở cũng như thuốc men cần thiết để dân tạm cư được sống thoải mái, ít ra về phần vật chất cho đến khi tìm được nơi định cư an toàn. Cư dân Austin được động viên để cung cấp những dịch vụ cần thiết trợ giúp người tỵ nạn. Riêng nhân viên làm việc tại Thị Xã Austin được khuyến khích tình nguyện hàng đầu.

Bước vào văn phòng Convention Center, mọi người cho biết hệ thống điện toán vẫn hoạt động bình thường không có gì trục trặc, nhưng hiện có một số nạn nhân gốc Việt tạm trú tại đây nên City cần người tình nguyện gốc Việt biết nói tiếng Anh để dễ thông tin và liên lạc. Được dịp phục vụ đồng hương, tôi đồng ý ngay; liền sau đó tôi được đưa vào bên trong Convention Center, nơi các nạn nhân đang tạm trú.

Trong những phòng rộng lớn trước đây được dùng làm khu trưng bầy, tôi thấy đông chặt người, dường như không còn chỗ trống. Các ghế bố kiểu nhà binh màu xanh đậm kê san sát, trên có nệm, mền gối đầy đủ và đều có người nằm, ngồi la liệt, đa số là người Mỹ gốc Phi châu. Tôi nhìn quanh quất tìm kiếm đồng hương nhưng người đông quá, lại đủ mọi màu sắc nên không phân biệt được. May mắn, người hướng dẫn đã hiếu ý đã đưa ngay tới chỗ người Việt Nam ở rải rác trong cả ba khu tạm trú. Ða số họ đến từ nhiều khu vực bị bão khác biệt nên dường như không quen nhau nên đều ở rời rạc, lọt vào giữa những người khác màu da. Gia đình đầu tiên gồm một mẹ già, ông con và đứa cháu khi được cho biết còn có một số người Việt cũng tị nạn tại đây, họ đã lập tức yêu cầu được dời tới chỗ có những người Việt khác. Ðể tránh bị mang tiếng "kỳ thị", tôi giải thích với nhóm điều hành trung tâm rằng nên để những người Việt tạm cư ở gần nhau để việc giúp đỡ thông dịch được dễ dàng và mau chóng, ngoài ra cũng sẽ làm họ bớt cô đơn và yên tâm hơn. Trung tâm không phản đối. Thế là bà con khiêng ghế bố, trên đó có đủ nệm, chăn gối, quần áo "di tản" tập trung vào một khu Việt Nam, tổng cộng gồm 5 gia đình chừng 20 người. Không hiểu trong trung tâm có còn gia đình Việt Nam nào nữa không, nhưng đây là tất cả những người chúng tôi có thể tìm được trong ngày đầu. Gặp nhau, dù trong hoàn cảnh tạm trú thiếu thốn, nhưng xóm nhỏ Việt Nam đã vui nhộn hẳn lên bên lời hàn huyên, kể chuyện của những đồng hương. Một bà cụ già nói với tôi:

- Ðược gặp người Việt ở đây, tôi mừng quá. Khi bị lùa lên máy bay di tản, họ cứ ngăn ra từng toán, vì vậy, nhiều gia đình bị phân tán đưa đi nhiều nơi chẳng biết ở đâu. Như gia đình tôi bị lạc mất đứa con dâu, không biết hiện lưu lạc phương nào.

Trước lạ sau quen, qua phút đầu bỡ ngỡ, những câu nói tiếng Việt đã làm mọi người ấm lòng và trở nên thân thuộc. Người này hỏi thăm hoàn cảnh của người kia cũng như chia xẻ tin tức về gia đình, bè bạn. Ða số thuộc dân đánh cá vùng ven vịnh Mexico và họ cho biết nhà cửa, xe cộ coi như bị nuớc lụt hư hại hết, còn tầu bè là phương tiện kiếm cơm đều dâng cho Hà Bá. Một người còn cho biết tại vùng New Orleans, dân Việt có 18 chiếc tầu đánh tôm đánh cá, tất cả đều bị chìm hay hư hại nặng. Ông và bà vợ cùng đứa con trai đã không di tản tránh bão, ở lại giữ tầu vì nghĩ rằng sóng gió rồi một vài ngày cũng sẽ qua đi như mấy lần trước. Ai dè kỳ này Katrina quá dữ, tầu của ông đang đậu tại bến bị nước cuốn trôi qua đường, một ngọn sóng khác đưa lên tận mái nhà, rồi cứ đưa xa mãi vào đất liền trước khi lật úp. Hai vợ chồng với đứa con trai còn níu chặt được cái phao, bà vợ và đứa con chui vào trong lòng phao, còn ông chồng bên ngoài bám chặt vào sợi giây quanh phao, bị sóng gió nhồi mạnh quá khiến bầm cả tay. Cả gia đình bềnh bồng trôi giạt, vừa bám vào phao, vừa cầu Chúa cứu giúp, may mà không bị những cây cối, cột gỗ trôi phăng phăng đụng chết. Sau cùng, Chúa thương độ chiếc phao trôi giạt vào một gò đất bên đường nên thoát chết, chỉ uống phải mấy ngụm nước biển pha dầu nên bị ói mửa. Ông nói nếu phao trôi ra biển, không chết đuối thì cũng chết vì sặc dầu cặn lan tràn trên mặt nước. Ông cũng rất lo lắng vì mất tầu là phương tiện sinh nhai duy nhất. Tôi an ủi sẽ có bảo hiểm bồi thường, lo gì. Nhưng ông cho biết không phải tầu đánh cá Việt Nam nào cũng có bảo hiểm, vì hãng đòi hỏi nhiều điều kiện khó hội đủ; ngoài ra, giá cả cũng rất cao nên ông không có bảo hiểm. Thống kê cho biết nhà cửa vùng New Orleans cũng chỉ vào khoảng 40% có bảo hiểm lụt. Cuối cùng ông than thở: "Trước đây chúng tôi ở Cali, hai vợ chồng đi làm hãng xưởng mấy chục năm, tự nhiên về New Orleans làm nghề tôm cá, tiền bạc chưa thấy đâu, tầu còn nợ ngân hàng, nay lại mất sạch, biết vậy cứ làm hãng xưởng cho xong". Bà vợ thở dài nói thêm: "Đã một lần tỵ nạn Cộng Sản từ Việt Nam, nay thêm lần tỵ nạn bão, lần nào cũng mất sạch". Tôi không biết nói sao, chỉ đưa câu "còn người còn của" ra để tạm an ủi.

Gia dình thứ hai gồm hai vợ chồng và 2 đứa con trai. Người chồng cho biết nhà ông ở tại một khu mới gần hồ Pontchartrain, đất tương đối cao. Khi cơn bão thổi qua, nhà ông không bị hư hại tưởng đã an toàn. Ai ngờ khi đê vỡ, đột nhiên nước ùa vào nhà nhanh hơn các nơi khác xa hơn, đưa mọi người lên tới trần nhà, tưởng đã chết đuối hết. May mắn lúc đó có một tầu nhỏ chạy qua nên họ vớt toàn gia đình đến nơi an toàn. Lần tỵ nạn thứ hai này cũng khiến gia đình ông tay trắng, chỉ còn bộ quần áo trên người.

Trong nhóm người Việt, còn có một vị linh mục còn rất trẻ, thuộc vùng New Orleans mặc quần ngắn, áo chim cò rằn ri thoạt trông không ai biết là người tu hành. Hỏi ra mới biết áo chùng thâm của cha bị nước cuốn sạch, khi di tản chỉ mặc bô đồ trong nhà. Những quần áo cha hiện mặc đều xin từ nơi tỵ nạn. Cha vui vẻ chỉ vào chân rồi nói:"Ngay đôi dép nhiều màu sắc này tôi cũng mới vừa xin ở đây". Cha cho biết có điều kiện di tản sớm trước khi bão tới, nhưng vì đa số con chiên trong họ đạo không đi nên cha cũng ở lại dể chăm sóc cho họ. Cuối cùng, mọi người cũng phải di tản. Có được vị lãnh đạo tinh thần quen thuộc bên cạnh, nhóm người Việt tỵ nạn chắc rất yên lòng dù trong cơn hoạn nạn. Vì là ngày chủ nhật nên cha cũng cử hành thánh lễ cho các con chiên tại một địa điểm vắng vẻ lân cận.

Một gia đình khác hỏi thăm và có vẻ thích thú với đời sống tại Austin vì không có bão tố và động đất nên chắc khỏi phải di tản. Tôi cho biết chưa chắc, vì Austin có "Tornado" và khí hậu khá nóng vào mùa hè. Thật ra, tại Hoa Kỳ, tiểu bang nào, địa phương nào cũng có cái tốt cái xấu. Ở đâu quen đó, mọi chuyện đã có trời sắp đặt.

Sau khi mấy gia đình Việt Nam yên nơi yên chốn rồi, tôi mới có dịp nhìn quanh. San sát toàn là ghế bố có nệm hẳn hoi, có dễ hàng mấy ngàn chiếc, trên đó đồ đạc, quần áo, chăn mền còn nhiều hơn người. Ngay tại mấy chiếc ghế bố của "xóm người Việt", chiếc nào cũng có bốn, năm cái gối mới tinh, còn mền, khăn trải giường thì vô số. Không phải dân tỵ nạn tham, nhưng một số người tới trước lãnh mền gối liệng vào bất cứ ghế bố nào còn trống, sau dó "di cư" đi nơi khác cho gần bà con bạn bè chẳng buồn mang theo; trong khi ai mới tới đều lại có bộ mới nên số mền gối mỗi ngày một gia tăng, chẳng ai "thèm" tới. Vài người nói đùa:"Mền gối ở đây còn nhiều và tốt hơn ở nhà". Cảnh tượng ghế bố xếp lớp này khiến tôi liên tưởng đến "Tent City" tại Orote Point bên Guam mấy chục năm về trước, chỉ khác dân tỵ nạn mới nói tiếng Mỹ giỏi hơn, được ở trong phòng có máy lạnh và xài cellular phone thả giàn.

Ngoài ra, phẩm vật cửu trợ phải nói là dư thừa. Từ những "nhu yếu phẩm" như xà bông, bàn chải đánh răng, kem chà răng, gương, lược, khăn mặt, khăn tắm, dao cạo râu, v.v... đến những "xa xỉ phẩm" như dầu thơm, son phấn v.v... đều để đầy trên bàn quanh khu tạm trú, ai muốn lấy bao nhiêu thì lấy, mặc dù có nhân viên thiện nguyện ngồi đấy, nhưng họ dường như chỉ lo việc chất thêm hàng cho những chỗ đã vơi hơn là phân phối. Quần áo, dầy dép, mũ mãng cũng nhiều vô số kể, người nào muốn cứ việc tự thử và lấy gì cũng được. Ðó là tại những quầy hàng san sát ngay trong khu tạm trú, còn trong nhà kho lại chất từng đống những phẩm vật cứu trợ sẵn sàng được phân phối. Vậy mà đồ đạc của dân chúng cũng như hàng hóa từ các cơ sở thương mại vẫn ùn ùn đổ tới, quá nhiều đến nỗi không còn chỗ chứa, chính quyền phải ra thông cáo tạm ngưng nhận tặng phẩm mới cho đến số cũ được tiêu thụ bớt.

Sau vật dụng phải kể đến thức ăn. Khu phòng ăn gồm mấy chục nơi phân phối thực phẩm có nhân viên đồng phục cấp phát đàng hoàng. Phòng ăn mở cửa 24/24, mọi người ăn uống thả cửa mỗi ngày ba bữa sáng, trưa, chiều. Nước uống cũng ê hề, từ những hộp nước trái cây đến sôđa đủ loại. Còn những chai nước lạnh cho vào từng két chất cao tới trần nhà. Những món ăn vặt như bắp, khoai chiên, bánh kẹo từng hộp từng gói chỗ nào cũng có không bao giờ thiếu.

Tại xóm Việt Nam, tôi thấy một số trẻ em ăn uống món ăn Mỹ coi bộ thích thú. Mỗi phần ăn gồm đậu luộc, một cái hamburger, sà lách, cơm bỏ bột cà ry vàng nấu kiểu Mễ rời rạc như xôi vò và một ít mì spaghetti. Riêng các "bô lão" thì nhai bệu bạo dường như cho qua bữa chứ chẳng thấy ngon lành gì. Một bà cụ nói với tôi:

- Tôi ở tỉnh Tiền Giang (Mỹ Tho) mới qua thăm con cháu tại New Orleans nên cũng chạy bão luôn. Mấy ngày nay không có hột cơm vào bụng, đồ Mỹ lúc nào cũng nhiều nhưng ớn quá.

Tôi nói đùa:

- Ớn nhưng chắc còn khá hơn hồi ăn bo bo của cụ Hồ.

Bà cụ nguýt:

- Bác Hồ thì nói làm gì. Nếu dân Việt Nam được "tỵ nạn" như thế này thì ai cũng tình nguyện làm dân tỵ nạn hoài hoài.

Thấy mấy người lớn tuổi tuy không hẳn "than phiền", nhưng tỏ ý không hạp với thức ăn Mỹ nên tôi nghĩ thử kiếm một ít thực phẩm Việt Nam, tối thiểu là món cơm để tiếp tế xem sao. Những người tôi nhớ đến đầu tiên là anh chị Vũ Khắc Thiệp, chủ nhân tiệm thực phẩm Saigon Supermarket và anh chị Ðinh Trung Trực, chủ nhân nhà hàng Saigon Grill Cafee. Ðây là những người bạn tốt quen biết đã lâu, từ dạo mới qua Hoa Kỳ năm 1975, đều là những con chiên rất ngoan đạo và nhất là rất hào hiệp sẵn sàng tiếp tay trong những công việc chung vô vụ lợi. Vì Saigon Supermarket tương đối gần hơn nên tôi gọi điện thoại trước, gặp ngay chị Thiệp. Khi tôi ngỏ ý muốn kiếm ít cơm và món ăn Việt Nam để giúp nhóm dân Việt tỵ nạn, chị sốt sắng nhận lời ngay. Măc dù chị rất bận, vừa lo cho tiệm thực phẩm, vửa bận rộn chuẩn bị cho nhà hàng sắp khai trương, nhưng cũng cho hẹn đến lấy cơm trong vòng 1 tiếng đồng hồ.

Khoảng một tiếng sau, tôi chở 2 bố con một ông tỵ nạn tới Saigon Supermarket. Bà chủ mau mắn xới nồi cơm vừa chín tới cho vào một thùng khá lớn, còn tặng thêm mấy chục pound thịt heo quay cũng nóng hổi vừa mới ra lò, kèm theo nước mắm pha đặc biệt để chấm heo quay. Chị Thiệp còn đưa ra mấy chục cây sà lách, nhờ ông bạn tỵ nạn vào thẳng trong bếp, muốn lấy bao nhiêu thì cứ rửa để mang về ăn với thịt quay cho đỡ ngán. Thế là hai bố con ông bạn tỵ nạn tay xách nách mang đưa cơm, thịt quay, rau cỏ chất đầy chiếc xe hơi Honda 4 chỗ ngồi của tôi. Ðấy là đã phải bỏ lại gần phân nửa nồi cơn và một số thức ăn khác như thịt kho hột vịt, rau cải luộc vì không có thì giờ. Riêng đối với anh chị Ðinh Trung Trực, chúng tôi biết chắc nếu gọi đến thế nào cũng có món cơm chiên đặc biệt số 1 và những món đồ biển xào bất hủ, nhưng thực phẩm quê hương ông bà chủ Saigon Supermarket cho cũng đã nhiều, nên đành hẹn ông bà chủ Saigon Grill Cafee dịp khác thuận tiện hơn.

Lúc mang cơm về lại nơi tạm trú, bà cụ "Tiền Giang" là người tỏ ra thích thú nhất. Khi nghe nói còn có thịt heo quay nữa, cụ mở miếng giấy bạc che vỉ heo quay, nếm thử một miếng rồi gật đầu khen ngon. Lúc đó cũng đã xế chiều, hầu hết nhân số trong xóm Việt Nam đã đi lễ tại nhà thờ dã chiến bên cạnh nên cụ bà bảo chờ mọi người đi lễ về rồi sẽ cùng nhau đánh chén. Tôi nói với bà cụ là sẽ cùng ăn với mọi người cho vui. Sau đó, thấy mọi chuyện tại xóm Việt Nam đã tương đối ổn định, tôi trở lại trung tâm điều hợp, hỏi xem họ có cần giúp gì thêm không.

Một lát sau, khi quay trở lại xóm Việt Nam, tôi chỉ còn thấy bà cụ Tiền Giang đang ăn cơm thịt quay và mấy đứa nhỏ đang nhai bánh kẹo. Bà cụ cho biết sau khi tan lễ, mọi người quay trở về đã mang hết cơm nước và thực phẩm lên chỗ cha làm lễ để mọi người cùng ăn, gọi là để chia xẻ bổng lộc cho vui trong khi tạm trú. Thế là tôi mất dịp ăn cơn thịt quay của ông bà chủ Saigon Supermarket tặng dân "tỵ nạn". Lúc này, trời đã xẩm tối, tôi cũng thấy đói bụng nên từ giã xóm người Việt ra xe về làm "cơm nhà quà vợ" vậy.

Riêng về gia đình cựu Hải Quân, cũng có một số tỵ nạn tại Houston tương đối gần New Orleans, phần lớn tạm trú tại nhà các đồng đội cũ hay bạn bè, không ở trong trại tỵ nạn Astrodome như những người khác. Ngay khi nghe tin bão thổi qua vùng Louisiana, mọi người đã tìm cách liên lạc và thăm hỏi rất chí tình. Cho tới khi di tản, tập thể cựu Hải Quân xa gần đã tích cực trợ giúp rất chu đáo về vật chất cũng như tinh thần, chẳng khác khi xưa buồn vui chia xẻ trên cùng một con tầu. Cá nhân tôi và các bạn cùng khóa Bảo Bình I cũng đã tìm cách liên lạc với Thầy Cô Đỗ Kiểm và một số Hải Quân khác cư ngụ tại New Orleans, nhưng điện thoại gọi mãi không được, Email thì hộp thư bị đầy. Nhân tiện hỏi thăm anh Vũ Quốc Công Nam Dương I ở Baton Rouge cũng thuộc Louisiana, sau khi được anh cho biết gia đình bình an, tôi hỏi thêm tin tức về Thầy Kiểm nhưng anh nói cũng không liên lạc được. May mắn chúng tôi được Niên Trưởng Nguyễn Ngọc Quỳnh thông báo gia đình Thầy Kiểm tạm trú an toàn tại Houston. Sau này, Thầy Kiểm cho biết anh em Hải Quân tại địa phương, nhất là anh em khóa 12 Song Ngư I, tiếp đón rất chu đáo, cả chủ lẫn khách đều vui vẻ tươi cười. Tinh thần tương thân tương ái này không chỉ thu gọn trong tập thể cựu Hải Quân mà còn mở rộng đến toàn thể những người Việt khác.

Ngoài mấy gia đình người Việt tạm trú tại trung tâm tiếp cư Austin, chắc chắn còn nhiều nhóm hay gia đình đang sinh sống tại những nơi tạm cư khác hoặc tại nhà thân nhân, bè bạn. Rất mong qúi đồng hương sẽ tìm dịp tiếp xúc để hỏi han và an ủi những đồng bào thiếu may mắn. Theo kinh nghiệm bản thân, các trung tấp tiếp cư đã cung cấp đầy đủ về mặt vật chất, nhưng về phần tinh thần, nếu được các đồng hương chí tình mang chút quà bánh, báo chí đến thăm hỏi, những người Việt tạm cư sẽ cảm thấy bớt cô đơn và lên tinh thần. Chúng tôi được thấy qua những bản tin trên Internet, nhiều Hội Ðoàn quân dân cán chính đã có kế hoạch cứu trợ nạn nhân bão Katrina. Mong rằng công tác cứu trợ cần thiết này sớm được thực hiện để các đồng hương thiếu may mắn này được trợ giúp đúng lúc và đúng mức cả về mặt vật chất lẫn tinh thần./.


Trần Đỗ Cẩm

























































Qúi Vị là độc giả thứ:

Web Counter

đã viếng thăm Nguyệt San Ðoàn Kết - Thành Thật Cám Ơn.

Free Web Hosting