Phiếm Luận:

CON MÈO MÀ TRÈO CÂY CAU

Trần Đỗ Cẩm
Austin, Texas – Jan. 2011



(Nhạc Hoa Xuân (thái Hiền trình bày)

LƯU Ý:

Tác giả giữ bản quyền
Các cơ quan truyền thông ngôn luận muốn phổ biến
vui lòng liên lạc qua
Email: camtran11@yahoo.com




Năm hết Tết đến, các cụ ta ngày xưa thường nói đây là dịp "ôn cố tri tân", nhắc chuyện cũ hầu rút tỉa kinh nghiệm cho những hoạt động trong tương lai. Riêng đối với người Việt tha hương tị nạn, xa quê cha đất tổ đã lâu, mỗi độ xuân về với tiết trời se lạnh, mưa phùn lất phất, có lẽ lại càng gợi nhớ đến những phong tục tập quán cổ truyền hoặc kỷ niệm êm đềm xa xưa nơi chôn nhau cắt rốn.

Dạo trước, vào lúc xuân sang, trong lúc thức đêm quây quần bên bếp lửa hồng canh nồi bánh chưng, bánh tét, mọi người hay nhắc đến câu chuyện đêm trừ tịch, tiết nguyên tiêu, tập tục đón giao thừa, sự tích bánh chưng bánh dày hoặc kể chuyện liên quan đến ngày tết như "thịt mỡ, dưa hành câu đối đỏ nêu cao, tràng pháo, bánh chưng xanh” v. v… Một trong những tập tục đầu xuân phổ thông đáng yêu, rất được ưa thích là bàn luận, bình phẩm về con giáp năm mới sắp xuống dương trần cai trị muôn loài, vì đa số tin rằng cá tính của vị "vua mới" có ảnh hưởng trực tiếp đến vận mạng hên xui tốt xấu trong năm của loài người. Ngoài ra, những con giáp "vua" này cũng là mười hai con giáp tuổi, nên nhiều người, nhất là phái nữ còn tin tưởng rằng số mệnh của mình trong năm mới liên quan mật thiết với con giáp cầm tinh. Nhiều người còn đi xa hơn, cho rằng năm tuổi là thời gian kém may mắn nên cần phải cẩn thận, kiêng cử kỹ càng để tránh những ảnh hưởng không hay. Đặc điểm của mười hai con giáp liên quan tới số mạng mỗi người được tóm lược trong bài vè dân gian như sau:

“Tuổi Tý con Chuột ở trên nóc nhà
Bắt vịt bắt gà đem dộng xuống hang
Tuổi Sửu con Trâu kềnh càng
Cày chưa đúng buổi lại mang cày về
Tuổi Dần con Cọp gớm ghê
Bắt người ăn thịt đem về non cao
Tuổi Mẹo là con Mèo ngao
Ăn cấu ăn cào ăn vụng thành tinh
Tuổi Thìn Rồng ở thiên đình
Đằng vân giá vũ ẩn mình trong mây
Tuổi Tỵ Rắn ở bọng cây
Làm thinh ở trỏng không hay điều gì
Tuổi Ngọ Ngựa Ô đen sì
Ỷ mình chạy giỏi xá gì đường xa
Tuổi Mùi là con Dê chà
Ba xừng bốn gạc nó la um xùm
Tuổi Thân con Khỉ ở lùm
Trèo qua trèo lại té ùm xuống sông
Tuổi Dậu con Gà vàng lông
Có mỏ có mòng nó gáy ó o
Tuổi Tuất là con Chó cò
Nằm khoanh trong lò lỗ mũi lọ lem
Tuổi Hợi con Heo ăn hèm
Làm chuồng nhốt lại không thèm thả ra
Mười hai con giáp đó là
Mỗi người một số chắc là như trên
Có xui rồi cũng có hên
Mười hai con giáp lềnh khênh chuyện đời
Thủy chung nhớ lấy ai ơi
Vui buồn giàu có do trời định phân
Xin ai chớ có phân trần”

Có điều đáng nhớ, trong mười hai con giáp theo âm lịch, dân Trung Hoa lại không có con mèo như Việt Nam ta, mà thay vào đó bằng con thỏ, người ta cho rằng mèo bị bỏ rơi vì đã không khóc khi Đức Phật viên tịch.

Năm nay, theo đúng chu kỳ tuần hoàn của tạo hóa, thời gian ngự trị của chúa sơn lâm cọp đã hết nên mèo được Ngọc Hoàng Thượng Đế phái xuống kế vị làm vua dưới dương trần. Trước khi theo đúng thuần phong mỹ tục "bốn ngàn năm văn hiến" bàn chuyện “con mèo mà trèo cây cau”, chân thành cầu chúc quí vị cùng bửu quyến được vạn sự nh ý, phước lộc song toàn và ai nấy đều dư sức “co cẳng đạp thằng Bần ra cửa" để "dang tay đón ông Phúc vào nhà”. Về phần các bạn nam giới, tu mi nam tử, nam nhi đại trượng phu, mong sẽ được may mắn, thành công rực rỡ trên đường công danh sự nghiệp và trong nhiệm vụ “o mèo" cao đẹp. Riêng với môn phái quần bận yếm mang, cầu chúc qúi nương lúc nào cũng "yểu điệu thục nữ", đẹp đẽ mịn màng, mềm mại dễ thương như những nàng mèo xinh xắn để cõi đời ô trọc này thêm phần ... rắc rối!

Để chuẩn bị cùng dắt tay nhau dung dăng dung dẻ đi sâu vào quần chúng ... mèo, dựa vào chiến thuật "tiền lễ hậu binh" trong Tôn Ngô binh pháp, tưởng cũng nên có đôi lời phi lộ theo kiểu "mất lòng trước, đặng lòng sau” và cũng để tạo nhịp cầu thông cảm. Vì không có tài "thuyết minh" đổi trắng thay đen, biến lúa vàng thành lúa đỏ như Mẹ phù thủy, nên những điều sắp đề cập tới sẽ cam đoan, "limited warranty", bảo đảm 72 phần ... dầu đều là những chuyện mắt thấy tai nghe, nói có sách mách có chứng đàng hoàng chứ không tuyên truyền bịa đặt như con cháu chú cáo, bác hồ của đảng ta. Tuy nhiên, nếu quí vị lấy đó làm kim chỉ nam hay phương châm hành động trong cõi đời ô trọc, rủi có phải đổ thóc giống ra mà ăn thì không ai chịu trách nhiệm. Lý do vì tuy mắt thấy tai nghe, nhưng giữa thời buổi mạt pháp nhiễu nhương, đày rẫy quỉ vương ... đỏ dép râu nón cối ra đời, vàng thau lẫn lộn này, ai cấm mắt không thể thong manh, tai không có quyền nghễnh ngãng? Ngay cả dân cường quốc Hoa Kỳ gốc mẫu quốc bảo thủ Ăng Lê còn hăm hở tín nhiệm chọn lựa Tông Tông da không trắng nữa là?

Nói gần nói xa, chẳng qua nói thật. Người viết có thể thề cá trê chui ống rằng sẽ nói thẳng, nói thật, nói huỵch tẹt hết những điều trông thấy mà đau đớn lòng, nhưng tuyệt đối không bảo đảm những thực thể diễn tả đều chính xác không sai một ly ông cụ so với thực tế, vì quan niệm phải trái, đúng sai, đẹp xấu ... còn tùy người đối diện. Nhưng dù có bàn hươu tán vựợn mấy đi nữa, có một điều không nên và không thể chối cãi, đó là thiện chí "trước mua vui, sau làm nghĩa" của bài phiếm luận tức là tán dóc này.

Nhân dịp đầu năm đầu tháng "cỏ non xanh rợn ... trên giường", mèo nó đang dịu dàng, nũng nịu dụi cả thân hình và phần lông mềm mại vào đúng yếu khu Rừng Sát, người viết thành thật mong ước mọi người có những phút giây thoải mái, đầm ấm, thân mật với gia đình, với người thân và tận hưởng cả ngày lẫn đêm xuân một khắc ngàn ... đô la. Vì vậy, nếu có những vị MC chuyên thuyết minh hoặc kẻ mồm loa mép giải, mao tôn cương bậy bạ, xuyên tạc ý hướng cao đẹp hình nhi hướng thượng nói trên, mong quí vị đề cao cảnh giác, "đừng nghe những lời thuyết minh mà cứ nhìn kỹ video Mẹ trên TV” để tác giả tránh khỏi bị tiếng oan … Thị Màu.

Sau khi đã rào trước đón sau, cẩn thận nhu củi lửa để được xa lộ an toàn theo đúng lời mèo nhà dặn đi dặn lại. nhắc tới nhắc luirằng thì là đừng bao giờ làm mích lòng phe ta, bây giờ là lúc tiến chiếm mục tiêu ... o mèo. Vậy mời quí vị đội nón sắt, bận áo giáp để sẵn sàng lâm trận cùng những nàng mèo mũm mĩm, hơ hớ xinh đẹp đang tung tăng nhảy múa, ca hát chào đón chúa xuân.

Nhằm giúp quí vị có đủ thời gian thủ thân và chuẩn bị vũ khí kỹ càng, sau đây là tóm lược chiến thuật, chiến lược cũng như kế hoạch hành ... động trong giai đoạn tới. Trước hết chúng ta sẽ tìm hiểu cặn kẽ nguồn gốc, đặc điểm, sở trường sở đoản của giống mèo. Binh thư đã dạy, biết ... mèo biết mình trăm trận trăm thắng. Sau đó là phần điểm qua sự liên hệ giữa mèo và người. Cuối cùng là mục quan điểm, bình luận mao tôn cuơng trước khi cùng xung phong đè bẹp mục tiêu.

Kể về nguồn gốc, theo sách vở khoa học, thủy tổ của giống mèo là con vật mang tên Miacis đã bị tuyệt chủng chừng 50 triệu năm trước. Căn cứ vào các bộ xuơng hóa thạch, nhiều bác vật gia cho biết Miacis có sọ dẹp, thân lẳn, đuôi dài, chân ngắn thường sinh sống trên cây và ăn những con vật nhỏ. Giống như mèo ngày nay, Miacis với bộ móng nhọn, có thể co vào dấu dưới lớp da của bàn chân và chỉ dương ra khi săn mồi, chạy nhẩy hay trèo cây. Họ hàng nhà mèo rất đông, bà con gồm cả các loại "mèo lớn" như sư tử, hùm beo, hổ báo và giống mèo rừng. Tuy hình dáng to nhò và màu lông khác nhau tùy theo môi trường sinh sống và địa phương cư trú, những loại mèo này đều có chung đặc tính thích nhai, xé thịt và săn mồi rất khéo léo. Những đặc tính có một khôngt hai này được thể hiện rõ ràng trong loại mèo … móng đỏ! Ngày nay, mèo là loại gia súc được dân Mỹưa chuộng nhất, với "mèo số" lên tới 58 triệu con, trung bình cứ hai anh chị da đỏ chia nhau nựng một con mèo!

Tuy mèo là gia súc được ưa chuộng và rất phổ thông, nhưng nguồn gốc của giống mèo "nhà", tên khoa học là Felidae, lại không rõ ràng lắm. Nhiều bằng chứng xác đáng cũng cho thấy mèo nhà chỉ mới xuất hiện khoảng 25 thế kỷ trước Tây Lịch tại Ai Cập, trong khi các gia súc khác như ngựa, bò, chó v.v... đã chung sống với loài người từ lâu hơn

Mèo, hay gọi chính xác hơn là mèo nhà để phân biệt với các loài trong họ mèo khác, là loài động vật nhỏ, có vú và ăn thịt sống chung với loài người, để làm thú nuôi (pet) hay săn chuột ăn hại thực phẩm. Người ta tin rằng tổ tiên loài mèo nhà trước khi được thuần hóa là giống mèo rừng châu Phi (Felis silvestris lybica). Mèo nhà đã sống gần gũi với loài người khá lâu và hiện nay là thú cưng nuôi trong nhà phổ biến nhất trên thế giới.

Có rất nhiều giống mèo khác nhau, trong số này có cả loại không lông hoặc không đuôi, nhưng thường có lông nhiều màu đẹp mắt. Mèo là loài thú săn mồi như cọp beo sư tử, có khả năng săn bắt hàng ngàn loại sinh vật nhỏ để ăn thịt. Trái với quan niệm thông thường của mọi người cho rằng mèo là loài động vật sống cô độc, nhưng thực ra chúng hay tụ tập thành đàn nhỏ trong môi trường hoang dã.

Ngoài mèo nhà và mèo rừng, còn có loại mèo hoang là mèo đã thuần hóa nuôi trong nhà nhưng đi lạc, trở về đời sống thiên nhiên hoang dã, lang thang ở các khu vực đô thị hay nông thôn, cần phân biệt với mèo rừng là loài mèo chưa được thuần hóa. Mèo hoang có thể sống một mình, nhưng hầu hết được kết hợp thành bầy độc chiếm một khu lãnh thổ có nguồn thực phẩm dồi dào.

Trong khoa học, mèo nhà được đặt tên là “Felis catus” còn mèo hoang gọi là “Felis silvestris”. Mèo nhà được coi là một phụ loài của mèo hoang. Chữ Felis bắt nguồn từ tiếng Latin Felidae có nghĩa là giòng họ mèo trong đó mỗi chủng loại được gọi là “felid”. Chúng ta có thể nói “felid” quan trọng nhất trong giòng họ Felidae là loại mèo nhà. Cũng từ chữ Felidae này mà giòng họ mèo trong tiếng Anh được gọi là “Feline”, tương tự như “Canine” là giòng họ chó. Con mèo nặng ký nhất trong giòng “Feline” là “mèo lớn” tên Jaipur nặng 932 lbs, thuộc giống cọp Siberia được nuôi tại New Jersey, Hoa Kỳ.

Ngày nay, đại đa số các chủng loại mèo đều không còn nguyên giống vì đã pha trộn nhiều lần. Tuy nhiên, căn cứ vào hình dáng, sắc lông và nhiều đặc điểm khác, các nhà khoa học chia mèo thành nhiều chủng loại. Người Việt chúng ta có lẽ chỉ quen thuộc với các loại mèo Xiêm, mèo Mướp, mèo Tam Thể, mèo Bạch, mèo Mun v.v... hay cùng lắm các ngài dê cụ còn biết thêm loại mèo ... móng đỏ, nhưng thật ra có rất nhiều giống mèo, kể chung trên 100 chủng loại.

Mèo được phân loại tùy nơi địa phương sinh sống. Thí dụ như giống Lông Dài gồm các loại mèo Hoa Kỳ, Hy Mã Lạp Sơn, Java, Kashmir, Bắc Âu, Á Châu, Đông Phương v.v... Giống Lông Ngắn nhiều hơn gồm các loại mèo Hoa Kỳ, Bombay, Anh Quốc, Miến Điện, Ai Cập, Nhật Bản,Thái Lan, Đông Dương v.v... Đặc biệt giống Lông Ngắn có loại mèo Sphynx không có lông, tai nhọn và vểnh, được gây giống bằng cả mèo cha lẫn mèo mẹ đều mang nhiễm sắc thể sói.

Địa bàn sinh hoạt của mèo rất rộng lớn ngay cả trước khi loài người biết vượt đại dương chu du khắp nơi. Giống mèo đã có mặt hầu như trên toàn thế giới từ rất lâu, ngoại trừ Úc châu vì đại dương ngăn cách và các vùng Bắc, Nam Cực vì thời tiết khắc nghiệt quá lạnh. Trong giai đoạn đầu, các loại mèo đa số đều thuần giống ít khi bị pha trộn vì giống nào cũng chỉ quanh quẩn ở khu vực sinh sống. Về sau, khi phương tiện giao thông mở mang thuận tiện hơn, nhiều loại mèo mới xuất hiện nhờ pha giống với các loại mèo nơi địa phương khác. Các sử gia cho rằng giới thuơng hồ, lính tráng vùng vịnh Ba Tư, Hy Lạp, La Mã v.v… đã mang giống mèo tới nhiều vùng mới trên địa cầu. Mèo trở thành một loại gia súc phổ thông được nhiều người ưa chuộng và thương mến kể từ dạo đó.

Về thể chất, thông thường mèo nhà nặng từ 2,5kg đến 7 kg (5,5 - 16 lbs); tuy nhiên, một số như giống Maine Coon có thể vượt quá 11 kg (25 lbs). Con mèo nặng nhất trong sách kỷ lục tên là Himmy là loại mèo Úc, nặng gần 47 lbs vào năm 1986 với vòng bụng đo được 33 inches tức là bằng vòng bụng người trung bình. Trái lại, cũng có những chú mèo rất nhỏ chưa tới 2 kí.

Mèo nhà thường sống từ 14 tới 20 năm, dù chú mèo già nhất từng biết đã sống 38 năm. Mèo nhà thường sống lâu hơn mèo hoang vì ít nguy cơ bị thương tích khi đánh nhau và tai nạn hoặc mắc bệnh khi ở bên ngoài. Mèo là những lực sĩ tài giỏi, có thể chạy nước rút đạt tới tốc độ 30 dặm một giờ trên quãng đường ngắn. Mèo có thể nhảy cao tới đỉnh rào hay một bức tường cao 7 ft từ tư thế đứng yên. Đuôi càng dài mèo nhảy càng cao, trung bình khoảng 5 tới 7 lần chiều dài của đuôi. Mèo nhà là một trong số ít loài vật bốn chân không có các xương đòn cứng và xương vai lại độc lập với xương thân thể khiến mèo có thể ép mình chui qua lỗ hổng có kích thước bằng đầu chúng.

Bộ xương của mèo hơi nhỏ và đầu xương không giống với xương người. Xương sống của mèo có nhiều đốt hơn chúng ta để di chuyển dễ dàng và tránh thương tổn. Xương đuôi mèo khá dài để giữ thăng bằng cho việc di chuyển. Toàn bộ xương sống gồm 7 đốt sống cổ, 13 đốt sống ngực, 7 lưng, 3 hông và 14 tới 28 đốt sống đuôi. Mèo có thể cuộn tròn cơ thể hoặc giảm chấn động khi rơi từ độ cao nguy hiểm.

Mèo có 32 răng vững chắc nhất là răng nanh và hàm rất cứng dùng để cắn xé, nhai thịt con mồi . Khi bắt mồi , các móng vuốt giương ra khỏi đệm thịt ở bàn chân để cào xé và bắt giữ.

Nhiệt độtrong cơ thể mèo khoảng 38 tới 39 °C (101 tới 102.2 °F), xấp xỉ với thân nhiệt thông thường của cơ thể người khoảng 37 °C (98.6 °F). Nhịp tim bình thường của mèo khoảng 140 đến 220 nhịp một phút, khoảng gấp đôi con người.

Tuy đa số các giác quan của mèo không “thính” như của chuột, nhưng lại bén nhậy hơn người và nhiều loài vật khác rất xa. Đặc điểm đó khiến mèo rất nhạy cảm và tinh tế trong giới động vật có vú.

Người và mèo có mức thính giác ở mức thấp tương tự như nhau, nhưng mèo có thể nghe được những âm thanh ở tần số cao hơn. Khi nghe, tai mèo sẽ xoay về hướng phát âm. Mỗi vành tai mèo có thể quay độc lập về hướng nguồn âm thanh. Mèo có thể xác định vị trí khá chính xác của nguồn phát âm, điều này rất cần thiết và hữu dụng khi săn mồi ban đêm. Tai mèo có 32 bắp thịt riêng biệt điều khiển để xoay theo hướng nghe. Mèo có thể vểnh mỗi tai theo một hướng khác nhau hay quay người về một hướng nhưng vểnh tai theo hướng khác.

Đa số mèo có tai thẳng vểnh cao. Khi giận dữ hay sợ hãi, mèo thường ép tai về phía sau, đồng thời phát ra các âm thanh gầm gừ hay tiếng rít. Mèo cũng cụp tai về phía sau khi chúng chơi đùa, hay thỉnh thoảng khi chú ý tới tiếng động phát ra từ phía sau. Tai mèo không những chỉ dùng để nghe mà còn là bộ phận để giữ thăng bằng cho cơ thể. Vành tai của mèo mỏng, hình phễu và gồm những bắp thịt nhỏ rất nhậy cảm và sinh động, được dùng như một antenne radar rất nhậy để thu tiếng động, dẫn vào màng nhĩ. Bên trong, màng nhĩ có những xương nhỏ chuyển những rung động vào não bộ để nghe và giữ thăng bằng. Tai mèo có thể ghi nhận những tiếng động người không nghe được. Vì tai mèo nhọn, vểnh đứng nên người ta thường ví những mỏm dá nhọn dựng đứng là “đá tai mèo”.

Nhiều nghiên cứu khoa học cho thấy tầm nhìn của mèo tốt hơn lúc ban đêm và kém vào ban ngày so với người. Mắt mèo cũng như chó, có thể phản chiếu lại ánh sáng tới võng mạc nên thị giác của của mèo được tăng lên khi ở trong bóng tối. Lúc ban ngày hoặc chỗ có nhiều ánh sáng, tròng đen của mèo khép lại hẹp, làm số lượng ánh sáng chiếu vào ít đi, tránh bị lóa và tăng cường khả năng quan sát. Màu mắt của mèo thay đổi tùy theo chủng loại, nhưng nhiều nhất là mèo mắtvàng, xanh lá và cam. Mắt xanh dương cũng xuất hiện ở giống mèo Siamese.

Mắt mèo rất tinh và có đặc điểm sáng rực trong đêm tối vì võng mô có bộ phận phản chiếu ánh sáng rất mạnh gọi là "tapetum". Đồng tử trong mắt mèo có thể thu nhỏ hay nở lớn tùy theo tình trạng ánh sáng bên ngoài. Ngoài trời nắng, đồng tử thu nhỏ lại trông giống một vạch thẳng đứng trong mát hay bóng tối lại nở lớn thành hình bầu dục hay hình tròn. Nhờ đồng tử thay đổi và cặp mắt phản chiếu ánh sáng rất nhậy, mèo có thể nhìn khá rõ và nhất là phân biệt được những di động trong đêm tối, một đặc điềm rất cần thiết khi ẩn núp săn mồi. Thông thường mèo có thị trường tức là tầm nhìn chung quanh khoảng 200°, so với 180° ở con người. Mèo có mi mắt thứ ba, đó là một màng mỏng xuất hiện khi mắt mèo mở.

Khứu giác của một mèo nhà mạnh hơn 10 lần so với của con người vì số lượng tế bào ở mũi của chúng nhiều gấp đôi, do đó mèo có thể ngửi những mùi mà chúng ta không nhận thấy được. Mũi mỗi con mèo có những thớ thịt hình dáng và cấu tạo đặc biệt khác nhau, tương tự như chỉ tay độc nhất của mỗi người. Mèo còn có một cơ quan dùng để đánh hơi trong các trường hợp đặc biệt ở vòm mũi gọi là “vomeronasal”, hay cơ quan Jacobson, là tên của nhà khoa học Đan Mạch đã tìm ra phần khứu giác này. Khi một con mèo chun mõm, hạ thấp cằm, và nâng lưỡi lên một chút, đó là lúc nó đang “hít”, xử dụng cơ quan “vomeronasa” này. Cơ phận này dùng để đánh hơi trong những tường hợp khác thường như khi cần ngửi mùi nước tiểu của mèo cái động đực. Trong trường hợp này, mèo phải há miệng "hít" trước rồi mới đánh hơi được. Về kiểu đánh hơi “vomeronasal” độc đáo có một không hai này này, chắc mèo cũng không thua gì người!

Nói tới diện mạo, phần lớn mèo đực hay mèo cái đều có 24 sợi râu mọc ở hai bên mũi, mỗi bên 12 sợi và chia đều thành 4 hàng, mỗi hàng 3 sợi. Râu của mèo được dùng như những bộ phận thăm dò cực nhậy. Điều đặc biệt là hàng râu trên và duới có thể chuyển hướng độc lập không giống nhau; ngay cả các sợi râu trong hàng cũng di động độc lập như vậy. Do đó, mèo có thể dò được nhiều vật từ các hướng khác nhau. Nếu quan sát kỹ, ta có thể nói vị trí của những sợi râu, của đuôi và của lông cho ta biết khá rõ tình trạng và đoán được phản ứng và thái độ của mèo. Tại Hoa Kỳ, có một loại cá râu vểnh giống râu mèo nên được là "catfish” (cá mèo), trông tựa như cá bông lau hay cá trê của ta.

Sức nặng của Mèo tùy theo chủng loại to nhỏ, nhưng trung bình chừng 5 kg. Mèo Mỹ có lẽ được ăn bơ, sữa và đồ ăn đặc biệt nên thường nặng tới 10 kg.

Đặc biệt, mèo là loài vật đi trên đầu ngón chân tương tự như chó. có thể bước rất chính xác, đặt bàn chân sau gần như trực tiếp lên vết chân trước để giảm thiểu tiếng ồn và dấu vết để lại. Bình thường, ở vị trí nghỉ, các móng vuốt được thu lại trong da và lông dấu quanh đệm ngón. Mèo có thể giương một hay nhiều vuốt tùy theo nhu cầu khi săn mồi, tự vệ, leo trèo, nhào lộn, hay khi bước đi trên các bề mặt trơn như khăn trải giường, thảm dầy, v.v…. Các vuốt cong có thể bị mắc vào thảm hay các tấm vải dày, khiến mèo bị thương nếu chúng không thể tự gỡ. Móng vuốt là bộ phận rất quan trọng trong cơ thể mèo, không những dùng để cào cấu mà còn dùng để nắm giữ và quan trọng hơn là để giữ thăng bằng cho cơ thể khi chạy nhảy hay leo trèo. Vuốt của mèo nối thẳng với những bắp thịt ở chân nên co vào duỗi ra được tùy theo sức kéo của bắp thịt và gân. Khác xa với móng tay hay móng chân của người, móng vuốt của mèo thật sự là những xương trong cơ thể nối dài. Vì vậy, mèo rất đau đớn khi bị cắt móng vì móng là xương, đến nỗi nhiều quốc gia không cho phép cắt móng, coi như tàn ác, làm tổn thương tới chính thân thể mèo. Thay vì cắt móng, người ta có những tấm nệm nhám như giấy nhám để mèo cào vào, coi như tự mài móng vuốt.

Mèo thích trèo cao hay ngồi ở các vị trí chót vót để có điểm quan sát tốt hay ẩn mình khi săn mồi, cũng như mang lại cho mèo cảm giác an toàn và uy thế. Tuy nhiên, sự ưa chuộng độ cao này có thể gây nguy hiểm cho mèo dù có quan niệm thông thường rằng một chú mèo không hề hấn gì khi rơi từ trên cao vì chân luôn xuống trước. Thật ra, mèo có khả năng xử dụng "phản xạ thăng bằng" để điều chỉnh cơ thể cho chân nhẹ nhàng chấm đất trước, nhưng vẫn có thể bị thương hay chết khi bị rơi từ trên cao.

Mèo bảo tồn năng lượng bằng cách ngủ nhiều hơn đa số các loài động vật khác, đặc biệt khi lớn tuổi. Thời gian ngủ hàng ngày thường là 12 tới 16 giờ.Vì hay hoạt động nhiều lúc mặt trời lặn, mèo rất hiếu động và hay đùa nghịch vào buổi tối và sáng sớm. Tính khí mèo hiền, dữ thay đổi tùy theo giống và hoàn cảnh sống. Mèo lông ngắn thường gầy và ưa hoạt động, trong khi mèo lông dài lại to và lười nhác.

Mèo là động vật ăn thịt nên hay săn bắt mồi cho nhu cầu sinh tồn. Mồi thường là những loài vật nhỏ như chuột, rắn,cóc nhái, cá v.v... vũ khí săn mồi của mèo là móng vuốt ở đầu ngón chân có chiều dài hơn một phân, hình cong bán nguyệt, đầu móng vuốt nhỏ, nhọn và sắc bén. Khi săn, mèo thường đứng từ xa cách con mồi khoảng chừng 5 đến 6 mét. Sau đó nó nằm bẹp hạ cơ thể xuống sát đất để lấy trớn, chăm chăm nhìn không nháy mắt vào mục tiêu đồng thời nhẹ nhàng rón rén tới gần con mồi. Lúci gần tới nơi, mèo tung ra hết sức mình bằng cách bật mạnh hai chân sau và đồng thời phóng toàn thân tới trước và dùng móng sắc nhọn duỗi thẳng ra vồ lấy gáy con mồi, và sau đó dùng miệng cắn lên gáy con mồi cho đến chết mới nhả ra. Cách thức săn mồi này tương tự như những loại “mèo lớn” khác như sư tử, hổ, báo v.v…

Ngày nay, mèo thường chung sống với người nên, thức ăn của mèo là cũng là cơm, thịt, cá v.v… giống người, hay ăn thực phẩm mèo đặc biệt do người chế biến, nhưng thực tế cho thấy mèo thích thức ăn có mùi tanh của cá hơn. Mèo thường đến bên bờ ao uống nước và bắt cá. Cá luôn là thức ăn được ưa chuộng nhất của mèo. Vì vậy châm ngôn ta có câu “mèo mù vớ cá rán” để chỉ một kẻ khù khờ mà lại vớ được món bở. Không nên cho mèo ăn thức ăn của chó vì mèo cần nhiều protein hơn chó.

Mèo tuy thích ăn chuột cá tanh hôi, nhưng lại được coi là một trong các loài thú sạch sẽ nhất. Mèo luôn biết giữ cơ thể tránh những nơi ẩm ướt, không thích tắm như đa số những con vật khác, và cũng không thích lông trên cơ thể bị ướt hay có vết tích hơi hướm của các vật khác dính vào. Ngay cả con tay người vuốt lên lông mèo cũng có thể gây mùi khác lạ.

Để làm vệ sinh cho cơ thể, mèo thường thè lưỡi ra và tiết nước bọt vào chân rồi bôi, chà lên mặt và toàn thân. Hành động này cho thấy mèo muốn xóa sạch các vết bẩn, ngay cả hơi tay của con người vừa mới bồng hay vuốt ve nó. Loài mèo luôn tự làm lấy vệ sinh cho cơ thể nhiều lần trong ngày, thường là lúc mới ngủ dậy hay đi đâu đó về. Người Pháp có câu châm chọc rất ý nhị về sự sạch sẽ này như sau “mèo, ruồi và phụ nữ lúc nào cũng ở trong toilet”!

Khi liếm lông, có những sợi bị đứt hay rời dính vào lưỡi rồi đưa vào miệng nhưng mèo không nhả ra được vì lưỡi rất nhám, lại có những gai nhọn huớng vào phía trong miệng nên bắt buộc phải nuốt vào. Dần dần, những sợi lông này có thể cuốn thành cục trong bụng vì lông không tiêu. Do đó, lâu lâu chúng ta thấy mèo ăn cỏ hay gặm lá cây, mục đích để tiêu hóa lông đọng trong bao tử. Các sách dậy nuôi mèo cũng khuyên nên chải lông mèo thường xuyên để giảm bớt số lông rời bị quết vào bụng. Về phương pháp làm tiêu lông trong bao tử, có lẽ một số các bạn nam giớihay chơi với mèo … móng đỏ cũng nên dùng cách hữu hiệu như mèo.

Loài Mèo như chúng ta biết thường ít tắm, nên được xếp vào loại người dẹp không bao giờ tắm. Lúc nào hứng lắm, các anh chị mèo cũng chỉ đủ can đảm rủ nhau liếm láp, "tắm khan" theo kiểu bợm ghiền. Nhưng loại mèo móng đỏ lại hơi khác vì thường hay được con cháu họ Hoạn cho tắm bằng át xít!

Ngoài việc tắm bằng cách liếm lông như trên, mèo còn có nhiều trò lỉnh kỉnh khác khi nói tới vấn đề vệ sinh. Người ta thường nói "dấu như mèo dấu ..." hay "chua như nuớc đái mèo” v.v... Sở dĩ mèo dấu như vậy vì vẫn còn thừa hưởng thú tính khi sống ngoài hoang dã. Lúc còn phải tranh sống cùng thiên nhiên và dã thú, mèo cần che dấu hành tung của mình, vì vậy, các chất thải ra cũng phải che đậy kỹ lưỡng. Nước tiểu có mùi rất gắt được mèo dùng để đánh dấu sự hiện diện và lãnh thổ của mình cũng như để đối thủ biết chỗ mà tránh và cũng để bồ bịch biết hơi mà tìm tới. Tại Hoa Kỳ, có nhiều vị mèo chủ thừa tiền rửng mỡ sắm cả nhà vệ sinh riêng rồi muớn người tập cho mèo đi "toilet".

Để sinh tồn, mèo con từ một tháng tuổi trở lên đã được mèo mẹ dạy các động tác săn bắt mồi như chạy, nhảy, leo trèo, rình và vồ mồi. Mèo bốn tháng tuổi đã có thể bắt được mồi nhỏ như chuột, gián, thạch sùng ... Mèo thường sống đơn độc, đến thời kỳ sinh sản mèo cái mới đi tìm mèo đực. Trong thời gan này mèo cái có bộ lông mới bóng mượt, có mùi và tiếng kêu đặc biệt để hấp dẫn mèo đực.

Trung bình mèo sanh vài ba lứa một năm, mỗi lứa từ 1 tới 8 mèo con. Suốt đời, mèo cái có thể sinh trên 100 mèo con. Kỷ lục sinh nhiều con còn sống trong một lứa thuộc về con mèo Bluebell ở Nam Phi với 14 mèo con. Một cặp mèo và con cháu có thể sinh sản tới 42 ngàn mèo con trong vòng 7 năm. Mỗi năm có rất nhiều mèo con ra đời tại Hoa Kỳ, vì vậy để tránh nạn “mèo mãn”, chúng ta nên thiến hay hoạn mèo. Thống kê cho biết 21% gia đình Hoa Kỳ nuôi mèo. Mỗi năm dân Mỹ xài khoảng 4 tỷ đô là để mua đồ ăn mèo, nhiều hơn tiền mua thức ăn cho trẻ sơ sinh! Nuôi mèo tốn mỗi năm ít nhất $80 đô la để khám bệnh. Nuôi mèo tổng cộng tốn chừng $7,000 đô la suốt đời.

Tới đây, chúng ta đã đi một chặng đường khá dài và biết lắm điều về mèo, do đó nên tạm dừng chân nghỉ giải lao, thay đổi không khí và nhân tiện nói câu chuyện vui về một loại mèo đặc biệt chỉ có tại Việt Nam. Nghe nói nước ta đời vua Lê chúa Trịnh có loại mèo biết ... nói, bằng chứng là câu chuyện sau đây.

Có một anh chàng rất thông minh nhưng nghèo, đi hỏi vợ. Nhà gái chê anh đã nghèo lại chẳng có tài cán gì, làm sao nuôi nổi vợ con, nên không chịu gả. Anh ta bèn thưa với ông nhạc tương lai rằng anh có tài huấn luyện loài vật biết nghe, hiểu và nói tiếng người. Đàng gái lấy làm lạ và cho biết nếu anh chứng tỏ cho mọi người thấy tài năng hiếm có này thì sẽ được vợ.

Đến ngày hẹn, anh ta mang tới một con mèo. Trước mặt đông đủ họ hàng đàng gái, anh tới gần cô con g ái, tay ôm con mèo, miệng hỏi: "Mèo ơi, cái … ấy của cô này tròn hay ... méo?” Nói rồi, anh xách tai con mèo lên. Bị đau, con mèo la ỏm tỏi "Méo, méo, méo”, Anh giải thích "Đó quí vị thấy chưa, tôi đã dạy con mèo, nó không những hiểu câu hỏi mà còn trả lời đúng là cái ấy méo. Nếu không tin, cứ cho cô ấy đưa ra thử xem có đúng không?" Dĩ nhiên, cô gái không chịu đưa ra để ... xét. Ông bố cô ta cũng phục anh là người có mưu trí nên gả con gái cho. Thế là anh chàng được vợ nhờ con mèo biết nói. Mèo nói có đúng không, chắc cần phải xét lại kiểm chứng với chủ nhân của những cái lá đa, lá mít, lá vông v.v... và v. v…

Qua tới mục danh xưng của mèo, dĩ nhiên mỗi sắc dân có một ngôn ngữ riêng nên mèo được gọi bằng nhiều tên khác nhau. Người Ai Cập gọi mèo là "Miu”, tiếng Latin gọi là "Felis", tiếng Pháp là "Chat"; tiếng Thụy Điển là "Katt", tiếng Ý là "Gatto” và tiếng Hy Lạp là "Gata". Người Việt Nam với bốn ngàn năm văn hiến gọi là "mèo”, và người Trung Hoa củng bắt chước gọi là "mao". Như vậy, gã Mao Tse Tung trùm Cộng Sản Trung Quốc chuyên ngủ với gái tơ để được sống lâu là giòng giống loài mèo? Có điều lạ sau này ở Việt Nam xuất hiện một tên du côn đầu đường xó chợ tự nhận là con cháu của Mao cũng chuyên dụ dỗ đàn bà con gái,ăn tạp uống bậy nhưng lại thuộc giống … cáo hồ. Do đó, người ta đồn rằng "mèo già hóa cáo" hay những con cáo gian hùng nhất lại giả bộ, đóng vai hiền lành như mèo! Cáo và mèo có họ hàng hang hốc với nhau là vậy.

Ngoài tài leo trèo mau lẹ, mèo có rất nhiều đặc tính đáng chú ý. Là loài vật chuyên săn bắt nên mèo có nhiều năng khiếu và phản ứng rất bén nhậy cần thiết để sinh tồn. Trước hết là khả năng dò tìm phương hướng và đường lối rất chính xác, tương tự như loài chim. Mèo xử dụng khả năng thiên phú, cộng với góc độ của ánh sáng mặt trời và từ trường của trái đất để định hướng giống như GPS (Global Positioning System) tân tiến ngày nay. Khả năng định hướng tìm về với chủ cũ này thường được gọi là lòng trung thành. Thật ra, nếu bị bỏ rơi xa nhà cũ, may ra mèo còn có thể tìm được đường về, nhưng nếu chủ dọn tới nhà mới khác, mèo không kiếm được đường đi theo chủ.

Mèo cũng thường hay cào xé mùng mền, ghế gối v.v..., nhưng không phải vì bản tính phá phách, mà chỉ để mài và chau chuốt móng chân. Vì vậy, nuôi mèo nếu không cẩn thận, thiếu chỗ cho mèo giũa móng, nó sẽ cào xé nát đồ đạc trong nhà cũng như nhai các cây kiểng. Đặc tính liếm lông, cào cấu cũng như giũa móng làm đẹp v.v... cho chúng ta thấy mèo rất xứng đáng là đại diện cho phái nữ.

Về chuyện ăn uống, người ta thường nói "khảnh ăn như mèo" hay “nam thực như hổ, nữ thực như miêu”, nhưng thực ra mèo ăn không ít. Mỗi bữa, mèo cần tiêu thụ một số lượng đồ ăn tương đương với 5 con chuột. Vì vậy, người Việt ta, nhất là tại thôn quê thường nuôi mèo để bắt chuột. Nếu ăn hết chuột, mèo mới ăn ... vụng! Chỉ các nước Âu Tây tiền tiến mới bán đồ ăn mèo, còn các nơi khác mèo đều sực đồ ăn thiên nhiên và đồ ăn của người.

Nói tới tuổi thọ, mèo thường sống chừng 10, 15 năm, nhưng tương đương với khoảng 60 năm tuổi người vì mèo cũng như chó, bị lão hóa mau chóng hơn. Một con mèo 1 tuổi đã trưởng thành tương đương với một người 18 tuổi. Để nghỉ ngơi, mèo cần ngủ chừng 16 tiếng đồng hồ một ngày, vì vậy, ngoài những lúc ăn uống, bắt chuột v.v... chúng ta thường thấy mèo tìm chỗ ấm áp nằm lim dim. Tuy gọi là ngủ nhưng mèo vẫn biết được mọi chuyện xảy ra chung quanh, thí dụ như bị đụng vào đuôi chẳng hạn, mèo sẽ tức thời phản ứng. Kiểu thức thức, ngủ ngủ này người Mỹ gọi là "catnap" ngủ như mèo.

Qua tới chuyện thịt mèo, nhiều bợm nhậu thề sống thề chết là rất ngon và nên thuốc, nhất là thịt mèo mun tức là mèo đen. Các vị đầu bếp cũng nói rằng khi lột da, thịt mèo cũng giống như thịt thỏ, cách nấu cũng tương tự, như nấu sốt vang, rô ti hay cà ri. Thịt mèo cũng được dùng trong y học cổ truyền với tên thuốc là miêu nhục. Xương mèo (miêu cốt) và mật mèo (miêu đởm) thường dùng là của mèo đen. Ngoài ra, xương đầu, nước tiểu và phổi mèo cũng được dùng làm thuốc.

Thịt mèo vị ngọt, mặn, chua, tính ấm, không độc, có tác dụng tiêu thũng, chống lao lực, giải độc, giảm đau, chữa bệnh được bệnh báng bụng, lao, chóng mặt, trĩ, mụn nhọt. Thịt mèo làm thuốc có thể dùng dưới dạng nấu chín ăn hoặc sấy khô tán thành bột pha nước uống.

Mật mèo đen vị đắng, tính hàn, có tác dụng giảm đau, chống co thắt. Ngâm rượu uống hằng ngày chữa bệnh hen suyễn, đau bụng kinh niên. Xương mèo đen vị ngọt, tính ấm có tác dụng bổ dưỡng ngâm rượu uống là thuốc bổ, giảm đau nhức, dùng thích hợp cho người cao tuổi. Xương đầu mèo đốt thành tro, tán nhỏ, uống với rượu, chữa ho suyễn do đờm khí. Nước tiểu mèo nhỏ vào tai sẽ làm cho đỉa hoặc sâu bọ bò ra ngoài. Người ta lấy nước tiểu bằng cách bắt mèo giữ chặt bốn chân, lấy vỏ bưởi xát vào mông hoặc gừng tươi xát vào lỗ mũi, mèo sẽ tiểu ra. Các dân tộc thiểu số ở miền Bắc dùng thịt và dạ dày mèo rừng chữa cơ thể suy nhược, xanh xao, gầy yếu. Xương mèo rừng ngâm rượu uống chữa đau nhức gân xương.

Ở Trung Quốc, thịt mèo được xử dụng để làm thuốc dưới nhiều hình thức. Thịt mèo ninh nhừ, thêm ít muối và rượu, ăn trong ngày chữa loét dạ dày. Thịt mèo thái nhỏ, hấp cách thủy với đẳng sâm, long nhãn, ăn cái, uống nước, chữa thần kinh suy nhược, xuất huyết dưới da do dị ứng. Chữa chứng gan thận hư nhược bằng cách dùng thịt mèo nấu chín với khởi tử, hoàng tinh, long nhãn, ăn cả cái lẫn nước. Chữa cam tẩu mã bằng xương đầu mèo đen đốt cháy khô, tán bột, pha vào rượu để uống.

Đối với người chơi quần vợt, ruột mèo là vật liệu tốt nhất để làm giây căng vợt, tiếng nhà nghề gọi là loại giây “gut" rất đắt tiền, chỉ có các đấu thủ nổi tiếng, nhiều tiền mới dùng. Loại giây "gut' này rất mềm dẻo, lại có tính đàn hồi cao nên dễ điều khiển trái banh và có sức bật mạnh nên banh đi rất nhanh. Nhưng giây "gut” lại có nhược điểm mau sờn và dễ đứt, nhất là khi banh ướt. Sau này, có lẽ vì mèo trở thành gia súc được cưng chiều không bị giết nhiều hoặc bị hội bảo vệ súc vật phản đối nên giây “gut" được làm bằng ruột dê hay ruột trừu.

Mèo chung sống thân cận với người từ lâu nên có nhiều chuyện liên quan cũng như huyền thoại. Cho tới ngày nay những bí ẩn và đồn đại về mèo vẫn còn được nhiều người nhắc tới và tin tưởng.

Tuy mèo có được người thời cổ tạc tượng hay khắc trên các bức tường đá nhưng cũng không nhiều bằng hình bò, ngựa, sư tử v v Thần thoại Hy Lạp cũng không có truyện nào nổi tiếng về mèo. Tới thời Trung Cổ, nguời Âu Châu không những đã chẳng thờ kính mà còn coi mèo là con vật xui xẻo và đáng sợ như phù thủy. Vì vậy, trong ngày lễ kỷ niệm Saint John, nhiều con mèo bị thiêu sống tại các công trường trong thành phố vì bị coi như dính dáng tới ma quỉ. Tại Hoa Kỳ, các đệ tử của đạo Satan (Satanic) có thói quen bắt giết hay hành hạ loài vật. Nhất là vào dịp Halloween, các đệ tử Satanic này thường hay lùng kiếm mèo đen, nhưng nếu không có thì mèo nào cũng có thể bị bắt giết.

Có điều hơi lạ, tại Hoa Kỳ, trong khi mèo đen bị coi như phù thủy biến hình nên mang tới điềm xui, nhưng da số dân Anh lại coi Mèo đen đem lại sự may mắn. Nhắc tới thần dân của Nữ Hoàng Elizabeth hay Victoria, chắc không thể không nói tới tính tình yêu súc vật. Giống phớt tỉnh Ăng Lê này được tiếng là có nhiều hội bảo vệ súc vật và thương trâu bò mèo chó còn hơn dân tại các thuộc địa. Khi tới xâm chiếm xứ cà ri Ấn Độ, các ông bà quan Ăng Lê không quên tạt qua các xứ láng giềng Miến Điện hoặc Thái Lan mang về mẫu quốc loại mèo Miến (Burmese) và mèo Xiêm (Siaemese). Sau đó, các vị này còn rửng mỡ tổ chức những buổi tiệc tùng tại gia để khoe ... mèo. Dần dần, các vụ khoe" này được bành trướng và chính thức hóa. Cuộc triển lãm, khoe mèo qui mô đầu tiên được tổ chức trọng thể tại lâu đài Crystal Palace ở kinh thành Luân Đôn vào năm 1871 với sự tham dự của các ông hoàng, bà chúa cùng giới thượng lưu. Từ những vụ khoe mèo, dần dấn đi tới khoe bò, khoe chó, khoe ngựa v.v... và sau cùng đến những vụ khoe ... người rất phổ thông, được gọi là thi hoa hậu ngày nay.

Tại Á châu, truyện cổ Trung Hoa từ thời ông Bành Tổ và bà Nữ Oa, kể cả tứ đại mỹ nhân cũng ít nói về mèo. Chỉ nghe nói rằng Đức Thánh Khổng rất ưa thích giống meo meo.

>Dựa vào những hình tượng và di tích khảo cổ, người Ai Cập nuôi mèo trước tiên để trừ loài chuột bọ gặm nhấm chuyên phá hoại mùa màng, thóc lúa. Vì có công giúp người giữ gìn thực thẩm để sinh sống nên chẳng bao lâu, mèo đựợc dân Ai Cập thờ phụng như thần linh. Vị thần mèo nổi tiếng của người Ai Cập có tên là Bast, được tôn vinh thành nữ thần của thành phố cổ Bubastis trong vùng lưu vực sông Niles vào khoảng thế kỷ 12 - 13 trước Tây Lịch dưới thời các vua Pharaohs. Thần Bast còn có tên là Bastet, Bash hay Pasht, được dân Ai Cập sùng kính như nữ thần của sự sinh sản và bảo vệ nhà cửa. Thần cũng là biểu tượng của sự thu hoạch, thịnh vượng và sắc đẹp.

Trong những tranh vẽ và tác phẩm điêu khắc cổ Ai Cập, thần Bast có thân hình của người đàn bà mang đầu mèo, đeo một cái giỏ và cây đàn sistrum là một nhạc khí nhỏ. Sau này, thần Bast được tôn xưng là thần chiến tranh vì có hình dáng tương tự một con sư tử cái. Tuy nhiên, đối với đa số dân Ai Cập, thần Bast vẫn mang hình mèo, có nhiều khả năng siêu nhiên và huyền bí cảm thông tới mặt trăng và các vì sao. Có lẽ chính vì các đặc tính linh thiêng này mà mèo thường được tẩm liệm, ướp xác để chôn chung trong các mộ phần cùng với người, nhất là trong những kim tự tháp là mồ của vua chúa, với kỳ vọng nhờ oai lực siêu nhiên của mèo khiến người chết sẽ được tái sinh. Các nhà khảo khổ ước đoán tại Ai Cập có tới 300,000 xác mèo ướp. Vì mèo đ ược thờ phượng như thần linh nên trong thời cổ Ai Cập, giết mèo là một trọng tội bị phạt án tử hình.

Ngoài thần Bast đầu mèo, còn có thần Sekhmet đầu mèo lớn sư tử, còn được gọi là Sakhmet là nữ thần của hoàng hôn và sự chết. Theo turyền thuyết Ai Cập, chu kỳ sinh tử được phân rõ khi thần Sekmet-Bast được tách đôi thành hai chị em. Thần Sekhmet theo lời đồn đại được cấu tạo từ lửa trong mắt của thần Ra là thần mặt trời và là chúa tể vũ trụ, do đó thần Sekhmet chuyên trừng phạt kẻ có tội. Sekhmet thường hiện hình thành nữ thần da ngăm, đầu sư tử, tóc và mắt màu lửa da cam hay màu vàng. Ngày nay, lễ hội Halloween được coi là để tôn vinh hai nữ thần Sekhmet và Bast nên người tham dự thường bận quần áo và hóa trang giống mèo.

Nữ thần Freya của vùng Bắc Âu là thần của sắc đẹp và tình yêu thường đi xe do hai con mèo xám kéo, đôi khi thần cũng hiện nguyên hình là con mèo. Sau khi kéo xe cho thần Freya được 7 năm thì cặp mèo xám được thưởng, biến thành phù thủy dưới dạng mèo đen. Cũng vì vậy, mèo xám hay mèo đen sau này được gán là phù thủy có pháp thuật cao cường.

Dân Nhật Bản thờ thần Raiju có nghĩa là thần sét tương tự như Thiên Lôi nhưng dưới dạng mèo, thường leo trèo chạy nhảy trên các tàng cây cao. Trong lúc trời mưa bão giông gió, nếu cây bị sét đánh tách ra hay gẫy đổ, người Nhật tin rằng đó là dấu vết của móng vuốt thần Raiju để lại. Mèo Miki ba màu trông rất dễ thương lại hay được thủy thủ lênh đênh xa nhà mang theo tầu để cầu may mắn.

Ngay từ ngàn xưa, nhiều sắc dân đã tin rằng mèo với phù thủy có liên quan, vì các mụ phù thủy đều nhẹ nhàng, tinh khôn và khéo léo do học được đặc tính của mèo vào lúc ban đêm, vì vậy phù thủy cũng mảnh khảnh, có cặp mắt sáng quắc và ăn bận giống như mèo đen. Ngoài ra, người Trung cổ cũng cho rằng mèo đen có liên hệ với ma qủi vì mèo thích ăn đêm, di chuyển trong đêm tối với tiếng meo meo sắc lạnh người. Nhiều người tin rắng nếu mèo đen nhẩy qua quan tài, người chết sẽ thành qủi nhập tràng. Cũng theo huyền thoại , ngày nay mèo con thường có hình chữ M trên trán vì tiên tri Mohamet của Hồi giáo có lần để bàn tay lên đầu con mèo cưng!

Người Hy Lạp cho rằng Galenthias biến dạng ra mèo để trở thành thần Helate, chúa tể của bóng tối. Trong Ấn Độ giáo, thần sinh sản Shosti thường cưỡi mèo khi di chuyển.

Ngoài Ai Cập, nhiều xương cốt của mèo đồng thời với đế quốc La Mã cũng được tìm thấy tại vùng Etruria (tức là Tuscany ngày nay). Nhiều tác phẩm nghệ thuật, đồ gốm của người Etruria có hình mèo sinh sống trong nhà cùng với người. Như vậy, có lẽ tại Âu Châu, mèo bắt đầu trở thành gia súc, chung sống với người từ rất lâu. Người cổ La Mã và Hy Lạp cũng có những tác phẩm điêu khắc, tượng, bình, tiền đồng v.v... mang hình mèo. Các tác phẩm văn chương của họ mô tả và ca ngợi mèo như là khắc tinh của loài chuột bọ phá hại mùa màng.

Theo truyền thuyết cổ Do Thái, giống mèo được Thượng Đế tạo dựng khi ông Noah thấy thực phẩm trên chiếc thuyền tránh nạn hồng thủy của mình bị chuột bọ ăn hại nên cầu xin được giúp đỡ. Thượng Đế đáp ứng bằng cách cho sư tử “nhảy mũi” hắt hơi ra con mèo!

Tại châu Á, có nhiều bằng chứng cho thấy mèo đã trở thành gia súc cùng thời với bên châu Âu. Các bản văn viết bằng tiếng Phạn (Sanskrit) tại Ấn Độ trước Tây Lịch đã đề cập tới mèo. Ở Trung Hoa, nghe nói Đức Khổng Tử rất thích ... mèo. Như vậy, chúng ta có thể nói vị Vạn Thế Sư Biểu cũng là tổ sư của các đấng nam nhi hảo ngọt, khoái o mèo móng đỏ ngày nay.

Mèo rất được dân Mỹ ưa chuộng và coi là loài “pet” được người Cờ Hoa nuôi nhiều nhất, vì vậy có nhiều “ví von” liên quan tới mèo trong các câu thành ngữ tục ngữ. Thí dụ như “it’s raining dogs and cats” để chỉ trời mưa rất to. Nguyên nhân vì hồi xưa, mái nhà thường làm bằng rơm rạ nên mèo chó hay leo lên đó để tìm hơi ấm. Khi trời mưa to, mái bị ẩm ướt nên mèo chó không ở được, rơi lộp độp xuống sàn nhà. Về mặt ăn uống, người Hoa Kỳ gọi những tay nhà giầu phè phỡn, ăn sung mặc sướng đuợc gọi là "fat cats".

Bên xứ Ăng Lê, Câu “cat got your tongue” dùng để nói về sự trừng phạt vì ngày xưa có điều luật nếu phạm lỗi nào đó, nhất là nói dối sẽ bị cắt lưỡi liệng cho mèo của vua ăn. Người Mỹ còn tin rằng khi dọn vào nhà mới, cho mèo vào bằng cửa sổ thì mèo sẽ không chạy mất. Phương ngôn Phi châu có câu “mèo đi tu cũng vẫn là mèo”, và “ban đêm, mèo đều là hổ báo”. Người Đức thì khuyên “muốn sống lâu, ăn như mèo và uống như chó”. Người Bồ Đào Nha cho rằng “chuột cười mèo ở nơi nào, thế nào cũng có cái lỗ nhỏ bên cạnh”. Người cổ Do Thái có câu “chơi với mèo, đừng sợ bị quào”, tương tự như câu “chơi với chó, chó liếm mặt” của người Việt Nam. Người Ai Cập cổ cho rằng vào ban đêm, ánh sáng mặt trời được gửi vào mắt mèo để bảo tồn vì vậy mắt mèo mới sáng rực. Bên Anh, cho tới thế kỷ thứ 16 vẫn còn tục lệ khách đến chơi thường hôn con mèo của chủ nhà, dĩ nhiên nếu hôn lộn con mèo móng đỏ thì sẽ mang họa!

Nhà văn kiêm đạo diễn Luis Spulveda người Chile sinh năm 1949 cũng viết một cuốn sách rất thâm thúy dành cho thiếu nhi, nội dung tác phẩm đầy nhân hậu và tình người này kể chuyện chú mèo Zorba cưu mang nàng hải âu bè bỏng tại hải cảng Hamburg bên Đức. Zorba tuy là mèo nhưng đã không ăn thịt, mà còn chăm sóc con hải âu từ khi trứng nước. Khi khôn lớn ,hải âu cứ quyến luyến không chịu bay đi rời đám mèo, Zorba khuyên “chúng ta đã bảo vệ và che chở con lúc mới chào đời mà không hề nghĩ tới việc biến con thành mèo. Thật rất dễ khi yêu thương kẻ giống mình, nhưng quan tâm tới kẻ khác mình mới là khó. Con đã giúp chúng ta làm được điều tốt đó, con là chim hải âu vì vậy con phải bay”.

Tổng quát, vì mèo là con vậy được nuôi nhiều nhất và được nhiều người đồng ý là biểu tượng khá trung thực của nữ giới nên cũng có nhiều chuyện hay ho lý thú và rắc rối liên quan tới con vật đáng yêu này.

- Loại mèo lớn nhất là Ragdoll, con đực nặng khoảng 5 kg tời 8 kg, mèo cái nhẹ hơn khoảng 4 tới 7 kg. Mèo Ragdoll to con, đuôi dài, lông xù thường màu trắng, bản tính hiền lành thân thiện nên thường được nuôi trong nhà. Tên Ragdoll bắt nguồn từ thân hình mềm mại, dễ thương như con búp bê bằng vải. Mèo nhỏ nhất thuộc giống Singapura chỉ nặng chừng vài ba kg. Giống mèo này có đặc điểm tai và mắt rất to, xuất xứ từ Singapore.

- Mèo giống Calico lông thường màu trắng có nhiều miếng vá màu nâu và đen, nên có thể được gọi là mèo tam thể hay mèo vá. Đặc biệt mèo Calico đa số là mèo cái.

- Không nên xách cổ mèo, vì như vậy có thể làm nó giận dữ. Chỉ có mèo mẹ biết tha mèo con bằng kiểu này.

- Chỉ mèo nhà mới có thể bước đi với đuôi thẳng đứng còn mèo rừng để đuôi nằm ngang hay giấu vào hai chân khi bước đi.

- Thân thể mèo có 290 cái xương, 517 bắp thịt và xương sống có 5 đốt nhiều hơn xương sống của con người, vì vậy mèo đi rất uyển chuyển và mềm mại.

- Mèo rất ít khi kêu “meo meo” với con mèo khác, mà chỉ “meo” với người, coi như mèo nhõng nhẽo!

- Về tuổi tác, một con mèo 3 tuổi tương đương với người 21 tuổi, 8 tuổi tương đương với người 40 tuổi và khi 14 tuổi là người già 70 tuổi. Tuổi trung bình của mèo nhà là 15, còn mèo hoang chỉ sống chừng 3 tới 5 năm vì bị bệnh tật hay thú khác giết hại. Con mèo thọ nhất là” bà”mèo Puss ở bên Anh, mất năm 1939, hưởng thọ 36 tuổi, tức là mấy trăm tuổi của con người.

- Thống kê cho thấy người nuôi mèo sống lâu hơn, đỡ bị kích động và cũng ít bị đau tim. Nhưng đây là nuôi mèo nhà thông thường, nếu ai thích mèo “móng đỏ” thì ngược lại, sớm đi tầu suốt!

- Kỷ lục giết chuột nhiều nhất về tay chị mèo Towser bên Scotland. Trong suốt cuộc đời, chị này hẩu sực tổng cộng 28,899 con chuột, tức là trung bình 4 chuột mỗi ngày, ròng rã 24 năm. Scotland có nhiều chuột như vậy, thảo nào nam giới không có quần để mặc mà phải mặc váy chung với bà xã!

- Tại Hoa Kỳ, người ta thường đặt tên mèo là theo màu săc và hình dáng như Missy, Misty, Muffin, Patch, Fluffy, Tabitha, Tiger, Pumpkin, Samantha, tương tự như Việt Nam có tên chó phèn, chó mực, chó cò, chó vá, chó vện. Đông và tây gặp nhau ở điểm này!

- Mèo thường quào nệm ghế, quần áo nhồi bông để “rửa móng” vì vậy nên có những tấm thảm đặc biệt hay cây cột nhỏ cuốn vải đặc biệt nhám như giấy nhám để mèo quào. Nếu mèo vẫn quào, xịt vào bàn ghế mùi chanh hay cam vì mèo không ưa những mùi này. Mèo cũng thích leo trèo trên cây giáng sinh, vì vậy nên treo thêm những bình hay gói phát ra mùi chanh hay cam, tương tự như chúng ta thường để trong xe hơi hay nhà.

- Cặp mèo giàu nhất được ghi trong sách kỷ lục thế giới được thừa hưởng gia tài $415 ng àn đô la vào năm 1960. Một con mèo khác được thừa hưởng $250 ngàn đô la! Chắc đây là loại “mèo móng đỏ” trúng số, tha hồ mua sắm!

- Tại Hoa Kỳ, mèo trắng tượng trưng cho may mắn, còn mèo đen là dấu hiệu của xui xẻo. Nếu thấy mèo trằng ngồi ở ngưỡng cửa trong ngày đám cưới, đó là hạnh phúc wuốt đời sắp tới, còn mèo đen bước qua đường đi của mình là sẽ xui tận mạng. Thảo nào từ khi Hoa Kỳ lần đầu tiên có tổng thống da màu, dân chúng coi bộ làm ăn không khá!

- Về thị giác, mắt mèo rất trong, hình tròn, xéo hay hình kim cương và chỉ cần 1/6 số lượng ánh sáng so với con người là đã nhìn thấy ngoại vật. Mèo có thể nhìn xa khoảng 40 mét, nhưng tuy thị trường rộng tới trên 200 độ độ so với 180 độ của người, lại không nhìn rõ vật hay người ngay trước mặt mình.

- Mèo thích được sờ và gãi bụng, nhưng đôi khi mèo thích quá nên cắn yêu cả chủ. Điều này rất đúng với mèo móng đỏ, khi lên cơn thích thì cào cấu không nương tay!

- Mèo trưởng thành có 32 răng. Lưỡi mèo nhám vì có gai hướng vào phía trong họng, giúp việc liếm lông làm sạch được dễ dàng.

- Nhà bác học Isaac Newton người Anh vời tác phẩm khoa học nổi tiếng Pincipia vào khoảng thế kỷ thứ 17 đặt nền tảng cho khoa học hiện đại, cũng là người phát minh ra cánh cửa nhỏ có bản lề để mèo chó chui ra vào trong nhà. Như vậy chắc ông Newton cũng yêu mèo như trái táo “hấp lực” của ông?

- Linh tinh: chứng Ailorophobia là tật sợ mèo. Đôi khi mèo không tìm được đồ ăn ném ra ngay trước mặt vì mèo không nhìn thẳng được qua sống mũi. Mèo có 5 móng ở chân trước và 4 móng ở chân sau.

Phần trên, chúng ta đã biết khá nhiều đặc điểm cùng mối liên hệ mật thiết giữa mèo và các sắc dân Ai Cập, Âu châu, Mỹ châu v.v.... Nay đã đến lúc nói về mối liên hệ "sông liền sông, núi liền núi" giữa mèo và dân Giao Chỉ chúng ta.

Trước hết, xin có lời chúc mừng các bà các cô vì năm nay nhất định số mạng sẽ rất hanh thông vì hợp tuổi. Thật vậy, trong 12 con giáp, có lẽ mèo với thân hình mềm mại dễ thương, có cái miệng xinh xinh đỏ chót, lại ưa làm đỏm, khoái sửa móng chân móng tay để dễ bề cào cấu v.v... là biểu tượng trung thực nhất để đại diện cho quí vị đào tơ liễu yếu. Điều này tuy là một thực tế khó chối cãi, nhưng thế nào cũng có nhiều vị cho rằng cọp mới phản ảnh trung thực tâm tính và hình dáng của phái nữ! Nhưng thật ra, cọp có "ngon" đến bao nhiêu đi nữa nhưng cũng vẫn là hàng đệ tử của mèo.

Người ưa kể rằng thuở tạo thiên lập địa, cọp tuy to xác nhưng không biết kỹ thuật săn bắt muông thú nên phải nhờ thầy mèo chỉ dậy. Mèo tận tâm hướng dẫn cọp mọi mánh lới nhà nghề, kể cả việc 'lơn đào" bằng cách dạng chân, xoạc cẳng tè một phát để bồ bịch đánh hơi tìm đến. Nhưng sợ cọp lớn con lại dữ dằn khi nổi hứng có thể sơi luôn cả thầy nên mèo giấu lại tuyệt chiêu "leo trèo" để phòng thân. Quả nhiên, sau này khi tưởng rằng đã học được hết các ngón nghề, cọp đuổi bắt thầy mèo định ăn thịt, nhưng mèo nhanh chân trèo lên cây cao, cọp không được truyền nghề leo cây nên chẳng làm gì được. Qua câu chuyện mèo là thầy cọp này, quí vị liền ông con trai cần phải cẩn thận, đề phòng cẩn mật bằng năm bằng mười năm ngoái, vì rất có thể bị hành hạ và "vờn như mèo vờn chuột"

Kho tàng văn chương bác bọc Việt Nam có truyện "Trinh Thử" của Hồ Huyền Qui tiên sinh ca tụng loài chuột nhưng chẳng ai viết "Trinh ... Mèo”,. Có lẽ các cụ ta ngày xa kiêng cử không muốn đề cập nhiều tới chuyện "mèo chuột”, vì lý do xâm phạm thuần phong mỹ tục chăng?

Trong truyện Kiều, cụ Nguyễn Du cũng chỉ nhắc qua về mèo trong đoạn Hoạn Thư đánh ghen nàng Kiều. Hoạn Thư là vợ của Thúc Sinh, một anh chành hảo ngọt mê Thúy Kiều như điếu đổ, Hoạn Thư biết được chồng có mèo, nhưng vẫn bình tĩnh không nổi cơn tam bành làm to chuyện, coi như không biết vì “xấu chàng hổ ai”. Hoạn Thư ngấm ngầm sai hai tên đầy tớ tâm phúc là Khuyển Ưng và Khuyển Phệ bỏ thuốc mê bắt cóc Kiều mang về nhà hành hạ làm tôi đòi, rồi bắt Kiều hầu rượu khi hai vợ chồng âu yếm, lại còn lớn tiếng mắng Kiều trước mặt Thúc Sinh rằng:

“Mắng rằng: Những giống bơ thờ quen thân.
Con này chẳng phải thiện nhân,
Chẳng phường trốn chúa thì quân lộn chồng.
Ra tuồng mèo mả gà đồng,
Ra tuồng lúng túng chẳng xong bề nào”

Tội nghiệp anh chàng Thúc Sinh tuy đau đớn như muối xát trong lòng, nhưng há miệng mắc quai nên chẳng làm gì được để bênh vực cục cưng! Vì lối trả thù thâm độc của Hoạn Thư mà sau này những bà có máu ghen chồng thường được mệnh danh là họ Hoạn. Hoạn đây là để chỉ Hoạn Thư chứ không phải ghen rồi “hoạn” chồng! Các bà tuy ghen đổ lữa, nhưng cũng còn biết khôn, “hoạn” rồi thì lấy gì xài?

Tại miền Nam Việt Nam trước đây, có cuốn truyện “Mèo Đêm” xuất bản năm 1966 khá nổi tiếng của nhà văn nữ Nguyễn Thị Thụy Vũ, mô tả cặn kẽ cuộc sống thác loạn của các cô gái bán bar. Bà tên thật là Nguyễn Băng Lĩnh, sinh năm 1939 tại Vĩnh Long, là một trong số rất hiếm những nhà văn nữ được nhiều người biết đến và mến mộ thời đó.

Ngoài sách vở,còn có câu chuyện ngụ ngôn "đem chuông đi cột cổ Mèo" rất hay. Đại khái câu chuyện kể rằng có một con mèo rất sát chuột vì có tài di chuyển nhẹ nhàng lại ẩn núp hay nên xuất hiện bất chợt khiến chuột không biết đâu mà đề phòng. Một hôm, cộng đồng chuột họp lại để tìm cách cứu nguy. Sau khi bàn cãi hồi lâu, tất cả đồng ý lấy một cái chuông cột vào cổ mèo để mèo đi tới đâu sẽ phát ra tiếng chuông khiến chuột biết trước để tránh né. Ý kiến quá hay, lại hợp tình hợp lý nữa, không tán thành sao được? Tuy nhiên, khi đem ra thi hành thì bầy chuột cãi nhau như mổ bò, không anh nào chịu ngồi lại với anh nào để làm chuyện lợi ích cho cộng đồng. Ngoài ra, anh nào cũng rét không chịu hy sinh quyền lợi riêng hoặc góp sức vào việc công ích mang chuông cột vào cổ mèo. Vì vậy, công tác “cột chuông" không thực hiện được nên mèo vẫn không bị phát hiện, tự do ẩn núp rình rập, dần dần ăn hết chuột chẳng còn một mống để cãi nhau hay phản đối!

Hiện nay, Việt Cộng như một con mèo đỏ cũng đang rình rập "làm thịt" hết cộng đồng người Việt Quốc Gia tại hải ngoại. Nhưng chúng ta đa số vẫn dửng dưng thờ ơ vì chưa thấy cái hại trực tiếp cho cá nhân hay gia đình mình. Một số khác ý thức được sự nguy hiểm nhưng còn mải cãi cọ, đánh phá lẫn nhau. Kết quả chỉ mèo đỏ có lợi, có thể dần dần tỉa hết những phần tử đối kháng.

Đối với giới bình dân Việt Nam, các gia súc đều là những bạn thân thiết gắn liền với đời sống hàng ngày nên có rất nhiều bài ca dao hay câu tục ngữ nói về loài vật. Ngoài những bài ca dao ý nhị như "Trâu ơi ta bảo trâu này ...", hoặc “Con gà cục tác lá chanh ..." v.v... còn có bài “Con mèo mà trèo cây cau” rất nổi tiếng nh ư sau:

“Con Mèo mà trèo cây cau
Hỏi thăm chú chuột đi đâu vắng nhà
Chú chuột đi chợ đường xa
Mua mắm mua muối giỗ cha chú mèo"

Tuy được nhắc nhở tới, nhưng mèo vẫn không được giới bình dân đặc biệt thương yêu trừu mến như con trâu cực khổ ngoài đồng, con gà cục tác hay con lợn ủn ỉn. Ngược lại, mèo còn bị chuột là giống chuyên phá hoại thực phẩm, mùa màng chửi cha. Thật là oan uổng và bất công. Một trong những lý do của sự kỳ thị có lẽ vì mèo bị coi là lười biếng vì nằm ngủ tối ngày, lại ưa làm dáng, trong lúc trâu sát cánh với nông dân cầy sâu cuốc bẫm, gà có công làm chiếc đồng hồ báo thức, chó vừa giúp ích giữ nhà, vừa hiên ngang đi vào tận tim gan, bao tử và phèo phổi của dân Việt thì mèo chỉ được tài ăn vụng! Đã vậy, cái nghề có lên phải có xuống, cho vào lại phải thải ra, nhưng cái kiểu “dấu như mèo dấu c...” thì không ai thương được!

Nhưng xét cho cùng, nếu chỉ gán đủ các thói hư tật xấu, "trăm chuột đổ dầu mèo" thì kể cũng không công bằng. Thật ra ngoài tài bắt chuột trừ hại cho nhà nông, loài mèo còn có lắm điểm hay.

Những ai đã từng là đệ tử của thần Đổ Bác, mê xóc dĩa, bài cào, xập xám v.v... chắc đã hơn một lần ao ước trong nhà có một con mèo cái. Không phải mỗi lần đi cờ bịch lại ôm đại một chị mèo để lấy hên, nhưng với hy vọng khi nàng mèo nở nhụy khai hoa, phe ta may mắn vồ đ ược cái nhau mèo. Theo huyền thoại trong dân cờ bịch, nếu anh nào kiếm được cái nhau mèo giấu vào cạp quần thì sẽ rất hên, đặt đâu trúng đó, nhất bản vạn lợi. Tiện đây, đầu năm đầu tháng, cần có đôi lời nhắc nhở các hảo hán hào hoa phong ... thấp thường xuôi ngược trên chốn giang hồ vùng Las Vegas, Atlantic City, Reno hay các sòng bài nổi tiếng khác. Nếu quí vị có kiếm được nhau mèo, vẫn phải đề phòng cẩn thận để khỏi bị cháy túi. Chẳng may khi đi bận đồ lớn, lúc về chỉ có mỗi cái quần xà lỏn cho ... mát mẻ, hoặc còn phải moi ruột ... tượng của bà xã để chiến đấu với “tướng cướp một tay", thì cũng đừng nên trách tác giả ba xạo.

Như trên đã nói, giống các loài vật khác, mèo có nhiều chủng loại như mèo bạch, mèo mớp, mèo mun. mèo tam thể v.v... nhưng đặc biệt còn có loại mèo móng đỏ. Loại “cao điểm” của giòng giống nhà mèo này cũng nhẹ nhàng uyển chuyển, mềm mại thướt tha, dịu dàng êm ái như những loại mèo khác, nhưng ngoài đặc điểm có thể thò ra thụt dzô, móng chân móng tay của loại mèo đặc biệt này đều có màu đỏ, vì vậy có thể làm cho quí vị chủ nhân danh bại thân ... liệt! Nhất là đối với các đấng trượng phu hảo ngọt, thích "mèo chuột" mà xâm mình uống thuốc liều giám nuôi mèo loại này thì thế nào cũng bị nội bộ xào xáo. Hậu quả nếu nhẹ thì nhà tan cửa nát, ca bài "ôi ta buồn ta đi lang thang”, xách va li lên đường du lịch vô hạn định; còn nặng thì có thể lên tới chức công công thái giám, hoặc có nhiều hy vọng được tắm bằng xăng hay dầu lửa cho sạch sẽ trước khi về chầu tiên tổ. Trong lịch sử nhân loại có nhiều con mèo móng đỏ nổi tiếng như Cleopatra, Tây Thi, Bao Tự, Điêu Thuyền v.v... đã làm biết bao anh hùng hảo hán thân tàn ma dại. Gần đây con mèo móng đỏ "hiện đại" Monica Lewinsky cũng làm ngài Tông Tông xứ Cờ Hoa Bill Clinton xính vính.

Tuy Mèo không có "chỗ đứng" đặc biệt trong văn học, nghệ thuật Việt Nam, nhất là trong giới văn chương bác học, so với những gia súc khác, nhưng đối với giới bình dân, mèo là con vật khá được ưa chuộng. Bằng cớ là mèo th ường được đem ra ví von với người, và nhiều câu ca dao tục ngữ liên quan tới mèo thường được nhắc nhở trong đời sống hàng ngày.

Đối với những kẻ may mắn thuộc loại chó ngáp phải ruồi (có nhau mèo chăng?) người ta thường ví như "mèo mù vớ cá rán" . Nếu trong một tập thể gồm toàn những kẻ nịnh bợ, tâng bốc lẫn nhau kiểu "chị hát em khen hay", người đời mỉa mai đó là “mèo khen mèo dài đuôi". Trong những cuộc tranh đua đôi bên ngang tài, "kẻ tám lạng, người nửa cân", chưa phân thắng bại, tục ngữ có câu "chả biết mèo nào cắn mỉu nào". Chữ "mỉu' ở đây làm chúng ta liên tưởng đến chữ "Miu”, của Ai Cập dùng để chỉ con mèo! Đối với hạng “liễu ngõ hoa tường" hay “trai tứ chiếng, gái giang hồ", người ta thường gọi là hạng "mèo mả gà đồng". Những học trò không có hoa tay, chữ viết nguệch ngoạc thường bị thầy học hay cha mẹ chê viết như "gà bới, mèo quào”. Trường hợp một anh chàng đã có vợ, nhưng còn "tòm tem" cô em vợ ở chung, có thể viện lý do chánh đáng "mỡ treo miệng mèo".

Thông thường, mèo và chó tuy cùng là gia súc chung sống một nhà, nhưng lại không ưa nhau, gặp mặt là gấu ó nên người ta thường ví “cãi nhau như chó với mèo". Về mặt ăn uống. đối với người Việt chúng ta, mèo được coi là ăn ít, đôi khi chỉ liếm láp qua loa còn cọp nổi tiếng là ăn nhiều, có lúc “sực" hết luôn nửa con bò nên người ta ví "nam thực như hổ, nữ thực như miêu'. Câu này không rõ có đúng vào thời đại trước, khi các bà các cô còn tụng câu tam tòng tứ đức hay không, nhưng với thời đại văn minh Email "xa lộ điện tử" ngày này, có lẽ cần đổi nguợc lại mới dúng? Nếu không tin, quí vị thử nhìn đa số quí nữ nhi hồng hào phốp pháp phom phom đi shopping bên cạnh các đức anh chồng tội nghiệp tong teo như que củi thì rõ.

Câu “chó giữ nhà, mèo bắt chuột” ngụ ý ai cũng có sở trường chuyên môn, không nên tị nạnh hoặc can thiệp vào lãnh vực của người khác. Các bà nội trợ kinh nghiệm bếp núc thường dạy con cái cách giữ gìn thực phẩm “chó treo mèo đậy” vì chó không trèo cao được, còn mèo thì không ăn vụng nếu không nhìn thấy “mồi”. Những người hay tin dị đoan mê tín thường tin rằng “mèo đến nhà thì khó, chó đến nhà thì giàu”. Câu này thật không sai nếu có mèo móng đỏ tạt vào nh, thế nào cũng bị nạn hao tài! Về cách đối xử với vợ, các bậc cha mẹ có kinh nghiệm thường khuyên con trai “vợ quá chiều ngoen ngoẻn như chó liếm mặt, vợ phải rẫy tiu ngỉu như mèo bị mất tai”, ý nói nếu nuông chiều vợ quá, sẽ có ngày bị lờn mặt, còn bắt nạt hiếp đáp vợ khiến bà xã buồn bực thì gia đình mất vui.

Qua phần số mạng năm mèo, tuổi mèo chân tướng lại là con thỏ nên bản tính rụt rè nhưng lại thu hút người khác. người tuổi mèo thích nâng niu chiều chuộng, lại thân thiện nên chúng ta không ngạc nhiên khi thấy họ được nhiều người biết đến và có đông bạn bè. Bản tính mèo thương người nên thường để cảm xúc lấn lướt mọi chuyện, nếu không muốn nói là yếu lòng , nên cần phải có một chổ tựa vững chắc mới sống yên vui được.

Tuổi mèo bản tính hiền hòa, không ưa cãi vã, nên đôi khi tỏ ra tiêu cực và bất động nhưng nếu muốn tuổi mèo thay đổi chuyện gì theo ý bạn khuyên thì rất khó, vì trời sinh tuổi này có nếp sống và suy nghĩ khác người , tự họ tìm đường giải quyết . Bề ngoài cũng quan trọng đối với tuổi mèo vì họ lúc nào cũng muốn nổi bật hơn người khác. Tuổi mèo nhờ óc phán đoán chính xác nên biết người biết ta, chỉ cần thêm chút tự tin nữa là đạt tới thành công .

Qua khía cạnh nghề nghiệp, với trí thông minh cũng như sự sáng suốt của mình, tuổi mèo luôn bặt thiệp, giỏi ngoại giao. Vì thế, họ quen biết rộng rãi, có nhiều mối quan hệ xã hội. Với óc sáng tạo phong phú, mèo thường tìm đến thế giới nghệ thuật âm nhạc, hội họa, và thời trang. Thêm một nét đặc thù của mèo là họ rất tinh tế, biết quan tâm đến người khác, biết lắng nghe và cảm thông. Về tình cảm, những người cầm tinh con mèo sẽ rất vui và hạnh phúc khi được hòa nhập trong đám đông, là thành phần của một nhóm có cùng sở thích. Họ là những người bạn biết chia xẻ, luôn khiến người bên cạnh cảm thấy dễ chịu. Trong chuyện tình cảm, tuy bề ngoài mềm mỏng, mơ màng, nhưng đôi khi tuổi mèo trở nên chiếm hữu người yêu, kiểm soát chặt chẽ.

Tuổi Mèo hạp (tam hạp) với tuổi Mùi (con Dê) và tuổi Hợi (con Heo). Tuổi Mèo khắc kỵ (tứ xung) với tuổi Tí (con Chuột) , tuổi Ngọ (con Ngựa) và tuổi Dậu (con Gà).

Doanh nhân sinh tuổi mèo (sinh năm 1939, 1951, 1975, 1987 …) tính tình ôn hoà, mềm mỏng, ưa hoà bình. Họ là người có ý chí kiên cường, bất khuất; trong thương trường đặc tính này càng biểu lộ rõ rệt. Khi họ đã tin một điều gì thì tin đến cùng.

Những người nổi danh sinh tuổi Mão gồm cầu thủ Michael Jordan sinh năm 1963 (Quý Mão) là danh thủ bóng rổ Mỹ có biệt tài nhồi banh chính xác, làm bàn mau lẹ và phản ứng nhanh. Năm 1984 Michael Jordan ký hợp đồng với đội bóng rổ Chicago Bull thời hạn sáu năm với thù lao 5 triệu đô la. Bằng tài năng thể thao và cá nhân nổi tiếng, Jordan còn ký hợp đồng quảng cáo với các công ty thương mại thu được rất nhiều tiền.

Ông Hariwell người Anh có biệt tài đánh giá phẩm chất rượu bằng cách "nếm". Mỗi lần nếm rượu của ông đáng giá 1 triệu đô la. Ông sinh năm 1903 (Quý Mão), được cả thế giới công nhận cách đánh giá chính xác chất lượng rượu độc đáo bằng cách nếm này. Mỗi lần nếm ông có thể cho biết chính xác rượu này sản xuất ở đâu, thời gian sản xuất, nguyên liệu nho trồng ở vùng đất nào, xứ nào.

Ông King Gillette sinh năm 1855 (ất Mão). Năm 1871 gia đình gặp nạn, lúc đó mới 16 tuổi phải thôi học đi bán hàng. Một lần có người gợi ý với ông là nên "khai thác một loại sản phẩm nào cần thiết, chỉ dùng một đôi lần thì vứt đi" khiến khách hàng phải mua liên tục, thường xuyên”. Câu nói đó đã làm cho Gillette nảy ra ý tưởng mới, năm 1901 thành lập công ty sản xuất lưỡi dao cạo Gillette. Vì lưỡi dao giá rẻ lại thường xuyên cải tiến nên được sự hoan nghênh của khách hàng. Đến năm 1962, lưỡi dao cạo Gillette chiếm 90% thị trường nước Mỹ. trên thế giới có hàng tỷ người sử dụng sản phẩm của Gillette.

Ngoài ra, chủ nhân sáng lập hãng xe hơi Hyundai của Đại Hàn cũng là người tuổi Kỷ mão sinh năm 1939.

Câu chuyện mèo kể đến đây cũng đã dài; ngày xuân con én đưa thoi, thiết tưởng đã tới lúc tạm chia tay để làm chuyện khác hợp thời hợp thế hơn như vụ "chiếc khăn quàng màu tím nằm dưới đáy rương” của xếp Trương Vô Kỵ tân thời hít hà ao ước được vẽ lông mày cho cô gái Đồ ... Long, hay chải lông ... mèo chẳng hạn. Trước khi tạm biệt, một lần nữa kính chúc quí vị cùng bửu quyến sang năm mới mọi sự hanh thông, như ý, được mèo cưng chiều liếm láp và không bị quào. Năm vừa qua cầm tinh con cọp, tuy mang danh là chúa sơn lâm nhưng vẫn là dã thú. Năm nay, nữ hoàng mèo có bản tính hiền lành và gần gũi với người, do đó đời sống thế nào cũng thuận lợi, thoải mái, kinh tế phục hồi và mọi chuyện hanh thông êm đẹp hơn. Hy vọng những dành dựt, vật lộn, cắn xé đều qua đi cùng với năm cọp để mọi người chung sống thân thiện, hòa hoãn như bản tính loài mèo.

Cung Chúc Tân Xuân.

Trần Đỗ Cẩm
Austin, Texas Jan. 2011






























































Qúi Vị là độc giả thứ:

Web Counter

đã viếng thăm Nguyệt San Ðoàn Kết - Thành Thật Cám Ơn.

Free Web Hosting