Anh Hùng Nguyễn Thái Học:

Không Thành Công Thì Thành Nhân


Phạm Hồng Lam (Ðức Quốc)


Trước cơ nguy tan rã vì khủng bố của thực dân Pháp, VIỆT NAM QUỐC DÂN ÐẢNG quyết định khởi nghĩa với hy vọng nhờ đó giữ vững được lửa đấu tranh trong lòng người dân. Tại hội nghị Võng La ngày 26/01/30 đưa đến quyết định sinh tử đó, Nguyễn Thái Học, chủ tịch Ðảng, đã động viên các đồng chí mình bằng một câu để đời: "Chúng ta không thành công thì thành nhân, có gì mà ngần ngại".

Câu nói đã trở thành một di ngôn lịch sử.

Nó cũng là đề tài luận bàn không riêng cho giới chính trị. Tuy nhiên, cho tới nay, người ta chỉ xoay quanh việc khai triển ý nghĩa của câu nói. Thế nào là "thành công", thế nào là "thành nhân"? Trong tình thế bó buộc, nên chọn thành công hay thành nhân ? Trong điều kiện nào thì "thành công" phải được ưu tiên ? Có người vượt khỏi mạch nghĩa thông thường bào chữa rằng chữ "nhân" ở đây không có nghĩa là "người" mà là "nhân tố", "hạt mầm", nghĩa là theo họ, không thành công thì cũng trở thành một "hạt mầm" để người sau ươm tiếp, noi theo.

Dù diễn dịch thế nào đi nữa thì trong con mắt mọi người xưa nay, Nguyễn Thái Học, ngoài tấm gương yêu nước, đã đi vào lịch sử với mẫu mực đạo lý "thành nhân" đó.

Ðã không ai nhìn ra, hoặc để ý đến con người xã hội của nhà cách mạng trẻ. Nói khác đi, đã không ai đặt câu hỏi cái gì đã thôi thúc Nguyễn Thái Học trong cơn nguy biến thốt ra tư tưởng đó.

Khi động viên, hẳn ông muốn nhắc nhở các đồng chí của mình về đạo sống của người quân tử. Nhưng cách phát biểu di ngôn kia đồng thời cũng nói lên tâm tư ông một tâm tư bị dằn vặt trước hai con đường "thành công" và "thành nhân", kết quả của hai nền giáo dục truyền thống và tân học giao nhau vào thuở đó. Không riêng họ Nguyễn, mà cả thế hệ đồng thời với Ông, sinh ra trong khoảng đầu thế kỷ 20, đều cùng trong một hoàn cảnh giao thời đầy thách đố và cùng mang nỗi thao thức chung với phát biểu kia, có thể nói, cũng là phản ảnh tâm trạng chung của cả thế hệ đương thời.

Mẫu mực của hai nền giáo dục

Năm 1917 là năm toàn quyền Albert Sarraut cải cách giáo dục, xóa hẳn nền nho học vẫn song hành bên cạnh chương trình "Pháp-Việt". Chương trình của Sarraut chấm dứt năm 1945, nhưng tinh thần của nó trên thực tế vẫn ảnh hưởng mãi trên các chính sách giáo dục về sau này. Ðặc điểm của cái học mới nầy là phần đức dục bị đẩy xuống thứ yếu. Cả nền nho học, có thể nói, là một bài đức dục. Tiêu đích của nó là "đạt nhân quân tử", nói khác đi, là đào tạo con người trở thành kẻ sĩ (Kẻ sĩ không đồng nghĩa với Nho sĩ. Nho sĩ là người học nho, còn Kẻ sĩ là người đạt lý tưởng sống của đạo nho). Kẻ sĩ có thể văn võ chưa toàn, nhưng đức độ phải vẹn. Trước khi bước ra "trị nước, bình thiên hạ" kẻ sĩ phải hoàn thành "tu thân", nghĩa là phải "thành người" trước đã. Thành người để giúp đời (tiếc rằng "đời" nầy đã bị tống nho bẻ cong thành "vua chúa"), nên gương đạo lý cho người, ấy là cùng đích của kẻ sĩ. Với lý tưởng đó, kẻ sĩ sẵn sàng hy sinh mạng sống (sát thân thành nhân) cho giá trị mình theo đuổi.

Bị đối phương săn đuổi, Chúa trịnh Tông lưu lạc vào một vùng đất lạ gặp Lý Trần Quán. Quán trước đây là viên quan nhỏ trong triều. Tông nuốn nhờ Quán hộ vệ ra khỏi địa giới. Quán không rõ đường nên nhờ người học trò là Trang thay mình hộ vệ Chúa. Nhưng Trang phản, thay vì dẫn Tông thoát, lại mang về nộp cho địch. Quán hay tin, tìm tới Trang mắng trách: "Chúa là chúa chung thiên hạ, mà ta là thầy mày. Nghĩa cả vua tôi sao mày nỡ thế? Trời ơi, tôi giết chúa tôi, trời có biết không". Khi Trang đưa Tông ra kinh, Quán quay về sai chủ trọ mua cho mấy thước vải trắng, sắm cho một cỗ áo quan đặt xuống huyệt thuê người đào sẵn. "Bề tôi làm cho nhỡ vua, tội đáng phải chết. Nếu ta không chết, thì cái bụng ta vẫn không tỏ được với trời đất". Nói rồi, với mũ áo chỉnh tề, Quán bước xuống nằm trong quan tài và sai chủ trọ đậy nắp quan, lấp đất (xem Ngô Thời Chí: Hoàng Lê Nhất Thống Chí, 1969, trang 90 tt). Ðó là chuyện xa. Gần hơn, có Nguyễn Cao.

Tán Cao khởi nghĩa bị thực dân bắt. Chúng dụ hàng, Cao từ chối rồi cắn lưỡi, lấy miểng sành rạch bụng moi ruột chết. Bài thơ trước khi chết:

Sống mà đắm chìm trong vòng dê chó
Thà chết đi cùng trời đất đi về

Ðừng vội lấy con mắt ngày nay mà định giá những hành động trên. Dù sao, những cái chết thật nhẹ nhàng, thanh thản, đương nhiên. Chết vì trung, vì nghĩa.

Nếu phải chọn giữa hai giá trị, kẻ sĩ không ngần ngại "thành nhân". Nguyễn Thông kể:

Sau khi nghe Trương Ðịnh dựng cờ, Hồ Huấn Nghiệp đến hội kiến. Trở về nhà thì gặp bạn là Hài. Hài hỏi: "Trương Ðịnh khởi nghĩa, hào kiệt tới đông như vậy, không biết việc có thành không?". Nghiệp trả lời: "Hễ làm việc nghĩa, không kể thành bại." Nguyên tắc nầy là nguyên tắc sống của Nghiệp. khi lên máy chém của thực dân, Nghiệp ung dung đọc bốn câu thơ, câu đầu: "Kiến nghĩa minh cam dũng bất vi". (Kẻ sĩ cốt tranh lấy nghĩa, hễ thấy nghĩa thì mạnh dạn làm). Lịch sử cận đại ghi biết bao thí dụ khác. Nho học cuối thời Hậu Lê và dưới thời Nguyễn đã tha hóa. Dù vậy nó vẫn là lò sản xuất những tấm gương kẻ sĩ lưu truyền sử sách.

Bước vào nền giáo dục mới, đạo lý vắng bóng. Cái học của các toàn quyền, và cả về sau, không còn chú trọng "thành nhân". A. Sarraut hô hoán mục tiêu giáo dục của mình là nhằm đào tạo một thế hệ vừa tài (homme de science) vừa đức (homme de bien). Nhưng chủ đích thực sự của ông ta là hướng tới sản xuất những tay sai nữa nạc nữa mỡ "d'autant collaboratrice que francisce" (vừa hợp tác vừa Pháp hóa) (Feray, Le Vietnam au XX Siècle, Paris 1979, trang 109). Sản phẩm của nền học mới, mà ta gọi là tân học, không còn gọi là "nho sĩ", mà là "trí thức". Trí thức chủ yếu là người có nhiều kiến thức hoặc chiếm được học vị cao, nói tắt lại là người có "tài". Thế thôi, Còn "đức", đối với họ, không bó buộc vì chẳng còn thuộc nội dung giáo dục. Ðích của trí thức không phải là "đạt nhân", mà là thành công vật chất. Khác với nhà nho hành xử theo đạo trung dung, dựa trên mẫu mực quá khứ và chọn lựa ưu tiên theo tiêu chuẩn đạo đức. Căn bản hành động của Trí thức là hoàn toàn tự do, hướng về thành quả tương lai, thúc đẩy bởi tư lợi và dựa trên tính toán hơn thiệt. Tóm lại, lý tưởng của Trí thức là thành công. Xã hội ngày nay kính trọng Trí thức vì nghĩ họ là mẫu mực tiếp nối Kẻ sĩ ngày trước. Trong khi đó tác phong đạo đức của đa số Trí thức xem ra bất cập, dù rằng nhờ vốn kiến thức họ vẫn chiếm được chỗ cao trong xã hội.

Một hành vi tính toán thành công tiêu biểu là việc Nguyễn Ái Quốc bán Phan Bội châu cho Pháp năm 1925. Trong "Việt Nam Niên Biểu" (viết Khoảng năm 1929) Cụ Phan nghi cho thơ ký mình là Nguyễn Thượng Huyền (cháu của Nguyễn Thượng Hiền) phản bội. Trên một bài báo năm 1960, Huyền phản lại mối nghi đó. Theo Vương Thúc Oánh và Lâm Ðức Thụ (cả hai đều là thân tín của Quốc, tức Hồ Chí Minh), Thụ là đồng phạm với Quốc trong vụ buôn bán đó nên đã bị bỏ rọ dìm xuống sông Thái Bình năm 1949 vì họ Hồ muốn giữ bí mật cho riêng mình. Sỡ dĩ Hồ hành động như vậy là vì muốn triệt hạ uy tín của cụ Phan không cùng chí hướng và là lực cản đường tiến thân của Hồ: "Cụ Phan ái quốc thật nhưng đã quá già, đầu óc khó hấp thụ những trào tư tưởng lưu mới" (lời của Hồ). Trào lưu tư tưởng nào ông Hồ muốn nói tới? Cuối năm 1920, dưới lá cờ đảng Cộng sản Pháp, Nguyễn Tất Thành đưa tay tuyên thệ hiến hết thân mình cho Quốc tế vô sản, thề sống chết cho cuộc đấu tranh giai cấp. Cùng lúc đó tại Trung Hoa, họ Phan từ chối làm tay sai cho Cộng sản quốc tế.

Thách đố của một thế hệ

Nguyễn Thái Học sinh năm 1902. Năm lên bốn, bắt đầu thụ giáo Hán văn tại nhà một cụ Tú. Lúc 11 tuổi, Ông bỏ bút lông chuyển sang bút sắt khi nhà nước thiết lập trường tiểu học Pháp việt tại phủ Vĩnh Tường. Năm 20 tuổi, vào Cao đẳng Sư phạm, sau đó sinh viên trường Cao đẳng Thương mại. Như vậy, cho tới ngày nghị hội Võng La, cả tuổi thanh xuân của ông tắm gội trong dòng tân học. Ảnh hưởng tân học với mẫu mực "thành công" lẽ ra như vậy phải giữ phần ưu thế trong tâm tư ông. Nhưng những suy nghĩ và lựa chọn của ông cũng như các đồng chí (tân học) của ông, trái lại, cho thấy giá trị Nho học vẫn còn thắng thế. Do đâu? Hẳn là bởi môi sinh tinh thần của thế hệ Nguyễn Thái Học vẫn còn thấm đượm không khí Nho giáo. Dù rằng tân học lúc đó đã thắng thế trong học đường và trên đường tiến thân, nhưng cuộc sống xã hội nói chung vẫn còn bị trói buộc bởi các giá trị truyền thống.

Thế hệ Nguyễn Thái Học là thế hệ tân học đầu tiên. Thế hệ bị vần vũ trong xung khắc của hai nền giáo dục giao thời, biểu tượng cho sự xung đột của hai nền văn hóa Ðông Tây. Trận chiến văn hóa này đã xuất hiện nơi một số minh nho thuộc lớp nho học cuối cùng trước đó, với những Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Lương Văn Can, Trần Quý Cáp, Huỳnh Thúc Kháng... mà ta gọi là thế hệ "Duy tân". Các giá trị xã hội mới như dân chủ, dân quyền, bình đẳng, tân học, tự cường, dân trí, học nghề thực dụng... đã thắng thế trong tâm tưởng của những nhà nho duy tân.

Báo "Tribune Indochinoise" (1907, trang 1368) ghi lại: "Khi nghe nhà nho duy tân Trần Tấn Bình nói chuyện về chế độ dân chủ ở Pháp và khả năng áp dụng tại Việt Nam, các thính giả phấn chấn đến nỗi nhào lên xé nát tấm áo ngoài của ông, chia nhau mỗi người một mảnh giữ làm kỷ niệm"! Ðó là vào năm 1907, chuyện xảy ra tại Thái Bình, ông Bình vừa du lịch Pháp về. (Xem thế, dân chủ đã là thao thức nóng bỏng ngay từ đầu thế kỷ, chứ không phải như mấy lão ông ở Ba đình quẫn trí khư khư rằng Việt Nam không cần dân chủ!). Thực ra mặt trận duy tân thời đó không dễ dàng như buổi nói chuyện trên đây. Song đã vô cùng gay go, phải trả giá bằng máu (Cờ Ðộc Lập Phải Nhuộm Bằng Máu, Hoa Tự Do phải Tưới Bằng Máu: Di ngôn của Nguyễn Thái Học).

"Theo mới hoàn toàn theo mới". Với khẩu hiệu đó, Tự Lực Văn Ðoàn - thế hệ trí thức đầu tiên sống sót sau biến cố khởi nghĩa 1930 - đã đưa cuộc đấu tranh giữa Mới và Cũ tới dứt điểm. Lực lượng bảo thủ từ đây bị đẩy vào hậu trường, Ðất nước khoác bộ mặt mới với sự thắng thế của giá trị mới. Trong trận chiến văn hóa hồi đầu thế kỷ, đã có một phân công vô hình giữa hai thế hệ bản lề. Vua Duy Tân công phá cơ cấu vĩ mô, nghĩa là tấn công tầng lớp vua quan, phá vỡ vòng vây ý thức hệ phong kiến và mở ra nhận thức mới. Tự Lực Văn Ðoàn đi vào lùng dịch trong cơ cấu làng xã, gia đình, các hủ tục xã hội. Không có đợt sóng Duy Tân, nỗ lực của Tự Lực Văn Ðoàn hẳn đã không dễ dàng thành công. Bỏ ngoài một vài yếu tố tiêu cực có tính cách phụ thuộc ra, nhờ hai cuộc vận động Duy tân và Tự lực mà một "tân Việt Nam" (Phan Bội Châu) đã hình thành; đất nước bừng tỉnh sau cơn mê ngàn năm để bước vào thời đại tân tiến. Ngày hôm nay, phải có vận động nào đây với thế hệ lãnh đạo để đưa đất nước thoát khỏi vòng vây "phong kiến biến tướng" (Hà Sĩ Phu) để ngẩng mặt với thế giới?

Tuy thoát thai từ hai nền giáo dục khác nhau, lớp minh nho cuối mùa và thế hệ tân học đầu tiên vẫn còn mang nhiều đặc tính chung: yêu nước, theo mới và nhất là trên bình diện đạo sống làm người. Lý tưởng quân tử vẫn là mẫu mực chưa suy chuyển nơi họ. Những cuộc sống gương mẫu, những cái chết uy dũng của họ đã minh chứng điều này. Rút kinh nghiệm thất bại của phong trào Cần Vương, thế hệ Duy Tân đã bắt đầu thao thức về giá trị "thành công". Vì thế mà họ đã đổi chiến thuật đấu tranh để thắng lợi. Nhưng thao thức kia chưa trở thành một cuộc đấu tranh tư tưởng nơi các cụ. Bởi vì truyền thống Kẻ sĩ không cho phép đặt ra vấn đế lựa chọn nầy. Nhưng, với thế hệ tân học sau các cụ. "thành công" đã trở thành vấn nạn ray rứt đòi hỏi phải có quyết định.

Và quyết định đó là di ngôn của Nguyễn Thái Học thốt ra trong căng thẳng tận cùng của tâm trí. "Không thành công thì thành nhân", nghĩa là "thành nhân" vẫn ưu tiên, vẫn thắng. "Anh em ở lại nhé... Chúng tôi đi trả nợ nước đây", lời trối vang lên từ ngục thất Hỏa lò trong đêm bị thực dân mang đi hành hình ở Yên bái đã cụ thể hóa lý tưởng thành nhân của ông và của cả thế hệ thanh niên đương thời.

Thách đố cho mọi thời đại

Lý tưởng thành nhân của thế hệ Nguyễn Thái Học, tiếc thay, đã không còn giá trị nữa nơi các thế hệ tiếp nối về sau. Hơn nữa thế kỷ qua người Việt đua nhau mải mê chạy theo con đường thành công, tưởng đó là con đường của "đỉnh cao trí tuệ": thực tế, đúng đắn, văn minh, chắc chắn nhất đưa nước đi lên. Tiêu biểu là người Cộng sản hằng tự hào với phương châm "mục đích biện minh cho phương tiện" của họ. Phải thành công bằng mọi giá kể cả giá vô nhân. Họ phê phán và khinh khi những cái chết Yên báy là "lãng mạn", "tiểu tư sản", "vô ích". Nhưng đất nước trong tay thành công của họ đã không khá hơn, mà trái lại càng ngày càng phá sản.

Hôm nay thực tế đất nước tang thương bắt ta đặt lại vấn đề. Nhận định lại thách đố và chọn lựa của thế hệ cha ông. Thành công hay thành nhân? Câu hỏi của gần 70 năm trước vẫn mới, vẫn nhức nhối cho thế hệ hiện nay. Và có lẽ cả cho mọi thế hệ tương lai Việt Nam.

Thành công hay thành nhân???

Không có gì mang lợi cho tha nhân mà lại không khỏi đi từ căn bản thành người, căn bản mà một Nguyễn Trãi đã thể hiện với "chí nhân", Phan Bội Châu qua tấm lòng "vì dân", Nguyễn Thái Học nơi tâm vọng "thành người".

Phạm Hồng Lam
(Ðức Quốc)
































































































































Qúi Vị là độc giả thứ:

đã viếng thăm Nguyệt San Ðoàn Kết - Thành Thật Cám Ơn.

Free Web Hosting