Phiếm Luận Năm Ngọ:


Trần Ðỗ Cẩm (Austin Texas 12/2001)

(Nếu muốn trích đăng, vui lòng liên lạc Email: doanket@yahoo.com. Cám ơn.)


Sau một năm ê ẩm vì sóng gió cuộc đời, may mắn được sống sót từ World Trade Center sau vụ phá hoại của Osamar Bin Laden, rắn thần phải lết về động tu luyện hầu phục hồi công lực, chuẩn bị tái xuất giang hồ trong vòng mười hai năm tới. Thừa thắng xông lên, Thần Mã đang ào ào phóng tới dương trần, hăng hái như các tay súng Northern Alliances tiếp thu Kabul bên Afghanistan. Trước thềm năm mới đầy triển vọng ăn nên làm ra, chúng tôi hân hạnh mở đầu bài Phiếm ... Ngựa bằng cách kính chúc qúi độc giả luôn luôn dồi giào sức khỏe, làm ăn thịnh vượng phát đạt, tha hồ "lên xe xuống ngựa". Riêng đối với những người trong năm qua từng lận đận lao đao vì thị trường chứng khoán hoặc không có duyên với "hitech", đến nỗi lâm vào cảnh "trót chân kỳ ký tra vào rọ, rút ruột tang bồng trả nợ cơm", mong rằng vận hội mới được hanh thông, những xúi quẩy sẽ cùng với rắn sớm bị chôn sâu vào hang hốc. Hy vọng sang năm mới con ngựa, ai nấy cũng đều phúc lộc đầy nhà và hăng say hoạt động như "ngựa phi đường xa".

Trước khi hân hoan thơ thới cùng nhau leo lên lưng ngựa phi nước kiệu tới vùng "cỏ non xanh gợn chân trời" viếng thăm gia đình ngựa, tưởng cũng nên có vài câu giáo đầu tuồng cho đúng luật giang hồ "tiền lễ hậu binh". Trong tinh thần trà dư tửu hậu nhân lúc năm hết tết đến, mục tiêu duy nhất của bài "Ngựa luận" chỉ để mua vui cùng qúi độc giả nhân dịp xuân sang, đọc xong rồi bỏ, chẳng mang hậu ý gì khác. Tác giả sẵn sàng tuyên thệ "nhất ngôn ký xuất, tứ mã nan truy" không hề có ẩn ý "mó dế ngựa" hoặc phê bình chỉ trích bất cứ cá nhân, đoàn thể hay ông to bà lớn nào. Ngoài ra, trong lúc rượu vào lời ra nếu "ngựa non háu đá" có điều chi sơ sót, giám mong qúi độc giả rộng lòng miễn thứ.

Qua lịch sử, địa lý, văn chương, khoa học v.v... có lẽ ngựa là con vật được nhắc nhở tới nhiều nhất so với 11 con giáp khác của thập nhị chi. Sự tiến hóa của loài ngựa luôn luôn gắn liền với quá trình phát triển của con người nên đã là một đề tài rất thông dụng trong thi ca, hội họa, điêu khắc, truyện cổ dân gian v.v... Thật vậy, dù nổi tiếng như chị Mèo, chú Heo, bác Gà, anh Dê và ngay cả Cậu ... Chó cũng chỉ tối ngày biết làm đỏm, ủn ỉn đòi "chạm nọc", "cục tác lá chanh", be he hay "khóc đứng khóc ngồi", thì hình ảnh của ngựa đã được diễn tả rất hùng tráng như khi tung hoành trên chiến trường, xông pha nơi hòn tên mũi đạn lập chiến công, hoặc dễ thương và cảm động qua lòng trung thành quyến luyến tận tụy cùng một chủ. Về điểm tư cách và liêm sỉ này, những tên "ăn cơm Quốc Gia, thờ ma Cộng Sản" kém loài súc sanh ... ngựa rất xa.

Sau đây, mời qúi vị thưởng thức ly "trảm mã trà" thấm giọng trước khi cùng nhau lần lượt tìm hiểu nguồn gốc loài ngựa cũng như sự liên quan mật thiết giữa ngựa và người qua dòng tiến hóa của lịch sử.

NGUỒN GỐC LOÀI NGỰA

Sách vở khoa học xếp ngựa vào giống "Equus" là loài động vật có vú, mang móng đề và ăn cỏ cây. Từ nguyên ngữ "Equus" gốc Latin, chữ "Equine" được dùng để chỉ những điều liên quan đến ngựa hoặc giòng giống "Equidae" gồm Ngựa, Lừa (ass) và Ngựa Vằn (zebra); "Equestrian" (tiếng Latin Equester) là môn thể thao "kỵ mã" có trong chương trình trong Thế Vận Hội. Danh từ "Ngựa" hay "Horse" bắt nguồn từ tiếng Latin "Hippus" hoặc tiếng Hy Lap "Hippo". Do đó, tiền ngữ "hippo" được dùng để chỉ các chuyện trăm thứ bà dằn dính dáng tới ngựa; thí dụ như "hippodrome" là "trường đua ngựa"; "hippopotamus" là con "hà mã" hay trâu nước chuyên sống dưới sông bên Phi Châu. Tuy nhiên, nếu thừa thắng xông lên mà ngôn rằng "Hippocrates" cũng có dính dáng đến ngựa, sợ rằng sẽ bị các vị lương y quở trách, vì đây là tên cúng cơm của ông Tổ Sư nghề Thầy Thuốc bắt nguồn từ Hy Lạp. Mỗi khi ra trường, các Bác Sĩ đều phải tuyên thệ trước tượng Thánh Tổ "lương y như từ mẫu" này.

Về mặt sinh hoạt, thoạt kỳ thủy, ngựa sống từng bầy nơi núi rừng hoang dã như những dã thú khác. Tùy theo địa thế, thời tiết, thủy thổ v.v... nơi cư ngụ, loài ngựa bắt buộc phải thay đổi, thích ứng với môi trường chung quanh để sống còn. Do đó nơi vùng đồng cỏ mênh mông có loại ngựa cao cẳng để chạy nhanh hầu tránh ác thú săn bắt; tại vùng núi non hiểm trở ngựa biến đổi thành loại lừa chân ngắn để dễ leo trèo, hoặc nơi rừng rậm lại trở thành giống ngựa vằn có sọc để dễ ngụy trang. Như vậy, loài lừa hoang (ass), lừa nhà (donkey), la (mule) và ngựa vằn (zebra) đều là bà con trong gia đình ngựa. Các loài này có thể phối hợp lẫn lộn, thí dụ như loài la là giống lai giữa lừa và ngựa, nhưng con sinh ra không có khả năng sinh sản. Loài ngựa vằn thường sống tại vùng đồng cỏ bên Phi Châu với đặc điểm vằn hai bên hông của cùng một con ngựa không bao giờ giống nhau và các vằn trên mỗi con ngựa cũng đều khác nhau, như chỉ tay của mỗi người.

Vì ngựa giúp ích rất nhiều cho cuộc sống loài người nên ngay từ thời thượng cổ đã có nhiều tài liệu ghi lại sự liên hệ mật thiết giữa người và ngựa. Lúc sơ khai, ngựa cũng như loài người và các súc vật khác, đều sống nơi hoang dã gần với thiên nhiên. Khi đó, thịt ngựa là một trong những thức ăn thông dụng của người tiền sử. Sau này, khi người biết tìm nơi hang động để trú thân, ngựa hoang bị bắt về, nuôi dưỡng trở thành gia súc. Lúc người biết săn bắn, trồng trọt, ngựa là phương tiện để cưỡi khi săn bắt những con vật khác hoặc làm công việc nặng như chuyên chở, kéo cầy v.v.... Lâu dần, vì nhu cầu di chuyển hoặc chuyên chở thực phẩm, vật dụng trao đổi từ nơi này qua chỗ khác, ngựa được dùng để thồ hàng hóa hay kéo xe. Ðặc biệt, trong các cuộc giao tranh, ngựa đã trở thành một chiến cụ lợi hại mở đầu cho các đạo kỵ binh tân tiến. Qua lịch sử chiến tranh của nhân loại, chúng ta được thấy các đạo kỵ binh nổi tiếng như Cossacks bên Nga, hoặc của Thành Cát Tư Hãn đã từng chinh phục khắp nơi đến độ "vó ngựa Mông Cổ đi tới đâu, cỏ không mọc được tới đó", dù vó ngựa kiêu dũng này đã bị thảm bại khi đến Việt Nam. Vào thời xưa, vì kỵ binh cần tốc độ để tốc chiến tốc thắng nên các chiến mã thường cao và nhẹ để có thể chạy nhanh. Trong trường hợp cần chuyên chở hoặc kéo xe nặng, loại ngựa chân ngắn lại có nhiều "mã lực" (horse power) hơn. Vì vậy mới có các loại "mã chiến xa" (charriot) dưới thời La Mã hoặc xe song mã (hai ngựa kéo) hay "tứ mã" (bốn ngựa kéo) của các vua chúa hay nhà giàu có như hoàng gia Anh quốc vẫn dùng trong những dịp lễ lạc đặc biệt. Danh từ "mã lực" bắt nguồn từ các con "ngựa kéo xe" này và phổ thông trong kỹ nghệ cơ giới cho tới ngày nay. Một mã lực có sức mạnh tương đương với 745.7 watts hay 33,000 foot/pound mỗi phút.

Hiện nay, tuy kỹ nghệ cơ giới đã tiến bộ vượt bực, ngựa cũng vẫn còn là loại gia súc rất được người mến chuộng, hoặc dùng để cưỡi giải trí hay trong các cuộc tranh tài thể thao. Như vậy, sự tiến hóa của loài ngựa từ đời sống nơi hoang dã, qua thời kỳ "gia súc hóa" cho đến ngày nay phải là một quá trình khá phức tạp và hấp dẫn.

Căn cứ vào những hóa thạch vật và những bức họa còn sót lại trong các hang động từ thời thượng cổ, có lẽ thủy tổ loài ngựa xuất hiện vào thời Paleocene cách đây khoảng 75 triệu năm cùng với đa số các giống vật khác. Ngựa "thủy tổ" này có một móng cái và 4 móng phụ. Ðây chỉ là điều dự đoán vì cho tới nay vẫn chưa có bằng cớ chắc chắn. Qua thời Eocene (58 triệu năm), loài ngựa Eohippus (Eos tiếng Hy Lạp có nghĩa là bình minh) xuất hiện. Ðây mới chỉ là con vật khá nhỏ, cao không quá nửa thước, đuôi dài, cổ ngắn, chân trước có bốn móng, chân sau có 3 móng thường sống bằng cây cỏ nơi chốn đầm lầy. Tới thời Oligocene (38 triệu năm), giống ngựa Mesohippus (Meso tiếng Hy Lạp có nghĩa là "giữa") ra đời, hình dáng bằng con chó săn ngày nay, chân chỉ còn ba móng với móng giữa lớn hơn hai móng bên cạnh. Vào thời Miocene (28 triệu năm) loài ngựa tiến hoá thành giống Merychippus ((Meryx tiếng Hy Lạp có nghiã là đơn giản). Ðặc biệt, chân ngựa Merychippus cũng có ba móng, nhưng móng giữa lớn hơn hai móng kia rất nhiều và khi chạy, chỉ móng giữa chạm đất. Thân ngựa cao lớn hơn, tương tự giống ngựa lùn "Shetland Pony" ngày nay, răng dài và cứng rất thích hợp để gặm cỏ ngoài đồng hoang. Ðến thời Pliocene (12 triệu năm), ngựa trở thành giống Pliohippus (Pleion tiếng Hy Lạp có nghiã là "thêm"), cao bằng ngựa con hiện nay với răng dài và rộng để gặm cỏ. Tới thời Pleistocene (1 triệu năm), giống ngựa Equus là tổ của ngựa hiện thời xuất hiện, vì cần nhón gót để chạy nhanh nên các móng phụ biến mất, chân chỉ còn một móng đề chính. Ðặc biệt, vào cuối thời kỳ này, giống ngựa Equus trước đây sinh sống rất nhiều tại lục địa Mỹ Châu bỗng nhiên tuyệt chủng, có thể vì thời tiết thay đổi, bệnh dịch hay không thích hợp được với môi sinh mới dưới thời Nước Ðá (Ice Age). Rất may, thời đó các lục địa còn dính liền nhau nên ngựa Equus di chuyển qua được lục địa Á Châu ngày nay, có lẽ bằng ngả Alaska hay Siberia.

Cuối cùng là loài ngựa Equus Caballus hiện tại, xuất hiện cách đây chừng 25,000 năm, dưới thời Paleolithic (Thời Ðá Cũ). Vào giai đoạn này, loài người săn ngựa hoang cùng những thú vất khác để làm thực phẩm. Ngựa được gia súc hóa vào thời kỳ Neolithic (Thời Ðá Mới) cách đây chừng 5 ngàn năm. Riêng tại lục địa Mỹ Châu, ngựa chỉ tái xuất hiện do người Tây Ban Nha mang sang trong thời gian khám phá Mỹ Châu cách đây chừng 500 năm.

Tổng cộng trên thế giới hiện nay có chừng 200 giống ngựa khác nhau, nhưng đại cương kể về công dụng, ngựa "gia súc hóa" được chia thành loại "Ngựa Kéo" (Draft Horses) và "Ngựa Nhẹ" (Light Horses).

"Ngựa Kéo" xuất hiện từ thời cổ Hy Lạp - La Mã là giống to cao, khỏe mạnh dùng để kéo xe, làm việc nặng hoặc có thể để các kỵ sĩ mang giáp trụ tổng cộng nặng tới 200 kg cưỡi khi ra trận. Tới thời Trung Cổ, cùng với sự phát minh yên và cương, loại "Ngựa Kéo" lại càng hữu dụng. Cho tới thế kỷ 19, các loại trâu, bò được dùng để thay thế cho "Ngựa Kéo". Giống "Ngựa Kéo" thông dụng nhất hiện nay tại Hoa Kỳ gồm các loại "Belgian, "Clydestal", "Percheron" v.v... Riêng loại ngựa "Shire" rất thông dụng bên Anh.

"Ngựa Nhẹ" là loài tân tiến hơn, bắt nguồn từ giống ngựa "Arabian". Loại này gồm có các giống ngựa đua nổi tiếng "Thorougbred"; ngựa để cưỡi "American Saddle Horse"; ngựa dùng để chăn bò, cừu "Morgan" và "Quarter Horse"; ngựa cưỡi giải trí "Standardbred" v.v.... Riêng các giống "Palomino" và "Pinto" với màu sắc đặc biệt cũng rất đắc lực trong việc chăn nuôi gia súc.

Ngày nay, tuy ngựa không còn được dùng nhiều trong các công việc nặng, nhưng lại rất thông dụng trong các hoạt động giải trí, thể thao hoặc trình diễn.

NHỮNG ÐIỀU ÐÁNG GHI VỀ NGỰA

Ngựa được coi là trưởng thành khi lên bốn tuổi, nặng vào khoảng 500 kg và có chừng 13 gallons máu. Tuổi thọ trung bình của ngựa vào khoảng từ 20 đến 25 năm, nhưng có con sống lâu kỷ lục tới 62 năm. Chiều cao của ngựa được đo bằng đơn vị "gang" (hand) tương đương với 4 inches. Ngựa cao trung bình khoảng 15 gang (hh hay hand high). Con ngựa nặng nhất thế giới được ghi nhận có tên là Sampson, sinh năm 1846 bên Anh, nặng tới 3,360 pounds và cao 21.2 hh. Móng ngựa cũng như móng tay, móng chân của người, mỗi tháng mọc dài thêm chừng 1 cm, vì vậy phải gọt móng thường xuyên. Mỗi lần gọt móng phải lấy móng sắt ra, gọt xong mới đóng lại. Người Tây Âu coi móng sắt của ngựa là vật hên, nhất là móng sau của một con ngựa cái màu xám. Vì vậy móng ngựa thường được treo cạnh lò sưởi hay trước cửa nhà để cầu may mắn. Tuy nhiên, nếu móng ngựa bị treo ngược (upside down) sẽ bị mất hên. Có một loài cua sống dưới biển, mai hình móng ngựa tương tự như con sam, tiếng Anh gọi là "horseshoe crab". Hiện nay, tại Lincolnshire bên Anh, dân chúng vẫn còn tin rằng khi gặp chó trắng sẽ mất hên, người ta phải giữ yên lặng cho tới khi gặp được một con ngựa trắng.

Ðối với người Việt, ngựa lớn, ngựa con hay đực, cái v.v... cũng đều gọi là ... ngựa, nhưng người Mỹ cầu kỳ đặt ra nhiều tên riêng biệt. Ngựa non, cao dưới 14.2 hh được gọi là "Pony". Ngựa đực trên 4 tuổi gọi là "stallion". Ngựa cái trên 4 tuổi gọi là "mare". Ngựa bố gọi là "sire" trong khi ngựa mẹ gọi là "dam". Ngựa con mới đẻ gọi chung là "foal", nhưng con cái gọi là "filly", đực gọi là "colt", "mustang" là ngựa hoang. Ngựa mẹ mang bầu khoảng 11 tháng trước khi sinh con. Khi ngựa con sanh ra được khoảng hai tiếng đồng hồ đã có thể bước đi và bú. Giòng sữa đầu tiên của ngựa mẹ gọi là "colostrum" rất quan trọng vì có đặc tính ngăn ngừa bệnh tật cho ngựa con.

GIỮA NGỰA VÀ NGƯỜI

Từ thuở khai thiên lập địa, loài người đã biết săn bắn thú vật sống nơi hoang dã để làm thực phẩm. Dần dần, một số thú vật tương đối dễ dậy được loài người bắt về để nuôi làm gia súc. Các đây khoảng mấy chục ngàn năm, ngựa và chó là các loại thú vật đầu tiên được "gia súc hóa" vì công dụng của chúng trong việc săn bắt các thú vật khác. Khi loài người trở thành văn minh hơn, biết trồng trọt, cầy cấy, ngựa lại càng hữu dụng khi được dùng để làm phương tiện di chuyển, kéo cày, kéo xe hoặc chuyên chở những vật dụng nặng. Sau này, ngựa còn được dùng nhiều hơn trong chiến trận. Một điểm khá lý thú là qua các di tích còn để lại, giây cột hàm ngựa được phát minh trước yên ngựa. Ðiều này chứng tỏ ngựa được dùng trong các công việc nặng trước khi để cưỡi.

Người La Mã là giống dân đầu tiên dùng ngựa để chuyển vận hàng hóa. Sau đó, nhiều loại xe do ngựa kéo xuất hiện, nhưng chỉ được dùng trong các đoạn đường ngắn. Thoạt đầu, khi trục bánh xe chưa được phát minh, các xe ngựa đều dùng càng lết trên mặt đường, tương tự như xe trượt tuyết do chó hay ngựa kéo ngày nay. Bên Anh, giống ngựa "Chapman" rất thông dụng để thồ kéo hàng hóa trong việc buôn bán, vì vậy, danh từ "chapman" có nghĩa là "lái buôn" còn được dùng cho tới bây giờ. Hiện nay, ngay tại quốc gia có nền văn minh cơ khí tiến bộ nhất trên thế giới là Hoa Kỳ, ngựa vẫn còn được dùng để chuyên chở hàng hóa vật dụng nơi các nông trại thuộc vùng rừng núi như Rocky Mountain. Tại các vùng thiếu đường xá hoặc khí hậu khắc nghiệt như cao nguyên Nam Mỹ hay Hy Mã Lạp Sơn, có thể nói loại ngựa chân ngắn là phương tiện chuyên chở duy nhất, như chúng ta vẫn thường thấy hình ảnh các đoàn ngựa thồ chở vật dụng và lương thực cho những đoàn thám hiểm leo núi.

Trong ngành nông nghiệp, bên Âu Châu, ngựa được dùng để kéo cày, chuyên chở hạt giống ra ruộng cũng như đưa nông phẩm về nhà sau mùa gặt hái. Sau đó, các sản phẩm trao đổi, mua bán tại thị trường cũng do ngựa đưa tới. Khi hàm thiếc, cương và móng sắt được phát minh, ngựa lại càng hữu dụng khi được dùng để kéo xe hay cưỡi. Tới lúc loài người tiến bộ hơn, biết xẻ những kinh đào, ngựa lại được dùng để kéo thuyền bè.

Khi chế độ bộ lạc, sống riêng rẽ trong một địa hạt nhỏ bé vì nhu cầu phát triển dần dần bị xóa bỏ để thành lập những quốc gia rộng lớn hơn và các phương tiện truyền thông tân tiến chưa được phát minh, ngựa được dùng hầu như độc quyền trong lãnh vực thông tin liên lạc. Ngay từ thời Alexander Ðại Ðế tại vùng Macedonian, tới các triều đại La, Hy, sang các nước Á Châu v.v..., ngựa đã được dùng để chuyển công văn, thư từ. Trong lịch sử cũng như các chuyện nổi tiếng Âu Á, chúng ta thấy không thiếu hình bóng các chàng kỵ sĩ ngày đêm phi ngựa báo tin hoặc chuyển công văn hỏa tốc. Cho tới thế kỷ thứ 19, tại Hoa Kỳ vẫn còn công ty thương mãi nổi tiếng Pony Express dùng ngựa để chuyển thư. Công ty này được thành lập vào năm 1860 để chuyển thư từ thượng khẩn từ St. Joseph, Missouri qua Sacramento, California, đường dài chừng 2,000 dặm. Dạo đó, nếu dùng xe ngựa chở khách thông thường, phải mất 20 ngày, nhưng dùng Pony Express bằng cách "ngựa chạy tiếp sức"chỉ tốn phân nửa thời gian. Mỗi kỵ mã phi ngựa khoảng 75 dặm một ngày, thay ngựa mỗi khi chạy chừng 10 tới 15 dặm. Tổng cộng, công ty Pony Express có khoảng 400 bưu trạm cách nhau chừng 25 dặm, khoảng 400 tới 500 ngựa và chừng 80 kỵ sĩ. Khi công ty Pacific Telegraph hoàn thành đường giây điện tín vào tháng 10 năm 1861, công ty Pony Express phải đóng cửa vì cạnh tranh không nồi với kỹ thuật truyền tin mới.

Về mặt giải trí, các gánh xiệc đều nuôi nhiều súc vật như voi, khỉ, cọp, sư tử, chó v.v... trình diễn nhiều màn ngoạn mục được khán giả, đặc biệt trẻ em, rất ưa thích. Trong số những "tài tử súc vật" này, ngựa là loài vật đầu tiên góp phần trình diễn và có thể nói chính ngựa đã mở đầu cho ngành xiệc. Gánh xiệc đầu tiên chào đời tại Anh quốc vào năm 1768 tại Lambeth do tay kỵ mã Philip Astley làm chủ, vì vậy, đa số các màn trình diễn đều do ngựa đảm trách. Hiện nay, tuy các màn xiệc đã tiến qua giai đoạn "cơ giới" phối hợp nhiều kỹ thuật tân kỳ pha trộn âm thanh cũng như ánh sáng màu sắc ngoạn mục, nhưng các màn do ngựa trình diễn vẫn được ưa chuộng, đặc biệt trong các gánh xiệc Âu Châu. Gánh "Swiss Circus Knie" của Thụy Sĩ có một đoàn ngựa trắng giống Lipizanner rất nổi tiếng, mỗi khi ra sân khấu được trang bị rất công phu đẹp mắt, đầu cắm lông tím, yên giát vàng. Bên Ðức, gánh xiệc của Franz Althoff có màn đặc sắc do 48 con ngựa cùng trình diễn. Gánh xiệc Krone có ngựa Pegasus trình diễn màn "kéo cưa" độc đáo với voi Lony rất được khán giả tán thưởng. Các gánh xiệc danh tiếng bên Âu Châu như Bertram Mills' Circus bên Anh, Amar của Pháp, Moscow Star Circus của Nga v.v... cũng có những màn do nhiều người đẹp cùng với ngựa trình diễn rất công phu và đẹp mắt.

Gần đây nhất, chúng ta cũng thấy ngựa đóng vai trò rất quan trọng trong các phim ảnh. Những phim lịch sử thời cổ như "Helen of Troy", "Cleopatra", "Spartacus", "Hiệp Sĩ Bàn Tròn" v.v... với những cảnh đua xe ngựa hoặc các tay giác đấu (gladiator) mặc giáp trụ từ đầu đến chân, tay cầm kiếm hoặc thương dài, phóng ngựa xông thẳng vào nhau, đâm chém tới chết. Còn các phim Cowboy diễn tả cuộc sống gần như vô luật pháp của miền Viễn Tây Hoa Kỳ cách đây không lâu, như "Rio Bravo", "The Hanging Tree", "The Last of Mohican", v.v... Chúng ta thấy cảnh những cỗ xe ngựa tốc hành do các "cowboy" hộ tống chạy qua miền núi đồi hoang dã bị người da dỏ cưỡi ngựa đuổi bắt, đôi bên chém giết nhau, hay những tay "sheriff" ngày đêm rong ruổi trên lưng ngựa săn bắt tội phạm nổi tiếng như "Billy the Kid", Sam Bass v.v... Tài tử Hoa Kỳ John Wayne được nổi tiếng và dân chúng hâm mộ nhờ những phim "Cowboy" này. Ngay cả Tổng Thống Ronald Reagan trước đây cũng là một tài tử phim "Cowboy" khá nổi tiếng trên màn bạc.

Tù trưởng Crazy Horse của bộ tộc da đỏ Sioux cũng rất nổi tiếng trong các trận đánh với người da trắng tại miền Viễn Tây cách đây không lâu. Crazy Horse tên thật là Tashunkewitko, sinh năm 1845, từ nhỏ đã quen sống trên lưng ngựa như đa số các chiến sĩ da đỏ khác. Lớn lên, Crazy Horse trở thành một thợ săn bò rừng có tài và một tù trưởng can đảm chưa bao giờ bại trận dưới tay người da trắng, được dân da đỏ sùng bái. Trận đánh nổi tiếng nhất của Crazy Horse xảy ra tại Little Big Horn vào ngày 26 tháng 6 năm 1867. Mặc dầu bị đánh úp, liên quân da đỏ Sioux và Chayenne do Crazy Horse chỉ huy nhờ thông thạo địa thế, đã lật ngược thế cờ, tiêu diệt toàn bộ đoàn quân da trắng và giết chết tướng chỉ huy Custer. Tuy là một đối thủ lợi hại, nhưng người da trắng rất thán phục Crazy Horse vì tinh thần hào hiệp thượng võ không bao giờ hèn nhát đánh lén hoặc giết kẻ thù ngã ngựa. Crazy Horse bị người da trắng giết chết tại Fort Robinson, Nebraska vào năm 1877 khi trở về nhà săn sóc người vợ bị đau ốm. Cùng với các tù trưởng da đỏ khác như Sitting Bull, Red Cloud, Charging Bear v.v... tên tuổi Crazy Horse đã trở thành bất tử trong lịch sử miền Viễn Tây Hoa Kỳ.

Trên địa hạt thể thao, ngay từ năm 1450 trước Tây Lịch, đua ngựa và đua xe ngựa đã là những cuộc tranh tài rất hào hứng tại Vận Ðông Hội Olympic bên Hy Lạp, có thể coi là thủy tổ của bộ môn "Equestrian" (Kỵ mã) trong Thế Vận Hội tân tiến thời nay. Thời cổ La Mã, môn đua ngựa được khởi đầu từ thế kỷ 4 trước Tây Lịch với các tay kỵ mã thường là nô lệ như những giác đấu (gladiator). Khi người La Mã xâm lăng Âu Châu, họ truyền bá môn đua ngựa qua nước Pháp thời cổ (Gaul) rồi sang bên Anh, tuy lúc đó, một số bộ lạc bên Ðức cũng đã có môn đua ngựa. Nhưng mãi đến năm 1605, người Anh mới có những cuộc đua được tổ chức có hệ thống tại trường đua Newmarket ở bờ biển phía Ðông, cách London chừng một giờ xe lửa, với hai đường đua nổi tiếng là Rowley Mile Course và July Course. Dù môn thể thao khác dùng đến ngựa như Polo cũng bắt nguồn từ bên Anh, nhưng môn đua ngựa được nổi tiếng và nhiều người biết đến nhất cho đến ngày nay. Cuộc đua nổi tiếng nhất trên thế giới là Epsom Derby bên Anh với vòng đua dài một dặm rưỡi dành cho ngựa loại ba tuổi được khởi sự từ năm 1780. Trường đua thanh lịch nhất là Royal Ascot, dài hai dặm rưỡi. Ngựa và nài nào đoạt giải Ascot Gold Cup sẽ được nổi tiếng, coi như bất tử. Tại Việt Nam trước đây, ở Hà Nội có khu "Quần Ngựa", còn Sài Gòn có trường đua Phú Thọ cũng được nhiều người biết tới.

Ngày nay tại Hoa Kỳ, môn đua ngựa rất được ưa chuộng, hầu như khu vực đông dân cư nào cũng có trường đua ngựa. Giới chủ ngựa thượng lưu bỏ ra rất nhiều tiền nuôi ngựa để mong được thắng giải lấy tiếng; giới bình dân ưa thích vì được dịp đánh cá, có thể trúng những món tiền khá lớn. Hàng năm tại Hoa Kỳ, có ba cuộc đua nổi tiếng và được nhiều người theo dõi nhất, đó là Kentucky Derby, Preakness Stakes và Belmont Stakes. Ngựa nào thắng cả ba cuộc đua được gọi là "Triple Crown Winner". Cuộc đua nổi tiếng nhất Kentucky Derby được tổ chức từ năm 1875 tại Louisville Jockey Club Couse, đường đua Churchill Downs dài một dặm một phần tư. Ngựa Secretariat giữ kỷ lục với thời gian 1 phút 59 giây 2/5 và là ngựa duy nhất chạy dưới 2 phút. Cuộc đua được mệnh danh là "Run for the Roses" được tổ chức vào ngày thứ bảy đầu tiên của tháng năm. Cuộc đua Preakness Stakes được tổ chức từ năm 1870 tại Pimlico Race Course dài một dặm rưỡi, thuộc Maryland. Ðây là chặng thứ nhì của "Triple Crown". Vào năm 1890, giải Preakness được dời về New York vì Maryland Jockey Club bị thiếu tiền, nhưng tới năm 1909 lại trở về Maryland. Cuộc tranh tài tại Preakness được tổ chức sau Kentucky Derby 2 tuần. Giải kỳ cựu nhất trong những cuộc đua "Triple Crown" là Belmont Stakes thuộc Elmont tiểu bang New York, được tổ chức lần đầu tiên vào ngày 19 tháng 6 năm 1867 tại trường đua Jerome Park, đường dài một dặm rưỡi. Ðây là cuộc đua gian lao nhất vì đường đua dài và làm bằng đất. Ngựa Rutjless thắng giải đầu tiên tại Belmont. Những ngựa "Triple Corwn Winner" nổi tiếng gồm Secretarial, Affirmed, Seattle Slew.

Ngoài môn đua ngựa, các cuộc thi tài "cưỡi ngựa chứng" (Rodeo) để làm sống lại những hoạt động trước đây của những tay "cowboy" cũng rất được dân chúng Hoa Kỳ hâm mộ. Tại những tiểu bang vùng Nam Hoa Kỳ, hàng năm đều tổ chức những cuộc đấu xảo súc vật, trong đó các tiết mục quăng giây "lasso" bắt bò chạy rông và "rodeo" là những hấp dẫn chính.

Trên lãnh vực văn chương, ngựa được yêu chuộng và nhắc nhở nhiều nhất vào thời Trung Cổ bên Âu Châu, đến độ danh từ "Chevalier" hay "Cavalier" (Hiệp sĩ) nảy sinh từ tiếng Pháp "Cheval" hay tiếng Ý "Cavallo" có nghĩa là ngựa. Qua sách vở hay phim ảnh nổi tiếng như "Ivenhoe", "Hiệp Sĩ Bàn Tròn", "King Arthur" v.v..., các tay hiệp sĩ không thể tạo nên chiến tích lừng lẫy nếu thiếu ngựa. Có thể nói những con ngựa nổi tiếng như Lamri của vua Arthur, ngựa Bajardo bất tử của Orlando do rồng canh giữ v.v... đã in đậm dấu chân trong hầu hết sách vở thời đó. Ngoài ra, còn có nhiều ngựa khác nổi tiếng không kém như tuấn mã Bayard của bốn anh em nhà Aymon dưới thời Charlemagne bên Pháp, hoặc ngựa Bavieca trong tác phẩn "Le Cid" của văn hào Corneille. Tuy nhiên, không phải ngựa nào trong văn chương Trung Cổ cũng là tuấn mã. Ngược lại, trong tuyệt phẩm "Don Quixote" của văn hào Cervantes, Rosinante là một con ngựa ốm đói gầy gò, lưng ỏng trông rất tội nghiệp nhưng lại được chủ là Don Quixote qúi trọng hơn cả những con ngựa qúi khác như Bucephalus của Alexander Ðại Ðế hay Bavieca trong "El Cid". Ngay cái tên "Rosinante" cũng được ghép lại từ tiếng Tây Ban Nha "Rocin" có nghĩa là "ngựa gầy" và "Ante" có nghĩa là "trước".

NGỰA VÀ HUYỀN THỌAI

Theo thần thoại Hy Lạp, con ngựa đầu tiên do Thủy Thần Poseidon tạo dựng và vị vua thứ nhất của xứ Athens tên Erichthonius là người đầu tiên xử dụng xe ngựa. Do đó, nhà vua và cỗ xe tứ mã này được đưa lên trời trở thành chòm sao "Auriga" có nghĩa là "Người cưỡi xe" (charioteer) bất tử. Xe của Thần Mặt Trời Phoebus, Ðịa Vương Pluto và Nữ Thần Aurora cũng do những toán ngựa lừng danh kéo. Ðặc biệt, ngựa của võ sĩ khỏe vô địch Hercules mang tên Arion do Thủy Vương Neptune tạo ra bằng cách dùng chĩa ba đâm mạnh xuống mặt đất. Ngựa Arion có chân người, nói tiếng người và chạy rất nhanh. Thủy Vương cũng tặng hiệp sĩ Achilles một con ngựa qúi mang tên Baios (lẹ làng). Thủy Vương Neptune có đặc tài tạo ra những loài ngựa pha trộn hiếm có, kỳ lạ như giống "Hyppocampus" thân giống rồng hay cá, chỉ có hai chân trước. Những con ngựa vừa kể tuy rất nổi tiếng, nhưng cũng chưa thể so sánh được với huyền thoại về thần mã Pegasus hay "nhân vật" đầu người mình ngựa Centaurus và nhất là truyện con ngựa gỗ thành Troy được văn hào Virgil kể lại trong tuyệt tác phẩm Aeneid.

Pegasus, một con ngựa có cánh như chim đại bàng, là con của Thủy Thần Poseidon và nàng Medusa. Khi Medusa bị người hùng Perseus chém đầu, máu từ cổ nàng phun ra thành ngựa Pegasus. Ngay khi vừa ra đời, Pegasus dậm mạnh chân xuống núi Helicon tạo thành giòng suối Hippocrene khơi nguồn cho thi ca. Lớn lên, Pegasus trở thành ngựa bất kham, không ai trị nổi. Lúc đó, có con quái thú Chimaera đầu sư tử, mình rồng thở ra lửa đang tàn phá vùng Lycia. Gặp lúc nhà vua tìm kiếm nhân tài trừ hại cho dân, chàng hiệp sĩ Bellerophon là hoàng tử xứ Corinth đến xin đi giết quái vật và được chấp thuận, nhưng vẫn còn chưa tìm được một chiến mã xứng đáng. Theo lời chỉ dẫn của một pháp sư, trước khi lên đường, Bellerophon tới khấn vái tại đền thờ nữ thần Minerva còn được gọi là Athena. Ðến đêm, nữ thần báo mộng, trao cho một sợi giây cương bằng vàng và chỉ cho Bellerophon chỗ thần mã đang uống nước bên một giòng suối. Khi thấy sợi giây cương vàng, Pegasus tỏ lòng thần phục, ngoan ngoãn để Bellerophon tròng vào cổ. Sau đó, Pegasus cùng Bellerophon bay vọt lên mây, đến chỗ Chimaera đang tác oai tác quái, chém được đầu con quái vật này. Cùng với Pegasus, Bellerophon còn giết được nhiều quái vật khác, trong đó có giòng giống Amazons. Với những chiến công liên tiếp, Bellephon trở thành kiêu căng, coi mình như thần linh, giục ngựa Pegasus bay tới núi Olympus đòi sống chung với các vị thần. Ngựa Pegasus thấy Belleophon quá kiêu ngạo bèn quật chàng xuống đất. Không còn thần mã, về sau Bellerophon trở thành một anh lang thang không nhà cửa, bị các thần linh ghét bỏ, còn ngựa Pegasus ở lại chuồng tại núi Olympus, được thần Zeus yêu chuộng và trao tặng cho Eos. Ngày nay, hình ảnh thần mã Pegasus tung vó và cánh bay trên trời, tượng trưng cho sự di chuyển mau lẹ và thuận lợi, vẫn còn được dùng tại nhiều nơi. Như ở Việt Nam trước đây, chúng ta thường thấy bảng hiệu của hãng xăng Mobil hoặc một số hãng xe đò vẽ hình ngựa bay.

Ngoài ngựa Pegasus, loài quái thú đầu người, mình ngựa Centaurs cũng rất nổi tiếng trong thần thoại Hy Lạp. Theo truyền thuyết, thoạt kỳ thủy dân Hy Lạp không có ngựa, cho tới khi thấy người nước láng giềng Thessaly dùng loài gia súc này rất tiện dụng trong việc săn bắn, kéo xe, nên bắt chước. Dân Thessaly khi cưỡi ngựa dùng cung tên săn bắn hay đuổi bắt gia súc trông rất hung dữ, nhìn xa trong đám bụi mù chỉ thấy đầu và thân người như dính liền vào mình ngựa, nên người Hy Lạp cho rằng có loài quái vật thân người mình ngựa. Centaurs cũng giống như những tay "cowboys" hoặc lính lê dương "ba đá" thời cổ, rất hiếu chiến và say sưa ưa đánh lộn. Xuất sứ của Centaur được kể như sau: nguyên Axion là người xứ Thessaly yêu nàng Hera là vợ thần Zeus khiến thần nổi ghen, biến một đám mây tên Nephele thành một người đàn bà rất giống Hera. Axion bị lầm, phối hợp với Nephele nên sinh ra Centaurus. Lớn lên, Centaurus phối hợp với giống ngựa cái Thessaly sinh ra loài Centaurs.

Tuy vậy, không phải Centaur nào cũng dữ dằn. Có một Centaur tên Chiron, con của thần Kronos rất thông minh, tài giỏi và hiền lành. Chiron sống tại núi Pelion xứ Thessaly, được thần Apollon, thủy tổ của ngành thi ca, âm nhạc, và cô em là nữ thần Artemis nuôi dưỡng. Do đó, Chiron rất rành về nghệ thuật, thể thao, y học. Sau này, ông trở thành sư phụ của nhiều người hùng nổi tiếng như Achilles, Kastor, Theseus, Hercules, Odysseus v.v... Ông cũng dạy Asklepios cách cho thuốc và chữa bệnh nên về sau, Asklepios trở thành thủy tổ của ngành Y. Vì là con của thần nhân nên Chiron được bất tử, nhưng vẫn phải chịu đau đớn. Một hôm, đệ tử của ông là Hercules đánh nhau với một số Centaurs hung dữ tại hang Pholos, Chiron vội tới can gián nhưng chẳng may bị trúng một mũi tên lạc của Hercules. Bị chất độc hành hạ, Chiron rất đau đớn nhưng không thể chết vì đã được bất tử nên ông van xin thần Zeus chuyển "bất tử tính" của mình cho Prometheus là thủy tổ loài người. Sau đó, Centaur nổi tiếng Chiron từ trần. Tuy vậy, tên tuổi Chiron vẫn còn mãi cho tới ngày nay. Ông là người đầu tiên dạy loài người cách quan trắc các thiên thể bằng cách tập họp những sao gần nhau trên trời thành các chòm sao với tên riêng biệt. Chòm sao đầu tiên trên bầu trời để ông dậy học trò là hình ảnh của chính ông nên được đặt tên Centaurus, chòm sao chính nằm về phía nam xích đạo. Ngôi sao sáng nhất trong chòm tên Alpha Centauri gần mặt trời nhất, sáng vào hàng thứ ba trên bầu trời và cách xa địa cầu 4.3 năm ánh sáng. Trong các sách thiên văn, Alpha Centauri thật ra là hai ngôi sao rất gần nhau, với ngôi sao thứ ba xoay chung quanh.

Một điều trùng hợp khá kỳ lạ về huyền thoại Centaur đầu người mình ngựa cũng đã xảy ra cách đây chỉ mấy thế kỷ khi Kha Luân Bố khám phá châu Mỹ vào thế kỷ 15 Khi gặp các kỵ sĩ Tây Ban Nha, thổ dân vùng Trung và Nam Mỹ chưa thấy ngựa bao giờ, cũng cho rằng các "conquistadors" này là loài quái vật đầu người mình ngựa hung dữ.

Ngoài giống Centaurs, trong thần thoại Hy Lạp còn nói tới loại quái thú "ngựa mọc sừng" gọi là "Unicorn". Phải chăng đây là thủy tổ của các đấng liền ông có bà xã "phong lưu" ngày nay?

Những huyền thoại về ngựa trong thần thoại Hy Lạp còn rất nhiều, nhưng hay và có ý nghĩa nhất phải kể tới truyện "Con Ngựa Gỗ Thành Troy". Truyện này được tường thuật rất rõ ràng và sống động qua lời kể của văn hào Virgil, đã là nguồn cảm hứng vô song của nhiều sách vở cũng như phim ảnh hiện tại. Như tất cả các truyện bất hủ khác, thiên hùng ca tuyệt vời này bắt nguồn từ một người đàn bà đẹp và nổi tiếng ...

Nguyên nàng Helen, được coi là người đẹp nhất Hy Lạp là con của thần Zeus và hoàng hậu Leda, vợ vua Tyndareus của xứ Sparta. Vì mê sắc đẹp, người hùng Theseus bắt cóc nàng với hy vọng cưới làm vợ, nhưng Helen được hai anh là Castor và Polydeuces (còn gọi là Pollux) cứu thoát. Vì có quá nhiều chàng trai theo đuổi nên vua Tyndareus bắt họ phải hứa sẽ tôn trọng quyền lựa chọn của Helen và sau đó, nếu ai manh tâm bắt cóc Helen, những người khác sẽ phải hợp tác với người chồng do Helen chọn để hợp sức chống lại. Sau khi cân nhắc, Helen nhận lời kết hôn với vua Menelaus xứ Sparta thuộc Hy Lạp. Lúc bấy giờ, còn có ba người đẹp khác là Hera, Athena và Aphrodite cũng thuộc loại sắc nước hương trời "mỗi người một vẻ, mười phân vẹn mười". Ba nàng này không ai chịu nhường ai nên cuối cùng phải nhờ hoàng tử Paris con vua Priam của thành Troy làm giám khảo phân định ai đẹp nhất. Cả ba nàng đều cố dùng pháp lực của mình để khuynh đảo Paris. Cuối cùng, Paris trao tặng giải thưởng người đẹp nhất trong ba nàng là một quả táo vàng cho Aphrodite, Nữ Thần Tình Yêu vì nàng này hứa sẽ dâng cho Paris người đàn bà đẹp nhất trên đời.

Chẳng bao lâu, hoàng tử Paris qua thăm Hy Lạp, được vua Menelaus và Hoàng Hậu Helen xứ Sparta đón tiếp niềm nở. Tuy đang sống rất hạnh phúc với chồng, nhưng dưới pháp thuật của Aphrodite, Helen bị mê hoặc nên theo Paris trở về thành Troy. Vua Menelaus tức giận bèn kêu gọi dân Hy Lạp, kể cả những người đã theo đuổi Helen trước đây, cùng nhau chinh phạt thành Troy. Ðội quân Hy Lạp gồm nhiều dũng sĩ nổi tiếng như Achilles, Patroclus, Teucer, Nestor, Odysseus, Diomedes và hai người Ajaxes v.v... đặt dưới quyền chỉ huy của Agamemnon, vua xứ Mycenae, tập trung tại vịnh Aulis với khoảng 1000 chiến thuyền. Trận chiến quyết liệt kéo dài ròng rã chín năm trời nhưng bất phân thắng bại. Ðã có lúc quân Hy Lạp bị chia rẽ vì Achilles bất đồng ý kiến nên bỏ Agamemnon. Sau này, Achilles trở lại chiến trường, giết chết dũng sĩ chính của thành Troy là Hector để trả thù cho bạn thân là Patroclus. Hành động của Achilles là nguồn cảm hứng cho văn hào Hommer sáng tác thiên hùng ca Iliad. Sau đó, Achilles còn giết chết Penthesilea, nữ hoàng của nữ vương quốc Amazons cũng như vua Memnon của xứ Ethiopia. Nhưng sau cùng, Achilles lại bị chết về tay Paris.

Ðến năm thứ mười, để giải quyết trận chiến, Menelaus và Paris đồng ý sẽ đánh nhau tay đôi trước hai đội quân với sự chứng kiến của nàng Helen. Khi Helen xuất hiệt trên địch lâu thành Troy, sắc đẹp tuyệt vời cũng như cũng như sự sầu bi của nàng khiến ai cũng rầu rầu xúc động. Tuy phe Hy Lạp nhận phần thắng trong trận đánh giữa hai dũng sĩ, nhưng Aphrodite lại cứu Paris khỏi tay Menelaus lúc đó đang rất giận dữ, bằng cách dùng một đám mây che phủ và đem Paris giấu vào phòng rồi ép buộc Helen phải nằm chung che chở. Ðôi bên tiếp tục đánh nhau, nhưng quân Hy Lạp vẫn không sao vào được thành Troy.

Cuối cùng, quân Hy Lạp dùng kế, giả bộ rút lui nhưng để lại một con ngựa gỗ rất lớn. Thấy địch tự nhiên lui binh, quân dân thành Troy cho rằng có trời giúp và còn ban cho thần vật, nên cùng nhau đẩy ngựa gỗ vào trong thành để ăn mừng. Nửa đêm, quân Hy Lạp trong bụng ngựa gỗ tràn ra đốt phá thành và giết hầu hết quân dân thành Troy, chỉ còn lại một số nhỏ trốn thoát. Theo văn hào Virgil kể lại trong cuốn Aeneid, nhóm này do Aeneas hướng dẫn trốn sang xứ lân cận và thành lập xứ Italy ngày nay.

Sau này, khi Paris chết và thành Troy thất thủ, Menelaus tái ngộ cùng Helen trở về Hy Lạp. Hai người hạ sinh một công chúa tên Hermione và tiếp tục cai trị xứ Sparta cho đến mãn đời.

Theo huyền thoại Hồi Giáo, một thần mã Al Borak đã đưa Giáo Chủ Mohamed từ mặt đất lên bảy tầng trời. Al Borak là một bạch mã chạy rất nhanh xứng đáng với tên mình có nghĩa là "tia sét", khi phóng đi mỗi bước đều bằng nhau và dài mút tầm mắt con người. Con ngựa trắng Ðức Phật thường cưỡi mang tên Kantaka. Trong Thiên Chúa Giáo, ngựa là tượng trưng của sự can đảm và lòng hào hiệp trượng nghĩa, do đó, các vị Thánh Bổn Mạng của ngành kỵ mã như St. Martin, St. Maurice, St. George và St. Victor đều được mô tả trong sách vở hay tranh ảnh như những kỵ sĩ tài ba trên lưng ngựa. Dĩ nhiên, đạo Thập Tự Quân trong các trận Thánh Chiến cũng không thể thành hình nếu thiếu ngựa.

NGỰA TRONG CHIẾN SỬ

Trong chiến trận, thoạt tiên, ngựa được dùng để kéo xe và chuyên chở quân lương quân dụng, rồi thành lập các đạo kỵ binh. Các di tích khảo cổ cho thấy những chiến mã đầu tiên xuất hiện tại vùng Nubia bên Trung Ðông. Sử gia kiêm danh tướng Xenophon của Hy Lạp đã ghi lại việc huấn luyện những đạo kỵ binh. Nhưng dạo đó, ngựa vẫn còn quá nhỏ và ít, nên bộ binh vẫn chiếm phần chính còn kỵ binh thường chỉ được dùng trong việc thông tin và thám sát.

Ðặc điểm của kỵ binh là di chuyển lẹ làng "tốc chiến tốc thắng". Bên Á Châu, ngay từ thời Thượng Cổ, ngựa đã được dùng rất nhiều trong chiến trận. Các tướng chỉ huy một đạo quân thường dùng gươm giáo giao tranh trên lưng ngựa, trong khi các đạo kỵ binh được chia thành từng toán tràn ngập trận địa đối phương. Thành Cát Tư Hãn và Hốt Tất Liệt thuộc sắc dân du mục chú trọng nhiều vào "vận tốc" nên không để ý nhiều vào việc trang bị giáp trụ che chở cho kỵ binh. Vì vậy, ngựa Á Châu tuy nhỏ con, nhưng không phải chở nặng nên xông pha trận mạc rất lẹ làng, đột ngột xuất hiện trên chiến trường xuất kỳ bất ý đánh úp địch quân rồi rút lui nhanh chóng.

Người La Mã lại chú ý nhiều về việc trang bị giáp trụ cho kỵ binh chống ngoại xâm. Ðể chống lại cung tên gươm giáo, giáp trụ bằng kim loại của kỵ binh mỗi lúc một nặng thêm nên phải gây nhiều giống ngựa mới cao lớn và khoẻ mạnh được để chở kỵ binh ăn mặc kềnh càng. Tới thời Trung Cổ bên Âu Châu, các kỵ sĩ được trang bị giáp sắt từ đầu đến chân nên càng nặng nề hơn, do đó, lại cần ngựa khỏe mạnh hơn nên chỉ có những lãnh chúa có mới tổ chức được đạo kỵ binh đông đảo hữu hiệu.

Khi súng ống xuất hiện thay thế cung tên trên chiến trường, ngựa vẫn còn được dùng trong các đạo kỵ binh nổi tiếng. Trong trận đánh tại Cerisoles vào năm 1544, quân Pháp đã dùng kỵ binh mang súng lục xông vào quân Anh bắn giết rất thành công. Tới thời đệ nhị thế chiến, khoa học cơ khí đã tiến bộ rất nhiều, đến nỗi nhiều chiến thuật gia cho rằng chỉ có pháo binh và bộ binh là hữu hiệu, nhưng những đạo kỵ binh nổi tiếng như Cossacks của Nga và "Red Devils" của Hung Gia Lợi vẫn lập được nhiều chiến công. Qua thế chiến thứ hai, kỵ binh trở nên lỗi thời trước chiến xa và đại pháo, ngay cả đạo kỵ binh của Ba Lan được coi là tân tiến và huấn luyện rất thuần thục nhất vẫn bị chiến xa Ðức tiêu diệt dễ dàng ngay từ lúc ban đầu. Kể từ đó, ngựa thật được thay bằng "ngựa sắt". Ngày nay, ngoài các đạo kỵ binh trang bị chiến xa tối tân, còn có những "kỵ binh không vận" xung trận bằng phi cơ trực thăng.

Hiệu quả của các đạo kỵ binh trên chiến trường đã được phản ảnh rõ rệt cả trên bàn cờ tướng. Khi "vượt sông" tấn công đất địch, phối hợp với "xe lồng", ngựa là vũ khí lợi hại để công thành hãm tướng cũng như vừa làm ngòi cho pháo, vừa truy kích địch quân trong đội hình "tiền mã hậu pháo". Lúc về thủ, "mã giao chân" là một thành phần không thể thiếu, cùng với "song xa" và "pháo giăng", tạo thành thế bố phòng liên hoàn chặt chẽ. Vì vậy, người ta thường ví những người làm việc ăn ý, luôn hỗ trợ lẫn nhau như "bộ ba xe pháo ngựa".

Ðặc biệt bên Ðông Phương, ngựa rất được trọng dụng, coi là bạn đồng đội chí thân cùng sống chết với các chiến sĩ nơi sa trường. Những danh tướng thời xưa thường ao ước được "da ngựa bọc thây", sẵn sàng hy sinh ngoài mặt trận. Ðể mô tả khí thế hào hùng của người chinh phu một lòng tận trung báo quốc, coi cái chết nhẹ tựa lông hồng, tuyệt phẩm Chinh Phụ Ngâm có những câu như:

"Chí làm trai dặm nghìn da ngựa
Gieo Thái Sơn nhẹ tựa hồng mao
Giã nhà đeo bức chiến bào
Thét roi cầu Vị ào ào gió thu"

Ngoài ra, hình ảnh bi tráng của người chiến sĩ tay nâng chén ly bôi trước khi lên lưng ngựa ra sa trường trong tiếng đàn tì bà đưa tiễn cũng được diễn tả thật hào hùng, cảm động trong bài thơ Ðường sau đây:

"Bồ đào mỹ tửu dạ quang bôi
Dục ẩm tì bà mã thượng thôi
Túy ngọa sa trường quân mạc tiếu
Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi"
(Tam dịch:
Tay nâng chén dạ quang đựng rượu ngon bồ đào
Tai nghe tiếng đàn tì bà dục dã lên ngựa
Hãy uống cho say, có gục ngã tại sa trường bạn cũng đừng cười
Vì xưa nay những người đi chinh chiến có mấy ai trở về)

Vì chiến mã luôn luôn gắn liền với chiến trận nên trong lịch sử nước ta có rất nhiều chuyện liên quan đến ngựa. Truyện truyền kỳ thường được nhắc nhở nhất là Phù Ðổng Thiên Vương hay truyện Ðức Thánh Gióng. Tương truyền ngày xưa tại làng Phù Ðổng nay thuộc tỉnh Bắc Ninh (Bắc Việt) có một đứa trẻ rất kỳ lạ. Từ thuở sơ sinh cho đến lúc lớn tuy ăn uống rất mạnh bằng cả chục người lớn nhưng lại không hề biết nói. Cha mẹ của cậu bé tuy rất lo ngại nhưng cũng chỉ biết cầu khẩn Phật Trời cho con mình sớm được bình thường như những đứa trẻ khác. Gặp lúc giặc Ân bên Tàu qua xâm lăng, vua ta rất lo ngại trước thế giặc quá mạnh nên sai sứ đi toàn quốc chiêu mộ hiền tài để phá giặc. Khi đến làng Phù Ðổng, đột nhiên cậu bé kỳ lạ bật nói với sứ giả: "Ông hãy về tâu với nhà vua, đánh cho tôi một con ngựa sắt, một ngọn roi sắt thật lớn và nấu thật nhiều cơm để tôi ăn no rồi sẽ giết giặc." Sứ thần tuy lấy làm lạ nhưng cũng nghe theo lời cậu bé. Tới ngày ngựa sắt, roi sắt và cơm được mang tới, cậu bé ăn một lúc hết năm, bảy nồi cơm lớn. Ăn xong, cậu bèn đứng vươn vai, thân hình bỗng trở thành vạm vỡ cao lớn khác thường, rồi tay cầm roi sắt, phóng mình lên ngựa sắt. Ngựa sắt bỗng hí lên một tiếng cực lớn, miện phun ra lửa rồi cất vó phóng như bay vào đám giặc Ân. Quân giặc địch không nổi roi sắt và ngựa sắt chẳng mấy chốc bị đánh tan. Dẹp xong giặc, cậu bé Phù Ðổng dục ngựa cất cao vó bay lên trời mất dạng. Ai nấy đều cho rằng cậu bé là tướng nhà trời sai xuống để giúp dân dẹp giặc nên sau này nhớ ơn, kính cẩn tôn xưng là Phù Ðổng Thiên Vương. Hiện nay tại vùng Bắc Ninh còn có những giếng nước lớn và sâu, tương truyền đó là những vết chân ngựa của Ðức Tháng Gióng để lại. Vì sự tích trên nên sau này binh chủng Thiết Giáp của VNCH tôn xưng Phù Ðổng Thiên Vương làm Thánh Tổ.

Ngoài truyện Phù Ðổng Thiên Vương trong dã sử, vua nhà Trần cũng nhắc tới "Ngựa đá" để tuyên dương công trạng các tướng sĩ đã dày công phá giặc ngoại xâm. Nguyên Hưng Ðạo Ðại Vương Trần Quốc Tuấn sau hai lần đại phá quân Nguyên tại các trận Hàm Tử, Vân Ðồn, Chương Dương, Tây Kết, Bạch Ðằng Giang v.v... nên được Thái Thượng Hoàng Trần Thánh Tông mời dự Thái Bình Diên Yến để khao thưởng công lao tướng sĩ. Trong bữa tiệc ăn mừng chiến thắng này, Thái Thượng Hoàng có ngự bút hai câu thơ sau đây để ban thưởng cho toàn quân:

"Xã tắc lưỡng hồi lao thạch mã
Sơn hà muôn thuở điện kim âu"
(Tạm dịch:
Xã tắc đôi phen công ngựa đá
Sơn hà muôn thuở vững âu vàng)

Trong bài "Bình Ngô Ðại Cáo", quân sư Nguyễn Trãi cũng đã ghi lại một số chiến công của quân dân nhà Lê khi đánh đuổi giặc Minh như sau:

"Mã Kỳ, Phương Chính, cấp cho năm trăm chiến thuyền, ra đến biển mà vẫn hồn bay phách lạc,
Vương Thông, Mã Anh, phát cho vài nghìn cỗ ngựa, về đến nước mà vẫn tim đập, chân run"

Lịch sử lập quốc của dân Việt là những tháng năm dài đậm ghi những chiến công trong việc đánh lại kẻ thù phương Bắc. Sau lần chiến thắng quân Nguyên dưới thời nhà Trần và giặc Minh dưới thời nhà Lê, giặc Tàu sợ hãi không còn giám xua quân xuống miền Nam. Nhưng đến thời nhà Thanh, chúng lại nuôi mộng xâm chiếm nước Nam nên sai bọn Tôn Sĩ Nghị, Sầm Nghi Ðống, Liễu Thăng ... đem binh hùng tướng mạnh vượt biên giới đánh phá. Nhưng vua Quang Trung Nguyễn Huệ với lối hành binh thần tốc chỉ trong một thời gian ngắn đã đánh tan giặc Thanh, vào Thăng Long Thành ăn Tết Kỷ Dậu trong lúc chiến bào cũng như người ngựa còn đen màu thuốc súng. Ngày nay, chúng ta thường thấy hình vẽ vua Quang Trung mặc chiến bào, cưỡi ngựa hay cưỡi voi, tay cầm kiếm chỉ huy tướng sĩ ngoài mặt trận đại phá quân Thanh trong trận Ðống Ða.

NGỰA TRONG VĂN CHƯƠNG

Ngựa không những chỉ liên quan tới quân sử, nhưng qua lịch sử văn chương kim cổ cũng có một chỗ đứng vô cùng quan trọng.

Trong văn chương Việt Nam, ngựa được sắp vào hàng đầu của "lục súc". Tập truyện dân gian "Lục Súc Tranh Công" tuyên dương ngựa từng sát cánh cùng các chiến sĩ "đã bao phen đột pháo xung tên" lập công lao "hãn mã". Tuy nhiên, không phải lúc nào hình ảnh loài ngựa cũng gắn liền với chiến tranh, chết chóc mà trong ca dao tục ngữ phản ảnh tinh thần hòa hiếu dạt dào tình tự dân tộc, ngựa còn được mô tả trong khung cảnh thanh bình và nên thơ. Còn hình ảnh nào đáng yêu và đẹp hơn cảnh "Vinh Qui Bái Tổ, ngựa anh đi trước võng nàng theo sau?", hoặc "Chồng tôi cưỡi ngựa vinh qui, hai bên có lính hầu đi dẹp đàng" trong bài ca dao "Trăng Sáng Vườn Chè?" Rồi còn hoạt cảnh lãng mạn của một chàng trai "khớp con ngựa, ngựa ô" cổ mang "lục lạc đồng đen" để "đưa nàng về dinh" rồi sau đó "lễ tơ hồng cùng nhau".

Ðặc biệt, chúng ta còn có tuyệt phẩm "Chinh Phụ Ngâm" của cụ Ðặng Trần Côn do bà Ðoàn Thị Ðiểm diễn Nôm đã dùng những ngôn ngữ hào hùng tuyệt vời khi mô tả người chiến sĩ trên lưng ngựa lên đường tòng chinh. Ngựa đã trở thành bạn đồng hành gắn bó cùng người chinh phu xông pha nơi sa trường.

Hình ảnh kẻ chinh phu trong lòng người chinh phụ vào giây phút chia đã được ghi đậm nét bằng những vần thơ như sau:

"Áo chàng đỏ tựa ráng pha
Ngựa chàng sắc trắng như là tuyết in
Tiếng nhạc ngựa lần chen tiếng trống
Giáp mặt rồi bỗng phút chia tay"

Tâm sự phiền muộn trùng trùng của người chinh phụ khi tiễn chồng lên đường tòng chinh đã khiến nàng quên cả cảnh đẹp nên thơ bên đường:

"Ngòi đầu cầu nước trong như lọc
Ðường bên cầu, cỏ mọc còn non
Ðưa chàng lòng dằng dặc buồn
Bộ khôn bằng ngựa, thủy khôn bằng thuyền
Nước có chảy mà phiền khôn rửa,
Cỏ có thơm mà dạ chẳng khuây"

Ðây là những gian lao của người chinh phu khi dấn thân vào "nơi gió cát":

"Hơi gió lạnh, người rầu mặt dạn
Dòng nước sâu, ngựa nản chân bon
Ôm yên gối trống đã chồn
Nằm vùng cát trắng, ngủ cồn rêu xanh"

Tại quê nhà, người chinh phụ không khỏi mường tượng tới những nguy hiểm nơi sa trường:

"Tưởng chàng trải nhiều bề nắng nỏ
Ba thước gươm, một cỗ nhung yên
Xông pha gió bãi trăng ngàn
Tên reo đầu ngựa, giáo dan mặt thành"

Trong lúc chồng xông pha nơi tiền tuyến thì người chinh phụ vò võ nơi cô phòng:

"Chàng ruổi ngựa dặm trường mây phủ
Thiếp dạo hài lầu cũ rêu in"

Với những âm điệu tượng hình, gợi cảm nhẹ nhàng như mây lướt, dồn dập tựa trống khua, Chinh Phụ Ngâm Khúc quả thật là một viên ngọc qúi trong kho tàng văn học nước ta. Ngoài tác phẩm nổi tiếng này, còn có Truyện Kiều của cụ Nguyễn Du là một áng văn bất hủ cũng đề cập không ít tới ngựa.

Chàng Kim Trọng hào hoa phong nhã dạo ngựa nhân hội Ðạp Thanh đã gặp gỡ Thúy Kiều trong hoàn cảnh như sau:

"Trông chừng thấy một văn nhân
Lỏng buông tay khấu, bước lần dặm băng
Ðề huề lưng túi gió trăng
Sau chân theo một vài thằng con con
Tuyết in sắc ngựa câu giòn ..."

Còn tên bợm Sở Khanh được coi như tổ sư của những chàng trai chuyên dùng "miệng lưỡi" đường mật dụ dỗ gái vị thành niên. Nhưng khi cá đã cắn câu hoặc "con ong đã tỏ đường đi lối về", đệ tử của chàng Sở Khanh lập tức trở thành những tay nài ngựa tuyệt hảo, phóng ngựa chuối ca bà "tẩu mã" thần sầu, dù phái yếu có tài đằng vân giá võ cũng không tài nào chụp được. Tổ sư họ Sở tự giới thiệu khoe khoang như sau:

"Rằng ta có ngựa truy phong
Có tên dưới trướng, vốn dòng kiện nhi"

Sở Khanh có tài "quất ngựa truy phong" tài tình đến nỗi những tay chuyên "ăn quịt, chơi lường" sau này đều hân hạnh đổi mang dòng họ Sở!

Cũng bắt nguồn từ truyện Kiều, câu "ngựa xe như nước, áo quần như nêm" thường được dùng để mô tả cảnh phồn hoa đô hội xe ngựa dập dìu, nhiều tài tử, lắm giai nhân.

Trong các tuồng hát bộ dân gian nổi tiếng như Quan Công Phò Nhị Tẩu, Quá Ngũ Quan Trảm Lục Tướng, Giang Tả Cầu Hôn, Hoa Dung Ðạo, Triệu Tử Ðoạt Ấu Chúa, Bá Vương Trướng Hạ Biệt Ngu Cơ, Phụng Nghi Ðình ... khán giả thường thấy các đào kép trên sân khấu tay cầm phất trần làm bằng lông đuôi ngựa chỉ ngang chỏ dọc. Ðối với những người không rành qui ước về hát bộ, những cử chỉ đặc biệt đó chẳng có ý nghĩa gì, nhưng với khán giả quen thuộc với các vai Lữ Bố, Quan Công, Trương Phi, Lưu Huyền Ðức, Ðiêu Thuyền ..., cây phất trần là tượng trưng cho con ngựa. Khi cây phất trần cầm ngang mang ý nghĩa ngựa phi, còn khi đầu cây phất trần chỉ xuống là dừng ngựa. Am hiểu các điệu bộ (hát bộ) và cách trang phục của đào kép trên sân khấu là điều mấu chốt để thưởng thức các tuồng hát bộ. Chẳng hạn như vai quan võ luôn luôn đội mão gắn hai lông trĩ dài, quan văn đội mũ cánh chuồn, vai trung vẽ mặt đỏ, tròng mắt trắng, còn vai nịnh râu lưa thưa vài sợi ... còi giống mấy sợi lông cằm đoi của bác!

Trong đệ nhất tài tử thư Trung Quốc là Tam Quốc Chí cũng có rất nhiều điển tích liên quan đến ngựa. Nổi tiếng nhất là ngựa Xích Thố Truy Phong của Quan Vân Trường. Ðây là con ngựa qúi toàn thân đỏ như lửa, chạy rất nhanh và có tài ngày đi ngàn dậm. Chiến mã này thoạt tiên do gian thần Ðổng Trác tặng cho con nuôi là mãnh tướng Lã Bố. Với ngựa qúi Xích Thố và cây Phương Thiên Hoạch Kích, Lã Bố đã từng một mình đương đầu với "Tam Anh" là Lưu Huyền Ðức, Trương Phi và Quan Vân Trường tại thành Hạ Bì, nơi nương thân của ba anh em "Ðào Viên Kết Nghĩa". Sau này, ngựa Xích Thố và cả Lã Bố bị thuộc hạ lén bắt dâng cho Tào Tháo. Họ Tào giết chết Lã Bố để trừ hậu hoạn nhưng giữ lại ngựa Xích Thố. Khi thất lạc với Lưu Huyền Ðức, Quan Vân Trường phải "phò nhị tẩu" tới nương nhờ Tào Tháo. Họ Tào mến tài nên tặng ngựa qúi Xích Thố cho Vân Trường để lấy lòng mong thu phục làm thủ hạ. Cùng với ngựa qúi và cây Thanh Long Ðao Yển Nguyệt, Quan Vân Trường tung hoành trên chiến trường như vào chỗ không người, "Quá Ngũ Quan, Trảm Lục Tướng", lấy đầu các thượng tướng Nhan Lương, Văn Xú trong chớp mắt khi chén rượu mời còn nóng ... Về sau, khi Quan Công bị trúng kế của tướng nhà Ngô là Lữ Mông nên bị Tôn Quyền bắt và giết chết tại Mạch Thành thuộc vùng đất Kinh Châu, ngựa Xích Thố của ông cũng nhịn ăn chết theo chủ. Ngày nay tại núi Ngọc Tuyền còn đền thờ Ðức Quan Ðế, với đôi câu đối ca tụng lòng trung liệt của Quan Công và ngựa Xích Thố như sau:

"XÍCH diện bỉnh XÍCH tâm, kỵ XÍCH thố truy phong, trì khu thời vô vong XÍCH đế
THANH đăng quan THANH sử, trượng THANH long đao yển nguyệt, ẩn vi xứ bất qúi THANH thiên"
(Tạm dịch: Mặt đỏ lòng son, cưỡi ngựa Xích Thố đuổi gió, dù ở nơi nào cũng chẳng quên vua nhà Hán;
Bên đèn đọc sử xanh, cầm đao Rồng xanh, trong lòng không thẹn với trời xanh.)

Ngoài ngựa Xích Thố, Tam Quốc Chí còn nói đến ngựa nổi tiếng khác như con Ðích Lư của Lưu Huyền Ðức. Nguyên khi họ Lưu bị Tào Tháo đánh bại tại Hứa Ðô, đành về Kinh Châu nương náu cùng Lưu Biểu. Khi Lưu Huyền Ðức cùng ba tướng Quan Công, Trương Phi và Triệu Vân đi đánh loạn tướng của Lưu Biểu là Trương Vũ, họ Lưu thấy tướng giặc cưỡi một con ngựa cao lớn hùng dũng nên bật lời khen: "Kìa hẳn là một con thiên lý mã". Khi Trương Vũ bị Triêu Vân giết chết, con ngựa qúi này được dâng cho Lưu Huyền Ðức. Một hôm Lưu Biểu thấy Huyền Ðức cưỡi con ngựa tốt cứ tấm tắc khen mãi. Biết ý, Huyền Ðức bèn đem ngựa tặng Lưu Biểu. Biểu có một thủ hạ tên Khoái Việt biết coi tướng ngựa liền nói: "Con ngựa này dưới mắt có cái vệt kia là "vũng chứa lệ", trên trán lại có một điểm trắng, chính là giống "Ðích Lư hại chủ", không nên cưỡi. Chính Trương Vũ cũng vì ngựa này mà chết, sao chúa công còn dùng?". Lưu Biểu nghe lời bèn trả ngựa Ðích Lư lại cho Lưu Bị. Ðến khi Huyền Ðức tuân lệnh Lưu Biểu về trấn thủ thành Tân Dã, quan Mạc tân Kinh Châu là Y Tịch đến trước đầu ngựa khuyên rằng: "Con ngựa của ngài tuy tốt nhưng không nên cưỡi". Huyền Ðức hỏi lý do, Y Tịch cho biết đó là giống ngựa hại chủ. Huyền Ðức không nghe, cho rằng "sống chết do mạng trời, đâu phải một con ngựa có thể hại nổi?". Khi Huyền Ðức bị vợ của Lưu Biểu là Thái phu nhân bày mưu hãm hại, họ Lưu cưỡi ngựa bỏ chạy, gặp một con suối nhỏ tên gọi Ðàn Khê chắn ngang, sau lưng có thủ hạ của Thái phu nhân là Thái Mạo đuổi gấp. Huyền Ðức túng thế đành thúc ngựa lội liều xuống nước, nhưng chỉ đi được vài bước, ngựa bị sa lầy không đi được nữa. Phía sau tiếng quân reo ngựa hí đuổi đã gần tới. Huyền Ðức tuyệt vọng kêu lên: "Mày đúng là giống Ðích Lư hại chủ, hôm nay đã hại ta rồi!" Tiếng than vừa dứt, bỗng con Ðích Lư vươn cổ hí một tiếng lớn, cất mình bay vọt qua bên kia bờ Ðàn Khê, cứu Lưu Huyền Ðức thoát nạn. Sau này, quan Học Sĩ Tô Ðông Pha đời Tống làm bài thơ "Dược Mã Ðàn Khê" để nhớ lại sự tích này.

Quân sư Gia Cát Lượng khi ra quân vượt ải Tà Cốc đánh quân Ngụy đã chế tạo ngựa gỗ và trâu gỗ để tải lương. Vì đường từ hậu cứ Kiếm Các thuộc đất Thục tới tiền tuyến Kỳ Sơn rất xa và hiểm trở nên việc tiếp tế cho 30 vạn quan viễn chinh vô cùng khó khăn. Gia Cát Lượng cho quân theo họa đồ đóng nhiều ngựa và trâu gỗ giống như trâu ngựa thật, có thể trèo đèo lội suối không biết mệt, rất tiện lại chẳng phải cho ăn uống. Do đó việc tải lương được đầy đủ và đều đặn. Tướng Ngụy là Tư Mã Ý đang dùng chiến thuật cố thủ, chờ quân Thục hết lương mới xuất trận, nhưng khi nghe nói quân Thục dùng trâu ngựa gỗ tiếp tế nên rất lo ngại. trong khi đó, quân Ngụy cũng cần giải quyết vấn đề tiếp vận nên Tư Mã Ý cho quân lén vào Tà Cốc bắt trộm vài trâu, ngựa gỗ làm mẫu. Khổng Minh đã dự đoán việc này nên không ngăn cản, Quân Ngụy bắt chước chế tạo trâu, ngựa gỗ để tải lương rất nhàn nhã. Quân Thục theo kế Khổng Minh, cho người trà trộn vào đoàn vận lương của quân Ngụy, lén vặn lưỡi trâu, ngựa gỗ một vòng khiến tất cả đều đứng ỳ, không sao di chuyển được. Trong lúc quân Ngụy luống cuống, phục binh Thục đổ ra đánh khiến quân Ngụy bỏ chạy. Lúc đó quân Thục chỉ cần vặn lại lưỡi trâu, ngựa gỗ, tất cả lại di chuyển như thường. Thế là Khổng Minh lấy được một số lương thực đáng kể.

Cũng trong Tam Quốc Chí, còn có truyện danh tướng Triệu Tử Long trong trận Ðương Dương Trường Bản đã một mình một ngựa xông xáo giữa 80 vạn quân Tào như vào chỗ không người. Khi phá được vòng vây, hoàn thành nhiệm vụ phò ấu chúa Á Ðẩu, người và ngựa Tử Long nhuộm toàn máu đỏ. Lòng can đảm này về sau đã đem lại tiếng khen "toàn thân Tử Long là một trái mật lớn".

Vào thời Hán Sở Tranh Hùng bên Trung Quốc cũng có một con ngựa rất nổi tiếng, đó là ngựa Ô Truy của Sở Bá Vương Hạng Võ. Hạng Vương đã cùng ngựa qúi xông pha trăm trận cùng Lưu Bang diệt được bạo Tần. Cho tới khi Hán Vương Lưu Bang cùng Sở Vương Hạng Võ giao tranh để dành quyền bá chủ, ngựa Ô Truy cũng lắm lần vào sanh ra tử lập nhiều công lớn. Cuối cùng, khi Bá Vương bị quân Hán vây khổn tại Cửu Lý Sơn, bảy ngàn đệ tử theo hầu bị tan rã vì tiếng tiêu của Trương Lương, Bá Vương cùng đường phải nhảy xuống bến Ô Giang tự tử. Ngựa Ô Truy cũng đâm đầu xuống sông tử tiết theo chủ.

Hiện nay tại tỉnh Xian bên Trung Quốc còn di tích của đạo quân gồm hàng ngàn người ngựa nặn bằng đất (Terra Cotta) giống như thật. Ðạo quân này được dùng để canh mộ Tần Thủy Hoàng.

Trong truyện Tây Du Ký, Tôn Ngộ Không ăn trộm đào tiên của Tây Vương Mẫu và tiên đơn trường sanh bất tử của Thái Thương Lão Quân, đại náo thiên cung không thiên binh thiên tướng nào địch nổi. Ngọc Hoàng hãi sợ đành ban cho vua khỉ chức quan Bật Mã Ôn cho yên chuyện. Ðược mang áo mão làm quan nên họ Tôn thích lắm, đâu có dè Bật Mã Ôn chỉ là chức quan chăn ngựa, chẳng khác gì mấy tên nài ngựa. Sau này, trên đường theo thánh tăng Ðường Tam Tạng qua Tây Phương thỉnh kinh, khi qua một giòng sông rộng, ngựa của Ðuờng tăng bị thủy quái nuốt mất. Ngộ Không phải trổ hết thần uy, bắt được quái vật. Hỏi ra mới biết đây là một con rồng nhỏ phạm tội bị đày tới khúc sông này, chờ Tam Tạng tới để cùng đi thỉnh kinh chuộc tội. Sau đó, quái vật biến thành một con ngựa trắng gọi là Tiểu Long Mã có tài ngày đi ngàn dặm. Nhờ ngựa qúi, Tam Tạng cùng ba đệ tử Ngộ Không, Bát Giới và Sa Tăng vượt đường xa vạn dặm, đến được Thiên Trúc thành công.

NGỰA TRONG ÐỜI SỐNG DÂN VIỆT

Trong đời sống hàng ngày của dân Việt, vì những cá tính đặc biệt, ngựa là loài vật thường được nhắc nhở tới. Các vị thâm Hán, nho chùm chịu nhiều ảnh hưởng của triết thuyết Lão Trang thường than thở, ví cuộc đời ngắn ngủi như một giấc chiêm bao, hoặc "bóng câu qua cửa sổ". Một số các vị quân tử ... Tàu khác lại cao giọng "nhất ngôn ký xuất, tứ mã nan truy" để ra điều ta đây là người biết giữ lời hứa, một lời đã nói ra, bốn ngựa cũng không theo kịp. Tuy nhiên, theo các chính khứa, thật ra câu này có ý nghĩa ngược hẳn lại, ngụ ý "lời vừa nói ra đã bay mất theo gió, nhanh như ngựa phi" nên cứ việc nói trăng hứa cuội, theo đúng câu "Quân tử nhất ngôn là quân tử dại, quân tử nói lại mới là quân tử khôn!" Nếu không tin, qúi vị có thể hỏi Tông Tông Nixon về lời hứa bảo vệ miền Nam Việt Nam với Tổng Thống VNCH khi ký hòa ước Paris.

Các vị đệ tử trung thành của thần Ve Chai cũng hay nhắc đến Ngựa trong lúc trà dư ... tửu hậu. Ngoài món "ngầu pín" rất được ưa thích vì bắt mồi và truyền thuyết "dai như ngựa", các bợm nhậu thường được qúi phu nhân nhắc nhở đừng say sưa quá đến nỗi "oắc cần câu" lơ là bổn phận công dân. Qúi vị đệ tử Ma Men"sáng say, trưa xỉn, tối là đà" này bèn phản pháo rằng "vì đời là vạn ngày sầu" nên cần "uống rượu tiêu sầu" theo lời khuyên "tửu với sầu như gió mã ngưu" của Uy Viễn Tướng Công Nguyễn Công Trứ "và đúng theo câu châm ngôn:

"Hiểm lộ nan hành, kim tác mã
Sầu thành dục phá, tửu vi binh"
(Tam dịch:
Ðường hẻm khó qua, hãy dùng vàng làm ngựa
Thành sầu khó phá, nên lấy rượu làm quân

Câu ngạn ngữ này thật đúng phóc dưới thới "đỉnh cao trí tuệ" của con cháu "ngưu đầu mã diện" (đầu trâu mặt ngựa) bác và đảng, đến nỗi trở thành thủ tục "đầu tiên" không thể thiếu mỗi qua trạm hải quan hoặc khi có chuyện gặp gỡ công an phường xóm. Còn "dùng rượu để phá thành sầu?" thật cũng chẳng ngoa. Khi rượu vào rồi, chẳng những lời ra mà bao nhiêu nỗi sầu đau nhân thế, hận đời đen bạc, xa quê hương nhớ ... vợ hiền cũng theo lon cùng chai mà vơi hết sạch. Tuy nhiên, nhân dịp đầu năm đầu tháng, tác giả cảm thấy có bổn phận nhắc nhở các bằng hữu ve chai rằng, tuy tục ngữ có câu "thứ nhất là rượu ngà ngà, thứ nhì vợ ở đường xa mới về", nhưng khi có rượu vào rồi, muốn thưởng thức khoản "thứ nhất, thứ nhì" này cũng phải cận thận kín đáo. Nếu trong lúc hứng chí mở hết tốc lực "nhong nhong ngựa ông đã về", chẳng may gặp phải "thượng mã phong" sẽ sớm được về cùng ông bà ông vải, đến Hoa Ðà, Biển Thước cũng không cứu kịp!

Ngựa là loài vật tương đối hiền lành, không làm hại tới các loài vật khác. Ðể sống còn nơi hoang dã, ngựa chỉ trông cậy vào tài chạy nhanh khi bị ác thú săn đuổi. Một con ngựa hay còn phải có nước "bền", cũng như đức tính kiên nhẫn, không ngại gian lao rất cần để giúp người thành công, nên tục ngữ ta có câu "ngựa hay chẳng quản đường dài, nước kiệu mới biết tài trai anh hùng" hoặc "đường dài hay sức ngựa". Trong trường hợp bị dồn đến đường cùng, ngựa sẽ dùng hai chân sau đá để tự vệ. Vì vậy, người ta thường ví von "hàm chó, vó ngựa" với những nơi nguy hiểm nên tránh.

Kể về tính tình, ngoài lòng trung thành với chủ, ngựa tuy là loài vật "súc sinh" nhưng còn biết nghĩa cộng đoàn. Ngoài thiên nhiên, chúng ta rất ít khi bắt gặp một con ngựa lẻ loi, mà ngược lại, luôn chung sống với nhau thành đoàn có tình có nghĩa, để che chở, đùm bọc lẫn nhau. Tình đoàn kết của ngựa gắn bó đến nỗi loài người cũng phải học khôn và ca ngợi rằng "một con ngựa đau, cả tàu không ăn cỏ". Mong rằng những con ngựa lành, ngựa tốt tại hải ngoại hãy nhớ tới tàu ngựa khổng lồ tại Việt Nam đang bị loài chồn cáo kìm kẹp. Cùng nhau dẹp bỏ tị hiềm, chúng ta có thể tiếp tay loại bỏ bọn ngựa Ðỏ kết phe kết đảng theo kiểu "ngưu tầm ngưu, mã tầm mã" tàn ác đang sống trên đầu trên cổ dân chúng Việt Nam.

NGỰA VÀ PHÁI ÐẸP

Trước khung cảnh yêu kiều, nên thơ, đẹp đẽ "cỏ non xanh gợn chân trời" của "Nàng Xuân", để thêm hương cho đời, tạm quên đi những muộn phiền của cuộc sống, tác giả mạn phép qúi độc giả thân mến và thường trực của bổn báo để hơi ... lạc đề, tí tỉnh lạm bàn tới phái Ðẹp. Mùa Xuân xanh tươi thường được ví von với một cô gái chưa chồng như thi sĩ Nguyễn Bính đã từng xuýt xoa "em như cô gái hãy còn Xuân". Nhiều người còn gọi phái Ðẹp là phái "Yếu" hay phái "Nữ". Nhưng theo thiển ý, nếu gọi những nàng Xuân phơi phới là phái "Yếu" thì chẳng những phạm thượng, sai bét và mang tội chủ quan nữa. Phạm thượng vì đã trắng trợn vi phạm nền triết lý cao đẹp "kính nữ đắc thọ, sợ vợ sống lâu" đã được ghi rõ từ thời "Bà Nữ Oa đội đá vá trời", hiện đang được tác giả rất tôn sùng. Sai bét vì trong thời buổi kẻ khôn người khó này, nình bà con gái phải coi là mạnh quá trời, cũng xung phong làm lính cái, bốc xơ, đô vật ... đủ cả không kém gì nam giới. Nếu còn không tin, xin cứ nhìn quanh sẽ thấy các bà các cô Mẽo vàng, Mẽo trắng, Mẽo đỏ, Mẽo xì v.v... đa số đều hồng hào phốp pháp và sổ sữa hơn phe đực rựa rất nhiều. Ngoài ra, nếu để tâm nghiên cứu trên tình trường, xưa nay nam phái bao giờ cũng bị hạ đo ván đến sùi ... bọt mép!

Nói tới phái nữ ắt phải bàn tới mục tướng số, xin xâm, hái lộc. Ðây không phải là mê tín tin dị đoan mà là "có tin, có lành". Cũng chính vì vậy có thể đôi lần trong đêm khuya thanh vắng, qúi vị từng nghe tiếng than thỏ thẻ thống thiết đại để như "người ta tuổi Ngọ tuổi Mùi, sao tôi lại cứ ngậm ngùi tuổi Thân". Nếu để ý thêm đến hoàn cảnh, "không gian và thời gian", chém chết tác giả của tiếng than não nề này cũng là của một vị liền bà con gái sồn sồn hoặc đã qua dăm bảy lửa nhưng rút cuộc vẫn "chổng chừa" trong một đêm "sáng trăng em tưởng tối trời ..." Nhưng tại sao lại "tuổi Ngọ tuổi Mùi?" Tác giả không đủ "qualification" để giải thích theo khoa hình nhi thượng, hình nhi hạ hay theo càn khôn bát quái của đệ tử Trần Ðoàn Tiên Ông hoặc Qủi Cốc Lão Sư. Nhưng căn cứ vào truyền thuyết dân gian "nôm na là cha mách qué", chúng ta có thể thấy ngay Ngọ hay chị Ngựa và Mùi tức anh Dê là hai kiện tướng nổi tiếng trên "thiên đàng tình ái." Chị ngựa? Còn phải nói! Ngực nở, bụng thon, chân dài, lông ... bờm rậm, chỗ để ngồi "bằng cái lồng bàn" đã hùng hồn diễn tả được tất cả các qúi tướng "vượng phu ích tử" của nữ giới. Ngoài ra với cặp chân dài có tài ngày phi ngàn dậm, chăm phần chăm đúng phóc "trường túc bất tri lao", đâu xá gì ba cái nước kiệu lẻ tẻ. Còn anh Dê cũng hùng dũng không kém. Chỉ nguyên hình ảnh vị Dê chúa sáng nào cũng khệ nệ mang bọc đồ nghề khổng lồ, hiên ngang điểm danh từng chị Dê rồi bắt đóng thuế trước khi cho ra khỏi chuồng làm ăn cũng đã chứng tỏ được năng lực vô địch của món "ngọc dương hầm thuốn Bắc". Nếu chịu khó làm thống kê, các vị mệnh phụ phu nhân hay nữ lưu hào kiệt nổi tiếng trong thiên hạ như bà Phó Ðoan, bà Phán Phom, cô Tư Hồng v.v... hoặc các đồ ... cổ như Võ Tắc Thiên, Từ Hi Thái Hậu, Ðắc Kỷ v.v... chắc chắn nếu không phải tuổi Ngọ cũng cầm tinh con Dê xồm!

Bàn hươu tán vượn cũng như cặn kẽ phân tích về những điểm tương đồng giữa ngựa và người đẹp như trên, chẳng qua tác giả muốn chứng tỏ ngựa đúng là tướng tinh của phái nữ. Nếu không, tai sao những vị quần hồng có tính tình tự do phóng khoáng ưa bay nhảy trong tình trường theo kiểu "ngựa hoang trên đồi cỏ non" lại được bàn dân thiên hạ xì xào rằng rất "ngựa?". Ngoài ra, các con hồ ly tinh chuyên quyến rũ chồng người cũng được các bà vợ hiền âu yếm đặt tên "đ. ngựa" trước khi ra "lệnh xé xác" cho bày lâu la? Nghe nói nữ hoàng "thiên hạ đệ nhất dâm" Võ Tắc Thiên bên Tàu thời xưa cũng cho làm một con ngựa cái như thật rồi chui vào trong đó, đưa đồ nghề ra dụ cho được ngựa đực tới mới thỏa lòng.

Nói tóm lại, năm nay gặp được tướng tinh đỡ đầu, các bà các cô số không thấp lắm, đang phục vụ trong binh chủng "phòng không" giữa mùa đông lạnh lùng, thế nào con tim cũng được sưởi ấm. Cùng lắm chạy ù ra mấy tiệm bán "sale" quơ đại mấy cái mền, gối đem về nhà là hết cảnh "chăn đơn gối chiếc" ngay. Ðối với những hồng nhan "ván đã đóng thuyền" hay "khớp con ngựa ô" nhưng tính ưa bay bướm, cũng tha hồ phi nước đại theo đúng tinh thần "lẳng lơ cũng chẳng có mòn, chính chuyên cũng chẵng sơn son để thờ". Tắt một lời, năm nay thuộc loại "thượng thượng" muốn gì được nấy cho những vị "quần vận yếm mang" hồng nhan tri kỷ yêu kiều diễm lệ.

Trước khi ngừng gõ "keyboard", tác giả mạn phép được tí tỉnh nịnh đầm thêm, kể hầu qúi vị liền bà con gái, đặc biệt các vị "chửa chồng" một câu chuyện độc đáo ... rất ngựa. Chuyện rằng hồi xửa hồi xưa, có một phú ông muốn kén chồng cho cô con gái rượu độc nhất nên mở một kỳ thi văn chương để chọn mặt gửi vàng. Thí sinh đầu tiên tới dự là một thư sinh văn hay chữ tốt, khoe tài xuất khẩu thành thi. Phú ông nhìn quanh, chợt thấy một con ngựa trắng đang gặm cỏ trong vuờn, bèn bảo chàng ta làm một bài thơ vịnh con ngựa trắng. Câu thư sinh không chút bối rối, bèn đọc ngay bài thơ như sau:

"Bạch mã trắng như tuyết
Tứ túc cương như thiết
Tướng công kỵ bạch mã
Bạch mã tẩu như phi"

Nghe qua bài thơ, phú ông đắc ý, sướng tỉ quá vì trong cảnh gần đất xa trời máy móc rệu rạo đến nơi mà còn được tán tụng như người hùng tung hoành trên lưng bạch mã như "phủơ phương phì", nên có ý định gả con gái cho chàng hay chữ. Chợt lúc đó lại có một chàng trai quê mùa chất phác cũng đến xin dự thi. Thấy anh chàng nhà quê cục mịch, phú ông đã không hài lòng. Tuy nhiên, vì cả phú bà lẫn cô con gái cưng đều cho rằng như vậy là không "fair" nên đành phải tìm một đề thi khác. Thấy phú bà vẫn còn đang hăng say ong óng "complaint", phú ông bực mình bảo cậu trai làng: "Mày làm bài thơ vịnh con ... mẹ mày coi". Chàng trai liếc mắt nhìn phú bà đề đo lường "con mẹ mày" ra sao rồi bắt chước chàng thư sinh đọc ngay bài thơ:

"Mẹ mày trắng như tuyết
Bốn vó cứng như thiết
Tướng công cưỡi mẹ mày
Mẹ mày phóng như bay"

Dĩ nhiên, phú bà rất hài lòng với bài thơ tuy mộc mạc gợi hình gợi cảm rất "ngựa" này. Cả cô con gái rượu cũng chúm chím đắc ý. Hai ông bà đấu khẩu kịch liệt nhưng vẫn chưa phân thắng bại, vì vậy đành nhờ qúi độc giả nình bà con gái thân mến của bổn báo làm giám khảo, nên chọn thí sinh nào làm rể "sàng đông, sàng tây"?

Ðầu năm đầu tháng, dân Việt ta có mỹ tục thường nói chuyện vui, tránh nhắc đến điều buồn. Theo đúng truyền thống đó, tác giả đi vào đoạn kết của bài phiếm luận bằng một tin vui. Chắc qúi vị còn nhớ cụ Trạng Trình là một vị túc nho "trên thông thiên văn, dưới đạt địa lý, giữa biết nhân sự". Khi chúa Nguyễn Hoàng muốn tránh anh rể là Trịnh Kiểm để khỏi bị giết hại, Trạng Trình là người đã khuyên câu "Hoành Sơn nhất đái, vạn đại dung thân". Xin lưu ý qúi vị nho ... chùm rằng "đái" đây không phải là "tè" theo chữ Nôm, mà là chữ Hán có nghĩa là cái thắt lưng hay giải lụa buộc quanh lưng. Thí dụ như "ngọc đái" là cái vòng lưng bằng ngọc của vua quan thời xưa. "Hoành Sơn nhất đái" như vậy chỉ có nghĩa là "giải núi Hoành Sơn". Nguyễn Hoàng y lời xin vào trấn thủ phương Nam, quả nhiên về sau lập nên sự nghiệp muôn đời.

Riêng về năm Ngọ, cụ Trạng Trình có lời sấm như sau:

"Mã đề Dương cước anh hùng tận
Thân Dậu niên lai kiến thái bình"
(Tạm dịch:
Móng Ngựa, chân Dê anh hùng hết
Qua năm Khỉ, Gà sẽ thấy thái bình)

Thông thường, "sấm" là những lời tiên tri rất bí ẩn nên khó giải đoán vì tác giả tuy biết "quá khứ vị lai" nhưng không giám cãi lại mệnh trời công khai tiết lộ thiên cơ. Tuy nhiên trong trường hợp cụ Trạng Trình, có lẽ vì tiên đoán được nỗi lo sợ của dân Việt dưới chế độ độc tài ngày nay, đã nói khá rõ ràng. Nhiều người đã giải đoán hai câu sấm nói trên ngụ ý vào khoảng cuối năm Ngọ, năm Mùi (mã đề, dương cước), đảng cướp bất lương gồm những "anh hùng lao động", "anh hùng sản xuất", "anh hùng kinh tế mới" v.v... và cả tập đoàn "ngưu đầu mã diện" cáo Hồ sẽ lần lượt đến ngày "tận số" (anh hùng tận). Sang năm Thân, năm Dậu, nước Việt ta mới thấy được cảnh thái bình thực sự. Nhìn qua tình hình chính trị biến chuyển trên thế giới hiện nay, chúng ta đã thấy ngay cả các nước đầu xỏ xã nghĩa như Nga, Hoa cũng phải cải tiến trên bước đường dân chủ. Ðặc biệt, ngọn gió Tự Do, Dân Chủ đã quét sạch chế độ độc tài đảng trị tại các nước Ðông Âu như Ba Lan, Tiệp Khắc, Romania, Ðông Ðức v.v... Hiện nay, trên thế giới chỉ còn le hoe mấy "anh hùng" rơm như Tàu Cộng, Hàn Cộng, Việt Cộng và Cu ... Cộng. Chắc chắn chỉ trong vòng một vài năm nữa, chế độ ngu dân, thoái hóa của bạo quyền sẽ bị đào thải và tiêu diệt, vận mệnh nước Việt trở nên tốt đẹp đúng theo sấm Trạng Trình ./.

Cung Chúc Tân Xuân

Trần Ðỗ Cẩm
Austin, Texas 12/2001

























































Free Web Hosting