Phiếm Luận

Năm Thìn, Chuyện Rồng

Bài của: Sĩ Quan Tầu Ngầm




Nhân dịp Năm hết Tết đến, bàn dân thiên hạ đang chứng kiến cảnh chị Mèo ỏn ẻn ra đi, nhường ngôi đệ nhất phu nhân nơi hạ giới cho nàng Rồng ... lượn tới. "Tức" cảnh sinh tình, tác giả tuy không phải là một văn nghệ sĩ có chân cẳng hay vai vế trong hội Văn Bút quốc tế hoặc hải ngoại, cũng muốn được đóng góp bài phiếm luận này trong tinh thần hợp tác để xây dựng. Tuy nhiên, trước khi khai bút đầu Xuân, cần có đôi lời phi lộ mong tránh được những hiểu lầm đáng tiếc có thể xảy ra trong thời mạt pháp có hàng lũ qủi đỏ "ngưu đầu mã diện", "mặt người lòng thú" tại mảnh đất hình chữ S đang "nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn" này. Hơn nữa, tại hải ngoại, anh em ta cũng thường rất mau mắn và rộng rãi tặng nhau những chiếc nón cối hoặc đôi dép râu nên lại càng phải cẩn thận như khi dợt thế "Lượn ... Long Thăng Thiên" trong Hàng Long Tam Thập Lục Chưởng của tổ sư Hồng Thất Công.

Vì vậy, theo đúng câu châm ngôn khuôn vàng thước ngọc "mất lòng trước, được lòng sau" của ông bà, tác giả "nói gần nói xa, chẳng qua nói thật" rằng mục tiêu duy nhất của bài phiếm luận này chỉ để góp vui trong mấy "ngày xuân con én đưa thoi", chứ không hề có ý đả kích bất cứ đoàn thể, cá nhân hay ông lớn bà to nào. Ðối với các vị "quần vận yếm mang", tác giả lại càng "kính nhi viễn chi", chẳng giám đụng chạm tới. Bằng thiện chí giúp vui văn nghệ sáng tỏ như trăng "mồng một cu liêm, mồng hai lưỡi liềm", trong lúc Xuân sang , nếu chẳng may có lời lẽ nào thuộc loại "phát ngôn bừa bãi", không nên không phải, có thể làm phật lòng bất cứ ai, xin qúi vị độc giả cứ tin rằng đó là vì vô tình thay vì cố ý và rộng lòng lượng thứ cho.

Cho chắc ăn hơn, dù đầu năm đầu tháng vẫn "tân" như "cô gái hãy còn Xuân", cần phải kiêng cử cho khỏi dông cả năm, nhưng để chứng tỏ thiện chí khó có thể chối cãi nói trên, thêm một lần nữa, tác giả cũng giám "tuyên thệ" theo kiểu "cá trê chui ống": bài viết này chỉ có mục đích duy nhất là "mua vui cũng được một vài trống canh", không hề xiên xỏ hay đâm thọc bất cứ ai. Qúi vị cứ tin rằng lời "tuyên thệ" này ít nhất cũng nặng ký ngang với lời "khấn" của Clinton Tông Tông khi đặt tay trên cuốn Hiến Pháp và trước bàn dân thiên hạ xứ Cờ Hoa mà thề sống thề chết không hề có "Sex" xiếc gì cả với Rồng cái Monica Lewinsky mà chỉ dạy nàng ngón kèn "xắc xô phôn" độc đáo và cho người đẹp hút "xì gà gộc" thôi! Thành thật cám ơn qúi độc giả trước.

Khi thiên hạ bảo nhau: Rồng tới Mèo đi, đó là nói theo giới bình dân nôm na mách qué, nhưng theo văn chương bác học của các quan Nghè, quan Thám hay qúi vị khoa học giả Ph. D. nhiều bằng cấp, chuyên dùng can chi ngũ hành trong bát quái của Dịch Kinh, thì lại phải "ngôn" là Kỷ Mẹo qua, Canh Thìn tới mới hợp với sách vở Tứ Thư, Ngũ Kinh của đức thánh Khổng! Nhưng tuy thuộc giới bác học hay bình dân, nghèo hay giầu, thượng lưu hoặc hạ (dưới)... giới, trong năm vừa qua, chúng ta đã thấy dân Việt tỵ nạn sống hiền hòa, ngoan ngoãn, dễ thương, dù lúc nào cũng giấu móng vuốt để sẵng sàng cào cấu, cắn xé, ăn sống nuốt tươi nhau, đúng y bản tính loài Mèo. Sang đến Năm Mới con Rồng là biểu tượng trưng cho sự phồn thịnh và vương giả, nhân dịp này, tác giả cầu chúc qúi vị độc giả thân mến của bổn báo một năm mới khang an thịnh vượng, nếu có đi Las Vegas thì "đánh đâu trúng đó", làm ăn phát đạt, thăng tiến như "Rồng gặp mây".

Sau những lời "rào trước đón sau cho đúng lễ nghi quân cách cũng như để được xa lộ an toàn, kính mời qúi độc giả thân mến của bổn báo xăn tay áo cùng vào thăm chốn "long đàm hổ huyệt" hay "hang cọp, đầm rồng". Xin nói trước, hang hốc của loài Rồng là nơi tối tăm ẩm thấp lại rất nguy hiểm nên cần cẩn thận như củi lửa trong lúc lâm trận quyết liệt, vì dù đụng Rồng ... đất hay Rồng cao cấp có đòn phép "đằng vân giá võ" biết bay biết ... nhảy cũng đều rất lợ hại, nếu không khéo có thể bị danh bại thân ... liệt, bỏ mạng chốn sa tràng!

Theo truyền thuyết đông phương, kể về nguồn gốc, Rồng là một con vật thần thoại, không có thật như các giống khác trong 11 con giáp như Chuột, Trâu, Cọp, Mèo v.v... Rồng nguyên là rắn tu luyện tối thiểu ba ngàn năm đã thành chính quả nên có nhiều quyền phép. Người Trung Hoa và Việt Nam thời xưa tin tưởng rằng Rồng và Kỳ Lân là những linh vật mang biểu tượng của Thiên Tử, mỗi khi xuất hiện là có điềm lành hoặc minh chúa ra đời để mang thái bình thịnh trị cho thiên hạ. Cũng vì niềm tin này mà có tục lệ Múa Lân vào những ngày đầu năm trong dịp Tết Nguyên Ðán hay những ngày khai trương, lễ lạc, đám hỏi đám cưới v.v... trọng đại để hy vọng sẽ được may mắn, thành công và phát đạt. Thông thường, trong một đội Múa Lân, chúng ta thấy có đầu Lân trông giống đầu sư tử nhưng có sừng như tê giác và mình lân cũng giống mình sư tử. Qui mô hơn có đội tuy mang đầu Lân nhưng mình lại là thân Rồng với nhiều khúc uốn lượn, do đó người ngoại quốc gọi chung những cuộc Múa Lân là "Dragon Dance".

Về hình dáng, tuy không ai biết được chính xác, nhưng theo truyền thuyết, Rồng được mô tả như một con vật có 4 chân, đầu dài như đầu ngựa hay đầu lạc đà, có sừng như tê giác, tai vểnh như tai bò, cổ rắn, vuốt cọp, móng nhọn như chim ưng, râu cứng và dài, bụng có vẩy từng lớp như vẩy cá chép. Ðặc biệt, Rồng có cặp mắt lồi rất lớn, sáng quắc như lộ hào quang trông thật dữ tợn. Rồng thở ra khói, phun ra lửa hoặc nước. Miệng Rồng rất rộng với nhiều răng lởm chởm chìa ra ngoài như miệng cá sấu. Về màu sắc, có các loại Rồng xanh, trắng, đỏ, đen hay vàng. Trong số này, Rồng vàng cao qúi nhất nên được dùng để tượng trưng cho Thiên Tử. Vì vậy, áo của vua được gọi là Long Bào có thêu Rồng vàng bốn chân, năm móng. Huyền thoại còn cho rằng Rồng đực ngậm một viên ngọc rất qúi trong miệng, do đó nhiều tranh cổ vẽ cảnh hai con Rồng tranh một viên ngọc gọi là "Lưỡng Long Tranh Châu". Ðôi khi cũng có những cảnh vẽ hai con Rồng vờn mặt trăng gọi là "Lưỡng Long Chầu Nguyệt". Người ta còn phân biệt được cả Rồng đực lẫn Rồng cái bằng cách nhìn vào phần đuôi. Ðuôi Rồng đực cuộn lại cứng như một cây côn dùng để làm vũ khí mỗi khi xung trận, còn đuôi Rồng cái lại xòe ra như chiếc quạt.

Người Trung Hoa phân Rồng ra thành bốn loại:

- Thiên Long (T'ien Lung): là loại ở trên trời chuyên hầu cận Ngọc Hoàng Thượng Ðế cũng như bảo vệ thiên đình.

- Ðịa Long (Ti Lung): là chúa tể tại những vùng biển, hồ v.v... lớn

- Thần Long (Shen Lung): là các vị thần trông coi việc làm mưa, gió.

- Phụ Táng Long (Fu ts'ang Lung) là quản thủ của các kim loại qúi như vàng, ngọc v.v... dưới mặt đất.

Rồng được người Á Ðông sùng bái và kính sợ không những chỉ vì biểu tượng của Thiên Tử, mà còn có lý do khác. Ðó là vì sống về nghề nông nên họ rất cần mưa thuận gió hòa cho được mùa ngũ cốc. Họ tin rằng mỗi khi bị hạn hán là bị Rồng trừng phạt vì thiếu lòng tôn kính, nên thường phải lập đàn cầu đảo các Long Vương đến phun nước làm mưa giúp cho mùa màng tươi tốt. Người xưa tin rằng bốn biển lớn là Ðông Hải, Tây Hải, Bắc Hải và Nam Hải, mỗi nơi đều có một Long Vương ngự trị.

Trong các đền thờ của Nhật Bản cũng có khá nhiều hình ảnh của Rồng vì dân chúng tin rằng Long và Phụng là biểu tượng của phồn vinh và trường thọ. Tuy nhiên, người Nhật không sùng bái Rồng quá mức như dân Trung Hoa, vì họ cho rằng cũng có những loại Rồng yêu quái chuyên hại người như Koshi là một con Rồng tám đầu tám đuôi rất hung dữ.

Truyện cổ Trung Hoa cũng kể rằng Rồng nguyên thủy có 5 móng và thích đi đây đi đó. Nhưng càng đi về hướng tây, móng lại mọc thêm nên càng khó di chuyển. Do đó, về sau rất lâu Rồng mới tới và xuất hiện tại các nước tây phương. Ngược lại, càng đi về phương đông thì móng lại bị rụng đi nên khi tới Ðại Hàn, Rồng mất đi một móng, qua đến Nhật Bản lại mất thêm móng nữa. Vì vậy, ngày nay trong các hình vẽ, chỉ Rồng Trung Hoa là có đủ năm móng, còn Rồng Ðại Hàn mang bốn móng, Rồng Nhật Bản chỉ có ba móng.

Ða số chúng ta đều rất quen thuộc với hình ảnh Rồng Á Châu, nhưng thật ra, các nước tây phương cũng có lắm huyền thoại về Rồng. Cả Rồng Á Ðông và Rồng tây phương đều biết bay nhưng Rồng đông phương không có cánh. Trong khi Rồng Á Châu được tôn thờ như thần vật thì Rồng tây phương bị coi là loài quái vật mình lớn, đầu nhỏ, đuôi dài như loài bò sát, thở ra lửa, có cánh và biết bay như chim. Vì có hình tượng dữ dằn nên truyền thuyết tây phương cho Rồng là hiện thân của ma qủi cần phải trừ bỏ chứ không sùng bái như người phương đông. Nhiều truyện cổ tích tây phương tương tự như "computer game" nổi tiếng "Dungeon & Dragon" coi Rồng như ma qủi canh giữ kho tàng, nên đề cao người có thành tích giết Rồng (dragon slayers) như vị anh hùng, hiệp sĩ. Trong sách vở Thiên Chúa Giáo có kể truyện Saint George giết Rồng. Ðại khái thời xưa tại một vùng kia, có một con Rồng rất dữ tợn, chuyên bắt người ăn thịt nên dân chúng đều ngán sợ nhưng không làm sao trừ khử được. May sao, có một tín đồ Thiên Chúa Giáo tên là George đã nhân danh Thiên Chúa giết được con quái vật, trừ hại cho dân lành. Ông này sau được tôn thành thánh. Vì cảm tạ ân đức của Saint George, sau này dân chúng trong vùng đều trở thành tín đồ đạo Thiên Chúa.

Ngoài loài Rồng trong huyền thoại, sách vở khoa học cũng nói tới một số động vật có thật mang tên Rồng. Trước hết là những loại Khủng Long (dynosaurs) như Xà Cảnh Long, Kiếm Long v.v... là những con vật rất to lớn, dữ tợn đã bị tuyệt chủng từ lâu vì không thích ứng được với sự thay đổi của môi sinh trên trái đất, bây giờ chỉ còn lại những bộ xương hóa thạch. Loài Khủng Long đa số sống trên mặt đất giống các dã thú khác như cọp, beo, sư tử v.v... nhưng một số có cánh bay được như loài chim khổng lồ. Cũng có một số loài bò sát sống hoang dã trong những khu rừng nhiệt đới, thuộc chủng loại kỳ nhông, kỳ đà nhưng màu sắc sặc sỡ hơn và hình thể có sừng có ngạnh trông dữ tợn hơn cũng được các khoa học gia sắp vào loại Rồng. Thí dụ như Ultimo Dragon hoặc loại Komodo Dragon tên khoa học là Varanus Komodoensis vì chỉ có tại đảo Komodo thuộc Indonesia.

Sau khi duyệt qua truyền thuyết cũng như đọc một số sách khoa học về nguồn gốc loài Rồng, nhân dịp năm mới, nhằm thay đổi không khi, chẳng gì bằng có đôi lời tiên đoán vận mạng loài người trong năm Rồng để vui vẻ cả làng phải không qúi vị? Tưởng cũng nên nói trước, tuy tác giả có tài rờ mu rùa trúng phóc, nhưng nếu có vị nào quá tin vào những lời bói "free", hùng hục về nhà bán hết tài sản để khăn gói đi Las Vegas hoặc "cúng" hết vào "stock market" với hy vọng làm giàu tắt, rủi chẳng còn đồng xu dính túi phải đổ cả thóc giống ra mà ăn, không có ai chịu trách nhiệm đâu. Chúng ta thường nghe các bạn Mẽo nói "No Free Lunch", thánh cũng phải "có thực mới vực được đạo" chứ? Nếu không đặt tiền quẻ hậu hĩnh, thánh sẽ bị đói vì không có tiền ăn ... phở, còn sức đâu mà "thiên linh linh, địa linh linh?"

Bàn về "quá khứ, vị lai", chẳng cần phải nghĩ ngợi lôi thôi, đối với qúi vị nào quen "thuần phong mỹ tục", đầu xuân thường đi xin xâm hái lộc, cúng sao giải hạn, nếu có gặp ông thầy bói gà mờ, chả biết gì về ngũ hành tương giao hay tương hợp, quanh năm chỉ bói nhầm, cũng có thể đoán mò nhưng ngay chóc rằng năm nay phải đại "kiết" và vô cùng thuận lợi cho dân Việt. Lý do đơn giản vì chúng ta là giòng giõi "con Rồng cháu Tiên". Khi con cháu được tổ tiên về thăm và phò trợ, tất nhiên vận mạng sẽ rất hanh thông và may mắn. Riêng đối với bọn vô thần, vô gia đình, quên cả nguồn gốc thế nào cũng bị tổ Rồng trừng phạt đến nỗi ngóc đầu lên không nổi, chết không còn chỗ chôn.

Ðặc biệt với những "qúi nương" có số đào hoa, nay bay đây mai lượn đó, nhất là lại cầm tinh con Rồng nên được bàn dân thiên hạ cung kính và thán phục trao tặng mỹ danh con Rồng ... lượn, chắc chắn vận hội sẽ thăng tiến như "Rồng gặp mây", muốn gì được nấy, chụp đâu trúng đó. Dù là Rồng ... đất cũng đã nhất, trên chân trên cẳng các con giáp tầm thường khác như Gà, Heo, Chuột, Trâu v.v... rồi, lại còn là Rồng ... "qeen size" như Monica Lewinsky nữa thì ai mà chịu nổi, ngay đến Tông Tông Clinton của xứ Cờ Hoa cũng phải bỏ cả Hillary phốp pháp, vác cây kèn xắc xô tổ bố vắt giò lên cổ lên cổ mà nhào ... dzô! Chỉ tội cho đám liền ông con trai, dù cầm tinh ông Cọp đi nữa năm nay cũng chạy không kịp, sẽ bị các nàng Rồng ... bay bướm này cột chân, xỏ mũi cái một.

Rồng đã có nhiều đòn phép ít người địch lại, nay lại thủ thêm cái bửu bối "chần dần" như "ba tiêu phiến" của bà La Sát ra mà quạt lên quạt xuống, phái nam làm sao mà chẳng tối tăm mày mặt như bị trúng "tornado", chỉ còn nước xuống ngựa, xếp giáp qui hàng là phải! Tuy nhiên, để cứu nguy cho các bạn đồng đội đang bị vây chặt trong "mê Rồng trận", tác giả có lời khuyên qúi nương Rồng "từ từ chớ vội nàng ơi", đừng hung hăng quá, vì nếu cứ thừa thắng bay mãi lượn mãi, không biết lựa bãi đáp an toàn để nương thân gửi phận, cũng sẽ có ngày cạn xăng hết nhớt mà rơi bịch xuống đất, chịu phận "Rồng vàng tắm nước ao tù". Một khi đã hết công lực, hàng họ sẽ teo tóp, đồ nghề thành "mướp" hết, có cho không cũng chẳng ma nào buồn rớ, lúc đó tha hồ chổng ... mà gào!

Nói về nguồn gốc "Con Rồng Cháu Tiên", tục truyền rằng vào thời thượng cổ, Kinh Dương Vương nước ta lấy con gái Ðộng Ðình Quân là Long Nữ, sinh ra Sùng Lãm nối ngôi làm vua, xưng là Lạc Long Quân. Sau này, Lạc Long Quân thành hôn với bà Âu Cơ đẻ ra một bọc trăm trứng, nở thành 100 người con trai. Một hôm, Lạc Long Quân nói với bà Âu Cơ rằng: "Ta là dòng dõi Long Quân, còn nàng vốn là Thần Tiên, ăn ở với nhau lâu chắc không được, nay có trăm đứa con thì nhà ngươi đem 50 đứa lên núi, còn 50 đứa theo ta xuống biển Nam Hải." Căn cứ vào sự tích này, người Việt chúng ta thường tự hào là giống Rồng Tiên.

Tới đây, tưởng cũng nên mở dấu ngoặc để có lời bàn Mao Tôn Cương theo kiểu "ăn ốc nói mò" rằng cụ tổ của chúng ta có lẽ đã ngầm "thông báo" trước số mệnh của dân Việt di tản nên mới lấy hiệu là Lạc Long Quân. Xin qúi vị đồng ... hồ từ từ đừng có nóng để bình tĩnh nghe lời biện bạch. Ai cũng biết Long có nghĩa là Rồng, Quân là vua, còn chữ Lạc theo các vị đồ nho giải thích có nghĩa là vui vẻ hay an vui như trong câu "an cư, lạc nghiệp" hay "hỉ, nộ, ố, ái, lạc" của nhà Phật. Nhưng theo kiến thức bình dân đong không đầy chiếc lá ... mít của tác giả, Lạc đây là chữ Nôm ... na, nên chúng ta cần hiểu theo nghĩa ... đen hình nhi ... hạ, có ý là lang bang không định hướng như chúng ta thường nói "đi lạc, lạc đường, trôi sông lạc chợ" v.v... . Lạc Long như vậy không phải là "Rồng Dzui" mà có nghĩa là Rồng đi lạc, hoăc văn chương hơn "lênh đênh theo vận nước nổi trôi". Ðây đúng là cảnh dân ngày nay Việt tản lạc khắp nơi trên quả địa cầu ô trọc này vậy.

Rồng không những là tổ tiên của dân Ðại Cồ Việt, mà còn gắn liền với vận mệnh dân tộc qua lịch sử thăng trầm của trên 4000 năm lập quốc. Sử nước ta chép rằng khi vua Ngọa Triều Lê Long Ðĩnh mất, quốc sư Vạn Hạnh cùng với Ðào Cam Mộc tôn điện tiền chỉ huy sứ Lý Công Uẩn lên ngôi hoàng đế, tức là vua Lý Thái Tổ. Ðức Thái Tổ thấy đất Hoa Lư chật hẹp không tiện mở mang bên dời đô về La Thành tức là thành Ðại La. Khi tới nơi, Lý Thái Tổ trông thấy một con Rồng Vàng bay bay lên trời, vì vậy ngài đổi tên Ðại La Thành ra Thăng Long Thành tức Hà Nội bây giờ. Từ đó Thăng Long Thành được coi là là đất ngàn năm văn vật. Sau này, khi Bà Huyện Thanh Quan có dịp đi qua cố đô, trạnh lòng trước cảnh tồn vong hưng phế, đã làm bài thơ "Thăng Long Thành Hoài Cổ", trong đó có những câu đượm màu cảm khái như sau:

"Tạo hóa gây chi cuộc hí trường,
Ðến nay thấm thoát mấy tinh sương?
Dấu xưa, xe cũ hồn thu thảo,
Ðền cũ, lâu đài bóng tịch dương"
..........................

Một điềm nữa tiên đoán Canh Thìn năm nay đương nhiên, nhất định, chắc như bắp, chăm phần chăm phải là một năm đại ... kiết, "very good, exellent, outstanding, terrific, fantastic, etc." của người Việt vì Rồng còn là "number one", số một, đứng đầu trong bốn con vật linh thiêng nhất, thường được gọi la Tứ Linh gồm Long, Ly, Qui, Phụng. Căn cứ vào sách "Ðầu" ... Học Tinh Hoa là tiền thân của bộ "Cổ" Học Tinh Hoa đã thất truyền từ thời cụ Bành Tổ và bà Nữ Oa, thì thời xửa thời xưa, nhiều môn đồ khả kính của các thầy Khổng, Mạnh, Lão, Trang và Thất Ðại Môn Phái cùng các cao thủ thuộc hai giới Hắc Bạch trên giang hồ ... có mở một cuộc họp thượng đỉnh tại Hoa Sơn. Mục đích của cuộc gặp gỡ tối cao này là để phân loại các loài vật theo thứ tự thâm niên và hệ thống quân giai xem loài nào được quyền "ăn trên ngồi trốc" để tránh cảnh "lục súc tranh công" chó tru, trâu rống, gà gáy, chuột rúc v.v... , như cảnh những tên đầu xỏ con cháu bác Hồ ... ly tinh chí chóe tranh dành miến ăn hiện nay khiến nhân dân ta thán, thiên hạ đại loạn. (Lời ghi chú của tác giả: Hoa Sơn là một ngọn núi có ... Hoa, Lá Cành và đặc biệt nhiều Thiên Niên Hà Thủ Ô, vị trí gần núi Võ Ðang của Tổ Sư Trương Tam Phong bên Tàu. Xin đừng lầm lẫn với Hoa Quả Sơn là nơi cư ngụ của monkey-man Tôn Hành Giả hay Hoa Sinh Tân là sào huyệt của đôi bợm đười ươi Hillary & Bill Clinton. Qúi độc giả nào muốn kiếm đường lên Hoa Sơn tìm củ thủ ô ngàn năm để ăn cho "cải lão hoàn đồng", có thể tra cứu phóng đồ hành quân trong bộ sách Anh Hùng Xạ Ðiêu hay hỏi thăm một trong Võ Lâm Ngũ Bá).

Các nhân vật chủ chốt trong giang hồ này sau nhiều ngày đêm bàn thảo gay cấn hung hãn, mang cả mã tấu, nón cối ra để tặng nhau, không khác gì cảnh các hội đoàn người Việt hải ngoại ngày nay ngồi lại cùng nhau bàn chuyện công đồng, đã chia loài vật thành 3 loại chính. Loại "low income" hay ngày nay con cháu Mác - Lê vô thần quên cha quên mẹ gọi là bần cố nông. Ðây là các loài giun dế, côn trùng, chim chóc, chồn cáo ... trốn xâu lậu thuế nên bị liệt vào hàng vô danh tiểu tốt, cá mè một lứa chỉ quanh quẩn chui rúc trong quần chúng như các đồng chí, đồng rận. Loại thứ hai gồm một số con vật tương đối có uy tín, đã có thẻ xanh hoặc có quốc tịch nên được quyền gần gũi với loài người, tương đương với loại ngày nay các anh cán ngố học mót gọi là Tiểu Tư Sản. Các vị bô lão trong hội Cao Niên tại Hoa Sơn và Vùng Phụ Cận gọi chung các con vật có "credit" này như Trâu, Gà, Ngựa, Mèo, Dê, Chó v.v... là gia súc. Trên "thượng tầng kiến trúc" của giai cấp xã hội loài vật có 4 con vật, gọi là Tứ Linh, vì được sắp vào loại "Linh" thiêng nên chuyên được dùng là "tà lọt" cho Thần Thánh.

Bốn linh vật này được sắp theo tứ tự thâm niên Long, Ly, Qui, Phụng. Long là con Rồng; Ly hay Lân là con Kỳ Lân; Qui là con Rùa và Phụng là một loài chim qúi. Vì vậy, trong các đền thờ chỉ có tượng Tứ Linh, không hề thấy loại đồng chí, rận hay anh chó, chị mèo, chú dê hay bác gà v.v... thuộc hàng gia súc bén mảng. Trong Tứ Linh, Rồng lại được sắp hàng đầu, do đó, nếu coi Tứ Linh tương đương với Tứ Ðại Pháp Vương trong Minh Giáo thì Rồng là dzua của các vì dzua, tương tự như Tử Sam Long Vương Kim Hoa Bà Bà đứng đầu Tứ Ðại Pháp Vương, trên cả cha nuôi của Trương Vô Kỵ là Kim Mao Sư Vương Tạ Tốn vậy. Nếu độc giả nào muốn nghiên cứu thêm về Tứ Ðại Pháp Vuơng, có thể ra tiệm "video" mướn tuồng chưởng "Cô Gái Long ... Ðồ", coi kỹ sơ đồ tổ chức Minh Giáo của người đẹp không bao giờ tắm Hân Tố Tố.

Vì thuộc Tứ Linh nên nơi nào có "thần vật" như Rồng hay Kỳ Lân xuất hiện là điềm có chân chúa hay "chánh vì vương" ra đời. Gian thần Ðổng Trác đời nhà Hán mang ý định chiếm đoạt ngôi vua, có lần nằm mộng thấy Rồng cuốn quanh mình, không hiểu là điềm gỉ lành hay dữ? Tên mưu sĩ Lý Nho nịnh bợ bèn "mao tôn cương" rằng đây là điềm tốt, sắp được làm vua. Ðổng Trác khoái tỉ quá, tin mình có số mạng đế vương, không đề phòng gì, ngày đêm nằm trong cung My ' "hí" Ðiêu Thuyền. Ai ngờ chỉ ít lâu sau Ðổng Trác bị con nuôi tên Lã Bố, bồ ruột của Ðiêu Thuyền kính tặng một mũi kích lòi ruột chết ngắc. Thì ra Rồng cuốn là điềm bị vua trị tội.

Về hành tung, Rồng ẩn hiện vô chừng, như Khổng Tử nói về Lão Tử: "Lão Tử như một con Rồng, biến hiện bất thường, không thể nào mà lường được". Theo truyền thuyết, mỗi khi Rồng xuất hiện thường có những cụm mây dầy đặc bám theo, cũng như những thợ săn kinh nghiệm cho biết bỗng dưng rừng nổi gió ào ào thế nào cũng có cọp đâu đây. Vì vậy, người ta mới nói "vân tòng Long, phong tòng Hổ". Những đám mây dầy đặc thường mang theo những cơn mưa rất lớn mà dân quê thuở xưa gọi là "Rồng phun nước". Nhiều khi trong cơn giông gió còn có những cơn "trốt" là những luồng gió xoáy rất mạnh (tornado) trông như cái phễu từ mây đen xà xuống mặt đất cuốn bay nhà cửa, cây cối v.v... mà người ta thường gọi là "vòi Rồng". Hiện tượng "vòi Rồng" nảy sinh ra do hai luồng khí nóng và lạnh gặp nhau trên trời, đôi khi xảy ra cả ngoài biển khơi, hút cả nước biển cùng tôm cá liệng vào đất liền khiến nhiều người cho rằng trời mưa ra tôm cá. Vì những vòi Rồng phun nước này mà vào thời Pháp thuộc, dân chúng miền Nam Kỳ tự trị còn gọi Sở Cứu Hỏa hay Chữa Lửa là Sở Vòi Rồng, như trong bài ca hài hước "Tai Nạn Téléphone" của Trần Văn Trạch có câu "Alô, alô, ở đây là Sở Vòi Rồng, nhà anh có cháy nhà không?"

Rồng có liên quan mật thiết với mây và nước nên bốn vị vua của bốn biển được gọi là Tứ Hải Long Vương. Thủy cung của các vị vua "thủy tề" này còn được gọi là Long Cung. Các thương thuyền hoặc chiến hạm hải hành từ đông sang tây hay ngược lại, khi vượt đường đổi ngày tưởng tượng trên hải đồ, đều làm lễ kỷ niệm rất lớn, trong đó có vua Thủy Tề trao bằng chứng nhận "xuyên nhật đạo" cho các thủy thủ. Các Long Vương, ngoài việc cai quản muôn loài thủy tộc, còn được Ngọc Hoàng Thượng Ðế trao cho trách nhiệm giữ cho "mưa thuận gió hòa" để mùa màng được tươi tốt. Do đó, ngày xưa mỗi khi bị hạn hán, nông dân không cần đếm xỉa gì tới "tin tức khí tượng cho tàu chạy ven biển" mà chỉ rủ nhau bầy hương án cúng "chút cháo" hối lộ các Long Vương là lập tức có Rồng tới phun nước ào ào!

Tất cả các vị Long Vương đều mang họ Ngao, chắc là thân bằng quyến thuộc của loài Sò, Ốc và Hến? Trong số các Long Vương, có Ðông Hải Long Vương tên Ngao Quảng là nổi tiếng nhất. Chả là trước khi Tôn Hành Giả đại náo thiên cung, Lão Tôn này có xuống Ðông Hải Thủy Cung "hỏi thăm sức khỏe" của Long Vương. Các binh tôm tướng cá đánh không lại, vua quan chạy có cờ nên Hành Giả thừa thắng lấy mất cây cột trụ đánh dấu rốn biển để dùng làm vũ khí gọi là Như Ý Kim Cô Bổng, có thể biến nhỏ lại bằng cây kim để giấu vào trong lỗ tai. Vì mất cây trụ đánh dấu nên ngày nay, không ai biết đâu là chỗ sâu nhất tức là "rốn biển" cả.

Về nơi ẩn thân, Rồng thường ở những nơi có nước. Vì vậy mới có câu "Long đàm Hổ huyệt" hay "hang Hổ, đầm Rồng" để chỉ những địa thế âm u, hiểm trở hay chỗ náu thân của những tay chọc trời khuấy nước, khác với chốn chui rúc của lũ chồn cáo là hang Pác Pó.

Người Á Ðông tin rằng Rồng là một linh vật mỗi khi xuất hiện thường đưa đến điềm lành cho hạ giới nên hay được dùng để đặt cho tên người hay những địa danh. Nếu giới bình dân Việt Nam hay dùng những tên "cúng cơm" mộc mạc như Tèo, Cu, Hĩm, Tí, Hến v.v... để đặt cho con với tin tưởng rằng "tên xấu" sẽ bị thần thánh chê, không "bắt đi", thì con cái của những gia đình khá giả lại thường mang những tên đẹp đẽ như Thanh Long, Hồng Long, Hoàng Long, Bạch Long v.v... Dưới thời Ðệ Nhị Cộng Hòa tại Việt Nam có một nam tài tử điện ảnh mnag tên "Long ... Ðất" rất được phái nữ thuộc dòng "ma rỉ" ái mộ. Bên Hoong Koong có tài tử nổi danh Ðịch Long cùng thời với Khương Ðại Vệ, Lý Lệ Hoa, Lâm Ðại. Nhưng anh tài tử tên Long nổi tiếng nhất trên toàn thế giới mang tên Lý Tiểu Long là tổ sư của các phim "Kung Fu", quyền chưởng ngày nay. Bộ phim đưa Lý Tiểu Long lên đài danh vọng mang tên "Enter The Dragon" với những màn võ công thượng thặng rất được giới thưởng thức phim ảnh ái mộ. Tuy nhiên, anh Lý Tiểu Long này bất ngờ bị chết rất sớm khi mới ngoài 30 tuổi. Cách đây không lâu, người con trai của anh ta cũng bị tai nạn qua đời khi còn rất trẻ.

Tại Việt Nam, những địa danh mang tên Long thật rất nhiều, kể không xiết. - Bắc Việt có vịnh Hạ Long với hàng ngàn hòn đảo xinh đẹp lớn nhỏ nổi tiếng như một kỳ quan thứ tám của thế giới. Về sự tích vịnh Hạ Long, tương truyền rằng vào thuở khai thiên lập địa có một đàn rồng trên trời khi bay qua vùng đất Lạc Việt, thấy một vịnh nước trong, cát trắng rất đẹp nên xuống tắm. Sau này, vì thấy cảnh trí hùng vĩ "sơn thanh thủy tú" nên đàn rồng đã chọn nơi đây làm chỗ trú ngụ. Truyền thuyết cho rằng các hải đảo ngày nay trong vịnh Hạ Long là những khúc lưng của đàn Rồng nổi lên trên mặt nước.

Rất xa, ngoài khơi vịnh Bắc Việt, nằm giữa vịnh Hạ Long và đảo Hải Nam còn có một hòn đảo nhỏ nằm chơi vơi giữa biển khơi tên gọi là đảo Bạch Long Vĩ. Vì đảo nằm tại nơi hẻo lánh lại rất xa đất liền nên dù dân đi biển thâm niên cũng rất ít người biết đến. Dạo trước, khi còn phục vụ trong quân chủng Hải Quân VNCH, tác giả may mắn có cơ hội đi qua hòn đảo này mấy lần. Ðảo trông như một hòn đá lớn trồi lên trên mặt biển nhưng lại có khá nhiều cây cối xanh tươi rậm rạp. Ðảo không có người ở, thỉnh thoảng chỉ có một vài thuyền ngư dân tấp vào tránh bão. Tuy không có nguồn lợi nào về kinh tế nhưng đảo Bạch Long Vĩ chiếm một vị trí quân sự rất quan trọng vì nằm giữa vịnh Bắc Việt, án ngữ đường hàng hải của tàu bè đi lại trên các trục vùng Ðông Nam Á. Nếu đặt mội giàn "radar" hải kiểm có tầm trung bình chừng 100 hải lý, không những có thể kiểm soát toàn vịnh Bắc Việt mà còn theo dõi được tầu bè qua lại trên các hải lộ quốc tế.

Nghe nói hòn đảo này mang tên Bạch Long Vĩ vì các nhà phong thủy, địa lý thời xưa đồn rằng đây chính là khúc đuôi của một con Rồng Trắng khổng lồ nằm trong một thế đất tột qúi phát ra chân mạng đế vương gọi là "Lưỡng Long Tranh Châu". Ðầu của Bạch Long nghe đâu tựa vào vùng Thanh Hóa, Nghệ An, vùng núi Hồng Lĩnh. Vì vậy ở Thanh Hóa có một cây cầu gọi là cầu Hàm Rồng nối liền hai mỏm núi cheo leo hùng vĩ trông xuống sông Mã. Khúc mình của con Rồng Trắng này nằm chìm sâu dưới Biển Ðông, thỉnh thoảng có một vài vẩy rồng nhô lên khỏi mặt nước là các hải đảo Hòn Mật, Hòn Mê, Hòn Niếu ... ngoài khơi Sầm Sơn thuộc vịnh Bắc Việt. Nói về huyệt đại qúi, đại phát "Lưỡng Long Tranh Châu" này, trong dân gian cũng như những sách phong thủy đời xưa còn truyền tụng một câu sấm như sau:

"Hồng Lĩnh sơn cao,
Song Long (Ngư) hải khoát,
Nhược trị minh thời,
Nhân tài tú phát".

Ðại ý của mấy câu thơ nói "vùng đất Thanh Nghệ có núi Hồng Lĩnh cao ngất tầng mây, ngoài biển rộng lại có các hải đảo cân xứng như cặp rồng nằm chầu, vì vậy, nếu gặp thời thịnh trị sẽ là nơi phát xuất lắm nhân tài. Quả thật, vùng này có lắm anh hùng hào kiệt và cũng là quê hương của Bình Ðịnh Vương Lê Lợi khởi nghĩa tại Lam Sơn đánh tan giặc Minh. Về văn học có cụ Nguyễn Du hiệu là Tố Như , tác giả áng thi văn bất hủ Kim Vân Kiều. Cụ Nguyễn Du sinh trưởng tại vùng núi Hồng Lĩnh nên còn có ngoại hiệu là "Hồng Sơn Liệp Hộ", có nghĩa là người thợ săn ở non Hồng. Ðể tỏ lòng trung thành vẫn luôn luôn nhớ tới nhà Lê dù lúc đó đã tới thời mạt vận, Tố Như tiên sinh gói ghém tâm sự u ẩn của mình vào hai câu thơ:

"Ta có nỗi lòng khôn giải tỏ,
Non Hồng lồng lộng, Quế Giang Sâu".

Quế Giang là tên một con sông thuộc vùng Thanh Nghệ.

Nó đúng ra, thế đất "Lưỡng Long Tranh Châu" này là nơi nẩy sinh ra loại người đặc biệt. Nếu gặp thời thái bình thịnh trị (minh thời) sẽ có nhân tài xuất hiện (nhân tài tú phát) làm cho nước giầu dân mạnh. Ngược lại nếu gặp thời thế nhiễu nhương thì sẽ có "qủi vương" vô cùng lưu manh, nham hiểm ra đời . Ðó là trường hợp cáo Hồ. Hắn là một tên cực kỳ nham hiểm cũng sinh đẻ tại vùng Thanh Nghệ, mang tên Minh, nhưng thật sự chữ Minh này lại có nghĩa là "tối tăm, ngu dốt" không phải là "thông minh, sáng láng" như cha mẹ hắn kỳ vọng.

Bàn thêm về các tên "Long", nếu miền Bắc và miền Trung có các địa danh hùng vĩ và nhiều truyền thuyết thì miền Nam Việt Nam cũng có những "Long" tuy hiền hòa nhưng nổi tiếng không kém. Quen thuộc nhất có lẽ là sông Cửu Long, quanh co uấu khúc trong vùng đồng bằng như chín con Rồng ôm chặt mảnh đất phì nhiêu là vựa lúa của Việt Nam. Nếu ngồi trên phi cơ mà quan sát, sông Cửu Long trông thật giống chín con Rồng là chín nhánh sông đổ ra Biển Ðông. Chín đầu Rồng hay cửa sông này là Cửa Tiểu, Cửa Ðại, Cửa Ba Lại, Cửa Hàm Luông, Cửa Cổ Chiên, Cửa Ðịnh An, Cửa Tranh Ðề, Cửa Cung Hầu và Cửa Bát Sắc. Những ai từng cư ngụ tại các vùng Tiền Giang hoặc Hậu Giang, nhất là các bạn Hải Quân có dịp phục vụ tại các Giang Ðoàn thuộc vùng 4, chắc khó có thể quên được những thành phố xinh đẹp hiền hòa như Vĩnh Long nằm trên nhánh sông Cổ Chiên hoặc Long Xuyên, Long Ðiền, Long Kiến v.v... bên bờ sông Hậu. Ngoài các địa danh vừa kể, miền Nam còn có nhiều vùng đất mang tên Long khác như: Long An, Long Mỹ, Long Ðịnh, Long Bình, Long Khánh, Long Phú, An Long v.v... mà mỗi Long là một kỷ niệm mênh mang trong lòng người xa xứ.

Ðối với các vị có tuổi ưa chuộng thiên văn, địa lý, sơn thủy v.v... hay thích nghiên cứu Dịch Kinh, Bát Quái thì vận mạng của người dân Việt liên quan rất nhiều đến huyền thoại Rồng. Tương truyền rằng thuở xưa, Cao Biền bên Tàu vì có công dẹp được quân Nam Chiếu nên được vua Tàu phong cho làn Thái Thú phương Nam. Cao Biền không những là một tướng tài mà còn là một nhà địa lý chuyên coi phong thủy rất giỏi. Khi trấn nhậm Nam Việt, họ Cao thường cưỡi diều giấy bay cao để có thể nhìn rõ các thế đất, mong tìm ra huyệt qúi. Một hôm, Cao Biền dùng diều bay tới vùng Thanh Hóa, chợt thấy một thế đất sơn thanh thủy tú hùng vĩ chưa từng thấy, từ trên cao nhìn xuống giống như hai con Rồng đang vờn một hạt châu. Sau nhiều lần tra cứu sách vở, họ Cao biết được đây là một thế đất đại qúi, đại phát độc nhất vô nhị được mệnh danh là "Lưỡng Long Tranh Châu", sẽ phát Ðế Vương quyền lực bao trùm khắp thiên hạ. Cao Biền tuy trong lòng rất muốn lấy hài cốt của ông cha mình táng vào huyệt đất này để con cháu ngày sau sẽ được làm vua, nhưng vì đường xá về Tàu xa xôi, vả lại họ Cao cũng biết rằng phúc đức nhà mình còn mỏng, không thể phát được tới mức tột đỉnh danh vọng đó, nên đã tìm cách yểm triệt thế đất "Lưỡng Long Tranh Châu" nhằm ngăn chận không cho Ðế Vương phát tại nước Nam khiến sau này người Việt có thể chinh phạt cả Trung Quốc.

Vào thời Ðông Hán, Phục Ba Tướng Quân Mã Viện sau khi đánh thắng được hai Bà Trưng, cũng đã phải dùng một cây cột bằng đồng cực lớn để đóng vào yếu huyệt giữa hai mắt Rồng, mục đích để yểm tuyệt không cho Rồng thiêng vùng vẫy. Tuy vậy, Mã Viện vẫn không yên tâm, sợ người Việt khi biết được sẽ nhổ cây trụ đồng phá thế yểm này, nên có khắc 6 chữ "Ðồng trụ chiết, Giao Chỉ diệt" trên cột đồng, ngụ ý đe dọa nếu dân Việt để cột đồng bị đổ, nước Việt sẽ bị diệt vong. Vì vậy, người Việt lo sợ, ai đi qua cũng lấy đá lấp vào chân cột cho chắc khỏi đổ. Lâu dần, đá cao như núi che lấp cả đồng trụ nên không còn ai biết ở đâu nữa khiến sau này nhân tài nước Việt dù có muốn cột đồng để phá thế yểm cũng không biết đâu mà tìm.

Nói tới tài địa lý, nước Việt cũng có một nhà sơn thủy cừ khôi người làng Tả Ao nên được mọi người tôn là Thánh Ðịa Lý Tả Ao. Có lần một người đức bạc tài hèn xin cụ chỉ cho thế đất phát quyền uy có thể "đè đầu vít cổ" thiên hạ. Vì anh này năn nỉ quá nên cụ thương tình chỉ cho mảnh đất sau này con cháu anh ta cha truyền con nối làm nghề hớt tóc, tha hồ "đè đầu, vít cổ" khách hàng. Lại có chuyện kể rằng một hôm cụ Tả Ao mải đi tìm huyệt đất qúi, lỡ độ đường nên phải dừng chân xin tá túc tại nhà một tên trọc phú nọ. Tên này thấy người khách nghèo nên tỏ vẻ rất khinh bạc, nhưng khi biết cụ Thánh Ðịa Lý nên kể công, nằng nặc đòi cụ phải tìm cho được thế đất Lưỡng Long Tranh Châu để táng hài cốt tổ tiên mình hầu sau này con cháu được làm vua. Cụ Tả Ao biết rõ chân tướng của tên trọc phú bất lương này nên chỉ cho mảnh đất Lưỡng Cẩu Tranh ... Phân khiến sau này con cháu hắn được hôi thối kinh niên. Tuy sách vở không nói rõ họ tên của lão trọc phú, nhưng căn cứ vào vị trí của thế đất Lưỡng Long Tranh Châu tại vùng Thanh Nghệ, chắc thế đất hôi thối và quê quán của hắn cũng gần đâu đây. Hơn nữa, nếu căn cứ vào lịch sử mà suy đoán, chắc chắn tên trọc phú này là tổ tiên của bợm Hồ vì tên cáo già này đã được mang tiếng ... thối ngàn năm! Cũng vì vậy, các tên đồng bọn của họ Hồ phản dân hại nước, cam tâm làm đầy tớ cho ngoại bang Nga, Tàu như Ðồng, Duẫn, Giáp, Khải, Khu (nghe tên cũng đủ thấy ... thơm) v.v... thường được người đời ca tụng rằng mồ mả tổ tiên các anh đó được hân hạnh an táng vào ... hàm chó!

Ngoài các "nhân" danh và địa danh mang tên Rồng nói trên, trong các sách vở đời xưa cũng có nhiều chuyện liên quan đến Long. chẳng hạn như trong "đệ nhất tài tử thư" là bộ Tam Quốc Chí của Kim Thánh Thán có rất nhiều "tích" Long rất đáng nhớ. Nổi tiếng nhất là chuyện Ngọa Long Tiên Sinh tức Vạn Ðại Quân Sư Gia Cát Lượng có tài "trên thông thiên văn, dưới đạt địa lý, giữa biết nhân sự". Ông còn có tên là Khổng Minh, biệt hiệu Ngọa Long Tiên Sinh vì khi hàn vi ở ẩn tại Ngọa Long Cương tức đồi Ngọa Long. Quân sư Từ Thứ của Hán Vương Lưu Huyền Ðức trước khi rời Hán về Tào để tròn chữ hiếu với mẹ đã tiến cử hai bậc kỳ tài được người đương thời xưng tụng là Ngọa Long (Rồng Nằm) Khổng Minh và Phụng Sồ (Phụng Non) Bàng Thống. Vì cảm ân đức "tam cố thảo lư" (ba lần ghé tới lều tranh) của Lưu Huyền Ðức nên dù biết vận mệnh nhà Hán đã hết nhưng Ngọa Long Tiên Sinh cũng miễn cưỡng đảm nhận trọng trách Thừa Tướng, cúc cung tận tụy một lòng tận trung báo quốc hết lòng diệt Tào để khôi phục nhà Hán. Vì số trời không tựa nên sau sáu lần dẫn quân vượt ải Kỳ Sơn (Lục xuất Kỳ Sơn) phạt Tào, Gia Cát Thừa Tướng cũng chỉ có thể phò nhà Hán chia ba thiên hạ với Ngô và Tào.

Ngoài Ngọa Long Tiên Sinh, trong truyện Tam Quốc còn có một vị dũng tướng rất can đảm tên Long được Hán Vương Lưu Huyền Ðức ca ngợi "toàn thân là một quả mật lớn". Vị thiếu niên mãnh tướng này là Thường Sơn Triệu Tử Long nổi tiếng trong trận Ðương Dương Trường Bản. Trong trận này, quân Hán bị trăm vạn hùng binh Tào đánh cho tan tác, nhưng Triêu Tử Long với nhiệm vụ bảo vệ ấu chúa Lưu Thiện là con của Lưu Huyền Ðức, đã một mình một ngựa tung hoành trong đám trăm vạn quân Tào như vào chỗ không người. Tử Long phá tan vòng vây, đưa được tiểu chủ tới chỗ an toàn. Sau này, để tán dương lòng trung quân ái quốc cùng như đề cao sự can đảm của Tử Long, trong dân gian có tuồng hát bộ rất nổi tiếng được nhiều người ưa thích, đó là tuồng Triệu Tử Ðoạt Ấu Chúa" thường được trình diễn trong những buổi hội hè đình đám.

Tam Quốc Chí cũng kể chuyện cây Thanh Long Ðao Yển Nguyệt là một vũ khí rất nổi tiếng của Hán Thọ Ðình Hầu Quan Vân Trường. Ông cùng với Trương Phi là em kết nghĩa của Hán Vương. Truyện chép rằng với cây Thanh Long Ðao và con ngựa Xích Thố, Quan Vân Trường tung hoành trong đám vạn quân, có thể lấy đầu tướng giặc dễ dàng như lấy đồ trong túi. Hiển hách nhất là lần "quá ngũ quan, trảm lục tướng" (qua 5 cửa ải, chém 6 tướng địch) lúc ông bỏ Tào về tìm Hán Vương. Trước đó, Tào Tháo vì mến tài muốn thu dụng ông nên đã hết lòng chiều đãi, "mỗi ngày tiểu yến, ba ngày đại yến" nhưng cũng không giữ lại được. Khi Vân Trường ra đi, các tướng giữ ải của quân Tào, trong số đó có các đại tướng Nhan Lương, Văn Xú, cố sức cản lại nhưng đều bị Thanh Long Ðao chém chết. Hiện nay, trong các đền thờ vị tướng quân trung liệt, chúng ta thường thấy tượng Quan Công mặt đỏ, râu ba chòm dài tơi rốn uy nghi ngồi trên ngai, hai bên có Chu Thương mặt đen là con nuôi và Quan Bình mặt trắng là con ruột cắp đao đứng hầu.

Trong sách Ðông Châu Liệt Quốc cũng kể một chuyện rất lãng mạn liên quan tới Long và Phụng. Nguyên có một chàng trai phong nhã tuấn tú tên gọi Tiêu Sử có tài thổi ống tiêu rất hay. Nhiều khi Tiêu Sử tấu nhạc, có cả chim muông tới chăm chú lắng nghe. Lại có một nàng công chúa tên Lộng Ngọc biết thổi ống địch rất thánh thót. Tiêng sáo của nàng không những làm mê mẩn lòng người mà thần tiên cũng bị quyến rũ. Hai người mến tài của nhau nên một hôm tìm gặp để hòa nhạc. Tiếng tiêu của Tiêu Sử vừa cất lên thì có một con Rồng bay tới chầu. Khi tiếng địch của Lộng Ngọc mới trổi thì có một con chim Phụng bay tới thưởng thức. Ðến lúc tiếng tiêu và tiếng địch hòa với nhau thành một khúc nhạc tuyệt vời thì cả Rồng lẫn Phụng đều nhảy múa phụ họa. Khi khúc nhạc hòa tấu chấm dứt, Tiêu Sử cưỡi Rồng và Lộng Ngọc cưỡi Phụng cả hai cùng bay lên trời. Vì điển tích này, chúng ta thường thấy hình "Long Phụng" trong các thiệp cưới và lời chúc "Phỉ nguyền sáng Phụng, đẹp duyên cưỡi Rồng" được dành cho các tân lang và tân giai nhân.

Trên đây, tác giả đã mạn phép cùng qúi vị độc giả thân mến của bổn báo bàn về sự tích con Rồng cháu Tiên với 4000 năm văn hiến, tán về các thế đất Lưỡng Long Tranh Châu của các chánh vì vương cũng như Lưỡng Cẩu Tranh Phân của mồ mả tổ tiên loại chồn cáo, cùng tài nghệ của các thầy địa lý v.v... Thiết tưởng, bàn hươu tán vượn như vậy mà lại không đả động gì tới "Long" trong các bộ phim chưởng, chắc chắn sẽ bị các khán giả trung thành của tuồng bộ Taiwan, Hoong Koong chê là thiếu sót, sẽ biểu tình phản đối! Ðầu năm đầu tháng, nếu chẳng may được đón tiếp nồng hậu như tên đại sứ mặt mẹt Lê Văn ... Sò đi đâu cũng được ăn cà chua, trứng thối miễn phí và thoải mái thì không khá được! V ậy, mời qúi vị điểm mặt các Long trong tuồng chưởng cho trọn bộ.

Chắc đa số độc giả nam phái mê luyện chưởng đều đồng ý rằng nhân vật tên Long đáng lưu ý và "hiện đại" nhất trong phim bộ phải là "cô Long" hay Tiểu Long Nữ trong tuồng Thần Ðiêu Ðại Hiệp. Cô Long này, ngoài vóc dáng "yểu điệu thục nữ", chắc còn có pháp thuật "Hấp tinh đại pháp" nên trẻ mãi không già. Ngoài ra, nàng còn là một người con gái biết "chọn mặt gửi vàng". Này nhé, anh chàng Dương Quá lúc còn nhỏ bận quần lủng đít thì cô Long đã là một thiếu nữ "có da có thịt", trông rất "sexy", chuyên bận váy đầm xòe trắng tinh, đệ tử của phái Cổ Mộ, sư muội của nữ ma đầu Lý Mạc Sầu. Khi được thâu làm đệ tử để cùng cô Long luyện tập môn bí kíp "Ngọc Nữ Tâm Kinh" trong cổ mộ, Dương Quá tuy còn rất nhỏ nhưng đã là một tay chơi nhiều hứa hẹn. Trong lúc những đứa nhỏ cùng tuổi khác đánh bi đánh đáo, hoặc có thích súc vật cũng đến các loại "thông dụng" các lnhư chó, mèo, chim chóc v.v... là cùng. Nhưng bé Dương đặc biệt chỉ khoáichơi với rùa!

Tài rờ mu ... rùa của Dương Quá không qua được cặp mắt lá răm tinh đời của Cô Long nên nàng đã vội vã thâu cậu bé làm đệ tử để huấn luyện thêm ngón nghề cho nhuần nhuyễn. Sau này, khi lớn lên bôn ba trên giang hồ, Dương Quá vì quen tật rờ ... bậy nên bị Quách Phù, con gái của Quách Tỉnh và Hoàng Dung chặt đứt một cánh tay. Lúc này, cô Long không còn xưng Cô hay Thầy với Dương Quá mà trở thành Em ngọt xớt. Tuy nhiên, cô Long vẫn không già đi tí nào, mà ngược lại trông còn mướt ra như "thài lài gặp ... chó" nữa là khác! Cô Long còn có một biệt tài nữa là tuy đi lại trên chốn giang hồ đầy gió tanh mưa máu như đi chợ, nhưng dù không bao giờ mang theo hàng va-li quần áo như các người đẹp tân thời, nhưng bộ "đầm xòe" trắng tinh của nàng vẫn luôn luôn láng coóng như mới từ lò "dry cleaning"! Trong các cuộc phỏng vấn mới đây, cô Long cho biết sở dĩ nàng "không lấm bụi trần" vì thường ngủ trên một sợi dây thừng căng giữa hai gốc cây chứ không "bụi đời" nằm đầu đường xó chợ như các tay giang hồ ... vặt khác!

Ngoài nàng Tiểu Long Nữ cốt các siêu phàm luôn luôn gần gũi như bóng với hình với chàng đệ tử Dương Quá trẻ tuổi có tài rờ ... rùa, một nhân vật quen thuộc khác trong giới võ lâm cũng có ít nhiều liên hệ tới "Long" là cụ Cửu Chỉ Thần cái Hồng Thất Công, một trong "Võ Lâm Ngũ Bá" và là tổ sư của các vị hành nghề "xin ông đi qua, lạy bà đi lại". Lão ăn mày chúa này chỉ có 9 ngón tay vì theo lời đồn đại của giới giang hồ, ngón thứ 10 quan trọng và làm được nhiều việc động trời nhất đã bị con rùa của Tiểu Long Nữ táp mất! Ngài bang chủ Cái Bang này, ngoài tài múa gậy đánh chó (đả cẩu bổng) con tinh thông 36 thế chưởng pháp Hàng Long Thập Bát Chưởng. Tuy gọi là Thập Bát nhưng nhờ sau nhiều năm ăn bờ ngủ bụi với các ăn mày cái nên cụ chế thêm được 18 nhất dương chỉ pháp nữa cho đủ 36 ... kiểu! Vì thông thạo môn võ công thượng thừa này nên trong kỳ Hoa Sơn luận ... chưởng, Hồng Thất Công đã xưng hùng xưng bá, đánh Tây Ðộc Âu Dương Phong xất bất xang bang, thất điên bát đảo.

Món chưởng "đè Rồng" bất hủ này sau được truyền lại cho đồ đệ cưng là anh chàng Trâu Nước Quách Tỉnh. Với những tuyệt chiêu chuyên trị các loại Rồng này, chàng Quách Tỉnh mới khắc phục được con Rồng cái ưa nhẩy nhót, bay lộn là nữ hiệp Hoàng Dung. Sau này, khi thành Tương Dương thất thủ, chàng Trâu Nước cùng bà xã Hoàng Dung bèn dấu các tập bí kíp như chưởng Hàng Long vào đao Ðồ ... Long và Cửu Âm Chân Kinh vào Kiếm Ỷ Thiên. Từ đó, giới giang hồ đồn đại rằng nếu anh chàng số đỏ nào vồ được đao Ðồ Long tức là lấy được bí quyết Hàng Long thì sẽ bách chiến bách thắng trên tình ... giường. Dù đụng Rồng có dữ cách mấy, có vùng vẫy, bay lộn đến đâu cũng phải chịu phép nằm im re! Ðó cũng là lý do thanh đao có tên là Ðồ Long vì đao này có thể "chém" đến độ "Long ... Ðồ". Ngược lại nếu phái nữ may mắn nào xí được thanh kiếm Ỷ Thiên trong đó có Cửu Âm Chân Kinh, khi tu luyện thành công các các chiêu thức sẽ trở thành vô địch, dù đối thủ có hung hãn thế nào cũng phải mắt hoa mày váng, tay bắt chuồn chuồn xuôi cò vì âm khí kịch độc.

Câu chuyện Ðồ ... Long trong tuồng chưởng còn dài dài vì các chú Ba Taiwan và Hoong Koong có biệt tài "liên hoàn", nối bộ này nối với pho kia lằng nhằng như ... Internet! Thí dụ như sau khi cùng Quách Tỉnh và Hoàng Dung luyện xong Hàng Long Chưởng với Cửu Âm Kinh, khán giả lại được dẫn dắt tới đoạn đầu của một thiên tình sử lâm ly bi đát khác dính dáng tới nhiều trai anh hùng, gái thuyền quyên khác như Trương Thúy Sơn, Hân Tố Tố, Trương Vô Kỵ, Kỷ Hiểu Phù, Kim Mao Sư Vương Tạ Tốn, Triệu Minh Quận Chúa v.v... Tác giả phải tạm ngưng lời bàn Mao Tôn Cương về tuồng chưởng tại đây để khỏi bị chê là lạc đề. Nếu qúi vị nào nóng lòng muốn biết hồi kết cục, hoặc sự tích vụ Trương Vô Kỵ vẽ lông ... mày cho người đẹp Triệu Minh, như một ông tướng ... Quảng Lạc dưới thời Ðệ Nhị Cộng Hòa ao ước, xin vui lòng đến các tiệm chuyên cho mướn băng "video" sẽ rõ.

Ðến đây, thế nào cũng có một số độc giả, nhất là qúi vị liền bà con gái thắc mắc rằng, người ta thường nói "Long Hổ Tranh Hùng" hoặc "Long Tranh Hổ Ðấu" để diễn tả những cuộc đụng độ "tơi bời hoa lá", giữa hai đối thủ "người tám lạng, kẻ nửa cân", nhưng phe nào đại diện là cho phái âm hoặc phái dương mới được chứ? Thật ra, đầu năm mà hỏi câu này thì hơi ... tàn nhẫn vì tác giả thuộc loại chữ nghĩa ăn đong không đầy chiếc lá ... vông! Tuy nhiên, để đỡ bị bí khi lỡ gặp người hay hỏi những câu cắc cớ, chúng tôi đã dầy công "search" trên "internet" cũng như tra cứu hàng trăm cuốn tự điển dầy cộm trong thư viện Quốc Hội Hoa Kỳ hơn nữa, để chắc ăn, còn bỏ công "tam cố thảo lư" vấn kế cụ Ðồ Cóc. Xin trang trọng giới thiệu cụ là một vị quái kiệt được độc giả thân mến của bổn báo coi như đối thủ ngang tay và ngang cả ... chân với các nàng Heloise, Ann Landers cùng Dr. Ruth, những chuyên viên gỡ rối tơ lòng thượng thặng biết hết chân tơ kẽ tóc mọi chuyện thâm cung bí sử của làng báo chí Hoa Kỳ. Nói tóm lại, nếu cáp độ cụ Ðồ Cóc này đụng một trong các nữ quái nhân kể trên hay cả ba nàng cùng một lúc, đây có thể nói là một trận "Long Tranh Hổ Ðấu", "cờ cao gặp đối thủ, tướng giỏi ngộ lương tài" lâm ly và hấp dẫn hơn cả trận đấu Mike Tyson nhậu lỗ tai Hollyfield, nhưng đây lại là chuyện khác khi nào rảnh rang sẽ kể tiếp! Sau đây là kết quả của cuộc nghiên cứi để trả lời câu hỏi Long, Hổ, đực, cái này.

Trước hết, theo đúng câu phương ngôn "kính lão đắc thọ", xin nêu lên ý kiến của Cụ Ðồ Cóc trước . Về "background", Cụ là người có tài "bốc" phệ và rờ mu rùa nổi tiếng "mát tay"đến độ có thể "hợp pháp và hợp tình tự dân tộc" ra lệnh cho bàn dân thiên hạ không phân biệt nam phụ lão ấu khi tới thảo lư của cụ phải thoát y "chăm phần chăm" nếu cụ muốn để cụ ngắm và rờ đã đời, sau đó còn được thân chủ "thù lao" chút tiền còm để đi ăn ... phở. Với một "background" đáng nể như vậy, cụ Ðồ nhiều uy tín này long trọng phán rằng: Long cầm tinh phái nữ, còn Hổ là đại diện của phái nam. Cụ căn cứ vào câu "Nam Tả Nữ Hữu" là lời nói nằm lòng của các thầy bói ... sáng, có nghĩa là khi xem tướng số phái nữ phải ngắm và rờ nửa thân mình phía bên trái; còn phái nam thì coi bên phải. Ngoài ra, tại các đền thờ thường có tượng Thanh Long và Bạch Hổ đứng chầu hai bên cửa theo phương vị "Tả Thanh Long, Hữu Bạch Hổ" tức là tượng Rồng Xanh bên trái, tượng Cọp Trắng bên phải.

Như vậy, nếu phối hợp cả hai câu "thần chú" trên, ta sẽ thấy "Nam Tả, Thanh Long" và "Nữ Hữu Bạch Hổ", do đó Rồng cầm tinh phái Nam, còn Cọp thuộc về phái nữ. Sách vở của Trung Hoa và Nhật Bản cũng nói Rồng thuộc dương nghi. Cụ cũng cho biết thêm trong thực tế, loài Sư Tử và Cọp tương tự như nhau và chúng ta ai cũng biết câu "dữ như Sư Tử Hà Ðông" được dùng để chỉ những người đàn bà yêu chồng quá ... xá đến độ cho chàng tắm bằng dầu xăng như cô Quờn hay giữ giùm "của qúi" như Lorena Bobbit. Như vậy, Cọp hay Hổ nhất định phải là đại diện hợp lý của phái nữ! Còn Long xưa nay vẫn được dùng để chỉ Thiên Tử, mà thời xưa, Trời không bao giờ sanh Thị Mẹt, chỉ có Cu Tí, cho mãi tới thời cận đại mới có một số ít các vua ... cái như Elizabeth của Anh Quốc, Juliana của Hòa Lan v.v... Vì vậy, Long đúng là tướng tinh của phái Nam.

Tuy lý luận của "bốc" sư Ðồ Cóc chắc như cua gạch, lại còn dẫn chứng cả những điển tích trong Tứ Thư, Ngũ Kinh của mông sừ Khổng Tử, nhưng bần đạo vẫn bán tin bán nghi, không biết có đúng là "Long trai, Hổ cái" hay không? Chả là vì trong sách vở đã thất truyền từ thời cụ Bành Tổ và bà Nữ Oa mà bỉ nhân mới "research" được trên "info-highway" đã dạy "Nam thực như Hổ, Nữ "lượn" như Long", rất phù hợp với câu Nho ... chùm "Vân tòng Long, Phong tòng Hổ". Lại nữa, Mụ bà theo lệnh của Ngọc Hoàng Thượng Ðế nặn ra liền ông con trai chỉ có "thằng cù lẳng", đâu có "cái trai he" độc đáo đó nên làm sao có thể kêu là Rồng "lượn" cho được phải không qúi cụ? Ngoài ra, chúng ta thường gọi Cọp là Ông Hổ, Ông Kễnh hay Ông Ba Mươi v.v... không ai nói "Bà" Kễnh, "Bà" Hổ v.v... nên nhất định Hổ phải là đại diện cho phái nam. Ngược lại, sách vở thường nói đến "Con" Rồng. Nếu căn cứ vào "cụm từ" "con đ. ngựa giám dựt chồng bà" thì tiếng "con" hay được dùng để chỉ phái nữ, do đó "Con" Rồng cũng thuộc phái yếu mới hợp lý.

Phân tích dài dòng như vậy, nhưng thật ra, chẳng đi đến được kết luận cụ thể nào! Vì nếu nhìn vào thực tế phũ phàng, những điều hay, cái đẹp của Rồng hay Cọp đương nhiên thuộc về phái nữ, còn những thói hư, tật xấu của cặp linh vật này nhất định được các bà các cô nhường lại cho đám liền ông con trai hẩm hiu xấu số. Ôi! Số mệnh đã an bài, chạy trời không khỏi nắng! Nhưng cũng có điều an ủi là trong thời đại truyền thông điện tử Email, Internet này, vấn đề "tính phái" chỉ còn là tương đối như định luật của cụ Einstein. Chả vậy mà hiện nay chúng ta thấy thiếu gì những tên đực rựa tóc cột đuôi ngựa lủng lẳng, tai đeo bông toòng teng đó sao? Chúng chẳng những ăn bận như bà bóng mà còn công khai làm lễ tơ hồng với một thằng "cù lẳng" khác để cùng nhau ngày đêm "đọ kiếm"! Ngược lại, cũng có những thị mẹt hớt tóc ngắn như lính quân trường, chuyên diện sơ mi, quần "bò", chân đi bốt-đờ-sô hùng hục cứ như là Thủy Quân Lục Chiến trong thời kỳ "Boot Camp". Những vị "Thị Mẹt" đực này cũng chẳng ngần ngại đưa đào ra nhà thờ làm đám cưới như những chàng đực rựa chính cống để được hoà tấu "chũm chọe" (cymbal) ra rít trong đêm tân hôn! Ngoài ra, lại còn loại "hòa hợp hòa giải", "giở thằng, giở con" lúc nào hứng là đi giải phẫu, thay "phái" đổi "giống" như thay áo lót, chỉ có trời mới biết nổi! Vì vật, tính phái hay nam, nữ giờ đây cũng khó phân biệt.

Sau cùng, dù Rồng là giống đực hay cái, có "linh" tới đâu đi nữa, tác giả tự nghĩ phải có bổn phận nhắc nhở các đấng mày râu quân tử Mít "vai 5 inches rộng, thân vài Feet" cao rằng: chớ có lầm tưởng Rồng nào cũng hên, nên tưởng bở nhào vô kiếm ăn, quên cả "thế bắn nằm thủ thế". Nếu ngày xưa vào thời đại đồ đồng, đồ sắt v.v... có những loại Rồng rất dữ dằn như Kiếm Long, Xà Cảnh Long ... thuộc họ hàng Khủng Long (dinosaurs) thì vào thời đại đồ ... Long hiện tại cũng có loại Rồng "kịch độc" không kém, đó là các con Rồng biết bay, tên khoa học gọi là Rồng ... Lượn! Loại Rồng này rất lợi hại vì bề ngoài chúng không có nanh có mỏ như loại Khủng Long, mà ngược lại trông rất nhu mì, uyển chuyển, mềm mại, quyến rũ với những đường cong nét lượn diễm ảo, khi lên thác, lúc xuống ghềnh như lạc vào "Thiên Thai, chúng em xin dâng hai chàng trái đào ... thơm", thật rất "đã".

Nhất là khi các con Rồng này đảo qua, lượn lại nơi "bến giang đầu" trong những buổi chiều lộng gió với tà áo dài phất phới bay thì phải biết, không ai có thể làm lơ trước cảnh sắc hữu tình "chim sa, rùa nổi" này. Nếu qúi vị không tin, xin cứ hỏi qua các bạn lính Hai ... Quần trong những phiên trực gác khi chiến hạm đậu bến Bạch Ðằng sẽ rõ. Nói tóm lại, nếu không cẩn thận đề phòng như củi lửa, loại Rồng tối nguy hiểm này có thể làm cho các đấng trượng phu hào hoa phong ... thấp có tính hảo ngọt trở thành "danh bại thân ... liệt" trong thời gian rất ngắn. Theo binh pháp Tôn Ngô, chỉ có mỗi một phương cách để đối phó với chúng là kính nhi viễn chi, cao bay xa chạy, "tam thập lục kế, dĩ đào vi thượng". Nếu vô phúc bị loại Rồng hấp dẫn này dùng móng nhọn đỏ chót vồ được, dù anh hùng hảo hán, dù Cọp hay Beo cũng trở thành "ỉu xìu như con trừu"!

Ðể dẫn chứng, trong lịch sử Ðông Tây kim cổ, không thiếu gì các vị vua quan quyền cao chức trọng loại Rồng có một không hai này làm cho tán gia bại sản. Như thời Ðông Châu, Trụ Vương trên Bá Lạc Ðài cũng bị rơi xuống đất đen chỉ vì một nụ cười của Rồng Ðắc Kỷ. Tới đời Tam Quốc, gian thần Ðổng Trác uy quyền bao trùm thiên hạ, lấn át cả Hán Vương cũng bị chết vì tiếng "hí" của Rồng Ðiêu Thuyền. Bên La Mã, Rồng Cleopatre sau khi nghiền nát sự nghiệp của danh tướng bách chiến bách thắng Marc Antoine, còn làm tan tành đế quốc của Ðại Ðế Cesar. Còn cáo Hồ bác và đảng mới hít được chút âm khí của Rồng Minh ... Thối, vợ đồng rận Lê Hồng Phong, thế mà đã trở thành ho lao ho tổn, gầy gò ốm yếu như con ma đói, phải khặc khè lê tấm thân tàn đáp chuyến tầu suốt đi theo Mác, Lê. Gần đây nhất tại xứ Cờ Hoa, Bill Tông Tông mới chỉ cho con Rồng ... lượn Monica Lewinsky bập thử vài khúc "saxo" và thưởng cho Rồng một điếu xì gà ... gộc, thế mà ngai vàng quốc vương đã bị rung bần bật như "phản gỗ long đanh", phải thề sống thề chết mới tạm thời giữ được ... vợ! Viết tới đây, tác giả nhất định phải buông ... keyboard để cảm khái mượn lời Chu Du mà than rằng: Ôi! Trời sinh liền ông, sao lại còn sinh Rồng ... lượn!

Theo những phân tích "hợp tình hợp lý và tình tự dân tộc" nêu trên, chúng ta đã biết Rồng không những đứng đầu trong Tứ Linh mà còn là một loài vật thiêng liêng, cao qúi nên được coi là biểu tượng của các bậc vua chúa hay sự thành công vượt bưc. Như những thầy đồ nghèo xơ nghèo xác khi thi đậu làm quan được coi là "cá vượt vũ môn" để biến thành Rồng như câu thơ trong bài "Kẻ Sĩ" của Uy Viễn Tướng Công Nguyễn Công Trứ:

"Rồng mây khi gặp hội ưa duyên,
Ðem quách cả sở tồn làm sở dụng
Trong lang miếu ra tài lương đống,
Ngoài biên thùy rạch mũi Can, Tương"
. . . . . . . . . . . . .

Tên của các vị Trạng Nguyên, Bảng Nhãn, Thám Hoa v.v... là những thí sinh thi đậu đình thí do chính vua làm chủ khảo được niêm yết trên bảng Rồng gọi là "Long bảng đề danh".

Ngoài ra, những gì thuộc về Thiên Tử cũng đều được coi là Rồng. Thí dụ như thân hình "tròn trùng trục" hay gầy đét như con mắm của "bệ hạ" được quần thần hay công công thái giám kính cẩn tôn xưng là "Long Thể". Chỗ để "Long Thể" ngả lưng đánh một giấc "la-siết" hay "cơm no bò cưỡi" với các Ðông, Tây cung hoàng hậu và cung tần mỹ nữ được gọi là "Long Sàng", nôm na là nơi ngài ngự và các mệ thi nhau giã và sàng ... gạo! Bộ râu dê hay cá chốt của hoàng thượng được gọi là "Long Tu". Du thuyền để vua đi hứng gió sông, gió biển hay câu cá phải gọi là "Long Thuyền" hay "Thuyền Rồng". Ngay tới cái áo thung lá của vua cũng phải gọi là "Long Bào" vì có thêu hình Rồng vàng v.v... Ðến đây, thế nào cũng lại có vị đào tơ liễu yếu cầm tinh con Long cong cớn hỏi rằng: "Nếu cái gì thuộc về vua cũng gọi là Long ... hết, thế còn vợ vua thì là Long... gì"? Câu này hơi khó trả lời, nhưng chắc bà xã của vua được gọi là "Long ... Bà" chứ còn gì nữa, cũng như mắt dzua gọi là "Long Nhãn" là món chúng ta thường hẩu xực trong ly chè xâm bổ lượng. Nếu câu trả lời trên không đúng, mong các vị "nho rộng, hán thâm" chỉ bảo giùm cho. Ðể dẫn chứng và cũng để thêm mắm thêm muối cho bài phiếm luận đầu Xuân con Rồng, xin kể một câu chuyện vui liên quan tới "Long Bào" và Long ... Bà như sau:

Ngày xửa ngày xưa có một vị quân vương cầm quân đánh giặc ngoài biên cương. Ðến mùa đông khi trời trở lạnh, ông vua cho gọi một người lính hầu, bảo trở về kinh đô gặp Hoàng Hậu, nói gửi hỏa tốc mấy cái "Long Bào". Có lẽ đánh giặc lâu ngày ở chốn biên giới miền Trung, vùng man di Chiêm Thành, Chân Lạp gì đó nên anh lính nghe lầm là "Long ... Bà". Vì vậy, khi về tới kinh thành, anh lính vội vàng trình diện Hoàng Hậu, tâu rằng "Xin Lệnh Bà gửi gấp cho Hoàng Thượng mấy cái Long ... Bà!" Hoàng hậu thoạt nghe bỗng đỏ bừng mặt, không nói gì, nhưng sau đó Lệnh Bà lại tủm tỉm cười, nghĩ bụng "Hoàng Thượng này cũng được đây, đi hành quân lâu ngày mà không "bay bướm" mí những em gái hậu phương, lại còn nhớ đến ta nên cho người về xin mấy cái "Long", chắc để bên mình cho đỡ ghiền trong những lúc "sương lạnh chiều đông" ngoài tiền tuyến". Nghĩ rồi, Hoàng Hậu liền vào "bathroom", loay hoay một hồi rồi trở ra đưa cho anh lính một cái hộp nhỏ như hộp thuốc lào có nắp đậy kín, bảo đưa về trình Hoàng Thượng.

Anh lính nhận hộp, cẩn thận lận vào lưng quần cho khỏi mất. Trên đường trở lại biên cương, anh ta đi suốt ngày đêm, đến lúc mệt quá mới dừng chân làm một điếu thuốc rê cho lại sức. Sau khi tơ lơ mơ bập bập được vài hơi, anh thấy thuốc này có mùi hơi khét, nhưng cũng chẳng để ý, nghĩ bụng chắc con vợ mình hà tiện không mua đúng loại Cẩm Lệ mà là thứ rẻ tiền. Hút xong điếu thuốc, cảm thấy khoan khoái và "phẻ" hơn mọi khi, anh ta nghĩ bụng lại thấy thương vợ vì đã chọn cho loại thuốc rê đặc biệt. Anh chuẩn bị lên đường, nhưng trước khi tiếp tục còn cẩn thận kiểm soát lại hộp "Long Bà" xem có còn không. Bỗng anh giật mình khi thấy hộp thuốc rê còn nguyên, mà hộp "Long Bà" trống rỗng. Thì ra trong lúc rã rời mệt mỏi, anh đã lấy lộn hộp! Tái mặt sợ bị rơi đầu vì không có gì đưa về trình Hoàng Thượng, anh ta không biết tính sao, đành tạt về nhà hỏi ý kiến vợ.

Khi nghe xong chuyện, chị vợ chẳng những không lộ vẻ sợ sệt mà còn tươi cười, bá cổ, ghé tai thầm thì với anh chồng một hồi rồi thuyết phục "Long nào chả là Long". Thế là chị vợ kéo anh chồng vào buồng để tìm lại "Long Bà". Xong xuôi, anh chồng khoan khoái vác cái hộp nặng chịch trở lại biên cương. Vừa gặp, thấy anh ta trở về tay không, nhà vua hỏi ngay: "Long Bào đâu"? Anh lính cung kính lần tay vào cạp quần, trịnh trọng đưa cái hộp trình lên vua, tâu là của Hoàng Hậu đích tay trao cho. Vua mở hộp, chỉ thấy một đống lăn quăn nên giận quá, chửi lớn: "Bố khỉ, mẹ mày! Ðây là Long của ... cái con mẹ hay con vợ mày chứ đâu phải là Long Bào". Thấy vua nổi giận, anh lính sợ quá, nhưng còn cố nịnh: "Hoàng Thượng anh minh, Hoàng Thượng anh minh, ngài còn phân biệt được cả "Long" của vợ con khác với "Long Bà"!

Kính thưa qúi vị độc giả thân mến của bổn báo, nhân dịp "ngày xuân con én đưa thoi", chúng tôi đã mạn phép khai ... keyboard, dùng Microsoft Word 97 và bộ chữ Việt Nam VPS cho không của Hội Chuyên Gia để kể chuyện Rồng, chuyện Long để giúp vui trong mấy ngày Tết . Việc khen, chê, tán thành hay phản đối những luận cứ và "thuyết minh" trong bài này hoàn toàn tùy thuộc vào quyền tự do ngôn luận của độc giả mà lúc nào bổn báo cũng tôn trọng. Tuy tán hươu tán vượn là một trong những kỹ thuật hiện đại dùng trong bài phiếm, nhưng tác giả tự nhận còn "thiếu trình độ", chưa có tài "thuyết minh" đổi trắng thay đen, biến lúa vàng thành lúa đỏ như một nhà MC nhớn! Dù sao đi nữa, vì mục đích cao đẹp và duy nhất của bài viết là để mua vui nhân dịp đầu xuân, nên trong lúc "yên sĩ phi lý thuần", nếu các sự kiên "lịch sử" có bị vô tình hay cố ý vo tròn hay bóp méo cho "hợp thời hợp thế" như lời của chủ nhân "chiếc khăn quàng màu tím nằm trong đáy rương" đã dạy, cũng xin qúi vị đại xá đi cho. Ðể kết thúc bài phiếm luận đầu năm con Rồng, thành thực cầu chúc Qúi Ðộc Giả năm mơi khanh an thịng vương, sức khỏa dồi dào, buôn may bán đắt và thăng tiến như "cá hóa long".

Cung Chúc Tân Xuân.


Trần Ðỗ Cẩm (Austin - Texas, cuối Thế Kỷ 20)



















































































Free Web Hosting