Vòng hoa gửi người phục quốc!

Mũ đỏ: Đoàn Phương Hải


Tiếc thương Mũ đỏ: Lê Hồng, Trương Ngọc Ny, Huỳnh văn Tiến đã hy sinh trên đường về Giải Phóng quê hương.

Đu đưa trên võng trong khu rừng thông xanh mát chạy ngoằn ngoèo theo bờ biển, bên tiếng sóng vỗ rì rầm đập vào ghềnh đá. Tôi lơ đãng nhìn theo bầy chim biển lặng lờ đôi cánh bay sát trên đầu sóng, thỉnh thoảng quơ chân, chúi đầu trên mặt biển rồi cất cánh lên cao với con mồi bạc trắng đang vùng vẫy giữa đôi móng sắt dưới chân.

Lũ nhỏ lao xao bàn tàn về vài chữ không hiểu trên tờ báo Việt ngữ nên chạy lại hỏi tôi.

Ngay trên trang đầu đầy những tin tức nóng bỏng, nào là:"Hoàng hôn buồn thảm trên Thung Lũng vàng! các đại công ty điện tử như Cisco, Sun, HP, Apple, 3COM ...cắt giảm, sa thải hàng chục ngàn nhân viên. Do Thái huy động chiến xa, trực thăng bắn phá bộ chỉ huy Plestine. Chính quyền Bush phải mượn hàng chục tỹ Mỹ Kim từ qũy an sinh xã hội cho ngân sách vì thiếu tiền do tình hình kinh tế càng ngày càng đen tối!"

Tôi lật qua trang giữa để cảm thấy lòng chùng xuống khi đọc bản tin: Hôm nay, Chủ Nhật, 26/8/2001, Tổng Vụ Hải Ngoại Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất Giải Phóng Việt Nam, làm lễ truy điệu cho Phó Đề Đốc Hoàng Cơ Minh, chiến hữu Lê Hồng, Võ Hoàng, Trương Ngọc Ny, Huỳnh văn Tiến, Trần Thiện Khải... đã hy sinh trong chiến dịch Đông Tiến tại Nam Lào trên đường về giải phóng quê Mẹ Việt Nam.

Võ Hoàng, nhà văn trẻ, cùng viết với Tưởng Năng Tiến trong tập truyện "Măng đầu Mùa" thì tôi đã gặp tại nhà in rất "giang hồ, văn nghệ" của Vũ tiến Thủy ở San Jose.

Trần thiện Khải, tuy chưa quen, nhưng lòng rộn nở, máu huyết xung tràn khi nghe bản nhạc "Trăng chiến Khu và Bài ca Đông Tiến".

Mũ đỏ Lê Hồng và Trương ngọc Ny thì đã quá thân quen, nên khi thấy hình ảnh trên báo mà tưởng như đang văng vẳng nói nói, cười cười quanh quẩn đâu đây! Rừng xanh núi đỏ xứ người mà cứ ngỡ như cây đá Khe Sanh. Gío hú lưng đèo mà tưởng như đang dừng quân bên suối!

Hình ảnh chiến khu, áo vải quần nâu, khăn rằn quàng cổ, súng ống trên vai, quốc kỳ lộng gió tung bay, như chia sẻ, nhắc nhở tôi về những chiến hữu Mũ đỏ trong đoàn quân phục quốc.

Nghĩa tử là nghĩa tận, huống hồ gì mình cùng chung mầu mũ, cánh thiên thần ôm lấy trái tim, bằng dù trên ngực, huy hiệu trên vai, nên tôi chạy vội ra xe, lái một mạch trên con đường vòng vèo từ biển về nhà, thay vội bộ đồ để đến tham dự buổi lễ truy điệu ở hội trường "American GI Forum" trên đường Story Road.

Hòa mình bên khối đông dân chúng ngồi kín cả hội trường rộng lớn. Tôi lặng lẽ nhìn những bức hình đen trắng chụp các kháng chiến quân trong chiến khu, treo trên tường đối diện với bàn thờ tổ quốc.

Bài vị, hình ảnh của các kháng chiến quân đang từ ngoài rước vào hội trường, giữa toán quân quốc kỳ của các chiến hữu Hải Quân đang chào kính nghiêm trang, trong tiếng trống tiếng chiêng trên bàn thờ.

Anh Lê Hồng thân kính!

Khi thấy bài vị của anh, Mũ đỏ Trương Ngọc Ny, Mũ đỏ Huỳnh Văn Tiến, và các kháng chiến quân khác thì lòng tôi chùng xuống, toàn thân nổi da gà, nghẹn ngào, cay cay trong mắt, đứng nghiêm giơ tay chào, miệng gọi nhỏ "Đích Thân Hồng Vân, Ngọc Ny, Huỳnh Tiến", để chào kính và vĩnh biệt các Anh!

Tôi muốn dùng lại hai chữ " Đích thân", danh xưng quen thuộc trong binh chủng mà mình vẫn dùng để xưng hô với nhau trong đoàn quân Mũ đỏ.

Buổi lễ truy điệu diễn ra rất trang nghiêm với đầy đủ nghi lễ, văn tế, điếu văn, trên bàn thờ nghi ngút khói hương.

Tôi đứng sát gần khung cửa hội trường, nhìn hoa nắng lung linh tròn tròn xuyên qua cây lá cho mắt đỡ cộm, đỡ cay.

Tai tôi ùợ đi khi nghe tiếng trống, tiếng chuông. Nhìn hình ảnh của anh và các kháng chiến quân trên màn hình, rồi nhìn về giẫy núi xanh chập chùng phía biển Santa Cruz mà tôi cứ ngỡ như nghe tiếng kèn, tiếng pháo của những ngày hành quân trong núi trong rừng.

Trương Ngọc Ny thì dù chỉ gặp mặt đôi lần, nhưng đã vang danh binh chủng khi hành quân chung với Ny ở Tây Ninh. Đại đội trưởng 82 Tiểu đoàn 8 Nhảy Dù Trương Ngọc Ny đả đánh một trận để đời, tiêu diệt nguyên một đơn vị súng nặng của địch, tịch thu 9 cây phòng không 12 ly 7 và 2 cây cối 82 sát gần Tòa Thánh Tây Ninh dưới quyền chỉ huy của Đại Tá Trần Quốc Lịch, Lữ đoàn Trưởng Lữ đoàn 2 Nhảy Dù.

Anh Lê Hồng thân kính!

Sau khi dự lễ truy điệu trở về, ngay trong đêm tôi lùi về dĩ vãng, sống lại những ngày hào hùng Mũ đỏ. Thắp nén hương lòng tưởng nhớ đến anh, để xin phép anh, được viết đôi hàng, kể lại với độc giả, với các đoàn viên trong Mặt trận về những ngày quân ngũ của vị Tư lệnh Lực lượng võ trang Mặt trận, Tướng Đặng quốc Hiền, và cũng chính là của Trung Tá Lê Hồng, Lữ đoàn phó Lữ đoàn 1 Nhảy Dù trong đoàn quân Mũ Đỏ, đã nằm xuống trên đường về giải phóng quê hương!

Dĩ nhiên là những điều tôi kể vẫn còn muôn ngàn thiếu sót. Sáu chục tuổi đời, ngồi ghi lại quá khứ ở tuổi hai mươi thì làm sao nhớ hết cuộc đời binh nghiệp hào hùng của anh. Nhưng tôi tin là anh sẽ lại nheo mắt mỉm cười bỏ qua, cũng như ngày xưa anh đã cười xòa khi Thiếu úy Cần, Thiếu úy Hải, chở nhau trên xe Vespa, húc vào người anh, ngay hàng cây cao su, trước đại đội 32 Tiểu đoàn 3, mà còn trơ mắt đứng nhìn!

Không những không phiền trách mà còn rất nhã nhặn, lịch sự hỏi thăm tôi và Cần. Đó cũng là lần đầu tôi biết anh, Thiếu úy Lê Hồng, người Sỹ quan có giáng dấp thư sinh, nhỏ con, tóc hớt cao, quân phục chỉnh tề, với giọng nói từ tốn, lịch sự, nhưng pha chút đanh thép của người dân Hà Tĩnh, vùng đất nổi tiếng là bất khuất đấu tranh.

Hai ba năm sau, ngày mà Nguyễn Đức Cần tử trận ở Khe Sanh, anh ngậm ngùi vỗ vai tôi, nhắc lại kỷ niệm lúc tụi này vừa ra khỏi câu lạc bộ "lả lướt" lái xe húc xe vào người anh.

Tháng 6/65 đang nằm ở ngoại thương 4 trong bệnh viện Cộng Hòa, với vết thương trên mặt trên tay ở trận Đồng xoài, cùng với "Thanh râu" Tiểu đoàn 3, bị thương thì gặp anh băng tay bước tới!

Chiến tranh như một con quái vật khổng lồ mỗi ngày mỗi hung hiểm, ác độc và to lớn hơn lên vì được nuôi dưỡng, tiếp sức bởi Cộng Sản Nga, Tầu.

Mồng1 Tết Mậu Thân, khi trầm hương vừa nghi ngút trên bàn thờ, khi mẹ già, em dại chưa kịp thấy niềm vui, thì đã nghe khắp nơi, súng nổ thay pháo hồng, mưa xuân thay nước mắt. Giặc Cộng đồng loạt tung quân đánh chiếm tất cả các tỉnh lỵ trên khắp bốn quân khu.

Mẹ Việt Nam quằn quại, đớn đau, nhìn những đứa con sát nhân theo chủ nghĩa vô thần đang kéo quân về giết hại cha mẹ, anh em, trong ngày Tết cổ truyền thiêng liêng của dân tộc!

Sau khi đánh tan Tiểu đoàn đặc công địch tại Trung Tâm Huấn luyện Vạn Kiếp ở Bà Rịa (Phước tuy), tôi theo TĐ11ND kéo quân về Saigon. Sau đó cùng anh góp mặt trong đoàn quân Mũ đỏ, ngày đêm miệt mài giệt giặc ở Quang Trung, Xóm Gà, hãng bột ngọt Vị Hương Tố, kho đạn, kho săng.

Khi bàn giao khu vực, vượt sông ở kho đạn Gò Vấp, anh còn nhắc nhở tôi là coi chừng địch độn thủy phục kích, bắn tỉa, lẩn trốn trong hệ thống kinh rạch chằng chịt trong rừng cây ăn trái Thạnh Lộc Thôn, Nhị Bình.

Rồi giữa năm 69, theo Lữ đoàn 2 hành quân ở Tây Ninh, nửa đêm chồm giậy, nín thở nghe anh kêu"

"Phương Hải đây Hồng Vân!"

Giọng anh vang vang trên máy xin pháo binh, hỏa châu, và báo cáo cả Trung đoàn địch đang mưa pháo, tấn công vào vị trí đóng quân của Tiểu Đoàn 3 Nhảy dù ở Bến Cầu nổi, ngay ven sông Vàm Cỏ Đông ở Tây Ninh. Sau cả đêm quần thảo cới giặc, sáng hôm sau, Tiểu đoàn Trưởng "Bố Già Lê văn Phát", và anh reo vui khi báo cáo mấy trăm xác địch nằm ngổn ngang quanh vị trí đóng quân, Tiểu đoàn tịch thu hàng trăm vũ khí đủ loại của địch.

"Đích thân Hồng Vân",

Sau những ngày mịt mù lửa đạn ở chiến trường Lam Sơn 719 tại Hạ Lào, lúc kéo quân ra Đông Hà, tôi có dịp mừng anh rời chức vụ Sĩ quan Hành quân Tiểu đoàn 3 lên làm Tiểu đoàn Phó Tiểu đoàn 5 Nhảy dù.

Vài ngày dưỡng quân ngắn ngủi tại đồi xin Ái Tử thì tôi lại cùng anh tung cánh dù về giải tỏa địch quanh căn cứ 5, căn cứ 6 ở Kontum.

Những người lính Mũ Đỏ cứ thế mà đi, máu hồng tô thắm thêm màu mũ, chưa hết chiến dịch này thì lại về khu chiến khác, trọn năm dài chỉ có thoảng đôi ngày ghé về thăm vợ, thăm con.

Mùa Hè rực lửa 72, khi sông núi đắm chìm trong biển lửa, từ Cà Mâu tới An Lộc, Kontum, kéo dài ra tận Trị Thiên, thì cũng là lúc "Hồng Vân" theo chân Sư đoàn Dù, tựa lưng nỗi chết, vượt qua quốc lộ tử thần 13, đạp trên xác giặc ở Chân Thành, Xa Cam, ngạo nghễ vào giải vây hỏa ngục chiến trường Bình Long, An Lộc.

Rồi tháng 7/72, Dù lại bay về Thừa Thiên, Quảng Trị tái chiếm Cổ Thành. Sau trận đánh lẫy lừng ở thôn Trường Phước, tịch thu cả chục cây phòng không 37 ly, vũ khí tối tân nhất của Nga sô, vừa được dùng trong cuộc chiến Việt Nam. Và đó cũng là thời điểm anh được bổ nhiệm làm Tiểu đoàn Trưởng Tiểu đoàn 1 Nhảy Dù.

Lần tôi bị thương nặng, chống nạng về từ hỏa ngục Charlie, khi đi thăm thương binh trong đơn vị anh có ghé thăm tôi trong bệnh viện. Ngạc nhiên, ngỡ ngàng vì không bao giờ nghĩ là anh sẽ đến thăm, và nhất là tôi lại chưa bao giờ làm việc trực tiếp dưới quyền của anh.

Sau đó anh tân cần hỏi thăm vết thương của tôi, trầm ngâm thêm vài chi tiết, lệnh lạc về trận đánh khi 11 Dù tử chiến trên căn cứ Charlie,

Anh Lê Hồng thân kính!

Tôi không nhớ rõ anh lên làm Lữ đoàn Phó Lữ đoàn 1 Nhảy Dù ngày nào vì lúc đó tôi tôi đang "dưỡng thương" làm việc tại Bộ Tư Lệnh.

Nhưng dù có ở đâu, làm nhiệm vụ nào, thì tôi cũng thường xuyên ghé Trung Tâm hành quân theo dõi trận đánh đẫm máu cuối cùng, vang danh quân sử của Sư đoàn 18, cùng các đơn vị bạn và Lữ đoàn 1 Nhảy Dù, đang tiêu diệt, cầm chân hơn 3 Sư đoàn địch trên tuyến lửa Long Khánh ngay cửa ngõ tiến vào thủ đô. Chiến thắng cuối cùng khiến toàn dân, toàn quân nô nức reo vui, báo chí ngoại quốc nghiêng mình khâm phục!

Nhưng niềm vui chưa kéo dài được bao lâu thì Lữ đoàn 1 Nhảy dù nhận lệnh bỏ Long Khánh về chặn địch ở Phước Tuy, tử chiến trên cầu Cỏ May, giữ cho thị xã Vũng Tầu không rơi vào tay giặc.

Nhưng rồi vận nước cơ trời đã định, mãnh hổ nan địch quần hồ, khi cả kinh thành bỏ ngỏ, Bộ Tổng Tham Mưu vắng như buổi chợ chiều, thì Lữ đoàn 1 Nhảy Dù cũng phải mang quân ra biển. Neo thuyền tại Gò Công, cùng với Đại Tá Phạm Ngọc Lân, Tỉnh Trưởng Phước Tuy và cũng là cựu Tham mưu trưởng Sư đoàn Dù, Trung Tá Nguyễn văn Đĩnh, Lữ đoàn Trưởng, Trung Tá Lê Hồng Lữ phó cùng 3 Tiểu đoàn Trưởng, đổ quân lên Vòm Láng, chờ quyết định cuối cùng để mang quân về Vùng 4 chiến đấu dưới cờ của Thiếu Tướng Nguyễn Khoa Nam.

Khi lệnh buông súng đầu hàng ban ra vào sáng ngày 30/4, thì cũng chính anh, "Đích thân Hồng Vân", theo lệnh Lữ Đoàn Trưởng, nếu sau 5 giờ chiều cùng ngày mà chưa nhận lệnh lạc gì thêm thì phải mang toàn Bộ Lữ đoàn trực chỉ biển Đông, nếu không muốn đầu hàng quân giặc.

Và đó cũng là đơn vị độc nhất của quân đội, Lữ đoàn Dù vũ bão hàng đầu của quân lực, gồm 3 Tiểu đoàn 1,8,9 và các đơn vị trực thuộc đang đứng ngồi trên tầu nhìn về cố quốc, xa vợ xa con, lòng chùng phiền muộn, nhấp nhô theo sóng gió đại dương xa rời quê Mẹ! Bầy chim bỏ xứ chưa bết tụ về đâu!

Anh Lê Hồng thân kính!

Sáng ngày 30/4 khi anh kéo quân về Gò Công, thì tôi và nhiều Sĩ quan thuộc Bộ Tư Lệnh cũng đang lênh đênh trên chiến hạm Hải quân rời bến Bạch Đằng, giơ tay vẫy biệt Saigon!

Phó Đề đốc Hoàng Cơ Minh cũng chính là một trong những sỹ quan cấp Tướng chỉ huy hạm đội Việt Nam, chở theo gần bẩy chục ngàn người Việt rẽ sóng ra khơi tìm đến bờ bến tự do, viết nên trang sử đầu tiên cho người Việt tỵ nạn.

Một lần nữa xin gửi đến Hải quân Việt Nam muôn triệu đóa hồng.

"Đích thân Hồng Vân",

Trung tuần tháng 5/75, tôi lang thang, lạc lõng trong hàng ngàn dẫy lều vải ở "Tent City" trên đảo Guam, giữa cái nóng hải đảo nung người, pha đầy buồn bã muộn phiền, hỏi thăm các chiến hữu Lữ đoàn 1 Nhảy Dù để ghé thăm anh.

Ngày tôi chống nạng bị thương anh ghé thăm, thì ngày anh rời bỏ chiến trường, bỏ chức bỏ lon tôi muốn tìm anh tâm sự !

Vẫn mái tóc hớt cao, khuôn mặt hơi gầy sạm đen vì biển mặn quê người, nhưng trông sao xa lạ, xót xa, lạc lõng, ngỡ ngàng trong chiếc quần Jean bạc màu với chiếc sơ mi nhiều mầu sắc. Tôi đứng nghiêm giơ tay chào Trung Tá Lê Hồng, theo đúng quân kỷ nhà binh.

Thêm một đôi lần đứng trên ghềnh đá, nghe sóng vỗ dưới chân, mặn môi nhìn qua biển Thái Bình để nghe anh tâm sự, chỉ tay qua sóng nước biển Đông, bên kia là quê Mẹ, bên này là quê người, nghe anh quyết tâm thề hẹn một ngày về!

Và đó cũng là lần cuối thăm anh để rời đảo Guam vào đất Mỹ.

Sau này có dịp nói chuyện với Lê Mạnh Đường, cựu TĐT/TĐ9ND, người sát cánh chiến đấu với anh trong những ngày dầu sôi lửa bỏng ở Long Khánh, Vũng Tầu, tôi mới biết thêm những ngày cuối của Lữ đoàn 1 Nhảy dù, và biết anh và Đường ở Viginia với nhau.

Mùa Xuân năm 78 tôi có dịp lên thủ đô thăm người bạn thân đang chiêu dụ tôi bỏ xứ Texas Cowboys dọn về thủ đô nước Mỹ, để có dịp thấy văn minh xứ người, ngắm hoa anh đào, lái xe lưng đồi nhìn rừng phong thay lá, muôn sắc muôn mầu đẹp đến "não nùng" mỗi khu Xuân xang hay Thu đến!

Rồi cũng qua tin tức trong nhóm bạn bè ở DC tôi mới biết, mặc dù rất bận rộn với công ăn việc làm ở siêu thị, nhưng anh vẫn ngày đêm âm thầm hoạt động, và hiện đang là Cán bộ lãnh đạo Lực Lượng dân, quân hải ngoại.

Vẫn với mái tóc cắt ngắn, giáng dấp thư sinh nhỏ bé, anh reo vui khi tôi ghé thăm.

Vẫn với giọng nói đanh thép, hừng hực sáng ngời lý tưởng, khiến tôi biết chắc một điều, anh đang ôm ấp một hoài bão trong tim. Nhớ lại những lần đứng với anh trên ghềnh đá tại bờ biển Gapgap đảo Guam, tay chỉ qua biển hướng về quê Mẹ trong giọng nói sắt thép ngày nào, thì tôi không còn ngạc nhiên khi thấy lý tưởng trở về của anh sắp hình thành!

Tôi chúc anh vạn điều may mắn trên con đường đầy rẫy chông gai, vinh quang, nghiệt ngã, ngoài súng đạn quân thù, còn muôn vàn cay đắng khi tranh thủ nhân tâm ở xứ người!

Sau đó tôi không về DC mà lại Tây tiến Bắc Cali về định cư tại San Jose, thung lũng điện tử "Silicon Valley", cái nôi của người Việt tỵ nạn.

Trong những ngày hè nóng bức, hay có đôi phút thư nhàn, hoặc muốn quên đi dăm nỗi nhọc nhằn, thì chỉ cần một tiếng lái xe là đã có mặt ở bờ biển Santa Cruz, Half moon Bay hay Sunset beach. Rồi cùng vài anh bạn nhà binh, sắn quần tản bộ theo bờ biển, nghe sóng vỗ dưới chân, dẫm chân lên rong rêu, vỏ sò vỏ hến mà như thấy Vũng Tầu, Nha Trang, Thuận An, Non nước .. pha mùi biển mặn thấp thoáng đâu đây!

Mùa Hè năm 79 một số anh em Nhảy dù ghé nhà anh Bùi Đức Lạc vì nghe anh tới chơi. Nhưng rồi vì đa đoan công chuyện nên anh không đến được và gửi lời xin lỗi anh em!

Thế rồi bẵng đi, đến một buổi chiều mùa xuân cuối tháng ba năm 1982, khi sắp sửa dùng bữa cơm chiều, thì tôi bỗng giật mình khi thấy phóng viên Dan Rather của đài truyền hình CBS trong bản tin quốc tế buổi chiều, đang chiếu hình của Tướng Hoàng Cơ Minh và hình của anh. Hàng trăm chiến hữu trong quân phục Nhảy dù, Thủy quân lục chiến, hay các bộ quần áo nâu đen với giầy dép đủ loại, khăn rằn trên cỗ, súng ống trên vai, đang ngay hàng thẳng lối trong một khu rừng ở gần biên giới Miên Việt. Quốc kỳ, cờ vàng ba sọc đỏ giăng ngang qua các thân cây phất phới tung bay.

Hồn thiêng sông núi như đang chứng giám lời thề qua bản cương lĩnh của Mặt trận Quốc gia Thống nhất giải phóng Việt Nam. Dan Rather còn chiếu qua cảnh Trung Tá Lê Hồng thị sát hàng quân, cảnh sinh hoạt chính huấn ban đêm.

Và như thế là sau 7 năm sống ở xứ người anh đã làm đúng ước nguyện của anh:

" Trờ về quê Mẹ để giải phóng quê hương thoát khỏi chế độ Cộng sản bạo tàn."

Anh Lê Hồng thân kính!

Ngày xưa khi còn trong đoàn quân Mũ đỏ, anh đã nhiều lần mang quân Tây Tiến đánh đuổi giặc thù ở Ha lào, Kampuchia, thì ngay nay anh đang Đông Tiến, mượn lãnh thỗ vương quốc Lào, Cao Miên trở về giải phóng Việt Nam.

Trong cuốn phim dài gần 5 phút đồng hồ, phóng viên Dan Rather rõ ràng đã muốn đưa hình ảnh những người tỵ nạn Việt Nam sau 7 năm bỏ nước ra đi, mặc dù với đời sống đầy đủ sung túc tại quê người, nhưng vẫn ngày đêm hướng về quê Mẹ. Và họ đã trở về khởi đầu cho một giai đoạn đấu tranh cực kỳ gian khổ với một xứ mệnh thiêng liêng.

Vượt đại dương sóng cả muôn trùng, hình ảnh kháng chiến quân Hoàng cơ Minh, Lê Hồng... và bản cương lĩnh của Mặt Trận Giải Phóng Việt Nam từ biên thùy Đông Dương đang theo làn sóng của đài CBS bay ngang dọc địa cầu tới tất cả những nơi có người Việt trên khắp năm châu.

Khí thế toàn dân hải ngoại nô nức dâng cao như sóng thần. Bản Cương lĩnh, đang có tác dụng như bài "Bình ngô đại cáo", pha lẫn " tiếng trống Diên Hồng" của tiền nhân, vang vọng trong tim, trong óc, kêu gọi toàn dân muôn người như một vùng lên đánh đuổi kẻ thù chung.

Để kết thúc cho bản tin, Tư lệnh Mặt trận Hoàng Cơ Minh kêu gọi sự tiếp tay của dân chúng, và kết thúc với câu: "God Bless America".

" Đích Thân Hồng Vân" thân mến!

Đời sống xứ người cứ vội vã, vùn vụt trôi qua. Cho tới một ngày trong năm 83, tôi nô nức, nôn nao, hòa mình theo đoàn người đông đảo kéo về hội trường sang trọng, rộng lớn ở San Jose để đón chào Phó Đề Đốc Hoàng Cơ Minh, và một số kháng chiến quân từ khu chiến quốc nội trở về.

Tôi cố len lỏi trong đám đông để tìm anh nhưng được biết là anh không về, và hiện đang có mặt trong chiến khu.

San Jose, Westminter, DC và khắp nơi trên thế giới bắt đầu xuất hiện các đoàn viên của Mặt trận trong các bộ áo sơ mi mầu nâu. Tin tức từ biên thùy Đông dương tràn ngập trên báo chí, nhất là báo Kháng Chiến và đài phát thanh của Mặt Trận.

Anh em trong Gia đình Mũ đỏ vẫn thường xuyên gặp mặt, qua tin tức, thư từ, ngoài anh và Trương Ngọc Ny ra còn có Mũ đỏ Huỳnh Văn Tiếu và Đào Bá Kế trong đoàn quân Đông tiến.

Rồi từ đó ở sở làm, ngoài nơi công cộng, báo chí, phát thanh người Việt, đâu đâu cũng đăng tải, bàn tán về Mặt Trận, và thực lực ở biên thùy Miên Việt có đúng là có mười ngàn tay súng hay không?

Qua đi những ngày nôn nao bốc lửa, qua đi những nhiệt huyết đoàn kết lúc ban đầu. Một vài tổ chức báo chí, hội đoàn, cá nhân bắt đầu đặt dấu hỏi lớn về tiền bạc quyên góp của dân chúng, về sự rạn nứt trầm trọng, từ chức của các cán bộ nòng cốt như Phạm Văn Liễu, Trần Minh Công trong Mặt trận. Và rồi Tòa Án Hoa Kỳ phải đóng vai Bao Công xét xử, tuy không có "Hổ đầu đao" chém đầu ai..Nhưng nghe sao thấm thía trong lòng!

Tuy không phải là thành viên của Mặt Trận nhưng vẫn còn chút tâm tư, nên thường xuyên đọc báo và nghe đài phát thanh để theo dõi tình hình.

Thời gian cứ vùn vụt trôi qua, hệ lụy xứ người mỗi ngày mỗi vương trên mái tóc đã lấm tấm điểm sương.

Cho đến khoảng cuối năm 87 thì cộng đồng Việt Nam tỵ nạn trên khắp thế giới ngỡ ngàng khi thấy báo chí, phát thanh đồng loạt loan tin là Tư Lệnh Mặt Trận Phó Đề đốc Hoàng Cơ Minh và nhiều kháng chiến quân đã hy sinh anh dũng trong chiến dịch Đông Tiến ở Nam Lào, sát ngay biên giới Việt Nam.

Thôi thì đủ mọi tin tức, phê bình, bình luận trên báo chí và đài phát thanh.

Tổng Vụ Hải Ngoại của Mặt Trận vẫn không lên tiếng xác nhận là đúng hay sai!

Nhưng đó là chuyện của Mặt trận!

Còn đối với anh em Nhảy Dù, thì sống chết ra sao, xẩy ra như thế nào? Trong những lần quây quần họp mặt, mọi người đều ngưỡng mộ, kính phục, hãnh diện khi các anh trở về quê Mẹ, với hoài bão giải phóng quê hương.

Rồi mỗi người một câu, để cùng nhau khâm phục, thương mến, ngậm ngùi nhớ tới ông Trung Tá nhỏ con gốc người Hà Tĩnh. Một Sỹ quan rất mực uy tín, đàng hoàng, đầy đủ khả năng. Xuất thân từ tổ trưởng khinh binh, hạỳ sỉ quan Truyền tin ở Tiểu đoàn 3 dù, góp máu góp xương qua bao nhiêu chiến dịch, để xứng đáng được gửi đi học Khóa 4 Trường Hạ Sĩ Quan Nha Trang. Sau khi tốt nghiệp về lại Tiểu đoàn 3, chiến đấu từ Trung đội trưởng, lên đến Sĩ quan ban 3, Tiểu đoàn Phó, Tiểu đoàn Trưởng và sau cùng là Trung Tá Lữ đoàn phó Lữ đoàn 1 Nhảy dù.

"Đích thân Hồng Vân"!

Và như thế là đúng 14 năm sau, sự hy sinh của Tướng Minh, của anh, của Ny, của Tiến, của các kháng chiến quân, của những nguòi đích thực là anh hùng đã thật sự được Mặt trận xác nhận, sau 14 năm dài không bình luận.

Bây giờ tôi mới biết là anh bị bạo bệnh trên đường Đông tiến khi đãgần về đến quê mẹỳ Việt Nam. Ngày ở Nhảy Dù khi bị thương, bị bệnh thì còn có Bác sỹ, y tá với đầy đủ thuốc men. Dù ở Tchepone, Hạ Lào, hay AShao, Ben het, thì dù đêm hay ngày trực thăng vẫn đưa anh về bệnh viện. Nhưng khi đã dấn thân phục quốc, cho lý tưởng, thì anh đã nguyện với lòng là phải chấp nhận, thiếu thốn gian lao. Và anh đã đứt gánh giữa đường, nhiệm vụ, ước mơ thôi cũng đành dang dở, bỏ lại gia đình, xa rời đồng đội anh em, nằm lại trên xứ người vào ngày mồng 1 tháng 5 năm 1985.

Hai năm sau, Mũ đỏ Trương Ngọc Ny, Mũ đỏ Huỳnh văn Tiến và nhiều phục quốc quân cũng hy sinh cùng với Phó Đề Đốc Hoàng Cơ Minh.

Riêng Mũ đỏ Đào Bá Kế bị lọt vào tay giặc, sau khi đã cùng các chiến hữu chiến đấu cự kỳ dũng mãnh với địch trên chiến trường Đông tiến. Sau đó anh đã trải qua những ngày lao lý trong ngục tù Cộng Sản tại Việt Nam, theo như tin tức của gia đình, liên lạc với Gia đình Mũ đỏ tại hải ngoại.

Anh Lê Hồng, Trương Ngọc Ny và Huỳnh văn Tiến thân kính!

Xin mượn lại mấy vần thơ, mà tác giả làmột trong những kháng chiến quân khi ghé thăm mộ anh, hay của một kháng chiến quân nào khác.

......................................
Anh nằm bên dòng suối
Trơ vơ một gốc chanh
Con chim nào đang khóc
Vì thương lá đoạn cành

Kìa anh, cây chanh nhỏ
Hôm vúi vội bên anh
Bây giờ chanh đã lớn
Mồ anh cỏ cũng xanh

Anh giờ thôi áo trận
Thay vào áo sử xanh
Tôi còn mang áo cũ
Đêm ngày vẫn đấu tranh.
..........................................

Ở một nơi cách mộ anh hơn nửa trái địa cầu, khi chép lại những lời thơ này, tôi phải ngưng tay đánh máy hai ba lần, nhìn qua khung cửa tối ngoài trời, để nghe lòng thấm buồn qua những vần thơ rung động!

Tôi mới nói chuyện với Kim Tước, bạn cùng trường, cùng Mũ Đỏ lại cùng Tiểu đoàn 3 Nhảy Dù với anh. Đại diện cho gia đình Mũ Đỏ ở DC, Kim Tước đã đọc Tiểu sử của anh, và Đại diện Mặt trận đã chia buồn, trao lá cờ tổ quốc cho Hiền Thê và các con cháu của anh.

"Anh giờ thôi áo trận
Thay vào áo sử xanh"

Vâng đúng như như thế! Trang sử phục quốc sẽ ghi đậm tên các anh. Thế hệ con cháu mai sau khi lật lại trang sử tỵ nạn Việt Nam, sẽ hãnh diện vì công cuộc đấu tranh hào hùng của cha, ông, để mong mang lại phúc lợi ấm no, tự do công bằng cho đất nước Việt Nam.

Mũ đỏ Đào Bá Kế! Gia đình Mũ đỏ xin gửi về anh những lời cầu chúc an lành, may mắn nhất, dù anh đang ở nơi nào trên quê Mẹ!

Xin hồn thiêng sông núi dẫn dắt các anh về nơi vĩnh cửu, nơi chỉ có bình an, không lợi danh, không chiến tranh thù hận!

Thắp nén hương lòng, vĩnh biệt Mũ đỏ Lê Hồng, Trương Ngọc Ny, Huỳnh văn Tiếu và các chiến hữu của anh.

Gửi về kháng chiến quân
những vòng hoa cao qúy nhất
" Mô đất lạ, chôn vùi thân bách chiến,
Máu anh hùng, nhuộm thắm lá cờ Nam!"


Milpitas ngày 26 tháng năm 2001

Mũ đỏ: Đoàn Phương Hải





















































































Free Web Hosting