Tim Hiểu :

KATRINA, CƠN SỐT XĂNG DẦU

Trần Đỗ Cẩm

Austin Texas 9/2005
Email: camtran11@yahoo.com


Gần đây, trận bão Katrina gây thiệt hại nặng tại vùng ven vịnh Mexico là nơi có nhiều giàn khoan cũng như nhà máy lọc dầu và ống dẫn dầu khiến giá xăng tăng vọt. Ngay tại Texas là nơi sản xuất nhiều dầu lửa và không bị bão, giá xăng đã lên tới $3 một gallon, trong khi các tiểu bang khác xa hơn có nơi đã lên giá tới $4 một gallon. Nhiều chỗ còn không có cả xăng để bán. Thêm vào đó, cuộc chiến tại vùng Vịnh Ba Tư tại Trung Đông là nơi sản xuất nhiều dầu lửa vẫn còn kéo dài khiến nhiều người lo ngại giá xăng nhớt khó có khuynh hướng sút giảm.

Cứ nhìn những giòng xe cộ nườm nượp trên các xa lộ, chúng ta đã đoán biết xăng nhớt là máu huyết giúp xã hội Hoa Kỳ di chuyển và guồng máy cơ khí hoạt động. Theo thống kê, xe hơi tại Hoa Kỳ mỗi năm tiêu thụ chừng 135 tỷ gallons xăng và dầu cặn. Con số này mỗi ngày một gia tăng, chừng 2.6% mỗi năm. Ngoài Hoa Kỳ, các quốc gia kỹ nghệ tân tiến như Nhật, Anh, Pháp Đức và mới đây cả Trung Hoa cũng đã tiêu thụ không ít nhiên liệu.

Có thể nói thiếu xăng nhớt, hoạt động trên toàn thế giới sẽ bị ngưng trệ và nhân loại sẽ trở lại thời đồ đá. Vậy xăng nhớt là gì, từ đâu mà có, việc sản xuất và giá cả ra sao, đó là mục tiêu tìm hiểu của bài viết này.

I. XĂNG VÀ DẦU

Xăng còn được gọi là hydrocarbon là hỗn hợp của hai chất hydrogen và carbon. Vì vậy, khi xăng đốt với oxygen sẽ sinh ra nhiệt lượng (sức nóng) và nhiều thán khí (carbon dioxide) do cabon trong xăng hợp với oxygen. Một gallon xăng khi đốt sẽ tỏa ra nhiệt lượng tương đương với một máy sưởi điện 1,500 watts mở suốt ngày 24 giờ.

Xăng được chế biến từ đầu thô (crude oil). Dầu thô là hỗn hợp của hydro và carbon, được bơm lên từ những giếng hay mỏ dầu nằm sâu trong lòng đất hay đáy biển. Dầu thô có màu đen vì có nhiều carbon (than) nên còn được gọi là “vàng đen”, do sinh vật và cây cỏ dưới biển bị chôn vùi hàng triệu năm tạo thành. Do đó, các mỏ dầu chỉ được tìm thấy dưới đáy biển hay những nơi trước đây là biển nay đã khô cạn. Tùy theo số lượng carbon trong dầu thô, chúng ta sẽ có nhiều phó sản khác nhau. Hỗn hợp càng ít carbon càng nhẹ, nếu nhiều carbon sẽ nặng hơn. Nhẹ nhất là hơi methane chỉ có một nguyên tử carbon. Những hỗn hợp có từ 1 tới 4 nguyên tử carbon (C1 đến C4) đều là thể khí như methane, ethel, propane và butane thường được dùng làm hơi đốt trong nhà bếp. Xăng là hỗn hợp có từ 7 đến 11 nguyên tử carbon (C7 đến C11), ở thể lỏng những vẫn khá nhẹ do đó dễ bay hơi. Hỗn hợp từ C12 đến C15 là kerosene; cao hơn nữa là dầu cặn (diesel) và dầu nặng như dầu được dùng để đốt máy sưởi trong nhà. Nặng hơn nữa là nhớt dùng làm trơn máy móc và các chất nhão như vaseline dùng chế mỹ phẩm. Hỗn hợp có 20 nguyên tử carbon trở lên đều ở thể đặc như sáp, hắc ín và nhựa đường. Như vậy, tất cả các phó sản trên đều bắt nguồn từ dầu thô, chỉ khác nhau ở số nguyên tử carbon.

II. LỌC DẦU

Dầu thô tuy là nguồn gốc của nhiều sản phẩm hữu dụng, nhưng không thể dùng ngay từ khi bơm lên khỏi lòng đất vì trong đó còn lẫn lộn nhiều chất với số lượng nguyên tử carbon khác nhau. Vì vậy, chúng ta phải tách các phần tử có cùng số carbon để chia thành những sản phẩm hữu dụng khác nhau. Kỹ thuật “chia tách” dầu thô này được gọi là “lọc dầu”. Tuy dầu thô là một hỗn hợp hydro và carbon phức tạp, nhưng việc “lọc” lại tương đối giản dị vì mỗi phần tử tạo thành dầu thô có điểm bốc hơi, tức là nhiệt độ bay hơi, khác nhau. Do đó, các nhà máy lọc dầu chỉ cần dần dần đun nóng dầu thô để tách thành những phó sản thông dụng.

Thí dụ như:

- Ở nhiệt độ dưới 104 độ F sẽ cho các chất khí như methane, ethane, propane và butane thường được ép thành thể lỏng để dễ di chuyển và bớt nguy hiểm. - Ở nhiệt độ từ 104 độ F tới 401 độ F là xăng .

- Sau đó là Kerosene (350 độ F đến 617 độ F); Dầu cặn (482 độ F đến 662 độ F); nhớt (572 độ F đến 700 độ F) và cuối cùng là các chất cặn như hắc ín, nhựa đường chỉ bốc hơi ở khoảng trên 1000 độ F.

Như vậy, máy lọc dầu hoạt động như một hệ thống nấu rượu trong đó dầu thô được bơm vào nồi chứa rồi hâm nóng. Chất hơi bốc ra được đưa vào bình cất sẽ tự động xếp thành lớp nặng nhẹ tùy theo nhiệt độ bốc hơi. Trên cùng của bình cất là lớp khí vì có nhiệt độ bốc hơi thấp nhất, sau đó đến xăng, rồi thứ tự đến kerosene, dầu cặn, nhớt, sau cùng là hắc ín, nhựa đường. Thông thường, xăng là sản phẩm quan trọng nhất, nhưng từ dầu thô, chỉ lấy ra được 40% xăng, còn lại là các phó sản khác.

Sau khi lọc xong, các phó sản của dầu lửa được tồn trữ tại nhà máy trong những bồn chứa khổng lồ để chờ phân phối tới các nơi tiêu thụ như trạm xăng, phi trường hoặc các nhà máy hóa học.

III. GIÁ XĂNG

Giá xăng, cũng tương tự như các sản phẩm khác, phần lớn tùy thuộc vào luật cung cầu. Giá cả còn thay đổi tùy theo quốc gia, tiểu bang hay ngay cả thành phố khiến đa số chúng ta khó có thể biết được tại sao giá xăng lên hay xuống. Sau đây chúng ta sẽ tìm hiểu về những yếu tố liên quan cũng như tiền mỗi khi đổ xăng đi về đâu?

Ai cũng biết dân Mỹ ưa lái xe, lại đặc biệt thích những loại xe lớn uống xăng như truck, SUV. Theo thống kê mới nhất, năm vừa qua, dân Mỹ lái xe khoảng 2.5 trillion miles, nghĩa là 14,000 chuyến khứ hồi từ trái đất lên tới mặt trời. Con số này gia tăng gần gấp đôi so với năm 1980 (1.5 trillion miles). Tính ra, mỗi ngày dân Mỹ tiêu thụ chừng 178 triệu gallons xăng. Tiêu biểu, giá xăng cao hơn vào mùa khi có nhiều người lái xe nghỉ hè du lịch như trong dịp Memorial Day hay Lễ Lao Động. Giá xăng cũng tùy thuộc khá nhiều vào thị trường dầu thô trên toàn thế giới, hệ thống chuyên chở, hoạt động của các nhà máy lọc dầu cũng như ảnh hưởng của thời tiết hay bão tố v.v…

Vậy khi ta đổ xăng tốn $20, số tiền này sẽ được chia chác ra sao? Đa số chúng ta thường nghĩ rằng giá xăng hoàn toàn tùy thuộc vào giá dầu thô, nhưng thật sự, còn có rất nhiều yếu tố quyết định khác. Sau đây là những thành phần chính chiết tính theo % giá xăng:

1. Dầu Thô: là yếu tố chính chiếm khoảng 45% được trả cho quốc gia sản xuất dầu. Giá cả cũng như số lượng sản xuất dầu thô do Oganization of the Petroleum Exporting Countries gọi tắt là OPEC ấn định. OPEC là một tổ hợp của 11 quốc gia sản xuất dầu trên thế giới không xa lạ gì với Hoa Kỳ, gổm Algeria, Indonesia, Iran, Iraq, Kuwait, Libya, Nigeria, Qatar, Saudi Arabia, United Arab Emirates và Venezuela. Vì vậy, đôi khi OPEC sản xuất rất nhiều dầu nhưng giá xăng vẫn cao vì OPEC định giá cao. Giá dầu thô còn tùy thuộc vào loại dầu nặng, nhẹ (heavy, light) hay ngọt, chua (sweet, sour). Đắt nhất là dầu nhẹ ngọt (light sweet) vì dễ lọc còn rẻ nhất là dầu nặng chua (heavy sour).

2. Lọc Dầu: chiếm khoảng 13% giá xăng, trả cho những hãng dầu như Exxon, Shell, Texaco v. v… Các xưởng lọc dầu đa số nằm trong vùng vịnh Mễ Tây Cơ thuộc các tiểu bang Texas và Louisiana vì thuận tiện cho việc chuyên chở bằng đường biển, trong đó Houston được coi như thủ đô dầu lửa của Hoa Kỳ. Vì vậy, khi lái xe dọc theo bờ biển Vinh Mễ Tây Cơ thuộc vùng Texas, chúng ta thường thấy nhiều nhà máy lọc dầu với ống khói thật cao phun thán khí mù mịt và không khí sặc mùi lưu huỳnh. Đôi khi trời mưa, kính xe bị phủ một lớp phấn đen do bụi than (carbon) rơi xuống.

3. Phân Phối và Quảng Cáo: Chiếm khỏang 13% vì phí tổn chuyên chở dầu thô từ mỏ dầu đến nhà máy lọc cũng như chở xăng từ nhà máy lọc tới các trạm xăng. Ngoài ra, quảng cáo cũng chiếm phần khá quan trọng.

4. Thuế: chiếm khoảng 31% trong đó gồm thuế liên bang 18.4 cents và thuế tiểu bang chừng 20 cents một gallon. Thuế tiểu bang thay đổi từng nơi như ở California cao hơn vì đòi hỏi xăng “sạch” hơn để bớt ô nhiễm. Giá xăng ở Âu Châu cao hơn ở Hoa Kỳ rất nhiều, vì chính phủ đánh thuế cao. Thí dụ như xăng bên Anh giá $6 một gallon, trong đó 78% là tiền thuế.

5. Tiền Lời: Sau khi cộng hết các phí tổn, trạm xăng dĩ nhiên cũng cộng thêm vào đó một số tiền lời để trả nhân công, chi phí thuê mướn, điện nước v.v… Số tiền lời này không nhất định vì tùy thuộc vào các trạm xăng, có nơi chỉ chừng vài cents một gallon, có nơi lên tới 5, 10 cents. Tuy nhiên, nếu tiền lời quá cao, giá xăng sẽ cao không cạnh tranh được với các trạm xăng khác theo luật kinh tế thị trường. Vì vậy chúng ta thấy đôi khi hai trạm xăng sát nhau nhưng giá cả lại không giống nhau. Giá xăng cũng thay đổi theo từng tiểu bang, có lẽ thuế và phí tổn chuyên chở là yếu tố chính. Như tại Texas, vì gần các xưởng lọc dầu nên giá xăng tương đối hạ nhất. Các hãng dầu cũng thường thừa “nước đục thả câu” tăng giá ít nhiều khi xăng khan hiếm để kiếm thêm lợi nhuận.

Thiên tai, bão lụt cũng ảnh hưởng nhiều tới giá xăng như trong trường hợp bão Katrina vừa qua. Nhiều người tưởng rằng vì các giàn khoan dầu tại vịnh Mễ Tây Cơ bị bão hư hại không lấy được dầu thô nên xăng lên giá vòn vọt. Thật sự, vấn đề sản xuất chỉ ảnh hưởng nhỏ, hầu như không đáng kể vì số lượng sút giảm từ các giàn khoan chẳng có bao nhiêu, đa số dầu tiêu thụ đều được nhập cảng, hơn nữa, còn có dầu dự trữ. Lý do chính khiến dầu tăng giá vì một số cảng dầu (oil terminal) ngoài biển bị hư hại, nhiều nhà máy lọc dầu không hoạt động được vì bão tố, nước ngập hoặc nhân viên di tản; ngoài ra, đường ống dẫn xăng từ những nhà máy lọc dầu vùng Louisiana Mississippi và Alabama đến các tiểu bang nội địa vùng Bắc và Trung Mỹ bị nước cuốn hư hại nặng.

Tuy nhiên, mọi người đều công nhận giá xăng tùy thuộc phần lớn vào giá dầu thô và Hoa Kỳ lệ thuộc rất nhiều vào số dầu nhập cảng từ OPEC. Giá xăng không những có ảnh hưởng trực tiếp tới túi tiền của người tiêu thụ mà còn ảnh hưởng gián tiếp tới vật giá và đời sống dân chúng. Khi xăng lên giá, phí tổn chuyên chơ hàng hóa cũng tăng theo kéo theo thành giá các sản phẩm trên thị trường; giá vé máy bay cũng cao hơn. Ngoài ra, dân chúng phải trả tiền xăng nhiều không còn đủ tiền chi tiêu nên phải giới hạn du lịch, ăn uống, tiêu pha khiến các ngành hoạt động khác bị ảnh hưởng lây.

IV. KHO DẦU DỰ TRỮ

Vì tầm quan trọng hàng đầu của dầu lửa đối với nền kỹ nghệ cũng như để giảm thiểu nạn tăng giá không kiểm soát được, Hoa Kỳ đã thiết lập kho dự trữ dầu để xử dụng khi cần. Đây là kho dự trữ lớn nhất thế giới hiện chứa khoảng 600 triệu thùng dầu thô trong những hang muối ngầm dưới đất dọc theo Vịnh Mễ tây Cơ. Mỗi thùng (barrel) dầu thô chứa 42 gallons hay 159 lít dầu. Các kỹ thuật gia khoan vào mỏ muối ngầm dưới đất rồi dùng nước xịt mạnh vào để hòa tan muối, sau đó bơm nước mặn ra để tạo thành các hang muối hay “túi rỗng” để bơm dầu dự trữ vào. Mỗi hang hay túi dầu nhân tạo này nằm sâu chừng 2,000 feet dưới mặt đất và chứa được khoảng 10 triệu thùng dầu thô. Sở dĩ phải chứa dầu vào trong hang muối sâu như vậy vì đỡ tốn kém hơn so với bồn nổi lại an toàn, dễ che dấu và khó bị phá hoại. Ngoài ra nhiệt độ khác biệt trong hang sâu cũng giúp dầu chứa tự luân chuyển thường trực giống như trong các túi dầu sống khiến phẩm chất không bị suy giảm.

Các kho dự trữ dầu được thiết lập tại vùng Vịnh Mễ Tây Cơ vì nơi đây có nhiều mỏ muối, lại có nhiều nhà máy lọc và hải cảng tiếp nhận dầu. Những địa điểm dự trữ quan trọng gồm Bryan Mound gần Freeport, Texas; Big Hill gần Winnie, Texas; West Hackberry gần Lake Charles, Louisiana và Bayou Choctaw gần Baton Rouge, Louisiana. Những địa điểm dự trữ này có thể chứa tới 700 triệu thùng. Đa số dầu dự trữ được mua từ những mỏ dầu ở Mễ Tây Cơ và Bắc Hải.

Hàng năm, chính quyền liên bang tốn khoảng 21 triệu đô la để trông coi và bảo trì kho dự trữ với số nhân viên vào khoảng một ngàn người. Hoa Kỳ bắt đầu dự trữ dầu từ năm 1975 sau vụ phong tỏa dầu lửa hồi năm 1973-1974 đã khiến kinh tế toàn cầu bị khủng hoảng. Vì mỗi ngày Hoa Kỳ tiêu thụ chừng 19 triệu thùng dầu thô với trên phân nửa số này phải nhập cảng, số lượng dầu dự trữ khoảng 60 ngày nói trên sẽ khiến việc phân phối xăng nhớt không bị gián đoạn trầm trọng khi có phong tỏa hay cấm vận. Nghe nói vì ảnh hưởng tai hại của bão Katrina gây khó khăn trong việc phân phối nên chính quyền liên bang sẽ cho xử dụng một số dầu dự trữ để quân bình giá cả.

V. VÀI ĐIỀU LIÊN QUAN TỚI XĂNG, DẦU

- OPEC là chữ viết tắt của Oganization of the Petroleum Exporting Countries là một tổ hợp của 11 quốc gia sản xuất dầu trên thế giới. Các quốc gia OPEC sản xuất chừng 40% dầu thô trên thế giới và quan trọng hơn, nắm khoảng 2/3 tổng lượng dầu dự trữ. Vì vậy, chúng ta không ngạc nhiên khi thấy Hoa Kỳ rất “quan tâm” đến sự tồn vong của 11 quốc gia OPEC, không ngần ngại mang quân đi giải phóng những nơi này nếu cần như trong chiến tranh vùng Vịnh vào năm 1991 và hiện tại. Ngoài OPEC, còn có nhiều quốc gia sản xuất dầu lửa khác như Hoa Kỳ, Mễ Tây Cơ, Canada, Angola, Nga và Trung Hoa. Nghe nói Việt Nam cũng đang khoe khoang có dầu lửa để mong được Hoa Kỳ chiếu cố.

Tùy theo nhu cầu và ảnh hưởng áp lực của các cường quốc, mỗi ngày OPEC sản xuất chừng một vài triệu thùng dầu, trong khi Hoa Kỳ sản xuất chừng 5, 6 triệu thùng. Texas là tiểu bang sản xuất dầu nhiếu nhất Hoa Kỳ với các giếng dầu tại vùng Permian Basin (Midland, Odessa) và vùng Vịnh Mễ Tây Cơ. Các tiểu bang sản xuất nhiều dầu khác gồm Alaska, Louisiana, California, Oklahoma và Arizona. Dù sản xuất khá nhiều dầu, nhưng Hoa Kỳ vẫn tùy thuộc vào số dầu nhập cảng vì lượng tiêu thụ rất cao.

- Hết Xăng Cạn Dầu: Với nền văn minh cơ khí mỗi ngày một tối tân, nhu cầu tiêu dầu lửa ngày một gia tăng, vì vậy nhiều người đặt câu hỏi, nếu hết dầu thì sao? Câu trả lời chắc khiến nhiều người ngạc nhiên: có lẽ thế giới sẽ chẳng bao giờ hết dầu, vì theo luật cung cầu, khi trữ lượng dầu lửa càng giảm thì giá dầu càng tăng như hàm số nghịch biến. Các công ty dầu thường khai thác những giếng dầu dễ lấy với thành giá thấp, sau đó họ mới nghĩ tới những giếng dầu khó bơm hơn, nghĩa là từ dễ tới khó. Vì vậy chúng ta thấy nhiều khi các công ty tìm được mỏ dầu, nhưng họ bịt giếng lại để đó, chờ tới khi giá dầu lên cao, khai thác có lời họ mới dùng tới. Khi số dầu giảm dần, việc lấy dầu càng khó hơn nên thành giá cao hơn cho tới lúc tuy dầu vẫn còn đó nhưng giá khai thác quá cao, người tiêu thụ không thể trả nổi. Lúc đó, nhân loại sẽ phải dùng tới nguồn năng lượng khác tuy hiện nay đã có, nhưng vì giá còn cao hơn giá dầu nên chưa ai dùng tới.

- Xăng Mắc, Xăng Rẻ: Những thành phố có giá xăng cao nhất trên thế giới gồm: Amsterdam (Hòa Lan) $6.48/gallon; Oslo (Na Uy): $6.27; Milan (Ý): $5.96; Copenhagen (Đan Mạch): $5.93; Brussel (Bỉ): %.91. Những nơi xăng rẻ nhất thế giới: Caracas (Venezuela): $0.12; Lagos (Nigeria): $0.38; Cairo (Ai Cập): $.0.65; Kuwait City: $.0.78; Riyadh (Saudi Arabia): $0.91.

- Ô Nhiễm: Dầu thô gồm có những chất chính như Carbon 84%; Hydrogen 14%; Lưu huỳnh từ 1 đến 3%; Nitrogen 1%; Oxygen 1%; vì vậy xe cộ chạy xăng thải ra rất nhiều thán khí, gây ô nhiễm cho khí quyển, tạo nên hiệu ứng nhà kiếng. Mỗi ngày Hoa Kỳ thải ra chừng 2 billions pounds thán khí. Vì vậy tại các tiểu bang đông xe như California, Texas v.v… chính quyền địa phương đã ban hành những đạo luật rất khắt khe về thanh tra xe cộ hàng năm để tránh bớt ô nhiễm.

- Dầu Alaska: Hiện nay dưới mặt băng tuyết tại vùng dành riêng cho loài vật sinh sống ở Alaska có sỗ trữ lượng dầu lửa rất cao, thành giá khai thác chỉ vào khoảng $30 một barrel nghĩa là chỉ bằng nửa giá dầu hiện tại, nhưng đây lại là vùng dành riêng cho môi sinh nên bị cấm khai thác. Tổng Thống Bush đã đề nghị mở một phần vùng dành riêng này để khai thác dầu nhưng nội vụ vẫn còn đang tranh luận.

Tóm lại vấn đề giá xăng nhớt thật là nhức đầu và nan giải. Khi xe cộ còn cần đến xăng, giá cả sẽ có chiều hướng gia tăng. Để giảm bớt áp lực xăng tăng giá, các hãng xe hơi đã chế tạo một số xe “hỗn hợp” (hybrid) chạy cả bằng xăng và điện. Tuy các nguồn năng lượng khác có thể thay thế xăng như fuel cell, ánh sáng mặt trời, rượu hay hơi đốt đã hiện hữu, nhưng vì thành giá còn cao hoặc cơ giới vẫn còn được chế tạo để chạy bằng xăng nên đời sống nhân loại còn phải tùy thuộc vào dầu lửa./.


Tnần Đỗ Cẩm

























































Qúi Vị là độc giả thứ:

Web Counter

đã viếng thăm Nguyệt San Ðoàn Kết - Thành Thật Cám Ơn.

Free Web Hosting