Truyện Ngắn:

Bãi Bể, Nương Dâu


Tuyên Úy Nguyễn


(Thân tặng những người hùng Thủy Thủ và TQLC Việt Nam)

Nguyễn dúi bộ quân phục đã nhàu nát, đầy bụi bậm bào ba lô; mặc vào bộ mới đã được giặt ủi thẳng nếp mà thầm nghĩ: "Lên tàu rồi, hết còn phải leo giây, bò dưới cát, tập trực thăng vận, xe lội nước đổ bộ, hay thuyền cao su (zodiac) của người nhái nữa..." Nhìn vào tấm gương nhỏ, anh thấy mình đen hơn nhiều sau mấy tuần thao luyện với tiểu đoàn 1, trung đoàn 25, sư đoàn 4 Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ ở căn cứ Coronado, San Diego.

Bước vào phòng ăn, Nguyễn đã thấy gần đủ mặt các sĩ quan trên tàu, kể cả trung tá hạm trưởng. Phòng ăn dành cho sĩ quan (Wardroom) được trang trí sang trọng như của một nhà giàu Mỹ. Một thủy thủ trong ban phục dịch, mặc đồng phục tiếp viên nhà hàng, đến lễ phép hỏi Nguyễn:

- "Thưa Thiếu Tá muốn điểm tâm bằng món chi?" Liếc qua tấm thực đơn, Nguyễn đáp:

- "Trứng và bánh mì lát nướng."

- "Sir muốn trứng được chuẩn bị như thế nào?" Người thủy thủ hỏi thêm.

- "Chiên cả hai mặt" (over easy). Rồi dường như anh ta đã nhìn thấy chiếc thánh giá vàng Nguyễn đang đeo trên cổ áo phía trái, người thủy thủ đổi cách xưng hô cho chính xác hơn:

- "Thưa Tuyên Úy dùng cà phê?"

- "Có, loại thường, cám ơn." Nguyễn nói nhanh để anh ta khỏi phải hỏi thêm.

Nguyễn thầm nghĩ: "Các sĩ quan Hải Quân Mỹ vẫn sống đế vương như thuở vừa thoát thai khỏi Hải Quân Hoàng Gia Anh Quốc."

Ðơn vị anh đã lên tàu từ chiều hôm qua để tham dự cuộc hành quân tập trận lớn, gồm đến 20 ngàn TQLC với đầy đủ các đơn vị: đổ bộ, trực thăng vận, không yểm, hải pháo... Mục tiêu của cuộc hành quân này là "Ðổ bộ tái chiếm một quốc gia bạn đã bị địch quân chiếm đóng."

Chiếc tàu Nguyễn đang đi, Fort Fisher - LSD 40, thuộc loại đổ bộ hạng trung, có khoảng 250 sĩ quan và thủy thủ. Tàu còn có thể chứa được một tiểu đoàn TQLC (500 người) với đầy đủ giường (tầng) nệm cho mỗi người. Ngoài ra tàu còn chở đươc khoảng 40 xe bọc sắt đổ bộ (AAVs: Amphibious Armored Vihecles), hậu thân của những chiếc M113 thời danh trong cuộc chiến ở Việt Nam. Mỗi chiếc "xe lội nước" này có thể chở đươc 18 TQLC với đầy đủ vũ khí và quân dụng. Nếu chở ít AAV hơn, tàu có thể chứa thêm hai chiếc LCACs (Landing Craft Air Cushion, loại "thuyền" đổ bộ chạy bằng cách thổi hơi thẳng xuống gầm, nâng thuyền lên khỏi mặt nước/đất, chung quanh phủ màn bằng cao su để giữ hơi, rồi bên trên có hai cánh quạt lớn đẩy thuyền tới trước. Mỗi chiếc này có thể chở được một đại đội TQLC hay một chiến xa hạng nặng mà vận tốc của nó vẫn nhanh hơn tất cả các loại thuyền đổ bộ khác.) Chiếc LSD-40 lại còn chỗ đáp cho trực thăng trên sàn phía sau. Từ trong vịnh San Diego, tàu phải đi vòng qua North Island, ra bãi trước để đón các AAVs sẽ từ bãi biển "lội" ra.

Cuộc hành quân sẽ diễn ra từ bờ biển đến bên trong vòng đai căn cứ TQLC Pendleton cách San Diego độ vài chục dặm về hướng Bắc. (Nơi đã có trại tị nạn cho người Việt năm xưa). Tuy nhiên, dù căn cứ này đã rộng đến hơn 300 dặm vuông, vẫn không đủ chỗ cho cuộc hành quân cấp sư đoàn. Nhiều đơn vị như chiến xa hạng nặng và bộ binh tùng thiết đã phải dàn trận ở một căn cứ TQLC khác như Twentynine Palms trong vùng sa mạc Mojave. Ða số các phản lực chiến đấu đã lên từ căn cứ Yuma, trong vùng ba biên giới Mễ Tây Cơ, và các tiểu bang Arizona, California. Một số khác đã từ căn cứ El Toro ở gần Orange County.

Ăn sáng xong, Nguyễn ra boong tàu ngoạn cảnh. Thì ra tàu đã nhổ neo và đang chui qua Bay Bridge, chiếc cầu thật cao, nối liền trung tâm thành phố San Diego và bán đảo Coronado. Nhiều TQLC cũng đang lợi dụng giây phút quí báu này, ngồi hay nằm dài trên sàn đáp của trực thăng, thoải mái nghỉ ngơi, sau những ngày dài thao luyện vất vả. Ngang qua căn cứ không quân của Hải Quân (Naval Air Station), anh thấy chiếc hàng không mẫu hạm Constellation (CV 64) đang đậu bến, nằm im lìm, hiền hòa phơi mình trong nắng sớm. Trên bờ, hàng trăm chiếc trực thăng, phản lực và máy bay săn tàu ngầm, xếp thành những hàng thẳng tắp.

Nguyễn suy nghĩ miên man... chiếc Constellation cũng như nhiều hàng không mẫu hạm khác như Coral Sea, Hancock, Ranger, Forrestall (những chiếc này đã về hưu), Independence (hưu vào năm 1998), Kitty Haw, Enterprise v.v... đã từng tham chiến ở Việt Nam... Bom đạn, máu xương, chiến tranh, hòa bình, tù đày, vượt biên, hận thù, bằng hữu... thấm thoát đó mà đã 24 năm. Mốc thời gian 1975 đã đánh dấu một cuộc đổi đời quá lớn cho anh và cho bao nhiêu người khác.

Khởi đi từ những cuộc di tản kinh hoàng trong tháng Ba, sang đến tháng Tư và điểm tận cùng (nhưng cũng là khởi điểm cho một thời kỳ khác, thời kỳ vượt biên tìm tự do) là ngày 30. Trong những ngày ấy đã có những chuyến đi đầy gian nan, đói khát... những HQ 402, những xà lan đi từ bến Bạch Ðằng, Khánh Hội, rồi bảy ngày trên tàu Mỹ đến Guam với chỉ một vắt cơm cho mỗi ngày...

Chỉ có một số ít người được kể vào thành phần "diễm phúc" nhất trong cơn đổi đời này và là một thành phần riêng biệt, thành phần được di tản. Theo lý thuyết, chỉ có những người có quan hệ mật thiết với chính phủ Mỹ và gia đình của họ mới được kể vào thành phần nói trên. Người Mỹ đã ước lượng chỉ di tản khoảng 120 ngàn người. Nhưmg cơn địa chấn đã làm thay đổi tất cả kể cả dự tính của những người anh em Cờ Hoa đang muốn ra tay nghĩa hiệp lần cuối đối với những "người bạn nửa vời" trong cơn nghiệt ngã. Gần 20 năm sau, số người chạy ra được nước ngoài đã lên đến khoảng hai triệu mà gần nửa số đó đang ở Mỹ! Còn bao nhiêu người bị chết vì hải tặc, vì giông bão, vì tàu hư... không ai biết được! Có người ước lượng khoảng một phần tư trên tổng số những người đi thoát. Như vậy đã có đến 500 ngàn người chết thảm trên đường vượt biên! Nửa triệu người, dân số của một thành phố lớn ỡ Mỹ!

Ðầu tháng Tư, đại chủng viện của Nguyễn đa phải bãi khóa sớm vì tình hình chiến cuộc. Anh đã đến Tam Bình , Thủ Ðức để giúp dân tị nạn từ miền Trung chạy về. Thế rồi, trong một sự bất ngờ không tưởng, anh đã ra đi với một gia đình thuộc thành phần được di tản. Tuy vậy, ngay cả chuyến đi này đã không kém phần nguy hiểm...

Ngày 23/4 Nguyễn được người bạn "rủ" cùng đi Mỹ! 12 giờ trưa hôm sau anh đến điểm hẹn, một căn "appartment" trong một trung tâm nổi tiếng ở Tân Ðịnh. Sau khi chờ đợi gần 3 tiếng đồng hồ anh được lên xe (một chiếc pickup truck) với hai người nữa trong nhóm đầu. Xe tiến ra đường Công Lý, rồi lên phía phi trường, Nguyễn ngỡ rằng họ sẽ đưa bọn anh vào Tân Sơn Nhất, nhưng qua khoảng bệnh viện dã chiến 3 của Mỹ cũ, đối diện với sân banh quân đội, họ bảo bọn Nguyễn chuyển sang chiếc pickup khác vừa trờ tới. Trên xe này đã có hai cậu nhỏ khoảng 15, 16 tuổi đã được bốc đi từ trung tâm Sàigòn.

Xe quay lại hướng Gia Ðịnh, đường Võ Tánh, tòa tỉnh trưởng, rồi hướng về phía Hàng Xanh. Nguyễn hoang mang, không hiểu họ muốn đưa bọn anh đi đâu? Gần đến nhà thờ Hàng Xanh, họ bảo bọn Nguyễn xuống xe và chuyển túi hành trang vào một căn nhà nhỏ. Không hiểu lý do, nhưng bọn anh vẫn làm theo như cái máy. Cánh cửa xếp sắt đóng xập lại đàng sau. Trong căn nhà đó đã có sẵn một chiếc pickup thứ ba có mui bằng ván thật thấp. Họ bảo bọn Nguyễn lên xe, phải khom lưng mới chui vào trong mui được! Tiếng lách cách của ống khóa bên ngoài được bóp lại. Họ dặn bọn Nguyễn không được ồn ào khi di chuyển. Cánh cửa sắt được mở, xe chạy ra, có lẽ không ai nghĩ rằng bên trong cái xe có mui lè tè kia lại có đến 5 người đàn ông xếp cá mòi trong ấy.

Qua kẽ hở của tấm ván, dường như mới được đóng vội, Nguyễn thấy xe chạy qua nhà thờ, về phía Ngã Ba Hàng Xanh (bây giờ đã đươc gọi là ngã tư), xa lộ, rồi vào khu Tân Cảng. Xe ngừng lại trước trạm kiểm soát, hồi hộp, nhưng người lính gác cổng chỉ mỉm cười rồi vẫy tay cho xe đi, không nghi ngờ gì. Họ chạy thẳng vào một nhà kho, bên trong có nhiều thùng sắt lớn (cargo containers) thật kín đáo. Ðem xuống một ít nước ngọt, họ bảo bọn Nguyễn chờ ở đấy và tránh gây tiếng động.

Thế rồi cứ cách khoảng hơn tiếng đồng hồ họ lại đưa thêm nhóm khác tới, những nhóm này đều được bốc từ các điểm hẹn khác nhau. Ðến 11 giờ đêm, trên 40 người đã được đưa vào nhà kho này, kể cả gia đình người bạn của Nguyễn. Không lâu sau đó, họ bắt đầu "trục" bọn Nguyễn xuống tàu. Phải nói là trục vì đoàn người được chia thành những nhóm nhỏ, rồi từng nhóm lần lượt bước vào một thùng sắt sẵn có, khóa bên ngoài, rồi xe cần trục (forklift) đã "xúc" thùng sắt ấy ra cầu tàu. Ở đây cần cẩu của tàu đã bốc thùng sắt ấy lên như chuyển một kiện hàng. Nguyễn vẫn không quên cảm giác rờn rợn khi thấy mình được nhấc lên trong một thùng sắt tối đen. Nếu nó tuột giây rớt xuống đất? Hay xuống nước? Nguyễn đã không dám nghĩ thêm nữa, và "xình" tiếng động khá lớn, cánh cửa thùng sắt mở ra, bọn Nguyễn đang ở tầng thứ nhất của hầm tàu. Và cứ thế, họ chuyển "hàng" xong trong khoảng gần một tiếng đồng hồ.

Thấy sàn tàu bẩn vì những vết dầu, họ lại trục một lô ván ép xuống và một số chăn mền còn trong bọc. Bọn Nguyễn đã có đủ "giường chiếu." Gần sáng vẫn không ngủ được, Nguyễn ngồi dậy, rủ hai chú bạn mới quen lên tầng trên. Ðến đây Nguyễn mới biết rằng rất nhiều người khác đã được đưa lên tàu trong đêm. Chiếc tàu vận tải (Merchant Marine Ship) Green Wave nhổ neo vào khoảng 5 giờ sáng ngày 25/4, sớm hơn dự liệu vì đã xảy ra cuộc lộn xộn, hình như giữa lính an ninh tân cảng và vị chỉ huy của họ khi ông này định lên tàu.

Sài Gòn còn đang ngủ, mặt sông phủ một lớp sương mỏng, tàu lướt đi thật êm. Bộ Tư Lệnh Hải Quân, bến Bạch Ðằng, khách sạn Majestic, rồi Khánh Hội, Kho Năm... Bọn Nguyễn được khuyên rời boong tàu để tránh sự dò xét của lính tuần giang. Anh lưu luyến nhìn lại Sàigòn đang trong giấc ngủ chập chờn của những âu lo.

Gần 12 giờ trưa, tàu ra tới cửa biển Vũng Tàu, mọi người được lệnh tuyệt đối không được ra ngoài để tránh sự kiểm soát của lính tuần duyên. Qua khung cửa kính, Nguyễn thấy Bãi Dâu, đài Ðức Mẹ, rồi Bãi Trước, tượng Chúa Kitô thật to trên đỉnh núi cao. Ngài giang hai tay như muốn chúc lành cho những đứa con đang bắt đầu cuộc đời lưu lạc. Khoảng 12 giờ 30, tàu đã ra khỏi vùng có thể bị kiểm soát, mọi người thở phào nhẹ nhõm và được tự do đi lại.

Lần ra phía sau, nhìn lại Vũng Tàu đang xa dần trong tầm mắt, Nguyễn nhủ thầm, không biết bao giờ mới được trở lại thành phố thân yêu ấy? Bất giác trong nỗi buồn mênh mang của chuyến đi không hẹn ngày trở lại, anh nghe thấy tiếng thở dài của những người cùng tâm trạng.

Bỗng có tiếng xôn xao: "Tàu chuyển hướng." Quả vậy, con tàu đang hướng về phía Ðông Nam, chợt đổi về Ðông Bắc. Lát sau, họ cho biết, đáng ra tàu đi thẳng tới đảo Guam, nhưng nay được lệnh đi Phi Luật Tân. Lý do, số người trên tàu quá ít so với số dự tính. Tất cả chỉ hơn 600 người trong khi họ phỏng định chở tới 2,000. Ði Phi, họ có thể trở lại nhanh hơn để bốc thêm chuyến nữa.

Chiều xuống, Nguyễn chỉ còn thấy đỉnh Lâm Viên xa mờ. Nơi ấy có Ðà Lạt, vùng quê hương với những tháng ngày đèn sách. Ðà Lạt ơi! Tạm biệt em...

Buổi chiều hôm thứ ba, tàu vào hải phận Phi Luật Tân, lá cờ vàng ba sọc đỏ bị kéo xuống để thay vào lá cờ Phi. Nguyễn đứng lặng người, cảm giác mất mát dâng lên, hình ảnh cuối cùng của quê hương cũng không còn nữa!

Khoảng 5 giờ chiều ngày 27/4/75 tàu vào vịnh Subic, kết thúc ba ngày hai đêm hay 60 giờ hải hành. Tối 30/4 trên đường qua căn cứ Không Quân Clark để đi đảo Wake, Nguyễn đã không thể ngăn được giòng lệ lăn dài trên mặt rồi mặn mặn đôi môi, khi nghe tin Dương văn Minh đã đầu hàng Cộng Sản. Ba mươi năm chiến đấu của cha anh, cả chục năm quả phụ của chị anh và sự hi sinh vô bờ bến của toàn quân, toàn dân Miền Nam để thương ôi, đổi lấy ngày bi thảm này...

Nhưng cũng từ hôm đó, đồng bào anh đã không ngớt liều chết vượt biên tìm tự do, với những chuyến đi nguy hiểm gấp vạn lần chuyến đi của anh. Trong cuộc "bầu phiếu bằng chân" đó, bao nhiêu người đã vùi thây trong lòng biển cả?!!

...Thoáng đấy mà đã 24 năm...

- "Ðẹp dễ sợ hả Padre (Cha hay Tuyên Úy)?"

Nguyễn giật mình như vừa qua một cơn mơ, hỏi lại viên trung úy TQLC đã đứng cạnh anh tự bao giờ:

- "Cái gì đẹp?" Anh ta chỉ tay:

- "Cái thuyền buồm du lịch (yatch) đó, Sir."

Thì ra tàu đã đi qua Point Loma và đang hướng về bãi biển của trung tâm huấn luyện người nhái (Navy Seals) Coronado. Một chiếc yatch gần đó đã làm người sĩ quan trẻ ước mơ... Chắc hẳn anh ta nghĩ đến cảnh một số thanh niên nam, nữ trên ấy đang vui đùa thỏa thích cho một ngày nghỉ cuối tuần. Nguyễn đáp theo:

- "Ðẹp thật."

Rồi anh lẩm bẩm bằng tiếng mẹ đẻ: "Ít ra cũng được trăm rưởi."

- "Sir nói gì vậy?" Người sĩ quan trẻ hỏi Nguyễn. Anh đáp:

- "Ồ, tôi đang nghĩ, khi cần, chiếc yatch đó có thể chở đến 150 người."

- "What?!"

Dĩ nhiên, làm sao anh ta có thể hiểu nổi những mênh mang trong lòng Nguyễn.


Tuyên Úy Nguyễn























































Free Web Hosting