Truyện Ngắn:

Bụi Trần

Tuyên Úy Nguyễn


Từ phi trường quốc tế Los Angeles (LAX), Nguyễn phải chuyển sang một chiếc máy bay nhỏ loại hai cánh quạt với khoảng 12 chỗ ngồi, để đi Palm Springs. Chiếc phi cơ đã bay ra hướng biển khá xa, lấy cao độ, trước khi quay vào để có thể vượt qua rặng núi San Bernadino. Từ phi trường Palm Springs, ở sườn phía Ðông của rặng núi đó, Nguyễn sẽ phải đi khoảng hơn một giờ xe hơi nữa mới vào tới Trung Tâm Huấn Luyện Không - Bộ Chiến của Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ (Marine Corps Air Ground Combat Center) thuộc căn cứ Twenty-nine Palms, California.

Các tuyên úy Hải Quân Hoa Kỳ phải trách nhiệm cả bốn ngành: Hải Quân, TQLC, Lực Lượng Duyên Phòng (Coast Guard) và Hàng hải (Merchant Marine). Hầu hết các tuyên úy thâm niên đều đã phải đi qua ít là ba trong bốn ngành đó. Sau mấy năm tương đối an nhàn với Hải Quân, Nguyễn đang trong thời kỳ phục vụ với TQLC, một đơn vị xe lội nước AAVs ở miền Ðông Nam Hoa Kỳ. Mùa Hè năm nay, đơn vị anh được lệnh đến 29 Palms để huấn luyện sa mạc chiến. Nguyễn đã đi trước đơn vị để cùng các tuyên úy khác chuẩn bị cuộc tập trận cho lữ đoàn 23 thuộc sư đoàn 4, gồm khoảng gần 5 ngàn TQLC với đầy đủ các đơn vị yểm trợ khác như chiến xa M1A1, AAV, xe thám báo loại nhẹ, pháo binh và không quân riêng của Hải Quân và TQLC. Máy bay vừa vượt qua rặng San Bernadino thì viên phi công đã nghiêng cánh chuẩn bị đáp, anh ta cũng không quên giới thiệu ngôi nhà của danh hề Bob Hope với cả sân golf riêng của ông đang hiện rõ qua khung cửa sổ máy bay. Nguyễn đã từng nghe danh của nhân vật nổi tiếng này khi ông cùng phái đoàn "ủy lạo chiến sĩ" (USO) đến Việt Nam vào những dịp Giáng Sinh trong thời chiến tranh Quốc-Cộng. Riêng Nguyễn, anh chỉ thấy Palm Springs như một ốc đảo, nằm sát sườn núi, cạnh một sa mạc mênh mông (Mojave Desert), và mường tượng đến những ngày huấn luyện nóng bỏng sắp tới trong sa mạc này.

Trung Tá tuyên úy trưởng của lữ đoàn đã có mặt ở phi trường để chờ đón các đồng nghiệp của ông. Nguyễn và sáu tuyên úy nữa, đến từ những nơi khác nhau, đã được ông cùng đưa về Camp Wilson, doanh trại hậu cứ của cuộc "hành quân," nằm bên trong căn cứ 29 Palms. Từ phi trường, xe anh đã băng qua đường I.10, tiếp tục theo đường 62, qua Morongo Valley, Yucca Valley, và Joshua Tree, trước khi vào thị trấn 29 Palms. Qua khỏi cổng chính của căn cứ, xe rẽ trái và đi khoảng 5 miles nữa mới tới Camp Wilson. Trong khi đi đường, tuyên úy trưởng Seelig đã tóm tắt tình hình (brief) của cả cuộc huấn luyện cho các bạn. Bọn anh sẽ phải phân tán ra các đơn vị để chăm sóc tinh thần cho binh sĩ. Ngoài hai tuyên úy đến với các đơn vị phản lực và trực thăng, số còn lại được chia theo trách nhiệm hiện có của mỗi người, chẳng hạn các tuyên úy tiểu đoàn thì sẽ phải về với đơn vị của mình. Nguyễn phải trách nhiệm cả hai đơn vị xe lội nước AAV và tăng M1A1 Abrams.

Ðã quen thuộc với đơn vị của mình nên Nguyễn quyết định đến đóng trại với đơn vị thiết giáp. Vác ba lô vào khu trại, nơi sẽ trở thành hậu cứ cho hàng chục chiếc thiết giáp M1A1 thời danh trong trận chiến vùng Vịnh (Persian Gulf) năm nào, Nguyễn đã liên tưởng đến những câu chuyện "nhận đơn vị mới" của các bạn bè năm xưa bên quê nhà. Khác một điều là khi đó các bạn của anh đang trong chiến tranh; còn anh, hiện tại chỉ đang là "tập trận." Nguyễn được viên thượng sĩ thường vụ chỉ chỗ lều riêng của anh, chiếc lều bạt nhỏ, chia làm hai "buồng", bên ngoài có thể kê được chiếc bàn và vài cái ghế; bên trong rộng đủ để chứa được hai người với hai chiếc giường gấp, loại thông dụng như của quân đội VNCH. Các binh sĩ sẽ nghỉ trong những chiếc lều lớn hơn, có thể chứa được cả trung đội, dĩ nhiên là họ không được hưởng "privacy" như các sĩ quan. Cũng như Nguyễn, viên thượng sĩ thường vụ đã đến trước với một số y tá, cả đơn vị sẽ tới vào hôm sau.

Ðêm nay, lần đầu tiên trong đời, Nguyễn ngủ một mình trong căn lều bạt giữa sa mạc mênh mông, nơi vùng đất hoàn toàn xa lạ. Trời trở lạnh thình lình, Nguyễn kéo zipper của chiếc túi ngủ đến tận mũi, nhưng vẫn còn lạnh. Gió thổi bần bật, anh đứng dậy, vạch màn lưới, vói tay tháo giây buộc để thả các miếng bạt chung quanh lều. Cơn lạnh sa mạc thật đặc biệt, hình như gió vẫn còn lùa vào lều, qua các kẽ hở, chui vào tận bên trong túi ngủ của anh! Trong giấc ngủ chập chờn vì cơn lạnh, anh tưởng như mình còn nằm trên chiếc giường gấp ở trại tị nạn năm xưa...

Sáng hôm sau, Nguyễn trở lại khu nhà nguyện; dựng rất đơn sơ, lợp tôn, không trần; để họp với các tuyên úy và các hạ sĩ quan phụ tá. Mọi người đều ngạc nhiên với cơn lạnh trái mùa. Nhưng bọn Nguyễn không phải chờ lâu, chỉ vài hôm sau, cơn nóng thực sự của sa mạc mùa Hè đã trở lại. Nóng dữ dội, nóng khủng khiếp, nóng "không tha thứ" cho những ai "lỡ" để hở một phần da thịt của mình cho nắng phủ lên. Ngay cả phần dưới cằm, nếu không thoa "sun blocker" thì sức phản chiếu của nắng từ cát bốc lên vẫn đủ làm cháy da! Từ khoảng 10 giờ sáng đến 5 giờ chiều, nhiệt độ trung bình luôn được ghi nhận từ 115 đến 120 độ F (khoảng 49 độ C). Ngày nào cờ hiệu cũng mang màu đen, ám chỉ nhiệt kế đã lên đến trên 115 độ và cấm tập thể dục ngoài trời.

May cho bọn Nguyễn là gần nhà nguyện, có một nhà ăn mang tên "Desert Warriors Club" (câu lạc bộ cho các dũng sĩ sa mạc) được trang bị máy lạnh. Thỉnh thoảng bọn Nguyễn phải chạy qua đó, uống ly nước để tránh cơn nóng thiêu người này. Một hôm, trong lúc uống nước, Nguyễn nhận thấy ba TQLC ngồi ở bàn gần đấy là người Á Ðông, anh buớc qua hỏi chuyện. Thì ra họ là những người được chỉ định phục vụ trong đơn vị hỏa đầu quân. Các đơn vị "hậu cần" ở trong các lều của đại doanh trại được ăn cơm ba bữa, tại một nhà ăn lộ thiên che bằng lưới ngụy trang, do ban hỏa đầu vụ nấu. Những đơn vị đóng ở ngoài mặt trận (field) phải dùng các gói thực phẩm MRE (Meal Ready to Eat, mà các TQLC gọi đùa là Meal Rejected by Ethiopians, có ý nói thức ăn dở quá đến cả dân đang bị đói ở Ethiopia cũng chê!) Thực ra các gói thực phẩm này được chuẩn bị rất công phu, đầy đủ dinh dưỡng, và khá nhuận trường; có đủ các món chính (hoặc gà, bò, heo...) với gói hâm nóng (để gói chính vào, đổ thêm nước, hóa chất bên trong sẽ tự động hâm nóng gói thức ăn đó trong vòng vài phút.) Cộng thêm các món phụ như crackers, cà phê, trái cây (loại đóng hộp), bánh tráng miệng, đường, tương ớt... và cả giấy vệ sinh nữa! Mỗi quân nhân được phát ba gói mỗi ngày, Nguyễn không thể ăn hết, nhưng với những quân nhân còn trẻ, ba gói xem ra chỉ vừa đủ.

Ba anh TQLC trong ban hỏa đầu vụ, một người Mỹ gốc Hoa sinh ra ở San Francisco, cấp bậc hạ sĩ; người thứ hai, Mỹ gốc Việt đến từ Chợ Lớn, trung sĩ; và người thứ ba, hạ sĩ, đến từ Rạch Gía. Hai người đến từ Việt Nam biết nói tiếng Việt, nhưng người đến từ San Francisco thì không. Nếu dùng tiếng Hoa thì Nguyễn và người đến từ Rạch Gía không hiểu được, thế nên cả bọn đã dùng tiếng Anh để nói chuyện. Họ cho Nguyễn biết lý do gia nhập TQLC là để sau này có học học bổng (Montgomery G.I. Bill) tiếp tục học lên đại học. Nguyễn lái câu chuyện về quá khứ của hai người đến từ Việt Nam. Họ là những người vượt biên, đến Mỹ chưa tới 10 năm. "Như vậy các anh đã học tiểu học ở bên nhà?" Nguyễn hỏi. "Dạ đúng rồi, Tuyên Uý" anh trung sĩ đáp. Rồi anh ta quay qua khoe với anh bạn đến từ San Francisco, "Mày biết không, tao đã từng là học sinh gương mẫu, mang khăn quàng đỏ!" Nguyễn mỉm cười, nghĩ đến những "kỳ duyên" trong cuộc đời. Lát sau người hạ sĩ đến từ San Francisco đứng dậy đi mua thêm nước, Nguyễn hỏi đùa anh trung sĩ bằng tiếng Việt: "Thì ra "đồng chí" đã từng là "cháu ngoan bác Hồ" đấy à?" Anh ta bẽn lẽn chữa thẹn: "Thôi mà, Cha!" Nguyễn cũng cười xòa với họ. Ðể được gia nhập quân lực Hoa Kỳ, chỉ hàng sĩ quan mới cần có quốc tịch Mỹ và bằng cử nhân; hàng binh sĩ, chỉ cần "thẻ xanh" và tốt nghiệp trung học là đủ.

Hôm sau, Nguyễn tình nguyện lên xe tăng "ra trận" với đơn vị. Cả đơn vị, đến từ San Diego, đã tỏ ra rất thích anh, vì ít khi có tuyên úy nào hòa mình với họ như vậy. Hai giờ chiều, đoàn thiết giáp trong màu cát sa mạc chuyển mình rời căn cứ, họ đã di chuyển khoảng trên 20 dặm trong một địa hình rất khó khăn và phức tạp (cố ý tạo ra để huấn luyện.) Nguyễn được mời đứng ở một trong hai vị trí trên pháo tháp, nơi có khẩu đại liên 30. Vị trí bên kia, có cây đại liên 50, do một trung sĩ nhất trưởng xa đứng. Anh đã cẩn thận mặc áo giáp, nón sắt, thắt lưng dã chiến (web gear) với hai bi-đông nước như mọi người, nhưng anh đã quên một điều rất quan trọng: găng tay! Dưới sức nóng 120 độ F ngoài trời, nhiệt độ trên thành của chiếc xe "bọc sắt" đã tăng lên đến độ nóng bỏng. Chẳng thế mà trong thời đệ nhị thế chiến ở sa mạc Sahara, Bắc Phi; các binh sĩ Ðức đã "tráng trứng" trên thành xe tăng của họ. Chiếc thiết giáp lắc lư nghiêng trái, ngả phải, chúi đầu tới trước, lật ngược về sau như đang lên cơn điên! Không thể bám vào thành xe, Nguyễn đành khoanh tay cao, để mặc cho chiếc chiến xa đưa đẩy. Cũng nhờ có cái áo giáp hộ thân, chứ không thì bộ xương sườn của anh chắc đã gãy vụn! Qua máy liên hợp, người trưởng xa thương hại bảo Nguyễn ngồi vào trong xe cho đỡ cực, nhưng anh không chịu và vẫn muốn đứng "ngoạn cảnh." Lát sau, đoàn xe tiến vào nơi hoàn toàn có cát nhuyễn, gây bụi mù trời. Nguyễn móc khăn tay ngụy trang buộc lên mặt để đỡ phải hít bụi. Viên trưởng xa nói đùa: "Ðừng có xỉu trên xe tôi nhen, Sir!" Nguyễn không trả lời, nhưng ra dấu bằng cách nắm tay lại, chỉ ngón tay cái lên trời, ý nói anh cứ yên tâm, tôi không sao đâu.

Ðoàn xe tăng đến mục tiêu thì trời đã về chiều. Các thiết giáp được dàn ra theo địa hình phòng thủ. Không bỏ lỡ cơ hội huấn luyện, các hạ sĩ quan đàn anh đã qui tụ cấp dưới lại để chỉ thêm kinh nghiệm cho họ. Trong binh chủng TQLC Hoa Kỳ, trường đào tạo hạ sĩ quan đã hoàn toàn do các hạ sĩ quan đàn anh giảng dạy. Truyền thống này vẫn tiếp tục ngay cả khi họ đang ở "chiến trường." Nguyễn đã đi thăm từng nhóm, khen ngợi và tỏ lời khuyến khích họ. Sau bữa cơm tối, dĩ nhiên là bằng MRE, viên trưởng xa nói với Nguyễn: "Xin nhường chỗ nghỉ danh dự nhất cho tuyên úy, đêm nay." Ðồng thời anh ta chỉ cho Nguyễn phần mặt phẳng của pháo tháp, ngay bên trên khẩu đại bác 120 mm.

Trải túi ngủ trên pháo tháp của chiếc M1A1, cũng là lần đầu tiên trong đời anh được hưởng kinh nghiệm này! Hơi nóng trên xe vẫn còn âm ỉ nên anh chưa thể đặt lưng xuống được, Nguyễn ngồi dậy nhìn ra chung quanh. Vài TQLC đã bắt đầu phiên gác. Một số khác đang châu đầu với nhau tán gẫu, thỉnh thoảng họ phá lên cười ra vẻ thích thú lắm. Nhưng cuộc vui của họ không thể kéo dài vì họ phải nghỉ để có sức cho ngày tập trận hôm sau. Anh tài xế đã nằm dài trên phần mặt khá bằng phẳng dưới pháo tháp và ngay trước vị trí của tài xế, vị trí này có thể trải được hai túi ngủ cho hai người, nhờ pháo tháp đã được quay ngang. Người xạ thủ đại bác nằm ngang trong phần sau của pháo tháp, anh ta đang tận dụng chút ánh sáng cuối cùng trong ngày để đọc đoạn Kinh Thánh. Một trong năm ngàn cuốn Kinh Thánh bỏ túi mà các tuyên úy đã phát miễn phí cho họ trước đó. Người trưởng xa, dường như đã có sự chuẩn bị trước, đem theo một chiếc giường gấp , đặt trên cát để nghỉ qua đêm. Nguyễn nghĩ, nếu anh ta muốn nhường chiếc giường gấp đó cho Nguyễn, chắc chắn anh sẽ từ chối. Thứ nhất, Nguyễn muốn được hưởng kinh nghiệm "ngủ trên pháo tháp xe tăng." Thứ hai, vùng sa mạc này có rất nhiều rắn độc (rattle snakes) và bò cạp; anh không muốn nằm quá gần mặt đất!

Thế rồi như một sự xếp đặt nhiệm mầu dành riêng cho Nguyễn, vầng trăng 16 vừa lú dạng bên trên đỉnh núi. Trong khung cảnh tịch mịch hoàn toàn của đêm sa mạc hoang vu, ánh trăng như gần gũi hơn với Nguyễn. Vào những năm chiến tranh chưa trở nên khốc liệt ở bên nhà, anh và các bạn đã vui hưởng ánh trăng tương tự khi chèo thuyền, thổi sáo trên giòng sông Hậu hiền hòa. Ánh trăng thanh bình năm ấy đã chưa bao giờ trở lại; vì trăng năm nay, tuy có hòa bình nhưng thiếu hẳn tự do trên miền đất quê hương yêu dấu đó! Nguyễn nghĩ đến Hạnh, thiếu úy thiết giáp M.48 và là người bạn cùng lớp thuở thiếu thời. Trận mùa Hè đỏ lửa 1972 diễn ra khi Hạnh và đơn vị của anh đang hoạt động trong vùng Gio Linh, địa đầu giới tuyến. Lúc Hạnh được lệnh rút thì đã quá muộn, các cầu phía Nam đều đã bị giật sập, anh phải ra lệnh bỏ xe, sau khi đã nhấn nút tự phá hủy hệ thống điện để những chiếc tăng trở thành bất khiển dụng. Kế đó anh và các bạn cố rút về Quảng Trị, nhưng không may, anh bị địch quân bắt và hai lần bị đọa đày, cả thảy đến gần bảy năm trời. "Hạnh ơi, đáng ra anh phải được nghỉ trên chiếc "giường" danh dự này mới đúng," Nguyễn nói thầm trong đầu... Bầu trời sa mạc không một gợn mây, áÔnh trăng sáng qúa, Nguyễn phải kéo phần túi ngủ che lên mặt mới có thể đi vào giấc ngủ với nhiều mộng mị...

Sáng hôm sau, thiếu tá chỉ huy trưởng đơn vị thiết giáp nói với Nguyễn; "Tuyên úy lên đồi với tôi, xem tụi "con trai" đánh đấm. Vả lại, nếu để ông đi với họ, lỡ xảy ra chuyện gì thì "vất vả" cho tôi lắm." Nguyễn đã hiểu nỗi ưu tư của người chỉ huy. Ðối với TQLC Hoa Kỳ, điều tối kỵ với họ là để mất cờ đơn vị, kế đến là để cho tuyên úy hay sĩ quan quân y của họ thiệt mạng. Chỉ huy trưởng của họ có thể bị tử trận, vì đời lính chiến, da ngựa bọc thây, sống chết là lẽ thường; nhưng lá cờ là danh dự của họ, và tuyên úy là tinh thần, là biểu tượng niềm tin của họ, họ không thể để mất đi. Trong cuộc chiến ở Việt Nam, một tuyên úy TQLC, linh mục đại úy Vincent Capodanno, thuộc tiểu đoàn 3, lữ đoàn 5 đã tử trận. Ðầu tháng 9 năm 1967, đơn vị của ông được tung vào vùng thung lũng Quế Sơn để lùng một trung đoàn CSBV vừa đột nhập vào khu vực. Thay vì đi chung với bộ chỉ huy tiểu đoàn, tuyên úy Capodanno đã xin đi với đại đội M. Ðại đội lọt ổ phục kích của địch, ông đã vội vã rời vị trí tương đối còn an toàn của ban chỉ huy đại đội để giúp các TQLC thuộc trung đội 2 bị thương. Ba lần, ông thành công kéo các binh sĩ bị thương về vị trí an toàn, cũng như ban phép xức dầu cho những người sắp chết. Lần thứ tư, khi tiến lên lần nữa, một qủa đạn súng cối đã nổ gần ông. Mặc dù bị trúng nhiều mảnh đạn và bị thương ở cánh tay và chân, ông vẫn tiếp tục giúp nhiều thương binh khác. Cuối cùng, chính viên y tá của trung đội cũng trúng đạn; tuyên úy Capodanno đã cố kéo anh ta về vị trí an toàn và dùng thân mình để che chở cho anh. Nhưng địch quân đã nhìn thấy ông và quay nòng súng đại liên về phía đó. Ông chết với 27 phát đạn trên mình. Ðể ghi nhớ sự dũng cảm của người tuyên úy, sau này quốc hội Hoa Kỳ đã trao tặng huy chương Danh Dự cho ông (post-humously), huy chương cao quí nhất của quân lực Mỹ. Bộ Hải Quân cũng dùng tên ông để đặt cho một hộ tống hạm, chiếc FF-1093 (đã chuyển giao cho HQ Hi Lạp khoảng năm 1992.) Ðược huy chương Danh Dự là một vinh hạnh cho toàn đơn vị, nhưng cả binh chủng TQLC đã rất buồn vì họ lỡ để cho một tuyên úy của họ tử trận.

Những chiếc xe tăng lồng lên như những con tê giác dũng mãnh, chúng có thể vọt tới với tốc độ 50 miles một giờ. Cùng lúc đó, nòng súng đại bác 120 mm có thể bắn liên tiếp hai phát đạn vào hai mục tiêu khác nhau, những chiếc tăng cũ, xa đến 3 cây số. Máy nhắm đã được vi tính hóa và bắn qua màn ảnh radar, phát đạn thứ hai không cần phải nhắm lại, súng cứ tự động quay về hướng mục tiêu. Nếu người xạ thủ, vì lý do nào đó không khai hỏa được thì người trưởng xa, trong vị trí của anh ta có thể bắn thay. - cuộc tập trận này, toàn bộ bom, đạn đều "thật" cả. Có hai loại đạn trên xe tăng, một loại xuyên phá và một loại tàn phá. Loại xuyên phá, khi được bắn ra khỏi nòng súng sẽ tự động tách rời khỏi phần "vỏ" bên ngoài để chỉ còn hình dáng như một cây đinh đường kính khoảng 40mm. Viên đạn này có thể xuyên qua pháo tháp tăng T.72 của Nga Sô, dày khoảng 150mm, và tiêu diệt các nhân viên bên trong. Loại đạn tàn phá sẽ làm công việc còn lại: hủy hoại hoàn toàn những chiếc tăng, không cho địch quân có cơ hội sửa chữa và tái xử dụng chúng.

Sau trận chiến vùng Vịnh, các nước Ả Rập như Saudi Arabia, Kuwait... đã muốn mua lại những chiếc M1A1 được quân đội Mỹ xử dụng, nhưng chính phủ Hoa Kỳ đã lịch sự từ chối và nói rằng sẽ làm những chiếc tăng mới cho họ. Phe Ả Rập vẫn thiết tha muốn mua những chiếc tăng đã đánh bại tăng T.72 đó, khiến người Mỹ đã phải nói thật: "Vỏ tăng của chúng tôi được chế tạo với hợp chất có pha uranium cặn (depleted uranium) cứng hơn tất cả các loại vỏ tăng khác trên thế giới. Chúng tôi không muốn một này nào đó, trở lại chiến trường này và phải đối diện với những chiếc tăng mạnh tương đương với những cái chúng tôi đang có! Nếu quí vị muốn, chúng tôi chỉ có thể bán cho quí vị cùng loại tăng, nhưng vỏ sẽ phải yếu hơn một chút." Hiện tại, bộ binh Mỹ đang dùng loại thiết giáp tân trang M1A2, và họ đang nghiên cứu một loại tăng mới có sức "tàng hình" (hiện lên rất nhỏ trên màn ảnh radar.) Trong khi đó, TQLC cũng sắp dùng loại xe lội nước mới mang tên AAAV (Advance Armored Attack Vehicle), có sức "lội nước" rất nhanh và được thả cách bờ biển xa hơn, thay vì chỉ vài hải lý như những chiếc AAV hiện tại. Vận tốc và sức chiến đấu của các xe lội nước mới này trên đất liền cũng mạnh ngang với những chiếc thiết giáp.

Sau khi trở lại "hậu cứ" vài hôm thì Nguyễn được cùng với tuyên úy Seelig tháp tùng đại tá chỉ huy trưởng lữ đoàn dùng trực thăng bay "quan sát chiến trường." Anh phải thầm cảm phục khả năng ngụy trang của TQLC Mỹ, chiếc trực thăng chỉ bay ở cao độ vài trăm thước, nhưng anh đã không thể nhìn thấy các đơn vị đang đóng rải rác ven những vách núi. Họ đã xử dụng các lưới ngụy trang rất hữu hiệu. Căn cứ 29 Palms khá vuông vức, mỗi chiều dài đến trên dưới 30 miles, (diện tích khoảng gần 1000 dặm vuông) với những rặng núi đá hình nan quạt, rất thuận tiện cho việc huấn luyện sa mạc và không-bộ chiến cũng như dùng bom đạn thật.

Sau hai tuần huấn luyện, "D Day" (ngày khởi đầu cuộc đổ bộ, hay trận chiến) đã đến. Nguyễn không được đi với các thiết giáp của mình mà phải nhập với bộ chỉ huy tiền phương của lữ đoàn. Theo lý thuyết hành quân, bộ chỉ huy này có thể sẽ bị tấn công bằng hơi độc nên mọi người phải đeo mặt nạ hay giữ nó kè kè bên mình cả ngày! Không mấy hứng thú! Cuối cùng Nguyễn đã được phép cùng đi với ông tuyên úy của đơn vị pháo binh. Bọn anh (hai tuyên úy và hai phụ tá) đã ra "mặt trận" từ chiều hôm trước để có thể thăm viếng các pháo đội. Anh đã kịp dâng hai thánh lễ cho hai đơn vị (đúng như tinh thần quân đội Mỹ trước khi lâm chiến.) Một thánh lễ dưới lưới ngụy trang và bàn thờ là những thùng đạn chồng lên nhau. Lễ thứ hai, trời đã tối, Nguyễn phải dùng đến bốn cây nến "hóa học" (không có lửa, nhưng chỉ do tác dụng hóa học gây nên ánh sáng) mới đủ để đọc sách.

Ban chiều, thượng sĩ thường vụ đã đưa một anh lính đến giới thiệu với Nguyễn: "Sir, xin giới thiệu "Mr. Nguyễn" này nữa." Thì ra trong đơn vị có một anh PFC (binh nhất) cũng họ Nguyễn. Anh vui vẻ chào thăm và lát sau, khi chỉ còn hai người, anh đã hỏi người lính bằng tiếng Việt: "- bên nhà, anh thuộc tỉnh nào?" Người binh nhất của binh chủng thiện chiến hàng đầu trên thế giới, TQLC Hoa Kỳ, đã cho Nguyễn một ngạc nhiên: "Dạ, gia đình "cháu" đi từ Hải Phòng!" Ðúng vậy, anh đã cùng bố mẹ và gia đình vượt biên từ hải cảng nổi tiếng đó ở miền Bắc. Lại thêm một kỳ duyên! Một "cháu ngoan" đích thực đã được đổi đời, Nguyễn nghĩ. Anh ta chỉ quen với lối xưng hô quân đội bằng Anh ngữ, nên khi lúc Nguyễn hỏi bằng tiếng Việt, anh xưng "cháu" là "lễ độ" lắm rồi!

Nhìn vào khẩu đại bác 155 mm loại mới, trông nhẹ hơn cây "đầu bạc" cũ nhiều, nhưng Nguyễn vẫn không "phục" mấy. Anh hỏi viên trung úy pháo binh đứng gần đó: "Trong thời chiến tranh ở Việt Nam, tầm xa của loại súng này đã không bằng các khẩu 130 mm của NVA (quân đội C.S. Bắc Việt), tại sao các anh còn dùng nó nữa?" Viên trung úy mỉm cười: "Sir nói đúng, nhưng hiện tại chúng tôi đang dùng các loại đạn mới, có thể đương đầu được với tất cả các loại đại bác do Nga hay Trung Cộng chế tạo. Loại đạn mới này có hai tầng, sau khi ra khỏi nòng súng và bay được khoảng 15 cây số, đầu đạn sẽ tự động khai hỏa tầng thứ hai và tiếp tục bay đi như một hỏa tiễn hơn 15 cây số nữa. Lại có một loại đạn khác do tia laser điều khiển, người "đề-lô" có một máy phóng tia sáng laser nhỏ, chỉ bằng cặp sách tay, tia laser chỉ vào đâu là đạn bay vào đó, khỏi cần phải điều chỉnh hay bắn trái khói trước!" Anh ta tiếp: "Nhưng các loại đạn này "hơi" đắt, gần 30 ngàn đô-la một trái!" Nguyễn thầm nghĩ:

"Có thế chứ, địch có thể pháo ta, mà ta không phản pháo được thì hỏng to còn gì! Nhưng giá một qủa đạn, bằng giá một chiếc xe hơi loại tốt, kể cũng đắt thật! Thảo nào các sĩ quan trong bộ chỉ huy lữ đoàn đã kháo với nhau rằng cuộc tập trận này tốn đến hơn 120 triệu mỹ kim!"

Trên chuyến bay trở lại với "thế giới văn minh," Nguyễn suy nghĩ mông lung. Anh thầm cảm tạ Ơn Trên đã cho nước Việt được hòa bình; nếu không, những thanh niên Việt Nam anh gặp có thể đã phải đối đầu với nhau như những kẻ thù ở một chiến trường nào đó: Trị-Thiên, Tam Biên, hay miền đồng bằng sông Cửu? Nhưng được hòa bình mà thiếu tự do thì nền hòa bình ấy đã hoàn toàn chưa? Có đúng với ước vọng của toàn dân là được "Quốc thái, Dân an" không?

Anh không tin là những người thanh niên Việt Nam đã gia nhập TQLC, binh chủng "đến trước, về sau" (First to come, Last to leave) vất vả và nguy hiểm trăm chiều; chỉ với lý do tìm học bổng. Anh muốn nghĩ rằng họ đã gia nhập TQLC vì cái hào hùng, cái đặc biệt của binh chủng này đối với những người trai trẻ. Hơn nữa, có thể còn một lý do xa hơn, Nguyễn nhớ có lần đã xem một phim nói về TQLC, "A Few Good Men." Trong phim đó, một luật sư đã hỏi người bạn đồng nghiệp của mình: "Tại sao chị lại thích lính TQLC như vậy?" Người nữ luật sư trả lời rằng, tôi thích họ vì họ đã ôm súng, đứng trên bức tường canh gác và nói với tôi: "Chị hãy nghỉ yên đêm nay, không ai có thể làm hại chị, trong phiên gác của chúng tôi!" Những thanh niên nam, nữ người Việt đang phục vụ trong quân đội Hoa Kỳ chắc chắn đã biết rằng họ không chỉ chiến đấu cho riêng họ hay cho quốc gia Mỹ, nhưng còn cho chính gia đình họ và hơn triệu đồng bào Việt Nam khác đã nhận sự tiếp đón rộng rãi của đất nước này. Nền dân chủ và sự tự do, đôi khi đến quá lố ở Hoa Kỳ, không phải là những món quà tặng miễn phí, những điều tự nhiên sẵn có. Chúng đã và đang được gìn giữ bởi mồ hôi, bởi nước mắt, và nếu cần, bằng máu của trên hai triệu quân nhân đang trấn đóng rải rác khắp thế giới. Nguyễn muốn nghĩ rằng những thanh niên nam, nữ người Việt phục vụ trong quân đội Hoa Kỳ, cũng đang bồng súng trên bức tường đó và nói với đồng bào mình rằng: "Bà con hãy yên tâm vui hưởng tự do, dân chủ; đừng lo sợ vì đã có chúng tôi đây!" Riêng với Nguyễn, anh nghĩ rằng những người con của Mẹ Việt Nam ấy cũng rất đáng được hưởng sự chăm sóc tinh thần bởi chính những tuyên úy đồng hương của họ. Bộ Quốc Phòng Mỹ đang nghiên cứu để có thể nhận thêm các tuyên úy Phật giáo, như họ đã thực hiện đối với Do Thái giáo và gần đây là Hồi giáo.

Nguyễn nhìn qua khung cửa sổ máy bay, trong bầu khí lặng gió của mùa Hè, cả thành phố Los Angeles như đang bị che phủ bởi một đám mây khổng lồ, màu đất. Anh buột miệng: "Bụi trần!"


Tuyên úy Nguyễn































































































































Qúi Vị là độc giả thứ:

đã viếng thăm Nguyệt San Ðoàn Kết - Thành Thật Cám Ơn.

Free Web Hosting