Truyện Ngắn:

MÙA HOA CÀ PHÊ

Sầu Ðông


Bốn thanh niên từ trên xe jeep nhảy xuống, ồn ào ùa vào quán cà phê trên con đường Hoàng Diệu. Đó là những sĩ quan trẻ ra khỏi quân trường Thủ Đức từ mt vài năm nay, và đều trú đóng tại những đơn vị nằm quanh thành phố cao nguyên đất đỏ này. Tuổi đời của họ cũng chênh nhau vài năm. Lực - gốc trung sĩ bộ binh - được đặc cách cho đi học chuẩn úy, về một đơn vị lực lượng đặc biệt; Cần, xuất thân thày giáo, đóng ở tiểu khu; Tín, kỹ sư công chánh, tiểu đoàn công binh kiến tạo; và Thắng, dân trường luật, làm việc trong văn phòng tùy viên của ông tướng vùng.

Thắng quen biết nhiều với chủ quán. Chủ quán còn trẻ, nghe nói có họ với hắn, có thằng em cùng đơn vị với Lực, lên thành phố này vừa làm lính cậu, vừa mở quán cà phê kiếm ăn, khi chiến tranh bắt đầu lan đến vùng này cùng với sự hiện diện của quân đội đồng minh Mỹ. Quán có tí chất văn nghệ, là nơi họp mặt của đám sĩ quan trẻ xa nhà. Khách tới quán ít lộn xộn như những quán cà phê hay những quán nhậu khác. Những chiều thứ bảy cuối tuần, nhất là vào những ngày cuối tháng hai, khi đám sĩ quan trẻ lần lượt hết phép, từ những nơi khác trở lại vùng này, quán thường có nhạc sống, do mấy em gái hậu phương - bạn của lũ em, cháu trong nhà - lên giúp vui.

Thắng hất hàm về phiá chủ quán:

- Chà, chiều nay đông dữ. Có nhạc sống có khác.

Hắn quay lại mấy tên bạn, giọng đùa dỡn:

- ’’Quan’’ đưa mấy thằng đệ tử này đến nghe tiếng hát liêu trai của em bé ’’vườn-cà-phê-nhà-ai’’, lỡ mai này có thằng nào trúng đạn VC chúng nó đỡ ân hận.

Lực chửi toáng lên:

- Mẹ mày, quan cách gì mày, thấy gái là tối mắt lại, ông đã ở lính nhiều năm, đạn nó tránh ông; còn mày, mày liệu cái thần hồn, cái mồm ăn mắm ăn muối của mày đạn nó dễ tìm đến lắm.

Nói vậy chớ Lực vẫn nể thằng bạn trời đánh này. Nó vừa có cái mã cao ráo, trắng trẻo của dân trí thức, lại vừa có cái lì lợm của mấy gã giang hồ. Hồi ở quân trường, thỉnh thoảng nó chui rào trốn về Sàigòn mt tối với đào. Vào trường, bị quân cảnh đưa đi nhốt, nó vẫn tỉnh bơ. Và cái lần khiến Lực phải ngán nó là khi thằng Lực sứt kềnh càng, chuyên nạt mấy thằng thư sinh giường bên cạnh, khệnh khạng đòi khện nó thì nó đã bình tĩnh thủ thế:

- Mày mà đụng vào ông thì cả lò nhà mày cũng không thoát!

Nó rút con dao găm dấu sẵn ở đầu giường và xấn tới thằng Lực. Anh em phải can gián một chặp mới xong. Nó và thằng Lực đều bị phạt trọng cấm, nhưng sau này hai thằng làm hoà với nhau. Thằng Lực không biết nó nổi tiếng là thằng du côn ở trường luật, anh em nhà nó hơn mười đứa, và ông già nó làm bên an ninh quân đội. Mãn khoá, thằng Lực tình nguyện đi biệt động quân. Trong buổi tiệc ra trường, thằng Lực cụng ly với thằng Thắng, vừa cười, vừa nói: ‘’ Mấy thằng trí thức cô hồn như thằng này, thằng nào cũng kiếm được chỗ trú thân ngon lành’’. Thằng Thằng cười hô hố:’’ Con ơi là con! Chúng mày đánh đấm được thua là nhờ bố mày cả đấy. Không có bố, bọn Cộng nó muốn nướng các con lúc nào cũng được’’. Nó về quân đoàn hai.

Tín ghé tai Cần:

- Tối hôm qua, nó dắt về phòng tao hai con nhóc mới ở Qui Nhơn lên. Bác sĩ Quế ở đường Sư Vạn Hạnh cho chích pénécilline chưa dứt bịnh mà nó dám quất một lúc cả hai. Tụi nó mà biết nó đổ bịnh cho tụi nó thì tụi nó đào mả cha nó lên. Nó o được ột trong mấy em đến hát chiều nay. Em bé này khá xinh, là học trò trường nữ. Tao có gặp em bé một lần ở h ội quán Phượng Hoàng. Cần but miệng:’’ Tội nghiệp’’. Tín bảo:’’ Lính mà em!’’.

* * * * *

Trên sàn gỗ đóng bằng ván những mảnh thùng đạn pháo binh, dưới ánh đèn vừa đủ sáng khuôn mặt, cô bé học trò trường nữ hất nhẹ mái tóc xoã ra sau. Mặt bầu, má đỏ, môi hồng mọng, và cặp mi cong vút. Phiá dưới, trong ánh sáng mù mù tối, là những khuôn mặt quen thuộc của đám lính trẻ xa nhà. Cô hát bản ’’ Chuyến tàu đêm’’. Giọng mềm, dịu, và trong, không làm nhão người như giọng ca Thanh Thúy, nhưng những chỗ luyến láy chùng xuống đủ để làm bọn trẻ nao người. Thỉnh thoảng cô lại liếc về phiá bàn bốn nguời. Tín thấy ánh mắt cô bé lướt qua rất nhanh, nhưng tia nhìn vụng dại như muốn dừng lại trước khuôn mặt rất tĩnh của Thắng. Tín ghé vào tai Cần:’’Thế là em chết một cửa rồi!’’

Thắng quay qua Tín và Cần:

- Hai thằng này ở gần đây, chút nữa chúng mày đi bộ về trước. Tao lấy jeep đưa em về nhà bà thím của em phiá trên chợ.

Nó vỗ vai Lực:

- Còn mày, con nhà võ thứ thiệt, nhờ mày đi hộ tống em với tao. Ngoan, tao bảo em giới thiệu bạn của em cho mày. Em có con bạn xinh đáo để. Hai thằng kia, một thằng là giáo làng cù lần, quân đi bắt nó vào lính là lầm lẫn lớn. Tao cho nó về trước. Tao mà làm tổng trưởng quốc phòng, tao tống cổ nó ra khỏi quân đi, cho nó biệt phái về trường làng. Còn thằng phải gió kia cho nó về sớm để ngày mai nó lên hầu bà tướng. Hồi chiều nó mới nói với tao là bà tướng nhắn nó lên vẽ cho bà cái sơ đồ nhà khách, chẳng biết bà ấy có sai nó giặt đồ lót cho con gái của bả không?

Thắng cười hềnh hệch. Cười xong, hắn lại nghiêm nét mặt như cũ.

Bốn tên sĩ quan trẻ mỗi đứa mỗi tính mỗi nết, nhưng cùng một đại đi hồi ở Thủ Đức, lại thường gặp lại nhau trên thành phố cao nguyên này, họ thành bạn thân của nhau. Cả ba gã kia đều phải nhận Thắng là m t gã sắc sảo. Nó cười, nó đùa, lúc vui, lúc nham nhở, nhưng không ai giận nó. Nó kết thân rất nhanh, và cũng làm hoà rất nhanh với mọi người. Có lần Tín có việc phải lên trên quân đoàn, thấy nó từ văn phòng tùy viên lững thững đi ra chẳng khác một công chức cao cấp của bộ giao thông vận tải của Tín, lúc Tín chưa vào lính; lần khác cũng có việc phải lên quân đoàn, Tín thấy Thắng đang lao nhanh ra chiếc xe jeep như một con báo.

Cô bé hát xong bản nhạc. Tiếng vỗ tay rào rào. Có tiếng huýt sáo. Thắng vẫn tỉnh queo. Hắn gật gật đầu kêu em bé xuống. Cô bé cùng một cô bạn khác e lệ bước xuống. Dưới ánh sáng lờ mờ của ngọn đèn bên vách, Tín thấy hai cô bé chập chờn như đang cười.

Rất tự nhiên, Thắng ôm vai cô bé vừa hát xong, giới thiệu với các bạn:

- Hương, ’’em’’ tao, còn Điệp là em họ của chủ quán.

Hắn giới thiệu tiếp:

- Mấy tên này các em đều biết cả rồi.

- Chào các anh, em mới chỉ biết anh Lực và anh Cần, còn anh gì đây em chưa được biết.

Cô bé chúm chím cười.

Cần tiếp lời:

- Anh Tín đóng ngay bên kia đường mà em không biết sao? Kỹ sư cầu cống đấy.

Tín bắt đầu mở máy:

- Anh ghiền cà phê quán này rồi. Hôm nay nhìn mắt em thấy đen óng như màu cà phê Arabica, và áo em trắng như màu hoa cà phê trên đồn điền Catekca. Anh mê rồi đấy.

Hương và Điệp chúi vào nhau cười khúc khích.

Thắng đấm nhẹ vào người Tín:

- ’’Em’’ tao, mày đừng tán nhảm. Muốn biết cà phê ra sao, hôm nào tao chở mày lên đồn điền nhà em cho mày biết. Chỉ sợ mày chưa lên tới đó đã vãi đái ra quần. Ở đây chỉ có thằng Lực dám lên mà thôi.

Điệp nhìn Lực cười mím chi. Cái nhìn rất lạ.

Tìn ngơ ngác:

- Chi mà ớn dữ vậy?

- Mới tháng vừa rồi có thằng trung úy pháo binh, lạng quạng vào một vườn cà phê dưới miệt đó, bị VC dắt đi rồi.

Thắng đẩy nhẹ Cần và Tín:

- Thôi nhé, chúng mày ở gần đây, chúng mày thả bộ về trước. Tao với thằng Lực đưa Hương và Điệp về. Còn cái màn thằng Tìn tán nhảm em tao, tao sẽ cho mày một dịp thấy tận mắt hương, hoa, trái cà phê. Mày biết đếch gì về cà phê mà Arabica với Catekca.

Hắn vừa cười vừa dìu Hương ra phiá cửa quán:

- Để anh đưa ’’hoa-cà-phê’’ của anh về nhà.

Cô bé, tay vén vạt áo trước, nghiêng người đi nép vào bên Tín. Bốn người lần lượt lên chiếc jeep. Hương và Điệp ngồi phiá sau. Buổi chiều cuối tháng hai ở thành phố cao nguyên này sương mù đã giăng đầy. Ngoài đường một vài chiếc quân xa vội vã lướt ngang, và phiá cuối đường có dáng người co ro, vi vã. Tín đề máy, gài số, lao xe về phiá chợ.

* * * * *

Vừa thấy mặt Thắng, Tín đã chửi:

- Cha mày, đi đâu mà mấy tuần nay không thấy mặt mày.

- Tao kẹt công tác khẩn, đi không kịp báo ai cả. Vào thay quần áo cho đàng hoàng rồi lên xe đi với tao. Tao mới gặp ông tiểu đoàn trưởng của mày chiều hôm qua trên quân đoàn. Mày được miễn trực ngày hôm nay, chắc mày đã biết rồi.

- Xếp mới báo cho tao biết hồi sáng nay. Mày làm cái thá gì mà nói một tiếng ông ấy nghe vậy.

Thắng chọc quê Tín:

- Tao vẽ cái nhà vệ sinh cho bà tướng.

- Thằng khốn.

Hai gã phá ra cười.

Thắng:

- Hôm nay tao cho mày biết thế nào là hoa cà phê.

- Uả, lên đồn điền?

- Nghe nói lên đồn điền mà đã sợ vãi đái ra quần sao? VC chúng nó không thèm bắt những thằng gà chết như mày.

Hắn tiếp, giọng nghiêm trở lại:

- Đùa mày một tí thôi. Vòng ngoài đồn điền mấy lúc này có cả trung đoàn nằm bọc, và ngoài xa nữa là những đồn biệt động quân biên phòng, yên chí lớn đi. Vả lại đang xuân, tụi nó chưa kịp chuyển quân vào. Mấy năm nay, chưa hề có chuyện gì nghiêm trọng xảy ra cho đồn điền này cả. Em Hương của tao vẫn đi đi, về về, bình thường.

Khi xe chạy ngang tiểu khu, nó nói với Tín:

- Lúc này chắc thằng Cần đang đi hành quân phiá ngoài Thanh An để tao và mày lên đó cho an toàn hơn nữa.

- Sao mày biết?

- Tới đó rồi hay, đừng có thắc mắc.

Chiếc xe jeep chạy ào ào về hướng Thanh An cuốn theo mt lớp bụi đỏ mờ mịt.

Tín bảo:

- Núi đồi hùng vĩ chập chùng, trời xanh lồng lng thế này mà đừng có chiến tranh thì tao sẽ lên vùng này lập nghiệp, tao dân đồng bằng nhưng tao không thích những gì thẳng đuỗn, bằng phẳng.

- Nếu vậy, tao gả ’’hoa-cà-phê’’ của tao cho mày. Nhưng dân đồng bằng mà tâm hồn lại lớn như núi rừng, thì xin lỗi mày, tao ngờ quá.

Tín đổi hướng:

- Mày chưa táy máy gì con người ta chứ?

Không nghe tiếng Thắng trả lời. Chỉ có tiếng gầm rú của chiếc xe lao nhanh về phiá trước.

Thắng như đã thuộc lòng đồn điền. Chiếc xe chạy qua những đồi trà, và những đồi cà phê bạt ngàn, chạy băng tới trước sân căn nhà ngói nằm trên một quả đồi. Tín thấy tỉnh cả người. Nhìn trước mặt, chìm trong những nhánh lá cà phê xanh đậm, mượt mà là những chùm hoa trắng muốt, những trái cà phê mọng đỏ. Ngây ngất trước mùi thơm của cà phê đang rang đâu đây, nhưng Tín cũng còn chút cảm giác ớn lạnh khi thoáng thấy những ánh nhìn vội của những người công nhân hái trà. Sương sớm dần tan, và những tia nhìn của những người hái trà vẫn như lẩn khuất sau những giải lụa mỏng. Tín chỉ yên lòng trở lại khi nhớ tới lời Thắng:’’ Có cả trung đoàn nằm ở vành đai bên ngoài’’.

Chủ đồn điền là pá (bố) của Hương. Ông ta đã ra đến sân. Thắng cất tiếng chào.

- Chào bác. Hai bác và các em vẫn mạnh giỏi? Đã lâu lắm cháu mới lại có dịp lên trên này thăm hai bác và các em. Mấy tháng nay cháu bận đi công tác xa. Lúc này ở đây êm nhiều rồi phải không bác? Sau Mậu Thân chắc mấy chả bớt quậy rồi.

- Dạ phải, mấy lúc này êm hơn trước đôi phần, tôi dân nhà vườn, tôi chẳng để ý tới việc binh. Tôi chỉ biết làm vườn nuôi gia đình mà thôi.

Ông ta nhìn qua phiá Tín.

Thắng vội giới thiệu:

- Thiếu úy Tín là sĩ quan công binh, bạn thân của cháu. Anh ấy là kỹ sư công chánh bị động viên.

Thắng vui vẻ:

- Lính này là lính cậu đó bác, dám chưa biết bắn súng, chớ uống cà phê thì tinh lắm. Anh bạn cháu nghe nói hoa cà phê rất đẹp, cứ nằng nặc đòi xem cho bằng được. Hôm nay anh ta được miễn trực, cháu đưa lên đây, vừa là dịp thăm gia đình làm quen, vừa cho anh ấy biết mặt mũi đồn điền.

Thắng vừa nói vừa liếc thật nhanh vào phiá nhà trong.

Cùng lúc, Tín thấy một phụ nữ trung niên và Hương từ phiá trong cửa bước ra.

Tín và Thắng cùng gật đầu chào.

Ông pá của Hương:

- Má mày và con Hương vào trong nhà pha mấy tách cà phê mời hai trung úy.

Ông day qua Thắng và Tín:

- Cà phê nhà vườn là cà phê cứt chồn, mới rang hồi hôm, có bỏ tí rhum và bơ Bretel cho dậy mùi.

Tín:

- Cà phê cháu uống ở Quán Nhớ dưới thị xã đã ngon lắm, nhưng chắc chắn không sao bằng cà phê cứt chồn của bác được.

Tín nghe loáng thoáng có tiếng cười rúc rích phiá trong. Lúc sau, một chú bé khoảng mười hai, mười ba từ trong nhà chạy ra chào, rồi ghé tai Tín nói nhỏ:

-Má em bảo là trong hai ông trung úy thăm vườn bữa nay không biết có tin được ông nào không?

Tín bật cười, ghé tai thằng bé:

- Anh là người đáng tin cậy nhất trên thế giới này.

Thằng bé nguýt mỏ thật dài, thoắt một cái đã biến vào phiá trong.

Tín vừa nhắp một ngụm cà phê vừa xuýt xoa:

- Cà phê thơm và ngon quá. Cháu đã thử cà phê nhiều nơi, nhưng chưa đâu bằng. Ngay cả cà phê Jean Martin ở Sàigòn cũng không bằng được. Hết chiến tranh, chắc cháu phải xin về vùng này.

Ông bố của Hương:

- Ông Jean Martin dưới Sàigòn cũng lấy cà phê ở đây, nhưng ông ấy còn pha phách thêm một hai loại khác để lấy màu và độ sánh. Cà phê cứt chồn ở đây là loại thượng hảo hạng, chỉ dành đãi khách quí mà thôi. Những trái cà phê chín tới, mà ở đây là loại Arabica, loại cho hương vị thơm và đậm đà chất cà phê hơn tất cả các loại cà phê; chồn ăn phần thịt, hột tống ra ngoài. Loại này, sau khi sao tẩm, không có thứ hạt cà phê nào sánh bằng. Lát nữa, khi nào các trung úy về, tôi bảo em nó gói tặng vài kí.

Tín thấy ông bố của Hương hình như muốn nói chuyện riêng với Thắng.

Ông gọi với vào nhà trong:

- Khi nào trung úy Tín dùng xong cà phê, con đưa trung úy ra ngoài thăm vườn. Từ thị xã lên đây chỉ mười mấy cây số, nhưng đi lại không phải lúc nào cũng dễ dàng, chưa kể mấy ông nhà binh mỗi lần đi đâu đều phải có phép.

* * * * *

Hương đưa Tín ra khỏi nhà. Từ trên đồi nhìn xuống là những luống trà xanh um. Phiá bên trái đồi trà là một dãy đồi cà phê. Hai người lững thững bước xoải xuống đồi. Tín để ý thấy viền mi của Hương hơi sưng nhưng mắt nhìn vẫn thật trong, và làn da con gái đương thì vẫn mịn màng. Dưới phố, Tín quen mt vài cô gái, con của những gia đình quân nhân và công chức ở gần cư xá công binh của Tín, nhưng lạ là tới đâu Tín cũng chỉ thấy nhớ cô bé này. Nếu đừng có Thắng!

Tín nói với Hương:

- Trong này êm chứ em?

Hương:

- Anh đi theo anh Thắng thì chẳng có gì phải sợ cả.

Tín ngờ ngợ:

- Nghe nói mấy tháng trước có sĩ quan trên quân đoàn vào vùng này bị mất tích!

- Em cũng có biết chuyện ấy, nhưng mới hôm qua tiểu khu đã hành quân quanh vùng. Tuần trước, anh Cần và đại đi của anh ấy có đi ngang đây.

Thắng nhìn xuống sườn đồi thoai thoải, theo Hương đi xuôi xuống triền dưới. Khi tinh thần đã ổn định hẳn, Tín thoáng nhận ra mùi hoa lài cùng mùi hoa bưởi.

Tín hỏi:

- Hình như quanh đây có cả hoa lài, và cam hay bưởi. Quê anh miệt Biên Hoà, mũi của anh thính lắm.

Hương:

- Mùi hoa cà phê đó anh. Đi xa nhà một chút, khi mùi cà phê đã tan hết anh nghe như mùi hoa lài lẫn với mùi hoa bưởi, đó chính là mùi hoa cà phê. Anh Thắng vẫn bảo là anh ấy yêu mùi hoa cà phê hơn mọi thứ trên đời. Anh ấy bảo là chỉ có hoa cà phê mới có được mùi hương thơm đặc biệt như vậy và em là hoa cà phê của anh ấy.

Nói tới đây, mắt của Hương như dại đi.

Bỗng nhiên, Tín thấy nhói trong tim. Thằng ma gà này nó làm thịt con bé này dễ dàng quá! Tín muốn ôm lấy Hương, nói với Hương là chính anh mới yêu Hương, khi những lần trong cái quán cà phê ở đường Hoàng Diệu nhìn và nghe Hương hát, và nhất là ngay lúc này khi nghe Hương nói về hoa cà phê, khi nhìn những chùm hoa trắng muốt, khoẻ khoắn lấn lên trên những trái cà phê mọng đỏ, dưới những tàn lá xanh đậm, mượt mà. Anh nhìn vào mắt Huơng, muốn lặp lại câu nói đã có lần anh nói trước đây:’’ Mắt em trong và đen như màu cà phê và tâm hồn em trong trắng quá!’’ nhưng anh không sao thốt ra lời. Anh lặng lẽ nhìn lên khoảng trời trong xanh của mt ngày nằng đẹp hiếm hoi. Anh đi bên Hương mà lòng anh bao nhiêu thắc mắc cứ dồn cứng lại. Anh nhớ lại chuyến phi cơ quân sự đưa anh lên thành phố cao nguyên vào một chiều sương mù choàng kín thành phố. Và chỉ vài ngày sau là trận Mậu Thân. Anh không thuc đơn vị tác chiến, và tuy chiến trận xảy ra tận bên ngoài thành phố, phiá ngọn đồi Thần Phong, anh cũng đã nghe nhịp tim thình thịch khi tiếng súng nổ rền phiá xa. Cái vẻ an bình bề ngoài của ngày hôm trước, hôm sau đã thay vào bằng mùi khí tử khí nồng nặc của hàng trăm xác lính Bắc Việt và Thượng Cộng chất thành đống bên bià rừng, trước khi công binh tưới xăng hoả thiêu. Vậy mà Thắng nó vẫn bình thản như không có chuyện gì xảy ra, và những lần nó biệt phái từ Vùng I trở về, anh lại thấy nó dắt về phòng anh lần thì một đứa, lần thì hai đứa - những con điếm trẻ măng từ Sàigòn, hoặc từ Qui Nhơn, Đà Nẵng đổ lên. Đôi lần, anh hỏi nó về Hương. Nó chỉ vắn tắt:’’ Đàn bà, con gái cả mà!’’.

Khi hai người quay trở lại căn nhà trên đồi, anh nghe loáng thoáng từ xa có tiếng gắt của ông pá của Hương, và tiếng đối đáp cũng không kém quyết liệt của Thắng. Nhưng chỉ một thoáng là hết.

Trên đường về từ đồn điền, chiếc xe chồm giật qua những ổ gà. Thỉnh thoảng m t vài chiếc xe tải của sư đoàn không kỵ 25 của quân đi Mỹ chạy ngang. Một vài gã lính Mỹ dơ tay lên vẫy. Thắng vẫn thản nhiên như không có chuyện gì xảy ra giữa Thắng và ông già của Hương. Tín còn nhớ khi Hương trao gói cà phê cho Thắng, mắt Hương đỏ hoe như sắp khóc. Hương nhìn theo nửa trìu mến, nửa trách móc, và trên nét mặt của pá của Hương nét bực dọc chưa mất hẳn. Bà má của Hương có vẻ buồn.

Thắng đưa Tín về lại cư xá sĩ quan của Tín. Thắng bước theo Tín vào phòng. Hắn bảo:

- Ngày mai tao rời khỏi vùng này rồi. Nhờ mày báo lại cho thằng Cần dùm tao. Có lẽ phải lâu lắm tao mới trở lại vùng này; tình hình này không êm đâu. Chắc mày chưa biết tin này: thằng Lực mới bị thương nặng cách đây mấy ngày; nó bị cưa một chân. Sáng nay tao không muốn nói với mày sợ mày mất vui.

Tín:

- Còn Hương và gia đình của em?

- Tao có hứa hẹn gì đâu.

- Mày yêu Hương chứ?

- Hỏi làm gì?

- Cho biết.

- Không phải chuyện của mày. Nếu mày yêu được, tao nhường ’’ em tao’’ cho mày.

- Mày không có tình cảm.

- Không có tình cảm mà tao lại thân với mấy thằng mày. Tao không muốn dài giòng. Những thằng như mày rồi ra chỉ quanh quẩn nơi một xó nhà, với mt con vợ và một bầy con như con gà trống làm dáng với đàn gà mái, gà con. Tao khác. Tao có việc của tao. Bây giờ chưa phải là lúc vợ con đùm đề. Tao không tính định cư ở vùng này. Đời còn nhiều chuyện lớn phải làm. ’’Em tao’’ là em tao ở cái thành phố này thôi nghe mày.

Tín thấy mắt mình tối xầm. Chẳng trách gì mà nó lâu lâu lại mượn phòng của mình để dắt gái về. Nó chưa đưa Hương đến lần nào, nhưng biết đâu nó đã chẳng đưa nàng đến mt nơi chốn nào khác?! Nó có lần bảo Tín:’’ Tao mượn phòng của mày vì tao không muốn đưa gái lên trên Cù Hanh. Tao là sĩ quan. Tao không phải là ma cô. Tao không dắt gái cho xếp.

* * * * *

Trong đám đông người nhốn nháo trước phòng vé của Hàng Không Việt Nam, Tín và Cần thoáng thấy bóng dáng một người đàn ông tầm thước, vai rộng, lưỡng quyền cao và cặp mắt sáng đặc biệt từ trong chen ra. Tín nhận ngay ra pá của Hương.

Tín gọi lớn:

- Bác ơi! Bác ơi!!...

Người đàn ông dáo dác một lúc rồi cũng nhận ra Tín và Cần. Ông ta bước nhanh ra khỏi cái phòng vé chật chội.

-Mới lấy được vé đi Sàigòn cho cả nhà. Hai cậu cũng về Sàigòn bằng đường hàng không dân sự sao?

Cần:

- Cháu đưa bà vợ ông tiểu khu phó về chuyến bay chiều nay, còn gia đình bác chừng nào đi?

- Chúng tôi đi vào ngày mốt. Gia đình tôi lên ở tạm trên nhà thím các cháu mấy ngày nay.

- Lúc này mua vé đã khó khăn nhiều rồi.

- Tôi nhờ mấy ông bên tỉnh giúp, tốn kém thêm đôi chút, nhưng đi được sớm là mừng rồi.

Ông quay qua Tín và Cần:

- Các cậu đóng ở đây có dễ đến ba, bốn năm rồi. Sau Mậu Thân đã êm được đôi ba, năm, mà nay thì bắt đầu lộn x ộn nhiều. Ông thân tôi chạy giặc nhiều lần, từ Hán Khẩu xuống Quảng Châu, qua Hải Phòng, rồi từ Hải Phòng vào Đà Nẵng, đã nhiều lần nói với chúng tôi:’’ Hễ nơi nào giặc giã, chiến tranh thì liệu mà tránh cho xa’’; tôi đã lánh đến vùng khỉ ho, cò gáy này mà vẫn không thoát. Cụ tôi biết nhiều kinh nghiệm về Cộng Sản. Cụ bảo là không thể nào sống được.

- Năm ngoái cháu đi chung với anh Thắng lên trên bác tình hình còn êm lắm.

- Mỹ rút quân ra, rút cả yểm trợ, khó cho mình nhiều.

Cần:

- Cháu phải về lại tiểu khu bây giờ. Thôi, anh Tín ở lại nói chuyện với bác, chiều nay nếu thu xếp được, cháu sẽ lại thăm gia đình bác. Nhà thím của Hương cháu biết rồi.

Tín mời:

- Cháu ở gần đây, cách vài bước thôi. Ngày kia bác mới đi, mời bác lại chỗ cháu uống ly nước, nói chuyện, rồi cháu sẽ đưa bác về nhà. Mấy lúc này cháu không quá bận. Có mấy ông chuẩn úy mới lên, giao việc cho họ được cả. Bác có cần gì, cháu phụ với bác một tay. Hồi nãy vội quá, quên chưa hỏi thăm bác về bác gái và các em.

- Nhà tôi vẫn bình thường, thằng út thì chưa biết gì, nhưng con Hương cả năm nay cứ như người bệnh giả. Tôi buồn đủ chuyện mà chẳng biết phải giải quyết cách nào. Lối nào cũng kẹt cứng.

Tín đoán ngay là pá của Hương muốn giãi bày tâm sự. Anh nắm tay ông già, vừa đi vừa kéo về phiá khu cư xá sĩ quan nằm cuối đường bên kia.

Vào đến phòng, anh kéo chiếc ghế dựa làm bằng gỗ thông- loại gỗ nắp thùng đạn pháo- đc nhất trong phòng, mời ông già ngồi, châm trà, lấy bánh, và lôi chiếc ghế đẩu ở đầu chiếc ghế bố lại gần.

Vừa ngồi xuống, ông pá của Hương hỏi liền:

- Cậu chơi thân với cậu Thắng, cậu có biết cậu Thắng bây giờ ở đâu không?

- Lên đây mới thân thôi bác. Chúng cháu cùng mt đại đội lúc ở Thủ Đức. Thắng làm trên quân đoàn, trong văn phòng tùy viên cho một ông tướng, nhưng anh ấy đã đổi đi vùng khác. Từ hôm lên đồn điền nhà bác về cháu không có liên lạc gì của anh ấy nữa.

- Vậy là cậu không biết gì thật sao?

-Thưa bác, không.

- Tôi lúc đầu cũng không biết, nhưng tôi có đứa em con ông dượng mở tiệm ăn trên đường Hoàng Diệu, trước làm cho một cơ quan của Mỹ ở Đà Nẵng. Mấy năm nay nó mở tiệm trên này, nhưng tôi biết là nó vẫn còn làm cho cơ quan ấy. Lính Mỹ vào ăn ở tiệm của nó đông lắm. Cậu Thắng là người của an ninh quân đội, nhưng cậu ấy cũng là người của một cơ quan dân sự khác. Tôi đâu ngờ cậu ấy và thằng em họ tôi lại muốn gài chết tôi trên đồn điền. Ông thân tôi đã có kinh nghiệm về Cộng Sản. Tôi dân làm ăn buôn bán, tôi đâu có khờ để vướng vào những việc nguy hiểm, vậy mà có lần cậu ấy đưa hình chụp tôi ngồi chung với cậu ấy, thằng em tôi, và một người Mỹ mà sau này cậu ấy cho biết là đại diện khu vực của an ninh Mỹ. Tôi một cổ, hai tròng. Cậu ấy cam đoan là sẽ bảo vệ tôi tới cùng. Nhưng mà tôi biết tôi chỉ là quân cờ thí mà thôi. Tôi đã dứt khoát gạt phắt đi, nhưng con Hương nhà tôi nó khờ dại quá. Mấy lúc sau này, phiá bên kia cũng có người đêm tối lần vào, và tôi cũng đã tránh né mọi chuyện. Đúng là chạy trời không khỏi nắng.

- Mấy lúc sau này cháu vẫn hay ra quán cà phê gần đây nhưng để ý không thấy Hương những chiều thứ bảy cuối tuần. Cháu tưởng là Hương bận học thi. Bác về Sàigòn rồi khi nào êm, bác có lên lại không?

- Biết chừng nào êm. Tôi lo sợ quá cậu ạ. Một đời tôi, vo tròn bóp bẹp cũng đã hai lần. Lần này vo gì nổi nữa. Thằng em tôi dẹp tiệm, mà không về lại Đà Nẵng. Nó đưa gia đình vào Sàigòn. Lần này chắc không êm thật rồi...

Chuyện một lúc, ông pá của Hương đòi về. Tín cũng muốn đưa ông về ngay và mong sẽ gặp mặt Hương nói với Hương đôi điều.

Tới nhà bà thím của Hương anh sững người khi nhìn thấy Hương. Anh nhận không ra. Mới mấy tháng trước Hương còn tất cả cái ngây thơ, tươi mát. Da mặt Hương lúc này xanh mét, như người vừa qua một cơn đau.

Anh chào mọi người trong nhà bà thím, và trước khi ra xe về, anh quyết định thật nhanh. Anh xin phép pá, má của Hương, và kêu Hương ra ngoài.

Anh nói như người hụt hơi:

- Đây là địa chỉ của ba mẹ anh ở Sàigòn, nếu Hương cần gì Hương cứ lại nhà. Chiều nay, anh sẽ gọi về nhà báo cho nhà biết. Ba mẹ anh rất quí những bạn của anh, nhất là với những người mà anh đã dặn nhà trước. Em đừng ngại gì cả. Khi nào về lại Sàigòn, gặp lại em và gia đình, và nếu em đã suy nghĩ kỹ, em cho anh biết. Anh muốn xin cưới em.

Anh chỉ nghe thấy một câu hỏi rất nhỏ, như bị nghẽn trong họng của Hương: ’’ Anh không có tin tức gì của anh Thắng hay sao?!’’.

Anh không sao trả lời câu hỏi này được. Anh chỉ còn thấy mắt nàng ướt nhoà, hoen trên hai quầng tím, và còn kịp nhận thấy một đường gân xanh lẩn dưới xương quai xanh trên bờ vai gầy của nàng, khi nàng vội vã trở vào trong nhà ...


Sầu Đông

























































Free Web Hosting