Truyện Ngắn:

Ngược Dòng

Hải Ngữ


Tú thắc mắc mãi không biết chuyện gì mà Khả lại hẹn gặp nàng gấp chiều nay. Chàng chỉ nói có chuyện quan trọng anh cần phải nói với em. Giọng của chàng trên phôn sáng nay nghe có chút run rẩy, ngập ngừng và Tú linh cảm được một chuyện gì đó quan trọng sẽ ảnh hưởng đến tình yêu của hai người. Tú không mường tượng được nó ra sao nhưng cái cảm giác bất an đó, trên đường lái xe đến hãng để gặp Khả, đã dần dần rõ nét trong tâm trí nàng. Nó mới nhú lên từ sáng, nhưng đến trưa thì sự bất an đã lớn hẳn. Cả ngày Tú không tập trung tư tưởng để làm được một việc gì. Bà xếp cứ nói mày trông mệt mỏi quá, nếu cần nghỉ thì nên về cho khoẻ rồi mai hẵng đến làm. Nàng cám ơn và bảo không sao. Ngồi thừ người trước máy điện toán, Tú chỉ mong cho đến giờ về và chạy bay đến gặp Khả để hỏi chàng cho ra lẽ. Nàng yêu Khả. đó là một trong những tình cảm lớn của đời nàng. Tú cũng tin tưởng một tình yêu như thế đang ở trong tim của Khả và chắc chắn sẽ không có một trở lực nào có thể chia cách Khả với nàng. Vậy mà Tú đang mơ hồ một chướng ngại nào đó như đám mây đen kéo đến báo hiệu trước một cơn giông bão. Nàng rùng mình nhè nhẹ...

Cơn mưa bất ngờ đổ xuống khi Tú lái xe gần đến hãng của Khả. Cú phôn sáng nay cũng bất ngờ quá. Ngày hôm nay có nhiều cái bất ngờ, Tú chép miệng nhủ thầm. Ðậu xe ngang hông hãng, Tú băng mình chạy ngang qua bãi đậu xe. Chỉ mới thoáng đó mà cơn mưa đã ào ạt đổ xuống như thác. Những hạt mưa trắng xoá vỡ vụn trên mặt đường nhựa đen ngòm văng bắn ướt đôi giày màu xanh của nàng, đọng lại từng giọt trông như nạm cườm. Cả gấu quần tây của nàng cũng đã lấm tấm ướt mưa. Nàng nhìn đồng hồ, chưa đến 5 giờ, sớm hơn mười phút. Tú có thể chờ Khả ở phòng đợi nhưng nàng vẫn không thích ngồi co ro trong chiếc ghế bành to tướng đặt chiễm chệ ở góc phòng. Dáng Tú nhỏ gọn, ngồi vào chiếc ghế bành trông không được cân đối cho lắm. Nó nuốt gọn lấy nàng như miệng con cá voi đang nuốt chửng miếng thịt mồi. Hơn nữa, nàng muốn tránh những con mắt tò mò của những nhân viên vào ra cửa chính. Ðứng ở đây, vừa là lối Khả thường ra vì nàng trông thấy chiếc xe của Khả đậu ở phía trái, vừa có thể ngắm cơn mưa đang đổ tràn nước lên bãi đậu xe. Bỗng dưng, Tú nhớ lại ngày quen Khả cũng vào một buổi chiều ướt đẫm cơn mưa như thế này...

Cả hai tình cờ gặp nhau trong một buổi seminar về nghiệp vụ. Mặc dù Tú và chàng dự hai seminar khác nhau, nhưng lại ở trong cùng một toà nhà. Giờ giải lao, Khả đang rót cà phê vào ly thì Tú bước đến. Mải nói chuyện với một người bạn nên vô tình nàng đụng vào cánh tay Khả. Cà phê nóng sánh khỏi ly đổ ướt bàn tay chàng. Tú nói sorry rối rít. Nàng chụp vội lấy mảnh giấy chùi miệng thấm lên bàn tay Khả. Chàng nhã nhặn nói không sao mặc dù da tay đã phơn phớt đỏ. Nhìn vào bảng tên gắn trên ve áo, Khả biết ngay nàng là người Việt. Rồi chàng bắt chuyện hỏi thăm, Tú vui vẻ trả lời. Buổi ăn trưa hôm đó Tú và Khả chọn riêng một bàn ở góc cafeteria. Ðến chiều, khi cả hai bước ra bãi đậu xe thì mưa vần vũ. Khả trao cho nàng một tấm danh thiếp, nói là tôi rất muốn làm quen với Tú, nếu không có gì trở ngại thì tôi và Tú sẽ liên lạc với nhau qua địa chỉ điện toán này. Tú nhìn nơi Khả một típ người đàn ông bặt thiệp, lịch sự, điềm đạm; tất cả đều thể hiện qua lối nói chuyện của chàng. Nàng không ngại ngùng gì khi Khả muốn kết thân. Nhìn tấm danh thiếp trên tay Khả, Tú hơi ân hận nhớ lại chút cà phê nóng buổi sáng đổ vào lưng bàn tay chàng. Nàng cười cười nói là nhờ chút cà phê nóng mà Tú mới biết anh. Khả mỉm cười nói là duyên cà phê. Ngay ngày hôm sau, Tú gởi cho chàng e-mail đầu tiên, hỏi thăm anh có khoẻ không? Vết phỏng đã lành chưa? Chàng trả lời ngay cho Tú. Từ đó, Tú có thú đọc e-mail của chàng vào giờ trưa. Khả cũng vậy. Chàng nhìn thấy một phần chiều sâu của tâm hồn Tú. Những ưu tư, khắc khoải mà chàng thường chia sẻ với Tú về tương lai, về gia đình, về xã hội làm nàng càng mến phục Khả. Rồi tình yêu lớn lên và yêu nhau. Thế mà đã gần hai năm kể từ ngày quen Khả...Tú giật mình khi nghe tiếng Khả bên tai:

- Nghĩ gì mà thừ người ra vậy?

Tú quay lại:

- À! anh. Mải nghĩ đến ngày quen anh cũng mưa tầm tã như thế này.

Chàng nhếch môi cười, đôi mắt mơ màng:

- Ừ! Tú nhớ dai ghê. Thôi! ra xe anh đi Tú. Ði một chiếc đủ rồi. Lát nữa vòng về sẽ lấy xe sau.

Tú níu lấy cánh tay Khả:

- Nhưng anh phải cho em biết chuyện gì đi chứ!

- Thì ra xe cũng có muộn màng gì đâu.

Tú miễn cưỡng bước theo Khả ra xe. Nàng nóng lòng muốn biết ngay chuyện gì. Vừa ngồi vào xe, Tú lại nhắc nhở:

- Chuyện gì vậy anh?

- Mình đi ăn. Trên xe rồi anh sẽ cho Tú biết.

Nhập xe vào dòng lưu thông, Khả thở dài nhè nhẹ:

- Tú ạ! Ðã đến lúc anh phải nói rõ về thân thế của anh. Thoạt tiên khi mới quen Tú, anh muốn cho Tú biết nhưng lại sợ ảnh hưởng đến tình cảm của anh và Tú. Rồi anh cứ lần lữa, mãi cho đến hôm qua anh nhận được thư nhà, báo cho biết là nên chuẩn bị về để lập gia đình.

Tú hơi sửng sốt:

- Lập gia đình?

- Ừ! Lấy vợ.

Tú biết là cha mẹ Khả vẫn còn ở Việt Nam, nhưng vẫn không ngờ ông bà cụ lại bắt thằng con về để dựng vợ cho nó. Tú nhìn thẳng về phía trước, vuốt lại mái tóc:

- Thế anh quyết định thế nào?

- Thì còn gì mà suy nghĩ. Anh yêu Tú và dĩ nhiên anh muốn chúng ta lấy nhau.

Nàng quay lại nhìn Khả, nét mặt thoáng chút thoả mãn:

- Thế anh liệu nói chuyện với hai bác ra sao?

Khả lắc đầu:

- Chuyện đó không khó, Tú ạ! Vấn đề ở chỗ là gia đình Tú có chấp nhận anh không?

Nàng luồn tay vào tóc Khả phía sau ót, gãi nhè nhẹ:

- Anh đã đến nhà Tú nhiều lần rồi. Em tin chắc là ba mẹ rất bằng lòng anh.

- Anh cũng mong như thế nhưng Tú nên biết rằng bố anh hiện là...Thứ trưởng của nhà nước.

Mới thoạt nghe qua, Tú nghĩ đến một chức vụ trong chính quyền đương thời. Mặc dù chế độ có thối nát thật, nhưng với uy quyền của một chức vụ, cho dù là Thứ trưởng cũng không thể xoay chiều được vận mệnh của đất nước. Ðó cũng là suy tư của Khả mỗi khi trao đổi về tình hình xã hội. Nhưng chợt Tú nghĩ đến chức vụ Ðại Tá của ba nàng trong chế độ cũ, nghĩ đến chứng bệnh nan y của ông là kết quả của hơn 18 năm trời bị đày đọa trong trại tù, nghĩ đến những căm hờn ba nàng và số bạn bè của ông thổ lộ trong những lần chuyện trò tại nhà nàng, rồi nàng mới hình dung được sự to lớn và nghiêm trọng của vấn đề. Nó thình lình bao trùm lấy nàng trong một cảm giác choáng ngợp, hụt hẫng của người không có điểm tựa. Tú có cảm giác thiếu dưỡng khí ở buồng phổi. Nàng há miệng to hớp lấy chút không khí. Ðầu óc nàng lùng bùng, khó chịu rồi bỗng nhiên tối sầm lại. Tú lại thấy nàng đang đứng bên này của bờ đá, kêu gào Khả đứng ở phía bên kia, dưới chân là vực thẳm. Ðang xoa tóc Khả, Tú hoảng hốt thả bàn tay bấu chặt lấy cánh tay của chàng. Ðôi mắt nàng mở lớn trong một cảm gi?c kinh hoàng, Tú đưa bàn tay kia che lấy miệng đang thảng thốt kêu lên:

- Anh ơi!

Khả hơi lạng tay lái đi vì Tú đang bấu chặt lấy cánh tay. Khả đã đoán trước được nỗi kinh hoàng của nàng qua những lần tiếp xúc với ông Lam, ba của Tú. Ông có những suy tư và quan niệm riêng về tình hình chính trị tại quê nhà. Ðôi lúc cả hai có những bất đồng nhưng Khả cảm phục ông ở chỗ ông rất tôn trọng quan niệm chính trị của chàng. Ông thường nói đất nước bây giờ muốn khá là nhờ những người như anh; thế hệ tôi già rồi không thể làm gì được nữa. Nhưng có lẽ ông cũng không ngờ rằng có một ngày phải làm thông gia với một tay cán bộ cấp lớn trong chính quyền mà ông đang thù ghét. Nhìn sang Tú đang ngồi thừ người trên xe, chàng hỏi:

- Tú còn muốn đi ăn nữa không?

Nàng thở dài:

- Ăn uống gì nữa anh. Thế chúng ta tính sao đây?

Khả quay xe về hãng:

- Tất cả là tuỳ Tú và gia đình. Anh thì dứt khoát rồi. Anh sẽ viết thơ nói với bố mẹ anh đừng lo cho anh nữa. Ðã hơn 4 năm nay anh có về nhà đâu.

- Tối nay, Tú sẽ cho mẹ biết và xin ý kiến. Rồi mẹ và Tú sẽ liệu nói với ba xem sao. Tú nghĩ anh không nên nói với ba Tú chuyện này.

Giọng Khả thiểu não:

- Anh cũng nghĩ thế! Hy vọng là mọi chuyện sẽ êm xuôi.

Hôn chia tay ở bãi đậu xe, Khả thở hắt ra một hơi dài. Chàng thầm trách mình không nói chuyện này sớm hơn. Vì quá yêu Tú, chàng cứ nhùng nhằng mãi, ngại đối diện với sự thật. Trong thơ nhà, bố mẹ chàng nói rõ ràng là về càng sớm càng tốt để chuẩn bị đám hỏi, mẹ kiếm cho con một người vừa đẹp lại vừa sang, con gái Hà-nội chính gốc, tốt nghiệp khoa Ngoại ngữ tại Nga. Khả rất biết ơn bà mẹ nhưng trong tim chàng không còn hình bóng nào khác ngoài Tú. Còn đối với bố chàng, Khả đã có những rạn nứt. Ông mải mê công việc, ít khi để ý đến chàng và đứa em gái. Ông cố kiếm thật nhiều tiền, cho dù đồng tiền bất chính, để gởi hai anh em chàng du học. Khi du học về, chàng có chia sẻ một vài tư tưởng với ông, ông nạt ngang cho rằng trứng đòi khôn hơn rận. Năm 75, chàng mới 15 tuổi, đang học năm cuối cùng của bậc trung học. Vào miền Nam thăm ông bác, chàng mới có dịp thấy sản phẩm của chế độ tư bản. Khả học được trên ghế nhà trường về một chế độ bóc lột người tinh vi, uống máu người không tanh nhưng đảng lại không cho bọn chàng biết những tiện nghi và phồn vinh mà chế độ tư bản tạo ra cho tầng lớp công nhân. Cho dù mới lớn nhưng chàng đã có những suy tư về chân lý, và biết yêu quý sự thật. ễ lại miền Nam mấy tháng, Khả đã khám phá ra những nghịch lý trong dòng tư tưởng cách mạng. Chàng âm thầm giữ kín tâm tư, không dám chia sẻ với ai. Lên đường du học sang Nga, chàng lại có dịp chứng kiến những thành quả hạn chế của chế độ cộng sản. Những buổi sáng mùa đông, trời lạnh cắt da ở Moscow, nhìn hàng người đứng nối dài để mua bánh mì mà chàng chán ngán thở dài. Có những ông già trong chiếc áo dạ đã bạc màu, lấm tấm lủng nhiều lỗ, đứng co ro, lết theo hàng. Thêm vào đó những bà già khăn trùm kín đầu vì lạnh, da mặt nhăn nheo, miệng lẩm nhẩm những chữ gì không đâu. Không biết bà đang cầu kinh hay đang nguyền rủa chế độ. Bánh mì đối với dân Liên-xô cũng giống như gạo với dân Việt, không thể thiếu trong những bữa ăn hàng ngày. Thế mà vẫn thiếu. Tiện nghi của đời sống nhân dân hình như vẫn không cải thiện được bao nhiêu kể từ sau ngày Cách Mạng tháng Mười. Nhà nước rõ ràng không đủ sức đáp ứng những nhu cầu vật chất căn bản cho quần chúng. Con người Cộng sản Bônsơvich chỉ chú trọng đến một sức mạnh quân sự tuyệt đối mà quên đi rằng chính nhân dân đã trực tiếp đóng góp công sức vào việc bảo vệ thành trì tổ quốc. Khả nghĩ đến thành quả vật chất khiêm tốn tạo cho nhân dân Nga sau 60 năm dài đăng đẳng xây dựng xã hội chủ nghĩa của một nước Liên-xô đàn anh thì không biết đất nước mình còn phải mất đến bao lâu mới tiến lên được. Cả trăm năm không biết chừng. Lời tiên tri của bác Hồ thắng giặc Mỹ ta xây dựng bằng mười ngày nay, Khả không mấy tin tưởng lắm. Trong những năm ở Nga, Khả đèn sách miệt mài, trau dồi cho chàng một kiến thức kỹ thuật mà chàng tin chắc rằng sau này sẽ giúp ích nhiều để xây dựng đất nước. Khoảng giữa năm 1980, giới sinh viên Nga thường lén lút bàn tán đến glasnost, perestroika. Ðối với Khả, đổi mới là một vấn đề lớn, sống chết. Trong thâm tâm chàng đã manh nha một tư tưởng gần gần như thế nhưng Khả vẫn còn mơ hồ về những đường nét cấu tạo của một lập trường chính trị. Giới trí thức Nga và một số nhà chính trị có lẽ đã thấy ngõ cụt của con đường mà họ lầm lũi bước đi qua bao nhiêu năm. Khắc khoải, ưu tư cho tiền đồ của đất nước họ đã mạnh dạn bàn đến một đường hướng mới, quan niệm mới. Khả thấy nó rất phù hợp với triết thuyết duy vật biện chứng MácLê. Những mâu thuẫn nội tại sẽ là sức bật chính để phá vỡ cái cũ thoát thai sang một hình thức khác, mới hơn, mạnh hơn, hiệu quả hơn, như con gà mổ vỡ vỏ trứng để bước ra ngoài. Chàng trở về nước khoảng cuối năm 1980 và chứng kiến sự thất bại ê chề của kế hoạch ngũ niên lần thứ nhất. Khẩu hiệu đảng và nhà nước đưa ra làm chủ điểm của công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa như ăn no mặc ấm và chỉ cần ba bốn kế hoạch ngũ niên thì nhân dân ta sẽ ăn ngon mặc đẹp, chàng thấy không thực tế lắm, nặng về hình thức lý thuyết hơn là những biện pháp phát triển kinh tế thiết thực. Khả đem chuyện đổi mới bên Nga bàn với bố chàng, ông nạt ngang cho là tư tưởng xét lại, phản động. Khả yên lặng không nói gì, âm thầm nuôi dưỡng tư tưởng mới...

Về đến nhà, Khả mệt nhọc nằm vật ra sôfa ở phòng khách. Chàng không biết Tú mở lời ra sao với mẹ nàng. Rồi bà Lam sẽ nghĩ gì về thân thế chàng. Khả không bao giờ tủi hổ với gia thế của chàng, trái lại Khả rất biết ơn bố mẹ đã cho chàng cơ hội và phương tiện để mở mang kiến thức, may mắn hơn những thanh niên đồng trang lứa. Nhưng Khả vẫn muốn độc lập về lập trường chính trị, cho dù trái ngược với lập trường của bố chàng. Vì thế chàng cố thoát ra những ràng buộc về kinh tế từ gia đình. Khả quan niệm rằng, nếu muốn có lập trường về chính trị, trước hết phải độc lập về kinh tế. Khả quay trở lại Nga để hoàn tất văn bằng Phó Tiến sĩ. Vào những năm cuối ở Moscow, Khả đã chứng kiến những chuyển mình trong dòng tư tưởng của giới trí thức Nga. Tình hình chính trị ở Nga có vẻ ngột ngạt hơn kể từ khi đồng chí Andropov giữ chức Tổng Bí thư, nhưng vấn đề đổi mới vẫn được lén lút bàn đến nhiều hơn, sôi nổi hơn. Khả suy nghĩ nhiều về bầu khí chính trị mới mẻ này. Chàng đọc được trên nét mặt của sinh viên Nga những phấn khởi, hăng hái của khí thế chính trị đang trưởng thành. Năm 1983, chàng trở về nước. Kế hoạch ngũ niên lần thứ hai đang đâm đầu xuống vực thẳm. Sau hơn 8 năm kể từ ngày thống nhất đất nước, bộ Chính Trị đang lún sâu vào vũng lầy của thất bại kinh tế. Họ quanh quẩn với một mớ lý thuyết lỗi thời và cố sống bám vào hào quang của những chiến thắng đang đi dần vào quên lãng. Thực tế vẫn là làm thế nào nâng cao nếp sống của nhân dân, họ bế tắc. Cầm mảnh bằng trên tay, chàng không biết phải làm gì với tình trạng tan hoang của đất nước. Khả nói với bố chàng con cần học hỏi thêm nữa, và chàng xin đi du học ở Canada. Ra đi, chàng muốn có thời gian để những tư tưởng chính trị chín mùi, trưởng thành; để tự lập lấy bản thân và cũng để nhìn xem những thành quả của chế độ tư bản; chế độ mà bố chàng thường nói đến với giọng miệt thị, chứa đầy khinh bỉ. Khả đến Canada vừa đi làm, vừa đi học Anh văn. ễ được mấy năm thì Khả lại mầy mò tìm đường qua Mỹ. Vất vả mấy năm đầu rồi cũng qua. Chàng hoàn tất thêm một mảnh bằng Cao học trên đất Mỹ. Chàng kiếm được việc làm tương đối khả quan. Bố mẹ Khả có viết thơ hỏi thăm, chàng trấn an để cả hai yên tâm. Khả chỉ tội cho mẹ thường hay băn khoăn về cuộc sống của chàng. Ðứa em gái giờ cũng đã ra trường, hiện làm trong bộ Ngoại giao ở Hànội. Mai này, nó lấy chồng thì mẹ chàng sẽ sống âm thầm như một cái bóng. Mẹ Khả muốn sang Mỹ một chuyến để thăm con. Khả cản, nói không nên vì bầu khí chính trị ở đây còn phức tạp lắm. Rồi chàng về thăm mẹ. Khả nhìn đất nước đang đi vào ngõ cụt mà không biết phải làm gì. Tầng lớp cán bộ thoái hoá không thể tưởng được. Những châm ngôn như cần kiệm liêm chính, cán bộ là đầy tớ của nhân dân giờ đây nghe quá lạc điệu giữa một rừng đảng viên chỉ biết thồn tiền về cho đầy túi. Tầng lớp cán bộ hình như không nhớ đã có một thời họ nhiệt thành cổ võ cho một đạo đức cách mạng triệt để. Họ đua nhau vơ lấy những tệ đoan thối rữa của chế độ cũ mà họ đã từng lên án trước đây khi đứng trên quan điểm cách mạng. Nói cho cùng, Khả nghĩ rằng họ cũng chỉ là con người với những khao khát vật chất nhưng hãy nói trung thực với con người tầm thường của mình. Ðằng này, họ tiếp tục lên án những tàn dư của chế độ cũ và luôn luôn khoác cho mình một bộ áo cách mạng hơn người. Chàng ghê tởm cho những hành vi trái ngược với phương châm mà họ đã dạy khi chàng còn ngồi trên ghế nhà trường. Cả một thế hệ cách mạng đàn anh đã phản bội lại triết lý kinh điển đã một thời những thanh niên thuộc thế hệ chàng nâng niu, đặt bao nhiêu ước mơ vào đó. Thêm vào đó, đạo đức đã không, họ lại không có một chút kiến thức và kinh nghiệm gì về việc điều hành kinh tế cả. Thế thì tương lai của đất nước này sẽ đi về đâu? Vận mệnh của đất nước lại nằm trong tay những kẻ vô tài và thất đức thì quả thật vận số của dân Việt đã đến lúc ngày cùng tháng tận. Chàng không thiết tha ở lại trên mảnh đất đã rách nát tươm. Khả thăm mẹ có hơn tuần rồi quay trở lại Mỹ. Chàng cứ vùi đầu vào công việc để tạm quên đi những khắc khoải và trăn trở của một người ưu tư về tương lai đất nước. May mắn là cuộc sống của Khả đỡ nhàm chán hơn kể từ ngày quen và yêu Tú...

Ðã hơn hai ngày rồi mà Tú và mẹ nàng không biết phải mở lời thế nào với ba Tú. Khả nói hay là để anh đến gặp bác trai xem sao. Tú gạt bỏ ý định đó ngay. Nàng nói cứ để cho Tú liệu, trước sau gì anh cũng phải đến đối diện với ba Tú, nhưng để Tú dọn đuờng đã. Cả đến mấy ngày sau Tú mới báo tin cho Khả là ba muốn gặp anh để nói chuyện. Khả hỏi khi nói cho bác trai biết chuyện, phản ứng của bác ấy ra sao? Tú cố nén xúc động:

- Ba em ngồi yên như tượng đá đến mấy phút. Mẹ em gọi bên tai mà ba vẫn không nghe gì cả. Cuối cùng ông ngã người tựa lưng vào thành ghế, thở hắt ra một hơi dài. Ba chống cùi tay vào thành ghế bóp trán. Ông ngồi trong một tư thế mà em có cảm giác là nếu bàn tay không đỡ lấy đầu, có lẽ cả người ông sẽ đổ gập xuống. Dáng người ba ủ rũ hơn bao giờ. Rồi ba đứng lên đi vào giường nằm, không nói với ai lấy một câu. Ngày hôm sau, ba tư lự hơn, đăm chiêu hơn. Mãi đến tối hôm qua mới nói với em là mời anh đến gặp ba.

Khả đến nhà thì ông Lam đã ngồi ở phòng khách đợi chàng. Ông đưa tay:

- Mời anh ngồi.

- Cám ơn bác.

Ông vói tay nhắc bình trà, rót gần đầy cái ly đã để sẵn trước mặt Khả:

- Dùng nước đi anh!

- Cám ơn bác.

Từ nãy giờ, Khả chỉ nói được tiếng cám ơn. Chàng không biết phải mở lời thế nào. Nhìn khuôn mặt của ông Lam, đố ai biết ông vừa trải qua những ngày căng thẳng thần kinh. Khả thấy ông không lãnh đạm nhưng không còn sự vồn vã thường ngày nữa. Bà Lam tạt ngang hỏi anh Khả đấy à, rồi rút lui. Cả Tú cũng không có mặt ở phòng khách. Hình như ông Lam đã xếp đặt buổi nói chuyện này, không muốn cho ai nghe ngoài ông và chàng. Khả hớp một ngụm nước, ngồi hơi ngã người ra phía sau, hai tay đan vào nhau, chờ đợi. Với giọng bình thản, ông Lam mở lời:

- Con gái tôi đã cho tôi biết chuyện từ hôm kia, nhưng đầu óc tôi độ rày tệ lắm nên mãi đến hôm nay mới nói chuyện với anh được.

Khả hơi chồm người về phía trước, đỡ lời:

- Không sao bác. Ðược đến nói chuyện với bác là tốt rồi.

Ông Lam nhìn thẳng về phía trước, vẫn một giọng đều đều:

- Thú thật với anh, tôi không ngờ bố anh lại làm chức lớn đến thế. Nghe Tú nói, tôi cứ tưởng mình nghe lầm. Nó phải xác định với tôi đến mấy lần, tôi mới tin. Tôi đã từng nói nhiều lần trước đây với anh, thế hệ chúng tôi đã qua rồi, chỉ trông nhờ vào thế hệ của anh. Chính vì vậy, tôi hay bố anh cũng thế thôi, nghĩa là vẫn có những thành kiến chưa gột rửa được, và chẳng bao giờ gột rửa được. Thế hệ của chúng tôi dứt khoát không đứng chung một chiến tuyến. Anh biết chứ gì, chúng tôi thân tàn ma dại như thế này là do chế độ của bố anh. Còn bố anh thì khinh khi chúng tôi ra mặt với uy quyền của kẻ chiến thắng. Nói như người xưa thì dứt khoát không thể đội chung một trời hoặc đạp cùng một đất. Anh cứ bỏ qua cho thế hệ già này đi, đừng chấp làm gì. Cứ để cho chúng tôi sống với ý thức hệ riêng của chúng tôi. Tôi biết như thế là không có lợi cho đất nước, nhưng chế độ của bố anh đã tách biệt chúng tôi hẳn ra. Riêng chúng tôi cũng vậy, thề sẽ chiến đấu đến cùng.

Ông Lam nói một hơi dài không nghỉ. Tất cả tư tưởng ông gói ghém bấy lâu nay được tuôn ra mạch lạc. Ông hớp một ngụm trà, lấy sức rồi tiếp tục:

- Thoạt tiên, tôi không muốn thông gia thông giếc gì hết. Nhưng tôi biết anh là người có lòng. Nỗi ưu tư của anh về đất nước khác hẳn với suy nghĩ của một số thanh niên đương thời. Vả lại, anh và Tú đã yêu nhau lâu rồi. Tình yêu quý hoá lắm. Tôi không thể nào nhẫn tâm làm cái công việc ác đức là chia rẽ anh chị. Nhưng anh cũng hiểu cho tôi, tôi không thể nào ngồi chung bàn với bố anh được. Tôi cũng tin chắc rằng bố anh cũng có cái tự hào như thế.

Khả nhìn thẳng vào mắt ông Lam, trong khi ông vẫn còn chìm đắm trong dòng tư tưởng:

- Ðó là những thực thế trái ngang mà cháu và Tú phải đối diện. Cháu rất hiểu cho bác. Nhiều lúc cháu vô phép phê bình những người như bố cháu và bác, cho rằng họ cực đoan, nhiều tự ái. Nhưng nghĩ cho cùng những tư tưởng, nghĩ suy hấp thụ qua bao nhiêu năm khó có thể một sớm một chiều bỏ đi được. Cho dù thế nào đi chăng nữa, bố mẹ cháu nuôi nấng và dưỡng dục, cháu phải biết ơn. Tú cũng thế. Ông Lam ngắt lời:

- Không, tôi không muốn anh phải bất hiếu. Tôi chỉ mong anh hiểu cho tình trạng của tôi, không thể nhận bố anh làm thông gia được. Còn anh và Tú, tôi vẫn chấp nhận để anh chị yêu nhau. Tôi chỉ sợ bố anh lại không bằng lòng chị ấy kia, vì nó chỉ là con ngụy, không xứng đáng với anh.

Câu nói sau cùng của ông Lam pha lẫn chút mỉa mai, cay đắng. Khả biết chứ, bố chàng có thể không bao giờ chấp nhận Tú vì một lý do đơn giản như ông Lam vừa nói. Nhưng Khả cũng đã quyết định. Người vợ phải là do chàng chọn lựa. Mẹ chàng thì không thành vấn đề. Bà cụ hiền như đất, lại thương con. Chàng lại là con trai duy nhất. Ðám cưới của chàng và Tú chắc chắn sẽ không có lễ nghi truyền thống, vì thiếu bên đàng trai. Khả ân cần bày tỏ:

- Có lẽ bác nói đúng và cháu cám ơn bác vì thương cháu mà bỏ qua những tiểu tiết. Ðám cưới của bọn cháu, hai bác sẽ không vừa ý vì không có đàng trai. Cho dù mẹ cháu muốn sang dự nhưng bố cháu chẳng bao giờ cho phép đâu. Riêng giữa cháu và bố cháu thì đã có những bất đồng. Nói về tư tưởng thì cháu nghĩ rằng cháu gần với bác hơn là với bố cháu. Bố cháu đã có lần mắng cháu có tư tưởng xét lại, phản động. Chỉ tội cho những đứa con khi ra đời và hiểu được sự thù hận giữa hai bên nội ngoại chỉ vì không cùng một ý thức hệ.

Ông Lam nhăn mặt khi Khả nói đến con cái tương lai. Ông thở dài:

- Ðó cũng là điều làm tôi suy nghĩ nhiều. Hy vọng là khi nó lớn khôn, tôi và bố anh đã mất nên chúng sẽ không hiểu gì về những đối nghịch từ thưở ban đầu. Rồi cả hai ngồi lặng thinh không nói gì nữa. Một lúc sau, Khả xin phép ông Lam ra về. Gọi Tú ra tiễn Khả xong, ông Lam ngồi thừ người suy nghĩ. Bệnh tật đã làm cho ông Lam cằn cỗi trước tuổi nay lại bị định mệnh trớ trêu hành hạ nên trông ông già xọm hẳn đi. Chỉ mới có mấy ngày mà người ông tiều tuỮ thấy rõ. Lúc mới qua Mỹ, bác sĩ chẩn bệnh và cho biết ông bị viêm gan, hậu quả của những năm tù đày ở trên rừng thiêng nước độc, ăn uống thiếu vệ sinh. Có ngày nào mà ông không uống thuốc. Hơn 18 năm đi tù, ông Lam thấy thấm thía cuộc đời. Sự bội phản của cấp trên, lòng trung tín của anh em đồng đội, sự ngu xuẩn của đám cán bộ...tất cả làm ông hiểu rõ thêm về cõi đời, về lòng người và số mệnh. Thời gian ở trại tù giúp ông nghiền ngẫm và rút tỉa được nhiều bài học thương đau, để đời. Ngày chúng ập vào giữa đêm để bắt ông đi, con Tú, đứa con gái duy nhất mới 8 tuổi. Ông nhớ lại chuyến xe bít bùng chở ông ra Bắc. Ngồi trên xe gập ghềnh, ông nhớ vợ con quay quắt. Mãi đến mấy năm sau, ông mới bắt liên lạc được với gia đình và biết vợ ông đã gởi con Tú theo người bà con vượt biên. Bà Lam hy sinh ở lại tần tảo kiếm tiền đi thăm nuôi. Những lần gian truân vợ ông đi xe lửa ra Bắc, theo xe lên mạn ngược vào đến tận nơi để thăm chồng. Vợ chồng chỉ nhìn nhau, nước mắt đoanh tròng. Chức vụ Ðại Tá của ông không biết đến khi nào bọn Việt-cọng mới tha. Ngày đi tù ông mới bốn mươi lăm thế mà thấm thoát tuổi ông đã trên sáu mươi. Cái tuổi lục tuần người xưa cho là thọ, an nhàn ngày nay ông chỉ sống còm cõi, kiệt lực vắt sức lao động trên những mảnh đất khô cằn. Cho đến khi trại quyết định đẩy mạnh sản xuất bằng cách bỏ trồng mì để trồng cây thuốc lá và cải tiến kỹ thuật bằng cách dùng phân người để bón, gã quản giáo kêu gọi tù nhân tự nguyện. Suy nghĩ mãi, ông Lam quyết định xung phong vào tiểu đội phân bón. Chỉ còn cách "phấn đấu" thế mới hy vọng có ngày về để gặp lại vợ con. Ngày ông lên gặp tên quản giáo bày tỏ ý định xung phong, hắn cười cười nhìn ông bảo:

- Nhất trí nhưng anh có chắc hoàn thành nhiệm vụ không? Khiêng vác, tưới phân không dễ đâu nhé!

- Anh cứ giao cho tôi. Nếu làm không xong tôi xin chịu kỷ luật.

Tiểu đội của ông gồm mười người. Cứ sáng sớm là khuân thùng đi đến từng nhà vệ sinh để lấy phân. Gọi là nhà vệ sinh cho nó lịch sự, chứ đó chỉ là một cái chòi che bằng rơm được đặt lên một miếng đất vuông đắp cao độ hơn thước. Phía dưới là một thùng sắt tây. Phân người cứ rơi tỏm vào đấy. Tên quản giáo khuyến khích tù nhân nên đi vào thùng, đừng đi ra ngoài vừa mất vệ sinh lại vừa...phí của. Cả trại tù độ 200 người tính ra có khoảng 20 thùng. Ăn có bao nhiêu đâu mà phải xây nhà cầu cho nhiều, nhưng từ khi trại phát động chiến dịch thu hoạch phân nên các đội phải xây thêm nhà cầu. Mỗi sáng, đến nơi, ông lòn ra phía sau, nín thở, thò tay nắm lấy thùng kéo ra ngoài. Ruồi nhặng vo ve bay theo bám đầy mặt mũi. Nhiều khi đang kéo, ở phía trên có người đang đi cầu la ơi ới. Có lần vội kéo thùng, cả cục phân nhão, nóng hổi rơi nát choẹt trên lưng bàn tay. Ðám tù nhân ăn chẳng bao nhiêu nên phân cũng chỉ vơi vơi thùng. Gặp ngày bồi dưỡng hoặc thăm nuôi thì tiểu đội ông chỉ mệt vào ngày hôm sau. May mắn là một năm chỉ có dăm ngày như thế. Ðổ phân xong trả thùng về chỗ cũ. Ngay việc khiêng cũng khổ. Người khiêng đàng sau, gặp cơn gió thổi ngược, bao nhiêu mùi phân bốc lên bay thốc vào mũi, chỉ còn nước cúi đầu, bịt mũi để tránh. Còn ruồi nhặng thì khỏi nói. Chúng vo ve bên tai suốt trên đường đi. Có khi vừa há miệng gọi người bạn, đã có con nhặng bay tọt bố vào mồm. Khạc nhổ đến mấy ông vẫn có cảm giác lờm lợm ở cuống họng. Khiêng phân về đến nơi, tiểu đội ông lại pha chế với nước tiểu cho đúng liều lượng, đánh loãng phân thành một dung dịch vàng sền sệt. Tuổi già như ông, chỉ đứng cầm cây khoắng thùng phân một lát thì đã mệt đến rũ người. Sau đó, sớt ra từng thùng nhỏ, khiêng đi dọc theo luống thuốc lá, dùng loong nhỏ múc đổ vào từng gốc một. Những buổi trưa nắng gắt, hơi phân bốc lên hôi thúi đến chóng mặt. Ưu tiên vẫn là những gốc cây thuốc lá, nếu phân còn thừa mới đem tưới hết vào gốc cải. Theo lời tên quản giáo, không nên bỏ phí một tí phân hữu cơ nào. Vén lá cải để tưới phân, ông Lam mới thấy ớn, vì chỉ thấy toàn dòi với dòi. Có con chết nắng nằm phơi bụng trắng hếu, có con bò lổm ngổm trông đến rợn người. Vậy mà có người đói quá ngắt lén những lá cải hư, phủi sơ cho sạch rồi bỏ vào miệng nhai ngấu nghiến. Dòi, phân, đất trộn lẫn với nhau trôi xuống dạ dày vẫn còn hơn là để bụng đói. Tiểu đội ông Lam đổ công sức cho sào cải và mẫu thuốc lá độ một tháng thì kết quả trông thấy rõ. Những cây thuốc và bẹ cải cứ thi nhau mọc vươn lớn. Tàu lá to, xanh mướt. Quả thật như lời đảng dạy, phân người quý hoá thật. Ban ngày ông gần như tắm phân. Chiều đến, ông nhảy ùm xuống suối rửa sạch phân. Có rửa cũng đứng ở cuối dòng, không thì bạn bè chúng la toáng lên. Tắm rửa cho có lệ chứ còn mùi hôi thối vẫn không sao tẩy sạch được. Nó quyện vào tóc, dính vào áo quần, có gội giặt đến mấy cũng bằng thừa. Ông có cảm giác là phân nó đã bám hết vào da, ăn sâu vào từng lỗ chân lông. Khiêng, đổ phân mãi đâm quen việc, nhưng mỗi khi nhớ lại những ngày đầu, ông vẫn rùng mình. Công việc nghe qua thì dễ, bắt tay vào làm mới thấy thấm thía. Buổi sáng đầu tiên, đứng ở phía sau nhà cầu, ông không thể nào cúi người kéo cái thùng phân ra được. Vừa hôi thối, vừa ruồi nhặng, vừa tủi cho thân phận con người. May có người bạn giúp đỡ nên cũng qua được tuần đầu. Ăn uống cũng đến khổ gần cả tháng. Phần cơm thì ít, tù nhân quý trọng hạt cơm như giọt máu, thế mà ông không thể nào nuốt trôi hết bát cơm. Nhìn vào bát cơm độn ông chỉ thấy phân nhung nhúc những dòi. Hậu quả của những ngày khiêng và đổ phân. Nó ám ảnh ông ngay cả trong giấc ngủ. Nhiều đêm khuya, ông chỗi dậy chạy ra khỏi lán mửa thốc mửa tháo. Khủng khiếp đến vậy mà chỉ cần một tháng thì mọi việc đâu lại vào đấy. Tuy có nhờm gớm và buồn nôn thật nhưng cứ nghĩ đến ngày đoàn tụ với vợ con, ông Lam thấy đôi chút phấn khởi...

Khiêng và đổ phân gần hai năm thì nó cho ông về thật. Có lẽ tên quản giáo thấy ông đã quá già. Cũng có thể đã đến hạn ông được thả cho dù nếu ông không xung phong vào tiểu đội phân bón. Ông Lam không cần biết lý do, chỉ biết rằng hơn 18 năm vắt sức lao động ở vùng sơn lam chướng khí, đã có lúc ông chẳng còn một chút hy vọng nào về ngày đoàn tụ. Vậy mà ông sắp sửa được gặp lại vợ con nhờ tấm giấy phóng thích ông đang cầm trên tay. Về đến Sàigòn, ông thấy thật ngỡ ngàng vì thành phố trông lạ lẫm quá. Ông ngơ ngơ ngáo ngáo như bộ đội thưở mới tiến chiếm thủ đô. Chung quanh ông từ người ngợm, nếp sinh hoạt, thái độ, đến sự đối xử đều khác hẳn. Ông ngao ngán thở dài. Ôi! cuộc đời dâu bể, sao lại thay đổi mau chóng đến vậy. May mắn ông không phải ở lâu để chứng kiến những cảnh chướng tai gai mắt. Gia đình ông ra đi theo diện nhân đạo dành cho những quân nhân trong chế độ cũ. Ðến Mỹ gặp lại đứa con gái sau gần 20 năm xa cách, ông Lam mừng mừng tủi tủi. Nhìn Tú lớn hẳn, xinh tươi trong vóc dáng của người thiếu nữ, ông bà Lam thấy an ủi thật nhiều. Sau bao nhiêu năm bị vùi dập trong đau khổ, ông Lam chớm thấy một chút hạnh phúc trong nếp sống gia đình mặc dù số phận lại buộc ông vào căn bệnh viêm gan hiểm nghèo. Ông an phận với hiện tại khi nhìn Tú, đứa con gái lớn lên có những khắc khoải và hoài bão về dân tộc như ông hơn 40 năm về trước, khi quyết định nhập ngũ để bảo vệ quê hương. Nhìn Tú yêu Khả vì cả hai cùng chí hướng, chia sẻ chung một quan niệm sống, ông Lam cảm thấy thật mãn nguyện. Thế hệ của ông cuối cùng không làm được gì nhiều cho đất nước nhưng thế hệ của chúng hứa hẹn những thành quả thiết thực cho tiền đồ. Cho đến khi biết Khả xuất thân từ một gia đình cán bộ hạng nặng, ông nguyền rủa định mệnh sao lại trớ trêu sắp xếp một cuộc lương duyên nhiều ngang trái. Ông phân trần với người bạn:

- Bác nghĩ xem, nhìn chúng nó đẹp đôi thế, chúng tôi còn mong muốn gì hơn. Thế mà bố nó lại..., thật chán!

Ông bạn chép miệng:

- Duyên số cả, ông ơi! Nhưng nghĩ cho cùng, thằng Khả nó khác hẳn với những đứa khác. Tôi thấy nó không những có ăn học mà lại biết suy nghĩ nữa. Cái khó là thông gia với bố nó.

Ông Lam thở dài:

- Thì tôi cũng nghĩ như bác. Nếu nó là người không ra gì thì lại dễ cho tôi. Bà nhà tôi cũng quý nó lắm. Chúng nó làm đám cưới rồi không biết anh em bạn nghĩ sao về tôi?

- Ông cứ lo. Ðất nước sau này có vươn lên được là nhờ những người như thằng Khả. Chỉ ngại là khi đám cưới lại không có ai bên đàng trai trông khó coi quá.

Ông Lam bàn luận với vợ và bạn bè thân thích làm thế nào để tổ chức đám cưới cho xuôi chảy mà vẫn không tìm được cách nào ổn thỏa. Ông cứ than vắn than dài cả ngày. Người ông bạc nhược hẳn đi. Tú an ủi ba nàng là đừng lo, chỉ cần anh ấy yêu con là được rồi; sau này con sẽ tìm cách để gặp mẹ anh ấy để giãi bày; nếu cần bọn con chỉ tổ chức sơ sài với họ hàng thân thuộc, chẳng cần rình rang làm gì. Ông Lam chán nản:

- Chị nói thế cũng không được. Tôi còn người quen biết ở vùng này chứ? Tôi chẳng muốn linh đình làm gì nhưng cũng phải có bữa tiệc với bà con họ hàng. Ðến khi rước dâu rồi rước về đâu? Người ta sẽ thắc mắc là cha mẹ hoặc đại diện nhà trai đâu? Thế lấy nhau không có phép tắc gì hay sao? Chị thấy không! Biết bao nhiêu lời thắc mắc, dị nghị. Ăn uống thì dễ nhưng sống không dễ đâu chị ơi!

Riêng Khả lúc ở nhà Tú thì chàng mạnh miệng nhưng về sau chàng vẫn cảm thấy một cái gì không ổn. Mặc áo không qua khỏi đầu, chàng nghĩ thế. Cho dù bố chàng thế nào đi chăng nữa, Khả không thể cưới Tú mà không có phép. Dĩ nhiên, tình yêu của chàng là tuyệt đối, không ai có thể lay chuyển quyết định của chàng. Nếu Tú chỉ là con nhà dân giã thì lại dễ cho chàng. Khả biết bố chàng khó -nếu không nói là chẳng bao giờ- chấp nhận cho chàng lấy Tú, con của một tay Ðại Tá thuộc chế độ cũ. Cuộc hôn nhân của Khả sẽ ảnh hưởng trầm trọng đến bước đường thăng quan tiến chức của ông. Hiện tại ông làm Thứ trưởng, nhưng chàng biết ông bố vẫn còn nhiều tham vọng chính trị lắm. Biết đâu vì chàng mà ông lại hụt chức Thủ tướng nhà nước thì sao! Khả tin tưởng rằng mẹ và cô em gái sẽ dễ dàng chấp nhận Tú nhưng với bố chàng thì quả thật khó nghĩ. Chàng chỉ biết thơ cho bố mẹ là con đã có người yêu, sẽ có dịp đem về ra mắt. Chàng muốn nói rõ một lần để khỏi lỡ duyên cô gái mà bà mẹ đã chọn cho Khả.

Một tuần sau khi nói chuyện với ông Lam, Tú hốt hoảng báo tin cho Khả:

- Anh ơi! Ba em vừa lên bàn mổ.

Khả xin phép nghỉ một ngày và tất tả lái xe đến bệnh viện. Chàng nhớ lại vị bác sĩ gia đình trước đây đã chẩn đoán một phần lá gan của ông bị chai cứng, không làm việc bình thường nữa. Ông khuyến cáo là có ngày ông Lam phải lên bàn mổ để cắt bớt phần hư hại đi nhưng xem vậy chứ còn lâu. Chuyện trái ngang của Tú làm lá gan của ông kiệt quệ nhanh chóng hơn dự tính của bác sĩ. Buổi sáng, ông cảm thấy đau nhức ở dưới bụng bảo Tú chở ngay vào nhà tbương. Vị bác sĩ trực đang khám nghiệm thì ông lên cơn đau quặn. Trán ông vã mồ hôi rồi ông thiếp đi. Tú ký giấy đồng ý để vị bác sĩ đưa ông lên bàn mổ ngay rồi nàng vội báo tin cho Khả. Khi Khả chạy đến phòng cấp cứu thì thấy bà Lam và Tú đang ngồi ủ rũ ở phòng đợi. Chàng chào mẹ Tú và ôm vội lấy nàng, vỗ về:

- Bác đâu rồi em?

Tú gạt nước mắt:

- Ðã vào phòng mổ rồi anh ơi! Không biết lành dữ thế nào!

Khả dìu Tú ngồi xuống ghế cạnh bà Lam, giọng an ủi:

- Bác yên tâm đi! Mọi việc đều có phần số cả.

Quay sang Tú, chàng hỏi tiếp:

- Thế bác sĩ nói khi nào thì xong ca mổ?

- Khoảng hai ba tiếng, cũng tùy theo tình hình của ba nữa.

- Anh xin nghỉ trọn ngày rồi. Anh sẽ ở lại đây với em.

Chàng nói với bà Lam miệng đang lẩm nhẩm khấn xin; bà đưa giấy chặm dòng nước mắt:

- Bác có cần ăn uống chút gì không? Cháu chạy ra đây mua, gần thôi!

Bà Lam lắc đầu:

- Cám ơn anh! Anh cứ lo cho chị ấy đi.

Tú sốt ruột cứ đứng lên ngồi xuống. Bà Lam vẫn chấp hai tay thì thầm. Tất cả đều chờ đợi tin tức từ phòng mổ. Khả ngồi yên trên ghế, nghĩ đến số phận của con người. Cho dù vẫy vùng một thời ngang dọc đến đâu, khi nằm trên giường bệnh, thân thể đều mềm nhũn giao phó tính mạng cho những đường mổ, cắt, may của vị thầy thuốc. Chàng nghĩ đến lúc buông xuôi tay bước đi trên thinh không về một nơi chốn nào đó. Kiến thức về phạm trù siêu hình của Khả thâu thập rất hạn chế vì sống và lớn lên trong một thế giới phản duy tâm. Phép duy vật biện chứng đã chứng minh rằng siêu hình là mê tín, không còn một thế giới nào ngoài thế giới con người đang sống. Buổi sáng hôm nay, ngồi đợi tin tức rủi may của một căn bệnh hiểm nghèo, Khả bỗng nhận thấy hiểu biết của con người thật giới hạn về một uy quyền từ trên cao, ở đâu đó trong không gian vắng lặng mà chàng không hình dung được nhưng chàng biết chắc uy quyền đó có khả năng tước đoạt mọi sở hữu của con người, ngay cả chính mạng sống. Tính mạng của ông Lam gần như vượt quá tầm tay của kỹ thuật y khoa, quyền hạn của con người. Chàng nghĩ đến một cuộc giải phẫu dữ nhiều lành ít... Cuộc giải phẫu kéo dài đến trưa. Người y tá đẩy ông Lam đang nằm mê man sang bộ phận săn sóc đặc biệt (ICU). Hai chai nước biển đang treo lủng lẳng nhỏ từng giọt tiếp sức cho ông. Khả, Tú và bà Lam đi theo sát ngay bên giường nhưng không ai dám lên tiếng gọi. Phòng của ông Lam nằm trang bị đủ loại máy để theo dõi tình trạng sức khoẻ của ông. Vị bác sĩ gọi Tú ra ngoài để nói chuyện, Khả theo sau để lại bà Lam ngồi trong phòng một mình. Tú và Khả lắng nghe ông giải thích:

- Cuộc giải phẩu có thể xem là thành công nhưng sự nguy hiểm chưa qua hoàn toàn. Tôi đã cắt bỏ phần gan bị chết và hy vọng phần gan còn lại vẫn làm việc. Phải đợi qua một vài ngày mới biết chắc chắn được.

Tú lo lắng:

- Bác sĩ thấy hy vọng nhiều không?

Ông thành thật:

- Theo tôi, ba của cô có năm mươi phần trăm hy vọng.

Rồi ông chào từ giã. Tú và Khả quay trở lại phòng săn sóc đặc biệt. Bà Lam ngồi cạnh giường nắm tay chồng khóc sụt sùi. Tú ôm lấy mẹ:

- Mẹ về nghỉ một chút đi mẹ. ?ể con săn sóc ba được rồi.

Bà Lam chùi nước mắt: - Không, để mẹ ở lại đây. Con và anh Khả nên nghỉ ngơi để mai còn đi làm.

Khả xen vào:

- Cháu nghĩ là bác nên nghỉ ngơi, tịnh dưỡng vì bác trai rất cần bác trong những ngày sắp tới. Nếu bác đau nữa thì chúng cháu không biết xoay xở làm sao.

Rồi Khả nhấn mạnh:

- Bây giờ bác phải ăn chút gì đã. Ðể cháu dặn y tá rồi chúng ta đi ăn.

Bà Lam ngăn lại:

- Không, không. Anh cứ dẫn chị ấy đi. Nhớ mua cho tôi cái gì nhè nhẹ là được rồi. Trên giường ông Lam vẫn nằm mê man. Tối hôm đó, bà Lam ngủ lại và dứt khoát bắt cả hai ra về để mai còn đi làm. Tú nói con đã xin phép bà xếp nghỉ mấy ngày, để con ở lại với mẹ cũng được. Bà Lam cương quyết bảo Tú về nghỉ rồi mai lên đây với mẹ. Sau cùng, Khả đành đưa Tú về nhà.

Chia tay Tú xong, Khả lái xe một mạch về đến nhà. Chàng mệt mỏi ngồi phệt xuống ghế sa-lông, chẳng buồn thay quần áo. Bệnh tình của ông Lam không ngờ lại trở nặng mau chóng như vậy. Chỉ mới tuần trước đây, ông còn ngồi chuyện trò với chàng, thế mà giờ đây nằm mê man trên giường. Khả biết chắc chắn rằng chuyện của chàng có ảnh hưởng đến căn bệnh của ông Lam. Khả nghĩ nếu gia đình chàng không xuất thân từ thành phần cán bộ cao cấp, có lẽ ông Lam lại không liệt giường liệt chiếu mau chóng. Chàng không hãnh diện nhưng cũng không bao giờ xấu hổ về giai cấp của gia đình, chàng cũng không khinh dể gia thế của Tú nhưng chỉ trách thời thế tạo nên cảnh trớ trêu. Bỗng nhiên, Khả thấy mình hơi lập dị vì chàng đứng tách biệt hẳn ra ngoài thế giới của những thanh niên con nhà giàu, có thế lực. Chàng biết thằng Vạn, bố nó làm bên bộ Công Nghiệp chuyên ký khế ước hợp đồng với các công ty ngoại quốc để xây dựng nhà máy, chỉ biết lấy tiền gia đình rong chơi tối ngày. Nó có lần ngắm nghé con em chàng, Khả phản đối kịch liệt. Con em Khả cũng còn biết nhìn người, thẳng thắn cự tuyệt. Những đứa như thằng Vạn chỉ làm đất nước này thêm khốn khổ. Nó cầm đầu băng đảng, chuyên đóng đô ở các vũ trường. Thằng Vạn dùng tiền của bố nó vung vít cho các em gái nhảy, đụng độ thường xuyên với bọn ma cô. Ðánh lộn, đâm chém, tống tiền, hống hách với nhân dân, nó có đủ cả. Rồi thằng Thược, bố nó làm ở bộ Nội Vụ, sang bên này du học. ễ bên nhà, nó học mãi mới xong lớp mười. Thằng này, tài không đợi tuổi. Ngay từ thời trung học, nó lững thững đi chơi rong và làm không biết bao nhiêu cô gái có bầu. Học xong trung học phổ thông, nó không chịu đi nước ngoài như ý bố nó muốn, chỉ muốn ở nhà ghi tên nhì nhằng ở khoa Văn để đi cưa gái. Nó có lần nhại lại câu ca dao trâu ta ăn cỏ đồng ta để giải thích tại sao nó không chịu đi nước ngoài mà chỉ biết yêu quê hương nay đã thống nhất. Bố nó phải dùng tiền vừa đấm mõm, vừa hăm dọa cha mẹ của những cô gái xấu số. Sợ đảng, sợ nhà nước hầu hết các gia đình đó đều đưa con đi phá thai. Nghe đâu có lần một cô vì mất máu nhiều nên chết. Cha mẹ cô gái làm toáng lên nhưng chỉ một tuần sau mọi chuyện lại êm thắm. Người ta đồn rằng cha của cô gái phải đi cải tạo tư tưởng vì tung tin hại đến uy tín của đảng. Vụ đó đã làm xôn xao một thời ở đất Hà-thành. Thằng Thược bỗng dưng nổi tiếng trong đám bạn bè. Vì quá nổi tiếng nên ông bố phải tống nó sang bên này để bịt miệng dư luận. Chuyện như thế tưởng nó sẽ suy nghĩ lại nhưng hoá ra nó vẫn tính nào tật nấy. ễ bên này đã mười năm mà nó vẫn không làm được một việc gì cho ra hồn. Tiền bố nó gởi sang, nó ăn chơi thả cửa. Thằng Thược thường tuyên bố không bao giờ lấy vợ, chỉ ở vậy độc thân vui tính để chơi gái cho sướng. Khả nghĩ xem vậy vẫn còn tốt vì nó đã làm khổ ít đi một cô gái. Thằng đó lấy vợ xong vẫn lêu lổng ngoài đường chim gái thì người vợ sẽ đau khổ đến đâu! Rồi còn biết bao nhiêu đứa khác, có bố làm lớn như bố chàng, chẳng làm được một chút gì cho đất nước. Ðúng ra bản thân chàng cũng chưa làm được gì nhưng ít nhất chàng còn chuẩn bị cho mình một kiến thức căn bản để ứng dụng sau này và nhất là chàng không làm gì hại đến dân tộc. Nghĩ cho cùng, Khả không trách những đứa như thằng Vạn, thằng Thược, kể cả những thanh niên vô ý thức trong thế hệ chàng. Ðạo đức cách mạng họ được dạy dỗ tận tình khi còn ngồi trên ghế nhà trường xem ra trái ngược với thực tế xảy ra ngoài xã hội. Thực trạng mỉa mai ở ngoài khuôn viên nhà trường đã đẩy những thanh niên trong thế hệ chàng dần dần đi đến chỗ mất niềm tin. Vừa mới học câu châm ngôn cán bộ là đầy tớ trung thành của nhân dân vào buổi sáng, chiều về đến nhà đã thấy ông chủ tịch quận lên tiếng hống hách, đòi tiền trà nước. Xét trên phạm trù hiện tượng và bản chất thì đây không còn là hiện tượng nữa mà nó đã trở thành bản chất trung thực của mọi tầng lớp cán bộ vì những bệnh quan liêu, cửa quyền, tham ô, lãng phí xảy ra nhan nhãn ở khắp các ban ngành, ở mọi nơi kể từ ải Nam-Quan đến mũi Cà-mau. Ngay cả đến thầy cô cũng không còn tin tưởng vào những luân lý cách mạng mà họ giảng dạy hàng ngày cho học sinh nữa. Giáo viên giảng mãi những điều mâu thuẫn rồi cũng ngượng mồm. Học sinh hầu như không biết đến một giá trị đạo đức nào ngoài giá trị của bạc tiền. Thêm vào đó, nền kinh tế ngày càng trở nên khó khăn nên phần lớn những thanh niên đều bỏ học để kiếm ăn. Sau hơn 20 năm, thế hệ chàng bước vào đời không những đã mất căn bản đạo đức mà lại không được trang bị một kiến thức chuyên môn phổ cập. Thống kê mới nhất cho biết hơn 80 phần trăm thanh niên sinh sau năm 1975 đều không biết những tên đường như Ðồng Khởi, Cách mạng tháng Tám, Sô-Viết Nghệ Tĩnh, Nam Kỳ Khởi Nghĩa mang ý nghĩa gì. Ðó là những tiêu biểu của đạo đức cách mạng mà thế hệ cha ông đã đánh bóng, nâng niu gìn giữ qua nhiều thập niên. Ðến thế hệ chàng thì những truyền thống đó đã bị rơi rớt ở lại trên con đường mòn khúc khuỷu, gập ghềnh. Bước vào đời mà tài năng và đạo đức đều không có thì làm sao trở thành rường cột của đất nước? Khả may mắn hơn, chàng có cơ hội để mở mang kiến thức chuyên môn. Hơn nữa, chàng còn tìm tòi đọc sách thánh hiền để biết thêm nhân, lễ, nghĩa, trí, tín và tôn trọng những giá trị đạo đức căn bản khác. Khả biết yêu quý sự thật và sẵn sàng bảo vệ chân lý. Cả đời Khả chỉ biết nói thật và chàng rất ghét những kẻ nói phét. Chàng nhớ lại năm 1985, lúc chàng còn ở Canada, có xem đặc phái viên Ted Koppel của đài ABC phỏng vấn Thủ tướng Phạm văn Ðồng nhân dịp kỷ niệm mười năm giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Lúc đó chàng biết kế hoạch ngũ niên lần thứ hai đã đâm đầu xuống vực thẳm như xe không phanh. Nhà nước đang loay hoay không biết phải làm gì để cứu vãn nền kinh tế nhưng vẫn cố ý rầm rộ phô trương dư âm chiến thắng năm nào. Mặc dù đã hơn mười năm qua, Khả vẫn còn nhớ rõ mồn một mẩu đối thoại ngày hôm ấy vì nó để lại trong chàng một ấn tượng sâu sắc về con người cách mạng.

Khi Ted Koppel hỏi vị Thủ tướng làm thế nào để hạ pháo đài bay B52 thì ông Ðồng trả lời một cách thản nhiên rằng:

- Với một que diêm và ổ bánh mì, một em bé có thể bắn hạ pháo đài bay B52 khổng lồ của Mỹ.

Ðặc phái viên mặc dù kinh ngạc nhưng vẫn bình tĩnh đặt tiếp câu hỏi:

- Ông có thể nói rõ thêm được không?

Hình như ông Ðồng chỉ chờ có thế. Ðây là dịp may bằng vàng để ông giải thích cho nhân dân Mỹ cũng như nhân dân trên toàn thế giới kỳ công bắn hạ pháo đài bay B52 của nhân dân Việt nam. Ðôi môi của ông Ðồng mấp máy như tụng kinh:

- Em bé chạy xa chỗ đóng quân của bộ đội rồi dùng diêm đốt lửa. Giặc lái tưởng là chỗ đóng quân nên sà xuống bỏ bom và dân quân dùng súng trường bắn hạ ngay.

- Thế còn ổ bánh mì có ảnh hưởng gì đến việc bắn hạ máy bay?

- À! ngồi rình lâu đói bụng nên em phải có bánh mì để ăn.

Ted Koppel ú ớ không biết phải hỏi thêm gì nữa. Cái hay của ông Ðồng ở chỗ đã làm cho một đặc phái viên nổi tiếng phải lúng túng. Khả tin chắc cả đời của ông Koppel chưa từng nghe và sẽ không bao giờ nghe một câu trả lời ấu trĩ, trơ trẽn và ngu xuẩn đến thế. Ted không bao giờ ngờ rằng đương kim thủ tướng của một quốc gia lại có thể thốt ra những lời lẽ trên. Nhìn nét mặt của Ted, Khả biết rõ ông đang nghĩ gì trong đầu. Thứ nhất, Ted nghĩ có thể ông Ðồng coi thường trình độ nhân dân Mỹ cũng như người phỏng vấn nên nói sao cũng được. Thứ hai, ông Ðồng đã bị cấp dưới bịp vì họ báo cáo một chuyện không tưởng. Ted không nghĩ ông Ðồng coi thường mình; ông nghĩ đến trường hợp thứ hai. Nhưng nếu cấp dưới báo cáo một chuyện không tưởng như thế, ông Ðồng vẫn có đủ tri thức để biết mình bị bịp, đằng này ông nói ra với nét mặt hết sức thành khẩn. Cầm đầu một nước mà bị cấp dưới bịp thì mang tiếng ngu. Bị người khác bịp mà không biết thì lại mang tiếng xuẩn. Ông Thủ tướng mà xuẩn ngốc đến vậy, hàng triệu đám dân đen còn xuẩn ngốc đến đâu mà kể! Khi nghĩ đến đó, Khả đỏ mặt vì ngượng. Căn phòng riêng vắng lặng vậy mà Khả nhìn quanh quất như sợ có ai đang rình mò, đọc được ý nghĩ của chàng. Khả cúi gầm mặt xuống không còn nghe cuộc phỏng vấn nữa. Cả đời chàng hãnh diện giòng giống Tiên Rồng với bốn nghìn năm văn hiến, thế mà nghe chưa xong buổi phỏng vấn chàng đâm tự xấu hổ vì mình là người Việt. Khả nhớ đến một giai thoại khi sứ Tàu sang khiêu khích nước ta. Vua Tàu sai sứ đi ngụ ý xem đất Nam còn nhiều nhân tài không. Nếu nhân tài còn nhiều thì thời cơ tiến đánh chưa đến, nhưng nếu toàn là một lũ nịnh thần ngu dốt thì sẽ đem đại binh chinh phạt ngay. Biết thế nên nhà vua sai Trạng Quỳnh và bà Ðoàn thị Ðiểm đến cửa ải, giả làm anh lái đò và cô hàng nước. Khi qua cửa ải, sứ Tàu ghé quán nước giở trò chọc ghẹo bị cô hàng nước ứng khẩu dùng thơ phú đối đáp với "chư trượng phu đất Bắc" như tát nước vào mặt. Xuống thuyền qua sông lại bị ngay anh lái đò đốp chát "mưa qua biển Bắc" cũng bằng thơ phú. Sứ Tàu nghĩ thầm chỉ mới qua cửa ải, gặp con bán nước và thằng lái đò là hạng cùng đinh mà chúng ứng đáp trôi chảy như thế, từ đây đến kinh đô còn biết bao nhiêu người tài giỏi gấp trăm lần, chắc chắn là chuốc lấy nhục vào thân. Nghĩ xong là sứ Tàu quay trở về và tâu với nhà vua là đất Nam còn rất nhiều nhân tài, không nên tiến đánh. Thế là nước Nam tránh được nạn binh đao vô cớ. Mấy trăm năm sau lại xảy ra câu chuyện gần gần như thế. Có vị sứ giả tân thời cũng phỏng vấn, đấu trí với vị thủ tướng, đại diện cho một nước Việt nam hùng cường, bách chiến bách thắng. Vừa nghe câu trả lời của vị thủ tướng xong, nếu Ted Koppel là sứ giả Tàu chắc chắn ông sẽ trở về tâu với vua đem quân chinh phạt ngay vì nước Nam đã đến lúc mạt vận. Thủ tướng, tiêu biểu cho tinh hoa của một nước mà ăn nói ấu trĩ như thế thì thử hỏi quần chúng ăn không đủ ăn mặc không đủ mặc thì còn ngu dốt đến đâu nữa. Ông Ðồng có thể ăn nói một cách ngu xuẩn, điều đó không sao vì chỉ là phản ảnh sự thật của một cá nhân nhưng nếu vì câu trả lời của ông để người ta đánh giá thấp kém trình độ của cả nước thì ông Ðồng quả thật có tội với dân tộc. Nhục nhã hơn, cuối buổi phỏng vấn vị sứ giả còn chơi xỏ ông Ðồng bằng cách giả vờ tắt máy quay -nhưng vẫn ra ám hiệu để máy chạy- và nghe vị thủ tướng mở miệng xin cả dàn máy thâu hình của hãng truyền hình ABC. Tất cả những lời ăn xin trơ trẽn của vị đương kim thủ tướng đều được ghi vào băng nhựa phát trên toàn nước Mỹ để dân chúng thưởng thức. ìi! Nhục nhã làm sao! Và đúng như dư luận Mỹ dự đoán, sau biến cố đó vài tháng, ông Ðồng trơ trẽn đi ngửa tay xin viện trợ, trao đổi quan hệ với Mỹ, một tên đế quốc mà đảng trong quá khứ đã lên án là sen đầm quốc tế, một tên đầu sỏ tư bản mà kinh điển MácLê đã khẳng định rằng chính chúng sẽ dùng dây thòng lọng để tự thắt cổ. Vừa mới đánh đổ được tư bản trên mặt trận quân sự thì nay đảng và nhà nước lại xin được nô lệ tư bản trên mặt trận kinh tế. Ôi! tự ái của người dân Việt ở đâu? niềm hãnh diện của cuộc chiến thắng chống Mỹ cứu nước rực rỡ của mười năm trước đâu? Ngày hôm sau đi làm, Khả ngượng tránh không muốn chuyện trò với ai. Con nhỏ Mỹ đồng nghiệp nhìn Khả cười cười. Chàng có cảm giác như nó đã xem buổi phỏng vấn tối hôm qua và đang mỉa mai nghĩ trong đầu:

- Thằng này là người Việt nam đây! Tay thủ thướng hôm qua trả lời vui quá. Ngữ thằng này chắc chắn dốt tệ hơn tay thủ tướng kia nhiều!

Khả đâm ra ít nói, ít giao thiệp cả đến mấy tuần. Mãi về sau chàng mới thấy hết mặc cảm tự ti. Những suy tư đó chàng giữ riêng cho mình và ôm hoài bão một đất nước Việt nam tươi sáng hơn. Cách đây không lâu, báo chí nói đến một bà giám thị người Ðại hàn dùng dép đánh đập xỉ vả công nhân Việt nam, Khả xem xong giận dữ vò tờ báo trong tay. Giòng giống dân Việt đứng không thua ai trên quả địa cầu. Thống kê mới nhất cho biết chỉ riêng tại Mỹ có khoảng gần hai chục ngàn thanh niên nam nữ Việt tốt nghiệp đại học, trong đó có độ một nghìn năm trăm tiến sĩ. Với số lượng chất xám như thế mà để một con mụ Ðại hàn tung hoành như chỗ không người. - trong nước đảng hoàn toàn không có khả năng đào tạo cán bộ theo kịp với trình độ văn hóa kỹ thuật thế giới. Lần Thủ tướng họ Lý tham quan Việt nam đã phải thốt lên kỹ thuật của Hà nội thua kém nước Tân-gia-ba đến...năm mươi năm. Ông Thủ tướng còn chê rằng có mười ông tiến sĩ Việt tháp tùng, không một người nào biết xử dụng ngoại ngữ. Những tin tức như thế đọc xong càng làm Khả chán nản. Mặc dù sinh ra ở đất Bắc, lớn lên trong môi trường duy vật nhưng Khả vẫn không hiểu được đường lối cai trị cực đoan và dốt nát của đảng. Quyền hành nằm trong tay một số đảng viên già nua vô tài bất tướng nên không thể nào quy tụ được lực lượng khoa học kỹ thuật vĩ đại ở nước ngoài để làm rạng danh giống nòi. Chính vì thế mới bị kỹ thuật nước củ sâm đập nguyên cả chiếc dép vào mặt. ìi! tủi hổ thay cho dân tộc Việt.

Giờ đây, trong căn phòng vắng, ngồi ôn lại hoài bão, Khả thấy rõ mình đang lội ngược dòng. Cả một trào lưu biến chất và thoái hoá trong nước từ thế hệ cha ông đến thế hệ con em, thế mà chàng lại đứng riêng ra một cõi, tay quyết không nhúng chàm. Khả lại cố làm cái công việc đội đá vá trời là mưu đồ một nền dân chủ tự do để xây dựng một nước Việt hùng cường. Rõ ràng từ dòng tư tưởng đến chuỗi hành động, chàng khác biệt hẳn với mọi người nhưng có một điều Khả biết chắc chắn là chàng không cô đơn. Sát cánh bên chàng còn có Tú. Rồi một số rất ít sinh viên trí thức ở Sàigòn ôm ấp một hoài bão như chàng. Giai cấp nông dân, giai cấp nòng cốt trong cuộc cách mạng đánh đổ thực dân và đế quốc Mỹ, ở Thái Bình và Xuân Lộc. Các vị tướng lãnh về hưu tuy không còn quyền hành trong tay nhưng đã thổi một luồng gió mới dân chủ vào tầng lớp nhân dân. Từng ấy người tuy ít oi nhưng cũng đủ gom lại tạo thành một lực lượng để chuẩn bị một tương lai sáng lạng cho đất nước. Khả thở dài và hy vọng ngày ấy không xa và dân Việt sẽ tự hào góp mặt ở mọi diễn đàn trên toàn thế giới...

Ông Lam nằm mê man ở phòng săn sóc đặc biệt đã hơn hai tuần. Tú và Khả thay phiên nhau túc trực để chăm nom ông sau giờ làm việc. Bà Lam thì hoàn toàn ở bên cạnh ông. Tú mỗi ngày đều chở bà về nhà tắm rửa, thay quần áo rồi lại lên ngay. Bà không thiết tha gì ăn uống, Tú phải ép mãi bà mới ăn hết bát cơm. Vì thức khuya nhiều quá, Khả bàn với Tú là để anh xin phép nghỉ một tuần. Tú không chịu nói là anh cứ đi làm bình thường để em lo được rồi. Năn nỉ mãi cả hơn tuần, Tú mới chịu cho Khả nghỉ. Còn nàng thì xin nghỉ không ăn lương. Ngày ngày, Tú tạt ngang thăm ông Lam rồi về nhà nấu nướng. Ðem cơm lên cho mẹ và nàng ở đó cho đến khi hết giờ thăm bệnh. Khả và Tú ăn bữa được bữa mất vì chẳng ai còn thiết tha gì đến cơm nước. Tú đứng nhìn ông Lam mà lòng thấy xót xa. Chỉ mới hơn hai tuần mà khuôn mặt ba nàng gần như không nhìn ra. Người ông hốc hác hẳn vì chỉ nằm mà không ăn uống được gì. Quầng mắt ông trõm sâu làm nổi bật gò má xương xẩu. Nước da vàng vọt vì phần gan còn lại không chịu làm việc. Hệ thống tiêu hoá và bài tiết của ông gần như kiệt quệ. Sức khoẻ ông trông nhờ vào bình nước biển để cầm hơi. Bà Lam vừa khấn xin vừa khóc sụt sùi cả ngày. Tú ngồi nắm lấy tay ông Lam, vuốt ve cánh tay gầy guộc của ba nàng mà nước mắt chảy dài trên má. Nàng không biết phải làm gì để cứu mạng sống của người cha. Theo lời bác sĩ thì tình trạng của ông Lam gần như tuyệt vọng. Mọi bộ phận bên trong gần như ngưng trệ. Tất cả những sinh tố, khoáng chất và lượng đường trong cơ thể ông cạn dần nên ông nằm thoi thóp như cá mắc cạn. Lâu lâu, trong một cố gắng khôn cùng, ông mấp máy đôi môi hoặc động đậy ngón tay như cố nói điều gì đó. Tú ghé sát tai vào gần miệng ba nàng cố để nghe nhưng rồi gần như đuối sức, ông lại ngất đi. Ðó là lúc mà Tú ôm mặt chạy xô vào phòng vệ sinh khóc tức tưởi. Khả bước ra ngoài, ngồi phịch xuống ghế ở trước cửa phòng ôm lấy đầu mệt nhọc. Bà Lam cố giữ cho tiếng khóc đừng bật ra tiếng rồi vùi đầu vào tấm khăn trải giường, người run theo tiếng nấc.

Vào một buổi chiều, Tú vừa quay lưng kéo tấm màn cửa sổ để che vạt nắng vàng thoi thóp cuối ngày hắt vào đầu giường bệnh thì bỗng nghe tiếng ông Lam gọi nàng. Tiếng gọi tuy nhỏ nhưng thính giác của Tú nghe rõ mồn một. Nàng quay lại và bắt gặp ánh mắt của ông Lam. Mẹ nàng đã đứng bật dậy chồm người về phía đầu giường. Khả đứng ngay phía sau Tú, nét mặt bồn chồn. Khuôn mặt ông nhuốm chút sinh khí, rạng rỡ. Tia mắt của ông Lam đảo một vòng, bắt đầu từ Tú, Khả rồi sang phía mẹ nàng. ánh mắt dừng lại ở đó, như nhắn nhủ, như van lơn thật tha thiết. Tú thấy mẹ nàng gật gật đầu, nước mắt đoanh tròng, răng cắn lấy môi cố ghìm sự xúc động. Khi tia mắt quay sang phía Tú, cả hai cúi người trên khuôn mặt của ông Lam. Và rồi Tú và Khả nghe ông Lam nói tuy nhỏ nhưng rõ từng tiếng một:

- Anh coi sóc...Tú và...cố...xây...dựng đất...nước.

Khả gật đầu nhè nhẹ. Khuôn mặt ông Lam nhạt nhoà qua làn nước mắt Khả. Chàng nhắm mắt lại. Nước mắt đùn ra nơi khoé mắt Khả. Khi giọt nước mắt của chàng rơi rụng trên thân thể ông Lam là lúc ông thở hắt ra, đôi mắt nhắm lại, vĩnh viễn đi vào giấc ngủ ngàn thu. Viên mãn.

Cầu cho hương hồn bác an nghỉ ở chốn vĩnh hằng và ước nguyện của bác trở thành hiện thực trong một ngày không xa. Khả lẩm bẩm những lời cuối cùng với ông Lam. Chàng ôm vội lấy Tú đang vật vã trên ngực ông Lam. Hình như không còn gì kìm hãm bà Lam được nữa, bao nhiêu uất ức, tủi hờn từ nhiều ngày qua đều tuôn ra qua tiếng khóc nức nở. Khả mơ hồ nghĩ đến một chia ly từ lúc ông Lam nhập viện, lên bàn mổ nhưng chàng vẫn không ngờ nó lại xảy ra đột ngột và đau đớn đến thế. Ông Lam tỉnh lại trong những giây phút cuối cùng để cố nhắn nhủ chàng đôi lời, rồi nhắm mắt thiên thu. Khả bỗng thấy trách nhiệm trên vai nặng nề hơn nhưng chàng cũng thấy mình hăng hái hơn, quyết liệt hơn trên con đường dài mà chàng sẽ vươn mình đi tới.

Trong một khoảnh khắc, Khả nhìn thấy mảnh đất hình chữ S sáng rực ở phía trời Ðông.


Hải Ngữ





















































































Free Web Hosting