Truyện Ngắn:

NHẬP NGŨ

Tuyên Úy Nguyễn


Nguyễn nghe như tiếng của mình còn văng vẳng đâu đây, mặc dù đã gần mười hai năm xa rời trường huấn luyện. Hôm ấy, anh đã dõng dạc ra lệnh:

- Company. Attend. Hut! (Ðại đội, hay một toán quân lớn, Chuẩn bị. Nghiêm!)

- Right. Face! (Phải . Quay!)

- Forward. March! (Ðàng trước. Bước!)

- Left. left. left.right, left! .

Trên 50 khóa sinh tuyên úy răm rắp nghe theo từng tiếng lệnh và bước đi nhịp nhàng, ăn khớp. Hôm đó là ngày đến phiên Nguyễn phải trực, gồm cả trách nhiệm "dẫn" các khóa sinh từ khu cư xá sinh viên sĩ quan "King’s Hall" xuống bãi đậu xe, khoảng hơn cây số, để dùng xe hơi di chuyển đến trường huấn luyện tuyên úy.

Nguyễn lái xe chầm chậm dọc theo lối "tiến quân" đó để hồi tưởng những kỷ niệm êm đềm của hơn thập niên về trước. Trường huấn luyện Tuyên Úy thuộc Trung Tâm Giáo Dục và Huấn Luyện Hải Quân (Naval Education and Training Center, NETC) ở Newport, Rhodes Island. Dạo ấy, anh đã nhập ngũ được mấy tuần và đang trong khóa học để bắt đầu "làm lính." Khóa 8-89 có trên 50 khóa sinh gồm 8 linh mục Công gíao, phần còn lại là các mục sư thuộc nhiều giáo hội Tin lành khác nhau. Khóa này không có tư tế Do thái (Rabbi), nhưng có hai nữ mục sư.

Trong vài tuần đầu, bọn Nguyễn đã phải học những thao diễn hết sức cơ bản như bao nhiêu quân trường khác: ăn mặc, đi đứng, chào kính. Cái đặc biệt ở đây là các khóa sinh tuyên úy đã được mang lon sĩ quan ngay từ hôm đầu nhập ngũ. Ðiều này cũng đúng với các bác sĩ, luật sư mới gia nhập quân đội. Các khóa sinh bắt buộc phải có ít nhất ba năm kinh nghiệm mục vụ, nếu đã thụ phong linh mục hay mục sư quá tám năm thì được "đồng hóa" với cấp bậc đại úy. Trẻ hơn thì mang lon trung úy ít nhất hai năm trước khi được thăng cấp. Nguyễn thuộc thành phần "già" vì anh đã làm LM trên mười năm rồi.

Trung tâm NETC có nhiều trường huấn luyện khác nhau. Trẻ nhất là trường NAPS (Naval Academy Preparatory School) gồm các học sinh vừa xong trung học vào thụ huấn ba tháng Hè để chuẩn bị, trước khi chính thức được tuyển vào trường Võ Bị Quốc Gia Hải Quân ở Annapolis, Maryland. Là thành phần trẻ nhất, quan chưa ra quan, lính không ra lính, biết thân biết phận của mình, nên ra đường họ thường chào tất cả cho "bảo đảm." Cả trung tâm huấn luyện ai cũng biết đám này chào "bất cứ những gì di động được" (any moving thing!) Trong khi các khóa sinh tuyên úy toàn là các ông các bà đang mang lon quan hai, quan ba; được chào nhưng đồng thời cũng phải chào lại họ. Nhiều vị lung túng xoè cả năm ngón tay ra chào, trông đến buồn cười.

Trường thứ hai là OCS (Officer Candidate School) dành cho các khóa sinh đã tốt nghiệp bốn năm đại học, họ sẽ ra trường với cấp bậc thiếu úy. Trong thời chiến tranh Quốc-Cộng, một số sinh viên sĩ quan của Hải Quân VNCH đã được gửi sang thụ huấn ở trường này. Hiện tại trường OCS đã dời về Pensacola, Florida. Kế đến là các trường OIS (Officer Indoctrinate Schools) huấn luyện các khóa sinh đã tốt nghiệp những ngành chuyên môn như bác sĩ, luật sư, tuyên úy. Cao nhất ở NETC là trường đại học chiến tranh NWC (Naval War College), trung và cao cấp của Bộ Hải Quân Hoa Kỳ; dành cho cả sĩ quan tác chiến (Line) và hành chánh (Staff) đã nhập ngũ khá lâu, cấp bậc từ đại úy lên đến hàng tướng hay đề đốc. Trường này còn nhận thêm nhiều sĩ quan cao cấp từ những quốc gia bạn. Một vài vị thuộc HQVN năm xưa đã theo học ở đây. Những năm sau này, Nguyễn cũng có dịp theo học và tốt nghiệp ban Chỉ Huy và Tham Mưu (Command and Staff) của trường NWC; và lần này, anh trở lại để dự khóa huấn luyện "Tuyên Úy Trưởng" (Supervisory Course) của trường tuyên úy.

Xe Nguyễn từ từ đến một ngã tư, nơi khi xưa anh đã hô to "Guards. post!" Ðược chỉ định trước, hai khóa sinh chạy đến trước hàng quân, chặn xe từ tứ phía cho toán quân đi qua. Nguyễn rẽ xe vào bãi đậu nơi anh ra lệnh cho toán quân dừng lại: "Company. hold!" Rồi "Left. face!" Anh nói mấy câu cám ơn và khen ngợi mọi người đã đi đứng nghiêm chỉnh, đồng thời chúc họ một ngày tốt đẹp. Sau đó anh ra lệnh "tan hàng" (Fall out.) Một khóa sinh bước theo Nguyễn để đi nhờ xe anh, đã nịnh: "Này, ông làm nghiêm chỉnh, đâu vào đấy quá! Có đi quân đội trước không đó?" Nguyễn ỡm ờ "Yeah!" và thầm nghĩ: "Nhằm nhò gì ba cái lẻ tẻ này, năm 1968, tớ đã từng làm lính "Babilac" (lính "sữa" của chương trình Quân Sự Học Ðường), bắn súng Carbine M1 cả mấy. băng đạn rồi cơ mà!"

Nguyễn ra khỏi xe, lững thững đi về phía có một nhà nghỉ mát ngay cạnh bờ nước trong vịnh Narragansett, tiếp tục hồi tưởng những kỷ niệm xưa. Dường như cả quân lực Hoa Kỳ chỉ có các tuyên úy là được kể vào ngành không tác chiến (non-combat), tuyệt đối không cầm súng, và được Hiến Chương Genève, về tù binh chiến tranh, xếp vào loại bốn (Category 4.) Theo lý thuyết, họ sẽ được đối xử tử tế hơn, nhưng trên thực tế, nếu chẳng may lọt vào tay quân thù, các tuyên úy vẫn bị đối xử như bao nhiêu người khác, có khi còn tệ hơn vì họ biết tuyên úy ảnh hưởng rất mạnh trên tinh thần quân đội Mỹ.

Hầu hết các khóa sinh đều là "tân binh" nên không có đến một cái huy chương làm cảnh, ngay cả huy chương thông dụng nhất "bảo vệ quốc gia" (National Defense Service Medal) ban cho tất cả mọi người từ ngày đầu nhập ngũ cũng không có, vì lúc này "nước nhà" không ở trong thời kỳ có chiến tranh. Ðây cũng là dấu hiệu phân biệt giữa các quan "mới" và quan "cũ" trong quân trường. Tuy nhiên, Nguyễn để ý thấy có vài khóa sinh đang đeo các huy chương "cuống" (ribbons.) Họ là những người trước đây đã từng phục vụ trong quân đội. Ðặc biệt, Nguyễn thấy một linh mục khóa sinh có đến ba hàng huy chương, trong đó có cả huy chương "Ngôi Sao Ðồng" (Bronze Star Medal, tương tự như Anh Dũng Bội Tinh), và "Chiến Thương Bội Tinh" (Purple Heart.) Nguyễn để ý nhất là cái huy chương có hình lá cờ VNCH, màu vàng với ba sọc đỏ, mà sau này anh mới biết đó là huy chương "Phục Vụ ở Việt Nam" (Vietnam Service Medal.) Anh ta cũng có cả huy chương "Chiến Dịch VNCH" (Republic of Vietnam Campaign Medal.) Cái lạ của chiếc huy chương này là trên đó chỉ ghi lại năm khởi đầu chiến dịch, 1961, mà không có năm kết thúc! Ðáng ra, sau này người ta phải ghi thêm năm kết thúc là 1973, năm Mỹ rút hết quân ra khỏi Việtnam; hay 1975, năm trận chiến kết thúc. Nhưng hình như chẳng ai muốn nhắc lại chuyện ấy!

Ít hôm sau, Nguyễn đến làm quen với Thomas Hall, người linh mục khóa sinh có chiến thương bội tinh. Ðược biết anh ta đã gia nhập bộ binh, tham chiến ở Việtnam trong vùng thuộc các tỉnh Nam-Tín-Ngãi vào cuối thập niên 60’s. Anh đã bị thương trong một trận đụng độ với quân NVA (North Vietnamese Army, hay Cộng Sản Bắc Việt, CSBV.) Trở lại Hoa Kỳ, Thomas đã xin giải ngũ và theo học đại chủng viện, rồi thụ phong linh mục được hơn 9 năm.

Cứ cách ngày là các khóa sinh tuyên úy lại phải tập thể dục, hít đất, sit-up (ngả lưng xuống rồi lại bật người lên mà không được dùng tay,) và chạy bộ 1.5 mile. Ðó là ba bộ môn mà Hải Quân Mỹ dùng để thẩm định sức khỏe của các thủy thủ. Tùy theo lứa tuổi, những người "già" thì được chạy bộ trong một khoảng thời gian lâu hơn (15 phút cho tuổi của Nguyễn) và làm những động tác khác cũng ít hơn.

Một buổi chiều, sau khi tập thể dục, Nguyễn và vài người nữa đã nằm dài trên sân cỏ của "vũ đình trường" (parade deck) để nghỉ. Nhìn những cụm mây lãng đãng trôi trên nền trời Ðông Bắc Mỹ (New England) trong một buổi chiều chớm Thu, Nguyễn thấy nhớ quê hương vô hạn. Ðã hơn 14 năm, chưa một lần anh được gặp lại song thân, chắc hẳn các ngài đã hao sút nhiều trong cái "trại tập trung" khổng lồ ấy! Nỗi đáng thương nhất của người dân Việtnam là họ đã phải chịu tai ách chiến tranh quá lâu. Hòa bình đã trở thành nỗi khao khát chung của cả dân tộc. Nỗi khao khát đó ngày càng chồng chất khiến nhiều người dường như đã đi đến chỗ bất chấp. Nhưng khi hòa bình trở lại rồi, những người đó mới nhận ra rằng còn một thứ khác quí hơn: TỰ DO! "Nếu không có tự do thì cuộc sống không còn ý nghĩa nữa. Nếu cuộc sống không còn ý nghĩa thì sự chết chẳng có gì để đáng sợ hãi." Lời một Cao Ủy Tị Nạn của Liên Hiệp Quốc để giải thích tại sao hằng triệu người dân Việt đã liều chết vượt biên tìm tự do. Nguyễn cảm thấy mang ơn các chiến sĩ Cộng Hòa vô vàn, không có họ cùng các chiến sĩ Ðồng Minh xả thân gìn giữ miền Nam, thì làm gì anh có cơ hội học xong trung học, nói chi đến đại học và cao hơn? Ðã có những bài báo và một vài cuốn sách viết về những giam cầm, đày ải mà bao nhiêu thanh niên miền Nam đang phải gánh chịu trong các nhà tù được mệnh danh là trại cải tạo. Những khổ ải đó đã đi quá xa sự tưởng tượng của bất cứ con người nào đang sống trong một xã hội văn minh. Bất chợt Nguyễn quay qua nói với người bạn gần bên:

- Tom! (Thomas Hall)

- Yeah, Paul? Gì đấy, Phaolô? (Tên Thánh của Nguyễn.)

- Thanks! Cám ơn nhá!

- For what? Về chuyện gì?

- Being there. Ðã chiến đấu ở Việtnam.

- I' m glad I did. Tôi hân hạnh đã làm chuyện đó.

- And welcome home! Và mừng bạn đã trở lại quê hương.

- Thank you very much, Paul. Cám ơn anh nhiều lắm, Phaolô.

Vào một buổi tối, cách chiều hôm ấy khoảng hơn một năm, Nguyễn đang ngồi làm việc trong văn phòng giáo xứ, chú học trò gác điện thoại đã gõ cửa cho biết có người muốn gặp. Anh cho mời vào. Thoáng nhìn người khách lạ, Nguyễn đã biết ngay anh ta là một "drifter" (kẻ sống lang thang), nhưng dáng người này có nét gì đặc biệt. Anh ta ghé vào để xin ít tiền mua bữa cơm tối! Nhân cơ hội, Nguyễn đã hỏi thêm và đươc biết anh ta là một cựu quân nhân trong binh chủng TQLC Mỹ, từng chiến đấu trong vùng địa đầu giới tuyến của miền Nam, nơi có những cái tên Việt mà anh ta phát âm rành mạch như Gio Linh, Khe Sanh, Cồn Thiên., và những tên Mỹ như Camp Caroll, Rock Pile. Nguyễn không có lý do gì để nghi ngờ anh ta được. Anh ta kể thêm rằng đã cố gắng hết sức để "tái hội nhập" với xã hội sau khi anh về nước, nhưng không thể nào được! Những ám ảnh và kinh hoàng của cuộc chiến đã làm thay đổi con người anh hoàn toàn. Anh chỉ thích ở một mình, nơi yên tĩnh trong một cuộc sống bồng bềnh vô định. Thỉnh thoảng anh vẫn bị cơn ám ảnh hành hạ gần như muốn lên cơn điên! Ðiều này đã đúng với những tìm hiểu mới của khoa tâm lý học. Các tâm lý gia đã gọi trường hợp của anh cũng như của bao đồng đội anh là PTSD (Post Traumatic Stress Disorder - Sự mất thăng bằng bởi dồn ép sau cơn kinh hoàng.)

Nguyễn đã đưa cho anh ta ít tiền và nói: "Tôi không cần biết người đời nói gì về anh, về cuộc sống anh đang có. Nhưng đối với tôi, anh cũng như hàng triệu chiến binh VNCH và Ðồng Minh là những anh hùng, là những người đã chiến đấu để gìn giữ tự do cho tôi và cho đồng bào tôi. Cám ơn anh và ‘welcome home!’ Anh ta đã ôm chầm lấy Nguyễn, dàn dụa nước mắt và nói: "Cám ơn cha, kể từ khi về nước, tôi chưa từng nghe ai nói với tôi câu ấy!"

Thực vậy, những người chiến binh Hoa Kỳ tham chiến ở Việtnam đã không được đồng bào của họ chào đón khi trở về như những thế hệ đàn anh của họ sau các trận thế chiến. Họ đã phải trở về trong âm thầm, trong tủi hận; có khi còn bị ngược đãi, khinh khi. Cộng thêm những cơn ác mộng hàng đêm đã khiến họ trở nên như những con người lạc loài, vô dụng. Từ đó, Nguyễn quyết tâm sẽ nói câu "Welcome Home" với tất cả những cựu chiến binh cũng như những người còn đang tòng ngũ để mong đem lại phần nào an ủi cho họ. Ðó cũng là một trong những lý do khiến anh gia nhập quân đội.

- Paul! Thomas Hall gọi Nguyễn.

- Yeah, Tom? Anh đáp.

- Thanks!

- For what?

- Joining the Naval Chaplain Corps. Vì anh đã gia nhập ngành Tuyên Úy Hải Quân.

- I' m glad I did. Nguyễn đã dùng những lời của Tom để đáp lại bạn.

Phải biết bơi là điều bắt buộc cho mọi người lính thủy. Tội nghiệp cho những khóa sinh chưa biết bơi, bốn giờ sáng đã phải dậy, ra hồ tắm bì bõm, trong khi các bạn đồng khóa còn đang an giấc nồng. Một trong những môn học quan trọng khác là cách chữa cho tàu khỏi chìm (Damage Control.) Bọn anh đã phải vào một khoang tàu giả mà mọi người gọi đùa là "Butter Cup," ý nói tàu thật mà như vậy thì chỉ như ly bơ, tan chảy và chìm sớm!

Mọi thủy thủ đều phải biết vị trí chiến đấu của mình trên tàu (battle station.) Người thì lo giữ đại bác phòng không trên cao, kẻ khác phải chăm sóc buồng máy tận đáy tàu. Tóm lại, các thủy thủ được phân tán ra khắp tàu, ai ở khoang nào thì trách nhiệm khoang nấy, cho đến khi có lệnh chấm dứt tác chiến; hay bỏ tàu (abandon ship), trường hợp tàu sắp chìm. Các cửa và nắp khoang phải đóng kín mít, có khi bằng máy tự động; khoang nào bị vào nước thì tất cả mọi người trong khoang phải tìm mọi cách để ngăn nước; nếu không, tất cả sẽ chết hết mà không mong được tiếp cứu. Cuộc thao luyện đã nằm trong tinh thần đó.

Toán của Nguyễn có khoảng 15 người, được chỉ thị dùng tất cả những vật liệu sẵn có trong khoang đễ ngăn không cho nước tràn vào từ những lỗ thủng thình lình. Bọn anh sẽ phải chịu ba cuộc "tấn công" mà mực nước trong khoang không được cao hơn mức ấn định, nếu không thì .Amen!

Những tiếng động, tiếng những tia nước lớn tràn vào thật mạnh, tiếng la hét gọi nhau chữa "lụt" trong khi mực nước càng ngày càng dâng cao, khiến Nguyễn có cảm tưởng như "tàu" sắp chìm thật. Sau hơn 10 phút "chiến đấu," các vết thủng đã được gắn kín bằng giẻ rách, bằng những miếng gỗ, ván vụn v.v..., bọn anh được tạm nghỉ. Lúc này mực nước trong khoang đã lên đến đầu gối của Nguyễn. Ðợt tấn công thứ hai, gây những vết nứt khó khăn hơn như ở trong các chỗ chật hẹp của khoang tàu. Nguyễn tình nguyện lặn dò những vết nứt dưới mực nước rồi báo cho các bạn. Khi đợt tấn công này tạm ngưng thì mực nước đã đến gần ngang lưng của anh! Bọn Nguyễn chỉ còn không đầy một "foot" nước nữa để "sống sót" řcho đợt tấn công thứ ba.

Lần này, đa số đến phiên các ống trong khoang bị nứt. Muốn chữa, bọn anh phải dùng những miếng thiếc úp quanh các ống nước, rồi dùng đinh ốc vặn chặt lại để làm ngưng những tia nước. Mực nước đã lên gần đến mức sinh tử mà cả bọn vẫn chưa chữa được một vết nứt cuối ở một ống gần sát với trần tàu. Tia nước lớn bắn ra thật mạnh, trong khi ống nước lại nằm ở chỗ cao hơn người với, nên mọi nỗ lực úp miếng thiếc vào chỗ nứt đều thất bại, kể cả việc hai người công kênh nhau! Khóa sinh trưởng toán đã tỏ nỗi thất vọng ra mặt. Nguyễn bỗng nảy ra một ý định và thực hành ngay: Anh nhờ một anh bạn nâng lên để có thể bám vào ống, nhờ chân và tay đều nhỏ nên anh có thể đưa lọt qua được khoảng cách giữa ống nước và trần tàu. Nguyễn bám vào ống nước bằng cả tứ chi, như con vượn đi ngược dưới một cành cây nằm ngang. Sau đó Nguyễn bảo người bạn đưa cho anh miếng thiếc; đặt nó trên bụng, rồi anh trườn ngược đến chỗ bị nứt. Sức nước bung ra thật mạnh như muốn đẩy Nguyễn rớt trở lại xuống sàn tàu; anh dùng cả chân, tay, bụng và ngực để cố ép miếng thiếc vào phần ống bị nứt. Cuối cùng, miếng thiếc đã được ép sát vào ống, lúc này sức nước bung ra có phần yếu đi vì khoảng cách đã bị thu hẹp. Nguyễn dùng một tay vặn những chiếc đinh ốc vào lỗ rồi sau đó nhờ người bạn đưa cho chiếc kìm để siết chặt thêm. Tia nước yếu dần rồi ngưng hẳn! Cả khoang vỗ tay reo mừng vì tàu đã không "chìm!" Ðại tá giám đốc và các giảng viên trường tuyên úy, qua một khung cửa kính, đã theo dõi hành động của bọn Nguyễn từ đầu đến cuối, sau đó ông tuyên bố rằng "Chaplain Nguyễn saved the Butter Cup, today!" (Hôm nay, tuyên úy Nguyễn đã cứu được chiếc tàu Butter Cup!) Anh chỉ khiêm nhường đáp: "It was the team work, Sir" (Ðó là thành quả của cả toán, thưa Ðại Tá.)

Bên cạnh NETC là hậu cứ của gần một chục chiếc hộ tống hạm (Frigates) và nhiều khu trục hạm (Destroyers.) Thời gian đó, tổ chức của Hải Quân Mỹ đã khác với hiện tại, các chiến hạm cùng loại được xếp thành từng đội với nhau, đến khi có công tác mới sát nhập với những chiến hạm khác tạo thành hạm đội. Trong những ngày Chúa Nhật, các khóa sinh tuyên úy đã chia nhau đi dâng thánh lễ hay nghi thức cầu nguyện trên các tàu chiến, bệnh viện, nhà nguyện, và cả quân lao (Brig.)

Một hôm, tuyên úy đại tá giám đốc gọi Nguyễn vào văn phòng của ông và nhắn nhủ rằng, "Cha Nguyễn, (các tuyên úy Tinh lành vẫn có thói quen gọi những tuyên úy Công giáo là ‘cha’) tuần này tôi muốn gửi cha lên làm lễ trên một chiến hạm khá đặc biệt, cần phải cho cha biết trước." Nguyễn vẫn thầm cảm phục vị chỉ huy và là "ông thầy" này qua tư cách, việc đối xử sòng phẳng với khóa sinh, và nhất là trên ngực của ông đang có huy chương màu cờ VNCH! "Tôi sẽ cố gắng, Sir" Nguyễn đáp. Ông tiếp: "Chiếc hộ tống hạm này mang tên USS Capodanno, FF 1093. Ðó là tên của một linh mục tuyên úy Hải Quân, đại úy Joseph Capodanno, thuộc tu hội truyền giáo Maryknoll. Ông đã phục vụ ở Việtnam, quê hương của cha, và đã tử trận ở đó." Nguyễn cảm thấy lành lạnh ở xương sống, trong khi giọng ông vẫn đều đều, "hành động của cha Capodanno thật anh dũng và can đảm trước khi ông hi sinh, nên sau này quốc hội Hoa Kỳ đã gắn Huy Chương Danh Dự (cao quí nhất của quốc gia) cho ông (post-humously.) Bộ Hải Quân Mỹ cũng dùng tên ông để đặt cho hộ tống hạm FF 1093 đang thuộc Squadron 6, cạnh NETC đây. Chúc cha dâng lễ sốt sắng."

Nhìn vào bức tranh treo bên ngoài văn phòng đại tá giám đốc, vẽ cảnh một tuyên úy đang chăm sóc một thương binh giữa sa trường ngập đầy khói lửa, Nguyễn hiểu ngay bức tranh đã nói về tuyên úy Capodanno ở một chiến trường nào đó thuộc miền Trung nước Việt. Những hình ảnh tang thương của quê hương thời tao loạn lại trở về ắp đầy tâm trí anh, Nguyễn phải bước vào một lớp học trống, ngồi một mình trong đó cho đến khi cơn xúc động vơi đi...

Tu hội Maryknoll có nhà dòng chính ở Ossining, New York, cũng là nơi Nguyễn đã tạm trú và học hành cả năm trời (1975-76) trước khi anh dời về miền Nam, nơi có khí hậu ấm áp hơn. Bao lần, anh đã đi trên những hành lang, ngồi trong những lớp học, ngắm nhìn cảnh núi non hùng vĩ, và giòng sông Hudson lờ lững dưới chân đồi. Những nơi đó chắc chắn đã có vết chân của Joseph Capodanno, người tuyên úy đã hi sinh trên quê hương anh; Nguyễn cảm thấy thật gần với người quá cố. Nhà dòng Mryknoll ở Ossining, NY cũng là nơi cố tổng thống Ngô Ðình Diệm đã từng lưu ngụ trước khi ông về nước chấp chính.

Những chiến hạm được buộc sát vào nhau thành từng cặp, dọc theo các cầu tàu (Piers.) Nguyễn phải đi qua một hộ tống hạm khác trước khi đến chiếc USS Capodanno. Một thủy thủ đã chờ sẵn ở lối chính lên tàu (Quarter Deck) để đưa anh đến Wardroom (phòng họp và cũng là phòng ăn dành cho các sĩ quan.) Bên ngoài phòng họp, Nguyễn thấy một tủ kính trưng bày những vật kỷ niệm và bộ chén lễ của tuyên úy Capodanno, cả chiếc huy chương danh dự cao quí mà có lẽ gia đình của cha Capodanno đã tặng chiến hạm để trưng bày. Trung tá hạm trưởng và hai người con của ông, cũng như một số sĩ quan và thủy thủ đã chờ sẵn trong phòng.

Trong bài giảng, Nguyễn đã nhắc đến cuộc gặp gỡ giữa anh và người TQLC, cựu chiến binh ở Việt Nam. Anh cũng không quên nói lời cám ơn và "welcome home" với những người đang đeo huy chương có hình cờ VNCH. Sau thánh lễ, trung tá hạm trưởng đã tặng Nguyễn một chiếc mũ (cap) của chiến hạm Capodanno, đồng thời mời anh trở lại để đọc lời cầu nguyện (Invocation) và chúc lành (Benediction) trong buổi lễ bàn giao chức hạm trưởng giữa ông và một sĩ quan khác, vài tuần sau đó. Khi được tin, đại tá tuyên úy giám đốc đã cho Nguyễn biết rằng đây là một vinh dự hiếm có cho cả trường tuyên úy, vì đó là công tác dành cho trung tá tuyên úy trưởng của Squadron. Lần cầu nguyện đầu đời tuyên úy ấy đã bắt đầu cho bao lần cầu nguyện sau này của Nguyễn.

Thời gian cứ thế trôi đi theo sự vận hành của vũ trụ; nhanh hay chậm, tùy cảm quan, tùy hoàn cảnh của con người, nhưng chẳng bao giờ nó ngừng lại. Sau cuộc chiến tranh lạnh (Cold War) quân đội Mỹ đã bị cắt giảm nhiều nhưng cũng canh tân nhiều. Khi hải quân Mỹ có những hộ tống hạm mới, loại FFG, tối tân hơn và có thể phóng các hỏa tiễn bay thấp với tầm khá xa (Cruise Missiles) thì chiếc Capodanno đã được chuyển giao cho hải quân Thổ Nhĩ Kỳ (Turkey), một đồng minh trong khối NATO. Tàu đã bị đổi tên và thực sự đi vào quá khứ. Các cầu tàu năm xưa của Squadron 6 nay đang bỏ trống, chỉ còn hai chiếc hàng không mẫu hạm Forrestall và Ranger, một thời oanh liệt ngoài khơi Việtnam, đã "về hưu," nằm im lìm, nhẫn nhục chịu cảnh hoang phế giữa dòng đời...

Thoáng đấy mà đã gần 12 năm... Nguyễn lái xe trở lại lưu xá của các sĩ quan độc thân (Bachelor Officers’ Quarters - BOQ) vừa mới xây xong, sang trọng như một khách sạn "năm sao," nhưng lòng anh vẫn trĩu năďng những kỷ niệm xa xưa. Các quân nhân đeo huy chương có hình lá cờ VNCH ngày càng ít đi vì đã hơn phần tư thế kỷ từ ngày tàn cuộc chiến. Trong cái mênh mang của lần trở về với quá khứ, Nguyễn bỗng nhớ đến những câu thơ của Vũ Ðình Liên:

"Những người muôn năm cũ,
Hồn ở đâu bây giờ?!."
(Ông Ðồ)


Tuyên Úy Nguyễn































































































































Qúi Vị là độc giả thứ:

Free Web Hosting