Hồi Ký:

Thăm Lại Quê Hương

Diễm Châu - TNQG


Tôi trở lại Sàigòn vào giữa tháng ba năm hai ngàn. Chuyến đi không dự định trước và vội vã như... ngày di tản buồn 30 tháng tư năm 1975, cách đây 25 năm về trước.

Dù công việc tràn đầy, nhưng khi nghe con gái tôi nói:

Nếu mẹ không về cùng con chuyến nầy, thì công việc của con sẽ bận đến năm 2010 mới đi được...

Con bé mua vé máy bay cho mẹ và cả em trai là Việt Long cùng đi, vì nghe Việt Long tỏ ý muốn về thăm "Ðất Mẹ", mặc dù cu cậu sinh ở Mỹ. Rồi cả hai đưá em út của tôi cũng đang rảnh công việc sở nên cũng tháp tùng về cho biết. Thế là chuyến đi có tất cả 5 người.

Tôi về sớm hơn 1 tuần để chuẩn bị nơi ăn ở cho mấy đứa nhỏ về sau. Tất cả chúng nó đều sinh sống tại Mỹ lâu năm, về lại Việt Nam là cả một vấn đề... từ ăn, ngủ cho đến khí hậu! Không biết có chịu nổi không!

ViVi đưa tôi ra phi trường, khi vừa vào bên trong quầy vé, thấy đàng trước một ông bác nhỏ người, tóc hói, ViVi vui mừng chạy đến chào hỏi... Thì ra ông nhà văn Nh. T.! Ông cũng đi Việt Nam như tôi, nhưng đến Ðài Bắc sẽ đổi máy bay đi Hà Nội, còn tôi thì đi SàiGòn.

Khi giới thiệu ông với tôi, ViVi hớn hở dặn dò: "Vậy là em không lo nữa rồi, có gì hỏi "anh Nh. T. sẽ giúp đỡ cho." Vợ ông cũng nói với tôi câu tương tự. Tôi cũng cảm thấy đỡ lo khi nghe những lời ưu đãi đó!

Chỉ năm phút sau, những người thân, quen chung quanh tôi đều "biến mất"! Ðống hành lý của tôi gồm hai cái valy và một thùng to tổ bố nằm chình ình trước mặt. ViVi bưng giùm một thùng để lên cân rồi còn mắc đi theo "tiếp tân quan khách" vừa gặp... Cái tật của anh chàng là vậy! Riêng Ông Nh. T. thì nói với tôi một câu "đầu tiên, cuối cùng & duy nhất": Tôi phải đưa vợ con tôi ra chỗ đậu xe, xong nhà văn cũng biến mất tiêu.

Còn lại một mình, tôi nhìn quanh quẩn... Cái va ly quá lớn và nặng hết cỡ, chứa toàn quần áo, kẹo Mỹ đem về dự định phát cho con nít nghèo ở mấy vùng nhà quê. Thôi thì ráng mà kéo, mà đẩy vậy! Thế là tôi dùng hết sức bình sinh và cái sự tức mình để lôi va ly lên cân. Sức nặng bên trong làm cho valy rớt ngược trở lại ra ngoài, cái khoá bánh xe cào vào ống khuyển tôi một vạch làm rách quần và rách cả da, kéo xước một đường dài chảy máu ràn rụa! Tôi la lên đau đớn, ngồi thụp xuống ôm chân, vừa mở bóp lấy giấy ra thấm máu! Ðã thế con nhỏ bán vé máy bay còn hỏi: Không có ai đi theo giúp mầy sao? Dù đau, tôi cũng gượng cười, nghĩ thầm... : Sao mầy không nhảy ra mà giúp... Còn hỏi!

Một ông vừa trờ tới giúp tôi bỏ va ly lên cân trở lại. Xong thủ tục giấy tờ, còn đến hai tiếng máy bay mới bay. Tôi lang thang vào... restroom thấy hình ảnh mình trong gương không được tươi tắn cho lắm! Cái quần bị rách một đường nhỏ dưới lai không có cái khác mà thay. Quần áo tôi bỏ vào valy nhỏ định xách tay theo cũng bị nhân viên hãng máy bay không chịu, bắt phải gởi theo hành lý, cho nên tôi chỉ còn cái bóp nhỏ xíu trên người với giấy tờ tùy thân và tiền bạc. Nhưng tôi nghĩ... ăn thua gì, mình đi về Việt Nam chứ có phải đi dự dạ hội đâu mà cần diện cho sang! Trước khi đi, tôi đã gỡ hết dây chuyền, vòng vàng bỏ lại Mỹ, chỉ đeo một đồng hồ Selko. Về thăm quê hương nghèo khó, ăn diện se sua quá cũng không tiện. Tôi có cái tính hơi khác người, tôi muốn ai đến với tôi, quen biết tôi với tấm lòng chân thật, không đầu môi chót lưỡi, dù ở bối cảnh nào... Mỹ hay Việt Nam thì cũng thế. Dù hoàn cảnh tôi ra sao, giàu nghèo, xấu đẹp, sang hèn... thế nào đi chăng nữa thì sự đối đãi vẫn từ lòng chân thật mà ra... Những giả dối thường làm cho tôi hay bị dị ứng rồi khó chịu, mất cả vui! Thà không biết thì thôi. Biết mà không thành thật ở xa hay không quen tốt hơn.

Ðể chắc ăn và thử lửa, tôi lại còn viết thư cho người thân ở VN tả oán, thử xem người ta sẽ tiếp đãi mình như thế nào. Áo gấm về làng thì sướng lắm... nhưng chỉ là bề ngoài thôi! Việt Nam người ta nhìn Việt Kiều thấy le lói lắm. Nhiều Việt Kiều nhìn Việt Nam cũng lấy làm hãnh diện. Dù sao da Việt Kiều cũng trắng hơn, hồng hào hơn, tóc không dính dầu, chân mang giày và bận quần sọc, nhìn sang hơn anh Việt Nam da xanh mướt và đen, tóc tai phờ phạc đầy dầu mỡ! Còn ông VN thì nhìn Việt Kiều với ý nghĩ... sẽ bóc lột được không ít thì nhiều!

Chặng đường đi đầu tiên của tôi từ Mỹ là như thế. Thôi thì cứ ngồi chờ giờ máy bay cất cánh đến Việt Nam xem sao. Dĩ nhiên là với tâm trạng buồn vui lẫn lộn, lo lắng vì những công việc đang dở dang tại Mỹ, những sự việc mình trông thấy, những khó khăn lúc đầu... cho nên tôi không cảm thấy đói suốt cuộc hành trình, khi người chiêu đãi viên hàng không bưng mâm cơm đến vẫn y nguyên, vì tôi ăn thử thấy đồ ăn không được ngon. Nhân viên thì cũng không lịch sự cho lắm... có lẽ hãng nầy giá vé rẻ nên tiền nào của nấy! Mà có khi tôi nghĩ vậy vì mỗi cô chiêu đãi phụ trách một khu vực. Chỗ ngồi của tôi nhằm vào sự săn sóc của một cô không được dễ thương cho lắm, hiếm có nụ cười trên môi, làm đổ nước lên áo dry clean của người ta mà không có một lời xin lỗi, hay đem một tờ giấy cho người ta lau...! Thôi thì tự an ủi quần rách thêm áo ướt cũng hòa hợp!

Ðến Việt Nam

Tiếp tục chờ máy bay đến Việt Nam xem sao. Ðây rồi, máy bay sắp đáp xuống phi trường Tâm Sơn Nhứt. Trên cao nhìn xuống, những cao ốc mọc lên như nấm, tôi không hề thấy xúc động. Chính xác là như thế. Quê hương của tôi đây... Ngày xưa, khi máy bay sắp đáp xuống phi trường, những mái tôn lợp nhà lóng lánh chiếu lên, như nhiều tấm gương soi mặt chĩa về phía mặt trời phát ra những tia sáng đó làm cho tôi xúc động nghẹn ngào. Bây giờ những ánh sáng tự nhiên đó còn rất ít! Nhưng... tôi cảm thấy buồn, không hiểu vì do đâu, nguyên nhân nào, hay tại mình không được happy?!

Tôi ra khỏi máy bay khá mau lẹ. Nhờ có hối lộ, tôi không bị xét hỏi gì cả. Mà không có hối lộ, tôi cũng chẳng có gì để xét ngoài áo quần, đồ chơi và bánh kẹo cho trẻ em nhà nghèo.

Trời Sài Gòn nóng không thể tưởng. Nóng một cách khó chịu, rồi hơi người làm cho tôi nghẹt thở khi tôi chờ bên ngoài!

Hy vọng được gặp mặt bà con tan đi nhanh chóng! Tôi đứng cạnh cái xe đẩy va ly chờ khoảng 15 đến 20 phút, trong lúc người lái tắc xi mà tôi chịu đi xe của bà ta đi diễu qua diễu lại không biết bao nhiêu lần trước mặt những người đi đón thân nhân nước ngoài để la lên thật lớn rằng : Chị P... ơi, có người nước ngoài kiếm chị.!!! Chẳng có một người nước ngoài nào mà không có người đón. Chỉ vài người ngoại quốc họ tự kêu xe hay có nhân viên cầm bảng tên đi đón! Bao nhiêu cặp mắt nhìn tôi ái ngại! Chắc họ đang thương hại cho một mụ Việt Kiều bơ vơ nơi cái đất... (chưa nghĩ ra chữ gì cho đúng ở đây!), nhìn rất là bình thường, có nghĩa là không giống như... Việt Kiều!

Chẳng có chị P. nào của tôi muốn kiếm cả! Mà có đến hai chị P. nào đó chạy tới nhận diện. Bây giờ thì tôi thấy vừa bực mình vừa nực cười quá sức, và tôi ôm bụng cười cười toe với bà lái tắc xi: Ðợi 10 phút nữa chở tôi đi về Hotel!

Bà tắc xi hỏi tôi ở đâu để bà chở đi tìm nhà bà con. Tôi bảo tôi chẳng nhớ địa chỉ, vì tôi cứ đinh ninh là P. đi đón đúng giờ.

Quyển địa chỉ để trong valy kềnh càng làm sao lấy ra tại đây? Tôi tính nếu chờ thêm chút nữa thôi không có ai đón thì tôi sẽ nhờ bà tài xế kiến cho một khách sạn Mini vậy.

Nhưng lúc đó thì P. đến. Chưa kịp nói gì, thì bị P. trách là tại sao chị đi đâu? Em chờ chị lâu quá, uống hết hai lon 7-up mà vẫn không thấy! Tôi cười,..."Không biết nó xạo hay mình mờ mắt đây!" Thôi thì có đón cũng đỡ hơn là không đón. Khỏi mất công thay đổi chương trình! Muốn nói sao tôi cũng nghe được. Có khi mình phải làm cây cột kiểu cây thông đứng giữa trời mà reo!

Sàigòn người vẫn đông. Bây giờ thì tôi biết tại sao ngày xưa người Mỹ qua VN lái xe hay cán chết người! Cũng bởi cái tài chạy xe ẩu! Lách, chẹt nhau, chen nhau mà chạy. Ðèn đỏ cũng chẳng thấy xe nào ngừng mà cứ chạy thản nhiên. Phía đèn xanh cũng không thấy ai có phản ứng như bực mình... mà là một thói quen. Ai cũng như ai, mạnh ai nấy chạy. Phải công nhận rằng những người tài xế lái xe hơi tại Việt Nam là những người lái xe giỏi nhất Thế Giới!

Từ phi trường về nhà, hai bên đều là tiệm bán hàng, đủ các thứ, không còn một khoảng trống nào hay là nhà ở như ngày xưa.

Sinh Hoạt Hàng Ngày

Sau khi gặp lại ngươì thân, tôi ăn bữa trưa đầu tiên là cơm tấm, món ăn tôi thích khi về Việt Nam. Tôi không biết tại sao cơm tấm Việt Nam dù chất lượng không dồi dào, nhìn khiêm nhường hơn đĩa cơm ở Mỹ, nhưng đĩa cơm có mùi hương lúa đồng quê ở trong đó. Không tin, nếu có dịp đi Việt Nam, bạn cứ thử đi, thử ngay cơm tấm ngoài chợ, không cần đi nhà hàng nổi tiếng, vì có khi họ biến chế lại giống như cơm tấm ở Mỹ, mất mùi, mất ngon.

Nghỉ ngơi một đêm, sáng hôm sau tôi thấy khoẻ ra. 5 giờ sáng, tiếng người ta sửa soạn thức dậy làm việc cho một ngày mới, tôi ra ngoài sân trước đứng trên ban công hít thở không khí trong lành ban mai.

Nhìn xuống đường thấy khoảng năm sáu chục bô lão đang tập Tài Chi đều đặn, đẹp mắt theo tiếng người ra lệnh trong máy, tôi không ngờ VN bây giờ cũng tiến bộ như vậy!

Nhà của P. ba tầng, đầy đủ tiện nghi, có 2 phòng máy lạnh, nhưng bên trong vẫn còn vài ba con muỗi sẵn sàng đi hút máu... kẻ thù Tư Bản (Việt Kiều)! Cho nên khi mấy đứa nhỏ về, xuống phòng khách ăn cơm, bị muỗi cắn te tua! Chẳng những muỗi cắn mà bọ chét từ chó mèo cũng nhảy ra hút máu... thành thử ai mấy sưng mặt sưng mũi, còn hai cái chân thì bị trầy như ghẻ luôn! Dù đã xịt thuốc chống côn trùng! Nếu bạn có về VN, nhớ mua loại thuốc sát trùng nầy, cũng đỡ hơn là không có!

Trong những ngày chờ đợi mấy đứa nhỏ về, tôi đi đổi tiền Mỹ ra tiền Việt Nam, và ngồi học xem là mấy đồng, cách tính ra sao... Dù dễ ợt mà cứ lộn hoài. Tôi đổi sẵn một cọc tiền 2000 đồng để cho những người ăn mày! Ngày đầu ra chợ, ai xin tôi cũng cho, nhưng sau thấy ở đâu họ bu lại đông quá, bị P. cằn nhằn một hồi là cho bậy bạ, sẽ bị làm phiền... nên tôi tốp lại, vì không muốn bị níu kéo giữa chợ đâm ra dễ bực mình, vì có người ăn mày mà rất hỗn! Không cho thì cứ quẹt cọ tay chân dơ bẩn vô người mình. Khi có kinh nghiệm trong vấn đề nầy, tôi chỉ giúp người nào già cả, tàn tật thôi!

Sau đó là đem mấy xấp vải mua sẵn tại Mỹ đi may áo. Có rất nhiều tiệm may áo dài cho Việt Kiều rải rác ở các Quận Sài Gòn, giá tiền công một áo khoảng 9 tới 12 đô Mỹ, tùy loại vải và may kiểu nào. Như tụi tôi may áo khoác bên ngoài áo dài (kiểu áo cưới), họ lấy công gần 20 đô la! Một bộ áo dài đàn ông gồm công may, khăn đóng và áo với loại gấm tốt giá khoảng 400 ngàn ($27US). Có tiệm may nổi tiếng lấy một bộ áo dài đàn bà gồm công và vải cả trăm đô Mỹ, vì vải do họ design kiểu! Cũng có nhiều Việt Kiều đặt may, đa số trong giới trình diễn.

Còn những nhà may nhỏ trong hẻm hay không nằm ngay trung tâm Sài Gòn, thì có nơi chỉ lấy giá bằng một nửa so sánh với những tiệm may lớn. Hiện nay tiền tệ ở Việt Nam được tính là: một trăm đô la đổi được 1 triệu bốm trăm lẻ tám ngàn đồng VN (trong tháng tư/2000), tức 1 US ra thành 14 ngàn. Bạn có thể may lấy gấp trong ngày hoặc vài ngày, tùy theo sự đòi hỏi, Việt Kiều là vua! Nhưng nhớ, nếu may nhiều quá, đưa bao nhiêu vải là phải có biên nhận để mình khỏi quên. Vì vải mua ở Mỹ VN rất chuộng, một tiệm tôi may trong khu chợ Trương Minh Giảng (tức Lê Văn Sỹ) quên không lấy biên lai họ đã giấu bớt vải của mình! Khi hỏi mới làm bộ nói: Quên! Cũng đừng bao giờ đi công việc gì vào buổi trưa, bởi vì 12 giờ, các tiệm hay chợ đều đóng cửa để ăn ngủ, cho đến 2 giờ chiều mới mở cửa lại.

Ghé thăm nghệ sĩ Hồng Vân. Ngày xưa tôi làm việc trên lầu phòng trà Ðêm Màu Hồng tại đường Tự Do, trong văn phòng hãng Thông Tấn Xã Tin Miền Nam, thì chị ấy hát ở dưới. Bây giờ chị Hồng Vân vẫn hát điêu luyện như xưa, vẫn đam mê trong nghề nghiệp, mà có lẽ chị là nghệ sĩ duy nhất của thời trước 75 còn sinh hoạt nghệ thuật cho đến giờ phút nầy.

Chị chở tôi đi đây đi đó, đãi ăn cơm, nghe nhạc, lại tặng cho tôi chiếc nón quai thao khi nghe tôi ngỏ ý cần mua một cái... Nhưng rất tiếc là không có giờ để ghé lại nhà chị lấy chiếc nón như đã hứa. Chị hát cho chúng tôi nghe bài Chung Thủy trên bàn tiệc. Em vẫn chờ khi nào anh về, dù cho bao năm bao tháng lê thê, bên mái nhà tranh hàng cau thơm vàng, vẫn êm đềm một nỗi nhớ nhung... Bài hát nầy là bài tôi vẫn thích hát cùng mẹ khi mới 13 tuổi, ngày ba tôi đi tu nghiệp tại Mỹ, cho nên khi chị hát tôi nhớ ra liền.

Chị ngâm cho tôi vài bài thơ, cùng các giọng ngâm Bích Ngọc, Ðoàn Yên Linh. Chị làm việc không ngừng nghỉ, và trong các câu chuyện chị kể, đã làm cho tôi có một niềm vui thoải mái...

Lần về thăm VN nầy, tôi không thấy hứng thú trong việc ăn uống, lý do là khi ra chợ, tôi nhìn thấy ruồi cả hàng tá bu vào thịt, vào nước mía, vào chè... Có những con gà vàng nằm trên mâm bày bán mà không thấy cái ức gà đâu vì ruồi bu đầy trên đó, họ cũng chẳng buồn đuổi! làm cho mình nổi gai ốc lên. Tôi chỉ dám ăn những thứ gì đã nấu lên, luộc lên...

Trái cây là thứ được tôi chiếu cố nhiều. Măng cụt, vú sữa, trái lòng mức (giống sa bô chê), chôm chôm, bòn bon, xoài cát, mít. mận (quả roi)... v.v.. trái nào bên Mỹ hiếm là ăn cho có, để nhớ lại trái cây VN! Có điều bực mình không biết các bạn có gặp phải như tôi không là họ tăng giá bán cho mình một cách tỉnh bơ! Chẳng hạn đi với P., uống mỗi người một trái dừa thì giá hai trái có 5 ngàn đồng. Mà đi một mình, uống một trái tới 10 ngàn! Muốn chắc ăn, trước khi ăn món gì tôi hỏi giá trước đàng hoàng, thế mà khi ăn xong, trả tiền họ lại tăng một hai ngàn tỉnh queo. Mình thấy bất công nhưng chẳng lẽ đi cải nhau vì vài cent? Thế nên tôi cứ nghĩ tại họ nghèo, đất nước mình nghèo... để thấy buồn cười cho cái làn da quá trắng của mình bị người ta nhận diện và lường gạt dễ dàng, nhưng cũng có chỗ lương thiện là nói sao tính vậy người ơi!.

Nếu bạn muốn ăn uống không bị ăn mày, những người bán vé số mời mọc làm phiền, hãy vào những nhà hàng máy lạnh mà ăn. Nhưng giá tiền thanh toán ở đây rất cao, gấp năm gấp mười ngoài chợ... cho nên tùy theo hoàn cảnh của mình mà xử. Riêng tôi, tôi thích ăn uống ngoài chợ hơn vì nhìn người ta sinh hoạt trước mắt mình nhiều chuyện lạ, cho những người ăn xin một chút tiền cũng không sao... tôi gặp có những đứa trẻ đi bán vé số cố mời mọc mình mua... tôi thương những đứa trẻ nầy hơn mấy đứa trẻ đi ăn mày, vì chúng nó chịu khó làm việc... nên tôi hay mua vé số cho chúng mà chẳng bao giờ dò, cũng chẳng biết những cái vé vất đi đâu! Ngồi trong nhà hàng thì bên Mỹ ngồi hoài, đâu có gì là lạ!

Việt Nam bây giờ cũng có siêu thị như bên Mỹ. Không phải trả giá. Nhưng chắc chắn là giá mắc hơn ngoài chợ nhiều. Thức gì họ cũng có bán. Theo tôi nghĩ thì siêu thị bên Việt Nam có nhiều thứ mà ở Mỹ không có. Người nào có tiền thì muốn mua gì cũng được. Ai giàu thì cứ giàu thêm, mà người nghèo thì đa số, cho nên những tệ trạng luôn xảy ra không tránh khỏi.

Ngày đi đón mấy đứa em và con tôi về VN, tôi ra phi trường trước 15 phút. Ðợi cả hai tiếng mới thấy chúng nó xuất hiện! Hỏi tại sao lâu thế thì mấy đứa nhỏ nhăn nhó diễn tả mấy người nhân viên ở VN kỳ cục! Bắt hành người ta làm đủ thứ, như đi qua đi lại, hỏi vặn cái nầy cái kia... Tôi cười: Có cho họ tiền không? -Tại sao phải cho tiền? Mình làm cái gì sai mà phải hối lộ! Ðó là câu trả lời của trẻ con. Tôi đồng ý, hành đã thì phải cho đi, vì tụi con nít nó đâu có biết vụ tiền bạc như người lớn! Thôi, về được không lạc đi đâu là tốt rồi.

Ðã Lâu Không Về Thăm Lại Miền Trung ...

Sau đó, nghỉ ngơi vài ngày, chúng tôi mướn xe Mini Van đi ra Quảng Trị thăm viếng Ðức Mẹ La Vang, cũng là mục đích của chuyến về VN.

Nhờ quen với một người bạn gái, chúng tôi mướn được một Mini Van tốt có máy lạnh và hai tài xế thay nhau lái rất là an toàn, giá cả cũng phải chăng. Ði từ Sàigòn, ghé Nha Trang, Ðà Nẵng, Huế, La Vang (Quảng Trị) giá chỉ có $500US trong vòng một tuần. Mình lo ăn uống và chỗ nghỉ ngơi cho tài xế, còn xăng thì chủ chịu.

Buổi sáng, xe đến rước lúc 6 giờ. Chúng tôi đã chuẩn bị thức dậy từ 4 giờ. Mùi gà chiên dưới bếp đưa lên thơm phức. Tôí qua chúng tôi đi bộ ra mgoài đường Lê Văn Sỹ, gần rạp ciné (tên gì quên rồi), trước trường Lê Bảo Tịnh cũ (hồi trước 75) mua bánh chưng bánh giò, chả luạ và nem chua. - đây họ bán ngon và có đủ thứ quà để mình lựa.

Xe chạy ra Hàng Xanh để ra xa lộ (quốc lộ 1). Hàng Xanh đang sửa đường có vẻ rộng hơn xưa nhiều. Rồi qua Thủ Ðức, Biêm Hoà, Tân Mai, Long Thành... - miệt Biên Hoà, vẫn có nhiều sập trái cây bán buởi Biên Hoà. Qua khỏi Tân Mai, hai bên đường, người ta trồng rất nhiều cây Thanh Long, trông giống như cây hoa Quỳnh bên Mỹ. Thanh Long là một trái có màu đỏ bên ngoài, lớn bằng hai cái trứng ngỗng, cắt ra bên trong ruột trắng có hột đen như hột é, ăn mát và hơi ngọt ngọt. Cách trồng Thanh Long ở VN là họ trồng một cây cột vuông cao khoảng hơn một yard rưỡi, xong cột thân cây Thanh Long cho bò lên đỉnh cột thì tự cây nó mọc lá xòe ra, nhìn xa như một cây gậy có gắn đầu tóc bên trên... Tôi để ý thấy có nhiều Thanh Long mọc hoang ở hàng rào hay bờ bụi. Dân miền nầy chắc tha hồ ăn.

Trên đường đi, tôi còn thấy phục những người dân nghèo ở vùng nầy là vì hai bên đường, những đống đá xanh được đập ra mà không bể nát đủ hình thái như ở bên Mỹ (bể do mìn), mà viên đá nào nấy đều một cỡ và vuông vức như cái hộp rất mỹ thuật. Tôi cứ thắc mắc mãi cho đến khi về lại Mỹ tôi hỏi ViVi tại sao họ đập đá cách nào mà viên đá vuông vức được như thế? ViVi trả lời tôi là họ có cái cách của họ. Cách đó là cách gì thì tôi không biết mà ViVi thì cũng... chắc không biết luôn! (Vì chưa hành nghề nầy bao giờ, lúc ấy cũng không ngừng xe để hỏi, thật đáng tiếc.)

Ðến tận Phan Thiết chiều cùng ngày tôi thấy người ta vẫn còn trồng Thanh Long. Khoảng 5 giờ xe ghé lại Tuy Hoà để ăn tối. Một quán bên đường nhìn cũng sạch sẽ, quán nầy có... "chó tiếp tân". Chắc bạn lạ lắm? Bởi vì khi xe vừa ngừng lại thì có con chó chạy ra đón khách, ngoảy đuôi mừng rỡ chứ không cắn. Xong con chó chạy vào trong sủa lên báo động cho bà chủ đang nằm ngủ thức dậy. Thấy có khách, ông bà chủ và các con chạy vội vào bếp nhóm lửa ngay.

Tôi cũng đi vào bếp coi họ nấu có sạch sẽ không thì thấy cũng sạch. Rest room ở quán bên đường nầy OK... Có mấy cây trứng cá và cây khế nhưng không cây nào có trái cả. Ông chủ thấy tôi cứ đứng nhìn lên cây kiếm trái thì nói: Trái ra ăn hết rồi và chưa đến mùa có trái lại! Lâu quá không ăn trứng cá, tôi muốn thử lại một trái xem sao... nhưng chỉ có những trái nhỏ xíu còn non chưa ăn được!

Khi trở vào bàn, tôi thấy hai ông tài và P. đang vặn hỏi bà chủ như hỏi cung... Bà chủ thì cứ luôn miệng nói: Ðừng có lo, đồ ăn mới, sạch sẽ chứ không nấu đồ cũ... Tôi order một tô mì gói vì không có mì tươi. Mấy đứa nhỏ thì ăn cơm trứng chiên, cơm sườn, cơm thịt gà luộc... Thế nhưng cuối cùng tô mì của tôi lại đắt nhất làm cho mình thật ngạc nhiên! Tôi hỏi thì được mấy ông tài xế trả lời vì trong mì gói có 3 con mực tươi! Thì ra thế! Bên Mỹ mì gói chỉ có 10 cent một gói!

Khi bà chủ quán vào lại trong bếp, tôi hỏi hai ông tài và P. sao mà bắt bẻ người ta dữ vậy thì được trả lời: Sợ bả làm ẩu, chị và mấy đứa ăn không quen, đau bụng còn phiền hơn... Nghe đâu, P. và mấy ông tài đã gặp trường hợp bực mình nhiều rồi, đề phòng trước cho chắc ăn.

Tuy nhiên, khi cơm và mì bưng ra, nhìn cũng hấp dẫn lắm, có lẽ chúng tôi đang đói, dù thức ăn chỉ là những món tầm thường! Nói chung, trong chuyến đi nầy, chúng tôi đã ghé lại nhiều quán được gọi là khá sạch sẽ và nấu ăn không dở.

Từ Tuy Hoà, xe chạy miết cho đến nửa đêm mới ghé lại một khách sạn lớn ở Tam Kỳ nghỉ qua đêm. Sáng hôm sau, mười giờ mới khởi hành đi tiếp tục. Xe lại qua Ðà Nẵng, đèo Hải Vân, Huế và chúng tôi đến La Vang lúc ba giờ chiều.

Khu nhà thờ bị bom đạn đổ nát bây giờ thành một di tích lịch sử. Xế một bên, lễ đài có tượng đức mẹ La Vang bồng Chúa Hài Ðồng hiền từ đưa tay như nâng đỡ thế nhân. Vừa xuống xe, chúng tôi đã bị một tiểu đội buôn bán đèn cầy, sách lễ, hoa lá vây lại. Chia đều ra mua cho họ khỏi ganh nhau, chúng tôi tiến vào khu lễ đài Dức Mẹ hiện ra để cầu nguyện, đọc kinh và khấn hứa với Mẹ.

Tôi đi vòng ra xa xa, những đứa trẻ con bu lại. Chúng là con những nhà nghèo khổ chung quanh đây. Tôi lôi đồ chơi, kẹo bánh ra phát cho chúng. Rồi thì mấy người lớn, những bà già cũng chạy đến xin cho cháu. Có bà cụ loà cả hai mắt... Những ông bác món cả hai hàm răng. Họ vui sướng cám ơn, và mấy đứa con nít cũng vòng tay cám ơn cẩn thận...

Ðến bên giếng nước trong vắt, một cụ già đang lấy nước cho vào nhiều thùng ny long tại đó. Tôi hỏi sao cụ bà lấy nước nhiều quá vậy? Ðây là nước Thánh mà... Cụ đáp lấy về nấu ăn cho có sức khỏe... Với nước giếng phép lạ nầy, nhiều người đến đây cầu xin ơn Ðức Mẹ và lấy về cho bịnh nhân uống, nhiều bịnh nhân đã khỏi bịnh. Những tấm bảng đồng ghi "Tạ Ơn Ðức Mẹ" đầy dẫy được gắn bên hông, dưới khán đài, tức là gốc của thân cây tùng giả tạo làm bằng xi măng, mà khi xưa, cách đây hai trăm năm, ở trên một ngọn cây tùng, Ðức Mẹ đã hiện ra cứu giúp cho mấy trăm người chạy trốn thoát được vì bị bắt đạo.

Tôi lấy ra một chai nước suối nhỏ đã uống hết, múc nước giếng đổ vào đó, với niềm tin khi nào bị bệnh, Ðức Mẹ sẽ cho tôi khỏi bịnh khi dùng nước nầy. Chúng tôi đã từ xa đến đây, không phải vì tấm bảng ai đó đã gắn lên tường có đề chữ: "Những ai tin và chạy đến đây cầu xin, Ðức Mẹ sẽ cho được như ý..." mà chúng tôi đến vì lòng mộ đạo, muốn được thấy lại nơi Mẹ hiện ra cứu người... Ðể tỏ lòng tôn kính mà thôi.

Quay trở lại Huế mướn khách sạn nghỉ qua đêm. Huế đang nô nức sửa soạn để đón chờ một buổi hội lớn. Nhiều bích chương biểu ngữ được giăng đầy thành phố. Tôi để ý thấy Sài gòn và Huế, Quảng Trị có những tấm bích chương quảng cáo ai đó vẽ rất thô thiển và cẩu thả phải gọi là xấu, kể cả những tiệm tranh tại các con đường chính ở trung tâm Sài Gòn để bán cho ngoại quốc cũng thế. Nhưng riêng tại vùng Quảng Nam, Ðà Nẵng thì tranh lại đẹp, chắc tại đây có hoạ sĩ khéo tay hơn chỗ khác...

Ngày xưa tôi đã từng học nội trú ngoài Huế, vậy mà bây giờ phố xá mọc lên như nấm tôi không nhận ra nơi nào với nơi nào. Nhà thờ Nguyễn Tri Phương gần bên nơi tôi nội trú ở cách đó ba căn, và tôi đã đi lễ tại đây hàng ngày với các sơ (soeur). Có nhiều khu lạ đến nỗi mà tôi không định hướng được là mình đang ở đâu! Tôi cũng có vài người bạn trong thời gian nội trú ở đây, nhưng bây giờ họ đã lưu lạc đi đâu hết cả. Ngay chính ngôi nhà mấy sơ áo đen ngày xưa tôi ở trọ có giàn hoa ty gôn màu hồng và trắng phía trước, hoa ty gôn nổi tiếng ngang xương nhờ bài Hai Sắc Hoa Ty Gôn của TTKH. Hoa nhỏ như những móng tay con gái bây giờ cũng biến mất! Hay là vì nhiều thay đổi mà tôi nhận không ra!

Tối hôm đó, ra tiệm vi tính để Email về cho ViVi đang đợi ở Mỹ, mấy đứa em và Diễm Thu cũng phải liên lạc với hãng. Huế rất thịnh hành trong dịch vụ cho thuê Computer này, cũng như Sài Gòn, Nha Trang, Ðà Nẵng... Bởi vì du khách ngoại quốc qui tụ về các thành phố lớn đông. cho nên dịch vụ nầy cũng kiếm ăn được. Một tiếng sau chúng tôi rủ nhau qua bên kia cầu Trường Tiền để uống cà phê... Thế là một tiểu đội xích lô chạy theo để mời. Họ dai thật, trong lúc chỉ cần qua cầu là đến nơi, mình lại muốn đi bộ chứ không phải tiếc tiền, thế nhưng họ vẫn cứ theo...

Hơn một tiếng sau, chúng tôi trở về khách sạn thì lại mấy ông xích lô lúc nãy tiếp tục chạy theo năn nỉ ỉ ôi, mời mọc... Thấy bực mình lẫn thương hại người dân xứ Huế nghèo khổ. Xứ Huế nghèo khó tang thương vì mới sau cơn lũ lụt đã thiệt hại khá nặng nề, bây giờ chúng tôi ghé qua đang rộn rịp cờ quạt biểu ngữ để chào đón đại hội năm 2000 lớn. Huế lúc nầy nóng và không có một chút gió. Khí hậu oi bức ngột ngạt. Tôi không hiểu tại sao ngày xưa mình ở tại đây tóc thề, áo dài tha thướt và mình không cảm thấy nóng! Có phải vì đã xa Huế hơn 25 năm, quá lâu làm cho cơ thể mình đổi khác?

Sáng hôm sau khi đã thăm lăng tẩm khoảng hai tiếng, mua những món quà lưu niệm, nghe chị bán hàng kể chuyện nước lụt lên tới gần mái nhà mà kinh hãi. Tôi hỏi: Rồi lúc đó chị ở đâu? -Tui leo lên mái "dà" ngồi chờ người ta tới cứu! Nghe rồi chỉ còn biết mua thêm hàng giúp chị chứ làm gì bây giờ!

Trong cung điện Huế, có rất nhiều cây ăn trái, nhất là nhãn và mít. Nhiều cây mít khổng lồ có những trái nhỏ rất dễ thương, còn nhãn thì không thấy trái nào. Cũng có chỗ cho mướn áo long bào mặc để chụp hình. Tụi tôi cười khi thấy một ông có tướng giống Tá Ðiền cũng mặc áo Vua uy nghi ngồi trên ngai. Mấy đứa em tôi nó kêu đây là ông... Vua Cỏ! Ông Dzua gì đi chân chữ bát lại đen thui lùi như cột nhà cháy! Chắc là vua Miên!

Ghé chợ Ðông Ba để tìm bún bò Huế, nhưng chẳng thấy ai bán, chắc đi không đúng chỗ và đã trưa rồi, nhưng mua được mấy cái nón bài thơ và kẹo mè xửng. Tôi lại thấy ai đó phơi một mẹt mứt hạt sen bị chảy nước ra ngoài nắng cho khô, mà eo ơi, trên mẹt thì cả đống ruồi đen thui... làm tôi hết dám mua mức mua me... chỉ vì sợ họ phơi cái kiểu đó mình ăn phải (hay bạn bè, bà con bên Mỹ ăn phải thì có nước chạy té re!).

Chúng tôi trở về Ðà Nẵng vào lúc hai giờ chiều. Ðà Nẵng có ngôi nhà thờ lớn Chính Tòa mà hồi đó, lúc gia đình dọn vào Ðà Nẵng, tôi là một giọng ca trong ban Thánh Ca Trẻ Em tại đó, dưới sự hướng dẫn của... Cha Duy.

Tôi cũng không quên Ngũ Hành Sơn (tức Năm Ngọn Núi Quê Hương) mà ngày xưa, lũ học sinh Sao Mai chúng tôi như Thu Hà, Ðiểm, Thúy Dung, Ðức Thắng, Thường, Hào, Hương... đã đạp xe đạp qua tận nơi đi cắm trại, vào thăm các hang động cũng như Chùa Non Nước trên cao. Bây giờ con đường đi vào Non Nước không hoang vắng như xưa, mà nhà cửa, hàng quán mọc kín hai bên.

Ðặc biệt Non Nước có một loại đá rất đẹp, làm ra được những kỷ vật như vòng, nhẫn (giống cẩm thạch), những hình tượng thú vật... rất là đẹp và tinh xảo. Dân ở đây mở tiệm cho biết, có khi họ thu vào một ngày cả vài ngàn đô la Mỹ là thường! Em tôi mua một cặp sư tử bằng một loại đá mầu hồng vân trắng, đựơc chạn trổ công phu, giá khoảng 55MK. Còn tôi thì mua một cặp sư tử đá trắng, thêm vài cái cối đá đâm tỏi ớt (về nhà đâm củ tỏi nào là củ nấy nhảy xuống đất hết vì chày trơn mà cối cũng trơn luôn), muốn sử dụng tốt, phải lấy dao mà quẹt cọ cho nó lồi lõm thì tỏi ớt không nhảy ra ngoài nữa! Chúng tôi mải miết nhìn ngắm, chọn lựa, mua sắm có đến khoảng ba tiếng sau mới rời Ngũ Hành Sơn trong niềm luyến tiếc vì chưa có đủ giờ leo lên trên cao, vào thăm các hang động, nhất là động Âm Phủ mà ngày xưa, khi đi cắm trại nơi đây, mỗi đứa chúng tôi kéo theo một cây mía vừa đi vừa làm gậy, vừa xước mía rất là thú vị và tiện lợi:

Niềm Vui Có Trọn Vẹn?

Xe chạy đến thành phố Nha Trang. Chúng tôi đi thăm Ðảo Khỉ ở ngoài khơi, phải qua đò mới đến. Mấy đứa nhỏ có vẻ thích và háo hức nhất là tiết mục nầy. Nước mây một màu xanh ngắt. Dừa trên đảo Khỉ thật nhiều, nhưng cấm không được hái (có lẽ để cho các quán trên đảo bán). Trên đây có hai con voi. Con Lan thì già khú đế lại mập và to, có tính xấu hay giành ăn với con Ðiệp nhỏ xiú (Ðiệp là con voi con), cho nên đa số du khách ghét con Lan mà thương con Ðiệp. Tôi nghĩ không biết ai mà đặt tên...ác thế! Lẽ ra con bé phải là con Lan mới đúng... Nhưng mấy đứa em tôi nó nói đàn bà bây giờ nhiều bà cũng... to họng, to con mà lắm lời, lại hay bắt nạt chồng! Thế thôi, đành im không có ý kiến gì nữa! Ðường vào đất Khỉ chỉ thấy toàn dừa và... khỉ! Mỗi vùng có một con khỉ đực, tức là khỉ chúa rất lớn điều khiển, nhìn là biết Vua Khỉ liền. Một con khỉ đực có khoảng hai trăm con khỉ cái (thật là đồ thú vật cũng tham lam)! Con đực nào mà bén mảng đến là.. chết! Tụi tôi đã mua sẵn bắp khô và đậu phọng để đút cho khỉ. Có mấy con khỉ ba trợn ăn cướp của tôi hết một bao bắp rồi chạy núp thật kỹ. Cũng có con hiền khô không ăn cướp, mà bốc đồ ăn trên tay mình từ tốn, rất là lịch sự. Cũng có con ba gai leo lên cao nhe răng nhái anh chàng hướng dẫn du khách đang... nhe răng cười, không phải nói chứ trông cũng giống dễ sợ, cho dù anh chàng hướng dẫn cũng đẹp trai!

Sau đó là đến show biểu diễn của gấu. Mấy con gấu to bằng con chó lớn theo lệnh của hướng dẫn viên đi xe đạp, nhảy lửa, nhảy dây... đủ trò. Có con lì không chịu biểu diễn thì sau màn trình diễn, bị đánh khóc hu hu! Lúc đầu tôi cứ tưởng ai đem con nít theo, sau thì nghe nói con gấu khóc, i như người ta khóc! Thế là mấy đứa em và con tôi cho là người ta ác... hành hạ thú vật. Tụi nó quan niệm con gấu không phải sinh ra để đi xe đạp, để bận áo đầm cắp rổ đi chợ... Rồi tụi nó không chịu coi show Chó và Khỉ biểu diễn tiếp theo... Mình không coi thì chỉ còn có ba người khách khác trên đảo, ít quá họ sẽ bỏ show, mấy con khỉ, con chó sẽ không bị đánh...

Thế là đang vui, tụi nhỏ có vẻ không thích đảo Khỉ nữa, muốn đi về... Quan niệm như thế nên mấy đứa nhỏ kéo nhau xuống thuyền để về lại đất liền. Ðúng như vậy, khi chúng tôi bỏ đi, mấy con thú vật thoát nạn biểu diễn giờ đó, mặc dù tôi cũng muốn coi con khỉ & chó biểu diễn cái gì.

Lẽ ra trên lộ trình trở về, chúng tôi còn ghé thăm thành phố Ðà Lạt, nhưng vì lúc đi không ai mang theo áo ấm cho nên phải hủy bỏ chương trình, trở về Sài Gòn.

Trước khi vào thành phố, xe lại rẽ vào Biên Hoà để đi ăn một quán đồ biển nghe nói nổi tiếng do P. đãi. Cũng lạ, quán nhậu hay bất cứ (phải nói là đa số) quán gì cũng xài bàn ghế thấp lè tè. Khi ngồi xuống là cái bụng gập lại rất khó chịu! Chúng tôi tìm một cái bàn cao bình thường ngồi vào. Món tôm càng nướng không hấp dẫn tụi tôi, bởi vì ai nấy chắc đã mệt sau chuyến đi dài, chỉ muốn mau mau về nhà nghỉ ngơi. Rồi món cua, men lụi v.v... P. có vẻ buồn khi thấy tụi tôi không hướng ứng bao nhiêu. Thật ra thì những món nầy dân nhậu chắc khoái hơn tụi tôi nhiều! Không ai biết uống bia. Tôi thì lúc nào cũng nước dừa hoặc nước lọc. Buổi ăn vãn rất sớm vì ai nấy đều mong về nhà nghỉ ngơi. Ði cả năm ngày nên mệt rồi.

Giã Từ Việt Nam

Qua một tuần ở Việt Nam, Diễm Thu và Việt Long bắt đầu bị đau bụng. Hai đứa không dám ăn một thứ gì ngoại trừ bánh mì không. Tối ngày ở trên phòng ngủ vì bịnh và sợ... thức ăn. Diễm Thu than thở: Vi trùng đang cắn bụng con! Mấy ngày trước đó uống nước mía, ăn đủ thứ rau sống chắc bây giờ mới ép phê. Thấy hai đứa bịnh, tôi cũng muốn mau về cho rồi. Mình cũng chưa bịnh nhưng lo vì công việc đang dồn đống ở Hoa Kỳ...

Trước ngày lên máy bay, tôi lang thang ra ngoài đường nhìn lại Sài Gòn. Trên cầu Lê Văn Sỹ một mùi hôi thối xông lên nồng nặc vì nước đang rút lộ màu đen của bùn rác. Một ông đứng đái tỉnh bơ, công khai trước mặt bao nhiêu người, không xấu hổ vì hành động của mình. Bên cạnh đó, một người đàn ông khác tàn tật cả hai tay lẫn hai chân, chỉ còn khúc mình đang nằm trên tấm ván có bốn bánh xe, chống hai cái cùi chõ xuống đất để đẩy chiếc xe lăn đi... Tôi muốn chạy theo anh ta để tặng anh ta ít tiền... nhưng người đàn ông đó lăn xuống dốc cầu thật nhanh...

Buổi sáng chủ nhật, tôi và cô em đi bộ trên đường Lê Văn Sỹ để ra nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế xem lễ. Tôi nhớ ngày xưa, mỗi lần mẹ tôi đưa đi lễ, ngồi hàng ghế gần phía sau cuối nhà thờ gió thổi rất là mát. Bây giờ trời đang nóng như thế nầy, không biết trong nhà thờ ở hàng ghế cuối có còn mát như xưa?

Khi tìm được một chỗ ngồi ở gần cuối, dù đã mua cây quạt giấy màu tím trước cổng nhà thờ cho chắc ăn, tôi thấy có gió thật. Thì ra hai cây quạt máy hai bên thi nhau chạy vù vù, cộng thêm gió ở phía ngoài thổi vào... Tôi đã tìm thấy không khí cũ ngày xưa. Nhưng ngày nay, 25 năm rồi mẹ tôi không còn nữa, bà đã đi về một thế giới khác... Còn tôi, tôi thấy Việt Nam mọi sự chung quanh trong đời sống đã đổi thay hoàn toàn, trẻ con không có tương lai, con nít đi ăn mày quá nhiều, chúng nó thiếu sự giáo dục vì cha mẹ mắc lo kiếm ăn thả lỏng không ngó ngàng gì đến con cái... Chỉ còn lại nơi đây... Cuối nhà thờ nầy vẫn vậy, tôi vẫn một lòng với Chúa như xưa... Nhưng ngoài ra, tất cả đã hoàn toàn đổi khác. Việt Nam chỉ còn lại một góc cuối nhà thờ nầy thôi.


Diễm Châu - TNQG





















































































Free Web Hosting