Truyện Ngắn:

Rể Trưng Vương

Hai Lần Tango
Lê Thị Ngọc Tâm


Các anh về làm rể Trưng Vương từ lâu, phục vụ tận tình con cháu hai bà quên cả thời gian, mất luôn cả tuổi trẻ hiên ngang trong âm thầm, câm nín cho mãi tới ngày vận nước đen tối, trôi dạt lưu lạc sang tận xứ ỏHoa Cờõ, tại vùng nắng ấm Houston, các anh mới được trình làng, được công nhận là rể Trưng Vương nhờ mấy hiền... nội la cà trong các siêu thị, các shopping mall tình cờ gặp nhau, hẹn hò nối lại tình bạn xưa dưới mái trường cũ. Trong tất cả các buổi họp mặt dù nhỏ dù lớn, sau khi hoàn tất nhiệm vụ giao phó, được vợ bưng cơm nước hầu tận bàn, rượu ngon lại gặp bạn hiền cùng cảnh ngộ liền lập ra nghiệp đoàn tài xế, nghiệp đoàn khuân vác, tha hồ bàn chuyện thế sự càng lâu càng tốt, phe ta không hề cằn nhằn, hoặc đòi về bao giờ, ngược lại các anh còn được tuyên dương là công đầu, nhờ các anh yểm trợ hết mình, buổi họp mới thành hình, thành công mỹ mãn ngoài dự tính.

Trước năm 1954 cuối đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, khu phố cụt vắng vẻ quạnh hiu ít ai lui tới, bộ tư lệnh Hải Quân đồ sộ chiếm vị trí khá đẹp, công viên trước mặt tiền thật thơ mộng với hàng dừa thẳng tắp in bóng trên bến sông Sài Gòn vẫn bị bỏ quên, từ ngày trường Trưng Vương dọn về khu nhà thương cũ, khoảng đường này nhộn nhịp, sinh động hẳn lên, khúc quanh cuối đường Lê Thánh Tôn rẽ vào đường Nguyễn Bỉnh Khiêm luôn vang tiếng cười nói rộn rã. Ðể kết tình hàng xóm bên Hải Quân tình nguyện đề nghị phụ trách đoàn xe hoa cho các nữ binh theo sau hai thớt voi diễn hành trong ngày đại lễ kỷ niệm Hai Bà Trưng, khỏi nói ban giám đốc nhà trường chấp nhận ngay, cả trăm nữ sinh lớp đệ tam được chọn, để chứng tỏ tinh thần trách nhiệm các anh phục vụ rất cẩn thận chăm sóc xe hoa và các người đẹp suốt buổi lễ, ngày đó máy chụp hình còn là loại xa sỉ phẩm, vậy mà các anh đã không bỏ lỡ cơ hội, vì tha hồ chụp hình các người đẹp mà không bị phản đối, lại còn đương nhiên biết được tên và địa chỉ một cách tự nhiên vui vẻ.

Bước đầu làm thân chót lọt các anh tiến thêm bước nữa, bằng một chuyến du ngoạn bến sông Sai Gòn trên chiến hạm Hát Giang, cho các nữ binh đã chịu một ngày dang nắng trong buổi diễn hành. Trước ngày đi chơi, bà Tổng giám thị cho họp các nữ sinh và ra huấn thị, nào là phải mặc đồng phục, phải giữ tư cách đứng đắn cho xứng đáng là nữ sinh Trưng Vương, đi đứng nói cười nhỏ nhẹ, không nên đùa ngịch giỡn phá quá lố... dặn dò đủ thứ, ngồi im nghe nhưng lời bà Tổng bay từ tai này sang tai kia ngay, đầu óc còn miên man nghĩ đến chuyến đi du ngoạn bất ngờ kỳ thú, còn sung sướng hơn nữa khi biết không có các cô của ban giám thị đi theo. Bước lên tầu giữa hai dàn thủy thủ đứng làm hàng chào đám khách lau nhau, làm cho các cô nữ sinh hơi chùn chân e thẹn trước sự đón tiếp đặc biệt nồng hậu, từng nhóm nhỏ được các sĩ quan dẫn đi thăm từng boong tầu và phòng điều khiển của chiến hạm, những bỡ ngỡ buổi ban đầu qua nhanh, với tính hồn nhiên của tuổi trẻ dễ hòa hợp, chỉ một ngày gặp gỡ vài tình thân đã chớm nở.

Trướ cửa trường Trưng Vương nay lại thấy xuất hiện thêm bóng dáng của các bộ quân phục Hải Quân, các cây si lại mọc dầy hơn. Ðợt của tôi niên khóa 1954-1961 có rể Bùi Cửu Viên là thành công sớm nhất với người đẹp Hồng Thủy, dù Hồng Thủy hãy còn đi học, chàng đã rước nàng lên thuyền hoa, rồi rể Vũ Ðình Ðào và Tuyết, rể Lê Văn Rạng và Ðức Hiền, rể Ân đầu bạc và Tú Khôi, và nhiều nhiều nữa mà tôi không biết và không nhớ hết. Riêng khóa Bảo Bình chỉ có hơn tám chục chàng mà sơ sơ đã có tới sáu chàng đem trầu cau đến xin làm rể Trưng Vương. Nếu tôi nhớ không lầm thì có thêm một chàng rể hụt nào đó mang tên một loài chim quí rất kiên nhẫn siêng năng trồng cây si trở thành cổ thụ mà không được ông tơ bà nguyệt xe duyên với nàng thiên nga trong mộng. Ngoài sáu chàng rể mà tôi biết nếu trong khóa còn có thêm chàng nào có diễm phúc được làm rể Trưng Vương mà tôi thiếu sót xin cho biết để ghi thêm vào danh sách.

Chị Ngô Tuyết Nga học trên tôi hai lớp, ngày còn đi học chị không ưa tôi, chị chỉ biết tôi qua hình ảnh ỏhai chị em con nhỏ ở căn nhà có ban công mầu trắngõ trên đường Ðỗ Thành Nhân bên Khánh Hội, đó là những kỷ niệm thật trẻ con của tuổi học trò, giờ này chị và tôi cùng bùi ngùi thương tiếc chị Nguyễn Thị Duy Chính người bạn rất thân yêu của chị em tôi sau giờ tan trường. Khi chị và anh Ðinh Mạnh Hùng đám cưới, tôi biết anh là Hải Quân nhưng không ngờ anh lại là bạn cùng khóa mười một, chị với tôi cùng là dâu con trong gia đình Bảo Bình.

Ngày đi di tản, chúng tôi gặp thật nhiều quí nhân phù hộ, buổi trưa đến bộ tư lệnh Hải Quân phía đường Cường Ðể và Lê Thánh Tôn đúng lúc Sài Gòn bị pháo kích, dù mặc quân phục nhà tôi cũng không vào được đành bỏ về nhà, xế chiều lại đi lần nữa, qua khỏi cầu Quay, rừng người đông nghẹt bên bến sông, chen chúc xô đẩy nhau hỗn loạn vô cùng, bỏ xe gần một ngân hàng chúng tôi len lỏi đến sát hàng rào kẽm gai ở đường Nguyễn Huệ, vì lúc đó nhà tôi vẫn còn mặc quân phục nên được vào một mình mà không được dẫn theo vợ con, may mắn gặp được một người lính đang đứng gác gần đó nhận ra nhà tôi là vị chỉ huy cũ dưới Năm Căn, bèn nói nhỏ chỉ cho một lối đi khuất sâu vào khúc quanh xa một chút và kéo hàng rào kẽm gai cho cả gia đình chạy vào trước khi làn sóng người kéo tràn tới, cho tới bây giờ sau hai mươi sáu năm sống yên lành trên xứ tự do, chúng tôi vẫn không gặp vị ân nhân ấy.

Chặng đường gian truân nhất đã may mắn vượt qua, công kênh nhau leo được lên sàn tầu với đầy đủ vợ chồng con cái thật là hạnh phúc, tầu rời bến Bạch Ðằng theo đoàn tầu di chuyển hướng ra biển, trước những đôi mắt thèm thuồng của biết bao nhiêu người trên bờ đang cố gắng tìm đường thoát thân. Tầu đang đi xuông sẻ bỗng nhiên ngừng lại vì mắc cạn ở nhà Bè, trong khi đó màn đêm xuống dần, súng lại nổ đầy trời, mọi người trên tầu nhốn nháo hoang mang, lo cầu nguyện, nhà tôi và thủy thủ đoàn cố gắng hết sức cũng không có kết quả, đang lúc tuyệt vọng nhất thì chiếc HQ 501 từ trong đang lừng lững đi ra, tầu chúng tôi vội kêu cầu cứu và chiến hạm này đã không ngần ngại hiểm nguy kéo tầu của chúng tôi ra khỏi chỗ cạn. Con tầu già dù còn đang trong thời kỳ sửa chữa khó nhọc rẽ nước tiến từ từ ra khơi, dù không có hạm trưởng, ông hạm phó và thủy thủ đoàn vẫn điều khiển con tầu và đưa được đoàn người tới điểm hẹn ngoài Côn Sơn, tới đây chúng tôi được chuyển sang tuần dương hạm HQ 3 cho an toàn, anh Ðinh Mạnh Hùng đang là hạm trưởng, tầu rất lớn mà người cũng đông, đủ mọi thành phần nằm ngồi la liệt từ trên boong tầu, trên những dãy hành lang xuống tới tận dưới khoang tầu, anh hạm trưởng thu xếp cho chúng tôi một cabin nhưng sợ các cháu nhỏ dễ bị ngộp thở, chúng tôi chiếm được một khoảng nhỏ khuất gió trên boong tầu.

Chặng đường từ hải phận quốc tế sang đến Subic Bay, tầu của chúng tôi cũng cứu vớt được thêm mấy chiếc tầu đánh cá nhỏ, chứa đại gia đình cùng hàng xóm láng giềng và mang theo cả bầy heo con, gà, vịt... Với chuyến hành trình dài và chứa hàng ngàn gia đình trên tầu, anh hạm trưởng cùng thủy thủ đoàn vẫn giữ được trật tự, vệ sinh sạch sẽ, cung cấp thực phẩm đầy đủ đồng đều cho mọi người trên tầu. Từ ngày lấy chồng Hải Quân đây là lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng bước chân lên chiến hạm của quân lực Việt Nam.

Trong trại tị nạn, nhà tôi tình cờ gặp lại anh Trịnh Ðình Thiện, thăm hỏi ra mới biết chị Thiện, Bảo Khanh, cũng là dân Trưng Vương dưới tôi mấy lớp, sau khi ra trường chị trở lại trường cũ với vai trò cao cả và đạo mạo hơn là đứng trên bục gỗ với cây roi thần. Từ ngày ra trại chúng tôi đã mất liên lạc, tình cờ coi cuốn video đại hội Trưng Vương năm 2000 tổ chức tại Houston, tôi thấy chị xuất hiện trên sân khấu vì là một trong những cựu giáo sư về dự đại hội từ Nam Cali.

Mùa hè năm 1995, chúng tôi đi chơi một chuyến vòng quanh nước Mỹ từ Houston qua Georgia thăm anh chị Phạm Thành Nhơn (khóa 10), lên Massachusetts, ghé New York thăm anh chị Trần Ðình Liệu, qua Canada, rồi về Kenosha, Wisconsin đó là quê hương thứ hai trên đất tạm dung, thành phố đã cựu mang gia đình chúng tôi của những năm đầu chân ướt chân ráo mới đến định cư, thành phố nhỏ gồm mấy con đường chính chạy từ đầu tới cuối phố, dân số chỉ độ chừng mấy chục ngàn dân hiền hòa hiếu khách. Ði xuyên bang trên xa lộ tám mươi đến Seattle, ghé Oregon, xuống Bắc và Nam Cali, sang San Diego chúng tôi tới thăm anh chị Phan Lạc Tiếp, nhóm bạn ở Trưng Vương cho tôi hay chị Tiếp cũng học cùng đợt, tôi chưa hình dung được người bạn cũ vì đợt tôi có quá nhiều bạn cùng tên với chị, hơn nữa nghe danh anh Tiếp từ lâu và đọc qua nhiều bài viết của anh, cùng với sự tò mò thúc đẩy muốn diện kiến, vừa mở cửa anh Tiếp chưa kịp nói gì, chị Tiếp đã vội reo lên rộn rã trước sự ngạc nhiên của mọi người, "Ơ, Tâm vào chơi, vào chơi, vui quá không ngờ hai ông xã của tụi mình lại là bạn cùng khóa, thế mà bao năm rồi không biết liên lạc với nhau."

Từ ngày ra trường Trưng Vương, vào đời mỗi người có cuộc khác biệt, ít gặp gỡ lại các bạn cũ dù ở ngay Sài Gòn, chỉ vài người thật thân còn liên lạc trong những dịp tiễn nhau lên xe hoa, hoặc gặp gỡ trong những công việc hàng ngày. Tôi làm tại Sài Gòn Thủy Cục trên Thủ Ðức, dù là vợ lính nhưng tôi không đi theo nhà tôi đến các đơn vị dồn trú xa, vì thế tôi mất đi những dịp gặp gỡ quen biết các anh các chị trong gia đình Hải Quân. Tính ra đã trên ba mươi năm chị Tiếp và tôi mới gặp lại nhau, cũng ở trên bờ Thái Bình Dương nhưng xa cách quê mẹ cả một nửa vòng trái đất, dù xa nhau quá lâu nhưng gặp lại nhau vẫn nhận ra và nhớ tên nhau ngay, tình Trưng Vương đặc biệt ở chỗ đó. Cuộc hội ngộ thật vui, chúng tôi liến thoắng chuyện trò quên cả hai ông xã, có một điều trùng hợp rất là đặc biệt là anh chị Tiếp có hai cháu đặt cùng tên Ngân Hà và Bắc giống như cháu gái lớn và cháu trai đầu lòng của chúng tôi. Anh Tiếp thật điềm đạm, từ tốn, anh là mẫu người của các nhà đạo mạo mô phạm hơn là trong binh nghiệp. Trên đường đi thăm thắng cảnh San Diego và cửa tiệm chị đang làm chủ, anh khen chị đảm đang chưa đủ anh ca ngợi luôn con cháu của hai bà Trưng, làm tôi ngồi bên cạnh nghe cũng được thơm lây, tuy không nhớ rõ lời khen nhưng tựu chung anh kết luận: anh, nhà tôi và các đấng mày râu phải may mắn, hạnh phúc lắm mới được làm rể Trưng Vương, đó là những điều mà nhà tôi từ lâu cũng muốn nói.

Các anh khóa mười một quy tụ ở thung lũng hoa vàng khá đông, chúng tôi về định cư tại đây hơi trễ, không có dịp thưởng thức món Pizza của rể Nguyễn Kim Khánh. Rể Trần Quang Thiệu là thợ lặn kỹ nhất không hề thấy xuất hiện trong các buổi họp bạn Trưng Vương. Ngày xưa các ông Hải Quân mang tiếng là ỏbay bướmõ mỗi bến là một bờ, nhưng cứ nhìn sáu chàng rể ỏHải Quânõ Trưng Vương đủ chứng minh lời đồn đại hơi thêu dệt quá đáng, sáu chàng rể Trưng Vương này đều một dạ trung thành với nội tướng, nữ binh dưới trướng của hai bà, dù đoàn nữ binh này chưa hề thụ huấn và tốt nghiệp trường sĩ quan Hải Quân Nha Trang nhưng lại có biệt tài lái... hạm trưởng. Sang xứ cờ hoa, rể Trưng Vương nào cũng đáng được gắn huy chương vàng, ngoài việc chính đi cầy như bàn dân thiên hạ, về nhà lại tháo vát phụ vợ con từ A đến Z. Trong lúc trà dư tửu hậu các ông thường phê phán, "Mấy bà mang tiếng nội trợ cơm nước hầu chồng con, thực sự chỉ biết làm cơm thường vớ vẩn. Chứ thực ra những đầu bếp chính nổi tiếng trên thế giới toàn là liền ông con trai có ai là phụ nữ đâu." Chuyện gì thì cãi cho bằng được chứ với lời tuyên bố trên, những cô láng giềng Trưng Vương dễ thương của các anh bèn gật gù chấp thuận ngay, để chứng minh rõ ràng hơn các nàng bèn nhường nhịn để cho các anh trổ tài làm bếp chính.

Ngày tôi đi mổ, nằm nhà thương gần một tuần, vừa về đến nhà bốn đứa con nhao nhao lên khoe, ngày đầu bố cho ăn cháo gà, ngày thứ hai cháo thịt bò, ngày thứ ba cháo tôm, cháo cá, cháo bẩy món vừa dễ ăn vừa dễ nấu (chứ không phải nhà tôi nấu cơm quá nhão bỏ ra nấu cháo đâu). Nói vậy chơi cho vui chứ nhà tôi nấu món phở lại nổi tiếng trong họ, các con các cháu đi làm đi học xa đều nhớ món phở của bố, nấu phở nổi tiếng từ khi thành phố Kenosha, Wisconsin tới Houston, sang đến San Jose, cứ nghe đến nấu phở là các con các cháu mắt sáng lên, tụi nhỏ đua nhau ăn từ tô này đến tô khác. Ngay cả các cháu ở xa mỗi lần về chơi hỏi muốn ăn món gì, câu trả lời sẽ là muốn ăn phở của bác. Nhà tôi sang New York ở chơi mấy tháng trưa nào các cháu cũng lội bộ về nhà ăn cơm bố nấu. Ngoài tài nấu ăn, nhà tôi còn định bịnh xe rất hay thợ chuyên môn không tài nào qua mặt được, tiệm giặt ở Texas City, phải thay hệ thống nước, thợ đến đòi dời máy để đào đường ống nước dưới nền nhà, nhà tôi vẽ và hướng dẫn thợ chạy đường ống trên trần nhà rất là chính xác hơn cả thợ chuyên nghiệp, chỉ thua họ vì không có license mà thôi. Nhà tôi rất chiều con và chăn sóc việc học của các con ít ai bằng. Mới chân ướt chân ráo đến Mỹ, nhà tôi đã lo tìm hiểu ngành giáo dục ở đây dể dẫn dắt đàn con, khi các cháu bắt đầu lên trung học, lo tiếp xúc với những người cố vấn giáo dục để hỏi han thể thức và điều kiện, lại còn mượn người đến tận nhà hướng dẫn. Các cháu đi làm việc thiện nguyện ở những tỉnh lân cận, nhà tôi luôn luôn khuyến khích, đưa đi đón về chu đáo. Cả khóa chỉ có một mình nhà tôi là người độc nhất không chịu vào quốc tịch Mỹ, dù vợ con họ hàng thúc dục cũng nhất định giữ vững lập trường trung thành với quốc tịch Việt Nam.

Thời gian trôi thật nhanh, mới ngày nào các anh còn oai hùng tung hoành trên khắp biển cả, giờ đây các anh đã bước vào tuổi lục tuần, phần lớn các anh đã trở thành ỏchair manõ trước màn ảnh ti vi, riêng nhà tôi từ cuối năm 1997 sau cuộc giải phẫu thập tử nhất sinh dài hơn bốn tiếng đồng hồ, giờ đây là một cọp già trong buổi xế bóng ngày ngày nghiền nghẫm những bài thơ:

"Ta sống mãi trong niềm thương, nỗi nhớ.
Thủa tung hoành hống hách những ngày xưa
...
Than ôi! Thời oanh liệt nay còn đâu."
(Nhớ Rừng của Thế Lữ.)


Mùa Xuân năm Tân Tị 2001

Hai Lần Tango
Lê Thị Ngọc Tâm

























































Free Web Hosting