Truyện Ngắn:

Duyên Tình Ðêm Trăng Tỏ

Nguyễn Tấn Hưng


Bóng trăng tròn vắt vẻo treo trên tàu dừa lả ngọn, ánh hào quang tỏa rạng khắp mọi nơi . Vạn vật, đất trời như được tráng lên một lớp tơ vàng óng ả. Lấp lánh quanh vườn, những chiếc tàu lá chuối phản chiếu ánh trăng, trông như những tấm gương xanh biếc. Xuyên qua lá cành của tàn cây vú sữa mới lớn bên hiên nhà, những đốm sáng lung linh di động trên mặt đất. Từ phía đồng không mông quạnh, dọc theo con đê nhỏ chạy dài ra lộ đá, cơn gió mát đêm hè nhẹ thổi hiu hiu. Ðó đây, khe khẽ rung lên tiếng rì rào, động đậy. Tưởng chừng như không có cảnh tình nào thơ mộng, thanh bình cho bằng cảnh đêm trăng sáng nơi vườn tược ruộng đồng.

Nhất là cảnh vườn tượt ruộng đồng này lại nằm ven ngoại ô thành phố Mỹ Tho, một thành phố có tiếng đẹp đẽ giàu sang, kỳ cựu cổ kính nhất của miền đồng bằng sông Cửu Long. Chỉ thua có mỗi Sài Gòn... "Trên Sài Gòn dưới Mỹ Tho. Ðâu đâu thiên hạ cũng nhường cho", ông Học Lạc đã từng đề thơ như vậy . Mặc dù trên đường Nam tiến, tổ tiên ta đã dừng chân tại cù lao Phố bên dòng Ðồng Nai, thuộc tỉnh Biên Hòa, trước tiên! Mỹ Tho, thành phố duy nhất có đường rầy xe lửa nối liền với Sài Gòn ở trong Nam. Một trạm dừng chân không thể thiếu của biết bao nhiêu hành khách và hàng hóa hàng hàng lớp lớp đổ về, trước khi tản mát và phân phối khắp miền quê lục tỉnh và luôn cả Nam Vang. Bằng đường thủy, qua hệ thống sông rạch và kinh đào chằng chịt: sông Tiền, sông Hậu, sông Ba Lai, Hàm Luông, Cổ Chiên, Cung Hầu, Ba Thắt, Ðịnh An, Tranh Ðệ, kinh Chợ Gạo, Giao Hòa, Chệt Sậy, Mân Thít, Xà No, Vĩnh Tế.

Ðó là chưa nói đến những lần hẹn hò dẫy đầy kỷ niệm! Ðó là chưa nói đến những buổi chia tay ràn rụa nước mắt! Trên bến vắng chiều hôm hay sân ga sáng sớm của dập dìu muôn ngàn tài tử giai nhân! Trong tiếng còi tàu và còi ... xe lửa xé nát tim gan! Ðể rồi, có thể chỉ còn là những hứa hẹn, đợi chờ suông, đã phần nào thể hiện qua:

"Ðèn Sài Gòn ngọn xanh ngọn đỏ
Ðèn Mỹ Tho ngọn tỏ ngọn lu
Anh về học lấy chữ nhu
Chín trăng em cũng đợi mười thu em cũng chờ"

Cầm lấy miếng kẹo đậu phọng, Hiếu ấn mạnh ngón tay cái xuống dĩa, bẻ một góc nhỏ bỏ vào miệng nhai nhóp nhép. Mùi thơm lừng lên mũi và vị ngọt đọng trên môi, thắm vào lưỡi . Bưng tách trà nóng hớp một ngụm, Hiếu nói:

- Trời đẹp như vầy mà ngồi đây tán gẫu, coi bộ tụi mình như đang phí lãng của trời một đêm trăng thanh gió mát trong đời người ..., người ...

Thấy Hiếu ngập ngừng, Tài, thằng bạn học cùng lớp với Hiếu, cắt ngang:

- Người gì? Hì hì, dám chắc nó đang nghĩ trong đầu lạ trong đời người ... cô phụ lắm, tụi mầy!

Cả bọn cười vang. Hiếu phân trần:

- Vừa phải thôi tụi bây . Tao định nói là trong đời người ... học trò! Chớ tụi mình chẳng đang làm những người học trò là gì hả?

Hòa, bạn cùng cấp nhưng khác lớp với Hiếu và Tài, biểu đồng tình:

- Cũng có lý!

Nhưng Thịnh, bạn cùng cấp nhưng khác lớp khác trường với cả ba Hiếu, Tài và Hòa vì đang học trường tư, là một trong tứ quí miệt vườn, bốn... tiên ông nho nhỏ đang quây quần bên tiệc trà, bác bỏ ngay:

- Thôi mầy ơi, mầy đừng có nói tránh! Tao biết cái bản mặt của mầy quá mà, đầu óc của mầy lúc nào lại không nghĩ đến em, em, em... Thì cũng đúng là trong đời người ... học trò đó, nhưng mà học trò gái, có phải vậy không, chịu thiệt đi!

Hòa vỗ tay đánh "bốp," cười ré lên:

- Ðúng lắm, trúng y chang! Vậy mà tao nghĩ không ra và nghĩ không xa bằng thằng Thịnh chớ. Có lý, có lý!

Hiếu ngăn lại:

- Ê, tụi mầy nói nhỏ nhỏ thôi, nói lớn quá chị Hai tao nghe được thì chỉ lại dũa cho một mách điếc con ráy bây giợ

Tài vặn bớt "vô-lume", đề nghị:

- Vậy thì còn chần chờ gì nữa, dẹp mẹ ba thứ này đi rồi vọt. Mà định đi chùa nào? Chùa nào có nhiều em?

Thịnh chửi thề:

- Ðù me, đi chùa rằm tháng bảy mà nó hỏi chùa nào nhiều em thì có thánh thần, trời Phật nào chứng giám cho lòng từ tâm, ủa ... đúng ra là tà tâm, của nó đây chớ!

Nhận thấy tình trạng này có hơi thiệt thòi cho thân phận gia chủ, Hiếu bèn xen vô giải bày:

- Từ từ đã, mình thanh toán ba cái ngữ này xong rồi đi cũng còn đủ thì giờ mà. Chẳng lẽ công tao bày biện mọi thứ rồi nửa chừng ngưng ngang? Làm như vậy thì lần sau tụi mầy tới, tao cho tụi mầy uống nước lã. Ê, bộ tụi mình định bỏ luôn cái mục đờn ca xướng hát hay sao? Mà thôi, bây giờ tao tính như vầy! Gần gần đây thì có chùa Quan Âm trên chợ Ðồng Xanh, chùa Phổ Ðức ở đường Vòng Nhỏ, chùa Phật Ân nằm ngay dưới phố, bên kia cầu Quây có chùa của Chà Và coi như bỏ đi, rồi còn muốn đi xa hơn nữa thì chỉ có nước lội vô chùa Vĩnh Tràng! Vậy thì mình chọn chùa nào?

- Ði, chùa nào cũng chùa, đi chùa Vĩnh Tràng cho em nhờ đi thầy ba! Với lại, chùa lớn đông người vui hơn!

Tài vừa dứt tiếng thì liền bị Thịnh rủa cho một phát:

- Ðù me, chùa chiền mà nó cũng méo mó nghề nghiệp nữa! Cha, coi bộ mầy muốn về nhà sớm nên mới đưa đề nghị kiểu như vậy!

- Nhứt cử lưỡng tiện mà mậy! Chớ còn mầy thì sao, lại chẳng gần nhà hơn à? Ðình làng... ta nào có xa chùa xự nó là bao, mầy sao hay làm kỳ đà cản mũi quá!

Thịnh giục:

- Ê, Hiếu nè, hay là mầy vô nhà xin phép chị Hai đi rồi ôm tập vở theo tụi tao đặng sáng mai đi học luôn lớp hè Pháp văn cho tiện. Còn thằng Hòa nữa! Vọt tỉnh đi chớ, hả? Mầy đâu có cần thưa trình, xin hỏi gì ai!

Nhà ba má Tài ở gần chùa Vĩnh Tràng, đối diện xéo xéo qua con hương lộ thì đúng hơn. Tức con đường chạy từ Chợ Cũ lên xã Tân Hiệp, nhà ga Tân Hiệp, xuyên qua quận Bến Tranh, mang tên Trịnh Hoài Ðức nối dài . Ðây là một căn nhà lá ba gian hai chái, cột kê tán đá xanh, giống theo lối cất thông thường của hầu hết bà con chòm xóm ở vùng này . Chung quanh nhà đầy cây ăn trái, những dừa, chuối, mận, xoài, ổi, bưởi, vú sữa ..., liếp này nối tiếp mương kia, trùng trùng điệp điệp. Con đường từ nhà dẫn ra con đê cát mở gà, là một lối mòn uốn khúc ngoằn ngoèo, xuyên qua những tàn cây, bóng mát rợp nắng trên cao . Con đê đủ rộng cho xe hơi chạy này nằm dọc theo kinh xáng Cụt và đâm thẳng ra hương lô Bởi vậy, xóm này còn được gọi là xóm Kinh Xáng Cụt. Nếu không muốn đi vòng theo ngã lộ đá, người ta có thể vào thị xã Mỹ Tho bằng cách lội bộ ngược bờ đê kinh xáng và qua đò trên sông Bảo Ðịnh, tại bến đò Ty Công An. Hiếu rất thích về đây chơi với Tài, vì anh chị em Tài đông, không thiếu gì người để cho chàng trò chuyện, tán gẫu .

Còn Thịnh thì đóng đô ở ngôi nhà lá xập xệ phía sau đình làng, dọc theo hương lộ và cùng một phía với chùa Vĩnh Tràng. Gần Chợ Cũ hơn, hiển nhiên. Ba Thịnh làm "tài xế" xe tàu mo hiện đại, tức xe gắn máy lôi, hiệu Goebel, chạy đường Chợ Cũ - Gò Cát. Gia đình nào có con một cũng vậy, nếu không vắng vẻ thì cũng phải quạnh hiu . Chính vì thế không mấy khi Hiếu léo hánh xuống nhà Thịnh chơi! Ðã vậy còn nghe nói ông nội của Thịnh đang mắc bịnh ho lao, quanh năm suốt tháng chỉ ở nhà sau, không bao giờ ló mặt ra ngoài!

Trong khi đó, Hòa là dân Phú An Hòa, một xã giàu có nổi tiếng của quận Trúc Giang bên tỉnh Bến Tre . Ông bà già của Hòa kể ra cũng chịu chơi, dám lấy tên làng đặt luôn cho con làm kỷ niệm: Lê Phú An Hòa . Bây giờ, kẹt dữ, Phú An Hòa đã phải di tản, chạy sang vùng Ðất thánh Tây của Mỹ Tho, phía tiếp giáp với đường Nguyễn Tri Phương, ăn nhờ ở đậu đặng đi học.

Chị em Hiếu là dân Bến Chùa, từ cầu Bến Chùa đi sâu vô miệt ruộng rẫy bưng biền, ném về quận Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho, đã cất được ngôi nhà riêng nho nhỏ trong xóm Cầu Sắt. Ðối diện với Xóm Tre qua con lộ mới, tức là đường xe lửa cũ vừa mới gỡ đà, cán đá xong. Nhưng cũng có người gọi đây là xóm Cầu Ðúc, nếu muốn tính theo trục lộ Mỹ Tho - Trung Lương. Cầu cho xe lửa thì cầu sắt còn cầu cho xe hơi thì cầu đúc, như một thông lệ của ngành công chánh, của sở trường tiền. Ấy vậy mà cũng không thiếu gì người thường hay gọi trổng khu này là khu Năm Nồi! Tại vì gần đó có hãng cà rem Năm Nồi. Chỉ trệch xuống một chút và nằm bên kia đường, gần ngã ba đi vào nhà máy Khương Hữu. Ðúng ra không phải vậy! Mà chính thực họ muốn ám chỉ một khu vực đã từng vang bóng một thời với nhiều kỹ nữ, em út nhảy dù ban đêm. Trong cảnh ruộng vườn... gà vịt óc eo, ễnh ương uềnh oang, vạc sành ra rả. Và cùng vô số gò mối, mả lạng xung quanh!

Ngẫm nghĩ lại, Hiếu cũng chẳng hiểu tại làm sao mà chàng lại kết thân được với Tài và Thịnh, hai thằng bạn ở tuốt bên... phía bên kia của thành phố. Ðể mỗi lần muốn gặp nhau phải xách xe đạp, đạp lọc cọc suốt cả mấy cây số đường trường. Khi thì đơn thân độc mã, khi thì chàng và Hòa đèo nhau, một thằng ngồi đạp và một thằng ngồi ghé trên ổ khóa, khóa vòng ngang đòn gánh, và gác ké hai bàn chân lên hai con ốc chuồn...

Ðêm nay, quang cảnh chùa Vĩnh Tràng rất khác với mọi đêm! Rằm tháng bảy mà lị! Ngày Vu lan bồn, ngày xá tội vong nhơn, ngày báo hiếu, ngày của mẹ với "Bông Hồng Cài Áo", vân vân. Ði hết con đường trải đá đỏ từ lộ cái đưa vào, mờ mờ dưới ánh trăng, hai bên dừa chuối xum xuê, người ta ngạc nhiên thấy hai cổng chính và mặt tiền chùa sáng rực lên với những bóng đèn điện giăng mắc khắp đó đây . Nam tả nữ hữu, bên này dành cho thiện nam, bên kia dành cho tín nữ, hai cổng chùa sừng sững như hai tháp chuông cao mấy từng. Trên đó lấp lánh những rồng bay, phượng múa vì được cẩn bằng ốc xa cừ và miễng sành tráng men đủ màu xanh trắng đỏ tím chàm... rất là tinh vi, nghệ thuật. Khoảng giữa của vòm cổng có khắc năm khởi công xây cất và năm khánh thành, 1940-1942.

Tuy có hai cổng cho hợp với lẽ âm dương, nhưng thực ra cổng bên trái hầu như chẳng ai xài, cỏ mọc lan trên đất đá, che phủ gần hết lối đi . Cổng bên phải, nối tiếp con đường từ ngoài dẫn vào, rất là tiện lợi . Có thể bước lên chính điện qua mấy bậc tam cấp ở ngay bên hông chùa hoặc đi thẳng ra hậu liêu ở phía sau . Khác với các chùa nhiều tầng, mái cong vút như chùa Thiên Mụ, chùa Xá Lợi ..., chùa Vĩnh Tràng chỉ có một tầng trệt lợp ngói âm dương, cũ mốc rong rêu, trông như một cái đình làng vuông vức. Lẫn khuất trong chòm cây bụi cỏ, hầu hết những ngôi mộ lớn xây bằng đá xanh, đá cẩm thạch có bao lơn vòng thành cũng nằm ở phía bên phải này, phía mặt trời mọc. Mái hiên tây tiếp giáp với một khu vườn khác, rậm rạp um tùm hơn nhiều ...

Khách thập phương đi viếng chùa lớp quỳ, lớp ngồi, lớp đứng đông nghẹt cả chính điện. Hồi chuông mõ và lời kệ ngân nga trầm bổng, dìu dặt chan hòa theo tiếng gió đưa kinh. Mùi trầm hương lúc phảng phất, lúc ngào ngạt tỏa ra trong không gian mờ đục hơi sương, thỉnh thoảng có giọt rơi đánh "độp" trên lá cành. Rất tiếc, không có bầy cọp con cọp mẹ nào chịu quỳ nghe kinh ngoài sân cả, mà là cặp từng cặp, tay trong tay dun dăng dun dẽ khắp đó đây! Dưới những tàn cây lá xum xuê hay ngay giữa trời cao lồng lộng, lấp lánh ánh trăng vàng.

Bỗng dưng, có câu chào tiếng hỏi ngay bên hông mình:

- Ê, tụi mầy đi đâu đây, Hiếu, Tài!

Hiếu quay lại và lờ mờ nhận ra Khúc, Phan Ðiệp Khúc, trong bộ sơ-mi măng-sết trắng, quần tây, giày béc-ca-na láng cớng. Nếu Khúc mà nhập bọn với Hiếu, Tài, Hòa, và Thịnh thì tứ quí lại sẽ hóa ra ngũ quỉ, Hiếu hay nghĩ vậy! Vì Khúc là dân có tiền hay xài sang và thường bày ra nhiều trò lắm vẻ chọc phá xóm làng, vui cười hả hê đùa giai mệt nghị và cũng lắm khi bị phản phé đến... cười ra nước mắt! Hiếu bớt thân với Khúc hơn kể từ khi hai đứa chọn sinh ngữ chính Anh và Pháp văn khác nhau . Nhưng, giờ đây, Hiếu không trả lời thằng bạn mình mà quay ra chào hai nương tử đi chung:

- A, chào chị Châu, chị Hương! Mèn ơi, hóa ra mình không hẹn mà gặp hén! Hai chị mạnh giỏi?

Người em nhanh nhẩu, vọt miệng:

- Chị Châu và chị vẫn bình thường! Còn Hiếu thì sao? Cha, nhà ở xa dữ quá mà Hiếu cũng chịu khó lội xuống đây hả?

Chợt nhớ ra là ba tên kia trong đám tứ quí của mình hình như chưa giáp mặt hai người đẹp lần nào, Hiếu đành lên tiếng:

- À, xin lỗi, đây là Tài, Hòa và Thịnh, bạn cùng trường cùng cấp với Hiếu và đây là hai chị Dương Châu và Hoài Hương, chị kết nghĩa!

- Chào hai chị, chào hai chị, chào ...

Miệng chào mà mắt ngó con người ta lom lom từ đầu xuống chân, đứa nào cũng vậy . Hai nàng bình thường đã đẹp, bây giờ dưới ánh trăng rằm, lại càng đẹp hơn. Thêm vài nét liêu trai mờ mờ ảo ảo trên khuôn mặt trái soan đều đặn của bà Châu, trên cái sóng mũi thẳng cao, dọc dừa, và đôi môi hay cười chúm chím của bà Hương. Trên cặp mắt bồ câu ra ràng ngờ ngệch và cặp mắt nai vàng ngơ ngác rừng sâu . Tiên đồng, ngọc nữ là đây! Vì xiêm y của hai nàng cũng thướt tha lung linh chi lạ, áo dài thêu tay thuần túy của Việt Nam ta thì còn phải nói . Vài cánh hoa tim tím trên nền trắng trinh nguyên cũng như vài đóa hồng rực rỡ trên nền vàng hoàng yến. Rõ ràng hai bà đã có ý chưng diện trước đám đông trước khi đi lễ ngày hôm nay, Hiếu nghĩ vậy .

- Chào các anh, chào các anh...

Hiếu nghe trong lòng có chút gì hờn ghen bởi hai câu "chào các anh..." thốt ra từ mắt môi người đẹp. Ðâu phải chỉ vì ba thằng quỉ sứ đó to con, lớn xác hơn Hiếu một chút xíu mà lại kêu bằng anh? Phải kêu bọn nó bằng tên, như kêu Hiếu kia kìa, mới không thiên vị! Ðã vậy còn đưa tay ra cho bọn nó bắt nữa chớ, sao bữa nay hai bà chị này lại văn minh tân tiến hết cỡ nói vậy cà?

Nghĩ lại, Hiếu hơi tiếc rẽ là ngày nào được dịp làm quen với hai bà chị xinh đẹp, dễ thương này là do sự giới thiệu của Khúc! Phải chi lần đó gặp gỡ bất thần ở một nơi nào, ngoài đường hay ở trường học, không nhờ nhõi chi cái thằng cốt đột Ðiệp Khúc đó dẫn về tận nhà, thì đỡ cho Hiếu biết bao nhiêu! Rồi chỉ vì Khúc có bà con xa gần gì gì với hai bà "xẩm lai" không biết nói tiếng Tàu, chưa hề "đái gốc xoài, bị phạt đồng hai"... mà Hiếu phải chịu lép vế làm em. Trong khi chàng chỉ nhỏ hơn nàng em út kia chỉ có một tuổi rưỡi . Nếu đem so với "nhứt gái lớn hơn hai, nhì trai lớn hớn một", thì chàng với nàng cũng đứng vào hàng... một rưỡi vậy!

Thì ra ông bà già Tàu cũng thuộc loại "nhớ nước đau lòng con quốc quốc" dữ lắm nên mới không ngần ngại vọng cố hương mà đặt tên cho con gái mình! Hiếu chẳng biết cái xứ Hàng Châu, Dương Châu, Quảng Châu gì gì ở bên Trung Quốc nó nên thơ, thanh cảnh ra sao mà đến nỗi lúc nào ông bà già cũng phải ... Hoài Hương cho cả đời mòn mỏi! Làm như hai nàng Kiều tỉnh lỵ này là con cầu con khẩn không bằng!

Có tiếng Khúc đánh tan bầu không khí ngại ngùng của buổi ban đầu:

- Rồi sao, tụi mầy đã đốt nhang lạy Phật, cúng vái cầu nguyện gì chưa? Hay chỉ nghe đồn là năm nay trong chùa có làm chay lớn mà định vào đây ăn cơm... chùa?

Tài buông một câu gọn lõn:

- Mầy biết tụi tao quá mà mầy còn hỏi đon hỏi ren làm chi nữa, Khúc? Chớ còn mầy thì sao, hả? Dám đã ngả mặn từ hồi sáng sớm rồi lắm! Ðừng có suy bụng ta ra bụng người, nghen bạn!

Hiếu chợt nhớ ra hai bà chị kết nghĩa của mình thuộc loại ... đạo dòng, đạo vòng vòng thì đúng hơn, bèn mon men xáp lại đứng gần sát một bên, ghé vào tai Hoài Hương thì thầm:

- Chết rồi, đúng là có thiên thần chứng giám nghen chị Hương! Cuối tuần này đi nhà thờ chị nhớ là phải xưng tội đó!

Hoài Hương nói nhỏ:

- Thôi mà Hiếu, chị đã nhiều lần xưng tội chỉ vì ma đưa đường quỉ dẫn lối rồi, giờ có xưng tội thêm một lần nữa chắc cũng không sao! Mà cũng tại Hiếu đó, mới tuần trước đây đã rủ chị xây cơ thì còn phải nói!

Một mùi thơm con gái, ngay ngáy như mùi sả, tỏa từ tóc tai da thịt người trinh nữ, thoang thoảng dâng lên tận mũi làm Hiếu ngất ngây, phải hít nhẹ một hơi đầy vào hai buồng ngực, rồi mới từ tốn tiếp lời:

- Á, người ta rủ chị chơi là một chuyện, còn chuyện chị muốn chơi hay không chơi lại là một chuyện khác. Chị nên biết là ông Adam chưa bao giờ trách cứ bà Eva đã cho ổng ăn trái cấm hết đó nghen! Bởi vậy, chị cũng đừng phiền trách chi Hiếu mà mất lẽ bác ái, công bằng!

- Hứ, nếu không phải tại Hiếu thì tại ai, còn ai trồng khoai đất này? Hiếu dụ dỗ chị nhiều lần rồi mà chị chưa hài tội thì đã là may phước lớn! Ðừng có đổ thừa, gán ghép cho chị nữa mà coi chừng bị chị cú đầu, quánh đòn bây giờ!

Hiếu tiếp tục nữa đùa nữa thật:

- Thôi mà, tội nghiệp quá, đừng có cú đầu quánh đòn chi đau lắm, chỉ cần ngắt véo vài cái thì cũng đủ điếng hồn...

Mà rồi Hiếu bị Hoài Hương ngắt véo thiệt, một cái rất là kín đáo ngay bên eo ếch như bị cua kẹp mà Hiếu cắn răng không dám la . Nhưng, hên quá, bỗng có tiếng Khúc réo giựt ngược: -

Chị Hương, chị Hương..., chị không chịu nghe người ta bàn thảo gì hết trơn, cứ ở đó lo gây gỗ với thằng Hiếu hoài . Nè, có người đề nghị với chị là đi ra phố chơi đó, ăn cơm nhà hàng nữa đó, chị có đồng ý đi không? Hay là ở đây ăn cơm chực rồi về!

Hoài Hương hơi ngỡ ngàng, hỏi lại chị:

- Sao bà Châu? Giờ này mà đi phố coi bộ hơi trễ hả?

- Ừa, chị cũng nghĩ như vậy! Hay là để dịp khác đi, mình đã có ý đi chùa thì cũng nên ở lại đây ăn cơm chùa cho trót! Thử một lần cho biết mấy món ăn chay lạt với người ta .

Vừa nghe đến đó thì Tài không nhường bước cho một ai hết, lăng xăng ra điều anh chị bự, cung kính chìa tay:

- Vậy thì mời ... cô Châu, cô Hương.

Cô Châu, cô Hương? Ðúng là thằng này định đi nước tiên đây, Hiếu nghĩ! Chưa chi đã đổi tiếng chị thành tiếng cô, chơi gác bạn bè thấy rõ! Mà có lẽ hắn đang nhắm vào cô chị, chớ coi mòi chưa dám đá động gì đến cô em, bà chị Hoài Hương thân mến của Hiếu . Nhưng, còn hai tên kia nữa thì sao, thằng Thịnh và thằng Hòa bọn nó cũng đâu có vừa gị Thiệt tình, trai thấy gái như mèo thấy mỡ, đứa nào cũng muốn giựt, giành làm của riêng hết.

Mà xưa nay có cuộc tình nào lồng trong mối liên hệ chị em không đây, Hiếu tự nhủ. Ban ngày chị chị em em, tối lại chị với em quay cà rem nước dừa cũng được mà. Vả lại, có quay cà rem ban ngày ban mặt hay ngay giữa phố chợ cũng chẳng sao . Vì bà Hoài Hương lùn tịt, đứng thấp hơn Hiếu nửa cái đầu, nếu sánh vai bên nhau thì trông cũng xứng đôi vừa lứa lắm. Ðối với Hiếu, hình như chưa có một giao tình nào gọi là thuần túy, hoàn toàn anh em hay chị em giữa hai người gái trai khác họ, nước lã người dưng, chẳng bà con cật ruột gì với nhau . Ý chà, mà dẫu có bà con xa hay gần gì gì đi nữa họ cũng chẳng cần biết, một khi đã quyết tâm hướng theo tiếng gọi của con tim thì họ vẫn nhào vô xáp lá cà như thường! Vậy thì đâu có gì trở ngại khi Hoài Hương yêu Hiếu chớ! Mà bả nào đã yêu thương gì Hiếu cho cam, bả còn lóc chóc loi choi, trẻ con quá xá cỡ! Có thể, chỉ một mình Hiếu thương thầm mà thôi, tình yêu kia rồi như đã đơn phương, một chiều . Hiếu bâng khuâng chợt hiểu như thế!

Chốn hậu liêu của chùa là một ngôi nhà dài năm gian, nằm ngang, ba mặt vách bổ kho và một mặt để trống ngó lên chùa . Bên trong, đèn đuốc sáng trưng. Những bàn tròn bàn vuông, những bộ ván nhỏ và những chiếc đi-văn con do xóm giềng xung quanh mang tới cho mượn, đã được kê đâu đấy ngay hàng thẳng lối . Ở đó, rất đông khách thập phương đủ mọi hạng người, từ quần hàng áo nhiễu cho đến khố rách áo ôm, ngồi xen kẽ lẫn lộn với nhau tự nhiên dùng bữa . Từng nhóm nhỏ đã thân mật, ồn ào qua câu chuyện riêng của nhóm mình. Hình như ai ai cũng đang rộng mở lòng từ bi hỉ xả và muốn độ tất cả chúng sinh...

Nguyên băng cái bang của Hiếu đang đứng lao nhao nơi cửa ra vào trông vô, ngó dáo dác định tìm chỗ trống, thì thời may có bà sư nữ tuổi đã sồn sồn trong bộ áo già bà ba, bước đến mở lời, hỏi han:

- Chẳng hay các cô cậu đi chung với nhau có cả thảy là mấy người vậy? Ðịnh tìm người quen hay là muốn lót lòng một bữa cơm chay lạt với nhà chùa?

Biết là sư cô hỏi thật tình, nhưng, coi bộ thí chủ cũng hơi khó đối đáp cho cái mục dẫn xác tới chùa, ăn cơm chùa quá! Vì đang đứng trước, Thịnh phải gồng mình quay lại đếm đầu sơ sịa, rồi làm gan trả lời:

- Dạ, tụi cháu có cả thảy bảy đứa, năm trai hai gái, thưa cô. Dạ, mà tụi cháu cũng không có quen với ai ở đây hết trơn á!

Sư cô hiểu ý ngay:

- Không sao, không sao hết, cứ đi theo cô! Lại đây, lại đây ...

Len lỏi vòng quanh một hồi mới tìm được bộ bàn ghế trống. Ðể hai nương tử Dương Châu và Hoài Hương vén áo dài đặt đít ngồi tựa vào vách, Khúc và Hiếu mới ngồi tiếp theo hai bên. Tài, Hòa và Thịnh nhập vô giáp mí một vòng tròn.

- Cứ tự nhiên đi! Chị Bảy ơi, chị làm ơn lo giúp tôi mấy cô mấy cậu này đây nghen!

Sư cô nói vọng sang những người làm công quả, rồi bỏ đi ra ngoài, sau khi nghe một tiếng "dạ" nhỏ từ đằng xa . Hiếu quay qua nhìn Hoài Hương đang đâm chiêu trông theo bóng người sư nự Vẻ liêu trai, tinh quái trên gương mặt giờ như đã thay thế bằng vẻ ngô nghê, phiền muộn. Ðẹp chẳng ra đẹp, khờ chẳng ra khờ. Chắc bà này đang suy ngẫm, và có thể, đã chứng ngộ được điều gì chăng? Chàng tằng hắng một hơi dài để gợi sự chú ý của bà chị rồi kề tai nói nhỏ:

- Chị Hương biết hôn, lần này hên là tụi Hiếu được nhập bọn với chị. Có lẽ nhờ hai chị ăn mặc tử tế đàng hoàng mà có sự tiếp đón nồng hậu của sư cô, chớ còn nguyên đám đực rựa năm tên ngũ quỉ này mà bang bang vô hả, chắc chỉ có nước bị đẩy xuống bếp ngồi một xó đằng kia kìa .

Hoài Hương mỉm cười:

- Chị không nghĩ như vậy đâu, Hiếu . Ðừng quên rằng, đối với Chúa cũng như đối với Phật, mọi người đều bình đẵng. Sự khinh trọng ở đời này đều chỉ do con người ta bày đặt ra mà thôi .

Úi cha, bà này bữa nay định ăn nói theo kiểu Phật, Pháp, Tăng nữa hay sao đây ta! Hiếu còn đang ngớ ngẩn thì người đàn bà làm công quả bưng đến một dĩa cơm trắng, một dĩa rau ghém đủ loại gồm cả chuối chát và khế chua xắt lát, cùng một tô canh kiểm lớn, nấu với bí rợ, chuối xiêm, khoai lang, khoai mì, nước cốt dừa vàng óng ánh. Thấy bắt chảy nước miếng... Nhưng, đột nhiên, Tài không ngại ngùng nhận ra người quen:

- Ô, thưa dì Bảy! Má con có ở đây không dì?

Người đàn bà đáp lời với giọng thờ ơ:

- Ờ, Tài đó hả! Má của con mới vừa về hồi nãy! Mấy đứa này là bạn của con hết đó hả? Thôi, để dì đi lấy thêm mấy món mặn, món xào . Mà muốn ăn món nàỏ Dì có thịt heo kho tàu, thịt heo quay, thịt nạt ram, thịt chuột xào sả, mắm thái Châu Ðốc..., ôi thôi đủ thứ!

Dương Châu ngạc nhiên, hỏi tới:

- Cái gì lạ quá vậy dì? Ở chùa thì phải ăn chay lạt, mà sao cháu nghe toàn là món mặn không vậy?

Dì Bảy giải thích luôn một mạch như muốn nói với chính mình: - Ôi, mấy bả hay gọi vậy cho tiện việc đó mà. Thịt heo kho tàu thì có gì đâu, bột mì tinh làm mỡ, đậu hũ chiên làm thịt, da heo thì đậu hũ chiên chiên vàng thêm một chút, rồi cột lại thành khối trước khi bỏ vô nồi kho . Thịt heo quay thì cũng tương tự như vậy, nhưng thay vì kho thì đem chiên. Thịt nạt ram thì cũng đâu có khó gì, lấy xác đậu đó, trộn với sả ớt đập dẹp thành bánh rồi đem phơi nắng cho thiệt khô, xong đem vô chiên vàng lên là được. Còn thịt chuột thì chính ra là bắp chuối xắt nhuyển hột lựu vậy thôi . Nè, mắm thái Châu Ðốc ngon lắm nghen, làm toàn bằng dưa leo với củ cải thái mỏng, phơi dốt dốt rồi muối với thính, riềng, tỏi ớt. Ấy vậy mà ăn với cơm bắt lắm... À, mà lát nữa nhớ nhắc dì lắc cho mấy chiếc nem thịt chó nghen!

Nem thịt chó? Hay muốn gọi theo đúng Phật sự hơn thì đây là món chả chó? Hai tiếng "chả chó" bỗng dưng như vang lên trong đầu và làm cho Hiếu nhớ đến sự tích Mục Liên - Thanh Ðề, cốt nói lên ý nghĩa sâu xa của ngày Vu lan, ngày xá tội vong nhơn. Bồ tát Mục Kiền Liên là đệ tử lớn của Phật lúc còn tại thế, nhưng oan nghiệt tiền kiếp đã trói buộc với ngài, vì ngài có bà mẹ rất ư độc ác là bà Thanh Ðệ Bả đã từng làm "chả chó" đem vô chùa cho các tăng ni, sư sãi ăn thì phải biết! Bởi vậy lúc chết xuống cõi âm, bà đã bị bầy ngạ quỉ đầy đọa hành hình rất là tàn nhẫn ở mười tầng địa ngục. Mục Kiền Liên dùng huệ nhãn nhìn thấy mẹ mình đang bị đền tội mà thương xót vô cùng, bèn mang đến cho bà một bát cơm đầy trong cơn đói lả. Bởi tánh tham lam ích kỷ vẫn còn, bà vội lấy tay trái che lại vì sợ bầy quỉ đói cướp giựt đi và tay phải lùa vào miệng. Nhưng than ôi, tội lỗi của bà trên dương thế vẫn còn dầy, những hạt cơm kia bỗng hóa thành than, bốc lữa . Mục Kiền Liên than khóc khôn nguôi rồi bạch cùng đức Phật xin chỉ dạy cách giải cứu mẹ được thoát khỏi kiếp ngạ quỉ súc sinh. Phật dạy rằng: "Tuy lòng hiếu để của ngươi đã động đến chư thiên, nhưng một mình ngươi không làm gì được, muốn cứu mẹ thì ngươi hãy đợi đến rằm tháng bảy, sắm sửa hoa quả trai điển mà cúng dường chư Tăng, thỉnh nguyện chư Tăng hỗ trợ, cùng nhất tâm cầu nguyện với ngươi thì việc kia mới mong có cơ may toại thành viên mãn được"... Bởi vậy cho nên ngày này người mình mới có tục hay dâng sớ lên chư Tăng nhờ cầu siêu, độ mạng cho những người thân đã mất. Và theo Hiếu nghĩ, chuyện lợi dụng ngày làm chay hằng năm, nhằm bố thí một bữa ăn no đủ cho đám cô hồn đói khát lạnh lẽo, rồi vào chùa ăn cơm chực mà không chịu cúng dường là một điều không nên làm...

Vừa nói xong dì Bảy bỏ đi một nước không cần ai trả lời, trả vốn, hỏi han một tiếng! Rồi từ từ, dì lần lượt mang lại cho bọn Hiếu đủ hết những món mà dì đã ra công cắt nghĩa, kể cả hai món ruột không thể thiếu là tương và chao chùa, làm sẵn tại chùa . Món nào Hiếu thấy cũng ngon hết, có lẽ vì lạ mắt lạ miệng chăng? Thoáng một chốc mà dì Bảy đã phải hai lần đơm thêm hai dĩa cơm trắng. Cho đến lúc dì mang lại bảy chiếc nem, mỗi đứa một chiếc, thì ai nấy đã no đầy bụng. Ăn nem như ăn tráng miệng vậy thôi . Từng lớp lá chuối bên ngoài héo bên trong xanh được bóc ra, kế, mấy chiếc lá vông nem, bên ngoài lá già bên trong lá non, rồi mới đến miếng nem chua tươm mật đỏ ối, thơm phưn phức. Mùi vị nào có khác chiếc nem mặn, nem thịt là bao ...

Hoài Hương muốn học nghề:

- Dì làm ơn chỉ cho cháu cách làm nem chay đi dì Bảy.

- Ờ, có khó gì đâu con. Mình lấy vỏ bưởi đó, có bưởi đỏ càng hay, lạng bỏ lớp the bên ngoài rồi đem ngâm nước muối độ vài tiếng đồng hồ. Xong, xả bóp cho thiệt sạch và đem ra nắng phơi cho héo héo, đặng lúc ăn nó mới dai dai . Bắc lên bếp một nồi nước lớn, hấp cách thủy mớ vỏ bưởi héo đó và nhớ rưới lên một muỗng giấm nuôi . Canh chừng độ vừa chín tới thì đem đổ ra cối, quết cho thiệt nhuyển. Vậy rồi đem trộn với đu đủ bào, thêm một chút muối, bột ngọt, đường cát. Sau hết là đem gói với lá vông, lá chuối tươi, cột chặt lại và treo lên giàn bếp. Ðộ vài ba ngày là có thể ăn được. Nhớ là cách làm đu đủ cũng tương tự như làm vỏ bưởi, thì cũng ngâm nước muối, xả bóp cho thiệt sạch và đem phơi dốt dốt... Chỉ có vậy thôi, khéo tay hay không là do mình làm nhiều lần, thêm bớt gia vị cho hợp với miệng ăn.

Tài vui miệng đề nghị:

- Hay là cuối tuần này cô Hương cứ làm thử đi, tôi sẽ ra công quết vỏ bưởi giùm cho, bảo đảm chỉ làm thí công chớ không tính tiền đó.

Nữa, thằng này lại bắt đầu xâm lấn biên cương? Chưa chi đã đòi làm thí công cho người đẹp! Bằng mọi giá, Hiếu phải tìm cách bảo vệ lãnh thổ của mình. Nhưng đừng có lộ liễu quá, Hiếu tự nhắc. Ðang lúc phân vân chưa biết phải phản công như thế nào thì chợt nghe lời đối đáp của Hoài Hương qua cái liếc mắt thật nhanh sang phía chàng:

- Dạ, không dám, cám ơn anh!

Ừa, phải ngăn chận bước tấn công cùng làn sóng xâm lăng lắm khi rất... vũ bão của nó như vậy mới được nghen... chị Hoài Hương! Chẳng lẽ "chị" không nghĩ gì "tình chị em" của mình bấy lâu nay hay sao?

Biết không thể ngồi chơi xơi nước lâu dài ở đây được, cho nên sau khi uống xong tách trà lạt, mỗi người một tay, cả bọn tức thì phụ giúp dì Bảy dọn dẹp sạch sẽ chiến trường cho những người khách phương xa kế tiếp. Mớ chén đũa, bát dĩa dơ này được mang thẳng ra các sàn nước ở phía sau chùa bắc tạm trên làn mương lớn ăn thông ra con rạch. Ở đây, đèn đuốc cũng sáng trưng và rất đông người làm công quả, trẻ cũng như giạ Mọi người vui vẻ cười đùa, chuyện vãn vang rân. Hình như họ đang rất bằng lòng với sự đóng góp khiêm nhường của họ cho ngày đại lễ, một công việc chung của tất cả bàng dân thiên hạ quanh vùng.

Ðể khỏi mất thì giờ chen chúc qua rừng người ở dãy nhà ngang và vì sẵn có lối mòn bọc hậu, cả bọn liền men theo hàng dừa tơ mới trồng vài năm trên liếp, dọc theo lạch nước, đi đường tắt vòng ra ngoài sân. Luồng gió đêm khuya thổi tạt vào người, nghe ơn ớn lạnh, nổi da gạ Cành lá lao xao tuồng như có những bước chân đi trên không. Mặc dù "tiết tháng bảy" năm nay chẳng có "mưa dầm sùi sụt", cũng chẳng có "toát hơi may lạnh buốt xương khô" vốn rất thích hợp cho sự lang thang của những hồn ma đói khát..., nhưng mà nhìn quanh chàng, mờ mờ dưới ánh trăng, Hiếu thấy nào có thiếu chi đâu những cô hồn, các đảng của thời đại, những xác thân vất vưởng, vật vờ đang đói khát chút... tình yêu của tuổi mộng mơ, thời mới lớn. Hiếu đi nhanh cho kịp bước Hoài Hương rồi nghiêng mình khẽ nói:

- Hiếu chịu cái câu trả lời của chị nói với thằng Tài hồi nãy lắm đó! "Không dám, cám ơn anh, " kể ra, nghe cũng lịch sự, xuôi tai ...

Tuy ngoài miệng nói cứng như vậy nhưng trong lòng Hiếu vẫn chất chứa nhiều nỗi phân vân. Không biết rồi đây cái "duyên tri ngộ" của Tài và cái "tình lần lữa" của Hiếu đối với Hoài Hương trong đêm nay, một đêm trăng tỏ, rồi sẽ ra sao? Sẽ nặng và sẽ nghiêng về phía bên nào? Hiếu nghĩ chắc mình cần phải cúng dường thật nhiều cho các chư Tăng, để chư Tăng hỗ trợ và cùng chàng nhất tâm phát nguyện, không phải cho một vong linh khuất mặt khuất mày nào, mà là cho một ước mơ nhỏ nhoi thầm kín, rất khác với tất cả mọi người ...


Nguyễn Tấn Hưng





















































































Free Web Hosting