Hồi Ký:

ÐẢO VIEQUES, PUERTO RICO

Tuyên Úy Nguyễn


Một chiếc máy bay bị trục trắc máy không cất cánh được đã gây ảnh hưởng giây chuyền khiến Nguyễn bị trễ đến mấy tiếng đồng hồ. Khi anh đến phi trường quốc tế San Juan, thủ đô của Puerto Rico, thì đã gần nửa đêm. Hai thượng sĩ nhất ra đón Nguyễn và vài người nữa, cũng phải chờ suốt khoảng thời gian đằng đẵng ấy. Họ đưa Nguyễn ra hãng cho thuê xe Avis để nhận một chiếc loại nhỏ, do Bộ Hải Quân đài thọ như thường lệï, dùng cho những ngày anh sẽ công tác ở căn cứ hải quân Roosevelt Roads. Thêm tiếng rưỡi đồng hồ lái xe nữa mới về đến căn cứ, rồi làm thủ tục nhận phòng ở lưu xá dành cho các sĩ quan độc thân (Bachelor Officers’ Quarters); đến lúc Nguyễn có thể nghỉ thì đã gần 3 giờ sáng. Anh điện thoại cho trung tá tuyên úy trưởng của căn cứ và nhắn lại rằng sẽ đến văn phòng muộn hơn vào sáng hôm sau.

Mười giờ sáng, Nguyễn bước vào phòng họp với sáu tuyên úy và gần một chục phụ tá. Ngoài tuyên úy trưởng trách nhiệm tổng quát, các tuyên úy trong căn cứ chia nhau đảm trách những đơn vị, từ không quân (của Hải Quân) đến các cầu tàu, bệnh viện, đơn vị Công Binh Chiến đấu (Seabees), đến toán Người Nhái (Seals), Thủy Quân Lục Chiến và cả lực lượng đặc biệt (Special Force) của bên Bộ Binh, họ trực thuộc bộ tư lệnh Miền Nam (CINC South). Ngoài ra còn có nhiều đơn vị nhỏ khác nữa.

Sau cuộc họp, tuyên úy trưởng David Remy đã đưa Nguyễn đến chào đại tá chỉ huy trưởng và đi một vòng quanh căn cứ để anh có một cái nhìn tổng quát. Ðã có những điểm tương tự giữa Roosevelt Roads và căn cứ Subic Bay của hải quân Mỹ trước đây ở Phi Luật Tân, mà Nguyễn đã ghé qua trên đường đi "tị nạn" năm nào. Naval Station Roosevelt Roads hiện là một căn cử hải quân lớn nhất của Hoa Kỳ ngoài lục địa Mỹ, nằm về phía Ðông của "quốc gia"hải đảo Puerto Rico đang hưởng chính sách Commonwealth của Hoa Kỳ. Căn cứ này còn bao gồm cả hơn phân nửa đảo Vieques, nơi có vùng "oanh tạc tự do" bằng bom đạn thật và đang có cuộc tranh chấp khiến cả thế giới phải để ý.

Hôm sau, Nguyễn đã đi với tuyên úy trách nhiệm bên không quân để thăm viếng các phi đội. Những chiếc phi cơ thám thính EP-3, tương tự như chiếc đã phải đáp khẩn cấp xuống đảo Hải Nam của Trung quốc, đang rồ máy chuẩn bị cho chuyến tuần tiễu khá lâu, có khi đến 12 tiếng đồng hồ. Mấy chiếc vận tải C-141 của Không Quân Mỹ đã làm anh nhớ lại những chuyến bay đầu đời tị nạn từ Subic Bay đến Wake Island, rồi từ đó vào Fort Chaffee ở Arkansas. Những chiếc trực thăng loại lớn CH-53E có thể câu được một khẩu đại bác hay một xe Jeep loại mới (Humvee); rồi đến những chiếc phản lực có in hình ngôi sao đỏ, một phù hiệu thông dụng trong các nước thuộc khối Cộng sản trước đây. Hỏi ra, Nguyễn mới biết đó là những chiếc A-4 có nhiều điểm tương tự như các chiến đấu cơ của khối Cộng, được dùng để huấn luyện.

Trước khi đi công tác sáu tháng, các tiểu hạm đội ở Ðại Tây Dương đã phải đến vùng biển quanh đảo Vieques để tập trận. Những lực lượng quân sự ở căn cứ Roosevelt Roads sẽ đóng vai trò "địch quân" cho họ. Các chiến đấu cơ A-4 do những phi công nhiều kinh nghiệm lái đã thường làm điên đầu những phi công cất cánh từ hàng không mầu hạm, nhất là các chàng mới ra trường. Ðối với những tàu chiến, căn cứ đã có những chiếc phi cơ không người lái (drones) kéo theo các mục tiêu để họ thử hỏa tiễn chống máy bay (surface-to-air, địa-không) hay các phao nổi để họ thử loại chống tàu chiến (surface-to-surface, địa-địa). Một cách tóm tắt, tất cả các lực lượng của tiểu hạm đội đều phải tập và thử những vũ khí (bằng đạn thật) của mình trước khi đi công tác (deployment).

Ngày kế tiếp, Nguyễn đã nghe thuyết trình (briefed) về đảo Vieques, được biết có một đơn vị an ninh thường xuyên trú đóng trên đảo, anh đã quyết định ra thăm họ vào hôm sau. Vieques dài khoảng 30 cây số và chỗ rộng nhất khoảng 8 cây số, nằm đối diện và chỉ cách căn cứ Roosevelt Roads trên 12 cây số, giữa hai bến tàu. Chiếc catamaran (loại tàu có hai thân bên dưới được nối bằng mặt phẳng làm sàn tàu bên trên) chạy khá nhanh trong tình trạng biển lặng; nhưng hôm nay biển động, có những lượn sóng "bạc đầu" nên nó chỉ có thể đạt tới vận tốc gần 20 knots (khoảng hơn 30 cây số) một giờ. Ðôi khi Nguyễn tưởng như chiếc catamaran đã "bay" từ đỉnh lượn sóng này qua đỉnh lượn sóng kế tiếp. Cuối cùng thì tàu cũng đến được bờ biển của đảo Vieques. Một xe "van" mà tài xế là người địa phương đã chờ sẵn để đưa Nguyễn về trại (camp) Garcia. Ðường dài khoảng 8 cây số, anh phải đi qua một trong những thị trấn chính trên đảo, Isabel Segunda, nơi có một sân bay với khá nhiều máy bay loại nhỏ thường dành cho khách du lịch, một "trung tâm du lịch" với nhiều ngôi nhà đang được xây cất. Phần còn lại, nói chung là một thị trấn nghèo. Ðã có một vài hàng chữ viết nguệch ngoạc trên tường "Hòa bình cho Vieques" hay những nét phấn viết vội trên cửa kính xe. Càng gần đến trại Garcia, càng thêm nhiều khẩu hiệu chống sự hiện diện của Hải Quân và TQLC trên đảo.

Tại cổng chính, nơi đã có những cuộc biểu tình hồi tháng Tư (2001), Nguyễn thấy khoảng vài chục cây thánh giá gỗ, sơn trắng với các hàng chữ đen ghi tên của những người chết, được cắm sát bên ngoài hàng rào. Phe biểu tình đã cáo buộc rằng những người này đã chết vì ảnh hưởng chất độc từ các bom đạn. Ðối diện với cổng, một ngôi nhà chỉ cắm cờ Puerto Rican và nhiều khẩu hiệu bằng vải giăng chung quanh. Cổng trại được canh gác bởi những nhân viên an ninh người địa phương. Bên trong, còn một cổng thứ hai do lực lượng an ninh quân đội đảm trách. Xe phải đi khoảng một cây số nữa trên con đường đất bụi mù mới tới trại Garcia, nằm trên một đỉnh đồi với những ngôi nhà tiền chế, nhà "di động" (trailers), hoặc chỉ là những lều vải. Trong trại, ngoài đơn vị an ninh, đã có thêm toán Công Binh đến trước để dựng thêm những lều vải, chuẩn bị cho cuộc tập trận mang tên COMTUEX (Composite Training Unit Exercise - Huấn Luyện Hỗn Hợp Ðơn Vị Thao Diễn) của tiểu hạm đội Hàng Không Mẫu Hạm (Aircraft Carrier) Theodore Roosevelt, CVN-71 trong những ngày sắp tới và sẽ kéo dài gần 3 tuần lễ. Nguyễn đi thăm các đơn vị và báo cho họ biết anh sẽ dâng thánh lễ ở lều ăn (mess tent). Sau thánh lễ, anh lại thấy thêm hai "công binh chiến đấu" đến xin dự lễ! Nguyễn đã phải hứa với họ là sẽ trở lại vào tuần sau.

Trước giờ cơm trưa, một hạ sĩ an ninh quân đội đã đưa Nguyễn đi "xem" các tháp canh và hàng rào cắt ngang hải đảo. Con đường đất ngoằn ngoèo dài hơn 5 cây số, vắt quanh những sườn đồi và thung lũng, có những lúc chiếc xe Jeep đã phải "bò" thật chậm vì đoạn đường quá xấu. Cứ khoảng nửa cây số lại có một tháp canh với những ngọn đèn pha, ngày đêm được an ninh canh giữ. Hàng rào "mắt cáo" được tăng cường thêm với những vòng kẽm gai (concertinas) nhọn khoắc đã khiến Nguyễn có cảm tưởng như đang đi cạnh biên giới của một quốc gia thời chiến. Người hạ sĩ an ninh quân đội chỉ cho Nguyễn những chỗ đã bị đám biểu tình cắt thủng và được vá tạm hay được chồng thêm những vòng kẽm gai khác.

Trở về gần đến trại Garcia, thì xe quay ra hướng bờ biển phía Nam. Qua sân cỏ rộng, Nguyễn thấy một sân bay "chiến thuật" dành cho trực thăng và phản lực lên thẳng (Harriers.) Bộ chỉ huy tiền phương cuộc đổ bộ của TQLC thường được đặt ở đây. Bãi biển "Ðỏ" (Red Beach) gần đó là nơi các xe lội nước AAVs đổ bộ. Tuy nhiên, vùng "oanh tạc tự do" chỉ là một dải đất nhỏ thuộc miền cực Ðông (Punta Este) ở cuối hải đảo, cách trại Garcia đến 13 cây số, cách nhà người dân gần nhất 14 cây số. Nhưng nó cũng chỉ cách các hải đảo du lịch Saint Thomas và Saint Croix, trong nhóm đảo Virgin Islands, có vài chục cây số.

Một tai nạn xảy ra cách đây hơn hai năm đã khởûi đầu cho cuộc tranh chấp kéo dài dai giẳng đến nay: Cạnh vùng oanh tạc và tác xạ tự do, Bộ Hải Quân đã cho xây những lô cốt kiên cố để quan sát. Những lô cốt này khá xa chỗ bom nổ, nên nhiều khi một số nhân viên dân sự đã leo lên nóc lô cốt để "xem" máy bay thả bom! Không may, hôm đó có một thiếu úy phi công phản lực mới ra trường, cất cánh từ một hàng không mẫu hạm, đã ghi nhầm tọa độ, và ném một lượt hai quả bom 500 cân Anh xuống cạnh lô cốt ấy. Tai nạn đã khiến một người chết và vài người khác bị thương, tất cả đều là những người ngồi xem trên nóc lô cốt! Những người khác đứng bên trong lô cốt thì không việc gì. Dĩ nhiên, vấn đề không chỉ đơn giản như vậy.

Ông Kha Luân Bố (Christopher Columbus) đã đến đảo Puerto Rico trong chuyến thám hiểm Mỹ Châu lần thứ hai của ông vào năm 1493. Cũng như những hải đảo chung quanh được đặt theo tên các thánh như Saint Thomas, Saint John, Saint Christopher... Puerto Rico thoạt tiên có tên là đảo Thánh Gioan Bao-ti-xi-ta (San Juan Bautista) và thị trấn lớn nhất được đặt tên là Puerto Rico (Hải Cảng Trù Phú hay Phú Cảng), vì dân bản xứ đã đem cho đoàn thám hiểm một ít vàng tìm thấy ở dòng sông cạnh đó. Nhưng một lầm lẫn đáng tiếc đã xảy ra, nguyên do là vì người ghi sổ đã điền nhầm tên của hải đảo vào khung của thị trấn và ngược lại. Từ đó người ta vẫn giữ tên Puerto Rico cho hải đảo thuộc địa của Tây Ban Nha (Spain) này.

Năm 1854 Spain sát nhập đảo Vieques vào lãnh thổ của Puerto Rico. Sau khi thất trận trong cuộc chiến với Mỹ, năm 1898 Spain đã nhượng lại cho Mỹ tất cả những thuộc địa của họ. Từ Tây Thái Bình Dương, trong đó có đảo Guam, đến các hải đảo miền Ðông của vùng quần đảo Caribbean kể cả Puerto Rico. Ngoài ra, Spain còn "sang nhượng" Phi Luật Tân cho Mỹ với giá 20 triệu Ðô-la.

Năm 1917 người dân Puerto Rico được phép trở thành công dân Mỹ nhưng chỉ ở mức độ giới hạn, họ không được bầu tổng thống Mỹ. Năm 1922 Puerto Rico được kể là lãnh thổ (Territory) của Mỹ, nhưng không thuộc Liên Bang Hoa Kỳ (Union). Năm 1941, Mỹ thiết lập những căn cứ quân sự ở các đảo Culebra và Vieques. Dải đất cực Ðông của Vieques được chọn làm nơi tập trận bằng bom đạn thật cho Hải Quân và Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ.

Năm 1952, Puerto Rico được theo thể chế Commonwealth, được có chính phủ riêng nhưng vẫn lệ thuộc vào chính quyền Liên Bang Mỹ. Ngược lại chính phủ liên bang trợ cấp tài chánh cho họ như một tiểu bang ở lục địa vậy. Tuy nhiên, từ khoảng hai thập niên qua, đã có những phong trào đòi độc lập, muốn Puerto Rico trở thành một quốc gia như Cuba, Haiti hay Dominican Republic. Ðôi khi những nhóm này đã đi đến chỗ bạo động. Năm 1997 chính phủ liên bang Mỹ đã cho phép Puerto Rico mở cuộc trưng cầu dân ý (Referendum) và kết quả đã khá bất ngờ như sau: Giữ nguyên tình trạng Commonwealth: 48.6%; trở thành một tiểu bang của Hoa Kỳ: 46.3%; và số cử tri muốn độc lập chỉ có 4.4%. Người dân Puerto Rican đã có cái nhìn thực tế hơn một số chính khách ở Washington DC, họ không muốn độc lập để rồi trở nên nghèo khổ như Haiti.

Trong khi đó, dân chúng trên đảo Vieques, phiên âm từ chữ Bieque (đảo nhỏ) của thổ dân Taino, sau khi bị sát nhập vào Puerto Rico, đã nổi dậy chống lại quân đội của Spain, nhưng thất bại. Nhiều người đã bị bắt làm nô lệ và đày qua Puerto Rico. Cũng trong thời kỳ này, một số quốc gia đã tấn công muốn chiếm Vieques làm thuộc địa như Anh, Pháp, Dan Mạch (Denmark), nhưng tất cả đều bị quân Spain trú đóng trên đảo đẩy lui.

Năm 1941, quân Mỹ đến lập căn cứ, họ đã dùng đến 2/3 lãnh thổ ở cả hai đầu của Vieques. Dân chúng, lúc đó có khoảng 10 ngàn người, đã bỏ không trồng mía làm đường nữa. Họ bán đất cho chính phủ liên bang rồi đi làm công xây dựng các căn cứ với số lợi tức cao hơn là trồng mía nhiều. Khi hết việc, nhiều người đã phải di cư qua các đảo lân cận, đăïc biệt là Saint Croix để tìm kế sinh nhai. Hai lần, vào những năm 1945 và 1960, chính phủ Puerto Rico đã cố tái lập hệ thống kinh tế nông nghiệp cho Vieques nhưng đều thất bại. Khoảng giữa thập niên 60s hãng General Electric đã cất một nhà máy sản xuất đồ điện ở đây và còn tồn tại đến bây giờ.

Ða số dân chúng trên đảo vẫn còn cảm tình với quân đội và không muốn họ ra đi. Nhưng những tên tài phiệt và đám hoạt đầu chính trị đã gây lo âu trong họ, cũng như những người quan tâm đến vấn đề môi sinh và phe chủ hòa. Chúng đã dùng những người này làm hậu thuẫn cho âm mưu đen tối của chúng để biến Vieques thành một hải đảo du lịch, bất kể đến nền an ninh của quốc gia. Nhiều kẻ có tiền từ lục địa cũng bắt đầu kéo nhau ra đây mua đất với giá rẻ mạt để cất nhà hưu dưỡng. Trên đường trở lại cầu tàu, người tài xế đã chỉ cho Nguyễn những ngôi nhà mới được xây cất thật đẹp cạnh bờ biển và nói rằng mỗi căn sẽ được cho thuê với giá 700 Mỹ kim một đêm!

Một ngày sau khi Nguyễn trở lại căn cứ Roosevelt Roads thì cũng là thời gian các chiến hạm vào bến. Anh đã lên chiếc Tiếp Vận Hạm USS Detroit, AOE-4, để gặp và tiếp đón vị tuyên úy cũng như trên 650 thủy thủ, khi tàu ghé lấy nhiên liệu cho toàn cuộc tập trận sắp đến. Tàu sẽ cung cấp nhiên liệu cho tất cả các tàu chiến của tiểu hạm đội, kể cả HKMH Theodore Rossevelt và nhiên liệu cho những toán trực thăng. Các chiến hạm Mỹ, dù là những hộ tống hạm (Frigates), nhỏ nhất, cũng có sàn đáp và có một hoặc hai trực thăng tăng phái trên tàu. Chiếc USS Detroit còn mang thêm các loại vũ khí khác, như thủy lôi, hỏa tiễn v.v... cho tiểu hạm đội. Ngoài ra, một số chiến hạm nữa cũng vào bến như Tuần Dương Hạm (Cruiser) USS Leyte Gulf, CG-55; Khu Trục Hạm USS Ross, DDG-71, cùng loại (class) với chiếc USS Cole, DDG- 67, đã bị hai tên khủng bố đánh bom ở Yemen trước đây; một hộ tống hạm và hai tàu ngầm loại tấn công (Attack Submarines.) Một nửa tiểu hạm đội gồm HKMH Roosevelt và các chiến hạm còn lại đã vào bến ở đảo Saint Thomas.

Buổi tối, Nguyễn cùng các tuyên úy ở Roosevelt Roads đã mời hai tuyên úy, vị thứ hai đã từ chiếc USS Layte Gulf, đến nhà trung tá chỉ huy phó của căn cứ để dự bữa tiệc từ giã hai sĩ quan sắp lên đường lãnh nhiệm vụ mới. Cứ mỗi hai hoặc ba năm là các quân nhân Hoa Kỳ phải đổi đơn vị một lần. Ðối với các tuyên úy, không ai có thể tránh trách nhiệm đi biển, làm việc với Thủy Quân Lục Chiến hay lực lượng Tuần Duyên (Coast Guards) mà tại ngũ lâu được. Các cuộc thăng cấp đã hệ tại rất nhiều vào những lần làm việc đặc biệt này. Từ cấp đại úy trở lên, trung bình cứ mỗi sáu năm các sĩ quan mới ra hội đồng thăng thưởng, nếu bị loại, họ chỉ được thêm một cơ hội nữa vào năm sau, nếu không lên cấp thì thường là họ phải về hưu "non" (trước khi hoàn tất 20 năm quân ngũ) và không được hưởng lương hưu trí sau này.

Ngày thứ Bảy, mọi người đều được nghỉ, Nguyễn cùng vài thủy thủ, trong nhóm công tác, đã "xuống phố." Bọn anh đã đi thăm thành phố cổ và Pháo Ðài thánh Phi-líp-pê thành Morro (Castillo de San Felipe del Morro) ở San Juan. Pháo đài này đã trấn giữ cửa biển cho cả thành phố với một hỏa lực khá mạnh vào thời bấy giờ. Nguyễn cố tình đội chiếc mũ (cap) của tàu USS Detroit, có thêu hình một con cọp rất đẹp, để tìm hiểu xem dân chúng Puerto Rican "ghét" quân đội Mỹ đến cỡ nào. Quả như thống kê, đa số dân chúng vẫn còn thiện cảm với quân đội, một vài người nhìn Nguyễn với cái nhìn tò mò hơn là ác cảm. Trong các hàng quán thì, dĩ nhiên, chẳng ai nói gì.

Lần trở lại Vieques thứ hai của Nguyễn (13/6/2001) cũng là ngày khởi đầu cuộc tập trận. Tại cổng chính, từ sáng sớm đã có một số người tụ tập và la ó, đặc biệt khi có xe ra vào trại. Toán an ninh đã được tăng cường thêm 160 nhân viên nữa, cộng với 130 cảnh sát liên bang (U.S. Marshals) và một số lớn cảnh sát từ Puerto Rico tăng phái. Trong khi đám biểu tình chỉ có khoảng 80, 90 chục người vào những ngày đông nhất. Bất ngờ, sáng hôm sau, 14/6, có tin tổng thống Bush đã quyết định sẽ đóng cửa trại Garcia, không để Hải Quân và TQLC tập trận ở Vieques nữa kể từ tháng 5 năm 2003. Tuy nhiên, ông cũng ra lệnh cho Bộ Quốc Phòng phải tìm một giải pháp khác để các binh chủng này có chỗ tiếp tục tập trận. Nhưng mọi người đều biết rằng không thể nào tìm được một Vieques thứ hai trong toàn cõi Bắc Ðại Tây Dương.

Những cây thánh giá gỗ ngoài cổng trại Garcia đã làm Nguyễn suy nghĩ nhiều. Sự kiện các cựu quân nhân tham chiến ở Kuwait và Iraq, trong trận chiến vùng Vịnh đầu thập niên 90s, đã vướng những căn bệnh không tên; và sau cuộc không tập phá tan lực lượng quân sự của Yugoslavia (Serbia) vài năm trước đây, nhiều quân nhân trong khối NATO cũng than phiền là đang mang những căn bệnh mà bác sĩ không tìm ra nguyên nhân! Phải chăng đó là hậu quả của chất Uranium thô (Depleted Uranium) mà quân đội Mỹ đang dùng trong các vũ khí của họ? Nếu điều đó trở thành sự thật thì Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ sẽ phải thay đổi toàn bộ khí cụ và bom đạnï. Sự tốn kém sẽ lên đến nhiều triệu triệu đô la (Trillions), và cần một khoảng thời gian khá dài.

Từ một góc cạnh khác, công tác đi biển luôn luôn là trách nhiệm nặng nề nhất, không những về các công việc trên tàu nhưng còn phải xa gia đình, thường khi đến sáu tháng. Nếu những quân nhân phải dấn thân vào nơi nguy hiểm (harms way) mà không được huấn luyện, chuẩn bị kỹ càng, thì khác nào chính phủ và dân chúng đã đưa họ vào chỗ chết? Quân đội Hoa Kỳ là một trong những quân đội Tây Phương đã hoàn toàn kết hợp bởi tình nguyện quân, không còn chế độ quân dịch. Liệu sẽ còn người tình nguyện gia nhập quân đội nếu họ biết rằng đôi khi họ phải đi vào vùng nguy hiểm nhưng không được đầy đủ huấn luyện? Tai nạn thảm khốc vì ném bom nhầm ở Kuwait đầu năm nay khiến cả toán viễn thám thiệt mạng, đã khởi đi từ lý do thiếu thực tập.

Mệt mỏi với những suy tư về các cuộc tranh chấp của con người, Nguyễn đứng dậy nhìn qua khung cửa sổ. Cành phượng vĩ đỏ rực những đóa hoa mùa Hè đã gợi nhớ trong anh vùng quê hương tận bên kia nửa vòng trái đất và bao nhiêu kỷ niệm vui buồn của những mùa thi từ hơn ba thập niên về trước. Bỗng nhiên, anh thấy thèm nghe lại tiếng ve sầu.


Tuyên Úy Nguyễn

























































Free Web Hosting