Truyện Ngắn

Như Một Huyền Thoại

Tác giả: Phượng Khánh


Anh Luận của tôi là phi công. Ba mẹ chỉ có hai con, một trai và một gái. Anh lớn hơn tôi mười lăm tuổi, có nghĩa là trong khoảng cách đó tôi không có thêm anh chị nào cho gần gũi nhau, nên trong tuổi ấu thơ tôi không có ai chơi cùng, buồn ơi là buồn. Nhưng có lẽ do sự hiếm hoi đó, ba mẹ mới trút hết tình thương vào hai chúng tôi, nhất là tôi, ngoan ngoãn, quấn quít bên ba mẹ nên được cưng chiều hơn anh Luận. Ðến tuổi ô mai, tôi mới biết danh từ hào hoa, bay bướm gán cho các chàng phi công thật đúng y chang. Vì ở chung nhà, mới chứng kiến chị dâu tôi khóc hết nước mắt vì ghen tương. Ba mẹ ái ngại vì đứa con hư. Tôi ái ngại và thương cảm hoàn cảnh chị Hồng Lệ vô cùng.

Anh tôi lúc trước phục vụ trong quân chủng Không quân về ngành Vận tải. Vì là con trai độc nhất, hợp lệ xin làm việc gần gia đình. Gần mười năm trong quân ngũ, được số giờ bay cao, đủ tiêu chuẩn để xin biệt phái qua Hàng không Dân sự, nơi mà các chàng Không quân ai cũng ước mơ. Lương cao gấp đôi gấp ba trong quân đội, lại an toàn về sinh mạng hơn. Nhờ sang đây anh mới có dịp gặp duyên may, anh cưới chị Hồng Lệ trong trường hợp hi hữu, hiếm có trên đời.

Hình như hầu hết các nàng tiếp đãi viên Hàng không đều mê các chàng phi công. Cũng như phần đông các nữ điều dưỡng đều muốn lấy chồng là bác sĩ. Nhìn cung cách các nàng trò chuyện với cấp cao hơn, với nụ cười duyên, cái liếc mắt, cũng hiểu các nàng đang làm dáng, như muốn hái tim người đối thoại.

Anh Luận có lối tán gái rất tự nhiên. Siết bàn tay ngọc hơi lâu một chút. Cô nào có vẻ chịu đèn, anh càng làm tới, chào nhau bằng cách choàng vai, có lúc cả gan bẹo má, nựng cằm, xem chiều thân mật lắm.

Chị Hồng Lệ vào nghề tiếp đãi viên gần một năm. Các chàng phi công kháo nhau cô nầy nghiêm trang lắm, thằng nào chọc được, sẽ được đãi một chầu ăn nhậu. Không ai thắng giải. Câu chuyện đến với anh tôi không chủ đ ch bằng lời thách đố, mà bằng một sự tình cờ. Trong lúc chuẩn bị cho chuyến bay, phi công chính, phụ đang có mặt trong buồng lái, chị Hồng Lệ vào để thu dọn những tách cà phê. Trong lúc chị mở cửa bước vào, thì anh Luận cũng vừa bước ra. Giữa cánh cửa nhỏ, hai người cơ hồ đụng nhau. Chị Hồng Lệ dừng lại nhường bước, khoảng cách hai người chỉ có gang tay. Cơn bão lòng nổi lên, anh hứng tình hôn vào má người đẹp. Một bạt tai như trời giáng vào má anh. Anh chưng hửng, sau đấy mặt anh đỏ bừng vì xấu hổ, anh xoa má, và ấp úng xin lỗi.

Thế là cuộc tình "bạt tai" đã thành tựu. Anh làm quen chị Hồng Lệ, ca ngợi nết na, đức hạnh, ngỏ ý cầu hôn. Chị Hồng Lệ chưa có người yêu, nên rất dễ dàng cho anh Luận. Anh nhờ ba mẹ đến nhà chị Hồng Lệ thưa chuyện cưới xin. Sau khi hỏi ý con gái, tức nhiên ba mẹ chị bằng lòng, còn đám nào hơn nữa. Các bạn khen anh Luận dám liều, để rồi được vợ đẹp. Các chàng sẽ bắt chước hôn ẩu như anh. Nhưng biết đâu gặp cô nàng có bồ rồi, thì sẽ có một trong hai chuyện xẩy ra: "Một là nàng la toáng lên và thưa gởi rùm beng, hai là bồ nàng cho mang thẹo". Lúc đó vợ đâu không thấy, mà chỉ thấy bẽ bàng, mất mặt thôi.

Ðám cưới xong, anh cho vợ ở nhà. Anh tâm sự với tôi:

- Lấy vợ đoan trang không sợ bay mất như các nàng dễ dãi. Người đẹp khi lđp gia đình nên ở nhà, ra ngoài nhiều người dòm ngó, mình tức anh ách.

Tôi nghe liền phản đối:

- Anh còn phong kiến đó nghe. Bắt phụ nữ phải đầy đủ tứ đức mới chịu cưới, trong lúc các ông được quyền lả lướt, bao nhiêu cũng không vừa, mèo chuột tùm lum. Như thế là bất công, bất bình đẳng. Em đả đảo. Mà anh cũng biết ghen tức anh ách nữa sao?

Máu lãng tử của anh còn chạy rần rần trong huyết quản. Những chuyến bay xa, những đêm ở lại xứ người là những dịp cho các ông ăn chơi vung vít, nói là trả thù dân tộc hay là vì muốn nếm thức ăn xứ lạ.

Có lần chị Hồng Lệ bắt được thư tình và bức ảnh trong túi áo chồng. Chị khóc lóc làm dữ. Nhưng khi anh làm lành xin lỗi với nụ cười nửa miệng, chị hết giận hờn. Cái lý của anh khá vững đã làm dịu cơn ghen:

- Có vợ đẹp bên cạnh, anh đâu còn ham muốn. Nhưng tự dưng các nàng mê anh đeo theo, chớ không phải anh tìm đến. Mỡ dâng trước miệng mèo, không ăn cũng uổng. Và anh chưa là thánh nên khó làm ngơ. Anh vẫn còn yêu em, vợ anh là nhất. Anh biết anh có lỗi, đó chỉ là chuyện qua đường. Em thông cảm giùm anh nghe.

Nhìn hạnh phúc lung lay của anh chị, tôi đâm ra ngán ngẩm. Tôi không muốn lấy chồng phi công, tôi không muốn khóc lóc cho cuộc đời. Tôi chỉ muốn yên thân với cuộc tình phẳng lặng, không chao đảo, không mất thăng bằng hụt hẫng như chiếc phi cơ đang bay vùng thiếu không khí.

Chị Hồng Lệ thường tâm sự với tôi về gia đình kém hạnh phúc. Mỗi lần như thế, tôi cảm thấy xấu hổ vì có người anh bê bối. Tôi không biết nói gì ngoài câu an ủi. Tình chị dâu em chồng không gây cấn như những gia đình khác, mà rất tương đắc, bởi vì tôi thấu hiểu niềm đau của chị.

Anh Luận cũng tâm sự với tôi về thành tích ăn chơi, làm như tôi là em trai không bằng. Chuyện đểu cáng cũng kể ra, nhiều lúc tôi cảm thấy nhột nhạt phải hét lên:

- Nín đi, em không muốn nghe nữa. Anh mà có một chục thằng em trai, nhiễm thói hư tật xấu của anh thì tiêu tùng hết.

- Bá nhân bá tính, bàn tay có ngón dài ngón vắn, làm sao giống nhau được.

- Anh cà chớn quá, con gái anh bị quả báo đó nghe.

- Làm gì có chuyện quả báo. Cuộc tình trao đổi, hai bên đều có lợi. Anh phải biết người biết ta. Cô nào chịu đèn anh mới thừa thắng xông lên chớ. Em không biết câu: "Nàng không, ai dám giở mùng chun vô sao?".

- Khiêu vũ với người ta, tay đang ôm eo, tự dưng vuốt lên. Em nghe lạnh xương sống. Ðược thể lại vuốt xuống phải không?

- Vừa thôi cô bé. Phải phong nhã một chút chớ, chỗ đông người mà. Không sợ bị thưa về tội phạm thuần phong mỹ tục sao?

Tất nhiên vì không muốn gia đình anh xào xáo thêm, tôi không bao giờ hé môi cho chị dâu tôi biết. Ghen nhiều, yêu cũng nhiều, sòn sòn năm một. Liêm, đứa con trai đầu lòng giống anh như đúc. Lễ, con trai kế cũng giống nhưng ít hơn.

Tôi nựng cháu nói đùa:

- Bản sao thứ nhì, nên hình ảnh lợt hơn.

Con gái thì giống chị Hồng Lệ y hệt. Chị gọi là con út, ngán đẻ quá rồi, càng nhiều con, nhan sắc người mẹ chóng tàn phai. Mà hể mau xuống sắc thì chồng càng thêm chán.

Tôi bồng cháu khen:

- Cháu Hồng Lam đẹp quá, lớn lên nó sẽ làm điêu đứng anh hùng. Nhất là các anh hùng phi công. Em nghĩ chưa là con út đâu, sẽ có út nhì, út ba nữa cho mà xem.

Chị thở dài:

- Con gái giống chị chắc cũng lao đao về tình duyên thôi. Chị không muốn có con gái nữa.

Riêng tôi, ghét của nào, trời trao của đó, người đời nói không ngoa. Anh Luận dẫn về một người bạn phi công trẻ, khen lấy khen để, nào là dễ thương, hiền hậu, đẹp trai. Tôi sợ các ông chỉ tâng bốc nhau. Ba mẹ cũng khen xem nó hiền lành và lễ pháp. Anh Luận muốn ăn đầu heo nên hùng hồn giơ tay thề bảo đảm:

- Nó chưa có đào, nói chuyện với gái nhát hít mặt đỏ bừng. Nó hiền như cục bột, em muốn vo tròn, bóp méo gì cũng được. Nó lang bang anh trị nó.

Lúc đầu tôi còn lẩn tránh khi Thái đến thăm. Về sau anh chàng đem cây si trồng hẳn trước nhà. Tôi cảm động, Thái chiều chuộng đến cái vô lý của tôi. Thỉnh thoảng giở mẹo vắng mặt cả tuần, thả dò mức độ tình yêu đã cao điểm chưa. Ðến nỗi tôi yêu hồi nào không hay. Tôi tin tưởng chàng, cho là ngoại lệ trong huyền thoại của các chàng phi công. Sau hơn một năm tìm hiểu, tôi bằng lòng nhận lời, một lễ hỏi vào tháng tới.

Chiều thứ bảy tôi đi Honda trên đường Tự Do, một chiếc Vespa chạy ngược chiều như bay. Tuy tốc độ nhanh, nhưng tôi cũng đủ thấy chàng Thái của tôi ngồi trên đó, băng sau người đẹp đang choàng eo ếch chàng, nàng cười ngả ngớn. Tôi chóng mày chóng mặt, tim tôi cơ hồ rụng xuống đường. Tôi đau điếng, không còn bụng dạ nào đến nhà con nhỏ bạn. Tôi quay về nhà vào buồng nằm khóc mùi mẫn, như chưa bao giờ được khóc. Qua cơn đau, tôi tỉnh người, tự ái dâng lên.

Ngày hôm sau, Thái vác mặt nhởn nhơ đến thăm, còn đem quà tặng mua từ Hồng Kông. Lúc trước tôi thấy đáng yêu, hôm nay nhìn nham nhở. Chối gì thì chối, biện bạch gì thì biện bạch. Mắt thấy chớ không phải tai nghe.

Tôi ngó thẳng vào mặt Thái, cười khẩy:

- Oanh biết các anh có rất nhiều cô em họ. Và gia đình cô em quá văn minh, ôm ông anh chặt cứng ngoài đường phố.

Anh chàng cứng họng, nhưng cũng cố thề chỉ yêu một mình tôi.

- Thề cá trê chui ống phải không? Anh đã từng thề với các cô: "anh chỉ yêu mình em thôi", đúng không? Và anh thề như thế được bao nhiêu lần rồi? Nếu chép vào sách vở được mấy trăm trang?

Còn căm hờn sự phản bội, tôi không chừa kẽ hở để Thái bào chữa tội tình, tôi gằn giọng:

- Anh Thái, bây giờ cuộc tình chúng ta đã sang lối rẽ, đường ai nấy đi. Tuy buồn thật đó, nhưng vì Oanh nhìn tận tường, thật rõ ràng, và không bao giờ nhầm lẫn. Một khi Oanh mất hết lòng tin, anh đừng giải thích thêm uổng công. Cũng may Oanh bắt gặp sớm, nếu không, sẽ nghe lời xảo trá của anh dài dài. Thôi anh về đi, để Oanh cho ba mẹ hay và sẽ đến nhà anh trình sự việc với ba mẹ anh sau.

Thái biết không mong cứu vãn tình thế, chàng buồn bã chào tôi, lầm lũi ra về.

Tôi đay nghiến anh Luận:

- Cục bột của anh thành tinh rồi đó, bắt đầu có nanh có vút. Anh giỏi trị đi. Em bắt gặp tại trận, Thái có bồ.

- Anh đâu ngờ, thấy nó nhát, tưởng không dám chọc gái ai ngờ cũng quá trời. Chịu thua luôn.

Ba mẹ không có ý kiến, tùy vào tôi thôi.

Tôi thầm nghĩ, thời gian còn mđt độ yêu đương đã giở trò. Tôi cũng hiểu mình không đẹp như chị Hồng Lệ. Làm vợ rồi, thời gian, đẻ chửa, nhan sắc sẽ lệch lạc đi. Thái ham mê bóng sắc khác phụ tôi, chắc hoàn cảnh của tôi còn đau khổ hơn chị Hồng Lệ bội phần. Tôi lo sợ cho tương lai, nên dứt tình không chút đắn đo.

* * * * *

Ngày mất nước, anh Luận bốc hết cả nhà đi. Sang đảo Guam, lẫn trong đám người tị nạn, tôi gặp ngay chàng Thái, trông xơ xác lắm.

Anh than thở:

- Anh vẫn còn độc thân.

Tôi tàn nhẫn:

- Biết rồi, khổ quá nói mãi. Ðộc thân tại chỗ.

Anh chàng quê một cục, lặn đi chỗ khác, hết mong nối lại tình xưa. Từ đó mỗi lần vừa trông thấy nhau, tôi thì tỉnh bơ tiến tới, Thái lách sang ngõ khác. Nhiều lúc tôi thấy cũng nhận mình tàn nhẫn, nhưng tội nghiệp họ, ai tội nghiệp mình. Tôi mang một quan niệm hễ người không vẹn thủy chung, thì suốt đời không bao giờ chung thủy. Ít lâu Thái sẽ lấy lại phong độ, với quá khứ là phi công, lúc đó mặc sức vớt đào.

Chúng tôi được người bảo trợ đến thành phố Houston, tiểu bang Texas. Anh Luận rũ áo phi công, học nghề khác. Tánh bay bướm không có môi trường, gia đình rất êm ấm. Chị Hồng Lệ tươi tắn ra, không còn bèo nhèo như lúc trước.

Gia đình anh Luận quá đông, nên ba mẹ và tôi phải tách riêng. Cũng nhờ ba mẹ lãnh tiền già, ở apartment cho người có lợi tức thấp, tôi được học bổng cộng thêm tiền vay, chỉ vừa đủ sống. Ba tháng hè tôi phải làm việc thêm. Tôi chọn ngành Y khoa. Anh văn tuy khá thi điểm cao, nhưng vì danh từ chuyên môn rất khó nhớ, tôi cố gắng học ngày học đêm đến sút người. Mẹ thương, bảo dưỡng sức kẻo mau già.

Một hôm anh Luận tặng tôi một quyển sách với tựa đề "Ó Ðen", anh giới thiệu:

- Tác giả là Lý Tống, bạn thân của anh, cũng là phi công. Thằng nầy đ-p trai như Phan An, Tống Ngọc, cô nào gặp nó cũng mê liền, lại có tài viết lách. Xem cho biết văn chương của nó.

Tôi chúa ghét các chàng phi công đẹp trai, viết lách chỉ nói về cuộc ăn chơi sa đọa, xem càng thấy chán. Tôi không buồn xem lấy một trang, tôi liệng cuốn sách vào ngăn lẫn lộn với sách học.

Nơi đất tạm dung, cuộc đời lặng lẽ trôi qua, lật bật tôi giựt được mảnh bằng Y khoa. Ba mẹ hãnh diện về tôi, riêng tôi rất mừng vì mộng ước đã thành. Tôi được cơ quan chánh phủ nhận vào làm việc. Công việc thật nhàn hạ, chuyên về chụp hình phổi cho người tị nạn, cho các thường trú nhân. Chỉ việc ngồi trong văn phòng, xem phim phổi, định bệnh để điều trị.

Cuối tuần nào vợ chồng anh Luận cũng mời ba mẹ và tôi lại nhà ăn uống. Nhiều lúc anh chị cần đi đâu, đem con nhỏ mẹ trông giùm.

Một hôm anh Luận phone vào văn phòng cho tôi hay:

- Anh liên lạc được Lý Tống, nó vượt biên giới Cambuchia, qua ngã Thái Lan, rồi mới sang Mỹ, thằng liều lỉnh và gan dạ. Hiện giờ nó đang ở Louisiana. Sang Mỹ muộn màng, cố gắng ăn học, nó đang làm luận án Tiến sĩ đó. Thằng hay thiệt. Anh sẽ mời nó đến nhân dịp sinh nhựt cháu Liêm.

Hôm tối sinh nhựt, tôi chở ba mẹ đến dự. Quà tặng cho cháu Liêm là một máy điện toán, mà hiện nay các sinh viên, học sinh đều biết xử dụng. Tôi diện hơn thường ngày, không phải để cua kép, tôi không sợ ế chồng, tôi có nhiều bạn trai đồng lớp bu quanh, nhưng tôi chưa cảm thấy yêu ai. Tôi diện để xem tám năm đèn sách, dung nhan tôi có tàn tạ nhiều không. Nhìn vào gương, chưa đến nỗi nào, thời gian chồng chất tuổi đời chỉ làm tôi đứng đắn và nghiêm trang hơn.

Tôi đang chuyện trò với các bạn, anh Luận đón anh Lý Tống từ cửa đưa vào giới thiệu với tôi:

- Kiều Oanh, em gái tao. Ðây Lý Tống bạn thân anh.

Anh Lý Tống bắt tay tôi, bàn tay hơi siết mạnh:

- Hân hạnh được biết người đẹp. Sao muốn anh gọi tên nào? Nàng Oanh hay nàng Kiều?

- Mới gặp, anh đã pha trò rồi. Em thích gọi tên "kép" là Kiều Oanh, tên "đơn" là Oanh, chớ không muốn gọi nàng Kiều. Ðể tên nầy anh gọi đào của anh.

Anh Lý Tống vỗ vai anh Luận:

- Mầy có cô em lý luận hay lắm. Có em gái mà giấu kỹ quá. Khi còn ở Việt Nam không giới thiệu cho tao.

- Mẹ, lúc ấy em tao còn vị thành niên, tao không muốn mầy vào tù vì tội dụ dỗ. Vả lại thời gian ấy, gái đeo cứng, mầy cũng đủ mệt rồi.

- Ðến mầy không bênh tao, còn đốt nhà thì chết rồi. Tại các cô đeo, chớ tao có đeo các cô bao giờ đâu. Oanh ơi, đừng nghe lời bá láp của thằng Luận, anh đứng đắn lắm. Nghe nói em là cô bác sĩ, tài quá. Anh nghĩ là những người học Y khoa không có chiều sâu tình cảm, xem ai cũng là bệnh nhân, có đúng không? Và tại sao em yêu nghề nầy?

- Chưa hẳn đúng. Một bác sĩ cũng là con người, cũng đầy nhân tính, anh nghĩ lầm rồi. Em mê Y khoa, vì em muốn mổ xẻ tử thi xem có phải đàn ông năm, bảy lá gan không. Ðể một lá bên vợ, lá toan cùng người.

- Luận ơi! Tao gặp thứ dữ rồi. Oanh ơi, anh bái phục em sát đất rồi nghe.

- Anh muốn biết, chừng nào em cho anh uống rượu?

- Cái đó còn tùy vào con tim của em. Nhưng khi đám cưới em nhớ mời anh mà.

Anh Lý Tống cười ngó sang anh Luận:

- Mầy thấy chưa? Nói chuyện với nữ bác sĩ có khác. Nào là gan, tim, chỉ thiếu thận thôi.

Tôi cũng cười:

- Sẽ có thận, khi nói chuyện về các anh.

Anh Lý Tống không có nụ cười nửa miệng như anh Luận và Thái. Theo ý tôi, những gì bất bình thường rất quyến rũ. Thường thì nụ cười phải hé đều hàm răng, nhưng khi cười chỉ thấy miệng nhếch một bên, gọi là cười nửa miệng xem hấp dẫn lạ lùng. Anh Lý Tống không có nụ cười nửa miệng. Sức thu hút của anh là đôi mắt, khi cười híp lại xem đểu và quyến rũ vô cùng.

Anh Luận và tôi cùng đi với anh Lý Tống đến giới thiệu chị Hồng Lệ và năm con. Anh Luận bị quở: "Mầy làm ăn gì tợn vậy". Mặt chị Hồng Lệ ửng hồng, tôi cũng thẹn giùm chị câu nói bạo. Một số bạn trong không đoàn với anh Luận cũng có mặt. Bao năm mới gặp lại, chuyện trò như pháo nổ, cứ mày tao om sòm. Ðến nỗi cháu Lễ phải hỏi nhỏ tôi:

- Sao bạn của ba la om sòm giống con nít như tụi con vđy cô? Người ta nhìn bộ ba không mắc cỡ sao?

- Con không biết, các chú ấy quen với ba hồi còn trẻ, quen miệng gọi nhau bằng mầy tao rồi. Cô thấy tình thân của họ vẫn như trước, cô thích lối gọi tự nhiên nầy.

Ðến phần dạ vũ, anh Lý Tống có mời tôi hai bài. Lối khiêu vũ của anh xem nhẹ nhàng và điêu luyện. Nhưng sau đó tôi không thấy anh Lý Tống xuất hiện nơi sàn nhảy với đào khác. Anh đứng trong góc với nét mặt ưu tư hình như có chuyện gì lo lắng. Anh thì thầm với anh Luận. Mặt anh Luận cũng có vẻ khẩn trương. Tôi lấy làm lạ và thắc mắc, chung quanh rất nhiều người đẹp, bỏ qua cuộc vui rất uổng, tánh bay bướm các chàng đâu không giở trò tán tỉnh.

Cuộc vui nào cùng tàn, trước khi từ giã, các anh hẹn nhau sẽ gặp lại trong dịp khác.

Ba tuần sau, anh tôi phone cho biết, anh Lý Tống trở về Việt Nam đốt ngọn lửa thiêng. Anh là không tặc trên chuyến bay Air Bus 310 do Việt Nam Airline thuê của hãng Jess Bulgary, từ Bangkok về Việt Nam. Anh Lý Tống đã rải 50 ngàn tờ truyền đơn xuống thành phố Saigon, sau đấy nhảy dù xuống và bị bắt.

Tôi nghe tin rất bàng hoàng và thương xót. Thì ra nợ núi sông anh còn nặng mang. Những người đẹp qua đời anh, anh đã chống lại sự cám dỗ của bản thân, thường nói "chẳng thấy yêu ai cả".

Tôi lật đật lôi cuốn Ó Ðen ra đọc. Càng đọc càng thán phục lý tưởng cao siêu, gan dạ và đầy mạo hiểm. Tôi mới hiểu mình đánh giá lầm về huyền thoại của các chàng phi công.

Báo chí tới tấp với những bản tin ly kỳ và hấp dẫn. Tôi đọc kỹ từng giai đoạn. Những chương trình tính toán công phu để ăn cắp phi cơ, rất tiếc bất thành, anh sang qua kế hoạch không tặc. Anh rất có tình người, điển hình là khi dùng sợi dây thép có bọc plastic để quàng vào cổ cô tiếp đãi viên. Phi công Bulgary có nhận xét hành động của Lý Tống rất lịch sự và nhã nhặn, hiếm có trong lịch sử không tặc.

Tự dưng nước mắt đoanh tròng. Tôi khóc cho người hùng vì nước quên mình. Khóc cho lòng nhân cao cả của anh, lúc nào cũng tưởng nhớ 65 triệu đồng bào còn đang khoắc khoải tận cùng đáy ngục. Khóc vì sợ ngọn đòn thù chí tử giáng xuống thân anh. Niềm hy vọng với mạng số cao, nhiều lần thoát hiểm, thì lần nầy nhờ dư luận quốc tế, nhờ các bạn hữu phát động phong trào, gây sự chú ý đến chánh quyền Mỹ, can thiệp cho anh sớm ra khỏi vòng tù tội, thì ngày gặp lại anh nơi quê Mẹ không xa.


(Trích trong tuyển tập thứ ba THẺ BÀI BUỒN KHI NGƯỜI NẰM XUỐNG của nhà văn nữ) PHƯƠNG KHÁNH do Việt Magazine (San Jose, Cali) xuất bản và phát hành vào trung tuần tháng 5, năm 1997.)





















































































Free Web Hosting