Truyện Ngắn

LÀM MAI

Tác giả: Phượng Khánh


Mỗi khi nghe nói trong đời có bốn cái ngu: "Làm mai, lãnh nợ, gác cu, cầm chầu", y như rằng độc giả sẽ nghĩ:

- Tưởng gì chớ câu nầy xưa như trái đất.

Vâng, vẫn biết nó xưa. Nhưng quý vị không nhớ: "Có xưa mới có nay, vô cổ bất thành kim", sao? Bài nầy trình quý vị cái ngu hấp dẫn và nghẹn ngào nhứt của một trong bốn cái ngu là "làm mai".

Ngày xưa làm mai cũng là một nghề. Khi nhà trai muốn kiếm vợ cho con, nghe tiếng nhà kia có con gái đẹp, ngoan, phải cậy nhờ bà mai mối lái. Khó khăn hơn nữa gia đình nào có con gái đến tuổi cập kê kiếm chồng không ra, hay gọi nôm na là ế chồng thì cũng nhờ đến bà mai. Nhận tiền thiên hạ, xấu cũng thành đẹp, rách cũng thành lành. Vì thế nghề làm mai phải dẻo mồm dẻo miệng, nói dối mà không biết mắc cỡ, không biết ngượng ngùng mới tài. Về sau thiên hạ bị hố có trách móc thì cũng huề. Lắm bà mai còn có nghề bán hột xoàn chuyền tay, làm mai xong, gạ nhà trai mua nào hoa tai, vòng, nhẫn, giây chuyền cho cô dâu. Bà cũng uốn ba tấc lưỡi trau chuốt như làm mai, nào hột sạch, giác cúc, nước trắng tím v.v.. Nếu bị từ chối vì nhà trai muốn tự chọn lựa mua ở tiệm, bà mai tỏ vẻ hờn giận, mất món tiền lời béo bở.

Ở thôn quê, có nhiều bà còn tán tận lương tâm, ham tiền làm mai trong dòng họ. Thấy đứa cháu nào nghèo, nhà không đủ ăn, bà làm mối về làm lẽ làm mọn cho các điền chủ giàu, các ông Tàu có tiền còn ham chơi trống bỏi. Bà cho rằng làm bé cũng trăm đường, làm bé nhà giàu trước là no ấm tấm thân, sau là cha mẹ được nhờ, mai sau bà vợ già chết trước, một bước nó nhảy lên cầm quyền, tay hòm chìa khóa, chuột sa hũ nếp mặc sức mà ăn. Bà nói mãi nói miết cha mẹ nó cũng xiêu lòng, chỉ tội đứa con gái, về nhà họ làm quần quật suốt ngày như con đầy tớ không công. Lại còn bị ghen tương đòn bọng. Ðây là cách làm mai theo kiểu Việt Nam.

Người Tàu làm mai khác hơn một chút, nhận tiền hậu hĩ hơn, cũng nói ngọt như mía lùi. Nhứt là làm mai cho nhà gái cực khổ hơn nhiều. Khi đám cưới, bị nhà gái quất một trận mưa roi cho là tại bà mai mà con gái phải xa cha mẹ. Bà mai phải cõng cô dâu vừa chạy vừa khóc. Tục lệ nầy thật cổ và cũng thật lạ, các độc giả trẻ không bao giờ biết đến. Còn một tai nạn nghề nghiệp nữa là khi nhị hỉ, đầu heo quay biếu lại nhà gái, đầu heo mà bị cắt hai tai cho biết cô dâu không còn trinh trắng, không những nhà gái bẽ mặt mà bà mai cũng bị xài xể đủ điều. Cũng oan cho bà, nhìn bề ngoài tươi tốt, phấn sáp, lụa là, ai biết bên trong hư thúi ra sao đâu. Hột vịt ung dễ đoán, con người biết đâu mà mò. Ðến nỗi cha mẹ ở chung nhà còn không biết nữa là.

Bây giờ xin chuyển qua câu chuyện làm mai không ăn tiền mà vì thương thiên hạ cô đơn nên thài lai làm mai, bị chưởi mới nghẹn ngào. Một lần chưa tởn, cứ thấy ai lẻ bạn cứ tìm người ráp cho có đôi, làm như mấy bợm rượu hễ thấy ly nước men sủi bọt, là con mắt sáng rỡ, làm mai kiểu nầy gọi là "nghiệp chướng làm mai".

* * * * *

Hội Cercle Sportif Saigonnais nằm trong khu đất rộng lớn ngay trung tâm thành phố Saigon, mặt tiền là đường Hồng thập Tự. Gọi tên bình dân ngắn gọn là Hội "Xẹc". Ðó là hội nhà giàu, có tiền có chức tước, dân đen không thân thế đừng hòng vô. Niên liễm nặng, phải được hai hội viên giới thiệu, và phải có gia đình đàng hoàng, vì chỗ nầy không phải là nơi đến tìm hôn nhân. Bên trong trang hoàng xinh lịch và sang trọng, có hồ bơi, trên bờ có kê bàn ghế, có dù che nắng như bãi biển. Có sân quần vợt, bóng bàn.

Sáng sớm các ông thương gia, tướng, tá văn phòng, mặc quần sọt trắng, áo thung trắng, giày trắng, đi Vespa, cho thiên hạ dễ nhìn, lấp ló chiếc vợt trong túi yên sau. Cũng có mấy ông nhà binh cấp to, tự lái xe Jeep để tỏ ta đây ngoài tài võ biền còn là một cây thể thao. Các ông lấy làm hãnh diện khi thiên hạ ngó với đôi mắt thèm thuồng. Ðến Hội "Xẹc" ra sân quần vợt đập vài bàn như một lối thể dục cho bụng bớt phệ vì bơ sữa. Ðông nhất là ngày chủ nhựt, thiên hạ dẫn gia đình đi theo như đi píc-níc. Các mệnh phụ, các tiểu thư trong bộ áo tắm thời trang vùng vẫy trong hồ nước xanh biếc, các bà muốn có eo, các cô muốn phô trương đường nét.

Khán đài nhiều từng để khán giả ngồi xem trận đấu quần vợt, bục đúc bằng ciment, vững chắc. Mặt sau có khoét nhiều ngăn làm nhà cho các nhân viên phục dịch ở, xem cũng được lắm, còn hơn ở nhà sàn nơi ngoại ô. Vợ chồng ông Năm gác dan được một căn, ông làm việc lâu đời từ ông hội trưởng nầy sang ông hội trưởng khác. Gác dan chọn người già là đúng lắm rồi, người già ít ngủ, sẽ thức khi có tiếng động tĩnh. Sự thật nơi nầy không cần người gác dan cho lắm, nhưng đó là thủ tục cho có lệ do niên liễm của hội viên trả, chớ trộm đạo vô đây làm gì, có gì đáng giá mà phải bỏ công.

Bà Năm có nghề kết tóc mượn, cứ vài tháng ra chợ lãnh một bao tóc rối về, bà ngồi bẹp trên bộ ván, chải suông từng lọn tóc dài tương đương nhau, khi thấy đủ để làm một đầu tóc mượn, bà gom các lọn tóc lại, se lối mươi sợi tóc cho săn, một đầu quấn vào ngón chân cái, tay kéo thẳng, vòng chỉ tóc quấn quanh lọn tóc, chừa mối tóc lối 4 phân, vừa quấn vừa lấy lược sừng gõ gõ mối quấn cho săn cứng lại, giấu chỉ tóc cho khéo, xong cắt mối tóc cho bằng, thế là xong một đầu tóc mượn. Làm hết một bao tóc mất lối hai tháng, 20 đầu tóc mượn cũng kiếm được 1 ngàn đồng. Ông bà có đồng ra đồng vào, tiền ăn, tiền để dành phòng thân. Ðừng hòng tiền cứu trợ mấy đứa con, tụi nó nghèo sặc máu, không cữ kiêng gì hết cứ đẻ lia chia thấy mà ngán. Mỗi Tết ông bà Năm phải lì xì cho tụi nhóc cha mẹ nghèo nhiều hơn các đứa kia.

Trong khu Hội Cercle Sportif Saigonnais, có mướn mấy anh, chị công nhân lo dọn dẹp, quét lá, tưới cây, lau sàn, đổ rác. Hồ bơi thay nước một tuần hai lần. Công tác nầy cần nhiều người làm vì chung quanh hồ, đáy hồ phải lau chùi thật kỹ cho sạch vết bợn vàng do nước khử trùng eau de javel. Công việc quanh quẩn có bao nhiêu đó nhưng phải làm hoài.

Nhà ông hội trưởng là một villa nhỏ trong khuôn viên hướng mặt về đường Huyền Trân Công Chúa, có cổng nhỏ cho tiện việc gia đình. Ông hội trưởng mỗi sáng lên văn phòng làm việc, bà hội trưởng hàng ngày đi chợ với chị giúp việc để lo hai buổi cơm, thay đổi thức ăn sáng chiều khác nhau. Danh nghĩa là hội trưởng, có tiếng mà không có miếng, dồng lương tuy khá cao nhưng so với một vợ đau yếu và bầy con năm đứa đời sống rất chật vật. Bà phải mở hai ba chân hụi, làm chủ hụi, mời các bà tướng, tá, thương gia vô hụi, cứ mỗi tháng hội viên nào hốt, bà hội trưởng được hưởng 1000 đồng tiền hoa hồng, ba chân hụi tổng cộng là 3000 đồng cũng đỡ tiền chợ cho tám miệng ăn.

Nhàn, chị nhân công xin nghỉ việc để theo chồng đi xa, giới thiệu con em bạn dì vô làm. Ðiệp mới 19 tuổi xem nõn nà trội hơn Liễu và Thêu, hai nữ công nhân kia. Hai anh chàng công nhân độc thân ai cũng xôn xao chạy nước rút để chiếm quả tim người đẹp. Mỗi sáng sớm, mặt trời vừa hé vài tia nắng nhạt, chiếc lưng ong trong cánh áo tím hoa cà uyển chuyển theo cây chổi dài, xem nên thơ làm sao. Những câu tỏ tình ỡm ờ lối bình dân tủa ra vây quanh Ðiệp. Anh Diên vững tay nghề chim gái hơn, làm giùm công việc gom lá rừng để lấy lòng. Liễu, Thêu tỏ vẻ ganh tị, háy, hứ, nói bóng nói gió, và ghét lây chiếc áo tím hoa cà làm điệu kia. Ðiệp ngây thơ nào hiểu tình đời, vẫn đi theo hai chị chuyện trò, hai chị cũng trả lời, với cách bằng mặt không bằng lòng.

Anh Công đi nước cờ cao là đánh ngay trung tâm tổng hành dinh, nhờ bác Năm đến nhà Ðiệp đánh tiếng dạm hỏi. Ðiệp vì chưa có tình ý với ai, cha mẹ bằng lòng là Ðiệp vâng lời. Mới vô làm có tám tháng đã ăn hỏi rồi, anh Diên bị rớt đài, thở dài ứ hự.

Ðám cưới trước khi ăn Tết, vợ chồng anh Công được cho ở một căn riêng. Liễu, Thêu rù rì nói lén:

- Con ngu, không tìm hiểu trước, lấy chồng chớp nhoáng dễ dàng như đi mua bán, để coi hai đứa có ở với nhau nát chiếc chiếu hay không, hay là ba bảy hai mươi mốt ngày là rã đám.

Năm sau Ðiệp có một thằng Công con, năm tới lòi thêm con Ðiệp con nữa. Liễu, Thêu mừng hụt, vẫn ấm ức trong lòng lời trù ẻo không hiệu nghiệm. Từ ngày Ðiệp có hai con, vất vả vì nuôi nấng, chỗ ở không thoáng vì không có cửa sổ đón gió gì hết, mà chỉ có một lối ra vào, hai đứa nhỏ nổi sải ngứa rần rần, tối khóc om sòm không cho ai ngủ. Tiền bạc lại thiếu hụt, anh Công sinh tật đánh đề gọi là kiếm tiền thêm, thua keo nầy bày keo khác, nướng sạch phân nửa lương. Ðiệp vừa khóc vừa kêu trời như bọng, Công năn nỉ không xong, kéo ghế bố ra ngoài ngủ. Liễu, Thêu hả dạ:

- Tao biết trước mà, thằng "Công Ngủ" có tánh mê cờ bạc, bởi vậy lúc trước nó gù tao, tao đâu thèm. Hứ, cái thứ cờ bạc là bác thằng bần, lấy nhằm thằng chồng đó có ngày mình đi ăn xin.

- Thua rồi gỡ, gỡ rồi thua, thiệt là gỡ ghẻ!

Cứ mỗi cuối tháng lãnh lương là cãi lộn dài dài. Sau mấy chục lần tiếp diễn, lần nầy Ðiệp cả gan gọi ông Năm ra mắng vốn:

- Ảnh có tật cờ bạc, bác còn làm mai cho con. Nếu bác cho biết trước, con từ chối liền.

Ông Năm đứng gãi gãi đầu:

- Nó bỏ lâu rồi, ai biết nó giở chứng lại đâu.

- Bây giờ con đùm con đeo, lại có bầu nữa, nuôi không kham, kỳ nầy chắc con đi phá.

- Húy, húy, đừng làm bậy bạ, tội lút đầu. Có thiếu hụt bác cho mượn chút ít xài đỡ.

Về nhà còn bị bác Năm gái đay nghiến:

- Ðó ham làm mai nữa chưa. Tụi nó lục đục hoài ông nhức mình cho mà coi. Cho con vợ mượn tiền cũng như ông đưa tiền cho thằng chồng cờ bạc vậy.

Y như lời bà Năm nói, ông Năm phải cho mượn tiền đều đều, mà tụi nó có dư để trả lại đâu, như đóng hụi chết. Bị bà Năm cằn nhằn, ông an ủi:

- Thôi giúp đỡ làm phước cũng như bà đi cúng chùa vậy.

- Cúng chùa được Phật độ, còn cho mượn tiền như thí cô hồn thì đúng hơn.

Tuy bà Năm làm nghề kết tóc, nhưng không phải Bà Nguyệt, còn ông Năm chưa từng quay tơ, nhưng ham làm Ông Tơ. Người ta thường nói Ông Tơ, Bà Nguyệt se duyên. Ðối với ông Năm, thiếu Bà Nguyệt chẳng hề chi, một mình ông cũng có thể kết tóc, se tơ cho người khác.

Một trưa nắng chang chang, bà hội trưởng thấy ông Năm đứng núp dưới cây bông sứ xéo nhà bà. Bà lấy làm lạ bước ra hỏi:

- Ông Năm, nắng nôi quá sao ông không vô nhà vặn quạt cho mát, làm gì đứng đây?

- Dạ, tại vợ chồng thằng Công nó đang chưởi lộn đó bà.

- Ủa, tụi nó chưởi với nhau, mắc mớ gì ông phải chạy trốn?

- Dạ tại tôi làm mai cho tụi nó, bây giờ nó lôi tôi ra chưởi hoài chưởi hủy, thiệt rầu hết sức.

- Cơ khổ không, làm ơn mắc oán. Ðể tôi la tụi nó.

- Cám ơn bà. Xin bà đừng la rầy tụi nó, nó chưởi tôi thêm.

Vừa lúc có tiếng bà Năm réo ông về. Bà nhìn mặt chồng thiểu não, bà vừa tội nghiệp vừa tức mình. Bà chống nạnh ngó sang nhà tụi nó chưởi đổng:

- Mẹ cha tụi bây. Ðồ vô ơn. Lúc tụi bây "sướng" với nhau, có đùa nào kêu thằng cha già, con mẹ già nầy đến chứng kiến không? Ủến chừng cắng đắng cứ réo ông chồng tao ra mà chưởi? Mẹ họ, vừa vừa thôi, rầy rà, lộn xộn quá, mất việc lúc nào không biết đó con.

Từ đó về sau ông Năm bị họ mắng vốn một tháng ba chục lần. Ông đưa tay thề trước mặt bà vợ, rày sắp tới không dám thài lai làm mai làm mối nữa.

Bà Năm hứ một tiếng nghe cái cốc:

- Ðể coi. Ai có nhờ thì làm mai nữa. Người ta làm mai thì có tiền, ít nhứt là cái đầu heo. Còn ông làm mai hả? Nghe chưởi tối ngày, lại mất tiền nữa. Hai ba đám rồi, đâu phải ít. Không biết chừng nào ông mới tởn.

Ông Năm nghe vợ cằn nhằn, thấy đúng quá, làm thinh. Ông vấn điếu thuốc rê, bập bập nhả khói bay tỏa ra. Ông không thấy khói thuốc mà ông nhìn thấy một đám giây "tơ hồng" bay lơ lửng.

* * * * *

Ðó là "nghiệp chướng làm mai". Bây giờ sang câu chuyện "làm mai chuyên nghiệp".

Sương là góa phụ tuổi mới 30, nhan sắc còn hấp dẫn lắm, da bánh mật, cười có má núng đồng tiền, người mảnh mai. Nhưng kẹt một nỗi chồng chị chết vì tai nạn, bỏ lại vợ trẻ một nách ba con, chị làm quần quật mới có đủ tiền nuôi. Cách căn nhà lá của chị chừng một con mương, có nhà máy xay lúa, mỗi ngày chị đi qua bên đó sàng gạo ăn công cho các bà đem lúa đến xay. Lúc không ai mướn, chị lãnh lá, làm nẹp để cặp mái lá. Ðôi tay thoăn thoắt, đan lá giữa hai cây nẹp, chừng một gang tay, chị lấy dây kẽm cắt khúc sẵn cột hai nẹp lại giữ lá cho chắc. Tuy ngồi trong bóng râm, nhưng khi đứng ngọ ánh nắng rọi xuống, mồ hôi giọt vắn giọt dài ươm ướt mặt. Chị đứng dậy lấy nón lá quạt cho mát, nhìn đóng nẹp khá nhiều, chị ôm đóng nẹp bước đến mấy căn nhà cất gần bên nhà máy để giao và nhận tiền. Chị về nhà ăn cơm và để lo cho mấy đứa nhỏ.

Trong nhà máy xay lúa, có anh Hội thợ đứng chạy máy, nhỏ hơn chị Sương lối năm, sáu tuổi gì đó. Anh Hội gọi chị Sương bằng chị, chị cũng kêu lại bằng em ngọt sớt. Vẫn thường ra sân trò chuyện với nhau. Hai bên lời qua tiếng lại, câu chuyện trên trời, dưới đất, vô thưởng vô phạt. Thương chị vất vả, anh Hội lén chủ xúc cám cho chị để bán cho những nhà nuôi heo, có thêm chút đỉnh tiền cho buổi cơm đầy đặn hơn. Muốn giúp đỡ thêm, anh xuất tiền mua heo sữa gởi chị nuôi, nuôi lớn bán tiền chia đôi, vì kẻ có công, người có của. Anh Hội ngủ trong nhà máy cũng gọi là giữ nhà luôn. Mỗi tối anh khiêng ghế bố ra sân, ôm cây đàn khảy bài vọng cổ, sang qua các bài tân nhạc, nghe cũng mùi lắm. Dưới ánh trăng khuya bàng bạc, hàng dừa xào xạc trong cơn gió, anh thấy tâm hồn cô đơn lạ lùng. Không phải anh không có người để ý, nhưng con nhỏ Sáo nầy nó xấu quá đi, miệng hô trớt, con mắt lé xẹ chưởi lộn nhau. Khi nó nhìn anh, y như rằng bụi hành bên kia chết. Anh nhận thấy không xứng đôi vừa lứa, nhưng anh cứ lững lững lờ lờ, để còn có bánh bao, bánh ú lót lòng buổi sáng.

Từ ngày gởi nuôi heo, chiều nào khi cơm nước xong anh ăn diện tươm tất, thả bộ qua nhà chị Sương. Mấy đứa con gọi anh bằng cậu, lúc thì anh đem bánh, lúc anh cho tiền. Chị Sương không bằng lòng:

- Em đừng biếu xén nữa, cho riết tụi nhỏ quen đi, không có, tụi nó mè nheo, chị bực lắm. Em nên ký cóp để dành tiền lo cưới vợ nữa chớ.

- Thôi chị ơi, vợ con chi cho mệt. Em chưa tính bây giờ.

- Chưa tính nhưng sẽ tính. Em phải lo tương lai, trai lớn có vợ, gái lớn có chồng là vậy đó.

Rồi Hội cứ chiều nào cũng qua thăm heo, lấy cớ thôi, chớ thật ra ý muốn thăm Sương. Mối tình một chiều thầm thương trộm nhớ lớn dần theo con heo. Nó bao nhiêu ký thịt là Hội bao nhiêu ký tình. Lúc sau Hội không còn xưng em với chị Sương nữa, và cũng không gọi bằng chị mà chỉ gọi Sương trống không. Bản tánh bén nhạy của người phụ nữ đã từng trải chuyện vợ chồng, Sương đoán chuyện gì sẽ xẩy ra, Sương làm bộ nói xa nói gần, lấy chồng lần nữa sẽ chọn người đứng tuổi, goá như chị, cho xứng rá xứng cạp hơn. Câu nói đó làm Hội buồn lòng không ít, và ngại ngùng không dám tỏ tình.

Anh thử lòng xem sao, liền ba chiều anh không tới thăm nữa. Khi Sương đến nhà máy ngồi sàng gạo, anh cố nén không bước ra sân nhìn như mọi khi. Ðêm tối lạnh lùng anh đem đờn ra khảy, anh cất tiếng hát gởi niềm tâm sự. Giọng nỉ non bắt nhịp theo sáu câu vọng cổ, mở đầu là câu nói lối, sau đó xuống giọng xề, nghe mùi tận mạng, ai có chung tâm trạng mới thấm thía cái hay của nó:

Ðêm nay dưới ánh trăng huyền ảo, nhớ sao là nhớ dáng vóc người mơ. Em ơi, em có yêu anh xin nói thật, kẻo lòng anh tháng đợi ngày... chờ...

Bên kia mương, Sương nghe rõ mồn một, chị trăn trở thở dài.

Qua chiều thứ tư, Hội không chịu nổi sự nhớ nhung, lại qua thăm Sương. Heo thì thây kệ nó. Sương mừng trong lòng nhưng vẫn làm tỉnh:

- Em ra chuồng heo coi, bây giờ nó lớn lắm, khi em làm đám cưới, làm thịt nó đãi đằng là vừa.

- Không đám cưới, đám hỏi gì hết. Nuôi lớn đem bán, nuôi con khác gầy vốn để Sương lấy chồng.

Sương cười ngất:

- Nói cho vui, chớ ai thèm chị. Vô đây hốt ổ sao?

- Có người muốn hốt ổ nhưng Sương tảng lờ đó chớ.

Sương trớ trêu:

- Ai. Ai đó, chỉ coi.

- Gần đây thôi.

Hơn một năm rồi, Hội không chịu nổi tiếng lòng réo rắt nữa. Nói thì ngượng miệng vì sợ bác lời. Tốt hơn cậy người làm mai dễ hơn. Nghe nói trong xóm có bà Mười một cây làm mai, Hội hớn hở đi nhờ. Bà Mười bắt mặt thằng ham lấy vợ nên bắt chẹt đòi cao. Bao nhiêu thì bao nhiêu miễn thành thì thôi. Riêng bà Mười thấy đám nầy dễ ăn, vì con kia đã từng có chồng lại ba mặt con, có trai tơ đi cưới chắc mừng quýnh. Nghĩ vậy không phải vậy, Sương chối phăng, viện lẽ Hội còn thanh niên, nhỏ tuổi hơn, lỡ chị chị, em em quen miệng rồi, đổi thành chồng vợ coi sao được, ngại thiên hạ đàm tiếu, ngại mình đã có con riêng.

Bà Mười thấy khó nuốt cái đám mà bà cho béo bở nầy, nhưng lỡ nhận tiền, xài mẹ nó hết rồi, tiền đâu trả lại. Hơn nữa, làm mối đám nầy không xong, mất tiếng tăm của bà đi. Bà xài điệu cũ là dai nhách, như chó nhai giẻ rách vậy. Bà cứ đến nhà Sương ngày một, dùng miệng lưỡi bà mai nói hoài, nói hủy, phân tích thiệt hơn, kể cho biết là chồng bà thua bà đến 10 tuổi mà ai có biết đâu. Có đàn ông trong nhà tiếp nuôi nấng mấy đứa nhỏ. Mấy đứa con lớn lên lấy vợ lấy chồng, rốt cuộc chỉ còn hai ông bà già chèo queo với nhau đỡ đần khi đau ốm. Nói hoài, nói mãi, Sương xiêu lòng, nhận lời.

Hội mừng quá, bỏ tiền cất lại căn nhà của Sương cho lớn hơn, có buồng riêng đàng hoàng. Bạn bè phụ nhau, cất chỉ có 1 tuần là có căn nhà mới. Hội lấy vợ sẽ không còn ngủ lại nhà máy nữa.

Thế là đám cưới rỡ ràng, cô dâu áo dài hồng, quần trắng, chàng rể quần tây, áo sơ mi, có thắt cà vạt nữa. Ba đứa con quần áo tươm tất, mặt vui hí hửng. Bà con, lối xóm đến dự đông đảo, chỉ cha mẹ chú rể giận con không đến dự. Một con heo, hai chục gà, vịt, lối xóm phụ nấu nướng đãi đằng xôm tụ lắm. Ðám cưới nầy, người thương thì mừng giùm Sương, kẻ ghét thì chê bai: "Trai tơ thì lấy gái tơ. Ông cha gì bắt mà quơ nạ giòng". Riêng con Sáo đứng nhìn cô dâu chú rể mà nước mắt hai hàng rơi lã chã.

Hội mê vợ làm việc hăng say quá, sáu năm liền có bốn đứa con. Riêng Sương bảy lần đẻ chửa sức khoẻ hao mòn, người ốm o, trông héo hon ủ rũ như tàu lá chuối rách bươm sau cơn mưa gió. Trong lúc Hội vẫn còn phong độ của một thanh niên đầy nhựa sống. Nhiều lúc nhìn vợ sao bèo nhèo, Hội chán quá, bây giờ không còn thấy cách biệt 6 tuổi như lúc trước mà thấy cách hơn 10 tuổi. Trong nhà con lớn, con nhỏ lít cha lít chít, thấy chật chội, căn nhà lúc trước rộng lớn bây giờ sao nhỏ quá.

Trong xóm có Tầm, cháu bà Hai Chuối dọn bàn máy về ở với dì, lãnh may mướn. Hội nghe tin có đến chơi. Thấy cô ta tuổi ngoài hai mươi, nhan sắc mặn mà, trong Hội lòng tiếc hùi hụi, tự trách sao mình lấy vợ quá sớm. Tầm lại biết ca tân nhạc nữa. Chàng đàn, nàng hát xem mòi khắng khít. Bà Hai Chuối vì mê nghe đàn hát nên thả lỏng cho cháu. Tin bay về nhà, Sương dẫn một đàn con lại nhà tình địch chưởi bới một trận tơi bời, hăm he nếu còn cặp xách với chồng chị, chị sẽ lột quần Tầm giữa chợ cho mang xấu. Từ đó hễ vừa thấy mặt Hội, Tầm đuổi như đuổi tà. Bà Hai Chuối nói Hội đừng đến quyến rũ cháu bà nữa. Bà sợ cháu bà mang tiếng, không ai dám cưới. Bà muốn dứt khoát, bà cầm chiếc guốc định phang theo, Hội co giò chạy một nước. Bị vợ phá đám, Hội hận vô cùng. Nhìn con gái người ta thấy ham, về nhà thấy mặt vợ muốn xịt cho chó cắn. Hội buồn, đi nhậu đến khuya mới về, vừa vào buồng chưa lên giường là té sụm xuống, cho chó ăn chè. Sương vừa lau dọn vừa rủa:

- Ðồ dịch vật, làm khổ vợ con. Bây giờ sanh chứng rồi phải không? Tứ đổ tường vô hai cửa rồi. Chỉ còn cờ bạc và hút xách là đủ bộ.

Khi đang say mê, thấy Sương đẹp và hiền, bây giờ trông vừa già vừa dữ. Nhiều lần dựa vào cơn say Hội chưởi đổng:

- Mẹ, hồi đó bộ ăn cám xú sao ngu quá trời, con đàn con đống cũng nhào vô hốt ổ. Bây giờ lãnh thẹo.

Sương cũng không vừa trả đũa:

- Hồi đó anh đâu có lọt tròng té nổ mà không biết tôi có con riêng? Ai có đẩy anh vô đâu. Tôi đâu thèm ưng anh, cậy mai cậy mối, nói rã họng tôi mới chịu. Ở nhau có bốn mặt con rồi, bây giờ giở chứng nói nầy nói nọ phải không?

"Trai ba mươi tuổi còn son. Gái ba mươi tuổi đã toan về già". Sương không còn ba mươi, mà đi men lần bốn mươi tuổi rồi, xem già khằng hơn nữa. Tiếc trai tơ lấy gái nạ dòng, Hội không biết làm sao gỡ nùi chỉ rối nầy. Mấy đứa con riêng lớn xộn rồi, mình chê bỏ bả, tụi nó bênh mẹ, nó dám đánh lại mình. Thiệt là quạ nuôi tu hú. Nhiều lúc muốn bỏ nơi nầy mà trốn biệt, nhưng còn bốn con của mình nữa chi. Liệu lấy vợ khác còn có con được không, hay là vì vốn liếng mình xài sạch bách hết rồi, không con, chết để heo ủi mả sao.

Cảnh cơm không lành canh không ngọt diễn ra dài dài. Một bữa chén bay dĩa bay găng quá, anh đi đường anh là đến nhà máy xay lúa, chị đi đường chị là bồng con bương bả thẳng vô xóm.

Thím Nở hỏi vói theo:

- Sương, mầy đi lại nhà bà mai chưởi tiếp phải không?


Trích trong tuyển tập ba "THẺ BÀI BUỒN KHI NGƯỜI NẰM XUỐNG" của Nhà văn nữ Phượng Khánh.

NHẬN XÉT CỦA NHẠC SĨ KIÊM NHÀ THƠ NGUYỄN HIỀN VỀ NHÀ VĂN PHƯƠNG KHÁNH.

"Tuyển tập THẺ BÀI BUỒN KHI NGƯỜI NẰM XUỐNG của nhà văn Phượng Khánh là một tập hợp những mảnh đời của chính tác giả, trong cuồng phong của xã hội vật chất bon chen và lạnh lẽo nầy. Tôi nhận thấy kỷ thuật viết truyện ngắn của Phượng Khánh rất gần với Khái Hưng của Việt Nam và Alphone Daudet của Pháp. Có lẽ vì người bạn đời là người miền Bắc nên Phượng Khánh ít nhiều cũng ảnh hưởng sự tinh tế, tâm lý sâu sắc mà ít tác giả miền Nam có được. Thay mặt cho những người đàn ông gốc Bắc, xin cám ơn tác giả THẺ BÀI BUỒN KHI NGƯỜI NẰM XUỐNG."





















































































Free Web Hosting