Tra^.n Chie^'n Te^'t Ma^.u Tha^n 1968

(Phần 2)



Ngoài 28 tỉnh lỵ và thị trấn bị Việt Cộng tấn công, 18 tỉnh lỵ còn lại --trừ một vài nơi yên tĩnh-- hoàn toàn đều bị pháo kích và bắn quấy rối. Tình hình liệt kê theo từng tỉnh lỵ được ghi nhận như sau:

  1. Ninh Thuận: hoàn toàn yên tĩnh.

  2. Phú Yên: thành phố yên tĩnh, Việt Cộng tấn công một vài đồn bót quanh tỉnh.

  3. Phú Bổn: hoàn toàn yên tĩnh.

  4. Lâm Đồng: thành phố yên tĩnh, Việt Cộng bắn quấy rối vào khu MACV ở Quận Di Linh ngày 9/2/1968.

  5. Tây Ninh: pháo kích tỉnh lỵ ngày 6/2/1968.

  6. Long An: pháo kích tỉnh lỵ ngày 10/2/1968.

  7. Hậu Nghĩa: pháo kích một vài địa điểm trong tỉnh.

  8. Bình Long: hoàn toàn yên tĩnh.

  9. Phước Tuy: hoàn toàn yên tĩnh.

  10. Phước Long: pháo kích ngày 7/2/1968.

  11. Kiến Phong: pháo kích thị trấn Cao Lãnh ngày 2/2/1968.

  12. Ba Xuyên: pháo kích phi trường Sóc Trăng và bắn quấy rối tỉnh lỵ.

  13. Sa Đéc: pháo kích ngày 10/8/1968.

  14. Châu Đốc: pháo kích tỉnh lỵ ngày 31/1/1968 và nhiều nơi khác.

  15. An Xuyên: pháo kích và bắn quấy rối tỉnh lỵ ngày 31/1/1968, 6/2/1968.

  16. Chương Thiện: hoàn toàn yên tĩnh.

  17. An Giang: hoàn toàn yên tĩnh.

  18. Quảng Đức: hoàn toàn yên tĩnh.

  19. Bình Tuy: hoàn toàn yên tĩnh.

So với những thành phố bị tấn công, những tỉnh lỵ này đều là những thị trấn nhỏ kém phần quan trọng Việt Cộng đã trừ ra không đánh. Có lẽ họ cho rằng nếu làm chủ tình hình những thành phố quan trọng khác thì những nơi này sẽ bất chiến tự nhiên thành. Do đó, họ lấy hết lực lượng địa phương của các tỉnh trên phối hợp với chủ lực quân dồn đánh vào những tỉnh lỵ được chọn làm mục tiêu. Hơn nữa, hầu hết các đồn bót quận lỵ đều không bị đánh cũng vì họ dồn toàn thể nỗ lực vào việc đánh chiếm các thành phố. Họ coi các đồn bót quận lỵ là những mục tiêu phụ. Nếu chiếm được trọn vẹn các mục tiêu chính là thành phố, những mục tiêu phụ này đương nhiên bị cô lập và bị thanh toán.

Cuộc tổng công kích của Việt Cộng kéo dài non hơn 2 tuần lễ và được coi như chấm dứt. Vì các hoạt động của họ cứ mỗi ngày một suy giảm do các cuộc hành quân phản công của quân đội Việt Nam Cộng Hòa và do chính họ tự rút các lực lượng bị hao tổn nặng nề ra để nghỉ ngơi và để bổ sung chỉnh đốn lại. Nhưng vào tối thứ Bảy ngày 17 tháng 2/1968 rạng ngày Chủ nhật, Việt Cộng lại tập trung lực lượng cố gắng mở một trận tổng công kích mới. Đợt tấn công này cũng rải rác ở nhiều điểm và đồng khởi cùng một lúc như đợt tấn công vào dịp Tết Mậu Thân. Nhưng không nghiêm trọng và kéo dài bằng đợt trước.

Việt Cộng có khả năng quy tụ quân ở quanh các thành phố nhưng cuộc tấn công hôm 18 tháng 2/1968 phần lớn chỉ là pháo kích. Cuộc pháo kích nhằm vào 47 thị trấn cùng các cơ sở của quân đội đồng minh. Như vậy khác với lần trước, lần này Việt Cộng hướng đánh vào các cơ quan của quân đội đồng minh không như lần trước chỉ riêng vào quân đội Việt Nam Cộng Hòa. Sau các vụ pháo kích, có một vài vụ tấn công bằng bộ đội. Đó là các vụ tấn công vào vùng cầu Bình Lợi, Thủ Đức, vùng Tân An, Bắc Gò vấp, Định Tường, Kiến Hòa, Châu Đốc và quan trọng hơn hết là cuộc tấn công vào tỉnh lỵ Phan Thiết.

Cuộc pháo kích đáng chú ý nhất là vụ vào thủ đô Saigon. các cơ sở bị pháo kích gồm căn cứ Tân Sơn Nhất xảy ra hồi 1 giờ 10 sáng, sau đó lúc 1 giờ 20 vào Phái Bộ Viện Trợ Hoa Kỳ ở Việt Nam tại phi trường Tân Sơn Nhất, Nha Cảnh Sát Đô Thành trên đường Trần Hưng Đạo, đài radar Phú Lâm.

Ngày 25 tháng 2/1968, lúc 2 giờ 25, Việt Cộng pháo kích và đột nhập vào quân y viện tỉnh lỵ An Xuyên. Nhưng quân đội Việt Nam Cộng Hòa đã giải tỏa áp lực lúc 4 giờ sáng. Cũng trong những ngày này, một lực lượng Việt Cộng đông đảo muốn tái đột nhập đô thành Saigon - Chợ Lớn - Gia Định gây áp lực tại vùng Hóc Môn thuộc Tây bắc thủ đô và vùng Phú Thọ Hòa ở phía Tây. Nhưng áp lực họ tạo ra đối với thủ đô không có gì là nguy hiểm. Cùng ngày 25 tháng 2/1968, quân đội Việt Nam Cộng Hòa đã làm chủ tình hình tại Huế sau 26 ngày binh biến.

Để hỗ trợ cho vụ tổng công kích, Bắc Việt đã xâm nhập vũ khí, đạn dược một cách ồ ạt và táo bạo vào Miền Nam bằng cả đường biển. Bằng cớ là ngày 29 tháng 2/1968, ngay trong một lúc khoảng từ 1 giờ đến 3 giờ, Hải Quân Việt-Mỹ đã chặn bắt được 3 tàu bọc sắt chở súng của Việt Cộng từ Bắc Việt vào. Ba chiếc tàu sắt này, một bị bắt gặp tại cửa Đức Phổ, Quảng Ngãi, một tại cửa Bồ Đề thuộc tỉnh An Xuyên và một tại Đầm Văn thuộc tỉnh Khánh Hòa.

Khi cả 3 chiếc tàu bị chặn xét, họ đã nổ súng chống trả. Hai chiếc ở ngoài khơi Quảng Ngãi và An Xuyên bị bắn chìm tại chỗ. Chiếc ở ngoài khơi Nha Trang bị săn đuổi đã chạy đâm vào bờ phát nổ. Tại chiếc tàu bị bắn chìm ở Đức Phổ, quân đội Việt Nam Cộng Hòa tịch thu được 645 súng trường, 45 tiểu liên, 12 trung liên và 1 đại liên. Trên chiếc tàu bị hạ tại Nha Trang, quân đội tịch thu 40 B-40, 28 AK-50 và nhiều thùng âu dược của Trung Cộng và Đông Đức. Trên tàu để lại 11 xác chết. Kế đến ngày 1 tháng 3/1968, lực lượng Hải Quân Việt-Mỹ đánh chìm 2 ghe và bắt một chiếc khác nguyên vẹn. Cả 3 ghe này đều chở đầy vũ khí và đạn được.

Vào tối ngày 5 tháng 3/1968, Việt Cộng lại mở cuộc tấn công mới vào nhiều thành thị và các cơ sở của quân đội Việt Nam Cộng Hòa. Đây là cuộc tấn công thứ ba có tính cách đồng loạt kể từ cuộc tấn công đầu tiên ngày Tết. Trong lần này, vùng Hậu Giang bị tấn công nhiều nhất. Cuộc tấn công nặng nhất là vào tỉnh lỵ Quản Long (tức tỉnh Cà Mau). Trong ngày này, lần đầu tiên Việt Cộng pháo kích vào phi trường Cam Ranh làm hư hại nhẹ đường bay. Các cuộc tấn công về sau này đều không có hiệu lực. Việt Cộng cốt đánh để duy trì tiếng vang đối với quốc tế và làm sáo trộn cuộc sống bình thường của dân chúng Miền Nam Việt Nam.

Để đáp ứng chiến trường Khe Sanh có thể trở nên nghiêm trọng, ngày 6 tháng 3/1968 Đại Tướng Westmoreland, Tư Lệnh Lực Lượng Hoa Kỳ tại Việt Nam, đã lập một Bộ Chỉ Huy tại Vùng 1 Chiến Thuật nhằm trợ giúp vào việc chỉ huy và điều khiển các đơn vị Mỹ tại vùng giới tuyến. Bộ chỉ huy này do Tướng Cushman làm tư lệnh và được gọi là Quân Đoàn Lâm Thời tại Việt Nam.

Tại thủ đô Saigon cũng như các tỉnh, chính quyền quốc gia đã dần dần tái lập được sinh hoạt bình thường. Vật giá sinh hoạt nhân ngày biến cố gia tăng không rút xuống được. Người dân thời loạn cũng quen với thực tại và chấp nhận thời cuộc. Dù sao đối với cuộc tổng công kích đầu Xuân Mậu Thân, người dân đã chưa vội bàn đến quân đội VNCH và Việt Cộng ai thắng ai bại. Một điều hiển nhiên là một gánh nặng xã hội đã đè nặng lên vai chính quyền miền Nam Việt Nam với một số lượng người khổng lồ không nhà cửa chịu cảnh bơ vơ thiếu thốn đủ thứ.

Cũng kể từ thượng tuần tháng 3/1968, quân đội Việt Nam Cộng Hòa và đồng minh đã làm chủ chiến trường, liên tiếp mở ra các cuộc hành quân tảo thanh. Một cuộc hành quân đại quy mô được tổ chức ngày 11 tháng 3/1968 để nối tiếp cho chiến dịch Trần Hưng Đạo được đặt ra cấp bách tại thủ đô vào dịp Tết. Cuộc hành quân này được đặt tên là "Quyết Thắng." Khoảng 50,000 binh sĩ thuộc các đơn vị của 6 sư đoàn và 2 chiến đoàn đã tham dự cuộc hành quân này tại năm tỉnh quanh thủ đô. Đó là các tỉnh Gia Định, Long An, Biên Hòa, Bình Dương và Hậu Nghĩa.

Phía Việt Nam Cộng Hòa, tham dự cuộc hành quân gồm có các đơn vị thuộc Sư Đoàn 5 và Sư Đoàn 25 Bộ Binh, một chiến đoàn Nhảy Dù, một chiến đoàn Thủy Quân Lục Chiến, một đơn vị Biệt Động Quân và một số Cảnh Sát. Về phía Hoa Kỳ có các đơn vị thuộc Sư Đoàn 9 và Sư Đoàn 25. Kết quả của chiến dịch này không lấy gì làm tốt đẹp vì chủ lực của Việt Cộng đã lẩn trốn để tránh né các cuộc chạm súng.

Xa hơn nữa một chiến dịch thứ hai có tính cách đại qui mô được mở ra tại vùng Hậu Giang là chiến dịch "Trương Công Định." Thêm vào đó, tại vùng giới tuyến các cuộc hành quân Lam Sơn 192, 193 và mang số kế tiếp được liên tiếp khai diễn tại Cao Nguyên, mở cuộc hành quân MacArthur với sự hợp tác giữa Sư Đoàn 4 Bộ Binh Hoa Kỳ và các lực lượng thuộc Khu 23 Chiến thuật. Tại các tỉnh Quảng Nam - Quảng Tín có cuộc hành quân Wallowa Wheeler. Tại tỉnh Quảng Ngãi có cuộc hành quân Musoatine, v.v... Đây là những cuộc hành quân có tính cách thông thường.

Về phía Việt Cộng, từ đầu Xuân Mậu Thân qua các đợt tấn công lực lượng của họ bị thiệt hại lớn lao, nhưng nhờ có một nguồn nhân lực dồi dào từ ngoài Bắc vào để bổ sung nên khả năng tham chiến của họ vẫn giữ được một cách khả quan trên khắp các mặt trận.

Theo một bản ước tính, lực lượng Cộng Sản tính từ ngày mở cuộc tổng công kích 29 tháng 1/1968 đến ngày 29 tháng 2/1968 được xác nhận trước ngày tổng công kích là vào khoảng 323,500 người. Số tổn thất của họ được ước lượng trong thời gian trên là khoảng 45,000 người. Con số tổn thất này được phân loại như sau:

Như thế, chỉ trong vòng một tháng chiến đấu, có 45,000 quân Cộng Sản đã bị tiêu diệt trong các cuộc chiến đấu phản công của các lực lượng Việt Nam Cộng Hòa và Hoa Kỳ.

Trừ số tổn thất từ ngày tổng công kích, quân số còn lại của Việt Cộng --tính cho đến ngày 29 tháng 2/1968 là:

Vì vậy, cho đến cuối tháng 2 năm 1968, lực lượng Cộng Sản trong cuộc tổng công kích mùa Xuân này đã còn lại khoảng 283,500 người. Với quân số này, Việt Cộng có đến 97 tiểu đoàn cùng với 18 đại đội trực tiếp tham chiến. Họ được phân chia ra như sau:

  1. Vùng 1 Chiến Thuật: 35 tiểu đoàn Việt Cộng cùng 18 đại đội biệt lập

  2. Vùng 2 Chiến Thuật: 28 tiểu đoàn Việt Cộng

  3. Vùng 3 Chiến Thuật: 15 tiểu đoàn Việt Cộng

  4. Vùng 4 Chiến Thuật: 19 tiểu đoàn Việt Cộng

Trước khi mở cuộc tổng công kích, Việt Cộng đã có chuẩn tị trước. Trong trường hợp không thành công, họ sẽ rút các đơn vị chiến đấu ra ngoài và tiếp tục bao vây lỏng các thị trấn. Trong khi đó, các đơn vị Việt Cộng rút ra được bổ sung và nghỉ ngơi, đồng thời tiếp tục tấn công cục bộ tại một vài thị xã để duy trì áp lực và làm cho quân đội VNCH phải dẫn quân đi khắp nơi để giữ. Và cứ như thế, kể từ thượng tuần tháng 3/1968, Việt Cộng đã áp dụng phương pháp duy trì áp lực này bằng những trận pháo kích thất thường và những trận bộ chiến nhỏ không đáng kể.


.

KẾ HOẠCH TỔNG CÔNG KÍCH - TỔNG KHỞI NGHĨA CỦA VIỆT CỘNG

Chiến dịch tổng công kích của Việt Cộng vào dịp Tết Mậu Thân 1968 đã được chuẩn bị khá tỉ mỉ và theo ước tính của phía Việt Cộng thì thế nào cũng thành công. Sự thật cho thấy cuộc tổng công kích đã thất bại. Đó là cũng vì Việt Cộng quá chủ quan trên nhiều phương diện, nhất là về phương diện tin ở sự hưởng ứng của dân chúng Miền Nam.

Bắt nguồn từ mùa Xuân 1967, lúc đó nhà cầm quyền Hà Nội thấy rằng hỏa lực của Hoa Kỳ quá mạnh khiến họ không thể mở được những trận đánh quyết định như hồi thời chống Pháp. Nhà cầm quyền Hà Nội đã phải duyệt lại chiến lược trường kỳ của họ trước tình thế ấy và cho rằng cứ tiếp tục chiến đấu trường kỳ thì kết cục cũng sẽ chẳng đi đến đâu. Đó cũng là quan điểm của một phái đoàn bí mật gồm các chuyên gia quân sự của các nước Bắc Cao Ly (Bắc Hàn), Trung Cộng và Cuba. Phái đoàn này đã đi thăm chiến trường Miền Nam và cho rằng Việt Cộng không thể chịu đựng lâu dài hơn được.

Vì thế, Cục Chính Trị (bộ chính trị) Miền Bắc đã yêu cầu chiến lược trường-kỳ cần phải được sửa đổi. Và Nghị Quyết 13 đã được ban hành với lời kêu gọi đạt đến chiến thắng trong thời gian ngắn nhất. Trong khi ấy, ở chiến trường miền Nam, Đại Tướng Cộng Sản Nguyễn Chí Thanh (Xứ Ủy Nam Bộ, kiêm tư lệnh quân đội Cộng Sản tại Miền Nam) bị thương và chết trong một lần dội bom của pháo đài B-52 Hoa Kỳ. Tháng 7 năm 1967, các giới chức lãnh đạo Cộng Sản ở Hà Nội mở phiên họp. Tướng Cộng Sản Võ Nguyên Giáp được giao trách nhiệm phát họa kế hoạch tổng tấn công trên toàn lãnh thổ miền Nam vào Tết Mậu Thân.

(Ghi Chú: Theo các tài liệu quân sử Tây Phương, vào mùa Hè 1967 trong một phi vụ dội bom của pháo đài B-52 Hoa Kỳ, Đại Tướng Nguyễn Chí Thanh bị mảnh bom đánh trúng lồng ngực, vết thương rất nặng. Cộng quân bí mật mang tướng Thanh qua ngã đường Nam Vang (Phnom Penn, thủ đô Cam Bốt) để về Hà Nội chữa trị. Nhưng vết thương ở ngực quá nặng, và thời gian không cho phép. Tướng Nguyễn Chí Thanh chết ngày 6 tháng 7 năm 1967. Người kế vị lên thay thế ông là Tướng Cộng Sản Võ Nguyên Giáp, một "kỳ phùng địch thủ" của ông Thanh, và cũng là người phát họa chiến dịch tổng tấn công trên toàn lãnh thổ miền Nam Việt Nam vài tháng sau đó. --PCL).

Từ đầu tháng 8 năm 1967, các cán bộ Việt Cộng đã được hướng dẫn về chiến dịch Đông Xuân 1967-68. Tài liệu học tập căn bản cho chiến dịch này được mệnh danh là "Nhận rõ tình hình mới và nhiệm vụ mới," và đã được phổ biến rộng rãi dưới nhiều hình thức khác nhau.

Một bản tài liệu này đã được tìm thấy tại tỉnh Tây Ninh ngày 25 tháng 11/1967 gồm 10 trang chữ in. Ngày ghi trong tài liệu là 1 tháng 9/1967. Bản tài liệu này cũng như các bản tài liệu khác của Việt Cộng đã được in trên giấy báo khổ sách nhỏ và được ngụy trang ngoài bìa thành một cuốn nghiên cứu giáo lý đạo Phật, tên sách là "Tế Độ Chúng Sinh" của Thượng Tọa Thích Minh Tâm, nhà xuất bản Lục Hòa Tăng. Bên trong tài liệu ghi rõ "Tài liệu học tập tình hình mới nhiệm vụ mới" cho các cán bộ sơ cấp, đảng viên và quần chúng cảm tình viên.

Phân tách tài liệu học tập này, người ta nhận thấy có 4 phần dáng kể như sau:

1. Mục tiêu cấp thời của Việt Cộng: dồn mọi nỗ lực đánh bật Mỹ ra khỏi Việt Nam để thành lập một chính phủ liên hiệp trong đó Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam sẽ được đóng vai trò chủ yếu.

2. Các cán bộ và cán binh Việt Cộng phải thực hiện ba nhiệm vụ quan trọng sau đây: a) phá hoại Hoa Kỳ về phương diện quân sự và chính trị, (b) phá hoại Việt Nam Cộng Hòa bằng cách làm tan rã quân đội và làm cho quần chúng không tin tưởng ở chính quyền quốc gia, (c) đẩy mạnh cuộc đấu tranh chính trị bằng cách xúi dục người dân nổi dậy lật đổ chánh phủ.

3. Nhận định về những hoạt động quân sự và chính trị của Việt Nam Cộng Hòa và quân đội đồng minh.

Trong phần này, Việt Cộng đã lập luận rằng những cuộc hành quân truy lùng và tiêu diệt (search and destroy) của Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng Hòa đã thất bại. Việt Cộng nhắc đến việc họ đã mở thêm được mặt trận Quảng Trị và Thừa Thiên khiến cho Mỹ bị cầm chân khá nhiều lực lượng ở phía Bắc và do đó Tướng Westmoreland Hoa Kỳ đã không thể đưa thêm quân vào đồng bằng sông Cửu Long mà còn phải về Mỹ để xin thêm quân nữa. Cũng trong phần này, Việt Cộng tự nhận đã thâu được nhiều thắng lợi lớn lao.

4. Nêu ra một số khuyết điểm đã mắc phải: Việt Cộng nhìn nhận đã thiếu sót trong việc phối hợp những cuộc hành quân lớn, số du kích chưa đạt tới mức mong muốn, một số tác chiến Việt Cộng chưa phát triển được hết những khả năng chiến đấu, sự đấu tranh chính trị chưa dủ mạnh để đánh những đòn quyết định, việc tổ chức những đoàn thể theo Việt Cộng chậm chạp và chưa nâng cao được phẩm chất của các cán bộ.

Tài liệu còn nói rõ rằng nếu Hoa Kỳ không chịu rút khỏi Việt Nam, và không chịu nhìn nhận vai trò then chốt của Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam (Cộng Sản) trong một chính phủ liên hiệp, thì Việt Cộng sẽ tiếp tục chiến đấu tới cùng và cho thấy một sự thay đổi lớn lao về chiến lược. Nghĩa là Việt Cộng sẽ gia tăng mức độ chiến tranh để hy vọng đạt chiến thắng quyết định trong thời gian ngắn, khác hẳn với chiến lược trường-kỳ chiến-tranh như vẫn thường được rêu rao trước đây.

Chung quy thì tài liệu này chỉ là một đề tài nhận định về thời cuộc với các đường lối hoạt động mới được đề ra để chuẩn bị cho một kế hoạch sắp được mang ra thi hành, những kế hoạch này chưa được tiết lộ.

Kế hoạch của Võ Nguyên Giáp được mang ám số là TCK-TKN (nghĩa là Tổng Công Kích - Tổng Khởi Nghĩa) được soạn thảo vào mùa thu năm 1967. Kế hoạch này đi ngược lại với chiến lược "trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi." Chiến lược trường-kỳ kháng-chiến gồm có 3 giai đoạn: giai đoạn phòng ngự, giai đoạn cầm cự, và giai đoạn tổng phản công.

Giai đoạn cầm cự còn được gọi là "giai đoạn gây cơ sở," là thời kỳ còn phôi thai phát khởi chiến tranh du kích, vừa đánh vừa bảo toàn lưc lượng và vừa gây cơ sở. Giai đoạn cầm cự còn được gọi là "giai đoạn giằng co," là thời kỳ chuyển biến từ hình thức du-kích chiến sang du-kích vận-động chiến, công-kiên chiến, giao-thông chiến và quy-mô chiến với sự mở rộng căn cứ chiến địa, cơ sở tổ chức và quân chủng cùng các vùng đất đai chi phối được. Giai đoạn tổng phản công là giai đoạn chót khi mọi mặt đã chín mùi và thuận lợi chuyển đến việc cướp chính quyền phe nghịch.

Theo quy luật của chiến lược trường kỳ, thì giai đoạn trước chưa chín mùi không thể đốt giai đoạn kế tiếp. Nay đứng trước sự tham chiến của quân đội đồng minh quá hùng hậu, Việt Cộng vẫn lúng túng ở giai đoạn phòng ngự mà chưa bước hẳn sang giai đoạn cầm cự được. Nhưng Tướng Cộng Sản Võ Nguyên Giáp vẫn kêu gọi bộ đội Việt Cộng gấp rút đạt tới chiến thắng torng một thời gian ngắn thì ắt hẳn Cộng Sản Bắc Việt đã có một toan tính ra sao.

Tháng 10 năm 1967, Võ Nguyên Giáp, Lê Duẩn và Nguyễn Duy Trinh (Ghi Chú: Trinh sau này bị nhóm Lê Duẩn và Lê Đức Thọ thanh toán qua một chuyến rớt máy bay gần Đà Lạt vào thập niên 1980) ghé Bắc Kinh trên đường đi Mạc Tư Khoa dự lễ kỷ niệm "Cách mạng Bôn Sơ Vích 50 năm." Giáp phác họa chiến lược cho Bắc Kinh biết. Thoạt đầu Bắc Kinh không tán thành nhưng sau nhận giúp đỡ Hà Nội và đề nghị giúp Giáp thêm 100,000 binh sĩ tiếp vận và tài xế và 200,000 nhân viên giữ gìn và bảo trì đường xá, thiết lộ để Giáp có thêm quân chiến đấu gởi vô Miền Nam. Nhưng Hà Nội không nhận sự giúp đỡ nhân lực này ngoại trừ một số rất ít. Bắc Kinh cũng hứa cung cấp hai loại hỏa tiễn mới 107 ly và 240 ly. Còn Liên Sô thì hứa cung cấp xe thiết giáp và các vũ khí khác.

Gần đến Giáng Sinh, tham mưu trưởng quân đội miền Bắc là Trung Tướng Văn Tiến Dũng gởi chỉ thị chiến dịch Đông Xuân 1967-68, cho các chỉ huy trưởng của các đơn vị Việt Cộng. Chỉ thị này mới đề cập tới kế hoạch tổng công kích cách cụ thể.

Tết Dương lịch, Nguyễn Duy Trinh, Bộ Trưởng Ngoại Giao, còn ngỏ ý muốn hòa đàm cốt ý đánh lạc hướng sự chú tâm của Hoa Kỳ trước khi họ khởi sự tấn công vào Tết Âm lịch. Một ít lâu sau đó, Hồ Chí Minh đọc bốn câu thơ chúc Tết trên đài phát thanh Hà Nội hàm ý gửi mật lịnh tổng tấn công. Nguyên văn 4 câu thơ này như sau:

Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua
Thắng trận tin vui khắp nước nhà
Nam Bắc thi đua đánh giặc Mỹ
Tiến lên, toàn thắng ắt về ta

Sự thật khi nghe chẳng ai tin và cho rằng những lời thơ này chỉ có tính cách khích lệ và cổ võ cho một chiến thắng mơ ước xa xăm của Việt Cộng. Nhưng sự thật các cán bộ Việt Cộng đã dùng bài thơ này khai triển thành một tập tài liệu học tập rất chu đáo.

Trở lại kế hoạchTổng Công Kích - Tổng Khởi Nghĩa của Võ Nguyên Giáp, trước cũng như sau ngày tổng công kích của Việt Cộng, nguyên bản vẫn chưa được tiết lộ. Nhưng theo cung từ của tù binh, hồi chánh và các diễn biến của các trận đánh, kế hoạch này cũng đã được bộc lộ một phần nào.

Ám danh "TCK-TKN" có nghĩa là kế hoạch có 2 giai đoạn: giai đoạn 1 là tổng công kích, và giai đoạn 2 là tổng khởi nghĩa. Giai đoạn 1 có nghĩa là nhằm mở một cuộc tổng công kích trên toàn lãnh thổ Miền Nam cùng một lúc vào những mục tiêu quyết định. Giai đoạn 2 có nghĩa là nương đà thắng của cuộc tổng công kích, dùng cán bộ chính trị vận dụng quần chúng nổi dậy cướp chính quyền thành lập một chính thể mới.

Thật ra thì cuộc tổng công kích kết hợp với tổng khởi nghĩa của Việt Cộng vào Tết Mậu Thân năm 1968 đã hoàn toàn thất bại. Nhưng cuộc tổng công kích này cũng đã gây nhiều ngạc nhiên cho thế giới về khả năng tấn công và những mưu toan của Việt Cộng. Người ta cho rằng khi mở cuộc tấn công này, Việt Cộng đã muốn tạo một tiếng vang to lớn trên quốc tế, gây nên sự kinh hoàng trong quần chúng Miền Nam, và cũng như gây thêm nhiều gánh nặng về xã hội cho chính quyền Việt Nam Cộng Hòa đối với các thiệt hại của dân chúng.

Nhưng, trái với dự đoán trên, một cán bộ cao cấp của Trung Ương Cục Miền Nam bị bắt trên đường đi tới địa điểm hội họp vào trước ngày xảy ra cuộc tổng công kích đã cho biết vì sao mà có trận tổng công kích. Cán bộ này tên là Năm Đông tự là Can đã nói: "Chiến dịch TCK-TKN không phải là một chiến dịch thông thường, không phải là một chiến dịch tạo tiếng vang gây uy thế chính trị mà là một chiến dịch mưu toan chiến thắng quyết định."

Xem tiếp: Phần 1  Phần 2  Phần 3  Phần 4  Phần 5  Phần 6  Phần 7  Phần 8  (Còn tiếp)

Phạm Văn Sơn

















































































Free Web Hosting