Tra^.n Chie^'n Te^'t Ma^.u Tha^n 1968

(Phần 4)


CUỘC TẤN CÔNG ĐỢT HAI: NGÀY 5 THÁNG 5/1968

Sau thất bại của cuộc tổng tấn công đợt một vào dịp Tết Mậu Thân, Việt Cộng đã mở trận tấn công ngày 17 tháng 2/1968 nhằm hỗ trợ tinh thần cho chiến trường Huế còn dang sôi động lúc bấy giờ. Cuộc tấn công được chú trọng vào thủ đô Saigon, nhưng các lực lượng Việt Cộng chỉ đến vùng ven đô đã bị đánh tan không xâm nhập được vào trong thành phố. Tối ngày 5 tháng 3/1968, Việt Cộng đồng loạt mở một cuộc tấn công khác phần lớn bằng pháo kích trên khắp nơi. Cuộc tấn công này ngắn ngủi và yếu ớt, dường nhi chỉ nhằm gây tiếng vang. Từ ngày đó đến ngày mở cuộc tổng tấn công đợt 2, Việt Cộng chỉ hoạt động theo mức độ thường lệ.

Chánh quyền Miền Nam tỏ ra thận trọng và tăng gia các biện pháp bố phòng. Lệnh giới nghiêm được ban hành trên toàn cõi Miền Nam tức khắc ngay sau biến động xảy ra. Ngày 28 tháng 2/1968, thủ tướng chính phủ ký sắc lệnh đình chỉ việc giải ngũ mọi loại quân nhân, gọi tái ngũ mọi loại quân nhân khác trở lại quân đội.

Từ đầu tháng Ba dương lịch, tất cả các nam giáo sư, sinh viên từ 18 đến 45 tuổi đều phải tham gia huấn luyện quân sự. Sau 2 tuần lễ huấn luyện quân sự, sinh viên phải mặc đồng phục kaki vàng và ghép thành hàng ngũ. Tại nhiều tỉnh lỵ, các đoàn phòng vệ dân sự được tự động tổ chức theo sang kiến của các tỉnh trưởng. Các công chức phải tham gia phong trào. Phong trào này sau được đổi danh thành phong trào Nhân Dân Tự Vệ.

Các đoàn thể chính trị cùng hoạt động. Ngày 10 tháng 3/1968, Mặt Trận Nhân Dân Cứu Nguy Dân Tộc ra đời và bầu được ban chấp hành trung ương do Thượng Nghị Sĩ Trần Văn Đôn làm chủ tịch. Về phương diện xã hội, để cứu trợ các nạn nhân thời cuộc, Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu trong một thông điệp ban bố ngày 28 tháng 2/1968 đã quyết định mở một cuộc lạc quyên trên toàn quốc trong vòng một tháng. Mỗi một quân nhân sĩ quan và công chức phải góp vào cuộc lạc quyên này một ngày lương toàn vẹn. Ủy ban Cứu trợ Trung ương được giao trách nhiệm cho Phó Tổng Thống Nguyễn Cao Kỳ.

Sau ngày biến động, bộ mặt bình thương của Miền Nam đã thành một bộ mặt chiến tranh phấn khởi. Một điều ghi nhận là dân chúng và binh sĩ lại có vẻ tin tưởng ở sức mạnh của mình khi họ mục kích trước mắt các đơn vị Việt Cộng bị thua, bỏ chạy và Việt Cộng bị chết rất nhiều.

Sự phấn khởi của nhân dân được bộc lộ ra nhất là đối với giới thanh niên trước đây trốn tránh quân dịch trở ra trình diện đầu quân vui vẻ. Do đó, trong vòng hơn một tháng, các đơn vị Quân Lực VNCH bị tổn thất trong biến động đầu Xuân đã bổ sung được đầy đủ quân số. Nhiều đơn vị còn có quân số trội hơn trước. Thành phần quân số bổ sung sau dịp Tết gồm những người tái ngũ, những người mới đầu quân và những quân phạm được ân xá trong trường hợp tình nguyện gia nhập quân đội đãi công chuộc tội.

Một điều ghi nhận khác nữa là các đơn vị Việt Nam Cộng Hòa được thay thế các vũ khí cũ bằng vũ khí mới M-16. Loại súng này là loại tối tân nhất của Hoa Kỳ vào năm 1968. Việc trang bị vũ khí mới đã làm cho các đơn vị tăng thêm hỏa lực, binh sĩ tăng thêm tinh thần chiến đấu.


Ngày 31 tháng 3/1968, Tổng Thống Johnson ra Lệnh cho Không Quân Hoa Kỳ hạn chế oanh tạc Miền Bắc và ngỏ ý hoà đàm với Bắc Việt. Trong khi đó, tại Việt Nam ngày 1 tháng 4/1968 quân đội Mỹ mở một cuộc hành quân giải tỏa Khe Sanh. Cuộc hành quân được giao cho Sư Đoàn 1 Không Kỵ. Sơ khởi hành quân trực thăng vận chiếm mấy ngọn đồi cao chế ngự Quốc Lộ 9, các đoàn quân chính gồm chiến xa và bộ binh dựa theo quốc lộ này tiến vào Khe Sanh.

Cuộc hành quân chậm chạp không gặp chống cự chống trả mãnh liệt của địch. Lực lượng giải tỏa Việt Mỹ khoảng 20,000 người gồm các binh sĩ thuộc Sư Đoàn 1 Không Vận, Sư Đoàn 3 Thủy Quân Lục Chiến (TQLC) Hoa Kỳ và một chiến đoàn Nhảy Dù Việt Nam Cộng Hòa. Căn cứ Khe Sanh bị quân Bắc Việt bao vây 76 ngày. Đến ngày 5 tháng 4/1968, Khe Sanh được giải tỏa.

Ngày 6 tháng 4/1968, Hoa Kỳ chính thức liên lạc ngoại giao với Bắc Việt để mở hội nghị hòa đàm, và ngày 8 tháng 4/1968 nhận được đáp thư của Bắc Việt  chấp nhận. Hai bên tiến đến chỗ tìm một địa điểm hòa đàm mà sự chọn lựa địa điểm đã kéo dài đến gần một tháng vẫn không giải quyết được. Bắc Việt  đề nghị mở hội đàm ở Ba Lan hoặc Cao Miên, Hoa Kỳ ngược lại đòi mở hội đàm tại một trong 10 nước: Tích Lan, Nhật Bản, Pakistan, Nepal, Afghanistan, Mã Lai, Ý, Bỉ, Phần Lan hoặc Úc.

Vào khoảng trước ngày 10 tháng 4/1968, một thượng tá Việt Cộng tên Tám Hà về hồi chánh. Viên thượng tá này tiết lộ là Việt Cộng đang chuẩn bị tấn công thủ đô Saigon, khu Chợ Lớn và Gia Định. Tám Hà cũng cho biết khoảng chừng trên 10,000 cán binh Việt Cộng đang chuẩn bị tấn công thủ đô Saigon vào ngày 22 tháng 4/1968. Nhưng có thể vì lý do nào đó đã chậm lại. Lực lượng tấn công của Việt Cộng gồm 2 trung đoàn thuộc Công Trường (CT) 9, hai trung đoàn thuộc Công Trường 5 và được tăng cường thêm chừng hai trung đoàn địa phương gồm các Trung Đoàn 165 và Trung Đoàn Đồng Tháp.

Để công kích Saigon, Công Trường 9 sẽ đánh từ vùng ven đô Tây-Bắc. Mục tiêu tấn công gồm cả phi trường Tân Sơn Nhất. Trong khi đó Công Trường 5 sẽ tấn công từ phía Tây và phía Nam. Các mục tiêu được chọn lựa và các cứ điểm quân sự, nhà đèn, các nơi tiện nghi công cộng và trọng yếu trong thành phố. Các đơn vị quân đội tại Saigon mới được giải tỏa 50 phần trăm phải cấm trại trở lại 100 phần trăm khi nhận được tin tiết lộ này.

Ngày 28 tháng 4/1968, Sư Đoàn 1 Không Kỵ Hoa Kỳ hành quân trực-thăng vận bất ngờ vào thung lũng A Shau, nơi đặt một căn cứ tiếp vận quan trọng của Bắc Việt. Cuộc hành quân này đã dùng đến hơn 200 phi cơ trực thăng. Sau đó, một chiến đoàn Nhảy Dù Việt Nam Cộng Hòa được gởi ngay đến để tăng cường. Tại thung lũng A Shau, quân Cộng Sản Bắc Việt chống trả yếu ớt. Tuy nhiên súng phòng không địch tác xạ rất hiệu quả làm 30 trực thăng của Hoa Kỳ bị hư hại. Liên quân Việt-Mỹ phá hủy và tịch thu được rất nhiều chiến cụ trong cuộc hành quân này.

Trong khi đó, cuộc dàn xếp chọn một địa điểm nghị hòa vẫn diễn tại Lào giữa Đại Sứ William S. Sullivan của Hoa Kỳ và tổng đại diện Nguyễn Chấn của Bắc Việt. Cuộc tiếp xúc riêng này đã mang đến kết quả là ngày 3 tháng 5/1968, Hoa Kỳ và Bắc Việt công bố chọn Paris làm địa điểm hội nghị sơ bộ.

Cuộc hội họp đầu tiên được ấn định vào ngày 10 tháng 5/1968. Sau đó hai bên công bố thành phần phái đoàn. Phía Hoa Kỳ, ông Harriman trưởng phái đoàn. Ông Cyrus Vance cố vấn đặc biệt cho Tổng Thống Johnson làm phó trưởng phái đoàn. Tướng Andrew Godpaster, phụ tá của tướng Westmoreland ở Việt Nam làm hội viên. Ông Jordan chuyên viên về các vấn đề Việt Nam tại Hội Đồng An Ninh Quốc Gia, kiêm thứ trưởng ngoại giao phụ trách Viễn Đông sự vụ, làm hội viên, v.v...

Phía Bắc Việt, ông Xuân Thủy, Bộ Trưởng Không Giữ Bộ Nào (chức vụ "Bộ Trưởng Không Giữ Bộ Nào" thật sự là một chức vị hoàn toàn có thật trong chánh quyền Cộng Sản Bắc Việt) làm trưởng đoàn, Đại Tá Hà Văn Lâu là đại-sứ trưởng phái đoàn Bắc Việt, Nguyễn Minh Vỹ và Nguyễn Thành Lê là hội viên, v.v...

Trong khi hội nghị chính trị Paris thành hình, chiến cuộc tại Việt Nam vẫn gia tăng mức độ. Mọi người đều nghi và biết như vậy nhưng không hiểu cường độ chiến tranh sẽ gia tăng vào lúc nào và ở những nơi nào.

Ngày 4 tháng 5/1968, một triệu chứng đầu tiên khơi mào cho một cuộc tấn công lớn được phát hiện. Đó là một tiếng nổ rất to do Việt Cộng gây ra ở gần đài vô-tuyến truyền hình tại Saigon. Khoảng 60 kg chất nổ TNT được dấu trên xe taxi. Lúc 13 giờ trưa, chiếc taxi bùng nổ gây tử thương cho 3 người chết và khoảng 30 người khác bị thương. Một căn nhà ở gần đài truyền hình cũng bị sập đổ.

Người ta cho rằng tiếng nổ này là một hiệu lệnh của Việt Cộng phát động cho cán binh của họ mở cuôc tấn công vào thủ đô Saigon ngày hôm sau.

Chỉ 24 giờ sau khi tin Hoa Kỳ và Bắc Việt thảo luận họp nhau ở Paris được tung ra là Việt Cộng đã mở cuộc tấn công vào Saigon. Cuộc tấn công này phát xuất lúc 03 giờ 10 chiều ngày 5 tháng 5/1968. Lúc đầu, Việt Cộng bắn những loạt trọng pháo loạn xạ bưà bãi vào thành phố. Sau đó các đơn vị võ trang của họ xuất hiện tại nhiều nơi. Tuy cuộc tấn công được khai diễn trên toàn quốc bằng hỏa lực pháo kích, nhưng mục đích thật sự là Cộng quân muốn chỉa mũi dùi bộ-chiến vào thủ đô Saigon.

Cuộc tấn công của Việt Cộng ngày 5 tháng 5/1968 vào Saigon kéo dài đến ngày 12 tháng 5/1968 mới chấm dứt. Các lực lượng võ trang Việt Cộng chỉ lọt được vào vùng ven đô. Sau đó họ lần lượt bị tiêu diệt và đẩy lui ra khỏi thành phố.

Ngày 25 tháng 5/1968, Việt Cộng lại tiếp tục tấn công thủ đô Saigon. Lần này họ xâm nhập qua Đồng Ông Cộ vào khu vực Ngã Năm Bình Hòa và những khu kế cận. Họ chiếm và cố thủ trong các nhà của thường dân vô tội để chống lại cuộc phản công của quân đội Việt Nam Cộng Hòa. Tại Chợ Lớn, Việt Cộng cũng xâm nhập được vào nhiều khu phố thuộc Quận 6. Họ tổ chức chiến đấu ngay trong các khu vực đông dân cư, chiếm mấy nhà kiên cố làm pháo đài. Các trận chiến xảy ra tại những khu vực này vô cùng khốc liệt

ĐƯỜNG LỐI CHIẾN LƯỢC VÀ CHIẾN THUẬT CỦA VIỆT CỘNG TRONG CUỘC TẤN CÔNG ĐỢT HAI VÀO SAIGON

Trong chiến lược tổng tấn công kỳ trước (đợt 1), chính Việt Cộng đã nhận thấy sai lầm khi lực lượng võ trang được trãi rộng ra để tấn công cùng một lúc tại khắp nơi. Chiến lược dùng quân sự trãi-rộng chỉ khi nào quân lực tấn công mạnh hơn đối phương, còn nếu yếu hơn tất nhiên không đủ lực để đánh, sẽ bị thất bại. Việt Cộng hiện nay tại Miền Nam không có yểm trợ không quân, cần phải chọn điểm rồi tập trung lực lượng đông và thay phiên đánh mới mong thắng được.

Chọn lựa những mục tiêu chiến lược để hậu thuẫn cho hội nghị Paris chẳng còn mục tiêu nào tốt hơn là các thành phố, và nhất là Saigon vì đánh vào được Saigon sẽ gây những tiếng vang chính-trị lớn và làm rối loạn hệ thống lãnh đạo của đối phương.

Chiến thuật của Việt Cộng áp dụng trong kỳ đầu tháng tháng 5 năm 1968 như sau :

- Tránh né tất cả những vị trí đóng quân của Việt Nam Cộng Hòa mà lần trước họ đã tấn đánh.

- Xâm nhập vào các khu dân cư, nhờ đêm tối, và vào những chỗ không có quân án ngữ.

- Khi bám vào nhà cửa tại khu vực xâm nhập, Việt Cộng chấp nhận thiệt hại, đợi quân ta đến đánh và không chịu thối lui.

- Nếu các lực lượng ngăn chặn không kịp thời phản ứng, Việt Cộng sẽ lan tràn ngay sang các khu dân cư khác và tăng viện quân mới đem vào để mở rộng vết dầu loan.

- Áp dụng chiến thuật nội công ngoại kích bằng các toán đặc công gây xáo trộn ngay trong thành phố.

Trong các ngày biến động, các toán Việt Cộng đã vào được các khu Thị Nghè, Bảy Hiền, Minh Phụng, Bình Thới, Bình Tiên và Phạm Thế Hiển, v.v... Các lực lượng Việt Nam Cộng Hòa đã ngăn chận hữu hiệu không cho Việt Cộng lan tràn sang các khu vực khác. Nhưng để đẩy lui hẳn đối phương, quân đội miền Nam đã phải dùng hỏa lực mạnh mẽ của phi pháo và chiến xa mới làm chủ tình hình được.

Đúng ra khi mở mặt trận tại thành thị, Cộng quân chỉ nhằm duy trì một tình trạng bất an nhưng không nhằm thâu những chiến thắng quân sự lớn lao. Họ chỉ dùng những tình hình xáo trộn để phá vỡ nền tảng kin tế và chính trị của chánh phủ Việt Nam Cộng Hòa, đồng thời tìm cơ hội khuynh đảo chính phủ Quốc Gia. Để thực hiện mặt trận này, Cộng Sản đã dùng du kích chiến nhưng đã chế biến đôi chút để thích nghi với kỹ thuật chiến đấu trong thành phố.


Ngày 12 tháng 5/1968, Việt Cộng bị đánh bật ra. Nhưng tới ngày 25 tháng 5/1968 họ lại xâm nhập vào đô thành tại hai ngã: ở phía Bắc Gia Định và từ phía Nam Chợ Lớn. Việt Cộng áp dụng một chiến lược như kỳ trước là đột nhập khu dân cư và bám sát vào khu này chống đánh các lực lượng giải tỏa.

Lần này Việt Cộng đã khai thác được những sơ hở của phòng đai phòng thủ nên các phần tử địch đột nhập vào rồi quân ta mới biết. Trước khi nổ súng, Việt Cộng rãi quân chiếm giữ tất cả những địa điểm then chốt trong khu vực như các tòa nhà lớn, nhà máy, xí nghiệp, các nơi tôn nghiêm. Ngoài ra tại các khu đất trống và gò mả Việt Cộng còn đào các hầm hố chiến đấu.

Khi đã bám vào được các khu vực vừa chiếm, mỗi đêm họ cho tăng viện thêm quân vào. Đoàn quân di chuyển vào theo từng toán nhỏ nhưng những toán này được trang bị hỏa lực rất mạnh. Đây là những cán binh đã được dưỡng quân lâu dài. Trong khi đó, các đơn vị mệt mỏi và bị thiệt hại thì lại được rút ra. Chiến thuật này được gọi là "xa luân chiến" với mục đích tạo một cuộc đánh dài lâu vào thủ đô.

Việt Cộng áp dụng phương pháp du-kích chiến trong thành phố. Bị đánh ở nơi này, họ bèn bỏ chạy sang nơi khác, nhưng vẫn cố bám vào các khu vực đông dân cư và chẳng chịu rút ra. Khi Cộng quân cố thủ tại những vị trí chiến đấu vững chãi, họ có thể gây cho lực lượng phản công của quân đội VNCH nhiều thiệt hại. Việt Cộng không tập trung đóng tại một chỗ, mà lại chia quân ra nhiều ổ kháng cự gồm trên dưới một tiểu đội.

Do đó các cuộc hành quân giải tỏa của quân đội VNCH đã rất khó khăn. Để ngăn cản sự bành trướng của Việt Cộng và tiêu diệt họ ở trong những vị trí chiến đấu kiên cố, quân đội chánh phủ đã phải sử dụng đến phi cơ và chiến xa.

Cũng kể từ cuộc tấn công đợt hai vào Saigon, hằng đêm Việt Cộng bắn hàng loạt hỏa tiễn 122 ly và đạn súng cối 82 ly bừa bãi vào các khu phố gây nên một sự chết chóc và sợ hãi trong dân chúng.

Tóm lại, qua các cuộc tấn công của Việt Cộng vào Saigon, có thể nhận định rằng họ đã thay đổi chiến lược một cách rõ rệt. Trong cuộc tổng công kích Tết Mậu Thân đầu tiên, Việt Cộng chỉ nhằm đánh vào các cơ quan quân sự và đưa các cán bộ chính trị vào các thành phố để khuấy động qua các cuộc biểu tình chống chính phủ.

Đối với cuộc tấn công kỳ hai, ngày 5 tháng 5/1968, Việt Cộng không đánh vào một cứ điểm quân sự nào mà lại xâm nhập Saigon qua các khu dân cư, rồi bám vào các nơi này để chống đánh lại các lực lượng của chánh phủ.

Còn đối với các cuộc tấn công ngày 25 tháng 5/1968, Việt Cộng cũng áp dụng phương pháp tác chiến như cuộc tấn công ngày 5 tháng 5/1968, nhưng lần này họ cố tạo ra một cuộc đánh lâu dài với hầm hố và công sự chiến đấu được tổ chức chu đáo và cũng trong lần này họ đã rút tỉa được kinh nghiệm của các kỳ trước để tránh các thiệt hại về quân số.

Trong cuộc tổng công kích Tết Mậu Thân đầu tiên, họ không pháo kích vào Saigon. Nhưng trong cuộc tấn công đợt hai này họ đã pháo kích bừa bãi ngay vào các khu dân cư. Đây là một chiến thuật đê hèn nhằm phá vỡ nền tảng kinh tế, bần cùng hóa thủ đô, để tạo nên một mối kinh hoàng trong lòng người dân.

Nhưng rồi tất cả những âm mưu của Việt Cộng đã đều bị bẻ gãy trước sự suy nhược của họ. Nhiều cán binh mất tinh thần vì con số chết chóc phiá bên họ đã quá cao. Sự việc này làm cho nhiều cán binh trẻ tuổi không chịu nổi. Họ đã buông súng, đã đầu hàng tập thể để mong cứu lấy mạng sống của họ, và cũng như để chạy về hàng ngũ của chánh phủ Quốc Gia.

Xem tiếp: Phần 1  Phần 2  Phần 3  Phần 4  Phần 5  Phần 6  Phần 7  Phần 8  (Còn tiếp)

Phạm Văn Sơn

















































































Free Web Hosting