Tra^.n Chie^'n Te^'t Ma^.u Tha^n 1968

(Phần 6)



Cũng trong ngày này, tình hình tại Chợ Lớn thêm khẩn trương. Nhiều đơn vị Việt Cộng xuất hiện tại các quận 6, 7 và 8. Sáng mồng 4 Tết, Tiểu Đoàn 2 Thủy Quân Lục Chiến (TQLC) tiến vào Chợ Lớn thay thế Tiểu Đoàn 38 Biệt Động Quân (BDQ) chuyển sang Gia Định. Tiểu Đoàn 33 Biệt Động Quân cũng được gởi tới mặt trận Bình An tại Quận 7 lúc ấy mới khởi phát. Tiểu Đoàn 6 Thủy Quân Lục Chiến đang trú đóng tại Bồng Sơn được lệnh không vận về Saigon trong ngày 2 tháng 2/1968.

Khi đến Chợ Lớn, Tiểu Đoàn 2 Thủy Quân Lục Chiến mở ngay cuộc hành quân vào khu vực chùa Ấn Quang. Tiểu Đoàn 6 Thủy Quân Lục Chiến về tới Saigon chiều ngày 2 tháng 2/1968 được nghỉ một đêm. Sáng hôm sau tiểu đoàn này xuống giải vây Chi khu Thủ Đức và các hậu cứ đơn vị Thủy Quân Lục Chiến tại đây.

Tung vào trận tấn công thủ đô Saigon, Việt Cộng đã xử dụng khoảng 15 tiểu đoàn gồm chủ lực quân và địa phương quân, cộng thêm 2 đoàn đặc-công có quân số trên một tiểu đoàn. Đó là chỉ kể những đơn vị dù ít dù nhiều đã tham gia vào trận đánh, không kể đến những đơn vị khác từ Công Trường (sư đoàn) 7 và 9 có thể tăng cường thêm vào.

Danh hiệu của những đơn vị Việt Cộng trực tiếp tham chiến với các mục tiêu tấn kích được ghi nhận trong nội ô đô thành và ở vùng phụ cận như sau:
  • Một Tiểu Đoàn của Trung Đoàn 271 (thuộc Công Trường 9) tăng cường cho TD/56/U80 đánh vào Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung và vùng phụ cận.
  • Các Tiểu Đoàn 267 và 269 phối hợp với thành phần của Trung Đoàn 271 đánh vào phi trường Tân Sơn Nhất.
  • Một tiểu đoàn của Trung Đoàn 273 Công Trường 9 tấn công Chi Khu Thủ Đức.
  • Tiểu Đoàn 1 Củ-Chi, được tăng cường một tiểu đoàn của Trung Đoàn 101 (thuộc Công Trường 7) và một thành phần của Tiểu Đoàn 2 Cơ Giới R đánh chiếm khu căn cứ tiếp vận Gò Vấp.
  • Tiểu Đoàn 2 Gò Môn phối hợp với đội đặc công J1/F100 tấn công Bộ Tổng Tham Mưu Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) ở cổng số 4.
  • Tiểu Đoàn 3 Dĩ An, còn được gọi là "3/165A," tấn công khu vực Hàng Xanh.
  • Tiểu Đoàn 4 Thủ Đức, còn được gọi là "4/165A," tấn công khu xa lộ Saigon.
  • Tiểu Đoàn 6 Bình Tân, còn được gọi là "6/165A," tấn công vùng Phú Thọ - Bà Hạt.
  • Tiểu Đoàn 508 Long An tấn công vùng Bình Tây.
  • Biệt-Động Đội F100 tấn công vào nhiều mục tiêu khác nhau, gồm đài phát thanh, cổng số 5 ở Bộ Tổng Tham Mưu, Dinh Độc Lập, Bộ Tư Lệnh Hải Quân, Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ, và Tòa Đại sứ Phi Luật Tân.

Quân Lực VNCH kịp thời đưa quân tặng viện vào thủ đô để đối phó. Quân số trực tiếp tham chiến tại thủ đô tính đến ngày 4 tháng 2/1968 đã lên hơn 10 tiểu đoàn, không kể các lực lượng Cảnh Sát đô thành.

Ngày 5 tháng 2/1968, chiến dịch Trần Hưng Đạo được khai sinh do Đại tướng Cao Văn Viên (Tổng Tham Mưu Trưởng Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa) đích thân điều khiển để cấp thời giải tỏa thủ dô và thanh toán địch. Thiếu Tướng Trần Thanh Phong (Tham Mưu Trưởng Liên Quân) làm tham mưu trưởng chiến dịch. Chuẩn Tướng Cao Hảo Hớn là tham mưu phó. Chiến dịch Trần Hưng Đạo bao gồm một địa bàn hoạt động gồm thủ-đô cùng các vùng ven-đô, và cuộc hành quân đại quy mô này đã được chia làm sáu khu vực trách nhiệm (đến ngày 9 tháng 2/1968 thêm một khu vực trách nhiệm khác được giao cho lực lượng Hoa Kỳ phụ trách):

Khu Vực Trách Nhiệm A do Thiếu Tướng Dư Quốc Đống (Tư Lệnh Sư Đoàn Nhảy Dù) chỉ huy. Khu Vực Trách Nhiệm B do Đại Tá Yên (Tư Lệnh Thủy Quân Lục Chiến) chỉ huy. Khu Vực Trách Nhiệm C do Chuẩn Tướng Nguyễn Ngọc Loan (Tổng Giám Đốc Cảnh Sát Quốc Gia) chỉ huy. Khu Vực Trách Nhiệm D do Đại Tá Trần Văn Hai (Chỉ Huy Trưởng Trường BCH/BDQ) chỉ huy. Khu Vực Trách Nhiệm E do Chuẩn Tướng Ngô Dzu chỉ huy. Khu Vực Trách Nhiệm F do lực lượng Hoa Kỳ phụ trách.

Cuộc hành quân tảo thanh Việt Cộng tại Khu A do hai chiến đoàn Nhảy Dù phụ trách. Đó là Chiến Đoàn 2 (với các Tiểu Đoàn 6 và 8) phụ trách khu vực Bà Quẹo, Phú Thọ Hòa, Bà Điểm, và Tân Phú. Chiến Đoàn 3 Nhảy Dù (với Tiểu Đoàn 1 và 3 Nhảy Dù) phụ trách khu vực Cổ Loa, Xóm Mới, và Gò Vấp. Trong khi đó tại Bộ Chỉ Huy Khu A có Tiểu Đoàn Pháo Binh Nhảy Dù và Chi Đoàn 2/10 Thiết vận xa trấn đóng.

Khu B thuộc vùng trách nhiệm của binh chủng Thủy Quân Lục Chiến gồm Chiến Đoàn "B", Tiểu Đoàn Pháo Binh (cũng trực thuộc Thủy Quân Lục Chiến) và Chi Đoàn 1/5 Chiến Xa phụ trách khu vực Gia Định, xa lộ, và Thủ Đức.





Hình chụp các viên chức cảnh sát Quốc Gia đang bố trận phòng thủ ở một góc phố tại Saigon. Trong kỳ Mậu Thân 1968, dưới quyền điều động của Chuẩn Tướng Nguyễn Ngọc Loan, lực lượng cảnh sát đô thành và cảnh sát dã chiến đã mở nhiều cuộc phản công mạnh mẽ, hữu hiệu, để chống lại sự trà trộn và phá hoại của Việt Cộng trong các khu đông đúc dân cư. Sự hiện diện của cảnh sát đã giúp việc tái lập an ninh ở các quận hành chánh 1, 2, 3, 4 và 5 tại Saigon được thêm phần mau chóng. (Hình ảnh: Associated Press/Wide World)



Khu C tương đối yên tỉnh. Trách nhiệm tảo thanh Việt Cộng được trao cho các đơn vị Cảnh Sát đô thành và Cảnh Sát Dã Chiến phụ trách. Cuộc hành quân tại khu này bao gồm các quận hành chánh 1, 2, 3, 4 và 5.

Khu D thuộc vùng trách nhiệm của binh chủng Biệt Động Quân, gồm Liên Đoàn 5 (với 4 tiểu đoàn) được phân chia như sau: Tiểu Đoàn 33 phụ trách khu vực Bình Thới, Cầu Tre. Tiểu Đoàn 38 phụ trách khu vực Minh Phụng. Tiểu Đoàn 41 phụ trách khu vực Phú Định. Tiểu Đoàn 30 phụ trách khu vực Bình Đông. Các đơn vị Biệt Động Quân này phải hoạt động trên địa bàn của các quận hành chánh 6, 7 và 8.

Ngoài các lực lượng trên, Bộ Chỉ Huy Khu D còn có Chi Đoàn 5/1 Thiết Quân Vận, một đại đội Giang Thuyền (hoạt động tại Quận 6) và một đại đội Trinh Sát của Biệt Động Quân.

Tất cả lực lượng Cảnh Sát và quân sự đồn trú trong khu vực A, B, C và D đều đặt dưới quyền chỉ huy của các Bộ Chỉ Huy mỗi khu. Khu E thuộc khu vực trách nhiệm của các quân nhân phục vụ tại Bộ Tổng Tham Mưu Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Các quân nhân này ngoài nhiệm vụ tham mưu được tổ chức thành đội ngũ để phụ trách phòng thủ trại Trần Hưng Đạo và bảo vệ các khu vực xung quanh trại này.

Ngoại trừ tiểu đoàn danh-dự liên quân, Đại Đội 1 Quân Cảnh và các chi đội chiến xa M-41, thiết vận xa M-113 với Chi Đội V-100 được tăng cường đều là những thành phần chiến đấu đã có sẵn, tất cả các Phòng, Sở, Tổng cục ở trong trại Trần Hưng Đạo đều phải tham gia vào tổ chức chiến đấu này.

Tiêu chuẩn tổ chức lực lượng trên được hoạch định như sau. Một đại đội gồm 118 người. Mỗi tiểu đoàn có 4 đại đội chiến đấu. Và một ban chỉ huy tiểu đoàn gồm 10 người. Bốn tiểu đoàn bằng một liên đoàn, và Bộ Chỉ Huy của một liên đoàn gồm có 20 sĩ quan. Tổ chức đầy đủ một liên đoàn theo tiêu chuẩn này phải mất một quân số 1,928 người. Quân số này hầu như choán hết quân số làm việc của Bộ Tổng Tham Mưu và buộc tất cả quân nhân các cấp phải đứng trong hàng ngũ mới đủ số trên, chỉ riêng một số sĩ quan cao cấp cùng một số nhân viên cần thiết cấp bách cho công vụ được bài miễn. Trong hàng ngũ chiến đấu phần lớn các sĩ quan cấp thiếu tá đều làm tiểu đội trưởng, còn các sĩ quan ở các cấp Úy (thiếu úy, trung úy, đại úy).. nhiều người chỉ làm đội viên hoặc khinh binh.

Ngày 7 tháng 2/1968, liên đoàn này dược mang trình diện trước Đại Tướng Tổng Tham Mưu Trưởng Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa và cũng là ngày xuất quân. Phiên công tác được ấn định cho cấp tiểu đoàn như sau: một đêm ra ngoài vòng trại, đêm kế nghỉ tại trại, đêm kế tiếp canh gác vòng trong trại, đêm sau đó nghỉ tại trại, và cứ theo thứ tự này luân phiên.

Danh hiệu được đặt cho Liên Đoàn: Liên Đoàn Trần Hưng Đạo.

Danh hiệu được đặt cho 4 tiểu đoàn như sau:

  1. Tiểu Đoàn Lý Thường Kiệt

  2. Tiểu Đoàn Lê Lợi

  3. Tiểu Đoàn Nguyễn Huệ

  4. Tiểu Đoàn Lê Văn Duyệt

Khu F thuộc vùng trách nhiệm của lực lượng Hoa Kỳ gồm khu vực Nam kinh đô và Tây Phú Thọ Hòa được tách ra khỏi Khu D kể từ ngày 9 tháng 2/1968. Trong khuôn khổ chiến dịch Trần Hưng Đạo còn có một lực lượng Hoa Kỳ đóng quân ở vòng ngoài thủ đô.

Hoa Kỳ đã phối trí Tiểu Đoàn 1/27 hoạt động tại khu vực Hốc Môn.

Tiểu Đoàn 2/27 cộng với Đại Đội A/1/4 Kỵ Binh hoạt động tại khu vực Bình Lộc.

Tiểu Đoàn 3/7 cộng với Đại Đội J/60 Cơ Giới và một trung đội thiết vận xa hoạt động tại khu vực Tây và Tây Nam Quận 7.

Tiểu Đoàn 2/327 Hoa Kỳ hoạt động tại khu vực Nhà Bè.

Và một chiến đoàn Hoa Kỳ gồm Tiểu Đoàn 1/18 với Đại Đội A/1/11 Thiết Giáp hoạt dộng tại khu vực Thủ Đức và Giồng Ông Tố.

o O o

Để sơ lược tình hình, kể từ khi khởi hấn các cánh quân Việt Cộng tiến vào thủ đô đã hành động như sau:

Cánh quân Việt Cộng xuất hiện tại Bà Quẹo gồm các Tiểu Đoàn 267, 269 và những thành phần của Tiểu Đoàn 1/271 thuộc Công Trường 9. Các lực lượng địch này xâm nhập một ngã từ vườn thơm Lý Văn Mạnh, một ngã từ Lương Hoa và một ngã từ Hoà Khánh - Hữu Thành, tất cả đều xuất phát từ phía Tây thủ đô. Dường như một lực lượng địch khoảng một đại đội với 100 người đã xâm nhập vào trước. Sau đó Tiểu Đoàn 267 và 269 mới vào tăng viện.

Tại Bà Quẹo, Việt Cộng đặt Bộ Chỉ Huy tại hãng dệt Vinatexco, dùng súng thượng liên phòng không bố trí trên các mái nhà xưởng dệt. Từ Bà Quẹo, Việt Cộng phóng nhiều mũi dùi tiến đánh vào phi trường Tân Sơn Nhất. Nỗ lực chính của họ là nhằm vào hai tiền đồn OF 51-51 và OF 49-50 bên trái xưởng dệt khoảng 1,000 mét. Lựa chọn địa điểm này chứng tỏ Việt Cộng đã nghiên cứu kỹ lưỡng trước khi mở trận đánh với ưu điểm sau đây.

Đó là đoạn đường ngắn nhất mà từ đó họ có thể xâm nhập vào phi đạo và bãi đậu phi cơ. Địa điểm này là một cổng phụ dành cho các nhân viên của hãng RMK ra vào làm việc thường ngày nên có những đường lớn có thể chạy xe tới phi đạo. Nếu xử dụng đường này đánh vào thì Việt Cộng sẽ khỏi phải chọn một con đường nào khác để băng qua các bãi mìn.


MẬU THÂN 1968: Những cán binh Việt Cộng trẻ tuổi bị bắt tại Saigon. Quân đội chánh phủ đang áp giải họ lên xe GMC. (Tài liệu: Will Fowler: The Vietnam Story)

Vào khoảng 3 giờ 45 rạng ngày mồng 2 Tết, Đại Đội 1 của Tiểu Đoàn 269 Việt Cộng xung phong vào tiền đồn OF 51-51 và OF 49-50. Bị phản công mạnh, Việt Cộng bèn cắt hàng rào mở một đường nhỏ xuyên qua bãi mìn để đánh xuyên hông cố gấp rút thanh toán hai tiền đồn này. Sau khi nhổ xong hai tiền đồn này, Việt Cộng bắt đầu dồn hàng ngang và di chuyển qua một bãi trống ở cuối phi đạo. Tại đây Việt Cộng nhìn thấy rõ ràng một bãi đậu phi cơ đủ-loại ở cách đó chừng 600 mét. Lúc đó là 5 giờ 20 sáng.

Giữa lúc đó, hai chiến xa M-8 xuất hiện bắn cản đường. Tiếp theo sau là những xe Jeep, Dodge và GMC chở một toán quân hỗn hợp gồm các sĩ quan thuộc Bộ Tư Lệnh Không Đoàn 33 và một đại đội Nhảy Dù đên6 tăng phái. Loạt súng phản công đầu tiên đã chận đứng toán Việt Cộng khi họ chỉ còn các phi đạo khoảng 400 mét. Những cán binh Việt Cộng hốt hoảng tìm chỗ ẩn nấp và bố trí nhưng không kiếm được một điểm tựa nào trong cánh đồng cỏ hoang này.

Hai chiến xa M-8 dần dần tẻ qua hai bên rồi bắn chéo cạnh xe để nhường chính diện cho đơn vị hỗn hợp Không Quân và Nhảy Dù. Quân Việt Cộng đột nhiên bị dồn vào một vi thế bất lợi. Họ tháo lui và chạy vào cố thủ trong các tiền đồn đã chiếm được. Nhưng sau đó các binh sĩ Việt Nam Cộng Hòa đã xung phong và chiếm lại các tiền đồn OF. Trong trận này có 162 Việt Cộng bỏ thây. Một xe ủi đất đã được đem đến để đào một hố rộng để chôn họ.

Trung Tá Lưu Kim Cương, Tư Lệnh Không Đoàn 33 đã đích thân chỉ huy trận phản công. Không may, ông bị trúng đạn ở đùi và đã bị thương ngay từ đầu (sau đó ông tử trận). Nổi bật trong trận đánh là Trung Úy Trần Ngọc Chấn cùng 11 binh sĩ đã xung phong chiếm lại các tiền đồn OF. Thiếu Tá Chiêm, Tham Mưu Trưởng Yếu Khu, bị thương nơi mí mắt. Và Trung Úy Lộc đã ba lần bị thương khi ông thay thế xạ thủ đại liên 20 ly trên xe thiết giáp. Nếu Bộ Tư Lệnh Không Đoàn 33 phản công chậm chừng 10 phút thì có lẽ Việt Cộng đã tràn ngập vào khu vực đậu phi cơ và luôn cả nơi đóng quân của Bộ Tư Lệnh Không Đoàn.

Vào khoảng 5 giờ sáng ngày mùng 2 Tết, hai đại đội Nhảy Dù thuộc Tiểu Đoàn 8 được điều động tới khu vực hãng dệt Vinatexco. Khi đến gần một trạm kiểm soát, cánh quân Nhảy Dù đụng độ mạnh với Cộng quân. Nhưng lúc đó có khu-trục cơ và trực thăng võ trang đến can thiệp nên các vị trí phòng thủ của quân Việt Cộng bị đánh bật. Cũng vào khoảng thời gian này, một đoàn thiết vận xa của Hoa Kỳ từ Củ Chi về Saigon di chuyển ngang qua bị Việt Cộng bắn chận làm cháy hai chiếc. Các thiết vận xa đã phản công ngay vào đồn OF 51-51 khiến Việt Cộng phải rời khỏi khu vực phòng thủ và rút vào khu vực hãng dệt Vinatexco.

Tóm lại, sau khi Việt Cộng thất bại trong trận tấn công vào phi trường Tân Sơn Nhất, họ liền tái tập trung tại hãng dệt Vinatexco để chuẩn bị một cuộc tấn công khác. Nhưng các đơn vị Nhảy Dù đã kịp thời phối hợp với Không Quân để đánh luôn đòn thứ nhì. Họ oanh tạc ngay vào các lực lượng của Việt Cộng tập trung trong hãng dệt làm cho Tiểu Đoàn 267 Việt Cộng bị tổn thất nặng nề. Cộng quân bỏ chạy toán loạn ra khỏi mặt trận Vinatexco. Ngày hôm sau, quân đội Việt Nam Cộng Hòa tái lập trật tự trong khu vực.

Xem tiếp: Phần 1  Phần 2  Phần 3  Phần 4  Phần 5  Phần 6  Phần 7  Phần 8  (Còn tiếp)

Phạm Văn Sơn































































































































































Free Web Hosting