Tra^.n Chie^'n Te^'t Ma^.u Tha^n 1968

(Phần 7)



Cánh quân Việt Cộng xuất hiện tại Hàng Xanh là Tiểu Đoàn 3 Dĩ An tập trung từ xóm vườn trầu và xóm Giồng Ông Tố thuộc Quận Thủ Đức tiến vào Saigon. Dường như Việt Cộng đã tới đây ngay từ chập tối ngày mồng 1 Tết. Họ ngăn giữ không cho dân chúng chạy ra vì sợ bị lộ và cũng muốn giữ dân lại để lợi dụng tổ chức biểu tình. Vào khoảng 2 giờ khuya, đêm mồng 1 rạng mồng 2, Việt Cộng mới bắt đầu tấn công vào Chi Cảnh Sát Quốc Gia (CSQG) Hàng Xanh. Họ bắn súng nặng vào bức tường ngoài đường gần sụp đỗ, đột nhập vào trong bắn chết vài Cảnh Sát viên, xé giấy tờ vứt lung tung và chiếm giữ nơi này.

Tiểu Đoàn 30 Biệt Động Quân từ vùng Thủ Đức được lệnh điều động về thủ đô và đến ngay ngã tư Hàng Xanh vào lúc trời chưa kịp sáng. Vì không ngờ ngay ở cửa ngõ đô thành lại có Việt Cộng nên khi qua khỏi cầu xa lộ đoàn xe của Tiểu Đoàn 30 Biệt Động Quân mở hết tốc lực tiến vào. Tại đây Việt Cộng đã bố trí sẵn ở các dãy nhà của thường dân trước cửa Cảnh Sát Quốc Gia Hàng Xanh bắn như mưa vào đoàn xe.

Chiếc đi đầu trúng đạn B-40 của Việt Cộng phát hỏa gây tử thương cho hai chiến sĩ Biệt Động Quân và 2 người khác bị thương. Đoàn xe ngừng lại và vội phản ứng rất quen thuộc, bố trí ngay bên lề xa lộ phản kích tức thời. Tiếng súng ngưng trong giây lát rồi một lúc sau bùng nổ trở lại. Việt Cộng từ trên các nhà lầu xung quanh ngã tư Hàng Xanh bắn xuống hai bên lề đường. Đại Úy Xanh, Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 30 Biệt Động Quân ra lệnh cho đơn vị thận trọng khi khai hỏa vì khu vực này còn rất đông dân chúng ở bên trong.

Chính có lẽ vì thấy Biệt Động Quân ít xử dụng hỏa lực nên Việt Cộng từ phía trường trung học Nguyễn Duy Khang đã từ từ di chuyển đi nơi khác. Cuộc chạm súng lẻ tẻ kéo dài đến sáng và cũng trong lúc đó các đại đội Biệt Động Quân chia thành 3 cánh để chuẩn bị tiến quân vào các mục tiêu. Vì dân chúng bị Việt Cộng giữ lại nên viên đại úy tiểu đoàn trưởng đã ra lệnh cho các binh sĩ Biệt Động Quân phải kêu gọi dân chúng tìm cách rời khỏi nhà trước 10 giờ sáng để quân đội mở cuộc tấn công vào.

Từ 8 giờ sáng đã có một số dân chúng thoát ra khỏi khu vực địch chiếm nhưng một số lớn ở trong phía Cầu Sơn vẫn bị Việt Cộng cầm chân không thoát ra được. Đến 11 giờ, một cánh quân của Tiểu Đoàn 30 Biệt Động Quân từ bên phía Tân Cảng xa lộ luồn qua các xóm thuộc đường Hùng Vương Thị Nghè tiến về phía đường Nguyễn Duy Khang với mục đích đánh úp đằng sau đường Hàng Xanh. Cuộc khai hỏa bắt đầu quyết liệt.

Cùng một lúc, một cánh quân khác từ bìa chùa xa lộ mở cuộc tấn công vào các vị trí cố thủ của Việt Cộng trong Chi Cảnh Sát Quốc Gia Hàng Xanh và các nhà kế cận. Để tránh thiệt hại cho dân chúng còn bị kẹt, lực lượng phản công chưa dám đụng đến vũ khí nặng, chỉ vừa bắn tỉa địch vừa tiến từng bước. Do đó, Việt Cộng rút lên các lầu nhà dọc theo đường từ Hàng Xanh đến Cầu Sơn chống trả.


Hình chụp các binh sĩ thuộc Đại Đội A/Tiểu Đoàn 30 Biệt Động Quân đang chiến đấu bảo vệ Saigon trong kỳ Mậu Thân 1968. (Hình ảnh: The Vietnam Story)

Suốt đêm mồng 2 Tết, các chiến sĩ Biệt Động Quân và Việt Cộng kìm súng với nhau tại chỗ. Dưới ánh sáng của hỏa châu được thả suốt đêm, các tiếng súng bắn trả lời nhau để cầm canh. Đêm hôm sau mồng 3 Tết, quân đội chánh phủ cho phi cơ phóng thanh kêu gọi dân chúng lánh cư. Kế đó các phi cơ của Không Quân đến xạ kích vào vị trí địch. Nhân cơ hội Việt Cộng bận rộn đối phó với hỏa lực của quân đội chánh phủ, một số dân chúng còn kẹt lại đã di tản được ra ngã tư xa lộ dưới đạn đạo của đôi bên.

Đến 12 giờ, số dân chúng cư ngụ tại gần ngã tư xa lộ ở dọc theo đường đi Cầu Sơn đã thoát ra được. Lúc đó quân đội Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) mới bắt đầu tiến sâu vào các nơi có Việt Cộng.

Vào 14 giờ, quân đội Việt Nam Cộng Hòa có chiến xa M-41 và thiết vận xa M-113 đến yểm trợ cho cuộc tiến quân. Vị sĩ quan đại úy tiểu Đoàn trưởng dẫn đầu một toán Biệt Động Quân nhờ thiết vận xa yểm trợ tiến vào vùng Cầu Sơn. Một thiết vận xa vừa tiến vào chưa đầy 200 mét thì một tiếng nổ dữ dội làm thiết vận xa này phát hỏa, gây tử thương cho 2 chiến sĩ Thiết Giáp và 2 người khác bị thương. Viên đại úy tiểu đoàn trưởng đi sát bên hè phố nên thoát hiểm.

Ngay lúc đó, nơi xuất phát viên đạn B-40 bị lộ mục tiêu nên đã bị thiết vận xa và chiến xa M-41 bắn tới tấp. Một giờ sau, các chiến sĩ Biệt Động Quân đã tìm thấy nơi đây 3 xác Việt Cộng với một khẩu B-40 và một khẩu M-79 cháy xém bên cạnh đống gạch vụn. Mọi người ngưng tại đây. Trong lúc đó, lửa cháy bắt đầu lan tràn khốc liệt suốt từ ngã tư Hàng Xanh đến gần khu chăn nuôi của nhà dòng Taberd.

Vì sợ lửa bén, Việt Cộng ẩn núp trong các tòa nhà lầu và các xóm lao động bắt đầu rút ra các khu lân cận. Không bỏ lỡ dịp may, các chiến xa và binh sĩ Biệt Động Quân rượt theo Việt Cộng bắn tới tấp.

Cuộc chạm súng kéo dài gần 60 tiếng đồng hồ tại khu ngã tư xa lộ đến 19 giờ 00 chiều mồng 3 Tết mới chấm dứt. Ngay chiều hôm ấy, Đại Đội 1 thuộc Tiểu Đoàn 38 Biệt Động Quân tại khu Nguyễn Tri Phương được gởi lên tăng cường thanh toán tàn quân Việt Cộng còn lẩn quất. Trong trận này, kết quả tổn thất được ghi nhận như sau:

Việt Cộng:

Việt Nam Cộng Hòa:

Trong khu vực này có 10,000 thường dân. Sau biến cố này, khoảng 5,000 người không nhà phải tỵ nạn. Đặc biệt trong lúc hành quân, có đến 5,000 dân chúng bị kẹt trong tay Việt Cộng nhưng được di tản ra chỉ có 2 người chết.

Tại mặt trận Phú Thọ, cánh quân Việt Cộng gồm toàn bộ Tiểu Đoàn 6 Bình Tân tập trung và xuất phát từ vườn thơm Lý Văn Mạnh. Cũng như trên đã nói, cánh quân này không gặp một trở ngại nào đáng kể khi tiến vào.

Tới 03 giờ 30, Việt Cộng đã kiểm soát khu trường đua Phú Thọ. Sau đó, từ phía Đông trường đua và vườn ươm cây họ tấn công vào trại Cảnh Sát Dã Chiến đóng cạnh trường đua. Hệ thống rào kẽm gai của trại này sơ sài nhưng nhờ phía trong có bức tường gạch khá kiên cố và mỗi góc có lô cốt đặt đại liên 30 bắn sát tường nên Việt Cộng không đột nhập được. Khi Việt Cộng tấn công, Tổng Nha Cảnh Sát liền điều động thám thính xa tới tiếp ứng. Các thiết xa bị ngăn chặn ở phía đường Trần Quốc Toản không tới nơi được. Cuộc cầm cự kéo dài tới sáng, nhưng Việt Cộng cũng không làm gì hơn được.

Tiểu Đoàn 38 Biệt Động Quân nhận lãnh trách nhiệm thanh toán Việt Cộng tại khu này. Vào sáng mồng 2 Tết lúc 6 giờ sáng, tiểu đoàn đã có mặt tại thủ đô và cho đổ quân xuống đường Trần Quốc Toản. Tiểu Đoàn 38 Biệt Động Quân do Đại Úy Cường chỉ huy.

Tiểu đoàn tiến quân về phía chợ Nguyễn Tri Phương và trường đua Phú Thọ. Khi quân tiến tới ngã ba tại góc đường Pétrus Ký và Trần Quốc Toản, vị đại úy tiểu đoàn trưởng ra lệnh binh sĩ phân tán mỏng để xâm nhập phía sau phòng tuyến của địch quân. Trong lúc đó, Việt Cộng im lặng bố trí trên các nhà lầu tại các ngã đường trong các ngõ hẻm.

Khi các binh sĩ Biệt Động Quân xâm nhập và bố trí theo đường Bà Hạt, Ba Bầu, Vĩnh Viễn, Nhật Tảo, một bộ phận nhỏ được lệnh tiến quân dọc theo đường Trần Quốc Toản và Lý Thái Tổ hướng về phía chợ cá (chợ này còn được gọi là "Chợ Cá Trần Quốc Toản," nằm gần trường tiểu học Minh Mạng) và buộc Việt Cộng khai hỏa để lộ mục tiêu.

Quả nhiên, ngay lúc đó Việt Cộng bố trí dọc theo đường Nguyễn Tri Phương và Nguyễn Tiểu La xuất hiện nghênh chiến. Khi họ dồn lực lượng nghênh chiến thì ngay từ sau lưng họ đã bị Biệt Động Quân đánh ngang hông. Quả thật, ngay cuộc chạm súng đầu tiên, Việt Cộng đã bị tổn thất nặng nề khiến họ phải rút lui về phía các đường Triệu Đà, Nguyễn Kim, Nguyễn Lâm và Nguyễn Văn Thoại.

Lợi dụng Việt Cộng đang mãi tác chiến tại đường Nguyễn Tri Phương, Nguyễn Tiểu La, Triệu Đà, viên đại úy tiểu đoàn trưởng đã cho Đại Đội 1 và Trung Đội Thám Báo Biệt Động Quân xâm nhập theo thế cài răng lược vào khu Nguyễn Kim, Nguyễn Lâm và Nguyễn Văn Thoại để nằm trong nội tuyến địch.

Ngoài những khu vực Việt Cộng vừa rút về, họ còn có mặt tại cư xá Lữ Gia đường Lê Đại Hành, Nguyễn Văn Thoại và tại chợ Thiếc.

Sau trận đụng độ trên, lực lượng hai bên đều tạm ngưng tiếng súng. Dân chúng lũ lượt bồng bế kéo nhau ra khỏi nhà đi lánh cư. Họ sững sốt không ngờ Việt Cộng đã xâm nhập vào được đô thành. Và chính trong lúc tình hình lắng dịu này, cả hai bên đều chuẩn bị một cuộc giao tranh ác liệt.

Khoảng 10 giờ, dân chúng ra khỏi nhà, cùng lúc đó các binh sĩ của Đại Đội 1 và Trung Đội Thám Báo Biệt Động Quân đã xâm nhập được vào sát phòng tuyến của Việt Cộng tại khu Nguyễn Kim, Nguyễn Văn Thoại và Lê Đại Hành. Trong khi đó, các lực lượng đồn trú của Công Binh, Tiểu Đoàn 10 Vận Tải và Cảnh Sát Dã Chiến ở phía tay mặt của trục tiến quân đã yễm trợ hữu hiệu cho Tiểu Đoàn 38 Biệt Động Quân trên đường tấn công địch.

Khu Nguyễn Tri Phương đã ngập trong khói lửa. Tiếng súng cộng đồng và cá nhân nổ rền khắp mọi nơi. Phi cơ trực thăng xuất hiện xạ kích các đám quân Việt Cộng. Đám cháy lớn nhất bắt đầu từ đường Nguyễn Kim. Các toán Việt Cộng bị quân tấn công truy kích chạy tán loạn. Một toán gồm 3 cán binh chạy lạc vào trại Đào Duy Từ và bị bắn hạ. Sau gần một giờ kịch chiến trong các ngõ hẻm khu Nguyễn Tri Phương và đường Nguyễn Văn Thoại, Việt Cộng rút về phía cư xá Lê Đại Hành và khu Lữ Gia ở sát trường đua Phú Thọ.

Sau khi phá hủy một khẩu thượng liên gần vận động trường Cộng Hòa, tịch thu một thượng liên khác trong khu vườn ươm cây Nguyễn Văn Thoại, các binh sĩ Biệt Động Quân còn phát giác được một khẩu đại liên với 2 bánh xe đặt trên sân thượng của tòa lầu 6 tầng Golden Willow số 527 đường Trần Quốc Toản sát cây xăng Esso.

Việc chiếm cây súng đại liên trên là một kỳ công của Đại Đội 1 Biệt Động Quân do Trung Úy Ân chỉ huy. Công lao chính là nhờ một toán cảm tử Biệt Động Quân gồm 4 người đã tiến quân vào đánh chiếm vị trí khẩu đại liên. Trong toán này có hai người lính không may đã gục ngã. Hai cảm-tử quân còn sống là Thiếu Úy Phẩm và Binh Nhất Minh.

Viên trung úy đại đội trưởng của Đại Đội 1 Biệt Động Quân cho biết nhờ bám sát Việt Cộng và nắm vững nên tiền quân của ông đã phát giác khẩu đại liên trên đặt ở sân thượng tòa lầu. Với việc đặt khẩu súng này, Việt Cộng dự đoán thế nào khi họ áp đảo khu vực Nguyễn Tri Phương, Nguyễn Văn Thoại, Lê Đại Hành, Lữ Gia và khu vườn cao su cũ Phú Thọ, quân đội Việt Nam Cộng Hòa cũng sẽ tiếp cứu bằng cách trực-thăng vận xuống trường đua Phú Thọ. Nên Việt Cộng đem khẩu đại liên đặt trên sân thượng tòa lầu và phải chuyển vận một cách khó khăn mới mang lên được. Dự định của Việt Cộng là đợi lúc cuộc hành quân trực-thăng vận vừa tới là họ sẽ thanh toán lực lượng tiếp cứu này một cách mau lẹ.

Quả nhiên đúng như Việt Cộng đã dự đoán vào khoảng 18 giờ 00, nghĩa là sau 2 tiếng đồng hồ khi lực lượng Biệt Động Quân đoạt được khẩu đại liên trên, lực lượng tiếp cứu của quân đội đã được trực thăng vận xuống trường đua Phú Thọ với đoàn trực thăng Chinook khổng lồ nối đuôi nhau đáp xuống.

Khi phát giác được khẩu đại liên ở trên thượng lầu, Thiếu Úy Thẩm đã dẫn một bán tiểu-đội di chuyển trong im lặng bò ống máng xâm nhập căn nhà này, vì lúc ấy các cửa sắt của tòa lầu tầng dưới đều khoá chặt. Nếu phá hay bắn bể khóa sẽ bị Việt Cộng từ trên lầu bắn tỉa hoặc ném lựu đạn xuống. Bởi thế nhóm Biệt Động Quân này phải tìm lối bò ống máng vào trong nhà. Trèo vào bên trong nhà rồi, bán tiểu đội này di chuyển rất mau lẹ vượt các tầng lầu để lên tầng chót. Sau đó họ dùng lựu đạn đánh cận chiến với toán địch quân bảo vệ và xử dụng khẩu đại liên. Vào chiều ngày mồng 2 Tết, Việt Cộng mới chịu rút lui khỏi khu trường đua khi bị cướp mất khẩu đại liên trên.

Cùng lúc đó, quân đội chánh phủ được trực thăng võ trang yểm trợ xạ kích khu vực gần trường Nữ Quân Nhân ở trên đường Nguyễn Văn Thoại. Việt Cộng hoảng hốt rút về phía nhà thờ hầm và khu Lò Da.

Kiểm điểm kết quả trong khu vực Nguyễn Tri Phương:

Sau trận này, mặt trận Nguyễn Tri Phương trở lại yên tĩnh. Một số Việt Cộng trà trộn và phân tán ẩn trốn trong các khu nhà của dân chúng, nhưng không có phản ứng gì. Tiểu Đoàn 38 Biệt Động Quân tiếp tục mở cuộc hành quân lục soát tại đây để thanh toán tàn quân Việt Cộng.

Xem tiếp: Phần 1  Phần 2  Phần 3  Phần 4  Phần 5  Phần 6  Phần 7  Phần 8  (Còn tiếp)

Phạm Văn Sơn
















































































Free Web Hosting