Trận hải chiến Hoàng Sa năm 1974

Ðôi lời cảm tạ:

Muốn ghi lại chính xác một sự kiện lịch sử đã xảy ra khá lâu trong quá khứ, cần tham khảo nhiều phúc trình chính thức, sách vở liên quan v.v... được phổ biến rồi kiểm chứng bằng lời tường thuật của những nhân chứng mắt thấy tai nghe. Tài liệu trên giấy trắng mực đen cho chúng ta biết chính xác những chi tiết về không gian và thời gian, nhưng thường khô khan vì thiếu phần nhân sự. Mặt khác, lời mô tả của nhân chứng tuy sống động nhưng lại thiếu trung thực vì yếu tố chủ quan và dựa vào ký ức dễ phôi pha theo thời gian. Tuy nhiên, nếu phân tích cặn kẽ rồi tổng hợp cả hai nguồn tài liệu, chúng ta có thể có một bức tranh vừa trung thực vừa sống động.

Từ năm 1990, chúng tôi đã bắt đầu sưu tầm giấy tờ ghi chép về trận hải chiến tại quần đảo Hoàng Sa xảy ra cách đây gần một phần tư thế kỷ. Rất tiếc, những tài liệu này hiện không có nhiều. Các hình ảnh, lệnh hành quân, phúc trình chính thức v.v... của HQVNCH liên quan tới trận hải chiến, nếu tồn tại, đều nằm trong tay Việt Cộng. Về phía Hoa Kỳ, chúng tôi không tìm được một tài liệu chính thức nào, ngoại trừ vài ba bản tin nhỏ không mấy quan trọng đăng trong các tờ tuần báo hay nhật báo như Times, Newsweek, New York Times v.v... Khi viết thư hỏi phòng quân sử của Hải Quân Hoa Kỳ, họ đều từ chối với lý do "không tìm ra manh mối". Phần Trung Cộng cũng chỉ có một số sách báo tuyên truyền lố bịch theo kiểu Cộng Sản, đại khái như bài thơ tả cảnh ngư dân Tàu Ðỏ trèo lên chiến hạm Việt Nam liệng lựu đạn vào "lỗ châu mai". Vì vậy, bài viết như một tài liệu tham khảo này phần lớn dựa vào những cuộc phỏng vấn và hồi ký rải rác chưa hẳn chính xác của một số nhân chứng trực tiếp hay gián tiếp liên quan tới trận hải chiến.

Trong suốt khoảng thời gian sưu tầm tài liệu, chúng tôi đã nhận được sự trợ giúp qúi báu của một số người liên hệ. Tác giả chân thành cảm tạ những nhân chứng sau đây đã sốt sắng trả lời các cuộc phỏng vấn và cung cấp tài liệu để chúng tôi có thể hoàn thành bài viết này:

1. HQ Ðại Tá Hà Văn Ngạc, Hải Ðội Trưởng Hải Ðội HQVNCH tham chiến tại Hoàng Sa. Trên cương vị một cấp chỉ huy ngoài chiến trường, ông đã cung cấp những chi tiết chính xác về trận hải chiến cũng như những lý do đưa đến nhiều quyết định chiến thuật quan trọng. Chúng tôi nghe nói Ðại Tá Ngạc dự trù sẽ có bài viết về Hoàng Sa nhân dịp kỷ niệm 25 năm trận hải chiến vào năm 1999. Nếu đây là sự thật, những người ưa thích chiến sử sẽ được dịp đọc một thiên tài liệu giá trị, chính xác và qúi báu hiếm có.

2. HQ Trung Tá Vũ Hữu San, cựu Hạm Trưởng Khu Trục HạmTrần Khánh Dư HQ-4. Trung Tá San là Sĩ Quan thâm niên hiện diện trên biển tại Hoàng Sa trước khi Ðại Tá Ngạc nhận quyền Hải Ðội Trưởng. Là người luôn ưu ái hải quân, "mến đồng đội, thương con tầu", những lời tường thuật, hồi ký v. v... của ông là nguồn tài liệu vô giá.

3. HQ Trung Tá Phạm Trọng Quỳnh, cựu Hạm Trưởng Tuần Dương Hạm Trần Bình Trọng HQ-5. Là Hạm Trưởng của Soái Hạm, nơi đặt Bộ Chỉ Huy của Hải Ðội, Trung Tá Quỳnh đã cho biết nhiều diễn biến quan trọng hiếm có liên quan tới trận hải chiến cũng như những hoạt động của HQ-5 tại Hoàng Sa.

4. Hải Quân Trung Úy Nguyễn Ðông Mai, Sĩ Quan Hải Pháo của Hộ Tống Hạm Nhựt Tảo HQ-10. Trung Úy Mai là người sống sót lúc HQ-10 bị chìm trong trận hải chiến. Sau khi được vớt từ bè đào thoát đưa về bệnh viện, Trung Úy Mai đã ghi vào nhật ký nhiều chi tiết chưa từng được tiết lộ liên quan tới HQ-10. Có thể nói đây là những lời tường thuật trung thực và sống động duy nhất về những giây phút cuối cùng của Hộ Tống Hạm Nhựt Tảo.

5. Hải Quân Trung Tá Nguyễn Văn Tánh, Hạm Trưởng Hộ Tống Hạm Chí Linh HQ-11. Là thành phần tăng viện cùng với Tuần Dương Hạm Trần Quốc Toản HQ-6, Hộ Tống hạm Chí Linh không tới Hoàng Sa kịp thời để tham dự trận hải chiến. Tuy nhiên Hạm Trưởng Tánh đã cung cấp nhiều chi tiết chính xác về trường hợp tham dự của HQ-11 cũng như một số chi tiết sau khi trận hải chiến đã xảy ra.

Ngoài những nhân chứng kể trên, chúng tôi cũng tham khảo một số tài liệu và hồi ký về trận hải chiến tại Hoàng Sa. Tập sách "Hạm Ðội HQVNCH" của tác giả Bảo Biển ghi chép tổng quát về trận hải chiến và một số chiến hạm, chiến đĩnh thuộc HQVNCH. Bài viết của tác giả Ðào Dân là sĩ quan trên Tuần Dương Hạm Lý Thường Kiệt HQ-16 kể lại nhiều chi tiết giá trị về hoạt động của chiến hạm này. Ðây là những tài liệu nghiên cứu hữu ích.

Lời cám ơn đặc biệt được chân thành gửi tới một số bạn trẻ chúng tôi chưa từng gặp mặt nhưng đã sốt sắng trợ giúp để loạt bài về trận hải chiến Hoàng Sa đuợc trang trọng ra mắt độc giả. Những bạn trẻ này, ngoài tài năng và thiện chí, còn có nhiều điều đáng khâm phục hơn. Tuy trưởng thành và hấp thụ nền học vấn tại ngoại quốc, nhưng họ đã biểu lộ một tinh thần quốc gia chống Cộng vững chắc và nặng lòng với các chiến sĩ QLVNCH cũng như đất mẹ Việt Nam.

Trước hết là JW Nguyen, người chủ trương website "Viet Nam Chiến Tranh và Lịch Sử" (http://members.tripod.com/~jw_nguyen) hiện được độc giả khắp nơi trên thế giới đón nhận và hoan nghênh nồng nhiệt trên Internet. Với tài năng sáng tạo tuyệt vời và trực giác thẩm mỹ bén nhậy, "webmaster" JW Nguyen đã tích cực cố vấn và trợ giúp phần kỹ thuật trình bày các "webpages" khiến những giòng chữ khô khan, hình ảnh rời rạc phối hợp chặt chẽ thành những bức tranh vô cùng linh hoạt.

Ngoài mặt trình bầy, chúng tôi còn được sự trợ giúp qúi báu của một bạn trẻ có nhiều năng khiếu thiên bẩm khác. Ðó là bạn Trương Văn Quang hiện cư ngụ tại Australia đã cung cấp đa số hình ảnh hiếm có dùng trong bài viết. Anh Quang có đặc tài sưu tầm hình ảnh, tài liệu, và xây dựng những mô hình bằng plastic liên quan tới các Quân Binh Chủng VNCH. Ðặc biệt về Hải Quân, anh có một bộ sưu tập gồm đầy đủ các hình ảnh về chiến hạm, chiến đĩnh cũng như huy hiệu của các đơn vị. Anh đã thực hiện nhiều cuộc triển lãm mô hình và hình ảnh QLVNCH được giới thưởng lãm nhiệt liệt tán thưởng.

Ngạn ngữ có câu: "Một tấm hình bằng ngàn chữ viết". Nếu độc giả nhận thấy những tấm hình do hai người bạn trẻ nói trên sưu tầm, tô điểm và sắp đặt còn giá trị hơn cả bài viết, điều này cũng không lấy gì làm lạ!

Sau cùng, chúng tôi cũng cám ơn một số qúi vị khác đã trợ giúp và khuyến khích để bài viết được thành hình. Tác giả cũng cám ơn qúi độc giả đã bỏ thì giờ qúi báu theo dõi trận hải chiến tại Hoàng Sa. Những ý kiến phê bình và chi tiết đóng góp sẽ được trang trọng đón nhận để bài viết thêm đầy đủ và chính xác.

Trân trọng.

Trần Ðỗ Cẩm
Austin, Texas 8/98


Phần 1 : Mở Ðầu

Vào đầu năm 1974, trong lúc tình hình chiến sự tại Việt Nam trở nên vô cùng sôi động với các trận đánh lớn diễn ra trên khắp bốn vùng chiến thuật thì ngoài khơi Biển Ðông đã xảy ra một trận hải chiến có tầm vóc lịch sử giửa Hải Quân VNCH và Hải Quân Trung Cộng. Ðây là lần đầu tiên kể từ khi Hưng Ðạo Vương Trần Quốc Tuấn dưới thời Nhà Trần đánh thắng quân Mông Cổ, Nam quân lại đụng độ với Bắc quân trên mặt biển. Và cũng như những lần trước, tuy lực lượng của kẻ thù phương Bắc mạnh hơn gấp nhiều lần, các chiến sĩ Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa noi gương Thánh Tổ đã anh dũng chiến đấu, gây cho địch những tổn thất nặng nề.

Vào thời điểm đó, Tổng Thống Nixon trước đây đã dùng chính sách "ngoại giao bóng bàn" ve vãn được Trung Cộng nên nhiều dư luận cho rằng Hoa Kỳ đã gián tiếp bàn giao quần đảo Hoàng Sa cho Trung Cộng cũng như bán đứng miền Nam Việt Nam chỉ một năm sau đó. Nghi vấn này sẽ được bàn tới ở phần sau. Ðiều quan trọng cần nói ở đây là ngay trong thời gian trận hải chiến xảy ra cách đây gần một phần tư thế kỷ, chính các sĩ quan Hải Quân Hoa Kỳ cũng không giám nghĩ rằng Hải Quân Việt Nam sẽ tham chiến vì lực lượng đôi bên quá chênh lệch. Những "cố vấn" kiêm chuyên gia về Hải Quân này dự trù rằng các chiến hạm Việt Nam sẽ lặng lẽ rút lui bỏ mặc quần đảo Hoàng Sa thân yêu rơi vào tay giặc.

Những ước đoán trên được căn cứ vào thái độ của Hải Quân Hoa Kỳ lúc đó đang làm bá chủ Biển Ðông nhưng cho biết họ đứng ngoài vòng tranh chấp. Ngoài ra, họ cũng không đồng ý việc xử dụng các khinh tốc đĩnh (PT boat) tại Ðà Nẵng, tuy với thủy thủ đoàn Việt Nam điều khiển nhưng lại do Hoa Kỳ kiểm soát. Ngay tới khi trận hải chiến đã kết thúc, lực lượng HQ Hoa Kỳ vẫn còn từ chối tiếp cứu những thủy thủ Việt Nam lâm nạn, một điều trái ngược với qui luật của người đi biển. Cho tới nay, chúng tôi đã nhiều lần viết thư yêu cầu phòng Quân Sử của Hải Quân Hoa Kỳ cung cấp những dữ kiện đã được giải mật về trận Hải Chiến Hoàng Sa, nhưng lúc nào họ cũng trả lời "không có bất cứ một tài liệu nào liên quan trong hồ sơ lưu trữ". Ðây là một điều rất khó tin vì lúc đó, Hải Ðoàn 77 (Task Force 77) của HQ Hoa Kỳ gồm nhiều mẫu hạm và các chiến chạm yểm trợ tổng Cộng gần 20 tầu chiến đang hoạt đng đang hoạt động tại vị trí "Yankee" (Yankee Station) cách Hoàng Sa về phía Ðông Bắc không xa. Thật sự Hoa Kỳ có hoàn toàn "không biết" hay đứng ngoài vụ tranh chấp hay không? Vì lý do gì? Mời độc giả tuần tự theo dõi các diễn biến của trận hải chiến tại Hoàng Sa để tìm câu trả lời.

Tác phẩm "Biển Ðông Nổi Sóng" của Trần Ðỗ Cẩm sẽ được phát hành trong tương lai. Bài "Trận hải chiến tại quần đảo Hoàng Sa" là một phần tài liệu được trích từ trong tác phẩm này. Tác giả giữ bản quyền. Nếu trích đăng, yêu cầu ghi rõ xuất sứ. Cảm ơn.

Nhưng ngoài sự dự đoán của Hoa Kỳ cũng như của Trung Cộng, Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa dù đơn độc và cô thế cũng đã dùng hết sức tham chiến. Các chiến sĩ áo trắng đã can đảm nổ súng vào quân xâm lăng và chiến đấu đến tận cùng khả năng của mình. Sau trận hải chiến, dư luận báo chí quốc tế đã bày tỏ nhiều thiện cảm qua những bài bình luận rất thuận lợi cho Việt Nam trong khi lên án bọn xâm lược Trung Cộng.

Trước hết, tưởng cũng cần nêu lên một vài điểm liên quan đến việc sưu tầm tài liệu để viết bài này. Nói chung, đây là việc rất khó khăn vì đa số đã bị thất lạc hoặc vùi chôn trong quá khứ. Thứ nhất, trận hải chiến xảy ra cách đây đã lâu nên những chi tiết ngay cả đối với những người đã trực tiếp tham dự không ít thì nhiều cũng bị mai một với thời gian. Vả lại, mỗi nhân chứng tùy theo vị trí và hoàn cảnh sẽ có tầm nhìn và nhận xét khác nhau, do đó việc tường thuật trung thực như một máy quay phim thiết tưởng không thể nào thực hiện được. Thứ hai, tuy đã có một số bài viết về Hoàng Sa nhưng những tài liệu này phần lớn dựa vào ký ức nên kém chính xác và chưa đủ để nói lên tầm vóc quan trọng của biến cố lịch sử này. Thứ ba, vì miền Nam đã bị Cộng Sản xâm chiến nên những tài liệu chính thức như các phúc trình hậu hành quân của các chiến hạm tham chiến cũng như của BTL/HQ rất khó sao lục lại. Theo HQ Trung Tá Vũ Hữu San, báo Le Courier du Vietnam cho biết ngày nay còn có một bản Tổng Kết Hải Chiến Hoàng Sa của BTL/HQ trình BTTM/QLVNCH lưu giữ tại Hà Nội. Chúng tôi nghe nói HQ Ðại Tá Hà Văn Ngạc đang sử soạn viết về trận hải chiến tại Hoàng Sa, dự trù hoàn tất vào năm 1999 là ngày kỷ niệm 25 năm trận đánh. Ðây là một nguồn tin rất đáng khích lệ, vì chắc chắn Ðại tá là người biết nhiều nhất và đủ thẩm quyền nhất để tường thuật về trận đánh do chính ông chỉ huy.

Vì những lý do trên, tuy khả năng và hoàn cảnh hạn hẹp, chúng tôi cũng cố gắng viết lại trận hải chiến tại Hoàng Sa, càng gần với sự thật càng tốt, căn cứ vào những tài liệu thâu thập được cũng như những lời kể lại của các nhân chứng. Tác giả may mắn và hãnh diện được là bạn cùng khóa 11 SQHQ Nha Trang với hai trong số bốn vị Hạm Trưởng tham chiến, đó là HQ Trung Tá Vũ Hữu San, Hạm Trưởng Khu Trục Hạm Trần Khánh Dư HQ-4 và HQ Trung Tá Phạm Trọng Quỳnh, Hạm Trưởng Tuần Dương Hạm Trần Bình Trọng HQ-5. Hai Hạm Trưởng còn lại là HQ Trung Tá Lê Văn Thự (Tuần Dương Hạm Lý Thường Kiệt HQ-16) thuộc khóa 10 SQHQ Nha Trang và cố HQ Trung Tá Ngụy Văn Thà thuộc khoá 12 SQHQ Nha Trang là các khóa sát trên và dưới trong lúc cùng học tại Nha Trang nên cũng có dịp quen biết ít nhiều. Ngoài ra, chúng tôi cũng có dịp tiếp chuyện nhiều lần với HQ Ðại Tá Hà Văn Ngạc là Sĩ Quan Chỉ Huy Chiến Thuật trong trận hải chiến tại Hoàng Sa. Chúng tôi cũng cám ơn anh bạn trẻ Trương Văn Quang hiện cư ngụ tại Úc Châu đã trợ giúp sưu tầm nhiều hình ảnh và chi tiết hiếm có. Nhưng dù sao, bài viết này chắc chắn sẽ còn rất nhiều thiếu sót và kém chính xác, tác giả mong mỏi sẽ được những người biết chuyện thăng thắn phê bình xây và bổ túc để phần tài liệu về trận hải chiến Hoàng Sa được thêm đầy đủ.

Ðể dễ dàng theo trận hải chiến lịch sử tại Hoàng Sa, trước khi tường thuật chi tiết về trận, chúng tôi sẽ nói qua về quần đảo này và sau cùng sẽ nêu lên vài nhận xét và bình luận.

Khái lược về quần đảo Hoàng Sa
(Xem bản đồ vùng Ðông Nam Á)

1. Biển Ðông: Xác Ðịnh một Danh Từ

Trên các bản đồ cũng như hải đồ quốc tế, vùng biển cực Tây của Thái Bình Dương nằm về phía Nam lục địa Trung Hoa thường được gọi là South China Sea. Theo thông lệ, các nhà hàng hải thời xưa thường lấy tên khu vực đất liền lân cận để đặt tên vùng biển tiếp giáp. Vì vậy, trên bản đồ, chúng ta thấy những tên biển quen thuộc như: Biển Ấn Ðộ hay Ấn Ðộ Dương (Indian Ocean), Biển Nhật Bản (Sea of Japan), Vịnh Bắc Việt (Gulf of Tonkin), Vịnh Thái Lan (Gulf of Thailand) hay Vịnh Mễ Tây Cơ (Gulf of Mexico) v.v...

Do đó, South China Sea chỉ đơn thuần được dùng để chỉ vùng biển nằm về phía Nam lục địa Trung Hoa. Tuy có chữ "China" trong đó nhưng danh từ này không bao hàm ý nhĩa "của" hay "thuộc về" Trung Hoa, cũng như Vịnh Mễ Tây Cơ không phải là tài sản riêng của Mexico. Sở dĩ cần xác định như trên để tránh những hiểu lầm, vì rất có thể khi thấy chữ "China", một số người người có thể ngộ nhận là "của Trung Hoa". Riêng đối với người Việt Nam, tuy South China Sea ở phía Nam Trung Hoa, nhưng lại nằm về phía Ðông của Việt Nam, nên thiết tưởng "Biển Ðông" là tên chính xác để mệnh danh vùng biển thân yêu này. Từ ngàn xưa, tổ tiên ta đã có danh từ Biển Ðông. Bằng chứng là những câu ca dao quen thuộc như:

"Dã tràng xe xát Biển Ðông,
Nhọc mình mà chẳng nên công cán gì"

Hoặc "Thuận vợ thuận chồng, tát Biển Ðông cũng cạn".

Trong bài "Văn Tế Cá Sâu" bằng tiếng Nôm của đại học sĩ Nguyễn Thuyên cũng có câu như sau:

"Ngạc ngư kia hỡi mày có hay,
Biển Ðông rộng rãi là nơi mày,
Phú Lương đây thuộc nơi Thánh vực,
Lạc lối đâu mà lại tới đây?"

Nhận xét như trên, chúng tôi mạnh dạn đề nghị các sách báo của người Việt nên dùng danh xưng Biển Ðông để thay thế cho từ ngữ Nam Hải hay South China Sea. Ðây không những là một việc làm "danh chính ngôn thuận", mà còn nhắc nhở chúng ta luôn luôn nhớ đến vùng biển thân thiết đã gắn liền với vận mạng dân tộc qua những thăng trầm của lịch sử.

2. Vị Trí

Trên bản đồ hàng hải, quần đảo Hoàng Sa là một chuỗi gồm trên 100 đảo nhỏ nằm ngoài khơi Việt Nam, giữa kinh tuyến 111 độ - 113 độ Ðông và vĩ tuyến 15 độ 45 - 17 độ 05 Bắc. Nói khác đi, quần đảo này cách bờ biển Ðà Nẵng chừng 170 hải lý (khoảng 300 cây số) về hướng Ðông và có khoảng cách từ 400 hải lý đến 500 hải lý (720 cây số đến 900 cây số) đối với các hải cảng Sài Gòn, hải Phòng, Hương cảng và Manila. Theo tục truyền, toán thám sát dưới triều vua Gia Long báo cáo quần đảo này có nhiều bãi cát vàng, vì vậy nên được đặt tên là Hoàng Sa.

3. Ðịa Thế

Trên các hải đồ quốc tế, quần đảo Hoàng Sa được gọi là Paracel Islands hay Paracels. Có người cho rằng tên Paracel bắt nguồn từ chữ Bồ Ðào Nha "Paracel" có nghĩa là "đá ngầm". Giả thuyết này nghe cũng khá hợp lý vì mấy thế kỷ trước đây, dân Bồ Ðào Nha (Portugal) và Tây Ban Nha (Spain) có rất nhiều đi hải thuyền nổi tiếng chu du thám hiểm vòng quanh thế giới. Ði tới đâu, họ dùng tên của nước mình để đặt cho những vùng biển hay đãt lạ chưa được ghi chép trên bản đồ. Hơn nữa, các đảo trong vùng Hoàng Sa thường rất thấp, chỉ cao chừng vài ba thước trên mặt biển nên trông như những bãi đá ngầm khi thủy triều lên. Giả thuyết thứ hai cho rằng "Paracel" là tên một thương thuyền thuộc công ty Ðông Ấn của người Anh bị mắc cạn và chìm tại vùng Hoàng Sa vào khoảng thế kỷ thứ 16. Chúng tôi thiết nghĩ giả thuyết thứ hai này có vẻ hữu lý hơn, vì trong quần đảo Hoàng Sa có nhóm đảo Amphitrite là tên của một tàu Pháp gặp nạn tại Hoàng Sa khi vượt biển buôn bán với Trung Hoa vào thế kỷ thứ 17.

Theo các bản đồ cổ của Việt Nam, quần đảo Hoàng Sa mang tên bãi Cát Vàng hay Cồn Vàng vì cát tại đây thường có màu vàng, nhất là tại đảo Quang Hòa. Người Trung Hoa gọi vùng này là Hsisha hay Xisha Quandao tức là Tây Sa quần đảo. Quần đảo Hoàng Sa gồm có rất nhiều đảo lớn, đảo nhỏ, cồn cát, bãi cát, đá ngầm v.v... nên rất khó xác định có tổng cộng bao nhiêu "đơn vị". Ðảo cao nhất là Rocky Island nhô cao khỏi mặt nuớc chừng 20 thước. Sách cổ Việt Nam cho biết có cả thảy chừng 130 đảo, cồn v.v... Tuy nhiên, trên các hải đồ quốc tế chúng ta thấy chỉ ghi nhận vài ba chục đảo lớn. Tưởng cũng cần nói thêm, ngoài các đảo, cồn và đá nổi cao khỏi mặt nước, vùng Hoàng Sa còn có hai bãi ngầm (Bank hay Shoal) rất lớn luôn luôn chìm dưới mực nước biển, đó là Macclesfield và Scarborough Shoal nằm về hướng Ðông. Những bãi ngầm hay vùng nước cạn giữa biển này rất nguy hiểm cho các tàu bè qua lại vì khi thời tiết tốt, mặt biển trông rất phẳng lặng bình yên không có dấu hiệu de dọa nào, chỉ khi trời nổi sóng gió mới thấy những lượng sóng bạc đầu trên các vùng bã hay đá ngầm.

Nếu chỉ kể riêng những đảo (đá, đất, bãi cát, cồn ... cao hơn mặt biển), quần đảo Hoàng Sa được các nhà hàng hải chia thành hai nhóm chính: đó là nhóm Trăng Khuyết và nhóm An Vĩnh.

A. Nhóm Trăng Khuyết (Crescent Group)
(Xem bản đồ quần đảo Hoàng Sa)

Những đảo thuộc nhóm này kết hợp lại thành một hình cánh cung hay lưỡi liềm nên được đặt tên là Trăng Khuyết hay Nguyệt Thiềm, tên quốc tế là Crescent hay Croissant. Ðây là nhóm đảo quan trọng nhất nằm về phía Tây của quần đảo Hoàng Sa, tức là gần với đất liền Việt Nam nhất. Nhóm này gồm 7 hòn đảo chính và một số bãi ngầm.

1. Ðảo Hoàng Sa (Pattle Island): Ðây là hòn đảo chính của quần đảo, nhưng lại không phải là đảo lớn nhất. Ðảo này hình bầu dục, chiều dài khoảng 950 thước, chiều rng khoảng 650 thước. các cơ sở quân sự, đài khí tượng, hải đăng, cầu tàu ... đều đặt trên hòn đảo này. Những cơ sở này đa số được thiết lập từ thời Pháp thuộc, đều thuộc quyền sở hữu của VNCH. Ngoài ra còn có các kiến trúc khác như Miếu Bà, Nhà Thờ, bia chủ quyền Việt Nam và đường xe gờng dẫn ra cầu tầu để chuyển vận phân bón. Vì là đảo chính có nhiều cơ sở hành chánh nên thường dùng làm tên chung cho cả quần đảo.

Ðảo Hoàng Sa đủ lớn để thiết lập một phi đạo ngắn tầm. Vào đầu năm 1974, VNCH dự trù xây cất một phi trường tại đây nhưng khi toán công binh thám được tầu Hải Quân chở ra tới nơi thì đảo bị Trung Cộng cưỡng chiếm. Dưới thời VNCH, có một trung đội Ðịa Phương Quân thuộc chi khu Hòa Vang thuộc tiểu khu Quảng Nam đồn trú .

2. Ðảo Cam Tuyền (hay Hữu Nhật - Robert Island): Ðảo mang tên một xuất đội dưới triều nhà Nguyễn tên thật là Nguyễn Hữu Nhật. Diện tích đảo này chừng 0.32 cây số vuông, nằm cách đảo Hoàng Sa chừng 3 hải lý về hướng Nam. Ðảo có một vòng san hô bao chung quanh, có chỗ ăn liền tới bờ đảo.

3. Ðảo Duy Mộng (Drummond Island): Hình bầu dục, cao chừng 4 thước trên mặt biển, diện tích chừng 0.41 cây số vuông. Nước tương đối sâu, tầu lớn có thể vào sát bờ chỉ cách vài ba trăm thước. Trong trận hải chiến tại Hoàng Sa vào tháng 1 năm 1974, đa số các chiến hạm trung Cộng tập trung quanh đảo này.

4. Ðảo Quang Ảnh (hay Vĩnh Lạc - Money Island): Quang Ảnh là tên một vị đi trưởng dưới triều Nguyễn tên thật là Phạm Quang Ảnh. Vào thời vua Gia Long, vị đội trưởng này thường đem hải thuyền ra Hoàng Sa để thu lượm hải vật. Ðảo cao chừng 6 thước, diện tích gần nửa cây số vuông. Chung quanh đảo có nhiều đá ngầm và san hô rất nguy hiểm cho tầu bè.

5. Ðảo Quang Hòa (Duncan Island): Là hòn đảo lớn nhất trong nhóm trăng khuyết với diện tích chừng nửa cây số vuông. Quanh đảo là bãi cát mầu vàng, có lẽ vì vậy mà cả quần đảo mang tên Hoàng Sa, bãi Cát Vàng hay Cồn Vàng. Vì có nhiều đảo nhỏ nối liền với nhau bằng những giải cát nên có một số hải đồ chia đảo này thành hai đảo Quang Hòa Ðông và Quang Hòa tây. Chung quanh đảo có vòng san hô bao bọc. Trong trận hải chiến giữa HQ VNCH và Trung Cộng, chiến hạm đôi bên đã đụng độ nhau tại mặt Tây, chỉ cách đảo mấy hải lý.

6. Ðảo Bạch Qủy (Passu Island): Ðảo cấu tạo bằng san hô, rất thấp, chỉ nhô lên khỏi mặt nước khi thủy triều xuống. Ðảo rất trơ trọi khiến người khó có thể sinh sống.

7. Ðảo Tri Tôn (Triton Island): Gần với đất liền Việt Nam nhất. Ðảo trơ trọi toàn đá và san hô chết.

8. Các bãi ngầm: Ngoài các đảo chính nêu trên trong vùng biển thuộc nhóm Trăng Khuyết còn có một số bãi ngầm đáng kể và rất nguy hiểm cho tầu bè qua lại sau đây:

    Bãi Antelope Reef: Gồm toàn san hô ngầm, nằm về phía Nam đảo Hữu Nhật và phía Ðông đảo Quang Ảnh.
    Bãi Vuladdore: Nằm về hướng Ðông Nam của nhóm Trăng Khuyết, các chừng 20 hải lý.
    Bãi Discovery Reef: Là bãi ngầm lớn nhất. Ðây là một vòng rng toàn san hô, chiều dài chừng 15 hải lý và rộng chừng 5 hải lý.

B. Nhóm An Vĩnh (Amphitrite Group)

Nằm về hướng Ðông Bắc quần đảo Hoàng Sa. An Vĩnh nguyên là tên của một xã thuộc tỉnh Quảng Ngãi thời trước. Sách Ðại Nam Thực Lục Tiên Biên chép về xã này như sau: "Ngoài biển xã An Vĩnh, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi có hơn 100 cồn cát kéo dài tới không biết mấy ngàn dậm, tục gọi là Vạn Lý Hoàng Sa Châu ... Hồi quốc sơ đầu triều Nguyễn có đặt đi Hoàng Sa gồm 70 người lấy dân xã An Vĩnh sung vào, hàng năm cứ đến tháng ba cưỡi thuyền ra đảo, ba đêm thì tới nơi ... "

Nhóm An Vĩnh còn có tên là Amphitrite hay Tuyên Ðức, gồm nhiều đảo tương đối lớn và cao. Sau đây là một số đảo chính:

    Ðảo Phú Lâm.
    Ðảo Cây, còn gọi là đảo Cù Mộc.
    Ðảo Lincoln.
    Ðảo Trung.
    Ðảo Bắc.
    Ðảo Nam.
    Ðảo Tây.
    Ðảo Hòn Ðá.

Hải đảo quan trọng nhất trong nhóm An Vĩnh là đảo Phú Lâm, còn gọi là Woody Island nằn cạnh đảo Hòn Ðá nhưng diện tích lớn hơn nhiều. Trước đệ nhị thế chiến, ngưới Pháp tại Ðông Dương đã khai thác những đảo thuộc nhóm An Vĩnh. Họ cũng thiết lập tại đây một đài khí tượng giống như trên đảo
Bản đồ quần đảo Hoàng Sa
Hoàng Sa. Sau thế chiến thứ hai, Pháp phái chiến hạm Savorgnan de Brazza đến chiếm lại các đảo tại vùng Hoàng Sa từ tay người Nhật vào tháng 6 năm 1946. Nhưng sau đó vì chiến tranh Việt Pháp bùng nổ, Pháp phải rút quân về đất liền. Lợi dụng cơ hội Hoàng Sa bị bỏ trống, Trung Hoa lấy cớ giải giới quân Nhật đã lén đổ quân lên đảo Phú Lâm rồi chiếm đóng luôn đảo này. Ngoài ra, họ cũng tiến xa hơn về phía Nam, chiếm luôn đải Thái Bình (Itu Aba) thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Vào ngày 13 tháng 1 năm 1947, người Pháp tại Ðông Dương chính thức phản kháng hành động chiếm đóng các hải đảo bất hợp pháp của Trung Hoa và phái chiến hạm le Tonkinois ra Hoàng Sa. Thấy đảo Phú Lâm dã bị chiếm đóng và phòng thủ kỹ lưỡng, chiến hạm này quay về đảo Hoàng Sa (Pattle Island) để đổ 10 quân nhân Pháp và 17 quân nhân Việt Nam lên chiếm đóng đảo này. Khi Trung Hoa Dân Quốc phải bỏ Hoa Lục chạy sang Ðài Loan, họ cũng rút quân ở đảo Phú Lâm và Thái Bình về. Mãi tới 7 năm sau khi làm chủ được lục dịa, Trung Cộng mới cho quân chiếm đóng Ðảo Phú Lâm vào đêm 20 rạng ngày 21 tháng 2 năm 1956.

Trong nhóm An Vĩnh, ngoài Phú Lâm còn có một hòn đảo quan trọng khác, đó là đảo Lincoln, nằm về phía Ðông của nhóm. Ðây là đảo lớn nhất trong quần đảo Hoàng Sa với diện tích chừng 1.6 cây số vuông hay tương đương 400 acres, bề cao chừng 3 - 4 thước. Hiện nay, dự đoán có chừng 4,000 quân Trung Cộng trên các đảo tại vùng Hoàng Sa.

4. Chủ Quyền Việt Nam Tại Quần Ðảo Hoàng Sa

Vào thế kỷ thứ 18, bộ sách "Phủ Biên Tạp Lục" của ông Lê Quí Ðôn đã có nói tới Hoàng Sa và Trường Sa. Cuốn sách này cũng kể việc người Việt Nam đã khai thác hai quần đảo này ngay từ thời Lê mạt. Các tài liệu khác nói về chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa và Trường Sa là bộ "Hoàng Việt Ðịa Dư Chí" được ấn hành vào năm Minh Mạng thứ 16 tức là năm 1834. Cuốn "Lịch Triều Hiến Chương Loại Chí" của Phan Huy Chú (1782 - 1840).

Hơn nữa, bộ "Ðại Nam Nhất Thống Chí" trong cuốn nói về tỉnh Quảng Ngãi có kể việc Chúa Nguyễn cho thành lập đội Hoàng Sa gồm 70 người cứ mỗi năm vào tháng 3 thì ra đảo thu lượm hải vật rồi trở về vào tháng 8. Vào năm Minh Mạng thứ 16, nhà vua cũng sai quan quân dùng thuyền chở gạch đá ra dựng một ngôi chùa và bia chủ quyền tại đảo Hoàng Sa có khắc hàng chữ nôm "Minh Mạng năm thứ 16". Ngoài các sử gia bản xứ, một số các tác giả người Pháp cũng nói tới chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa và Trường Sa. Vào năm 1836 Ðức giám mục Taberd đã viết trong cuốn sách "Ðịa dư, lịch sử và mô tả mọi dân tộc cùng với tôn giáo và phong tục của hộị" (Univer, histoire et description de tous les peuples, de leurs religion et coutumes) như sau:

"Tôi không kể dài dòng về những đảo thuộc Nam Kỳ, nhưng chỉ nhận xét rằng từ 34 năm nay, người Nam Kỳ đã chiếm cứ nhóm quần đảo Paracels mà người An Nam gọi là Cát Vàng hay Hoàng Sa, thực là những hòn đảo nhỏ bí hiểm, gồm những mỏm đá xen lẫn với các bãi cát mà những người đi biển đều kinh hãi. Tôi không rõ họ có thiết lập cơ sở gì ở đó không, nhưng chắc chắn rằng Hoàng Ðế Gia Long nhất định muốn mở rộng lãnh thổ của Hoàng Triều bằng cách chiếm quần đảo này, và vào năm 1816, ngài đã long trọng trương lá cờ tại đây".

Trong tác phẩm "Hồi ký về Ðông Dương", ông Jean Baptiste Chaigneau cũng ghi rằng vua Gia Long đã chính thức thu nhận quần đảo Hoàng Sa vào năm 1816. Khi người Pháp đặt nền bảo hộ trên toàn cỏi Ðông Dương, họ cũng tiếp tục lãnh nhiệm vụ bảo vệ Hoàng Sa. Vào các năm 1895 và 1896, có hai chiếc thương thuyền tên Bellona và Iruezi Maru chở đồng cho người Anh bị đắm tại nhóm đảo Tuyên Ðức và bị người Trung Hoa đến đánh cướp. Ðại diện người Anh tại Bắc Kinh đòi nhà Thanh phải bồi thường vì có một số đồng được đem về bán tại đải Hải Nam. Nhưng chính quyền nhà Thanh không chịu bồi thường, viện cớ quần đảo Hoàng Sa không thuộc chủ quyền của Trung Hoa.

Các quốc gia trong vùng Ðông Nam Á cũng mặc nhiên công nhận chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa. Vào đầu thế kỷ 20, một công ty Nhật tên Motsli Bussan Kaisha đã đệ đơn xin chính quyền Pháp tại Ðông Dương cấp quyền đặc nhượng khai thác phosphate tại đây. Năm 1925, tàu Lanessan chở phái đoàn nghiên cứu của Hải Học Viện Nha Trang ra thám sát quần đảo Hoàng Sa. Phái đoàn này xác nhận Hoàng Sa là một phần của lãnh thỗ Việt Nam vì dính liền với thềm lục địa Việt Nam.

Tại hội nghị San Francisco vào ngày 7 tháng 9 năm 1951, Thủ Tướng Trần Văn Hữu, trưởng phái đoàn Việt Nam cũng đã lên tiếng xác nhận chủ quyền Việt Nam tại hải đảo thuộc Biển Ðông. Ông tuyên bố truớc hội nghị: "Chúng ta cần phải lợi dụng mọi cơ hội để dập tắt mầm mống chiến tranh, vì vậy chúng tôi xác nhận chủ quyền của Việt Nam trên các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ trước đến nay vẫn luôn luôn là những thành phần của lãnh thổ Việt Nam". Trong tổng số 51 quốc gia tham dự, không một quốc gia nào - kể cả Trung Hoa - lên tiếng phản đối nên lời tuyên bố này đã được ghi vào biên bản của hội nghị.

Dưới thời Pháp thuộc, Việt Nam đã thiết lập những cơ sở hành chánh tại Hoàng Sa qua nghị định số 156-SC ngày 15-6-1932 của Toàn Quyền Ðông Dương. Trong đạo dụ số 10 ký ngày 30-3-1938, Hoàng Ðế Bảo Ðại sát nhập quần đảo Hoàng Sa vào tỉnh Thừa Thiên. Ngày 5-5-1938, Toàn Quyền Ðông Dương thiết lập hai đơn vị hành cháng tại quần đảo Hoàng Sa. Ðó là đơn vị Trăng Khuyết và phụ cận (délégation du Croissant et dépendences) và đơn vị Tuyên Ðức và phụ cận (délégation de l'Amphitrite et dépendences). Ngày 13-7-1961 dưới thời Ðệ Nhất Cộng Hòa, Tổng Thống Ngô Ðình Diệm ban hành sắc lệnh số 175-NV đặt quần đảo Hoàng Sa thuộc tỉnh Quảng Nam thay vì tỉnh Thừa Thiên và đặt tên là xã Ðịnh Hải thuộc quận Hòa Vang. Dưới thời Ðệ Nhị Cộng Hòa, nghị định số 709-BNV-HC ngày 21-10-1969 của Thủ Tướng Chính Phủ đã sát nhập xã Ðịnh Hải vào xã Hòa Long cũng thuộc quận Hòa Vang, tỉnh Quảng Nam.

5. Bằng cớ bán nước của Việt Cộng (Xem Văn thư Phạm Văn Ðồng gửi Chu Ân Lai)

Trong lúc miền Nam Việt Nam ra sức bảo vệ các quần đảo tại Biển Ðông chống lại các hành động xâm lăng của ngoại quốc thì Việt Cộng tại miền Bắc lại nịnh bợ, thản nhiên công nhận chủ quyền của Trung Cộng tại các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Sau đây là các bằng cớ: - Vào năm 1956, ngoại trưởng Việt Cộng là Ung Văn Khiêm tuyên bố:" Hà Nội nhìn chủ quyền của Trung Cộng đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà Trung Cộng gọi là Tây Sa và Nam Sa."

- Trong số báo phát hành ngày 22-9-1958, tờ Nhân Dân, cơ quan ngôn luận chính thức của Việt Cộng đã đăng một bản tin với tựa đề "Chính phủ nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa công nhận quyết định về hải phận của Trung Quốc." Nguyên văn bản tin này như sau: "Sáng ngày 21-9-1958, đồng chí Nguyễn Khang, Ðại sứ nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa tại Trung quốc, đã gặp đồng chí Cơ Bằng Phi, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa và đã chuyển bức công hàm sau đây của Chính phủ ta:

"Thưa đồng chí Tổng Lý,
Tổng lý Quốc vụ viện nuớc Cộng hòa nhân dân Trung hoa,

Chúng tôi in trân trọng báo tin để đồng chí Tổng lý rõ:

Chính phủ nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa ghi nhận và tán thành bản tuyên bố ngày 4 tháng 9 năm 1958, của nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, quyết định về hải phận của Trung quốc. Chính phủ nước Việt nam dân chủ Cộng hòa tôn trọng quyết định ấy và sẽ chỉ thị cho các cơ quan nhà nước có trách nhiệm triệt để tôn trọng hải phận 12 hải lý của Trung quốc rong mọi quan hệ với nước Cộng hòa nhân dân Trung hoa trên mặt biển.

    Chúng tôi xin kính gửi đồng chí Tổng lý lời chào rất trân trọng.

    Hà Nội ngày 14 tháng 9 năm 1958
    Phạm Văn Ðồng
    Thủ tướng Chính phủ
    Nước Việt nam dân chủ Cộng hòa

- Sau khi chiếm được miền Nam Việt Nam, tờ báo Sài Gòn Giải Phóng vào tháng 5 năm 1976 đã đăng một bài xã luận liên quan tới quần đảo Hoàng Sa, trong đó có những câu nịnh bợ Trung Cộng rất ngớ ngẩn như sau:

    "Trung quốc vĩ đại đối với chúng ta không chỉ là người đồng chí mà còn là người thầy tin cẩn, đã cưu mang chúng ta nhiệt tình để chúng ta có được ngày hôm nay, thì chủ quyền Hoàng Sa thuộc Trung quốc hay thuộc ta cũng vậy thôi (Việt Nam, Trung Quốc, sông liền sông, núi liền núi). Khi nào chúng ta muốn nhận lại quần đảo này, Trung quốc sẽ sẵn sàng giao lại."

Về sau, vào năm 1979, hai đồng chí thầy trò "sông liền sông, núi liền núi" này đã dậy nhau một bài học đẫm máu tại vùng biên giới Hoa - Việt. Tới năm 1988, người thầy tín cẩn Trung Cộng đã chẳng những không giao lại quần đảo Hoàng Sa cho tên đày tớ Việt Cộng mà còn xua quân chiếm luôn quần đảo Trường Sa. Ngày 14-3-1988, tàu chiến Trung Cộng bắn chìm 3 chiến hạm của hải quân Việt Cộng (một chiếc thuộc loại Shangai do Trung Cộng viện trợ trước đây, một tuần duyên hạm PGM cũ của Hải Quân VNCH, một hải vận hạm do Nga Sô viện trợ) khiến trên 100 lính Việt Cộng thương vong. Trung Cộng đã dùng những bức công hàm của Việt Cộng công nhận chủ quyền của Trung Cộng tại Biển Ðông để làm bằng cớ. Bị bí lối, Việt Cộng trâng tráo giải thích trên tờ báo Nhân Dân số ra ngày 26-4-1988:

    "Ðúng là có những lời tuyên bố đó. Cần phải đặt những lời tuyên bố này đúng trong bối cảnh lịch sử của nó ... Trong cuộc chiến đãu một mất một còn, chống một kẻ thù xâm lược có sức mạnh quân sự lớn hơn mình rất nhiều, Việt Nam tranh thủ được Trung quốc gắn chặt với cuc chiến đấu của Việt Nam càng nhiều bao nhiêu và ngăn chận Mỹ xử dụng hai quần đảo cũng như vùng Biển Ðông chống lại Việt nam, thì càng tốt bấy nhiêu. Phải đứng trên tinh thần đó và trong bối cảnh đó để hiểu các tuyên bố nói trên."

Xem tiếp : Phần 1 Phần 2 - Phần 3


Trần Ðỗ Cẩm Email: camtran11@yahoo.com)
(Trích từ tác phẩm "Biển Ðông Nổi Sóng" của Trần Ðỗ Cẩm)



















































































Free Web Hosting