(Tác giả giữ bản quyền. Muốn trích đăng, vui lòng liên lạc Email: doanket@yahoo.com. Cám ơn)
(Phần 4 - Còn Tiếp)
Tới đây, để tránh ngộ nhận hầu dễ bề theo dõi các diễn tiến, xin lập lại qui ước về tên các địa điểm trong vùng. Danh từ Trại Làng Vei dùng để chỉ Trại LLĐB Làng Vei Mới, cách Trại Làng Vei cũ đã bị bỏ hoang sau trận đánh vào năm 1967 chừng 800 thước về phía Tây. Quân Lào thuộc TĐ 33 BV do Trung Tá Soulang chỉ huy, sau khi di tản Ban Houei Sane, hiện đóng tại trại Lang Vei cũ. Làng Vei là nơi người Thượng Bru cư ngụ. Tương tự, căn cứ Khe Sanh là nơi TQLC/HK đồn trú, nằm về phia bắc Làng Khe Sanh cũng là Chi Khu Hướng Hóa đã bị quân Bắc Việt chiếm đóng.
Từ trên không nhìn xuống, trại Lang Vei trông như một khúc xương nằm trên dãy đồi thấp dọc theo mặt nam đường số 9. Trại được xây cất theo quan niệm đơn độc chiến đấu nhưng hỗ tương phòng thủ. Bên ngoài trại ngoài 3 lớp hàng rào kẽm gai rộng chừng 50 thước gài mìn claymore cũng như mìn chiếu sáng, còn một lớp hàng rào lưới sắt chống B-40. Trong trại gồm những công sự phòng thủ được xây cất kiên cố bằng bao cát và những hố cá nhân có nắp che. Tất cả các vị trí chiến đấu đều có xạ trường tốt có thể yểm trợ lẫn nhau.
Trại được chia làm 5 khu riêng biệt, dù mỗi khu là một tiền đồn biệt lập với hàng rào kẽm gai và mìn phòng thủ riêng để có thể tự chiến đấu dù các khu khác bị chiếm, nhưng các khu có thể hỗ tương yểm trợ. Mỗi khu chiếm một góc trại do một Đại Đội DSCĐ phụ trách. Khu Trung Ương gồm hầm chỉ huy được xây ngầm dưới đất là vùng cấm, chỉ có BCH Trại và các cố vấn HK được ra vào.
Khu Đông Bắc giáp đường số 9 về hướng Khe Sanh do ĐĐ 101 gồm 82 DSCÐ người Bru phòng thủ. Khu Đông Nam án ngữ con đường dẫn tới làng Troài xa hơn về phía Nam, thuộc phần trách nhiệm của ĐĐ 104 DSCĐ người Việt, quân số chừng 60 người nhưng lại là đơn vị thiện chiến nhất. Tại đầu trại phía bên kia cách khoảng 500 thước về phía Tây, khu Tây Bắc nằm sát đường số 9 do ĐĐ 102 gồm 42 DSCĐ phụ trách, còn khu Tây Nam do ĐĐ 103 gồm 43 DSCĐ phòng thủ. Các Tr/Đ TS được kéo về phòng thủ khu Trung Ương gồm Tr/Đ 1 phòng thủ mặt Bắc, Tr/Đ 2 mặt Nam, còn Tr/Đ 3 được đặt sát ngay sau ĐĐ 101 để sẵn sàng tiếp ứng.
Về hỏa lực, trại có 1 súng cối 4”2 với khoảng 800 đạn nổ mạnh và chiếu sáng, ngoài ra, mỗi khu còn có 1 súng cối 81 ly. Rải rác quanh trại là 19 vị trí súng cối 60 ly. Về vũ khí cộng đồng, có một đại liên 50 đặt trên nóc khu cư xá (team house) nằm sát đường số 9 để che chở mặt Bắc. Một đại liên 50 khác đặt gần hầm chỉ huy để che chở mặt Nam. Ngoài ra còn có nhiều đại liên 30, đại liên M-60 và trung liên BAR. Về vũ khí cá nhân, các DSCĐ được trang bị carbine M-1 và M-2. Về vũ khí chống chiến xa, trại có 2 dại bác 106 ly không giật, một đặt tại mặt Nam khu trung ương hướng về đường mòn dẫn tới Làng Troài, một đặt tại khu Tr/Đ 3 Thám Sát nhắm vào mặt Bắc phía đường số 9. Ngoài ra, mỗi khu còn có 1 đại bác 57 ly không giật. Trại còn có khoảng 100 hỏa tiễn chống chiến xa LAW là loại bắn một lần rồi bỏ. Về hỏa lực yểm trợ, trại có thể kêu pháo binh 155 ly cũng như 105 của TQLC/HQ tại Khe Sanh cũng như đại bác 175 ly đặt tại Camp Carroll. Tất cả các vị trí quanh trại đã được pháo binh ghi sẵn trong trường hợp cần yểm trợ cận phòng. Về Không Quân, có các phi cơ quan sát, trực thăng võ trang và khu trục cơ có thể yểm trợ dưới mọi thời tiết. Về lực lượng tăng viện, có 2 ĐĐ TQLC/HQ túc trực tại Khe Sanh sẵn sàng tiếp viện bằng đường bộ hay trực thăng trong khoảng thời gian ngắn. Ngoài ra, một lực lượng Mike Force cũng túc trực tại BCH-C thuộc Toán 5 LLĐB tại Đà Nẵng.
Ngày 6 tháng 2, Trung Tá Daniel Schungel, CHT Toán C/LLĐB tại Đà Nẵng đáp trực thăng tới Trại Làng Vei để thay thế Thiếu Tá Hoadley trong việc phối hợp với TĐ 33 BV Lào. Theo dự trù, Thiếu Tá Adam Husar, Tiểu Đoàn Trưởng Mike Force tại Đà Nẵng sẽ thay thế Trung Tá Schungel vào ngày hôm sau. Các sĩ quan cấp tá thuộc BCH-C phải thay nhau tới Làng Vei vì Trung Tá Soulang không chịu làm việc ngang hàng với sĩ quan cấp úy HK.
Buổi sáng, địch pháo kích 3 quả súng cối 81 ly vào trại nhưng không gây tổn thất. Khoảng 7 giờ tối, địch lại pháo kích thêm khoảng 40 đạn súng cối từ vùng núi Cô Rốc khiến 2 bị thương và 2 công sự bị hư hại. Như thường lệ, một Trung Đội Mike Force được chỉ định nằm tiền đồn tại địa điểm cách trại chừng 500 thước về hướng Tây trên đường số 9, nhưng vừa ra khỏi trại, toán này đã quay trở lại vì họ cho biết có rất nhiều địch bên ngoài. Tuy nhiên, sau khi quan sát kỹ càng không thấy động tính, Trung Đội tiền đồn tới vị trí dự trù như thường lệ. Sau đó, Trung Tá Schungel cùng với Trại Trưởng là Trung Úy Phạm Duy Quân và Sĩ Quan Hành Quân là Trung Úy Lương Văn Qúy đích thân đi quanh trại để kiểm soát hệ thống phòng thủ. Tới khoảng 8 giờ tối, hệ thống bố phòng được coi như đầy đủ, chặt chẽ.
Khoảng 9 giờ tối, lính gác vòng đai phòng thủ thuộc ĐĐ 104 báo cáo nghe thấy tiếng máy xe từ phía Làng Troài nằm về phía Nam trại. Toán Mike Force tiền đồn cũng báo cáo nghe thấy tiếng máy xe ở phía Tây đường số 9 về hướng biên giới Lào. Liền sau đó, 3 trái mìn chiếu sáng phựt nổ tại vòng đai tiền đồn khiến toán Mike Force khai hỏa dữ dội, DSCĐ trong trại cũng bắn theo, nhưng sau một hồi không thấy bị bị bắn trả nên ngưng bắn. Đêm đó, trời vừa tối lại bị sương mù che phủ nên rất khó quan sát.
Khoảng 10 giờ 40 tối, mìn chiếu sáng lại phát nổ tại khu ĐĐ 104 nên lính lại khai hỏa, nhưng ngưng bắn vài phút sau đó vì địch không phản ứng. Vừa quá nửa đêm rạng ngày 7/2, mìn chiếu sáng tại khu ĐĐ 104 lại phựt cháy, dưới ánh sáng lờ mờ của trái sáng, lính gác tại đài quan sát trên hầm chỉ huy phát hiện 2 tên địch đang qùi trước hai chiến xa đang dùng kìm cắt hàng rào. Lập tức, ĐĐ 104 khai hoả bắn hạ ngay 2 tên đặc công. Hai chiến xa địch lập tức cán qua hàng rào phòng thủ phía Nam thuộc khu ĐĐ 104 để tràn vào trại. Lính gác trên đài quan sát báo cáo với hầm chỉ huy: "Năm chiến xa địch xâm nhập hàng rào phòng thủ với khoảng 200 quân tùng thiết theo sau. Yêu cầu bắn chiếu sáng". Các cấp chỉ huy từ trong hầm chỉ huy ngầm dưới đất phóng lên trên để quan sát và nhìn rõ chiến xa địch đang dùng đại bác 76 ly trực xạ bắn sập các công sự phòng thủ trong khu vực ĐĐ 104.
Trung Tá Schungen lập tức ra lệnh BCH trại gọi phi cơ và pháo binh yểm trợ, đồng thới đích thân ông cùng Trung Úy Qúy và một số nhân viên khác hợp thành toán diệt chiến xa. Lúc đó, bộ binh địch đã theo chiến xa xâm nhập được vào trong hàng rào phòng thủ. Tuy bị hỏa lực đại bác và thượng liên trên chiến xa đàn áp dữ dội, DSCĐ dù chỉ có vũ khí cá nhân vẫn chống trả quyết liệt. Đạn nổ khắp nơi hòa lẫn với tiếng chiến xa gầm hú. Toán địch tùng thiết cũng dùng AK quét vào các công sự. Trung Úy Longgrear ĐĐT Mike Force dùng hỏa tiễn LAW bắn vào một chiến xa địch đang tràn vào ổ súng cối 81 ly, nhưng hai trái đầu không nổ, đến trái thứ 3 khai hỏa, bắn trúng vào sườn chiến xa, nhưng chỉ trượt đi, bay chếch lên trời không gây thiệt hại. May mắn lúc đó khẩu 106 ly không giật đặt gần hầm chỉ huy khai hỏa, bắn trúng chiến xa gần nhất, khoảng cách chừng 350 thước và hạ thêm chiến xa thứ nhì ngay sau đó. Kỵ binh địch mở nắp chiến xa nhảy ra, nhưng lập tức bị bắn hạ. Tuy nhiên, địch vẫn xông tới. Một chiến xa thứ ba chạy vòng qua xác hai chiếc bị bắn cháy, vừa bắn vừa cán xập hàng rào kẽm gai chung quanh ĐĐ 104 và bắn hư một số công sự phòng thủ. Khẩu 106 ly sau khi bắn một loạt đạn "tổ ong" (beehive) chống biển người để tiêu diệt bộ binh tùng thiết địch, liền nạp trái đạn HEAT cuối cùng (High Explosive Anti- Tank) bắn hạ chiến xa thứ ba này. Một chiến xa khác của địch tăng máy, hú lên một tiếng lớn, từ ngoài đường hướng Làng Troài tràn qua khu kẽm gai vừa bị phá, dùng đại bác trực xạ phá hủy khẩu 106 ly vừa hết đạn. May mắn, các xạ thủ đã bỏ súng qua tiếp tay với khẩu súng cối bên cạnh nên không bị thiệt hại. Một chiến xa khác chạy theo sau, cả hai tràn vàp khi vực phòng thủ của ĐĐ 104. Như vậy, trong số 5 chiến xa tấn công vào mặt Nam, 3 chiếc bị đại bác 106 ly không giật bắn hạ tại chỗ, còn 2 chiếc xông được vào trong trại.
Lập tức, đạn súng cối 81 ly chiếu sáng được bắn lên, đồng thời hầm chỉ huy tiếp tục gọi pháo binh từ Khe Sanh yểm trợ: "- Jacksonville, Jacksonville (danh hiệu truyền tin của pháo binh TQLC/HK), đây là Spunky Hensen (danh hiệu truyền tin Trại Làng Vei trong hệ thống pháo binh), tôi hiện đang bị địch tấn công dữ dội và chiến xa địch đã xâm nhập hàng rào phòng thủ, chuẩn bị pháo binh yểm trợ, trả lời".
Toán pháo binh TQLC lặng người, không tin tai mình đã nghe địch có chiến xa, sau đó mới lên tiếng:
"- Spunky, đây là Jacksonville, anh có chắc là chiến xa không?"
"- Nhận 5, nhận 5, chắc chắn. Chiến xa đã vào trong trại".
"- Bạn có nhìn rõ chiến xa không?" TQLC hỏi lại, vẫn chưa hiểu được tình trạng đang rất nguy ngập, tưởng rằng LLĐB hoảng hốt, báo cáo bậy.
"- Chắc chắn, chắc chắn, ngồi trong hầm mà tôi vẫn còn nghe rõ tiếng máy. Xe tăng địch đang bắn phá các công sự phòng thủ".
"- Không chấp thuận, chắc là anh nghe tiếng máy điện".
Dằng dai mãi khoảng nửa giờ sau, pháo binh từ Khe Sanh mới bắt đầu khai hỏa, cùng lúc đó, pháo binh 152 ly của địch từ núi Cô Rốc cũng bằt bầu bắn vào Khe Sanh để khóa súng. Hai loạt đạn TQLC yểm trợ đầu tiên bắn lạc mục tiêu, nhưng sau đó được điều chỉnh rất chính xác, gây thiệt hại nặng cho bộ binh địch tùng thiết. Tại khu vực Ðại Ðội 104, bộ binh địch theo chiến xa tràn vào. Một toán đặc công 4 tên xông qua hàng rào phòng thủ, bị bắn hạ ngay. Trong khi đó, toán tiền đồn báo cáo có 4 chiến xa đang tiến tới từ hướng Tây trên đường số 9, ĐĐ 101 cũng báo cáo thêm 2 chiến xa tiến tới từ hướng Đông. Như vậy, Trại Làng Vei đã bị chiến xa địch tấn công từ 3 mặt: 5 chiến xa đánh mặt Nam từ hướng làng Troài, 4 chiếc ở mặt Tây từ hướng biên giới Lào, 2 chiếc từ mặt Đông hướng Khe Sanh. Trong 5 chiến xa đánh vào mặt Nam, 3 chiếc đã bị bắn hạ, nhưng 2 chiếc còn lại đã xâm nhập khu phòng thủ của ĐĐ 104 và đang dùng đèn quét trên mặt đất để tìm những công sự phòng thủ. Quân trú phòng không còn cách gì chặn chiến xa, vì một khẩu 106 ly phòng thủ mặt Nam hết đạn đã bị phá hủy, khẩu còn lại phòng thủ mặt Bắc hướng đường số 9 lại không hoạt động được vì xạ thủ đi phép. Quân phòng thủ tiếp tục dùng hỏa tiễn LAW để bắn chiến xa nhưng không hiệu quả, đa số không nổ, số còn lại trúng chiến xa nhưng không gây thiệt hại.
Khoảng 1 giờ sáng, sau khi pháo binh yển trợ được chừng mươi phút, phi cơ quan sát bắt đầu vào vùng cùng với phi cơ chiếu sáng và hỏa long, sau đó phi cơ khu trục cũng tham chiến. Trại yêu cầu oanh tạc khu vực phía Nam gần Làng Troài, mặt Bắc khu vực ĐD 101 sát đường số 9 và khu vực tiền đồn về phía Tây của trại. Nhưng mặc dù có pháo binh và phi cơ yểm trợ, tình thế càng thêm nguy ngập vì địch quân khai thác lỗ thủng tại khu ĐĐ 104. Chiến xa địch dồn quân phòng thủ lui dần dần về phía sau, gần khu trung ương khiến mặt sau của ĐĐ 101 ở phía Bắc bị hở.
Tuy nhiên, toán diệt tăng do Trung Tá Schungel hối hả thành lập vẫn tìm đủ mọi cách để đánh chiến xa. Họ đã xử dụng gần hết hỏa tiễn LAW nhưng vô hiệu. Hai chiến xa địch vẫn ngang nhiên càn quét khu vực ĐĐ 104, dùng đại bác trực xạ phá hủy hết công sự này đến vị trí chiến đấu khác. Nhiều DSCĐ chết ngay tại vị trí phòng thủ của mình. Thấy tình hình quá nguy ngập vì chiến xa địch sắp xâm nhập khu trung tâm, Trung Sĩ Fragos vơ vội 4 hỏa tiễn LAW còn sót lại, đưa 2 trái cho Trung Tá Schungel, còn mình giữ 2 quả lủi vào hầm súng cối 81 ly để tới gần mục tiêu hơn. Fragos đưa một trái hỏa tiễn lên vai, giật chốt an toàn, nhằm thật kỹ vào chiến xa gần nhất, chỉ cách chừng 75 mét rồi bấm cò, có tiếng "click" đập vào kim hỏa nhưng hỏa tiễn không phát nổ. Liệng chiếc hỏa tiễn thối qua một bên, anh luôn bắn trái thứ nhì, nhưng quá ngắn, trật mục tiêu. Bò lại phía sau, anh thấy Trung Tá Schungel đang loay hoay rút chốt an toàn của một trái Law nhưng bị kẹt. Những người khác trong toán diệt tăng cũng đã bắn ít nhất 5 hỏa tiễn LAW nhưng vẫn không chặn được chiến xa. Trung Tá Schungel với tay lấy trái LAW còn lại, nhắm thật kỹ và khai hỏa, bắn trúng chiếc chiến xa dẫn đầu. Một khối lửa màu cam bốc lên, nhưng chiến xa địch hầu như không hề hấn gì, vẫn sấn tới. Thất vọng, toán diệt tăng tìm đủ mọi cách để chận 2 chiến xa đang làm mưa làm gió tại khu ĐĐ 104, nếu không, chẳng bao lâu nữa chúng sẽ tràn vào khu phòng thủ trung ương. Họ toan dùng cả mìn, chất nổ plastic, nhưng chưa kịp lấy thì hầm đạn đã bị phát nổ. Lúc đó là khoảng 4:30 sáng ngày 7/2.
Trong khi đó, chiếc chiến xa thứ 2 thấy chiếc đi đầu tuy bị trúng nhiều đạn và hỏa tiễn nhưng vẫn không hề hấn gì nên lấn tới hầu như gần sát hàng rào sau của khu vực ĐĐ 104, chỉ còn cách hầm phòng thủ chừng 100 thước. Chiến xa địch vừa di chuyển, vừa dùng thượng liên càn quét quanh trại. Trung Sĩ Tirach đang ở hầm súng cối 4"2 gần đó vơ vội một trái LAW, dùng thế bắn qùi, tựa lên thành bao cát xung quanh, nhắm vào chiến xa và khai hoả. Nhưng LAW này lại bị thối. Dù quân phòng thủ đã tìm đủ cách, kể cả ném lựu đạn dưới xích sắt và trèo cả lên chiến xa để cố diệt, nhưng vẫn không phá hủy được chúng. Chiến xa địch đã tràn vào gần khu trung ương, quân trú phòng sắp sửa bị tràn ngập.
Trong lúc nguy hiểm đó, Trung Sĩ Tiếp thuộc toán thông dịch viên đang chiến đấu tại ổ đại liên 50 trên nóc phòng ngủ chợt phát hiện hiện một chiến xa di chuyển trên đường số 9 về hướng Tây. Đây là một trong 2 chiếc tấn công vào vị trí của ĐĐ 101. Vì khẩu đại bác 106 ly không giật trấn giữ mặt đường Bắc (đường số 9) không có xạ thủ và khẩu còn lại đã bị phá hủy nên Trung Úy Wilkins CHP trại mang 2 hỏa tiễn LAW tìm vị trí thích hợp để bắn. Vừa lúc đó, chiếc chiến xa ngừng ngang nhà ngủ. Trung Úy Wilkins đưa hỏa tiễn LAW lên vai tính bắn thì có người Việt Nam la lên "CIDG, CIDG". Trung Úy Wilkins ngưng lại, nghĩ rằng chiếc chiến xa này đã bị toán DSCĐ bắt sống. Nhưng chiếc chiến xa lại bắt đầu di chuyển vừa lúc Trung Úy Wilkins chợt nhận ra rằng DSCĐ không được huấn luyện về chiến xa, nên bắn LAW vào đầu chiến xa. Không bị hư hại, chiến xa tạm ngưng để tìm người bắn, nhưng sau đó lại di chuyển. Trung Úy Wilkins bắn trái thứ nhì, nhưng không nổ. Lấy thêm hỏa tiễn LAW, Trung Úy Wilkins theo chiếc chiến xa tới khu ĐĐ 102 xa hơn về phía Tây, bắn trúng nhiều lần nhưng vẫn không phá hủy được. Nhiều DSCĐ bắn M-79, ném lựu đạn và trèo lên cả chiến xa để cố ném lựu đạn vào trong, nhưng chiến xa vẫn di chuyển không hề hấn gì.
Trong lúc trại Lang Vei bị vây hãm ngặt nghèo, thì toán quân Lào và 6 cố vấn Hoa Kỳ tại khu trại cũ chỉ cách chừng 1 cây số lại không bị tấn công, có lẽ vì Cộng quân không biết có quân đóng tại đó. Các quân nhân HK tại trại Làng Vei cũ theo dõi trận đánh qua máy truyền tin và tìm cách tiếp cứu đồng bạn. Hồi 1 giờ 30 sáng, họ thuyết phục mãi mới được quân Lào bắn 81 ly chiếu sáng để yểm trợ vì họ thấy rõ 2 chiến xa địch trên đường số 9 đang bắn đại bác vào khu vực ĐĐ 101. Các cố vấn yêu cầu Trung Tá Soulang cấp 50 quân Lào để họ đánh bọc hậu các chiến xa, nhưng bị từ chối, nói phải chờ trời sáng.
Khoảng 2 giờ 45 sáng, một trong 4 chiến xa sau khi tràn ngập mặt Tây của trại, bắt đầu phá hàng rào phòng thủ thuộc khu trung ương. Thiếu Úy Thomas E. Todd, một sĩ quan Công Binh mới tới Làng Vei vào chiều 5/2 với nhiệm vụ tu bổ những công sự bị hư hại vì pháo kích, trông thấy chiến xa này từ nơi đang ẩn trú là hầm bệnh xá, dùng lựu đạn để cố ngăn chặn, nhưng vô hiệu. Chiến xa xoay nòng đại bác, trực xạ vào cửa trước bệnh xá. Một chiến xa khác có khoảng 50 quân tùng thiết, bắn vào cửa sau. Thiếu Úy Todd may mắn chỉ bị thương nhẹ, trốn trong hầm cho tới sáng.
Lúc đó, khu vực ĐĐ 104 chỉ cách hầm chỉ huy một khoảng ngắn đã hoàn toàn bị chiến xa tràn ngập. Thiết giáp địch tiến vào khu trung tâm, trên đường đi cán xập những ụ súng và công sự phòng thủ. Như vậy, khu trung tâm bị chiến xa địch đe dọa cả từ 2 mặt Đông và Tây. Tuy nhiên quân trú phòng vẫn kháng cự dữ dội. Trung Úy Qúy và toán diệt tăng của Trung Tá Schungel vẫn cố dùng LAW chống trả. Toán diệt tăng này bố trí ngoài cửa Đông của hầm phòng thủ, nấp đàng sau 2 hàng thùng phuy nhồi đất và đá, môt số khác vào hầm chỉ huy để kiếm thêm LAW, số còn lại dùng súng cá nhân bắn vào quân tùng thiết. Một hỏa tiễn LAW bắn trúng chiến xa đang tiến từ khu ĐĐ 104 nhưng không phá hủy được, chỉ làm chiến xa bất động. Chiến xa quay súng bắn vào cửa Đông hầm chỉ huy với khoảng cách chỉ chừng vài chục thước khiến phần lớn toán diệt tăng đều bị thương, một số chạy vào hầm chỉ huy, báo cáo toán diệt tăng, kể cả Trung Tá Schungel đã bị tử thương. Địch quân mang súng AK-47 tràn tới nhưng bị Trung Úy Qúy, người duy nhất không bị thương, dùng súng cá nhân bắn xả vào địch quân tiêu diệt nhiều tên khiến chúng phải bỏ chạy. Riêng Trung Tá Schungel cũng chỉ bị thương vào đùi, khi tỉnh lại bàn tính kế hoạch thoát thân. Trung Úy Wilkins đề nghị chạy vào hầm chỉ huy, nhưng Trung Tá Schungel cho rằng ở bên ngoài có nhiều hy vọng hơn. Trung Úy Qúy đề nghị rời khỏi khu vực hầm chỉ huy, cả 2 sĩ quan HK đồng ý. Trung Úy Qúy di chuyển về hướng phòng ngủ, những người khác toan chạy theo nhưng bị 2 chiến xa từ hướng Tây trờ tới ngăn cản. Chiếc dẫn đầu bắn xập đài quan sát trên nắp hầm chỉ huy khiến 2 quân nhân HK bị thương, phải lui vào hầm. Toán diệt tăng dùng lựu đạn và mấy trái LAW cuối cùng bắn vào phía sau của chiến xa dẫn đầu. Khói và lửa bốc ra, nắp mở ra, nhưng không có ai chạy thoát ra ngoài. Chiến xa theo sau, tuy chỉ bị đứt xích, nhưng thấy chiếc đi đầu bị bắn cháy, hoảng sợ mở nắp nhảy ra nhưng bị tiêu diệt ngay tại chỗ. Lúc này, bộ binh địch đã theo chiến xa tràn ngập căn cứ. Trung Úy Wilkins kêu xuống hầm chỉ huy cho biết họ sẽ vào hầm, nhưng Trung Tá Schungel quyết định theo chân Trung Úy Qúy trú ẩn tại khu phòng ngủ. Lúc đó là 2 giờ 30 sáng.
Tuy chiến xa và bộ binh địch hầu như đã chiếm được trại, nhưng một số quân trú phòng, gồm trại trưởng là Trung Úy Quân, cố vấn trưởng là Đại Úy Willoughby cùng một số DSCĐ khoảng một trung đội vẫn cố thủ trong hầm chỉ huy đã bị chiến xa địch bắn bít cả 2 cửa. Sau khi toán Trung Úy Qúy rời khu vực, một chiến xa địch xông ngay lên nóc hầm chỉ huy, chạy tới chạy lui để cố đè sập, nhưng may mắn, hầm được xây cất kiên cố nên không bị hề hấn. Bộ binh địch bắt đầu bắn và ném lựu đạn bậc thang dẫn vào hầm chỉ huy. Mọi người bị kẹt trong hầm không liên lạc được với bên ngoài, nghĩ rằng những đồng đội bên trên đã bị chết hết nên tắt hết đèn đuốc, nhưng vẫn ghìm súng chờ địch. Tuy nhiên, địch vẫn không giám xâm nhập, chỉ đứng bên ngoài đe dọa.
Thật sự, trên mặt đất vẫn còn nhiều ổ kháng cự. Khẩu đại liên 50 trên nóc phòng ngủ nhả đạn xuyên phá vào chiến xa trên nóc hầm chỉ huy, nhưng chỉ ít lâu sau, chiến xa dùng thượng liên bắn lại, quân phòng thủ phải rời bỏ vị trí trống trải. Khoảng chừng 50 DSCĐ và 2 quân nhân HK vượt được hàng rào kẽm gai thoát ra ngoài, lẩn vào một bụi tre cách đó chừng 100 thước. Họ nấp tại đó cho tới khi bị một trái bom bi thả lầm mới di chuyển tới một khe suối cạn để ẩn núp. Trong trại vẫn còn nhiều tiếng súng nổ hòa lẫn với tiếng máy chiến xa gầm rú cũng như đạn pháo binh và bom. Tuy bị chiến xa và bộ binh địch tràn ngập, trại vẫn còn chiến đấu.
Khoảng 3 giờ 30 sáng, một toán 5 tên địch vào lục soát khu phòng ngủ, nơi Trung Tá Schungel và Trung Úy Wilkins đang ẩn trốn sau quầy rượu. Họ chỉ còn một khẩu M-16 và mấy trái lựu đạn để tự vệ. Ba tên địch mang AK-47 và 2 tên mang chất nổ vừa đi vừa nói chuyện. Khi chỉ còn cách khoảng 5 thước, Trung Tá Schungel bắn hạ cả 5 với một băng đạn. Liền sau đó, địch liệng chất nổ vào phòng khiến Trung Tá Schungel lại bị thương ở bắp chân phải. Cả 2 liền bỏ chạy sang khu bệnh xá cách khoảng 100 thước về hướng Tây và ẩn nấp.
Trong lúc trận đánh diễn ra dữ dội, thượng cấp vẫn chưa quyết định dứt khoát về việc gửi quân tiếp cứu. Chỉ ít lâu sau khi bị tấn công, trại đã liên lạc Trung Đoàn 26 TQLC/HK tại Khe Sanh gửi 2 đại đội quân tăng viện như kế hoạch dự trù, nhưng bị từ chối. Đến 3 giờ 30 sáng, trại lại yêu cầu cứu viện khẩn cấp. BCH-C/LLĐB tại Đà Nẵng can thiệp nhưng cũng bị từ chối. TQLC cho rằng tăng viện vào lúc này rất nguy hiểm vì tuy chỉ cách nhau trên 10 cây số, đi đường bộ chắc chắn sẽ bị phục kích, còn trực thăng vận sẽ gặp trở ngại vì trời tối và nhất là có chiến xa địch. Trong khi thượng cấp tại BCH/LLĐB tại Nha Trang, SĐ3/TQLC, và ngay cả MACV tại Sài Gòn bàn luận về việc tăng viện, BCH-C tại Đà Nẵng chuẩn bị 1 ĐĐ Mike Force và một ĐĐ khác tại vùng 1 cũng sẵn sàng tiếp cứu khi có trực thăng.
Tới 3 giờ 20, trại không còn liên lạc được với Đà Nẵng vì ăng ten tầm xa bị phá hủy, chỉ còn liên lạc được với Khe Sanh và phi cơ bao vùng. Địch hầu như làm chủ trên mặt đất, hiện tập trung nỗ lực tiêu diệt hầm chỉ huy. Tới 4 giờ 30, thấy bắn phá mãi nhưng vẫn không lọt được vào hầm chỉ huy, địch bắt đầu đào hang song song với tường bê tông ngầm dưới đất, thỉnh thoảng lại ném lựu đạn vào hầm qua nhưng bậc thang nhưng không gây thiệt hại.
Tới 6 giờ sáng, địch ném lựu đạn lửa vào hầm khiến giấy tờ trong đó phát hỏa làm mọi người phải nằm sát đất để khỏi bị ngạt thở. Tiếp theo địch ném lựu đạn miểng và dùng cả hơi cay. Địch cũng kêu gọi đầu hàng. Một số DSCĐ không chịu nổi hơi ngạt trèo lên khỏi hầm, bị địch bắt và nghe nói sau đó bị bắn chết tại chỗ. Khoảng 6 giờ 30 sáng, địch đã đào hầm khá sâu và đặt chất nổ khiến một mảng tường bị sập, nhiều người trong hầm bị thương nhưng địch vẫn không giám xông vào, chỉ thỉnh thoảng liệng lựu đạn.
BCH trại bị vây hãm trong hầm chỉ huy, nên không biết những người bên ngoài đang tìm cách cứu họ. Một số quân nhân LLĐB tại trại Lang Vei cũ đã yêu cầu quân Lào trợ giúp vào hừng sáng. Lực lượng này do Trung Sĩ Ashley cầm đầu.
Khi trời vừa rạng sáng, toán này cùng với chừng 100 quân Lào tiến về Trại Làng Vei để tiếp cứu những người sống sót và chiếm lại trại nếu có thể. Vừa len lỏi qua các lùm cây, họ vừa cố liên lạc với hầm chỉ huy để thông báo ý định này, đồng thời yêu cầu phi cơ oanh kích dọn đường. Khi tới khu vực ĐĐ 101 sát đường số 9, toán tiếp cứụ thấy một nhóm người vẫy tay từ những công sự phòng thủ thuộc khu ĐĐ 104, chỉ cách chừng 100 thước, nhưng khi yêu cầu toán này buông vũ khí và bước ra khỏi công sự nhưng họ vẫn tiếp tục vẫy tay, không làm theo lời yêu cầu. Nghi ngờ bị địch gài bẫy, họ ngừng lại và nằm sát đất vừa đúng lúc bị hai khẩu đại liên địch bắn chéo cánh sẻ, đồng thời bị pháo nặng bằng súng cối. Một số quân Lào bỏ chạy. Bị địch bắn quá gắt, cả toán phải lùi lại về hướng Bắc trên đường số 9 sát khu vực ĐĐ 101, đồng thời thông báo họ phải rút lui vì hỏa lực địch quá mạnh, yêu cầu phi cơ oanh kích mục tiêu có địch, sau đó sẽ lại tiến vào. Lúc đó là 8 giờ sáng.
Trong hầm chỉ huy, mọi người theo dõi toán diễn tiến tiếp cứu tràn trề hy vọng. Họ nghe rõ tiếng súng đôi bên cũng như tiếng bom đạn phi cơ, nhưng phải nằm im giả bộ chết để tránh sự lùng kiếm của địch. Rất may, địch chị thỉnh thoảng ném lựu đạn qua lỗ tường xập, nhưng không gây tổn thất đáng kể. Ngoài hầm chỉ huy, Trung Tá Schungel và Trung Úy Wilkins ẩn nấp suốt đêm trong khu bệnh xá, không bị địch phát hiện. Tuy trời đã sáng nhưng cả hai vẫn chưa rời khu ẩn nấp vì súng vẫn còn nổ quanh trại. Tới 9 giờ 30 sáng, khi phi cơ do Ashley kêu ngưng oanh tạc, cả 2 mới rời bệnh xá chạy về hướng Đông, thấy 2 xác chiến xa địch ngay sát bệnh xá về hướng Tây, có lẽ bị phi cơ đánh cháy. Họ vẫy tay ra hiệu cho phi cơ quan sát trên trời, phi cơ lắc cánh đáp nhận. Vì không còn thấy ai, nên cho rằng họ là người duy nhất sống sót. Khi tới khu vực Tr.Đ 1 TS, họ thấy môt xe truck, cố gắng nổ máy nhưng không được. Lúc đó, một DSCĐ trong hầm bên cạnh kêu họ vào hầm trú ẩn. Cả 2 chạy vào nhưng một loạt đạn làm Trung Tá Schungel bị thương lần thứ 3 ở đùi phải. Trong khi đó, toán trốn thoát trong đêm nằm ở phía Bắc trại di chuyển về hướng trại Làng Vei cũ khi trời vừa hừng sáng. Trông thấy toán tiếp cứu tiến về phía trại, họ xông ra vẫy tay, nhưng khi tới gần thấy nhiều người Lào mang súng AK, họ tưởng là địch quân, nhưng khi thấy Trung Sĩ Ashley, họ mừng biết là gặp bạn. Tất cả nhập thành một toán, sẵn sàng trở lại trại lần thứ nhì.
Lần này, toán lại bị địch quân dùng súng cối pháo kích dữ dội chặn đường, nhưng vẫn xông vào, vừa chạy vừa bắn và ném lựu đạn. Nhưng khi tới gần các công sự địch chỉ còn cách chừng 25 thước, lính Lào bỏ chạy khiến tất cả phải lùi lại. Ashley lại kêu phi cơ oanh kích. Lúc đó toán nhìn thấy Trung Tá Schungel và Trung Úy Wilkins đang được DSCĐ dìu đi, cách khoảng 500 thước, họ chạy lại tiếp cức và tất cả tụ tập tại địa điểm cách Làng Vei cũ chừng 500 thước về phía Tây, ngay sát QL 9. Khi phi cơ oanh tạc xong, toán lại tấn công lần thứ ba, nhưng lần này một số lính Lào bỏ cuộc nên lực lượng chỉ còn lại chừng phân nửa, một số ở lại bắn súng cối 60 yểm trợ. Khi tới gần trại, địch từ những công sự chiếm được bắn ra mãnh liệt, chúng còn dùng cả lựu đạn khiến cả toán phải ngừng lại không tiến được nữa. Lần vào trại thứ ba này cũng bị thất bại.
Quyết định tấn công lần thứ tư, toán tiếp cứu yêu cầu phi cơ oanh kích vào các công sự địch, sau đó chuyển dần hỏa lực về hướng Tây trong lúc toán tấn công, đồng thời, họ lấy thêm một khẩu 57 ly không giật từ trại để phá các công sự địch. Với sự yểm trợ có kế hoạch và hữu hiệu của phi cơ, toán dùng súng không giật bắn sập 2 vị trí có hỏa lực địch mạnh nhất nên thanh toán được các công sự này. Khi tới được ụ súng cối 81 ly cách hầm chỉ huy không bao xa, Ashley bị trúng đạn vào ngực ngã qụy. Cuộc tấn công lại thất bại một lần nữa, cả toán lui về điểm tập trung. Ashley được một xe jeep cứu cấp đưa về trại cũ, nhưng vừa tới nơi, một trái đạn pháo kích rơi ngay gần xe khiến anh bị tử thương. Lúc đó khoảng 11 giờ 10 sáng ngày 7 tháng 2.
Lúc đó trời đã sáng, Đà Nẵng vẫn còn chưa quyết định dứt khoát về việc tiếp viện. Tướng Westmoreland có mặt tại đó ra lệnh cho TQLC cung cấp trực thăng để đưa một toán Mike Force tới chiến trường cứu những người sống sót. Tuy chưa có báo cáo chính thức, nhưng Trại Làng Vei coi như đã bị địch chiếm.
Tại khu vực hầm chỉ huy, địch thỉnh thoảng vẫn ném lựu đạn và bắn vào. Những người sống sót vẫn theo dõi cuộc tiếp cứu qua máy truyền tin và nghe được cả tiếng súng. Nhưng khi cuộc tiếp cứu thứ tư thất bại, họ cho rằng không còn ai tiếp cứu nữa nên quyết định xông ra ngoài. Họ yêu cầu phi cơ oanh tạc tối đa trước khi phá vòng vây, sau đó chỉ nhào xuống mà không bắn phá để địch quân sợ nằm sát đất khi họ thực sự rời hầm. Đến khoảng 4 giờ chiều ngày 7 tháng 2, cả toán xông ra, may mắn chỉ bị cản trở yếu ớt. Họ chạy ra được bên ngoài trại, gặp Trung Úy Qúy lái một xe jeep vượt vòng vây đón đưa về trại cũ. Sau đó, họ gọi phi cơ oanh tạc phá hủy trại.
Trận đánh tại Làng Vei coi như chấm dứt. Trong số gần 500 DSCĐ và Mike Force, có khoảng 200 bị chết hay mất tích và 70 bị thương. Về phía HK, trong số 24 người, có 10 chết hay mất tích, đa số còn lại đều bị thương. Sau đó, tất cả nhưng người sống sót và cả quân Lào cùng gia đình, tổng cộng khoảng 6,000 di chuyển về Căn Cứ Khe Sanh. Tại đây, ngoại trừ các quân nhân HK, tất cả đề bị TQLC tước khi giới và bị bỏ ngoài căn cứ vì sợ địch quân trà trộn. Nhiều người dự đoán sau khi chiếm Trại Lang Vei, địch sẽ đánh Khe Sanh nhưng điều này không xảy ra.
Sau đây là tổng kết thiệt hại đôi bên:
Phía Ðồng Minh
ÐƠN VỊ | QUÂN SỐ | BỊ THƯƠNG | CHẾT/MẤT TÍCH |
LLÐB/Việt Nam | 14 | 3 | 5 |
LLÐB/Hoa Kỳ | 24 | 13 | 10 |
Dân Sự Chiến Ðấu | 282 | 29 | 165 |
Mike Forceu | 196 | 32 | 34 |
Thông Dịch Viên | 6 | 0 | 5 |
TỔNG CỘNG | 522 | 77 | 219 |
Phía Việt Cộng
Ước lượng 250 chết, số bị thương không rõ, 7 chiến xa bị phá hủy tại chỗ, 2 chiếc khác có thể bị phi cơ truy kích bắn hạ nhưng không được xác nhận bằng mắt thường.
Phóng Ðồ Chiến Dịch Ðường Số 9 Của Việt Cộng
GHI CHÚ
Ðây là phóng đồ của Việt Cộng mang tên Chiến Dịch Ðường 9 Khe Sanh - Xuân Hè 1968. Vì hình vẽ nguyên thủy khá lớn, nhưng nét chữ viết tay quá nhỏ, lại không rõ ràng nên rất khó theo dõi. Ðể giúp độc giả download nhanh nhưng vẫn dễ dàng nhận ra những chi tiết quan trọng, chúng tôi đã thâu nhỏ tấm bản đồ, tô thêm màu sắc và xử dụng kỹ thuật Java Script để thực hiện tấm phóng đồ "inter-active" này. Mỗi khi qúi vị di chuyển "đầu chuột" (mouse cursor, và cũng được gọi là "mũi chuột") trên hình vẽ, một window tương ứng khác sẽ hiện ra với các chi tiết được phóng lớn. Chúng tôi thành thật cám ơn Webmaster Phạm Cường Lễ của Website Việt Nam Chiến Tranh & Lịch Sử đã giúp phần kỹ thuật Java Map này.
|
Các đơn vị VC tham chiến tại vùng Khe Sanh đều thuộc Bộ Tư Lệnh Mặt Trận Ðường Số 9 do Thiếu Tướng Trần Qúy Hai làm Tư Lệnh và Ðại Tá Lê Quang Ðạo làm Chính Ủy Kiêm Bí Thư Ðảng Ủy. Bộ Tư Lệnh (BTL) này được gấp rút thành lập vào ngày 6 tháng 12 năm 1967 nhằm cô lập và ngăn chặn những hoạt động của quân Ðồng Minh tại vùng này. Các đơn vị trực thuộc gồm bốn sư đoàn 304, 320, 324 và 325. Ngoài ra, còn có Trung Ðoàn Bộ Binh Ðộc Lập 270, 5 Trung Ðoàn Pháo Binh, 5 Ðại Ðội Ðặc Công, Tiểu Ðoàn 198 (có tài liệu ghi 195) thuộc Trung Ðoàn Chiến Xa 202, 1 Trung Ðoàn Công Binh (+), 1 Tiểu Ðoàn Thông Tin. Quân địa phương gồm 3 Tiểu Ðoàn và 3 Ðại Ðội độc lập.
Lực lượng tham chiến trong trận Làng Vei gồm có Trung Ðoàn 24 (các Tiểu Ðoàn 4, 5 và 6) thuộc Sư Ðoàn 304 được tăng cường thêm một Tiểu Ðoàn thuộc Sư Ðoàn 325, 1 Tiểu Ðoàn Pháo và 2 Ðại Ðội gồm 16 chiến xa PT-76 thuộc Tiểu Ðoàn 198. Trung Ðoàn 66 thuộc Sư Ðoàn 304 gồm các Tiểu Ðoàn 6, 7 và 8 đã bị thiệt hại nặng trong những trận đánh trước đây, quân số tổng cộng chỉ còn chừng 1,000 người, giữ nhiệm vụ yểm trợ và phục kích trên đường số 9. Ðể che giấu sự di chuyển, các chiến xa VC đã lội một khúc sông Sépone sát biên giới rồi ẩn nấp tại một vùng cỏ tranh cách trại Làng Vei chừng 4, 5 cây số về hướng Nam. Tài liệu VC còn cho biết các cấp chỉ huy VC đã mắc phải lỗi lầm chiến thuật căn bản là các chiến xa đã tiến và rút cùng một đường nên 8 chiếc đã bị phi cơ truy kích bắn hạ khiến "nhiều lính chiến xa bị chết khi nụ cười chiến thắng chưa kịp tắt trên môi". Số chiến xa bị bắn hạ này (8) tương đương với con số do Ðồng Minh báo cáo (9), nhưng thật sự đa số bị súng 106 ly không giật và hỏa tiễn LAW bắn hạ ngay trong trại Làng Vei, chỉ có một số nhỏ (2 chiếc) bị phi cơ phá hủy. Rút kinh nghiệm "thiếu bộ binh tùng thiết" trong trận đánh tại Làng Vei, sau này Trung Ðoàn chiến xa 202 được tăng cường thêm 2 Tiểu Ðoàn bộ binh để trở thành Trung Ðoàn Bộ Binh Cơ Giới.