(Bài 2/6)- Trần Ðỗ Cẩm biên khảo

(Austin Texas, mùa Thu 1998)




Email: camtran11@yahoo.com

1. Khu Trục Hạm Maddox vào vịnh Bắc Việt

Hạm Trưởng KHT Maddox là HQ Trung Tá Herbert Ogier nhưng HQ Ðại Tá John Herrick, Chỉ Huy Trưởng Phân Ðoàn KTH 192 là Chỉ Huy Trưởng công tác DeSoto . Tuy trọng tâm của cuộc tuần tiễu là thám sát bờ biển Việt Nam, nhưng HQ Hoa Kỳ cũng muốn tiện dịp thăm dò thêm khả năng phòng duyên của Trung Cộng nhưng tương đối dè dặt hơn. Chiến hạm Maddox chỉ được chạy cách bờ biển TC không dưới 15 hải lý và cách các đảo không dưới 12 hải lý. Sau khi đi hết trục tuần tiễu ấn định dọc bờ biển VN từ vĩ tuyến 17 đến biên giớ Hoa Việt vùng Móng Cáy, Hải Phòng, KTH Maddox sẽ tạt xa hơn về phía Ðông để tiến gần về phía đảo Hải Nam của Trung Cộng. Mục đích là để thăm dò sự liên hệ duyên phòng hỗ tương giữa Việt Cộng và Trung Cộng xem đôi bên có trao đổi hay "bàn giao" nhau những tin tức tình báo hay không.

2. Trung Tâm kiểm thính lưu động

Một trong những nhiệm vụ chính của chiến hạm Maddox là "nghe lén" những công điện truyền tin của Bắc Việt, nhất là những liên lạc dính dáng tới việc điều động duyên phòng. Nếu định được vị trí của những trung tâm truyền tin và nội dung của các công điện trao đổi giữa Bộ Chỉ Huy và các tầu tuần tiễu, Hoa Kỳ có thể biết rõ khả năng duyên phòng của Bắc Việt.

Tuy nhiên, không hẳn chỉ có các chiến hạm DeSoto mới có khả năng kiểm thính. Trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam, Hoa Kỳ có nhiều căn cứ chuyên xâm nhập hệ thống truyền tin của Bắc Việt để "nghe lén". Một trong những căn cứ này là Trung Tâm Truyền Tin Hải Quân đặt tại San Miguel bên Phi Luật Tân. Một căn cứ phụ nhỏ hơn đặt tại Phú Bài, gần Huế. Ngoài ra, còn có những đơn vị kiểm thính lưu động dùng phi cơ C-130 cất cánh từ Thái Lan bay dọc theo bờ biển Bắc Việt.

Phương tiện kiểm thính lưu động dùng trong các cuộc tuần tiễu DeSoto của Hải Quân được gọi là "communications van" hay "com van". Ðây là một phòng kín lớn bằng sắt, tương tự như những thùng "connex" chở hàng, trong đó có trang bị nhiều dụng cụ truyền tin điện tử đặc biệt.

Trước khi khởi hành sang Việt Nam, một "com van" được chuyển từ KTH MacKenzie sang KTH Maddox tại Keelung. KTH MacKenzie lúc đó vừa hoàn tất một chuyến công tác DeSoto tại vùng biển Nhật Bản vào giữa tháng 7/64. Nhân viên truyền tin lo việc kiểm thính trên KTH Maddox được qui tụ từ San Miguel, Nhật và Hawai, tổng cộng chừng 15 người, do Ðại Úy Gerrel Moore, phụ tá Sĩ Quan Truyền Tin tại căn cứ Hải Không Quân Shu Lin Kou ở Ðài Loan chỉ huy. Nhóm kiểm thính này được chia làm 2 toán, mỗi toán thay phiên nhau làm việc mỗi 12 giờ. Trong phòng làm việc có 3 máy thâu thanh để kiểm thính. Một máy thâu thanh VHF (Very High Frequency) có gắn máy thâu băng để nghe những liên lạc âm thoại ngắn tầm, thường là giữa các tầu bè. Lúc đó, các chiến đĩnh hải quân Bắc Việt xử dụng máy truyền tin loại P-609 của Nga Sô trên tần số từ 100 đến 150 megahezts với tầm hoạt động chỉ chừng vài ba hải lý, sau này mới dùng máy truyền tin tương đối khá hơn là loại P-108. Nhân viên kiểm thính Hoa Kỳ biết ít nhiều tiếng Việt nhưng không rành rẽ lắm. Ngoài ra, còn có 2 máy thâu thanh loại HF (High Frequency) dùng để kiểm thính các liên lạc tầm xa dùng ký hiệu Morse. Những máy HF không có máy ghi âm. Ngoài toán kiểm thính, trên chiến hạm Maddox chỉ có 4 người được quyền coi những công điện bắt được: đó là Ðại Tá Herrick và sĩ quan phụ tá, Trung Tá Ogier và Hạm Phó KTH Maddox.

Ðiều đáng để ý là khả năng "nghe lén" của phòng kiểm thính lưu động này rất giới hạn so với các trung tâm San Miguel và Phú Bài. Vì với 3 máy thâu, KTH Maddox chỉ túc trực được trên 3 tần số khác nhau trong khi các trung tâm kia có nhiều máy nên bắt được hầu hết các công điện của hải quân Bắc Việt. Có lẽ lợi điểm duy nhất của KTH Maddox là có thể nghe được những liên lạc âm thoại ngắn tầm trên tần số VHF.

Trong buổi thuyết trình sau cùng vào ngày 27 tháng 7 tại Ðài Loan trước khi khởi hành cuộc tuần tiễu, các sĩ quan của KTH Maddox được thông báo có lẽ chiến hạm sẽ không gặp sự chống đối nào trong lúc thi hành nhiệm vụ tại vịnh Bắc Việt. Ðể khỏi bị mang tiếng là "gây hấn", Ðại Tá Herrick cẩn thận ra lệnh cho các ổ súng trên chiến hạm đều giữ vị thế nằm ngang, không nhắm vào bất cứ mục tiêu nào trên biển cũng như trên không nếu chưa được lệnh. Trong trường hợp chiến hạm bị tấn công, phi cơ từ mẫu hạm Ticonderoga nằm tại vị trí Yankee ngoài khơi Ðà Nẵng sẽ tới yểm trợ.

3. Vấn đề giờ giấc xử dụng trong Hải Quân

Chiến hạm Maddox hoạt động trong vịnh Bắc Việt nhưng các cơ quan báo cáo liên hệ lại ở tại Sài Gòn, Subic, Hawai và Washington v.v... đều nằm trên những múi giờ khác nhau nên việc qui định giờ giấc chính xác khi các biến cố xảy ra trở nên rắc rối và khó phân biệt. Vì vậy, cần nói rõ sự khác biệt về vấn đề giờ giấc để việc theo dõi các hoạt động của chiến hạm Maddox tại vịnh Bắc Việt được dễ dàng, hợp lý và thứ tự.

Lãnh thổ Việt Nam nằm trong khoảng từ kinh độ 104 đến 110 độ Ðông nên thuộc cả hai múi giờ G (Golfe - kinh độ 90 đến 105 Ðông) và H (Hotel - kinh độ 105 đến 120 Ðông). Trước đây vào thời Pháp thuộc, Việt Nam chọn giờ G, tức là trước giờ Quốc Tế (còn gọi là giờ GMT - Greenwich Mean Time - hay giờ Zulu) 7 tiếng đồng hồ, nhưng dưới trào Tổng Thống Ngô Ðình Diệm lại đổi sang giờ Hotel, tức là trước giờ Zulu 8 tiếng đồng hồ. Bắc Việt vẫn dùng giờ G nên miền chỉ riêng giữa miền Nam và miền Bắc Việt Nam giờ giấc đã khác biệt nhau 1 tiếng đồng hồ

Giờ dùng trong bài viết này là giờ quân sự, mỗi ngày 24 giờ, kèm theo "múi giờ" theo đúng qui ước giờ giấc hải quân quốc tế. Thí dụ 1430H có nghĩa là 2 giờ 30 chiều, múi giờ Hotel tức là giờ miền Nam Việt Nam. Giờ Hotel còn được gọi là giờ -8 vì muốn đổi sang giờ Quốc Tế, ta phải - 8 tiếng đồng hồ. Việc xác định múi giờ rất quan trọng nhất là đối với các chiến hạm hoạt động trên khắp thế giới. Các chiến hạm Hoa Kỳ khi hoạt động tại Việt Nam đều đổi đồng hồ sang giờ Hotel, tức là giờ của miền Nam Việt Nam. Giờ Hoa Thịnh Ðốn EDT (Eastern Daylight Time) cách giờ Hotel -12 tiếng đồng hồ. Như vậy, 1430H (giờ Việt Nam) tức là 1430 - 12 = 2:30 AM EDT (giờ Hoa Thịnh Ðốn) và 1430 - 8 = 0630Z (giờ quốc tế).

Trong biến cố vịnh Bắc Việt, có nhiều chiến hạm liên quan nhưng lại đến từ các vị trí khác nhau trên thế giới nên dùng giờ giấc khác nhau. Hơn nữa, các cơ quan báo cáo như từ các chiến hạm, từ Bộ Tư Lệnh Hạm Ðội Hoa Kỳ tại Thái Bình Dương ở Hawai, từ Hoa Thịnh Ðốn v.v... cũng nằm trên những múi giờ khác nhau nên nếu không phân biệt rõ ràng, chúng ta sẽ thấy có khi nói về cùng một sự kiện nhưng giờ giấc lại sai biệt cả mấy tiếng đồng hồ!

Ðể ý thức được những rắc rối về vấn đề giờ giấc, hãy đơn cử trường hợp của vài ba chiến hạm Hoa Kỳ hoạt động trong vùng vịnh Bắc Việt lúc đó.

- Khi rời hải cảng Keelung, Ðài Loan lên đường công tác tại vịnh Bắc Việt, KTH Maddock dùng giờ India tức là giờ địa phương ờ Ðài Loan. Nên nhớ đây là múi giờ India (I) hay - 9 tức là giờ Ðài Loan chứ không phải giờ của nước ... Ấn Ðộ! (Ấn Ðộ nằm trong múi giờ Foxtrot nên dùng giờ F hay - 6).

- Sau đó, ngày 2 tháng 8 trước khi vào vịnh Bắc Việt, chiến hạm vặn đồng hồ chậm lại một tiếng cho đúng với giờ H (Hotel hay -8) là giờ miền Nam Việt Nam mà các chiến hạm Hoa Kỳ tại vị trí Yankee đang dùng.

- Tới sáng ngày 3 tháng 8, khi vào vịnh Bắc Việt chiến hạm lại vặn đồng hồ chậm lại một tiếng nữa để dùng giờ G (Golf hay - 7) là giờ Bắc Việt.

- Mẫu hạm Ticonderoga vì phối trí tại vị trí Yankee ngay cửa vào vịnh Bắc Việt nên vẫn dùng giờ Golf, mãi tới nửa đêm 4 rạng ngày 5 tháng 8 mới thêm một tiếng đồng hồ để đổi sang giờ Hotel (từ 0001G sang 0101H) tức là giờ miền Nam VIệt Nam.

- Riêng mẫu hạm Constellation tới từ Hồng Kông nên dùng giờ India cho tới chiều ngày 4 tháng 8, sau đó mới vặn đồng hồ chậm lại một tiếng để đổi sang giờ Hotel (từ 1900I sang 1800H).

4. Cuộc tuần tiễu bắt đầu

Khu Trục Hạm Maddox rời hải cảng Keelung, Ðài Loan vào ngày 27 tháng 7. Ðến sáng ngày 31, chiến hạm tới vị trí 17 độ 15 Bắc, 108 độ 29 Ðông, khoảng ngang vĩ tuyến 17 ngoài khơi Việt Nam để nhận tiếp tế nhiên liệu từ chiếc tầu dầu Astabula (AO - 51). Lúc đó, 4 PTF của Lực Lượng Hải Tuần cũng trên đường về từ chuyến công tác Hòn Mê và chạy ngang KTH Maddox lúc 0841H, cách chừng 4 hải lý. Ðiều này khiến một số người cho rằng chiến hạm Maddock đã cố ý chặn ngang vĩ tuyến 17 để đề phòng tiểu đĩnh Bắc Việt có thể đuổi theo các PTF! Nhưng trong thực tế, với vận tốc lên tới 55 knots, các PFT có thể bỏ các tiểu đĩnh Bắc Việt vận tốc chừng 35 knots lại đàng sau dễ dàng. Trong suốt 5 năm phục vụ tại LLHT với hàng trăm chuyến công tác, chúng tôi chỉ thấy tầu Bắc Việt chạy trốn vào các cửa sông hay các hải đảo, chưa từng thấy chiếc nào giám đuổi theo những PFT vừa có vận tốc cao hơn, vừa có hỏa lực mạnh hơn.

Từ buổi sáng tới xế trưa ngày 31/7, KTH Maddox tuần tiễu quanh vùng Hòn Cọp, một hải đảo thuộc Bắc Việt nằm xế về phía Bắc vĩ tuyến 17, cách bờ chừng 13 hải lý. Tới 1000H, chiến hạm rời vùng Hòn Cọp đi về phía Bắc, cách bờ từ 8 đến 20 hải lý và bắt đầu bị hệ thống phòng duyên Bắc Việt theo dõi.

Sáng ngày 1/8, KTH Maddox tới vùng Hòn Mật, một hải đảo nằm ngoài khơi thành phố Vinh. Ðến chiều tối, trung tâm kiểm thám bắt được nhiều công điện của Bắc Việt ghi rõ hải trình và vị trí của chiến hạm. Từ những chi tiết này, KTH Maddox tính ngược lại để xác định vị trí của các đài quan sát trên bờ. Tuy nhiên, đây chỉ là những công điện báo cáo theo dõi vị trí thông thường. Nhưng khi đến gần Hòn Mê ngoài cửa biển Sầm Sơn xa hơn về phía Bắc, chiến hạm bắt được một công điện ngắn khác của Bắc Việt ra lệnh cho các tiểu đĩnh duyên phòng tấn công, nhưng không nói rõ mục tiêu. Nên nhớ, lúc đó có cả các PTF và chiến hạm Maddox hoạt động trong vịng Bắc Việt, nên "mục tiêu" rất có thể là các PTF. Nhưng sau đó, một công điện khác dài hơn cho biết vị trí của mục tiêu trùng hợp với vùng KTH Maddox đang hoạt động.

Sau khi đọc nhưng công điện bắt được của Bắc Việt, Hải Ðội Trưởng Herrick biết rằng chiến hạm đang ở trong tình trạng nguy hiểm, có thể bị các tiểu đĩnh CSBV tấn công bất cứ lúc nào. Vào lúc 0336H ngày 2/8, ông ra lệnh nhiệm sở tác chiến, tăng tốc độ và đổi đường về hướng Ðông quay mũi xa hơn ra ngoài biển để tránh xa vùng nguy hiểm.

Về phía Bắc Việt, khi thấy KTH Maddock tới gần Hòn Mê là mục tiêu đã bị các chiến đĩnh của LLHT bắn phá mấy đêm trước, nên lại càng tin rằng chiến hạm này và các PFT cùng chung một toán hoạt động phối hợp và hỗ trợ nhau.

Vào thời gian này, Hải Quân Bắc Việt rất yếu kém, không có chiến hạm lớn, chỉ có một số pháo đĩnh " Swatow " cũ kỹ do Trung Cộng đóng, dài chừng chừng 25 thước, trang bị đại bác 37 ly, vận tốc tối đa 35 knots. Ngoài ra còn có một số ngư lôi đĩnh loại P-4 do Nga Sô chế tạo, dài chừng 20 thước trang bị thượng liên 14.5 ly, 2 ngư lôi đầu nổ nặng 550 pound TNT, vận tốc lên tới 50 knots, có thể tấn công chiến hạm lớn. Muốn phóng hiệu quả các như lôi này, tiểu đĩnh phải vào cách mục tiêu không quá 1000 yards. Những tiểu đĩnh P-4 này tuy nhanh nhưng vẫn chậm hơn các PTF lại trang bị vũ khí nhẹ hơn nên không phải là đối thủ của các chiến đĩnh LLHT. Ðối với chiến hạm lớn như KTH Maddox, tuy vận tốc của ngư lôi đĩnh P-4 có lợi thế hơn, nhưng muốn phóng được ngư lôi phải tới gần mục tiêu chừng 1000 yards, lúc đó có lẽ đã bị các đại bác 127 ly, 76 ly ... với tầm bắn xa 18,000 yards trên chiến hạm bắn tan.

Hồi 2220H tối 1/8, Bắc Việt ra lệnh cho 3 ngư lôi đĩnh mang số T-333, T-336 và T-339 thuộc Phân Ðội 3, Hải Ðội 135 cùng 2 chiếc Swatow mang số T-142 và T-146 rời căn cừ gần Hòn Gay sát biên giới Hoa - Việt lên đường đến phòng thủ Hòn Mê. Căn cứ này có tên là Văn Hoa (Hoa Kỳ gọi là Port Wallut) cách Hòn Mê chừng 145 hải lý về hướng Bắc.

Qua đêm 1/8 ngoài biển, sáng sớm ngày 2/8, KTH Maddox quay trở lại vùng cách hòn Hòn Mê chừng 10 hải lý. Trung tâm kiểm thám trên chiến hạm bắt được thêm nhiều báo cáo theo dõi của Bắc Việt. Tới xế trưa, chiến hạm phát hiện 5 tiểu đĩnh nói trên của Bắc Việt ở hướng Tây Nam, đang di chuyển sát bờ về phía Nam và tới Hòn Mê lúc 1322H.

(Còn tiếp)


Xem tiếp ==> Bài 1 - Bài 3 - Bài 4 - Bài 5 - Bài 6





























































































































Qúi Vị là độc giả thứ:

đã viếng thăm Nguyệt San Ðoàn Kết - Thành Thật Cám Ơn.

Free Web Hosting