(Bài 3/6)- Trần Ðỗ Cẩm biên khảo

(Austin Texas, mùa Thu 1998)




Email: camtran11@yahoo.com

V. Cuộc đụng độ lần thứ nhất (ngày 2 tháng 8)

1. Bắc Việt ra lệnh tấn công

Theo hải trình dự trù trong lệnh hành quân, trong khoảng thời gian từ 1100H tới 1900H, KTH Maddox sẽ tuần tiễu quanh vùng điểm D, nằm về phía Ðông Bắc Hòn Mê, tọa độ 19 độ 47 Bắc, 106 độ 08 Ðông. Nhưng khi phát hiện các tiểu đĩnh Bắc Việt tới phòng thủ Hòn Mê, Ðại Tá Herrick cẩn thận ra lệnh cho chiến hạm đổi đường về hướng Ðông Bắc tránh xa Hòn Mê để đề phòng bị phục kích. Theo tài liệu của Bắc Việt, lệnh tấn công được ban hành lúc 1450H. Khoảng 1530H, radar trên KTH Maddox phát hiện 3 ngư lôi đĩnh xuất phát từ Hòn Mê đi hướng Ðông Bắc đuổi theo chiến hạm với vận tốc chừng 30 knots. Nửa tiếng đồng hồ sau, chiến hạm vào nhiệm sở tác chiến và đổi đường về hướng Ðông Nam để tránh xa bờ biển Bắc Việt và tới gần hơn các chiến hạm Hoa Kỳ phối trí tại điểm Yankee.

Theo chiến thuật phóng ngư lôi, các tiểu đĩnh cần tận dụng vận tốc cao và chọn đường đi gần như chận đầu mục tiêu để có thể tới gần trong thời gian nhanh nhất hầu tránh thiệt hại vì hải pháo. Ðúng ra các tiểu đĩnh Bắc Việt phải tấn công KTH Maddox từ hướng Ðông Nam tới (hướng về phía Tây Bắc) để chận đường và ghìm mục tiêu vào sát bờ để tấn công. Nhưng khi các tiểu đĩnh Bắc Việt đi hướng Ðông Bắc tiến về KTH Maddock, chiến hạm đã đổi đường Ðông Nam đi nơi khác, vì vậy khi tới nơi, các tiểu đĩnh bị bỏ lại đàng sau và nằm về phía tây của chiến hạm nên chỉ còn cách đuối theo về hướng Ðông Nam, tức là chạy song song thay vì chận đường chiến hạm. Sau này, Hạm Trưởng Ogier cho biết:"Các tiểu đĩnh Bắc Việt bị bỏ lại phía sau vì khi bắt được công điện tấn công chiến hạm đã đổi đường. Do đó chúng chỉ còn cách đuổi theo".

Việc các tiểu đĩnh Bắc Việt thay vì "chận đầu" lại "theo đuôi" này cho thấy các tiểu đĩnh không có radar hoặc có mà không xử dụng được nên mới không biết KTH Maddox đã đổi đường. Trên giấy tờ, các ngư lôi đĩnh Bắc Việt được trang bị radar loại 253 của Nga, còn có tên là "Skinhead", trong điều kiện lý tưởng, có thể nhìn thấy mục tiêu lớn các xa chừng 15 hải lý, nghĩa là tầm xa không hơn gì mắt thường. Cột radar được chế tạo có thể hạ xuống để tránh bị phát hiện và cũng đỡ bị cản gió để tiểu đĩnh có thể đạt vận tốc tối đa khi phóng ngư lôi. Tuy tài liệu trong báo Hải Quân Việt Cộng trang 25 nhan đề "Thiếu Úy Nguyễn Văn Giản" của tác giả Hồng Thủy khoe rằng thuyền trưởng chiếc T-339 nói radar phát hiện chiến hạm Maddox trước khi nhìn thấy bằng mắt thường, nhưng đây nhiều phần chỉ là để tuyên truyền. Nếu có radar theo dõi, các tiểu đĩnh đã kịp thời đổi hướng tương ứng để chận đường mục tiêu thay vì chạy theo sau.

Khi radar phát hiện các tiểu đĩnh Bắc Việt từ Hòn Mê đuổi theo, KTH Maddox đã cách xa bờ biển chừng 16 hải lý. Chiến hạm lập tức gửi công điện cho Ðệ Thất Hạm Ðội thông báo sắp bị tấn công. Khoảng 1605H, khi các ngư lôi đĩnh còn cách chừng 10,000 yards, Hạm Trưởng Ogier ra lệnh tác xạ ba, bốn trái hải pháo chận đầu. Sau này, HÐT Herrick cho biết ông chỉ cho phép bắn cảnh cáo, không nhắm thẳng vào các tiểu đĩnh Bắc Việt và ông nhớ các quả đạn này rơi xuống phía trước và đàng sau các tiểu đĩnh. Phần Hạm Trưởng Ogier và Ðại Úy Raymod Connell cho biết họ đã nhắm thẳng vào mục tiêu. Tuy bị bắn cảnh cáo, các ngư lôi đĩnh vẫn xông tới. Tới khoảng 1610H, khi khoảng cách còn chừng 9,000 yards, hải pháo trên chiến hạm bắt đầu bắn tiêu diệt, tổng cộng 283 quả đạn vừa 76 ly và 127 ly. Lúc đó, chiến hạm Maddox đã ra cách bờ biển Bắc Việt chừng 28 hải lý.

2. Phân Ðội 3 Ngư Lôi Ðĩnh Bắc Việt tấn công

Theo tài liệu của Bắc Việt, mỗi phân đội gồm 3 ngư lôi đĩnh. Ba tiểu đĩnh thuộc Phân Ðội 3 Hải Quân Bắc Việt do 3 anh em ruột chỉ huy. Chỉ Huy Trưởng Phân Ðội 3 tên Nguyễn Văn Bột cũng là Thuyền Trưởng chiếc T-333. Hai người em, Nguyễn Văn Tú chỉ huy chiếc T-336 và Nguyễn Văn Giản chỉ huy chiếc T-339. Ngoài ra, còn một số sĩ quan khác không thuộc Phân Ðội 3 cũng được gửi tới tăng cường như Lê Duy Khoát, Chỉ Huy Trưởng Phân Ðội 135.

Ba ngư lôi đĩnh hướng về KTH Maddox theo đội hình hàng dọc, chiếc T-333 dẫn đầu, theo sau là T-336 và T-339. Theo tài liệu kỹ thuật, mỗi tiểu đĩnh có 2 ống phóng ngư lôi nằm hai bên hông. Các ống phóng này không hướng thẳng về phía trước mà nằm xiên ra phía ngoài chừng 1 độ rưỡi so với trục chiến đĩnh để 2 ngư lôi khi phóng ra sẽ tỏa rộng khiến mục tiêu khó vận chuyển lẩn tránh. Theo chiến thuật, cả ba tiểu đĩnh đều phóng ngư lôi - tổng cộng 6 quả - cùng một lúc khi chỉ còn cách mục tiêu từ 600 - 1000 yards để hy vọng ít nhất một trái trong chùm ngư lôi sẽ trúng đích.

Nhưng lúc tiến gần mục tiêu nhưng chưa đến tầm ngư lôi, các tiểu đĩnh Bắc Việt đã bị tán loạn hàng ngũ vì hải pháo từ KHT Maddox bắn quá dữ dội . Khi chiếc T-333 dẫn đầu vào vị trí song song với KTH Maddox, hai chiếc T-336 và T-339 lại chạy quá xa phía sau mục tiêu để tránh đạn. Tiểu đĩnh T-336 hoảng hốt phóng ngư lôi trước, chiếc T-339 phóng sau khi cả 2 còn cách mục tiêu rất xa. KTH Maddox vận chuyển tránh các ngư lôi này dễ dàng vào hồi 1718 H và 1721 H. Sau khi hai chiếc T-336 và T-339 đã phóng hết ngư lôi, chiếc T-333 mới quẹo vào mục tiêu. Tên Trần Bảo, Chỉ Huy Phó Phân Ðội 135 sau này cho biết chiếc T-333 có phóng ngư lôi vào mục tiêu, nhưng thật sự, chiếc T-333 bị trúng đạn của chiến hạm Maddox khiến ít nhất một trái như lôi bị bật tung khỏi ống phóng và rơi xuống biển.

3. Hải pháo trên Khu Trục Hạm Maddox

Hỏa lực chính trên KTH Maddox gồm 3 giàn đại bác 127 ly đôi. Hai giàn trước mũi mang số 51và 52; giàn phía sau lái mang số 53. Trung sĩ Trọng Pháo Ronald Stalsberg, trưởng khẩu 51 cho biết chiếc T-333 bị ụ súng của anh bắn bất khiển dụng vì một quả đạn nổ rất gần khiến tiểu đĩnh này bị nhấc bổng rồi rơi xuống mặt nước khiến ít nhất một trái ngư lôi bị bật tung khỏi ống phóng. Sau đó ụ súng 51 chuyển xạ sang các ngư lôi đĩnh khác. Về phần KTH Maddox chỉ bị trúng một viên đạn đại liên 14.5 ly do từ ngư lôi đĩnh T-333.

Sau khi phóng ngư lôi, các tiểu đĩnh Bắc Việt bỏ chạy tan tác mỗi chiếc một ngả, một phần vì hỏa lực từ chiến hạm Maddox quá dữ dội, phần vì đã hết ngư lôi. Hai chiếc T-333 và T-336 chạy trước, trong lúc chiếc T-339 vì bị mất liên lạc với đồng bọn nên còn bám theo mục tiêu ít lâu mới chạy sau. Chiến hạm Maddox lập tức quay mũi vừa bắn vừa đuổi theo.

Hệ thống tác xạ chính gồm 3 giàn hải pháo 127 ly đôi trên KHT Maddox được chia làm 3 thành phần chính: đài kiểm xạ viễn khiển, ụ súng và phòng tiếp đạn.

Ðài kiểm xạ chịu trách nhiệm việc gióng súng với cao độ và chiều hướng thích hợp nhắm vào mục tiêu rồi chuyển lệnh cho ụ súng xử dụng loại đạn và thuốc bồi thích hợp. Với nhiều nhiệm quan trọng như vậy, một nhân viên kiểm xạ rành nghề cần thường xuyên báo trước cho toán hải pháo trong ụ súng mọi di chuyển sắp tới cũng như ngưng của ụ súng để họ đề phòng, không bị xô đẩy bất ngờ trong ụ súng đóng kín.

Toán hải pháo trong ụ súng có nhiệm vụ nạp đạn, thuốc bồi và khai hỏa.

Toán tiếp đạn chịu trách nhiệm chuyển đạn từ những hầm dưới boong chính lên ụ súng.

Nếu ba toán này phối hợp trơn tru nhịp nhàng, nhịp bắn của mỗi ụ súng có thể lên tới chừng 40 viên một phút trong thới gian đầu. Sau đó, vì số đạn chứa sẵn trong ụ súng đã tiêu thụ hết, cần phải chuyển đạn từ dưới hầm lên nên nhịp bắn chậm lại còn chừng 30 viên mỗi phút.

Hôm đó, các giàn hải pháo của KTH Maddox hoạt động không được hiệu quả đúng mức trong khi tác chiến vì nhiều lý do.

Thứ nhất, nhân viên đài kiểm xạ thiếu kinh nghiệm nên những ụ súng nhiều khi được quay hoặc ngừng quá bất chợt khiến nhân viên hải pháo không kịp đề phòng, bị té nhào trong ụ súng. Nhiều lúc, đài kiểm xạ không ngưng súng kịp thời khiến nòng súng đụng mạnh vào các rào cản nhằm chận súng không hướng về các thượng tầng kiến trúc của chiến hạm. Ngoài ra, đạn không được chuyển đến kịp thời khiến nhịp bắn bị chậm lại. Ðôi khi toán tiếp đạn cung cấp loại không thích hợp, thí dụ như cả đạn chiếu sáng và đạn mã tử cũng được chuyển đến nạp vào nòng súng. Vì những trục trặc này mà nhịp bắn của KTH Maddox chậm hơn bình thường rất nhiều. Trong khoảng 10 phút giao chiến, các ụ súng 127 ly chỉ bắn được tổng cộng 151 viên, trung bình chừng 5 viên một phút cho mỗi ụ súng hai nòng. Sau này, những cuộc điều tra cho biết lý do chính của việc tác xạ kém hiệu quả này vì KTH Maddox không đủ nhân viên theo bảng cấp số, thủy thủ đoàn lúc đó chỉ còn 212 người so với quân số lý thuyết 296 người. Vì vậy, đã có lúc nhân viên của ụ súng 52 phải bỏ nhiệm sở xuống tăng cường cho toán tiếp đạn của các ụ súng khác. Ðây là tình trạng thiếu hụt quân số chung của chung của Hải Quân Hoa Kỳ lúc đó.

4. Phi cơ Hoa Kỳ tấn công

Ngay khi các ngư lôi đĩnh BV bỏ chạy, 4 phi cơ F-8 Crusader thuộc mẫu hạm Ticonderoga do Trung Tá James Stockdale chỉ huy nhập trận. Ðể tránh trở ngại và ngộ nhận, KTH Maddox rời khỏi chiến trường, đổi đường xả hết tốc lực đi về hướng Nam, nhường mục tiêu lại cho các phi cơ thanh toán. Lúc đó 3 tiểu đĩnh BV chia làm 2 toán: hai chiếc T-333 và T-336 chạy trước, còn T-339 tụt lại phía sau. Phi cơ Hoa Kỳ do dó cũng chia làm hai toán. Hai phi cơ của Trung Tá Stockdale và Trung Úy Richard Hastings tấn công 2 tiểu đĩnh đi đầu; hai chiếc còn lại do Trung Tá R. F. Mohrhardt và Thiếu Tá C. E. Southwick tấn công chiếc T-339 chạy sau.

Các phi cơ bắn hỏa tiễn Zuni trước nhưng đều không trúng mục tiêu. Zuni loại hỏa tiễn khá lớn, đường kính chừng 4 inches, nặng khoảng 50 ký. Ngay trong đợt tấn công đầu tiên, phi công Trung Úy phi công Hastings, người kém thâm niên nhất thấy súng phòng không từ tiểu đĩnh bắn lên và cánh trái của mình bị bay mất một mảng, anh báo cáo phi cơ mình bị trúng hỏa lực phòng không của các tiểu đĩnh Bắc Việt. Nhưng thật ra, phi cơ của phi công Hastings không bị hư hại vì đạn phòng không mà vì sau khi nhào xuống để bắn rocket, anh đã hoảng hốt bay lên quá mau khiến cánh phi cơ không chịu nổi sức cản của không khí nên bị bể mất một miếng. Ðây là nhược điểm thường thấy của loại phi cơ Crusader. Trung Tá Stockdale phải hộ tống phi công Hastings tới gần chiến hạm Maddox để được cấp cứu nếu cần rồi bay trở lại mục tiêu. Tưởng lầm đây là một phi cơ mới tới nên sau này phía BV cho rằng có 5 phi cơ tấn công các tiểu đĩnh, đợt đầu 4 chiếc trong số này có 2 chiếc bị hư hại bỏ chạy; đợt sau chỉ có 1 chiếc.

au khi bắn hết hỏa tiễn Zuni nhưng tất cả đều không trúng đích, các phi cơ bắt đầu nã đạn đại bác 20 ly Oerlikon. Lần này, cả 3 tiểu đĩnh đều bị trúng đạn. Chiếc T-339 bị hư hại nặng nhất không còn chạy được và bị bốc khói. Phía BV nói là chiếc tiểu cố tình đĩnh thả khói để che dấu và cũng để đánh lừa các phi công Hoa Kỳ lầm tưởng rằng mục tiêu đã bị hư hại nên không bắn nữa. Thật ra, bình khói của chiếc T-339 bị trúng đạn nên phun khói ra. Phần lớn các ổ phòng không chính 14.5 ly trên các tiểu đĩnh cũng bị trở ngại tác xạ. Súng trên chiếc T-339 bị kẹt đạn. Súng trên chiếc T-333 không quay được nên không thể nhắm vào mục tiêu.

5. Kết quả của trận đánh

Phía Bắc Việt khoe rằng bắn rơi 2 trong 5 phi cơ Hoa Kỳ. Thật ra, khi phi cơ của Trung Tá Stockdale hộ tống phi cơ bị hư hại của Trung Úy Hastings rời trận chiến, khói từ ống phản lực phun ra khiến thủy thủ đoàn BV cho rằng 2 phi cơ này bi hư hại và bị rơi. Phía BV, cả 3 tiểu đĩnh đều bị hư hại . Chiếc T-339 không còn chạy được, đúng ra đã bị bắn chìm nếu không có sự hiểu lầm trong nội bộ lực lượng Hoa Kỳ. Lúc đó, Ðô Ðốc Robert Moore, Chỉ Huy Trưởng Hải Ðội Ticonderoga đã ra lệnh cho một phi đội thứ nhì cất cánh để đánh chìm các ngư lôi đĩnh BV. Ðây là chính điều Ðô Ðốc Johnson, Tư Lệnh Ðệ Thất Hạm Ðội mong muốn. Nhưng khi nghe thấy Ðô Ðốc Johnson ra lệnh cho KTH Maddox không được đuổi theo, ý muốn để các tiểu đĩnh cho phi cơ thanh toán, Ðô Ðốc Moore lại lầm tưởng rằng toàn lực lượng không được phép đuổi theo. Vì vậy, khi phi đội thứ nhì tới vùng mục tiêu, Ðô Ðốc Moore ra lệnh không được tác xạ.

Sau trận đánh, 2 tiểu đĩnh T-333 và T-336 không còn nhìn thấy chiếc T-339 và cũng không liên lạc được nên báo cáo về Bộ Chỉ Huy chiếc T-339 đã bị chìm rồi dìu nhau về cửa Lạch Chao (cửa sông Mã) và ủi vào bãi Sầm Sơn để khỏi bị chìm. Riêng chiếc T-339 chỉ bị hư hại nặng, sau này sửa được máy và chạy về được tới đảo Hòn Nê ngoài khơi gần cửa sông Mã.

Về phía Hoa Kỳ, việc báo cáo chiếc T-339 đã bị chìm cũng có nhiều sai lạc. Vì các phi cơ tấn công thấy rõ chiếc T-339 bi bốc khói và hư hại nặng. Vả lại, các liên lạc truyền tin bắt được từ các tiểu đĩnh T-333 và T-336 cũng báo cáo chiếc T-339 đã bị chìm. Hơn nữa, không ảnh chụp mấy ngày sau tại vùng Sầm Sơn cũng chỉ thấy 2 chiếc T-333 và T-336. Thật ra lúc này chiếc T-339 không nằm tại Sầm Sơn mà tại bãi Hòn Nê. Nguồn tin khác lại cho rằng có tới 2 tiểu đĩnh bị chìm. Thật ra, tin này căn cứ vào báo cáo của phi cơ thám sát 1 giờ sau trận đánh, chỉ còn thấy chiếc T-339 ngoài biển (hai chiếc kia đã chạy vào Sầm Sơn).

Nhưng những ngư lôi đĩnh này cũng không sống sót được bao lâu. Vào tháng 7 năm 1966, một toán 3 ngư lôi đĩnh của BV mạo hiểm lần mò ra vịnh Bắc Việt. Lần này cả 3 chiếc bị đánh chìm thật sự. Chiến hạm Hoa Kỳ vớt được 19 người sống sót. Theo lời khai, 3 ngư lôi đĩnh này là các chiếc mang số T-333, T-336 và T-339 trước đây đã đụng độ với chiến hạm Maddox! Trong số các sĩ quan HQBV bị bắt sống, có 2 người biết rất rõ về biến cố ngày 2 tháng 8 năm 1964. Ðó là Ðại Úy Trần Bảo, Chỉ Huy Phó Phân Ðội 135, người viết báo cáo về biến cố ngày 2 tháng 8. Người kia là Thượng Úy Nguyễn Văn Giản. Lúc đó vẫn còn là thuyền trưởng chiếc T-339. Cả hai tên Trần Bảo và Nguyễn Văn Giản cung khai rõ ràng vị trí và tình trạng của từng tiểu đĩnh BV sau trận đánh ngày 2 tháng 8. Trần Bảo khai rằng trong trận tấn công chiến hạm Maddox, không có ngư lôi đĩnh nào bị chìm và mô tả từng trường hợp mỗi ngư lôi đĩnh vào được tới bờ. Theo khẩu cung của cả 19 tù binh cũng xác nhận không có ngư lôi đĩnh nào bị chìm. Sau này, một tù binh khác bị bắt vào tháng 7 năm 1967 cung khai về trường hợp 3 ngư lôi đĩnh khác bị đánh chìm vào năm 1966. Do đó có một số người ngộ nhận 3 tiểu đĩnh bị đánh chìm sau này với 3 tiểu đĩnh tham chiến ngày 2 tháng 8 năm 1964.

6. Phía Bắc Việt kể lại trận đánh

Trong lúc Hoa Kỳ dường như cố ý làm lớn chuyện về cuộc đụng độ thì phía Bắc Việt lại như muốn che dấu. Việc cho các tiểu đĩnh cố ý tấn công chiến hạm Maddox ngoài hải phận quốc tế đã khiến BV khó ăn khó nói.

Các báo chí chuyên môn tuyên truyền của BV như tờ Nhân Dân nhật báo cũng không đả động gì nhiều tới biến cố vịnh Bắc Việt. Mãi tới sau khi Hoa Kỳ oanh tạc trả đủa vào ngày 5 tháng 8, Bắc Việt mới bắt đầu la ó và tuyên truyền về hành động "anh hùng" của các tiểu đĩnh. Với mục đích tuyên truyền cố hữu, Bắc Việt đã trắng trợn xuyên tạc sự thật. Trong "Văn Thư về hành động chiến tranh của Hoa Kỳ nhằm vào Cộng Hòa Nhân Dân Việt Nam", Bắc Việt cho biết trận chiến xảy ra khi KTH Maddox chỉ cách bờ biển dưới 8 hải lý trong khi thật sự xảy ra ngoài khơi xa hơn nhiều, khoảng trên 20 hải lý tức là thuộc hải phận quốc tế. Nên nhớ, lúc đó Bắc Việt cũng đã bắt chước Trung Cộng, đòi hải phận quốc gia 12 hải lý. Trên tờ báo "Quân Ðội Nhân Dân" số ra ngày 11 tháng 8 năm 1964, trong bài "Thiếu Úy Nguyễn Văn Giản", tác giả Hồng Thủy còn tuyên truyền bịa đặt rằng các tiểu đĩnh CS đã dùng hỏa lực "trội hơn" để đánh bại KHT Maddox. Chẳng lẽ tác giả Hồng Thủy muốn nói đại liên 14.5 ly của Cộng Sản có hỏa lực "trôi hơn" hải pháo 127 ly của đế quốc Mỹ? Ngoài ra, các cơ quan tuyên truyền CS cũng khoe khoang HQ Bắc Việt chỉ với mấy chiếc tầu nhỏ cũng đã gây thiệt hại nặng nề về nhân mạng cũng như vật chất cho chiến hạm Maddox. Thật sự chỉ có một viên đạn đại liên bắn trúng chân của đài kiểm xạ không gây thiệt hại quan trọng.

Phía BV có 3 chết trong số đó có thuyền trưởng chiếc T-336 là Nguyễn Văn Tú và 6 bị thương.

(Còn tiếp)


Xem tiếp ==> Bài 1 - Bài 2 - Bài 4 - Bài 5 - Bài 6





























































































































Qúi Vị là độc giả thứ:

đã viếng thăm Nguyệt San Ðoàn Kết - Thành Thật Cám Ơn.

Free Web Hosting