(Trích Nguyệt San ÐOÀN KẾT, Austin Texas)
Vai mang dấu "Cọp Ba Ðầu Rằn"
Áo trận hoa rừng chiến đấu hăng
Chiến sĩ Mũ Nâu ngàn trận đánh
Trận nào thế tiến cũng phăng phăng
Núi cao hay giữa đồng bằng
Ngay trong đất địch trực thăng vận vào
Hành quân sang đất Hạ Lào
719, tre cao kín rừng
Vừa xuống, đại liên địch đón mừng
Như làn mưa thép xoáy ngang lưng
Bàn chân chưa chạm trên đồi đất
Bắn trả lời, tay súng không ngưng
Chuyển quân tiếp diễn không ngừng
Hai đồi Nam - Bắc cách chừng sáu cây
Tiều Ðoàn 21 vào đây
Tiểu Ðoàn 39 mấy ngày kế sau
Những cơn mưa thép trút lên đầu
Mới tới nên hầm hố chẳng sâu
Biệt Ðộng Quân nằm ăn pháo kích
Pháo binh, hỏa tiễn mấy giờ lâu
Bộ binh giặc đã khởi đầu
Ba ngàn tên Cộng nhâu nhâu đánh đồi:
Quân trang còn mới trên người
Tiểu liên tự động sáng ngời ánh xanh
Chiến thuật địch ta biết quá rành
Sau hồi pháo kích sẽ lên nhanh
Anh em Biệt Ðộng Quân bình tĩnh
Hạ chúng như là phát cỏ tranh
Sườn đồi loang loáng máu tanh
Thây nhừ lẫn đất cỏ xanh đổi mầu
Ðịch xông lên: chỉ nát đầu
Tay chân văng đứt, ruột nhầu xổ tung
Việt Cộng vòng vây xiết chập chùng
Ðầy trời bay đạn súng phòng không
Phi cơ tiếp tế không vào được
Binh sĩ ta chờ, ngước mắt trông
Không quân yểm trợ không xong
Trực thăng ráng được một vòng tải thương
Ba ngày đêm tại chiến trường
Nước khan, đạn hết còn phương cách nào?
Anh em Biệt Ðộng chẳng nao
Tiểu Ðoàn Trưởng hạ lệnh lao xuống đồi
Nhặt ngay súng giặc rớt rơi
Dùng ngay đạn địch trả lời địch quân
Ta một, địch đông gấp bảy lần
Người còn sức mạnh, gắng đôi chân
Cõng anh em đã đầy thương tích
Ðánh xuống đồi, không chút tiếc thân
Kinh hoàng, Việt Cộng phân vân
Chúng dư biết khó cản chân anh hùng
Anh em hữu đột tả xung
Chỉ huy phối hợp vô cùng, đánh nhanh
Cọp giữa đàn dê, một bức tranh
Ta xông xáo tiến, địch tan tành
Lưỡi lê, lựu đạn bay vùn vụt
Chỉ thấy giặc la tiếng thất thanh
Con đường máu, mở hoàn thành
Sáu trăm rưỡi xác địch banh dưới đồi
Bị thương ít nhất gấp đôi
Tên nằm bể mặt, đứa ngồi đứt vai
Kiểm quân sau trận mấy ngày dài
Ðồng đội xem còn được những ai
Trăm sáu anh em đền nợ nước
Hạ Lào trận đánh một không hai ./.
* * * * * * * * * * * * * * * * * *
Lời Tác Giả:
Nhằm mục đích vinh danh các chiến sĩ Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa và cũng để tìm hiểu những sự thực trong cuộc chiến tranh vừa qua tại Việt Nam, trước đây khá lâu, chúng tôi đã viết loạt bài về cuộc hành quân Lam Sơn 719 xảy ra tại Hạ Lào hay Nam Lào vào năm 1971. Loạt bài này, dài gần 300 trang, chia thành khoảng 20 chương, mỗi chương nói về một giai đoạn của chiến dịch quan trọng này. Các bài viết đã liên tục đăng gần hai năm (1993-1994) trong Nguyệt San Ðoàn Kết xuất bản tại Austin, Texas do chúng tôi chủ trương.
Vì tác giả không được vinh dự trực tiếp tham chiến tại Hạ Lào nên bài viết chỉ căn cứ vào các tài liệu thâu thập, đương nhiên kém chính xác và thiếu sót so với những điều mắt thấy tai nghe của các nhân chứng có mặt tại cH4. Tuy nhiên, cũng rất có thể vì vậy mà bài tường thuật lại có phần khách quan và bao quát hơn, vì đối với một cuộc hành quân lớn và phức tạp như trận Hạ Lào, một cá nhân dù có mặt tại trận địa cũng rất khó nắm vững được toàn bộ chi tiết các biến cố trên chiến trường.
Sau này, cùng với việc giải mật (de-classified) các hồ sơ chiến tranh của Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ, một số tài liệu quan trọng liên quan tới cuộc hành quân Lam Sơn 719 như phúc trình hành quân, báo cáo hậu hành quân (After Action Reports) và các cuộc phỏng vấn nhân chứng (Oral Reports) v.v... được phổ biến rộng rãi nên những chi tiết được đầy đủ hơn. Ngoài ra, những hiệp hội Cựu Chiến Binh và các phi công trực thăng Hoa Kỳ tham chiến tại Hạ Lào cũng cung cấp nhiều tin tức mắt thấy tai nghe giá trị với tư cách nhân chứng. Một điều nữa khiến những sự thật về cuộc hành quân Lam Sơn 719 được thêm sáng tỏ vì một số các cựu quân nhân QLVNCH trực tiếp tham chiến đã bắt đầu viết hay kể lại về cuộc hành quân này.
Mặc dầu vậy, cũng như những chi tiết khác về chiến tranh Việt Nam, phần lớn các tài liệu về cuộc hành quân Lam Sơn 719 hiện có đều do các phóng viên và "cố vấn" Hoa Kỳ cung cấp nên đôi khi kém trung thực nếu không muốn nói là thiếu thiện cảm và nhiều thành kiến bất lợi đối với QLVNCH. Ðiều này cũng dễ hiểu vì một khi Hoa Kỳ đã muốn giải kết để rút chân ra khỏi Việt Nam, họ cần tìm lý do để bào chữa cho sự thất bại của chính họ bằng cách đổ lỗi cho QLVNCH đã hkông chịu tự mình chiến đấu và lệ thuộc quá nhiều vào Hoa Kỳ.
Hơn nữa, trong cuộc hành quân tại Hạ Lào, các đơn vị bộ chiến Hoa Kỳ, ngay cả các cố vấn, cũng không được trực tiếp tham chiến vì bị đạo luật Cooper - Church ngăn cấm nên chi tiết về các trận đánh trên đất Lào do người Mỹ cung cấp lại càng sai lạc và khó tin cậy.
Cho đến nay, chúng tôi đã thu thập thêm được rất nhiều tài liệu, hình ảnh mới, hiếm có chưa từng được phổ biến liên quan đến cuộc hành quân Lam Sơn 719. Ngoài ra, tác giả còn được dịp trực tiếp phỏng vấn và tiếp chuyện với một số cựu quân nhân QLVNCH đã từng có mặt tại Hạ Lào, cũng như các phi công trực thăng Hoa Kỳ tham chiến nên đã thâu thập được nhiều chi tiết mới cùng tài liệu "sống" như video tapes, audio tapes, bản đồ hành quân v.v... Có thể nói số lượng tài liệu hiện có nhiều hơn hồi trước gấp mười lần .
Vì vậy, căn cứ vào những dữ kiện mới thu thập được, chúng tôi đang viết lại về cuộc hành quân Lam Sơn 719 từ đầu để loạt bài được trung thực và gần với sự thật hơn. Tuy nhiên, tài liệu dù có nhiều đến đâu cũng không thể ghi chép chính xác được một biến cố quan trọng, phức tạp và có tầm ảnh hưởng sâu rộng như cuộc hành quân Lam Sơn 719 đã diễn ra cách đây hơn một phần tư thế kỷ. Muốn có một tập tài liệu tương đối đầy đủ về trận Hạ Lào, thiết tưởng cần sự đồng lao cộng tác và góp sức của nhiều người quan tâm. Trong khi chờ đợi, mỗi người tùy theo khả năng, hoàn cảnh và phạm vi hiểu biết của mình cũng nên nói hay viết những điều mình biết để sự thật không bị mai một với thời gian.
Thiết tưởng, muốn ghi chép trung thực về một biến cố quân sự xẩy ra trong quá khứ, chúng ta cần căn cứ cả vào tài liệu lẫn lời tường thuật của các nhân chứng tham dự. Phần tài liệu như lệnh hành quân, phóng đồ phối trí lực lượng, nhật ký và phúc trình hành quân v.v... sẽ cho chúng ta biết các chi tiết về chiến lược, chiến thuật, đơn vị tham chiến, kế hoạch điều quân và ngày giờ, địa điểm của các biến cố hay trận đụng độ. Nhưng đây phần lớn mới chỉ là các dự đoán, dữ kiện trên giấy tờ, nhiều khi khác xa với sự thực xảy ra trên trận địa. Củng vì lý do này, Thống Chế người Ðức Helmuth von Moltke đã nói:"Mọi kế hoạch hành quân trên giấy tờ đều trở thành vô dụng khi bắt đầu đụng độ với địch quân". Ngược lại, các nhân chứng tham dự tuy có mặt tại cH4, có thể biết nhiều "chuyện" không ghi trong các bản báo cái hay phúc trình, nhưng chưa chắc còn nhớ được những diễn tiến nếu không được các tài liệu trên giấy tờ gợi ý, nhất là những biến cố phức tạp xảy ra đã lâu như trận Hạ Lào. Do đó, cả phần tài liệu tham khảo lẫn lời tường thuật của các nhân chứng đều cần thiết, quan trọng và bổ túc cho nhau.
Vì những lý do trên, tuy không phải là một sử gia hay chiến lược gia, chúng tôi cũng mạo muội viết về cuộc hành quân Lam Sơn 719 căn cứ vào tài liệu tức là tạm thời hoàn tất phần giấy tờ. Phần tường thuật "sống" vô cùng quan trọng của những nhân chứng rất mong sẽ được những bậc thức giả, những người "trong cuộc, biết chuyện", nhất là những quân nhân QLVNCH đã dự trận Hạ Lào sẽ tích cực đóng góp để những thiếu sót hay sai lạc có thể được bổ khuyết đính chính trước khi quá trễ. Ðược như vậy, hy vọng chúng ta sẽ có một tập tài liệu khả dĩ trung thực, đủ để thế hệ mai sau tham khảo khi muốn tìm hiểu về quá khứ hào hùng của ông cha mình. Ngoài ra, đây cũng có thể là một "Ðài Tưởng Niệm" tinh thần khiến các bạn đồng đội đã anh dũng hy sinh tại vùng rừng núi thâm u Hạ Là sẽ không bị lãng quên và một trang sử hào hùng của QLVNC tồn tại mãi với thời gian.
Bài viết về các trận đánh của Biệt Ðộng Quân trong cuộc hành quân Lam Sơn 719 tại Hạ Lào được tạm thời hoàn tất sau khi chúng tôi được vinh hạnh tiếp chuyện với một số chiến sĩ Mũ Nâu anh dũng đã trực tiếp tham chiến. Ðiển hình là Ðại Tá Nguyễn Văn Hiệp, nguyên Liên Ðoàn Trưởng Liên Ðoàn 1 BÐQ; Trung Tá Vũ Ðình Khang, nguyên Tiểu Ðoàn Trưởng Tiểu Ðoàn 39 BÐQ; Thiếu Tá Quách Thưởng, nguyên Tiểu Ðoàn Phó TÐ 21 BÐQ (Thiếu Tá Nguyễn Hiệp, vị TÐT anh hùng trong trận đánh tại Căn Cứ BÐQ Nam tại Hạ Lào đã qua đời sau năm 1975 trong trại tù Việt Cộng).
Hy vọng trong tương lai, khi bài viết này được phổ biến, tác giả sẽ được hân hạnh tiếp xúc thêm với những những cựu chiến sĩ QLVNCH khác đã dự trận Hạ Lào, không phân biệt quân binh chủng. Nếu thâu thập được thêm tài liệu mới, chúng tôi sẽ sớm hoàn tất các bài viết về Sư Ðoàn Dù, Sư Ðoàn Thủy Quân Lục Chiến, Sư Ðoàn 1 Bộ Binh, Thiết Giáp, Không Quân VNCH v.v... để tập tài liệu Hạ Lào thêm đầy đủ và chính xác.
Với niềm kính phục và biết ơn xâu sa, tác giả chân thành cảm tạ Ðại tá Hiệp, Trung Tá Khang và Thiếu Tá Thưởng đã vui lòng trả lời cuộc phỏng vấn mới đây và cung cấp nhiều điều mắt thấy tai nghe qúi báu hiếm có về các hoạt động của LÐ 1/BÐQ tại Hạ Lào. Chúng tôi cũng cám ơn Mũ Nâu Nguyễn Phương Hùng, người luôn luôn nặng mang màu cờ sắc áo Biệt Ðộng Quân, đã khuyến khích và tích cực trợ giúp trong việc liên lạc với các chiến sĩ BÐQ để bài viết này thêm phong phú và đầy đủ. Anh Hùng hiện là Webmaster của Trang Biệt Ðộng Quân trong Internet. Tác giả cũng thành thật cáo lỗi vì không sao tránh khỏi những sơ sót. Kính mong độc giả - nhất là những người trong cuộc - vui lòng cho biết ý kiến để chúng tôi kịp thời sửa đổi. Trân trọng.
------------------------------------------------------------------------
Cuộc hành quân Lam Sơn 719 khai diễn ngày 8 tháng 2 năm 1971 và chấm dứt
vào ngày 23 tháng 3 năm 1971, kéo dài tổng cộng 45 ngày. Mục mục đích chính
của cuộc hành quân là cắt đứt nguồn tiếp vận của Cộng quân bên Lào qua ngả
đường mòn Hồ Chí Minh. Khu vực hành quân bề rộng chừng 20 cây số, bề dài
khoảng 50 cây số, thuộc vùng Nam Lào dọc theo đường số 9 nối liền Khe Sanh
gần biên giới Việt Nam tới thị trấn Savannakhet bên Lào. Quân Ðoàn I chỉ
huy cuộc hành quân gồm những đơn vị cơ hữu và tăng phái.
Vì bị đánh trúng tử huyệt nên Cộng quân bắt buộc phải chống cự và phản ứng
mạnh. Do đó, nhiều trận đánh ác liệt đã diễn ra tại các Căn Cứ BÐQ; Căn Cứ
Hỏa Lực 30 và 31 (Dù); Lolo, Sophia và Delta 1 (SÐ 1 BB); Delta (TQLC)
v.v... Tuy những trận đụng độ đều liên quan mật thiết và mang tầm vóc quyết
định toàn cục diện chiến dịch, bài viết này chỉ nói về các trận đánh của
BÐQ tại Hạ Lào. Chi tiết về những trận đánh quan trọng khác sẽ được đề cập
tới khi có dịp thuận tiện.
Thật ra, Liên Ðoàn 1 Biệt Ðộng Quân (BÐQ) với vỏn vẹn 3 Tiểu Ðoàn (TÐ) chỉ
là một vị nhỏ so với các đại đơn vị tham chiến khác của QLVNCH như Sư Ðoàn
Dù, Sư Ðoàn Thủy Quân Lục Chiến (TQLC), Sư Ðoàn 1 Bộ Binh v.v... Nhưng đơn
vị Cọp Rừng Mũ Nâu này lại đảm trách phần vụ được coi là nặng nề nhất vì
phải "đứng mũi chịu sào", trấn giữ vùng cực Bắc của khu vực hành quân. Bộ
Tư Lệnh hành quân ước tính Cộng quân có khả năng tăng viện cấp Sư Ðoàn
trong vòng 2 tuần lễ từ vùng Phi Quân Sự kéo xuống. Vì vậy, đơn vị BÐQ tham
chiến có nhiệm vụ làm tiền đồn để phát hiện và tạm thời ngăn chận, cầm chân
các đơn vị địch còn đầy đủ sức mạnh lần đầu tiên tung vào chiến trường này.
Trong những trận đụng độ nẩy lửa nơi địa thế hoàn toàn xa lạ tại sào huyệt
của Cộng quân bên Lào, các chiến sĩ BÐQ tuy bị cô thế ngay từ khi nhẩy
xuống trận địa nhưng đã anh dũng chiến đấu tới viên đạn cuối cùng, không hổ
danh Cọp Rừng Mũ Nâu. Kết quả, dù bị thiệt hại khá nặng, LÐ 1 BÐQ chỉ với 2
Tiểu Ðoàn thực sự tham chiến tại Hạ Lào cũng đã xóa tên Trung Ðoàn 102d
thuộc Sư Ðoàn nặng tinh nhuệ 308 Cộng quân.
Trước khi đi sâu vào chi tiết, cũng nên biết thêm về nguồn gốc việc đặt tên
của cuộc hành quân cũng như các vị trí chiến lược quan trọng khác. Ðầu
tiên, cuộc hành quân đánh sang Lào của QLVNCH vào năm 1971 được mệnh danh
là Lam Sơn 719 vì Lam Sơn là tên tổng quát của các cuộc hành quân tại Quân
Ðoàn I, tương tự như Cửu Long, Dân Chí ... là tên chung của các cuộc hành
quân tại Quân Ðoàn IV v.v... Còn số 71 là viết tắt của năm 1971 khi cuộc
hành quân khai diễn, 9 là đường số 9. Như vậy Lam Sơn 719 có nghĩa là cuộc
hành quân do QÐ I chỉ huy, khai diễn vào năm 1971 tại khu vực đường số 9.
Ngoài ra, tên các căn cứ QLVNCH tại Hạ Lào cũng được đặt theo qui ước Hoa
Kỳ như Alpha, Delta, Hotel, Hill 31, Hill 30 v.v... để các phi công trực
thăng Hoa Kỳ không bị lầm lẫn hoặc ngộ nhận khi liên lạc, yểm trợ các đơn
vị QLVNCH dưới đất. Vào giai đoạn đánh chiếp Tchépone, SÐ 1 BB còn thiết
lập những căn cứ mang tên ngoại quốc quen thuộc như LoLo, Liz, Sophia
(những tên này do Ðạt Tá Vũ văn Giai, lúc đó là TLP SÐ 1 BB lựa chọn, theo
tên của Gina Lolobrigidat, Liz Taylor và Sophia Loren là các cô đào chiếu
bóng nổi tiếng đương thời). Tuy nhiên, các đơn vị QLVNCH vẫn quen gọi các
căn cứ của mình theo qui ước truyền tin Việt Nam, thí dụ như Hotel là Hồng
Hà, Delta là Ðống Ða v.v...
Riêng phần BÐQ đóng rải rác trên nhiều ngọn đồi bên Lào nên các phi công
Hoa Kỳ gọi chung là Ranger Hills. TÐ 39 BÐQ đóng ở phía Bắc nên được gọi là
Ranger North để phân biệt với Ranger South là nơi TÐ 21 BÐQ đóng ở phía Nam
cách chùng 4, 5 cây số.
Ðể dễ dàng theo dõi cặn kẽ những diễn biến trong các trận đánh lừng danh
của Liên Ðoàn 1 Biệt Ðộng Quân tại Hạ Lào, chúng ta cần có khái niệm sơ
lược về cuộc hành quân Lam Sơn 719. Vì vậy, bài viết được chia thành những
phần chính sau đây:
- Những qui ước và định nghĩa danh từ xử dụng.
- Khái niệm tổng quát về cuộc hành quân Lam Sơn 719.
- Tóm lược những hoạt động của Liên Ðoàn 1 BÐQ tại Hạ Lào.
- Tình hình tổng quát tại chiến trường trước khi xảy ra những trận đánh.
- Trận đánh tại Căn Cứ Biệt Ðộng Quân Bắc (Ranger North).
- Trận đánh tại Căn Cứ Biệt Ðộng Quân Nam (Ranger South).
- Hậu quả và nhận xét.
- Mặt trận:
- Bãi Ðáp (BÐ - Landing Zone hay LZ):
- Căn Cứ (CC) hay Vị Trí:
- Căn Cứ Hỏa Lực (CCHL):
- Tiền Ðồn:
- Pháo Ðội (PÐ):
(Còn tiếp)
Phần 2 -
Phần 3 -
Phần 4 -
Phần 5 -
Phóng đồ Hành Quân LS 719 -
Phóng đồ các trận đánh của BÐQ
Phần Mở Ðầu
(Xem Phóng đồ Hành Quân Lam Sơn 179; và
Phóng đồ các trận đánh của BÐQPhóng đồ
Các trận đánh của BÐQ)
A. Những qui ước và danh từ xử dụng
Ðể độc giả, nhất là đối với những người không ở trong quân đội, dễ dàng
theo dõi và tránh ngộ nhận, tư*ng cũng cần giải thích một vài qui ước và
danh từ quân sự quan trọng được thường xuyên xử dụng trong bài viết này:
* Về thời gian:
Nếu chỉ viết ngày tháng mà không viết năm, xin hiểu là năm xảy ra cuộc hành
quân, tức là năm 1971. Thí dụ: ngày 8 tháng 2 tức là ngày 8 tháng 2 năm
1971. Về giờ giấc đều dùng giờ Việt Nam, tức là múi giờ Hotel (giờ H, cách
8 tiếng đồng hồ so với giờ quốc tế Zulu tại kinh tuyến Greenwitch kinh độ 0
bên Anh. Giờ quốc tế còn gọi là giờ GMT - Greenwitch Mean Time).
* Về địa danh:
Vì cuộc hành quân Lam Sơn 719 diễn ra trên lãnh thổ Lào nên
phần lớn các địa danh quan trọng trong bản đồ hành quân đều mang tên Lào,
ngoại trừ những ám danh quân sự được dùng tiếng Anh hay tiếng Việt (như
Lolo, Hồng Hà v.v...). Sau đây là một vài danh từ thông dụng:
- Ban hay Bản: tiếng Lào có nghĩa là làng hay "buôn" (của người Thượng).
Thí dụ như "Bản Ðông" là làng Ðông.
- Se: tiếng Lào có nghĩa là "sông". Thí dụ như Se Pone có nghĩa là sông
Pone.
- Phou: tiếng Lào coó nghĩa là núi. Thí dụ như "Phou Ta Pang" có nghĩa là
núi Ta Pang.
* Về danh xưng:
Ðể tránh trùng điệp, cuộc hành quân Lam Sơn 719 còn được gọi là chiến dịch,
cuộc hành quân hoặc trận Hạ Lào hay Nam Lào.
* Về vị trí:
Dùng tọa đô vuông "XD" trong bản đồ hành quân UTM.
* Ðịnh nghĩa một số danh từ quân sự
- Chiến trường:
Toàn bộ khu vực hành quân. Thí dụ như chiến trường Hạ Hào, do Tư Lệnh Chiến
Trường hay Tư Lệnh cuộc hành quân Lam Sơn là Trung Tướng Hoàng Xuân Lãm chỉ
huy.
Một phần của chiến trường hay khu vực hành quân. Thí dụ như chiến trường Hạ
Lào được chia thành 3 mặt trận chính: Mặt Trận Vùng Bắc do LÐ 1 BÐQ đảm
trách, Mặt Trận Ðường số 9 do Sư Ðoàn Dù chịu trách nhiệm và Mặt Trận Nam
Ðường số 9 do SÐ 1 BB đảm trách. Mỗi mặt trận do một Tư Lệnh mặt trận chỉ
huy. Các Tư Lệnh mặt trận đều thuộc quyền chỉ huy trực tiếp của Tư Lệnh
Chiến Trường.
hay PZ). Bãi Ðáp còn được gọi là Căn Cứ hay Vị Trí nếu có quân trú đóng.
Nơi đơn vị quân đội trú đóng nhưng không có Pháo Binh cơ hữu để tự yểm trợ
cho mình hay các đơn vị bạn. Thí dụ như CC hay BÐ BÐQ Bắc, BÐQ Nam v.v... )
Là tên gọi tắt của Căn Cứ Yểm Trợ Hỏa Lực (Fire Support Base hay FSB); là
những Bãi Ðáp, Căn Cứ hay Vị Trí có Pháo Binh đồn trú để tự yểm trợ hay phụ
giúp các đơn vị bạn trong kế hoạch yểm trợ hỏa lực H4 tương.
Những vị trí phụ thuộc bên ngoài của một Căn Cứ để bảo vệ cho vị trí chính.
Mỗi căn cứ chính thường có nhiều tiền đồn để lo việc phòng thủ.
Thành phần của một TÐ Pháo Binh, tương đương với một Ðại Ðội của TÐ BB. Mỗi
TÐ/PB thường gồm 4 PÐ: PÐ Chỉ Huy, PÐ A, B và C. Mỗi PÐ có 6 khẩu đại bác.
Tên của PÐ thường được rút gọn như: PÐ C/44 có nghĩa là Pháo Ðội C thuộc TÐ
44 PB hoặc PÐ A/1 Dù: Pháo Ðội A thuộc TÐ 1 PB Dù v.v...
* Tên các Tiểu Ðoàn:
Thường được gọi tắt theo qui ước Tiểu Ðoàn/Trung Ðoàn. Thí dụ như TÐ 2/1 BB
có nghĩa là Tiểu Ðoàn 2 thuộc Trung Ðoàn 1 thuộc Sư Ðoàn 1 BB; hoặc TÐ 2/3
Dù nghĩa là Tiểu Ðoàn 2 thuộc Lữ Ðoàn 3 Dù v.v...