Cuộc Hành Quân Lam Sơn 719 (Phần 4 - còn tiếp)

Các Trận Ðánh Của Biệt Ðộng Quân Tại Hạ Lào

Tác Giả : Trần Ðỗ Cẩm

(Email ===> camtran11@yahoo.com)

(Trích Nguyệt San ÐOÀN KẾT, Austin Texas)


E. Trận đánh tại Căn Cứ Biệt Ðộng Quân Bắc (Ranger North)

(Xem Phóng đồ các trận đánh của BÐQ)

Sang ngày 17 tháng 2, tin tình báo cho biết lực lượng tăng viện cấp Sư Ðoàn của Cộng quân từ vùng Phi Quân Sự đã bắt đầu xâm nhập phía Bắc vùng hành quân. Rạng sáng ngày 18 tháng 2, địch gia tăng áp lực vào các đơn vị BÐQ. Các TÐ 21 và 39 BÐQ bị tấn công thăm dò và pháo kích kiên tiếp. Tuy nhiên, được pháo binh và phi cơ yểm trợ rất hiệu quả, các TÐ BÐQ vẫn giữ vững vị trí. Hồi 8 giờ 30 sáng cùng ngày, BCH/LÐ1/BÐQ tại Phú Lộc cũng bị pháo kích 8 đạn súng cối 82 ly khiến 2 chết, 4 bị thương. Tin tình báo do cung từ của tù binh xác nhận Sư Ðoàn 308 Cộng quân với ba Trung Ðoàn 64, 88 và 102d đã tham chiến và hiện tập trung quân tại vùng trách nhiệm của BÐQ.

Khi trời sáng rõ, một trực thăng tải thương loại Huey thuộc Phi Ðoàn 237, Tiểu Ðoàn 16, Lữ Ðoàn 44 Tải Thương của Hoa Kỳ (có tên là DMZ Dust Off. DMZ là tên tắt của De-Military- Zone tức là vùng Phi Quân Sự. Dust Off là tên lóng để gọi chung các trực thăng tải thương Hoa Kỳ) nhận được lệnh tải thương khẩn cấp cho TÐ 39 BÐQ. Nên nhớ đại đa số những trực thăng tham chiến tại Hạ Lào không phải của Không Quân mà thuộc các Sư Ðoàn Bộ Binh Không Kỵ Hoa Kỳ nên được tổ chức thành các Tiểu Ðoàn hoặc Ðại Ðội theo hệ thống Lục Quân.

Chiếc trực thăng tản thương cất cánh tại Khe Sanh, hai phi công là Trung Úy Joseph Gordon Brown và Darrel Monteith, với hai Trung Sĩ y tá tên Fujii và Simpco cùng cơ khí viên Costello. Trên đường bay, phi hành đoàn đã được thông báo là bãi đáp rất "nóng" (hot) vì bị phòng không và súng cối địch vây chặt. Khi còn cách Căn Cứ BÐQ Bắc chừng 3 cây số, phòng không địch đã bắn lên như mưa. Toán trực thăng võ trang hộ tống vội nhào xuống bắn hỏa tiễn và minigun để tiêu diệt các ổ phòng không nhưng không mấy hiệu quả vì những ổ súng này được ngụy trang rất kỹ càng, khéo léo và chôn sâu trong các công sự, hầm hố vững chắc. Sau một hồi bắn phá, hai chiếc Cobra đã hết đạn, vả lại nhiên liệu cũng gần cạn nên phải quay về Khe Sanh tái tiếp tế. Phi công Brown nhận thấy phòng không địch vẫn còn quá mạnh, không thể vào bãi đáp nên đã quyết định hủy bỏ công tác. Nhưng chỉ một lát sau, anh đổi ý, bay vòng trở lại, mặc dầu trực thăng võ trang hộ tống đã bay về Khe Sanh. Gần tới Bãi Ðáp BÐQ Bắc, chiếc trực thăng tản thương bay thật thấp để cố tránh màng lưới phòng không, nhưng những lằn đạn lửa AK và 12.7 ly vẫn chằng chịt đuổi theo.

Từ trên trực thăng, anh y tá Fujii người Hawai trông thấy rõ các binh sĩ BÐQ trong giao thông hào đang chiến đấu dưới làn mưa đạn súng cối của Cộng quân. Trực thăng tản thương nhào vội xuống bãi đáp. Toán tản thương của BÐQ đẩy vội các thương binh lên trực thăng. Nhưng khi vừa rời mặt đất, một quả súng cối nổ ngay bên cạnh máy bay khiến phi công Brown chết ngay tại chỗ, còn phi công phụ Monteith bị thương nặng, hai anh Fujii và Simpco đều bị trúng mảnh đạn súng cối ở lưng, chỉ có anh Costello là vô sự. Chiếc trực thăng rơi xuống đất. Tất cả những người sống sót, kể cả các thương binh BÐQ vội rời trực thăng chạy vào giao thông hào cách trực thăng chừng 10 thước. Sau đó, một trực thăng Huey cấp cứu khác liều lĩnh đáp xuống và cứu được phi hành đoàn Hoa Kỳ, ngoại trừ anh y tá Fujii bị kẹt lại vì chạy ra không kịp. Từ lúc đó, các phi công Hoa Kỳ được lệnh tránh xa khu vực này vì hỏa lực phòng không quá dữ dội. Trong khi đó, Cộng quân cũng pháo kích vào CC BÐQ Nam.

Sang ngày 19/2, áp lực tại căn cứ BÐQ Nam tưởng đối giảm, tuy không bị tấn công nhưng cường độ pháo kích vẫn dữ dội và liên tục. Ngoài ra, phòng không địch và súng cối vẫn khóa kín bãi đáp khiến TÐ 21 BÐQ khiến mọi hoạt động của vị trí này bị ngưng trệ. Khi đã cô lập và phá được thế liên hoàn giữa hai tiểu đoàn BÐQ, Cộng quân tập trung toàn bộ lực lượng Trung Ðoàn 102d, SÐ 308 tấn công TÐ 39 BÐQ đóng xa hơn về phía Bắc. Tuy bị vây hãm và tấn công dữ dội, các binh sĩ Mũ Nâu dưới quyền chỉ huy của Thiếu tá Khang vẫn bình tĩnh chiến đấu, đẩy lui nhiều đợt tấn công biển người của Cộng quân. Các trực thăng thuộc TÐ 158 Trực Thăng (158 CAB - Combat Assault Battalion) Hoa Kỳ do Trung Tá Peachy chỉ huy bay liên tục để tản thương, tiếp tế và yểm trợ hỏa lực cho tiền đồn bị tấn công này. Các pháo đội thuộc TÐ 44 PB đặt tại Phú Lộc về hướng Ðông và CCHL 30 về hướng Nam cũng tác xạ tối đa vào các vị trí Cộng quân. Ðể tránh hỏa lực dữ dội của phi pháo, địch quân đã liều lĩnh áp dụng tối đa chiến thuật "bám sát" (hugging). Nhiều khi chúng nằm sát lớp hàng rào phòng thủ khiến nhiều trực thăng tiếp tế bị trúng đạn địch vì lầm tưởng là binh sĩ VNCH. Vì đôi bên quá gần nhau nên phi cơ thả bom yểm trợ cũng rất khó khăn.

Trận đánh tại căn cứ BÐQ Bắc kéo dài suốt ngày 19 tháng. TÐ39 BÐQ báo cáo địch tấn công mạnh nhất vào sườn phía Ðông bằng súng không giật trực xạ và súng cối 82 ly đặt rất gần căn cứ nên bắn rất chính xác. Nhưng sau nhiều đợt tấn công tiền pháo hậu xung của địch, TÐ 39 BÐQ vẫn giữ vững vị trí. Cung từ của tù binh xác nhận đơn vị Cộng quân tấn công là Trung Ðoàn 102d, được trang bị toàn vũ khí và quân trang mới. Trung Ðoàn này có nhiệm vụ thanh toán căn cứ BÐQ Bắc bằng mọi giá để dọn đường cho lực lượng tăng viện của chúng có thể tiến sâu hơn vào vùng hành quân. Tuy bị bao vây và tấn công liên tục nhưng dưới sự chỉ huy bình tĩnh và gan dạ của Thiếu tá TÐT Vũ Ðình Khang, các chiến sĩ TÐ 39 BÐQ vẫn bình tĩnh chiến đấu, đánh bật những đợt tấn công biển người. Cộng quân tuy bị thiệt hại nặng nhưng vẫn bám sát trận địa và liên tiếp mở nhiều đợt tấn công vì chúng được bổ xung quân số và tăng viện rất nhanh chóng. Nhưng đến chiều Cộng quân đành phải rút lui để chỉnh đốn hàng ngũ vì bị chết quá nhiều. Xác và vũ khí đủ loại của Cộng quân bỏ lại ngổn ngang trên các sườn đồi.

Trận đánh ngày 19 tháng 2 là một chiến thắng lớn của TÐ 39 BÐQ nhưng những con cọp rừng gan dạ cũng đã bị yếu sức vì nhiều binh sĩ bị chết và bị thương không được di tản đã nhiều ngày, lại không được tăng viện hay giải tỏa áp lực. Nguy hiểm hơn nữa, đạn dược cũng gần cạn vì không được tiếp tế. Ðến đêm, Công quân sau khi bổ xung lực lượng lại tiếp tục tấn công. Cũng vào lúc đó, các căn cứ BÐQ Nam và Phú Lộc bị pháo kích và đánh cầm chân nên không thể tăng viện hay yểm trợ hữu hiệu cho TÐ bạn đang bị áp lực nặng nề. Trên bốn sườn đồi bao quanh căn cứ BÐQ Bắc, địch quân đồng loạt tấn công biển người vào các tuyến phòng thủ của BÐQ. Tại hầm chỉ huy, Thiếu Tá Vũ Ðình Khang, vị TÐT can trường vẫn bình tĩnh điều động đơn vị phòng thủ và phản công. Ông dùng anh y tá người Mỹ Fujii như một chuyên viên truyền tin bất đắc dĩ để đảm trách việc liên lạc với các phi cơ Hoa Kỳ. Anh Fujii hoạt động rất đắc lực chuyển lời yêu cầu của Thiếu tá Khang lên các trực thăng võ trang và các phản lực cơ của Không Quân Hoa Kỳ những tọa độ mục tiêu chính xác để xin oanh tạc. Nhiều lúc, Cộng quân vì quá đông nên môt số đã lọt được vào phòng tuyến của BÐQ, chiếm được một khúc giao thông hào. Các chiến sĩ Mũ Nâu can trường đã phải cận chiến bằng lưỡi lê và lựu đạn để đẩy lui chúng.

Ðến đây, tạm thời mở một dấu ngoặc để nói thêm về anh y tá Fujii. Lúc đó, các phóng viên báo chí, truyền thanh và truyền hình đa số thuộc loại phản chiến của Hoa Kỳ luôn tìm đủ mọi dịp loan tin giật gân nhằm mục đích triệt hạ uy tín QLVNCH. Vì đạo luật Cooper - Church ngăn cấm không cho quân bộ chiến Hoa Kỳ có mặt trên phần đất Lào nên gặp dịp anh y tá Fujii bị bắn rơi, chạy không kịp nên bắt buộc phải chiến đấu bên cạnh TÐ 39 BÐQ, họ liền nắm lấy cơ hội. Họ ca tụng Fujii như một vị anh hùng trong trận đánh tại căn cứ BÐQ Bắc, coi như một mình anh y tá này đã cứu nguyên một Tiểu Ðoàn BÐQ tinh nhuệ. Có người lại còn "phong" cho anh ta chức vị "cố vấn" bất đắc dĩ của TÐ 39 BÐQ! Ðây là một sự thổi phồng lố bịch và quá đáng!

Chúng ta hãy tưởng tượng trong lúc dầu sôi lửa bỏng, mạng sống như chỉ mành treo chuông, một anh y tá chuyên cầm kim chích bị kẹt lại dưới đất vì không chạy kịp, dù là người Mỹ đi nữa đã "cố vấn" được những gì cho một một TÐT BÐQ dạn dầy kinh nghiệm chiến trường như Thiếu tá Khang? Ðồng ý là anh Fujii đã trợ giúp TÐ 39 BÐQ rất đắc lực trong lãnh vực liên lạc truyền tin, nhưng các chiến sĩ BÐQ còn đóng góp đắc lực hơn nhiều trên phương diện thực sự chiến đấu. Thật ra, vai trò của anh y tá này đơn thuần chỉ là một âm thoại viên, nhận những quyết định, dữ kiện cùng lời yêu cầu oanh tạc yểm trợ từ Thiếu tá Khang rồi chuyển lại cho các phi công Hoa Kỳ vì lý do anh nói tiếng Anh dĩ nhiên thành thạo và dễ hiểu hơn. Rất có thể việc "liên lạc" thông thường này được người Mỹ coi là vai trò quan trọng của cố vấn chăng? Cũng anh Fujii này, sau đó có dịp nhẩy lên được một trực thăng rời khỏi CC BÐQ Bắc, nhưng không may trực thăng này cũng bị trúng đạn, nhưng đáp được xuống CC BÐQ Nam nên lại bị kẹt tại đây. Chuyện chỉ có vậy, thế mà báo chí Hoa Kỳ lại có dịp thổi phồng, nói là anh y tá này tình nguyện ở lại với TÐ 21 BÐQ để giúp đơn vị này phòng thủ căn cứ! Trở lại trận đánh tại CC BÐQ Bắc. Tuy bị Cộng quân bao vây chặt chẽ và tấn công suốt đêm nhưng TÐ 39 BÐQ dù đã bị thiệt hại khá nặng và đạn dược cũng gần cạn nhưng vẫn còn giữ vững vị trí chiến đấu. Thiếu Tá Khang luôn đôn đốc các chiến sĩ của mình đề phòng cẩn mật và tiết kiệm đạn dược vì ông biết trong hoàn cảnh nguy nan này, trực thăng tiếp tế hay tải thương không còn cách nào đáp xuống được nữa. Về trận đánh tại căn cứ BÐQ Bắc trong đêm 19 tháng 2 này, chính anh "cố vấn" Fujii đã kể lại cho các phóng viên Hoa Kỳ nghe như sau:

"Trận đánh vô cùng khốc liệt. cả ngọn đồi như bốc lửa vì hỏa lực bom đạn đôi bên. Tuy có một vài sĩ quan BÐQ hoảng hốt gỡ bỏ phù hiệu và thiêu hủy thẻ quân nhân, nhưng vị TÐT vẫn bình tĩnh và gan dạ chỉ huy cuộc phòng thủ và phản công. Có lúc địch quân đông như kiến tràn vào, tôi đã phải dùng súng M-16 bắn hết băng đạn này đến băng đạn khác vào những đợt xung phong biển người. Ðịch chết như rạ nhưng vẫn liều lĩnh xông vào. Có lúc toán tiền phong cảm tử của địch đã lọt được vào trong vị trí phòng thủ, nhưng bị các chiến sĩ BÐQ can trường dùng lưỡi lê và lựu đạn cận chiến đánh bật ra trong vòng 10 phút. Sáng hôm sau, chúng tôi bắn hết đạn, tôi thấy các chiến sĩ Mũ Nâu phải đi lật từng xác đồng bạn cũng như xác địch để kiếm thêm đạn dược và vũ khí còn xử dụng được. Những người còn chiến đấu được thiết lập một tuyến phòng thủ quanh hầm chỉ huy để sẵn sàng tử chiến".

Sang ngày 20 tháng 2, ngay từ lúc hừng đông, khi lớp sương mù chưa tan hết trên rừng núi Hạ Lào, từng đợt phi cơ đủ loại đã ào tới trợ chiến. Bắt đầu từ lúc 7 giờ 30 sáng cho tới 2 giờ 30 chiều, tổng cộng có 32 phi vụ oanh tạc yểm trợ cho hai căn cứ BÐQ đang bị vây hãm khiến hàng trăm Cộng quân bị tan xác. Mặc dầu bị thiệt hại rất nặng vì hỏa lực phi pháo, Cộng quân vẫn không rời bỏ trận địa và được yểm trợ đắc lực bằng một rừng phòng không đủ loại tạo thành màng lưới lửa dầy đặc khiến trực thăng tiếp tế và tản thương không thể nào vượt qua nổi. Nhiều phi công trực thăng Hoa Kỳ cố lao qua bức tường lửa phòng không nhưng chỉ có hai trực thăng may mắn đáp xuống được trong khoảnh khắc. Khi cất cánh, cả hai phi cơ này đều bị trúng đạn phòng không, một chiếc phải đáp khẩn cấp xuống căn cứ BÐQ Nam, chiếc kia may mắn bay được tới CCHL 30 xa hơn về phía Nam.

Ðến trưa , các máy bay quan sát báo cáo Cộng quân lại pháo kích dữ dội và có chừng 400 đến 500 tên đang vây kín vị trí của TÐ 39 BÐQ. Những trận mưa pháo liên tiếp của địch khiến ngọn đồi nhỏ như vỡ tan thành từng mảnh vụn. Những lớp bụi đất đá Hạ Lào màu vàng nhạt liên tục tung lên sau mỗi đợt pháo kích, che phủ cả các chiến sĩ Mũ Nâu anh dũng vẫn gìm sùng chờ địch dưới giao thông hào. Không được tăng viện, không được tiếp tế, không được tản thương, số tổn thất mỗi lúc một cao và đạn dược đã hết sau nhiều ngày tử chiến, số mạng của các chiến dĩ TÐ 39 BÐQ như chỉ mành treo chuông. Mọi yểm trợ sinh tử cứu nguy chỉ còn trông mong vào các phi cơ Hoa Kỳ và pháo binh từ các vị trí bạn bắn tới.

Ðúng lúc đó, một toán trực thăng từ Khe Sanh bay đến để tiếp tế khẩn cấp cho TÐ 39 BÐQ bằng mọi giá. Các trực thăng võ trang hộ tống thay phiên nhau nã hỏa tiễn và đại liên như mưa lên đầu địch cho tới khi hết đạn, trong khi các trực thăng tiếp tế lượn vòng trên cao để chờ cơ hội, nhưng vẫn không thể nào đáp xuống được. Dưới đất, ngọn đồi nhỏ đôi bên dành giự đã mấy ngày đêm hầu như trơ trụi, tan nát vì bom đạn. Mặc dù trực thăng võ trang oanh kích dữ dội, Cộng quân chấp nhận thiệt hại, tràn tới gần vị trí phòng thủ cuối cùng là hầm chỉ huy của Thiếu tá Khang.

Chung quanh đó, các chiến sĩ BÐQ cận chiến với địch quân, dành nhau từng khúc giao thông hào hay hố cá nhân giữa hàng trăm xác chết. Mãnh hổ nan địch quần hồ, Thiếu tá Khang nhận thấy tình thế đã không còn cách cứu vãn và vị trí sắp bị địch tràn ngập nhưng ông vẫn muốn ở lại chiến đấu vì không đành lòng bỏ lại các chiến hữu bị thương. Tuy nhiên, chỉ ít lâu sau, trước số lượng địch quân quá đông và các chiến sĩ BÐQ đã bắn hết đạn, Thiếu tá Khang đành cho lệnh rời bỏ căn cứ.

Trong lúc anh Fujii chuyển lời của Thiếu tá Khang thông báo cho các phi cơ Hoa Kỳ biết Căn Cứ BÐQ Bắc không còn cố thủ được nữa, các chiến sĩ BÐQ lại đi thu lượm vũ khí và đạn dược của ta cũng như địch để tổ chức một cuộc rút kui có trật tự dưới sự chỉ huy của vị TÐT can trường. Vào giây phút nguy kịch đó, một trực thăng Huey lao xuống bãi đáp, xô vội ra mấy thùng đạn. Anh y tá Fujii cố chạy ra trực thăng dù đạn AK của Công quân bắn theo dữ dội khiến bụi đất tung tóe khắp nơi. Anh này phóng được lên trực thăng, nhưng khi vừa bay kên, trực thăng bị bốc cháy vì trúng đạn phòng không. May mắn, hai phi công Lloyd và Nelson đáp khẩn cấp được xuống căn cứ BÐQ Nam cách đó chừng 4 cây số.

Ðến chiều ngày 20 tháng 2, từ trên phi cơ nhìn xuống, các công sự và sườn đòi quanh căn cứ BÐQ Bắc phủ ngập xác Cộng quân. Tiểu Ðoàn 39 BÐQ kiệt lực, hết đạn vì những trận cường tập liên tiếp hết ngày này sang ngày khác của Cộng quân vối quân số đông hơn gấp 10 lần. Cuối cùng, các chiến sĩ Mũ Nâu phải mở một con đường máu xuyên qua vòng vây của Cộng quân. Dưới quyền điều động của Thiếu tá Khang, các sĩ quan và binh sĩ còn mạnh khỏe đi đầu, thương binh được dìu theo sau. Bộ Tư Lệnh Hành Quân tại Khe Sanh và LÐ 1BÐQ tại Phú Lộc mất liên lạc vô tuyến với TÐ 39 BÐQ lúc 5 giờ 10 chiều ngày 20 tháng 2. Mãi tới khuya mới nhận được tin thành phần còn lại của TÐ 39 BÐQ, gồm gần 200 quân nhân trong số đó có 107 người còn khả năng chiến đấu và 92 người bị thương, đã di chuyển đến được căn cứ BÐQ Nam cùng với vũ khí. Theo các tài liệu báo cáo của Hoa Kỳ, trong tổng số trên 400 quân nhân, thiệt hại của TÐ 39 BÐQ được ghi nhận là 178 người chết hay mất tích, 148 bị thương. Thiệt hại về phía Cộng quân gồm 639 chết và gần 500 vũ khí bị phá hủy hay tịch thâu.

Sau khi TÐ 39 BÐQ rút đi, dưới hỏa lực khủng khiếp của phi pháo dội thẳng vào vị trí, Căn Cứ BÐQ Bắc trở thành một bãi tha ma lớn chôn vùi hàng trăm Cộng quân "sinh Bắc tử Nam". Trên đỉnh đồi, gần hầm chỉ huy của Thiếu Tá Khang, cảnh tượng còn hãi hùng hơn. Từng đống xác Cộng quân tan nát không còn nhận ra hình thù vì bom đạn của phi cơ Hoa Kỳ vá pháo binh VNCH. Mùi thuốc súng, mùi bom đạn, mùi thịt người chết chết cháy khét lẹt vì bom napaln ... khiến bầu không khí trở nên rùng rợn, nghẹt thở. Tuy máy bay chỉ đếm được 639 xác Cộng quân, nhưng còn hàng trăm xác khác bị vùi sâu trong hầm hố hay tan nát cùng đất đá Hạ Lào không thể đếm được.

Trên đường di tản đến căn căn cứ BÐQ Nam, binh sĩ TÐ 39 BÐQ phải đạp qua hàng trăm xác địch nằm ngổn ngang quanh căn cứ và lội qua những con "suối máu" tràn ngập kbắp chân đồi. Thiếu tá Khang cũng cho biết khi rời bỏ căn cứ, chính mắt ông đã nhìn thấy hàng đống xác Cộng quân chết thành từng chùm ba, bốn chục tên. Về hỏa lực phòng không của Cộng quân tại vùng căn cứ BÐQ Bắc, trong một dịp tiếp xúc mới đây, Thiếu Tá Khang cho biết ông không rõ chi tiết về các ổ phòng không của Cộng quân bố trí dọc theo đường bay tới căn cứ. Nhưng các trực thăng đã bị bắn lên dữ dội từ xa. Riêng quanh vị trí BÐQ Bắc, địch đặt rất nhiều súng cối đã điều chỉnh sẵn nên pháo kích rất chính xác, gây thiệt hại nặng cho những trực thăng vừa đáp xuống.

Về việc yểm trợ của phi cơ Hoa Kỳ, nhất là trực thăng, Thiếu Tá Khang nói dường như các phi cơ chỉ bắn phá với mục đích yểm trợ ưu tiên cho trực thăng đáp xuống để bốc anh y tá Fujii ra. Còn phần yểm trợ cho TÐ 39 BÐQ phòng thủ căn cứ chỉ là thứ yếu. Riêng phi công trực thăng tản thương Hoa Kỳ Joel Dozhier (DMZ Dust Off) kể lại về phi vụ của anh như sau:

"Chiều tối hôm đó, toán tản thương chúng tôi được lệnh phải chuẩn bị gấp 5 trực thăng để tản thương chừng 100 người tại căn cứ BÐQ Bắc. Thuyết trình viên cho biết có rất nhiều vị trí phòng không địch trong vùng nên Bộ Tư Lệnh Hành Quân đã dự trù một hàng rào đạn pháo binh hình móng ngựa để bảo vệ các trực thăng bay bên trong. Lúc đó, chúng tôi đã bay tản thương suốt ngày nên ai nấy đều mệt mỏi, do đó có phi công đề nghị hãy hoãn phi vụ đến sáng mai. Bộ Tư Lệnh trả lời rằng tình hình rất nghiêm trọng, rất có thể sẽ chẳng còn ngày mai cho căn cứ BÐQ Bắc! Vì vậy, toán trực thăng phải lên đường gấp. Chúng tôi đã thiết lập đội hình và kế hoạch lần lượt bay vào bên trong hàng rào hỏa lực. Khi tất cả đã vào trong hình móng ngựa tưởng tượng, lúc đó pháo binh sẽ chuyển xạ tiến lần về căn cứ BÐQ Bắc. Nhưng khi sắp sửa thi hành, không may một trực thăng trong toán là Dust Off 30 bị tai nạn trong lúc đổ xăng nên chúng tôi lại phải dành một chiếc khác trong toán để đưa những phi công bị thương về Quảng Trị. Vì chỉ còn lại có 3 chiếc, Bộ Tư Lệnh phải kiếm thêm một chiếc nữa để thay thế. Khi trực thăng này tới thì đã quá trễ. Chúng tôi hay tin căn cứ BÐQ Bắc đã di tản nên công tác được hủy bỏ".

Sau đây là lời tường thuật của một số nhân chứng Hoa Kỳ và Việt Nam có mặt tại căn cứ BÐQ Bắc khi vị trí này bị thất thủ.

Trung Tá Robert F. Molinelli, Chỉ Huy Trưởng Phi Ðoàn 2, Lữ Ðoàn 17 Không Kỵ Hoa Kỳ là người có mặt trên không phận căn cứ BÐQ Bắc trong lúc trận đánh diễn ra ác liệt nhất, đã mô tả:

"Quân số địch đông hơn TÐ 39 BÐQ ít nhất 8 lần. Trong 3 ngày liền, hỏa lực phòng không địch cực kỳ dữ dội khiến trực thăng của chúng tôi không thể nào đáp xuống để tiếp tế hay tản thương. Khi đã bắn hết đạn, các chiến sĩ BÐQ phải lật từng xác địch quân để tìm kiếm vũ khí và đạn dược của chúng để tiềp tục chiến đấu. Lúc phải rời bỏ vị trí, TÐ 39 BÐQ đánh xuyên qua lực lượng bao vây của cả một Trung Ðoàn địch, dùng chính vũ khí của Cộng quân để đánh lại chúng".

Ðại Úy Không quân William Cathay, một phi công phản lực cơ Phanton F-4 thuộc Phi Ðoàn Khu Trục 40, nói: "Căn cứ BÐQ Bắc trông giống như một bãi chiến trường hồi đệ nhị thế chiến. Chúng tôi đã thả bom napalm thật gần, chỉ cách quân bạn chừng 100 thước. Chúng tôi còn trông thấy rất rõ ràng địch quân đang ẩn nấp dưới giao thông hào".

Trong tác phẩm "Tử Thủ Căn Cứ Hỏa Lửc 30" của Ðại Úy Pháo Binh Trương Duy Hy, Pháo Ðội Trưởng Pháo Ðội C/44 Pháo Binh, có kể lại việc Hạ Sĩ Phan văn Ðăng thuộc Ðại Ðội 1, TÐ 39 BÐQ, khoảng trên 20 tuổi, người Huế, đã thuật lại những giờ phút oai hùng nhất của TÐ 39 BÐQ như sau: "Sau ngày toàn thắng 19 tháng 2, TÐ 39 BÐQ chiến thắng lớn, tịch thu trên 500 vũ khí đủ loại, phá nát các kho chứa hàng ven đường mòn Hồ Chí Minh, giết trọn một Tiểu Ðoàn Cộng quân, xác nằm la liệt trên trận địa. Sau đó, chúng phản công mãnh liệt, đại đội của anh bắn đến viên đạn cuối cùng mới rút đi theo lệnh của Thiếu tá Khang, TÐT". Anh Ðăng còn cho biết Cộng quân đã thí mạng khủng khiếp chưa từng thấy so với mấy chục trận đụng độ ác liệt anh từng tham dự trong chiến trường quốc nội. Ðại Ðội của anh đã phải cận chiến vô cùng dữ dội với địch quân để giữ vững vị trí. Sau cùng, Ðại Ðội của anh phải phân tán mỏng để khỏi bị biển người của Cộng quân tiêu diệt.

Nhìn chung, nếu so sánh thiệt hại về nhân mạng cũng như vũ khí, TÐ 39 BÐQ đã thắng lớn với tỉ số nhân mạng 1 đổi 10. Nhưng về mặt chiến thuật, việc căn cứ BÐQ Bắc bị thất thủ được coi như một bước lùi quan trọng trong kế hoạch tấn công của cuộc hành quân Lam Sơn 719. Chẳng những TÐ 39 BÐQ đã không còn khả năng tác chiến, mà màng lưới phòng thủ mặt Bắc của QLVNCH cũng đã bị thủng một lỗ lớn khiến Cộng quân dễ dàng theo đó tràn sâu xuống vùng hành quân Nam gần đường số 9.

(Còn tiếp)


Phần 1 - Phần 2 - Phần 3 - Phần 5 - Phóng đồ Hành Quân LS 719 - Phóng đồ các trận đánh của BÐQ























































Free Web Hosting